Kể về nguồn gốc tên gọi “cá linh” và những câu chuyện “kỳ lạ”
“Nước không chưn (chân) sao kêu nước đứng
Con cò không nhát sao gọi cò ma
Con cá không thờ sao gọi cá linh…
Những giai thoại kể về nguồn gốc cá linh ở miền Tây
Vì sao có tên gọi con cá linh, nghe kể lại rằng có nhiều giai thoại
Giai thoại thứ nhất về con cá linh
Thấy ghi trong một tư liệu bằng tiếng Pháp Excursions et Reconnaissances, q. X, Mai – tháng 6.1885, tr. 178:
“Nguyễn Ánh từ Vàm Nao [con sông nối Tiền Giang với Hậu Giang ở An Giang], nhưng vì thấy cá này [linh] nhảy vào thuyền, người sanh nghi nên không đi, sau rõ lại nếu đi thì khốn vì có binh phục của Tây Sơn tại Thủ Chiến Sai [Chợ Thủ, ngang đầu Cù lao Giêng, nay thuộc huyện Chợ Mới], vì vậy người [Nguyễn Ánh] đặt tên (cá ấy) là “cá linh” để tri ân” (dẫn lại từ Tự vị tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển, tr 112. Nxb. Văn hóa, 1993).
Giai thoại 1 cho rằng cá linh do chúa Nguyễn Ánh đặt tên
Giai thoại thứ hai về con cá linh
Nghe các bậc tiền nhân kể lại rằng, cá linh xuất hiện đầu tiên từ biển hồ trôi về sông Tiền, sông Hậu. Sau đó cá linh quay về xứ cố hương là chùa Tháp, lúc đó người ta gọi là “cá lên”, theo thời gian lâu ngày, bà con miền Tây đọc thành “cá linh”
Có giai thoại cho rằng cá linh từ biển hồ trôi về khi mùa nước nổi
Giai thoại thứ ba về con cá linh
Giai thoại này cho rằng loài cá này có tánh linh thiêng đặc biệt, cứ đến ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch là chúng lại quay về nguồn cội. Chính vì vậy mà dân gian mới gọi là “cá linh”.
Nhiều bậc cao niên sống ven sông Tiền, sông Hậu kể rằng: Mỗi năm đến mùa nước nổi, cá linh từ thượng nguồn sông Mekong trôi dạt theo dòng nước rồi tràn trên các sông rạch và ruộng đồng.
Trong quá trình di chuyển, từ con cá mén chúng to bằng đầu ngón tay, ngón chân, để rồi đến nửa tháng 9 hoặc tháng10 âm lịch, chúng lại từ ruộng đồng, kinh rạch tuôn ra sông cái để quay về thượng nguồn. Cá linh về nhiều vô số kể, cá bắt được, ăn không hết phải ủ làm nước mắm hoặc làm mắm dự trữ dành cho mùa khô hạn.
Cá linh chỉ về vào mùa nước nổi, mà nhiều vô số kể
Những câu chuyện ky lạ về con cá linh theo lời kể của các bậc cao niên
Nước đổ, cá linh theo dòng, vừa rong chơi cho thoả chí giang hồ, vừa “trôi” vừa phát triển “dân số”, mau lớn “như thổi”. Nhiều vô kể! Cá linh non (đầu mùa, còn nhỏ) chỉ cần móc hầu nặn bỏ ruột rồi chế biến.
Từ khi nước nhớm giựt cho đến những con nước kém cuối cùng của mùa nước (mùng 10 và 25/10 âl – nếu nước giựt chậm thì lưa ra con nước kém tháng sau) là lúc cá bắt đầu rút hết xuống các kinh rạch để tranh thủ ra sông, tìm đường sống. Những lúc cao điểm ấy dân gian gọi “cá ra”. Đây là lúc toàn khắp, nhất là tại những miệng kinh, vàm rạch và cả ngoài sông sâu nước chảy đâu đâu cũng la liệt đăng ven, chài hội, lưới giăng…
Nhộn nhịp chài hội, lưới giăng mùa cá linh về
Muôn trùng “thiên la địa võng” như thế nhưng cũng không thể nào bắt hết được loài cá hằng hà sa số này! Một bộ phận khá lớn vẫn lọt được ra sông và chen nhau chun vô những miệng đáy đang ngày đêm há mồm chực sẵn. Có khi chúng vô đáy nhiều quá, nếu không chuyển kịp lên ghe phải tức thời xả bỏ bớt, vì chậm trễ một chút là “bể đáy” như chơi! Nói chung, do mùa này “cá linh xanh nước” cho nên khi đánh bắt bất cứ bằng cách nào cũng phải thao tác thật nhanh, gọn thậm chí thủ sẵn hai “bộ đồ nghề”, là chài thì phải hai miệng chài, lưới ít nhất cũng phải sắm hai tay lưới.
