Nữ Hoàng băng hà, vạn tuế Đức Vua!
Nữ Hoàng Elizabeth II.
Nữ Hoàng Elizabeth II ngự trị Đế quốc Anh lâu dài nhứt lịch sử, 70 năm 7 tháng 2 ngày. Bà cũng là người được truyền thông khai thác nhiều nhứt. Tháng 2/1952, Bà nối ngôi vua cha George VI khi Staline còn cai trị Liên-xô, Truman lãnh đạo Huê kỳ, Vincent Auriol làm Tổng thống nước Pháp, và ông Tổng thống Emmanuel Macron hiện nay thì còn chưa sanh ra đời.
Triều đại của Bà dài hơn triều đại của bà cố Victoria, 63 năm 7 tháng nhưng thua Vua Louis XIV của Pháp, 72 năm 3 tháng. Elizabeth II được làm Nữ Hoàng là tình cờ số mạng. Theo thứ tự hoàng gia, Bà chỉ là hàng thứ vì Bà là con của con trai út của Vua George V. Thái tử David lên ngôi năm 1936 lấy tên Edouard VIII nhưng cuối năm lại rời ngôi vì biểu lộ cảm tình đặc biệt với Hitler và để giữ người yêu Wallis Simpson, vốn là một phụ nữ Mỹ đã có 2 đời chồng. Thế là vương miện Windsor trao lại cho người con trai út, tức phụ thân của bà. Vì vua cha George VI không có con trai nên Bà là trưởng nữ được chọn kế vị. Bà liền được cho đi học theo chế độ hoàng gia: học tiếng Pháp vì các vua Anh trước kia đều gốc dân Normand và Bà nói rất giỏi tiếng Pháp, ngoài ra Bà còn học Lịch sử và Luật.
Nữ Hoàng « ngự » chớ không « trị ». Bà chủ tọa khai mạc và bế mạc các khóa Quốc hội theo lịch trình được làm sẵn. Hằng năm, ngồi trên ngai vàng, Bà đọc « diễn văn của Triều đình » nói về các dự án luật pháp, các vấn đề kinh tế chánh trị quốc gia. Tất cả đều được làm sẵn và Bà chỉ đọc, không có quyền thêm bớt, cả một dấu phết cũng không. Nhưng bản văn chỉ có giá trị sau khi được Quốc hội thông qua và phải được Triều đình chấp thuận, theo lệ từ thời Trung cổ « La Reyne le veult ».
Suốt thời gian trên ngôi, Nữ Hoàng Elizabeth II thăm viếng 117 nước, tính ra bằng đi vòng quanh thế giới 42 lần. Bà chịu khó đi nhiều như vậy vì Bà nghĩ « Người ta gặp tôi, người ta mới tin tôi ».
Elizabeth II lẽ ra đã làm Nữ Hoàng cả nước Pháp. Khi Nữ Hoàng mất, nhiều người Pháp đã thương tiếc. Ở Pháp không có hiện tượng chống đối như ở Anh «Bà đã làm được gì cho chúng tôi?» Nhưng không có mấy người biết một chuyện thật là Bà Elizabeth II lẽ ra đã làm nữ hoàng cả nước Pháp, và Pháp và Anh thống nhứt, gia nhập vào Commonwealth.
Theo tài liệu chánh thức của văn khố Anh mà đài BBC công bố cách đây hơn hai mươi năm, ngày 10 tháng 9 năm 1956, Thủ tướng của Pháp Guy Mollet, đảng Xã hội, qua Londres gặp Thủ tướng Anh Anthony Eden đề nghị Pháp và Anh « thống nhứt chánh trị ». Và Nữ Hoàng Elizabeth II sẽ làm vua cả nước Pháp (Frangleterre). Thủ tướng Anthony Eden từ chối. Thủ tướng Pháp đưa ra thêm một đề nghị nữa là Pháp gia nhập vào Commonwealth. Theo một tài liệu do Chánh Văn phòng của Thủ tướng Eden ghi lại ngày 28/09/1956 thì Thủ tướng Eden e ngại nếu chấp nhận đề nghị của ông Mollet sẽ khó tránh khỏi nhiều khó khăn khi Pháp vào Commonwealth và nhứt là nhận Nữ Hoàng Elizabeth II làm vua xứ mình. Vì vậy đề nghị này sau cùng bị bỏ qua. Đó là lúc Pháp bị khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của chiến tranh ở Algérie và vụ khủng hoảng ở kênh đào Suez với Égypte.
