Lấy Yêu Thương Xóa Bỏ Hận Thù
Tại một nơi sâu hun hút trong khu rừng Hürtgen, một phụ nữ Đức tên Elisabeth Vincken dẫn theo cậu con trai 12 tuổi Frisbey lánh đến đây dựng một căn nhà gỗ ở tạm, bởi tiệm bánh của họ trong thành phố đã bị những trận oanh tạc trên không của quân đồng minh phá hủy tan tành.
Đêm giáng sinh, hai mẹ con Frisbey rất mong chồng và cha của họ đang làm việc trên thị trấn về nhà đoàn tụ, cùng đón Chúa sinh ra đời. Thế nhưng hôm đó tuyết rơi nhiều bao trùm cả ngọn núi nên có thể bố của Frisbey khó trở về nhà.
Đột nhiên, tiếng gõ cửa dồn dập vang lên. Cậu bé Frisbey ngỡ rằng cha về, vội chạy ra mở cửa song mẹ cậu đã nhanh hơn. Elisabeth vừa hé cửa thì thấy có 2 binh sĩ đội mũ cối sắt đứng ngoài, còn 1 người khác đang nằm trên tuyết nhìn như đã chết.
Elisabeth ý thức ngay được rằng đó là lính Mỹ - đối thủ không đội trời chung của quân Đức thời điểm đó.
Họ thuộc sư đoàn 8 binh đoàn bộ binh 121, bị lạc mất đội và loanh quanh trong rừng sâu suốt 3 ngày, vừa phải tìm cách tránh quân Đức, vừa phải tìm lối thoát. Vừa đói vừa rét, người họ thâm tím, trong đó 1 người bị trúng đạn ở chân, mất rất nhiều máu, có thể sống được hay không chẳng ai có thể nói được vào lúc đó.
Mặc dù có súng trong tay song họ vẫn gõ cửa nhà Elisabeth một cách lịch sự.
Người mẹ dù không hiểu họ nói gì những cô hiểu ý của những binh sĩ Mỹ. Trầm ngâm một lúc, cô mời họ vào nhà và đưa người bị thương lên giường của Frisbey nghỉ ngơi, giúp anh ta làm ấm tay, đồng thời sai con đi bắt gà, lấy thêm vài củ khoai tây để làm cơm giáng sinh.
Không lâu sau, mùi gà nướng thơm phức đã bay ngào ngạt khắp nhà. Cùng lúc đó, Elisabeth nhận ra cô có thể nói chuyện với một lính mỹ bằng tiếng Pháp, không khí căng thẳng trong nhà lập tức giảm đi rất nhiều.
Một lúc sau, lại có tiếng gõ cửa dồn dập vang lên. Frisbey chạy ra mở cửa. Thấy 4 lính Đức đứng ngay trước cửa, cậu bé quá đỗi sợ hãy, người như bị đóng băng. Dù là trẻ con, Frisbey cũng biết rõ quy định của Đức quốc xã khi đó, rằng cứ chứa chấp quân địch là giết ngay, không cần giải thích.
Elisabeth điềm tĩnh bước ra, nói với viên sĩ quan chỉ huy trong nhóm: "Giáng sinh an lành!"
Viên sĩ quan nói anh ta và cấp dưới của mình bị lạc đường, muốn ở nhờ trong nhà Elisabeth một đêm.
Người phụ nữ này vẫn bình tĩnh trả lời: "Mời các anh vào nhà cho ấm, và cũng mời các anh ăn cơm giáng sinh với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những vị khách khác, họ không phải là bạn của các anh, hi vọng các anh có thể chấp nhận họ."
Viên sĩ quan người Đức lập tức cảnh giác và hỏi dồn: "Ở trong nhà có người? Chúng là người Mỹ?"
Elisabeth đáp: "Vâng, hôm nay là đêm giáng sinh, không ai được phép động thủ, mời các anh để vũ khí ở bên ngoài."
Viên sĩ quan Đức nhìn Elisabeth một cái, rồi ra hiệu cho những người khác để vũ khí ngoài cửa trước khi bước vào nhà.
Những viên lính Mỹ trong phòng bỗng chốc trở lên căng thẳng, vội vã cầm chắc súng trong tay. Một người thậm chí còn rút súng lục, chuẩn bị bắn lính Đức đang tiến vào. Thế nhưng Elisabeth đã ngăn cản anh ta và lặp lại những câu nói mà cô vừa nói với lính Đức: "Hôm nay là đêm giáng sinh, không được phép tàn sát, hãy đưa súng cho tôi."
Và như thế, người phụ nữ thu hồi cây súng trong tay viên lính Mỹ đang lo lắng hơn là chủ động.
Elisabeth sắp xếp để khách ngồi quanh một cái bàn. Vì ngôi nhà khá chật hẹp nên lính Mỹ, lính Đức phải ngồi sát cạnh nhau, không khí rất căng thẳng. Hai bên, ai cũng nâng cao cảnh giác, đề phòng vì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Chỉ có nữ chủ nhà là vừa cười nói, vừa bận rộn chuẩn bị bữa tối giáng sinh.
