NHỮNG CƠN SỐT VỀ CHIỀU
Tác giả : Ngô Minh Hằng
Mấy tháng nay thỉnh thoảng chị hay có những cơn sốt về chiều. Trời tháng 5, Sài Gòn như đổ lửa. Nhà chị, căn nhà trệt nhỏ xíu trong xóm lao động, bề ngang 2m8 bề dài khoảng 12 mét, mái tôn thấp lè tè, thỉnh thoảng mới có chút gió mang đầy hơi nóng từ khoảng sân lộ thiên phía sau - nơi sàn nước nhỏ bằng chiếc chiếu - lùa vào, vậy mà khi lên cơn sốt, chị vẫn cảm thấy gây gây lạnh.
Sau ngày 30/4 chị từ từ gầy đi, chỉ gầy thôi chứ chị không bị sốt. Hơn nửa năm sau, khi khám sức khoẻ để chuẩn bị nhận nhiệm sở, chị chỉ còn 33kg. Vì thiếu giáo viên và không muốn chị bị loại chỉ vì không đủ cân, cô y tá tốt bụng ghi vào sổ sức khoẻ là chị cân nặng 35kg. Đó là số cân tối thiểu mà nhà nước VC tuyển giáo viên cuối năm 1975- đầu năm 1976- sau khi một tháng học chính trị không lương.
Bốn năm sau, số cân của chị không giảm thêm nhưng chị lại bị sốt về chiều. Những cơn sốt không cao nhưng thỉnh thoảng vẫn đến. Khi cơn sốt qua đi, chị thấy mền mệt. Biết rằng mình bịnh nhưng chị quá bận và không được nghĩ đến điều này. Xấp chính tả của học trò nằm trên bàn chờ chấm điểm. Bốn đứa con từ 4 đến 9 tuổi chờ được tắm và cho ăn cơm. Thau quần áo chờ được giặt. Nền nhà xi măng cần được lau. Tối thứ Bảy phải ra phường họp tổ dân phố. Tổ dân phố thường họp từ 8 đến 9:30 tối nên chị phải đưa các con đi cùng. Đó là thời gian mẹ con chị được ngồi bên cạnh nhau lâu nhất mặc dù mỗi chiều đi dạy chị đều đi với các con. Đến nơi, con đầu vào lớp 2, con kế vào lớp 1. Hơn một năm nay, từ ngày cô cháu gái tìm được việc làm, không ở với chị nữa thì chị được cô hiệu trưởng thông cảm, cho phép hai đứa nhỏ vào ngồi trong lớp chị, ở cái ghế trống cuối lớp.
Cũng may là con chị ngoan, ngồi xem chị dạy học, không gây trở ngại gì cho chị, trừ những lúc chị phải đưa con đi vệ sinh. Chủ Nhật, tuần nào phải trực trường hay đi thủy lợi, chị phải dậy sớm nấu cơm để ở nhà cho các con, dặn dò đứa lớn coi đứa bé và 6 giờ sáng chị phải có mặt ở trường. Chiều 6 giờ về, nấu vội cơm cho con ăn. Chủ Nhật hay buổi tối nào có khách hẹn thì chị đạp xe đến nhà họ để coi tử vi cho họ. Khách của chị thường là những người tìm được mối đi vượt biên nhưng chắc vì tâm lý, muốn nhờ chị coi thêm cho an tâm trước khi dùng vàng đặt cọc cho chủ ghe.
Công việc hằng ngày bận rộn là thế, tiền lương dạy học hàng tháng của chị có 60 đồng trong khi rau muống 5 đồng một bó nhưng một gói bột ngọt gần nửa kg từ Mỹ gởi về lại bán được 350 đồng, một hộp kem đánh răng bán được 170 đồng nên chị rất cần những người khách coi tử vi này để có tiền nuôi con và có tiền mua thực phẩm tiếp tế cho chồng đang tù cải tạo.
Nhờ Trời, một số người ra đi thành công, nhớ đến chị, họ gởi quà về vừa làm quà, vừa giúp chị. Đúng là Trời sinh voi thì Trời sinh cỏ. Nếu như không nảy sinh ra "nghề tay trái" coi tử vi, dù phải đến nhà từng người coi chui, coi lén và nếu không có những thùng quà ơn nghĩa gởi về, chị sẽ không thể nào nuôi sống bản thân chứ đừng nói đến nuôi bày con 4 đứa và không hề bỏ sót một chuyến thăm tù.
