NHỮNG NÉT VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA UKRAINE
Không ít người ngộ nhận rằng Ukraine là một quốc gia có lịch sử ra đời gắn liền với liên bang Xô Viết. Trên thực tế, đất nước Đông Âu này đã trải qua quá trình hình thành và phát triển từ rất lâu đời. Đang trong thời kỳ kháng chiến khốc liệt, các dấu tích văn hóa và lịch sử của Ukraine đứng trước nguy cơ bị tàn phá. Thế nhưng, có những điều mà không súng đạn nào, không lời đe dọa hạt nhân nào, không bạo lực nào có thể xâm phạm. Đó là các giá trị văn hóa, truyền thống đã được tích lũy từ ngàn đời của quốc gia này mà chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sau đây.
Ảnh: Cinta Sejati
Người Ukraine thích mặc đồ truyền thống cả trong ngày thường
Không cần phải chờ đến các dịp lễ truyền thống hay festival người Ukraine mới trưng diện những chiếc áo vyshyvanka. Đây một loại trang phục truyền thống được thêu đính rất tỉ mỉ, tinh tế. áo vyshyvanka có nền vải trắng, trang trí hoa lá hoặc hình khối cầu kỳ nhưng không hề rối mắt vì các họa tiết thường chỉ tập trung ở những đường viền, hai bên cánh tay và trước ngực.
Ảnh: Ukrainian Recipes
Người Ukraine cả nam và nữ đều rất thích mặc vyshyvanka trong cuộc sống thường ngày, nên các nhãn hàng thời trang nơi đây luôn cho ra mắt những mẫu thiết kế mới. Vyshyvanka hiện đại mang chút phong cách boho: e ấp, thanh lịch mà không kém phần man dại, gợi cảm và lãng mạn.
Uống rượu pha giấy đốt cháy mừng năm mới
Phong tục thú vị này được thực hiện trong đêm giao thừa. Để chuẩn bị, người Ukraine viết điều ước cho năm mới của mình lên một mảnh giấy. Khi đồng hồ điểm mười hai giờ đêm, mảnh giấy ước được đốt cháy, pha vào ly rượu champagne. Người ta 'nốc' cạn ly rượu này với hy vọng điều ước sẽ linh nghiệm trong suốt cả năm.
Ảnh: Pinterest
Ở Ukraine có hai dịp đón năm mới là Tết cổ truyền và Tết Tây. Tết Tây (rơi vào ngày 1/1 dương lịch hàng năm) là dịp đón năm mới chính thức ở Ukraine. Sau đó, vào đêm 13/1, người ta lại ăn mừng thêm một đêm giao thừa, và ngày 14/1 chính là Tết cổ truyền của người dân nơi đây. Nguyên nhân là quá trình chuyển đổi từ lịch Julius sang lịch Gregorius vào năm 1918 khiến cho Tết cổ truyền của người Ukraine chậm đúng 13 ngày so với Tết Tây.
Tắm trong hồ băng
Ảnh: 112 International
Truyền thống này mang màu sắc tôn giáo, nhằm kỷ niệm Lễ Hiển Linh. Theo đó, vào ngày 19/1 hàng năm, người dân nhảy xuống hồ băng đục thành hình thập tự và đắm mình trong làn nước lạnh giá. Người Ukraine tin rằng việc này không những không thể khiến họ bị ốm, mà còn giúp chữa lành bệnh tật. Niềm tin này cũng phổ biến ở nhiều nước theo đạo Thiên Chúa khác và bạn sẽ không khó bắt gặp cảnh một tốp người thi nhau nhảy ùm xuống hồ trong cái lạnh thấu xương.
Không thích khách sáo
Ảnh: Ukrainetrek
Người Ukraine rất thân thiện. Họ rất dễ kết bạn và thích tụ tập, trò chuyện rôm rả. Khách du lịch đến từ một vài quốc gia khác có thể sẽ hơi bất ngờ bởi độ…ồn ào của người dân bản xứ, thế nhưng nếu quen thì sẽ thấy đây là một nét văn hóa rất dễ thương. Nếu bạn cư xử khách khí, 'đi nhẹ nói khẽ cười duyên' trong một bữa tiệc, sẽ dễ bị coi là kỳ lạ ở Ukraine. Thay vào đó, hãy cứ thoải cười nói phớ lớ hoặc hát hò thâu đêm cùng họ nhé!
