Chơi dzậy, chơi dzới ai?
Thỉnh thoảng chúng ta có nghe những tin tức không “đẹp” về những người Việt ở hải ngoại (ở hải ngoại thôi nhé, chớ ở trong nước thì... đếm hổng xuể), tôi cũng có vài câu chuyện, để… góp buồn.
Nhóm vượt biên của chúng tôi đi theo lộ trình của ban tổ chức dẫn đường, lên xe tại Sài Gòn vượt qua biên giới Cambodia nửa đêm, đến Pnom Penh nghỉ ngơi vài ngày, rồi bắt xe đến thành phố biển Kongpong Som. Đoạn đường này, chúng tôi bị bắt giam hai lần, sau đó ban tổ chức chuộc ra và đưa xuống tàu ra biển trực chỉ Thailand. Khi cả nhóm bị mắc cạn trên bãi đá ong sát bờ biển Thái lúc màn đêm dần xuống, lạnh run, hoảng hốt đốt áo quần giầy dép để kêu cứu, một chú kia đã chửi đổng chủ tàu tổ chức (đang ở Việt Nam) và tuyên bố sẽ không trả sáu cây vàng tiền vượt biên (chú ấy đi với thằng con trai). Cái này lạ à nhe! Nếu đêm đó thuỷ triều dâng lên, nhận chìm cả đám xuống đáy biển chầu Diêm Vương thì không ai phải trả tiền cho chủ tàu, nhưng khi vào được bờ, đến trại tỵ nạn thì phải trả cho người ta chớ. Trước khi đi, đã thoả thuận sòng phẳng, còn chuyện bị bắt ở Cambodia, chuyến hải hành gặp mưa bão, thừa chết thiếu sống là chuyện ngoài ý muốn, nào phải lỗi của chủ tàu? Nay đã vào trại, không bị hải tặc cướp bóc hãm hiếp, thì hà cớ gì đòi quịt tiền người ta?
Vài tháng sau khi đến trại, tôi hỏi chú ấy, vẫn câu hỏi cũ là trả tiền chưa, chú ấy gân cổ lên:
– Dĩ nhiên là chưa! Vì bây giờ phải đợi thanh lọc xem đậu rớt ra sao. Nếu đậu, qua được Mỹ tôi sẽ trả, còn nếu rớt, hồi hương về Việt Nam thì thôi.
Ủa, trại tỵ nạn đóng cửa là chuyện của Cao Uỷ, thanh lọc là việc của Bộ Nội Vụ Thailand, họ đâu có “bà con” gì với chủ tàu, mà kiếm cớ không trả tiền?! Cứ đà này, tôi dám ngờ rằng, nếu chú ấy có đậu thanh lọc, qua Mỹ, sẽ còn nhiều lý do lý trấu để chạy nợ, nào là mới qua chưa ổn định, rồi chờ có việc làm, sau đó phải mua nhà mua xe, chờ con cái học xong, dựng vở gả chồng êm xuôi… Nói theo ngôn ngữ bình dân bàn nhậu hay quán trà đá vỉa hè, thì chú này “chơi cha thiên hạ”. Khi mượn nợ thì năn nỉ ỉ ôi, xong việc rồi phải trả nợ thì xót xa, đứt từng khúc ruột.
Chơi dzậy, chơi dzới ai?!
Tiếp theo, là chuyện những người từ trại tỵ nạn, khi qua định cư nước thứ ba, được chính phủ cho vay tiền vé máy bay, sau này trả lại. Họ cũng biết chúng ta mới qua còn nhiều khó khăn, nên mỗi tháng gửi thơ đòi nợ rất lịch sự, có thể trả mức thấp nhất là mười đô, hoặc nhiều nhất là năm mươi đô, từ từ mà trả, vài năm cũng xong. Vậy mà có một vài người đi chung chuyến bay với tôi từ trại Thailand qua Canada, hớn hở khoe “thành tích” tuyệt chiêu rằng, mỗi tháng nhận thư đòi nợ là họ xé bỏ vào thùng rác, không quan tâm.
Sao vậy?
Tôi thắc mắc, họ đáp tỉnh bơ:
– Chính phủ Canada đã bảo lãnh mình qua đây theo diện nhân đạo, trợ cấp hai năm cho mọi chi phí ăn ở, sinh hoạt, mà có cái vé máy bay cũng đòi, nên tui hổng trả!
Ngon dữ hen! Luật của nước người ta như thế, xin đừng “tự diễn biến” rồi tự quyết định... xù nợ. Bộ kiếp trước Canada mắc nợ, nên giờ phải rước chúng ta qua, cho trợ cấp, bao luôn mọi thứ từ A đến Z hay sao? Thấy người ta nhân đạo rồi làm tới, thử hỏi nếu còn ở với cộng sản Việt Nam thì có dám không, hay lại líu ríu xếp hàng để nộp tiền cho họ?
Một thời gian sau tôi nghe tin, khi mấy người đó xin giấy tờ qua Mỹ chơi, đã bị phía Canada từ chối vì hồ sơ Sở Thuế còn ghi rõ: Nợ tiền vé máy bay chính phủ, “quên” thanh toán!
Chơi dzậy, chơi dzới ai?!
Cuối cùng là câu chuyện bà chị bên Texas kể lại: Có hai vợ chồng kia, làm chủ mấy tiệm nails, làm ăn thuận lợi khá giả. Họ thường tuyên bố với bạn bè rằng:
Tui hả, tui chỉ thích làm móng cho khách da trắng, vì dân đó... thơm tho, sạch sẽ và rộng rãi. Hễ có khách da màu, thì tui cũng đành phải tiếp, nhưng vừa làm vừa nín thở bởi “đám đó” hôi hám, nghèo và tào lao.
Trời! Màu da nào cũng có người này người kia chớ, sao lại vơ đũa cả nắm thế! Hơn nữa đã sống ở xứ Mỹ này thì không nên kỳ thị ai hết á, nhất là qua màu da, qua vẻ bên ngoài, áo quần đồ hiệu xe sang...
Nhưng họ vẫn phớt lờ lời góp ý của người xung quanh. Vì thế, sau một thời gian gom góp được nhiều tiền, họ liền từ giã khu nhà Việt Nam mà họ đã sống nhiều năm từ thuở hàn vi với cộng đồng người Việt, vì họ chê khu nhà cũ với người đồng hương là “nhiều chuyện, hay tò mò, lôm côm”. Họ hãnh diện hớn hở dọn qua khu nhà giàu, mua xe Mercedes sang trọng, hòa nhập với hàng xóm mới là những người giàu có trí thức, nào bác sĩ, luật sư, CEO.
Vậy mà chỉ hơn một năm sau, họ lại âm thầm dọn ra khỏi khu nhà giàu sang trọng ấy, hỏi ra mới biết lý do, họ bị chính những người hàng xóm “giàu có và trí thức” ấy phân biệt, kỳ thị!
– Kim Loan
(9/2022)
No comments:
Post a Comment