Nay nhắc lại chuyện xưa gây ra nhiều phản ứng từ hai bên bờ biển Manche. Phía Anh, cựu Tổng trưởng Ngoại giao dưới thời Tony Blair, ông Denis MacShane, tuyên bố chuyện đó thú vị vô cùng vì như thế « Anh và Pháp cùng chia sẻ với nhau những cái hay và những cái dở ». Ông nói thêm « Số phận của hai nước đã từng liên kết từ Guillaume le Conquérant đã muốn biến nước Anh trở thành một thuộc địa của Pháp cách nay 1000 năm ».
Ông MacShane còn tiên đoán về một « tương lai tình yêu và thù hận » giữa hai nước láng giềng « Anh và Pháp giống như một cặp vợ chồng già mà người này thường nghĩ mình phải giết người kia, mà không bao giờ nghĩ nên ly dị nhau ».
Vả lại về chuyện kết hợp hai nước Anh-Pháp làm một không phải mới xảy ra ở những năm 50, mà hồi năm 1940, giữa lúc hỗn loại, ông Jean Monnet, Chủ tịch Ủy ban phối hợp Pháp- Anh, đã đề nghị bằng một văn bản cụ thể hai nước « thống nhứt không thể tan rã », bản văn được Tướng De Gaulle và Thủ tướng Winston Churchill phê chuẩn. Nhưng đề nghị thống nhứt Anh-Pháp không thành vì qua hôm sau, De Gaulle từ chức, Pétain lên thay thế. Đề nghị thống nhứt hai nước Pháp-Anh không thành nhưng không có nghĩa là người Anh bài Pháp hay ngược lại. Trên BBC, kết qua thăm dò dư luận Anh cho biết có 57% đồng ý hai nước thống nhứt.
Nữ Hoàng băng hà
Người mặc lễ phục, tay cầm gậy trắng, điều khiển tang lễ Nữ Hoàng là Công tước thứ 18 Edward Fitzalan-Howard. Ông đảm nhiệm vai trò điều hành mọi biến cố lễ lộc trong hoàng gia từ năm 2002. Ông cũng tổ chức lễ lên ngôi cho Hoàng Đế Charles III.
Trong cuối tuần tang lễ tuần này, người Anh hoang mang không biết sau tang lễ, nước Anh và thế giới sẽ như thế nào đây? Có người nghĩ Nữ Hoàng băng hà không phải là « chuyện thiệt mà chỉ là một giấc ác mộng mà thôi. Vì không thể có được. Bà ở đó suốt cuộc đời của nhiều người kia mà. Thế làm thế nào Bà lại mất đi được? ». Nữ Hoàng mất quả thật là một biến cố trọng đại đối với dân Anh. Nhiều người lớn tuổi từ xa hàng trăm cây số lấy xe lửa lên Luân-đôn từ 3 giờ sáng để chiếm được chỗ tốt, nhìn được quan tài di chuyển, tưởng niệm người quá cố. Nhiều ngàn người tụ tập bên ngoài Điện Buckingham, từ sáng tới tối, tay cầm bông và đem đặt ở hàng rào.
Nữ Hoàng băng hà đúng là một biến cố lịch sử của Anh quốc. Không riêng gì người lớn tuổi, một thanh niên 18 khi được tin liền « cảm thấy trống rỗng trong lòng ». Lúc dịch Covid-19 bộc phát, bị nhiễm mà bà thoát khỏi làm cho nhiều người nhẹ nhõm. Nay, nhiều người ở gần lấy làm ân hận là trước đây đã không hề bước vài bước tới nhìn Nữ Hoàng qua bao lơn Điện Buckingham. Từ nay thì chính « ở đây là trái tim của thành phố ». Chung quanh đường phố cũng yên lặng hơn trước. Mọi chương trình thể thao dự bị từ trước nay đều ngưng lại. Nhơn viên bưu điện, giao thông, đang rầm rộ xuống đường biểu tình đòi tăng lương từ nhiều ngày qua, nay cũng đều tự động dừng lại để tang Nữ Hoàng.
Tuy nhiên cũng có không ít thần dân của Nữ Hoàng bày tỏ tinh thần chống đối bà, chống đối chế độ và muốn nước Anh bỏ thể chế Quân chủ lâu đời, đã lạc hậu, mà theo chế độ Cộng hòa. Họ công khai biểu tình ngay lúc tang lễ. Khẩu hiệu đưa ra « Bà đã làm được gì cho chúng ta? ». Cách Điện Buckingham vài con đường nhỏ, hàng trăm người biểu tình tố cáo một thanh niên da đen bị cảnh sát bắn chết ở phía Tây Nam Luân-đôn. Nội vụ đang được chánh phủ cho điều tra.