Mở tiệc ăn uống ở…nghĩa địa
Người Ukraine thường tổ chức các cuộc gặp gỡ, ăn uống ở bên mộ của người thân trong tuần lễ tưởng niệm (từ lễ Phục sinh cho đến 9 ngày sau đó) với niềm tin rằng người đã khuất sẽ không cảm thấy cô đơn hay bị lãng quên. Nhiều người cho rằng, các bậc ông bà tổ tiên rất thích con cháu đến thăm mộ và kể cho họ nghe những kỷ niệm đẹp.
Ảnh: The Baltimore Sun
Phong tục này ra đời từ trước khi đạo Thiên Chúa du nhập vào Ukraine, và mang màu sắc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Ngày nay, nhà thờ không ủng hộ việc này, nhưng nhiều người Ukraine vẫn đến thăm nom mộ phần, trò chuyện, thưởng thức đồ ăn nhẹ và để phần cho cả người thân đã yên nghỉ.
Vẽ trứng Phục sinh là cả một nghệ thuật
Ảnh: The Baltimore Sun
Đối với nhiều người, việc vẽ trứng trong dịp lễ Phục sinh ngoài mang ý nghĩa truyền thống thì cũng chỉ 'vui là chính'. Nhưng ở Ukraine, những 'người chơi hệ tâm linh' coi những quả trứng là điềm lành, do đó việc trang trí phải rất cầu kỳ và mỗi màu sắc được sử dụng phải bao hàm ý nghĩa nào đó. Ví dụ: màu đỏ đại diện cho may mắn, màu xanh đại diện cho hy vọng, màu vàng lại hứa hẹn những vụ mùa bội thu.
Mua… cô dâu trong lễ cưới
Truyền thống này không hề mang tính chất coi thường phụ nữ mà chỉ đơn giản là một nghi thức trong đám cưới ở Ukraine. Theo đó, cùng với bạn bè và những người phụ lễ, chú rể sẽ phải tham gia trò chơi 'tranh đoạt' cô dâu bằng tiền hoặc rượu vodka để cho thấy rằng con gái nhà người ta không phải dễ mà rước được về dinh, và mình đủ khả năng chăm lo cho hiền thê cả đời.
Ảnh: Destinations UA
Ngoài ra, ở Ukraine, vai trò của người làm mối là rất quan trọng. Chàng trai sẽ nhờ những bậc trưởng bối trong làng đứng ra làm mối. Sau đó, họ sẽ cùng đi đến nhà cô gái, gõ cửa ba lần để thông báo và xin phép bố mẹ cô gái cho phép đôi trẻ nên duyên. Nếu bố mẹ cô gái đồng ý, họ sẽ tặng khăn thêu cho đoàn xin dâu, mời ở lại dùng bữa. Nếu bị từ chối, chàng rể 'hụt' cùng người làm mối sẽ được mời rượu vodka. Đôi khi, bố mẹ cô gái sẽ thách cưới bằng cách đặt ra một số yêu cầu cho bên đằng trai.
Trẻ em đi gieo hạt và xin kẹo hàng xóm vào Giáng sinh
Giáng sinh ở Ukraine bao gồm rất nhiều phong tục đẹp. Người ta mời bạn bè, người thân đến dùng tiệc với 12 món ăn truyền thống, cùng ca hát, gợi nhớ lại sự kiện năm cũ và chúc nhau những điều tốt lành. Trẻ em Ukraine đi đến từng nhà hàng xóm, hát các bài hát truyền thống tặng chủ nhà, gieo hạt mầm lúa mạch hoặc lúa mỳ lên sàn như lời chúc một năm hạnh phúc và thịnh vượng. Để thưởng cho những đứa trẻ, chủ nhà sẽ tặng các em bánh kẹo hoặc tiền tiêu vặt.
Tuần lễ bánh kếp
Đúng như tên gọi, trong suốt kỳ hội truyền thống này (tuần lễ Maslenitsa), người Ukraine làm và thết đãi nhau những chiếc bánh kếp tươi ngon. Maslenitsa không có ngày cố định mà phụ thuộc vào lịch của lễ Phục sinh và rơi vào tuần cuối cùng ngay trước Mùa Chay.
Ảnh: The Odessa Review
Tuần lễ bánh kếp được tổ chức trên khắp đất nước nhằm chào đón mùa xuân. Đây được coi là một trong những dịp lễ vui nhất của xứ Ukraine. Người ta dành cả tuần để gặp gỡ bạn bè, người thân, mở hội, tổ chức các cuộc vui, và đánh chén no say. Đến ngày cuối cùng của tuần lễ Maslenitsa, người Ukraine dựng và đốt những con hình nhân biểu tượng cho mùa đông như một nghi lễ đón chào sự hồi sinh của thiên nhiên, đất trời.
Nam Mai sưu tầm
No comments:
Post a Comment