Mùa cá linh xanh nước, đánh bắt phải thao tác thiệt nhanh
Còn đăng ven, đăng rào thì phải có hai cái “đó” đặng khi giở cái đó này lên (giao cho những người trên ghe đổ cá ra) thì đặt ngay cái đó khác xuống liền bởi chỉ 5, 10 phút cá linh đã “chạy” vô đó cả thùng, cả giạ, vì vậy phải tranh thủ liền tay để nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự “thất thoát”. Hạn chế thôi chứ không ai, và không phương tiện gì có thể chận bắt hết được cá.
Ta biết, chỉ một ngọn rạch thôi (trong hàng trăm, hàng nghìn kinh, rạch) bà con đã đồng loạt xuống đăng đầy nghẹt, cách nhau không quá trăm mét, thế mà ai cũng thu hoạch khẳm cả xuồng, đầy cả ghe. Người đăng phía sau không hề thua kém người phía trước mình. Rõ ràng con cá linh chỉ vượt qua được đăng rào khi người ta giở cái đó này ra để lấp ngay cái đó kia vào!
Mùa cá linh thu hoạch khẩm xuồng
Lại một hiện tượng khác cho đến nay bà con vẫn còn thắc mắc là, vào những con nước kém cuối cùng của mùa cá ra, như đã nói, cá linh chuyển địa bàn từ đồng xuống kinh rạch để chuẩn bị ồ ạt tiến ra sông, nhưng dường như nó còn lưu luyến đồng ruộng, không nở giả từ, cứ dàn tề mãi… Nhìn, ai nấy hình dung “ghe chài cũng không chở hết”.
Thế mà hôm ấy nếu có một đám mưa, nhỏ thôi, cá tức thì biến mất sạch sành sanh! Chúng không thể ra sông được, vì vào thời điểm này bà con đã đồng loạt xuống đăng chận kín khắp các nẻo; cũng không lên đồng vì nước không lớn, đồng không ngập. Cho đến mấy ngày sau, lúc trời quang đãng cá mới chịu ra, nhưng quá ít, không được một phần mười so với đã thấy trước đó mấy hôm.
Thế là mùa cá năm ấy xem như bị thất thu, nhưng cũng không dưới con số ước tính cả ngàn tấn hàng năm. Tại sao? Không ai biết. Người ta chỉ nhìn nhau cười ngất, với một câu nói cho qua miệng: “Bởi vậy nó mới có tên là cá linh!”.
Nghe kể rằng mùa cá linh, hôm nào trời mưa, là hôm đó cá biến mất sạch sành sanh
Bà con miền Tây từ xưa hay nói đùa với nhau rằng “cá linh thì ma ma phần phật” Cho đến nay, câu “hò sạo” vẫn còn đọng lại trong ký ức bà con nông dân miệt đầu nguồn:
Hò ơ… Thấy anh công tử em hỏi thử đôi lời
Con mèo không rách sao gọi con mèo vá?
Cọng cỏ trơn lu sao gọi cọng cỏ lác?
Con cò không nhát sao gọi con cò ma?
Con cá không ai thờ sao gọi con cá linh?
Trai nam nhân mà đáp đặng ờ…
Hò ơ… Trai nam nhân mà đáp đặng,
gái lòng trinh em theo liền!
Rõ ràng “cá linh không ai thờ”, nhưng sao lại có cúng vái? Ta vẫn còn nhớ mấy câu trong bài Vè cá:
Da thịt nám đen là con cá cháy
Đốt nhang mà vái là con cá linh.
Hài hước vốn là một trong những đặc tính của người Nam ky, nên dân gian cứ dựa theo tên mà đặt thành vè, tếu chơi cho vui chứ chẳng phải là vấn đề gì lớn đáng băn khoăn!