Nhận được phiếu đi thăm chồng từ tuần trước, thế là cả tuần, ngoài những việc phải làm hằng ngày, chị lại tất bật lo mua sắm, nấu nướng, gói ghém cho chuyến thăm nuôi. Cái gì bỏ vào miệng, nuôi sống người lúc bấy giờ đều rất đắt. Ở ngoài, dân nhiều người đói khổ, thương anh trong tù không no, mỗi chuyến thăm chị dùng bao gai đựng gạo loại 50kg để đựng thực phẩm. Cứ một bao cá mắm như thế chị tốn từ 400 đến 600 đồng. Tiền coi tử vi, tiền bán những thùng quà từ ngoại quốc gởi về phần lớn chui vào những bao gai đó. Mỗi lần nhận được phiếu đi thăm nuôi chị đều báo cho cha mẹ anh biết. Chưa bao giờ cha mẹ anh giúp chị một đồng để mua thực phẩm cho con trai họ. Quà họ gởi theo mỗi lần là một gói thuốc lào, ghi rõ trên giấy gói là "quà của thày mợ".
Chiều hôm trước ngày đi thăm, cơn sốt lại đến. Sau khi nấu cơm cho các con ăn, chị lạnh quá leo lên giường nằm đắp mền. Khi cơn sốt qua đi, chị thấy mệt nhiều. Tối đến khi buộc lại cái bao gai thăm nuôi, chị thấy sức mình yếu quá, không nâng nổi mấy chục kilô quà. Nghĩ đến chặng đường từ bãi đậu xe đến cổng trại thăm nuôi chị bỗng lo ngại. Bọn VC muôn đời vẫn ác. Chúng biết là người đi thăm tù cải tạo thì ít nhiều gì cũng có quà bánh, thực phẩm đem theo nên chúng đày đọa đến cùng. Chúng ra lệnh không chiếc xe nào được đổ khách trước cộng trại mà phải đổ khách cách cổng trại gần hai cây số. Những lần thăm nuôi trước, khoảng đường gần hai cây số đó chị vẫn cố gắng vác bao quà nặng hơn số cân của chị trên vai nhưng hôm nay, sau cơn sốt, chị thấy yếu đi nhiều và e ngại ngày mai không vác nổi.
Đang lúc không biết tính sao thì chị Mùi đem sang cho con chị một chén bắp rang. Chị Mùi là bạn hàng xóm, lớn hơn chị ba tuổi, có 6 con, chồng chị chết vì vi trùng uốn ván năm 1976 khi đi thủy lợi. Chị Mùi lấy chồng sớm, con gái đầu được 17 tuổi, ngoan, tháo vác. Mẹ con chị sống bằng gánh bún măng vịt, mỗi sáng bán ngay đầu xóm. Thấy mặt chị xanh xao, hốc hác, được biết chị vừa qua cơn sốt và ngày mai phải đi thăm nuôi chồng tù, chị Mùi về sắp xếp cho con gái sáng mai bán bún một mình và cũng sáng sớm hôm ấy, chị Mùi đã tình nguyện đi thăm nuôi cùng chị để vác giúp bao quà.
Khoảng nửa năm sau, bằng một phép màu của Thượng Đế ban xuống thật bất ngờ, chị và 4 con nhỏ vượt biên thành công. Những ngày ở trại ṭy nạn, chị được khám bịnh và được biết là bị lao phổi. Ở trại ṭy nạn đúng nửa năm, cuối tháng Tám năm 1980, gia đình chị được định cư tại Mỹ. Sau gần ba năm chữa trị, phổi chị đã được chữa lành nhưng vĩnh viễn lưu lại hai vết thẹo, mỗi vết to bằng đồng 10 xu ở hai lá phổi. Đó là chứng tích của gần năm năm sống dưới chế độ bạo tàn cộng sản, của những ngày sầu lo, vất vả nuôi bốn con thơ và nuôi chồng tù cải tạo.
Ngô Minh Hằng
Ngày 02/08/2022
No comments:
Post a Comment