Vài phút sau, mùi thức ăn hấp dẫn cộng thêm thái độ nhiệt tình của chủ nhà nên trạng thái căng thẳng dần dần được thả lỏng.
Một lính Mỹ lấy ra một hộp thuốc lá mời những viên lính Đức, trong khi một viên lính Đức lại rút ra một bình rượu vang và một cái bánh mỳ trong chiếc ba lô trên lưng ra chia cho mọi người. Một viên lính Đức thậm chí khi thấy viên lính Mỹ bị thương còn lại gần kiểm tra vết và xử lý lại vết thương cho người mà nếu ở chỗ khác, anh ta sẽ là kẻ thù không đội trời chung.
Vì được học qua trường y nên viên lính này có chút kinh nghiệm về y tế, lại có thể nói được tiếng Anh nên anh ta nói với viên lính Mỹ rằng vì trời lạnh, vết thương không bị nhiễm trùng nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Đến lúc này, sự hoài nghi lẫn nhau giữa hai nhóm lính mới bắt đầu tan biến.
Đồ ăn được đưa ra bàn. Elisabeth bắt đầu cầu nguyện trước bữa ăn. Cô cầu nguyện trong nước mắt:
"Cảm ơn Chúa đã ban ơn để mọi người có thể ngồi ăn chung một bữa trong trận chiến khủng khiếp này. Trong đêm giáng sinh hôm nay, chúng con đã hứa sẽ không coi nhau là kẻ thù mà sẽ đối xử hữu hảo với nhau, cùng thưởng thức bữa cơm giáng sinh đơn giản; chúng con cầu mong cuộc chiến đáng sợ này sẽ kết thúc trong thời gian sớm nhất để mọi người có thể bình an trở về quê hương của mình."
Elisabeth nói xong cũng là lúc nước mắt lăn dài trên má những người lính. Họ bị những lời cầu nguyện của nữ chủ nhà lay động, thù hận trên chiến trường bỗng chốc tiêu tan, lòng họ hướng về quê nhà, về người thân, ai nấy cũng đang mong hòa bình sẽ lập lại.
Dùng xong bữa tối cũng là 12h đêm, mọi người ra ngoài đi dạo. Lúc này, tuyết ngừng rơi và gió cũng đã ngừng thổi, trên trời sao sáng lấp lánh.
Sau đó, 7 viên lính vốn không đội trời chung vào nhà cùng ngủ một giấc thoải mái cho đến sáng hôm sau.
Chủ nhà làm một ít canh trứng gà cho viên lính Mỹ bị thương. Viên sĩ quan Đức thì lấy bản đồ ra chỉ cho lính Mỹ sơ đồ trận mạc và nhắc họ những nơi không nên đi tới. Thậm chí những viên lính Đức còn làm tặng cho viên lính Mỹ bị thương một cái cáng.
Hai bên cảm kích chào tạm biệt mẹ con Elisabeth rồi đường ai nấy đi.
Vào năm 1958, cậu bé Frisbey đã 26 tuổi, sau khi kết hôn và di dân sang Mỹ, anh đã cư trú tại Hawaii và mở một tiệm bánh Pizza. Nhờ có bạn bè cổ vũ động viên, Frisbey đã viết lại câu chuyện trên và gửi cho nhà xuất bản "Reader’s Digest".
Năm 1995, chương trình truyền hình "Unsolved mysteries" đã đem câu chuyện của Frisbey quay thành phim.
Không lâu sau, một nhân viên dưỡng lão viện ở thị trấn vùng Maryland gọi điện thoại cho người phụ trách tiết mục, nói rằng ở chỗ họ có một người lính già hay kể chuyện hệt như vậy.
Người lính đó là một trong ba người lính Mỹ đêm hôm đó, ông tên là Ralph. Rất nhanh, họ bố trí cho hai người gặp mặt.
Sau 52 năm xa cách, vào năm 1996, Frisbey và Ralph lại gặp nhau, hai người ôm nhau cảm động đến phát khóc. Ralph nức nở: "Mẹ cậu đã cứu sống chúng tôi".
Về sau, Frisbey lại tìm được thêm một người lính Mỹ, nhưng chưa tìm lại được ai trong số những lính Đức năm xưa.
Năm 2002, Frisbey qua đời, cùng năm ấy, Hollywood đã sản xuất bộ phim có tên "The Silent Night" dựa trên chính câu chuyên đầy chất nhân văn này.
Cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã dùng câu chuyện trên để tổng kết lại những gì ông có thể cảm nhận từ thế chiến thứ II, rằng "Cái thiện nhất định sẽ đẩy lùi cái ác, tự do nhất định sẽ đẩy lùi bá quyền!". Câu nói cho đến nay vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa và giá trị của nó.
Con người chúng ta ai cũng lấy thiện làm gốc, để đẩy lùi hiểm ác.
No comments:
Post a Comment