Nhơn trong những ngày tang lễ, đài TV Sky News thấy đám biểu tình cứ tưởng là biểu tình chống tang lễ Nữ Hoàng nên loan tin. Chuyện này đã được đính chánh và xin lỗi. Nhưng những người biểu tình thật sự biểu lộ sự tức giận của họ đối với những tốn kém cho tang lễ mà Chánh phủ đã chấp thuận. Một phụ nữ Luân-đôn gắt lên « Tại sao phải khóc cho nữ hoàng, người có một đời sống xa hoa, đầy nhung lụa trong lúc một thanh niên nghèo khổ bị cảnh sát bắn chết lại không thấy ai khóc cho? »
Nhiều người khác tự hỏi « Tại sao người ta xúc động cho một bà già chết, người đã sống một đời sống mà nhiều người không dám mơ? Tại sao lại tiếc rẻ cho một nữ hoàng trong lúc chúng ta lại thật sự theo chế độ Cộng hòa? Có biết chúng ta trả tiền cho tang lễ bà hoàng hàng triệu triệu euros không? » Nhiều người khác nói rất ngạc nhiên « tại sao có những người chưa hề quen biết bà lại khóc cho bà? Vậy liêu bà ấy có buồn hay không khi biết những người đó khi họ chết? »
Vạn tuế Đức Vua
Vài năm trước đây, Nữ Hoàng Elizabeth II đã bắt đầu giao phó cho Thái tử Charles nhiều nhiệm vụ của hoàng gia. Năm 2017, từ khi Hoàng thân Philip rút lui khỏi đời sống công cộng, Thái tử Charles thường xuyên có mặt bên cạnh Nữ Hoàng, nhứt là lúc khai mạc các khóa Quốc hội. Nay Thái tử Charles đã chánh thức trở thành Vua Charles III của Anh quốc với lễ lên ngôi hôm thứ bảy tuần rồi. Có người nhắc nhở hãy coi chừng cái tên gọi « Charles » vì đã có tiền lệ không hay! Nhiều người nghĩ chắc Thái tử Charles sẽ chọn một cái tên khác hơn khi lên ngôi vì nhiều tiên vương để lại những kỷ niệm quá xấu. Không chỉ cho người mang tên Charles mà cho cả đất nước.
Các vua Charles trước của Anh quốc đều là những triều đại đen tối. Vua Charles Đệ I trị vì Anh quốc trong tiền bán thế kỷ XVII. Ông liền thoát ra khỏi ràng buộc lễ nghi, văn hóa Anh.
Ông cưới công chúa nước Pháp, người công giáo trong lúc Anh lại theo Anh giáo và vua hay nữ hoàng là Giáo hoàng. Như vây ông muốn cải tổ tôn giáo ở Écosse, đưa ra những sắc thuế làm mất lòng dân, tìm mọi cách tăng cường quyền lực tuyệt đối, khóa miệng các Dân biểu.
Năm 1642, nội chiến bùng nổ và 6 năm sau, Đức Vua bị xét xử vì tội phản quốc và bị chặt đầu ngày 30 tháng Giêng năm 1649 trước Điện Whitehall.
Nước Anh vẫn chao đảo trong nội chiến giữa hai thế lực bảo hoàng và nghị viện. Hoàng tử của vua Charles Đệ I lên ngôi dưới tên Charles II, dĩ nhiên được sự chấp thuận của Quốc hội.
Sau hai năm bị lưu đày, trở về một nước Anh mệt mỏi và chia rẽ.
Vận đen của đất nước hay của nhà vua đen tối? Không biết. Nhưng thực tế, dưới triều đại của ngài vừa lên ngôi, nước Anh liền bị nạn dịch khủng khiếp, tiếp theo là hỏa hoạn thiêu hủy hết một phần lớn thị trấn, 13 000 ngôi nhà bị cháy rụi. Nhà vua không có hoàng tử nối ngôi, chỉ có hàng tá con tạp nạp do hoàng gia nuôi nên ngôi vua phải truyền lại cho người em Jacques II. Con của Jacques II lên ngôi, tuy không có lễ tấn phong, chỉ dựa vào đám quần thần, lấy tên Charles III. Ông xách động từ Écosse đám quần thần làm nội chiến. Có vài kết quả ban đầu. Sau bị quân Anh càn quét sạch.
Đầu của ông được treo giá. Ông trốn qua Highlands, rồi sống lưu vong qua Pháp, Ý và chết với giấc mộng quang vinh.
Nay Thái tử Charles lên ngôi ở tuổi đời 73, sau cả 50 năm chờ đợi nhờ vốn văn hóa « phớt tỉnh Ăng-lê ». Ông lấy tên trị vì là Charles III.
Mong ông đừng bao giờ rơi vào vòng đen tối của lời nguyền về tên Charles. Chúc mừng Thái tử William hiện nay, chắc sẽ không đợi lên ngôi lâu như phụ hoàng!
-- Nguyễn thị Cỏ May
No comments:
Post a Comment