Những câu thơ, câu hò về loài cá linh kỳ bí vẫn lưu truyền đến ngày nay
Đó là chuyện của ngày trước, cách nay ít lắm cũng đã năm, bảy mươi năm (nay trữ lượng loại cá này giảm thảm hại, chỉ còn khoảng một phần ngàn so với trước, thậm chí ít hơn). Nó bắt đầu xuất hiện từ tháng 6 âm lịch sau khi “nước quay”. Người ta đánh bắt được từ lúc chúng còn rất nhí, chỉ bằng đầu đũa, gọi cá linh non.
Dìa miền Tây nhất định phải thưởng thức đặc sản cá linh
Ngày nay cá linh không còn nhiều bằng trước, nhưng trở thành đặc sản trứ danh miền Tây vào mùa nước nổi, làm say đắm bao thực khách phương xa mỗi khi ghé về.
Phan Thùy Linh (Nắng)
(Tổng hợp)
Cá Linh: Đặc sản mùa nước nổi miền Tây, ăn một lần nhớ cả đời
Cá linh như “món quà” mùa nước nổi được thiên nhiên ưu ái tặng cho vùng đất miền Tây với chất thịt ngọt, mềm. Vì vậy, những món ngon từ cá linh đậm đà, béo ngậy sẽ khiến bất kỳ ai cũng phải xuýt xoa.
Cá linh thường được người dân miền Tây chế biến ra nhiều món đặc sản ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu về loài cá này và các món ngon từ cá linh “quên trời đất” từ cá linh qua bài viết dưới đây.
1. Mùa cá linh ở miền tây
Cá linh thuộc họ cá chép có nguồn gốc từ biển Hồ Campuchia và thường xuất hiện nhiều nhất vào mùa nước nổi. Đây là loại cá có kích thước cơ thể nhỏ, con trưởng thành có thể to hơn hai ngón tay và cá nhỏ chỉ to bằng chiếc đũa.
Cá linh được chia làm nhiều loại như linh rìa, linh ống, linh cám... có giá trị chất dinh dưỡng cao, nhiều đạm. Ngoài ra, người dân miền Tây đặc biệt đem cá ủ mắm tạo ra loại đặc sản mắm cá linh nổi tiếng khắp vùng.
Cá linh thường xuất hiện vào mùa nước nổi
Mỗi mùa nước nổi Nam Bộ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 và theo con nước đổ về cá linh xuất hiện như một “món quà”.
Cá linh đầu mùa có thịt ngon nhất vì cá chưa lớn nên xương mềm, ngọt thịt, bụng mỡ béo ngậy. Vì thế, loại cá này thường được người dân miền Tây chế biến ra nhiều món đặc sản ngon, có giá trị dinh dưỡng cao.
2. Các món ngon từ cá linh
Lẩu cá linh bông điên điển
Muốn nấu được món lẩu cá linh bông điên điển thơm ngon, đậm vị, bạn phải chọn cá linh tươi đem về móc ruột, rửa sạch, sau đó ướp với gia vị tầm 10 phút. Nấu nước dùng cùng dừa tươi, nước mắm ngon, đường, me dầm và nêm nếm sao cho vừa ăn. Sau đó, thêm ít tỏi, tóp mỡ, rau ngò gai vào và sau cùng mới cho cá linh vào do thịt cá mềm, nhanh chín.
Lẩu cá linh bông điên điển
Nét độc đáo của món ăn này chính là vị chua chua ngòn ngọt, thơm thơm của nước dùng và vị giòn của bông điên điển hoà quyện cùng với chất ngọt của thịt cá linh tạo nên một món lẩu cá linh hương vị lạ miệng, hấp dẫn.
Cá linh chiên giòn chấm mắm me
Với món ăn này chỉ cần dùng những nguyên liệu có sẵn trong gian bếp nhà bạn như nước mắm, dầu ăn, đường, muối, me, ớt, tỏi và cá linh là có thể làm ra một món ngon chiêu đãi cả nhà.
Linh hồn của món ăn không chỉ nằm ở độ tươi của cá linh mà còn quyết định bởi cách làm nước chấm me đúng chuẩn. Cho phần thịt me vào đun nóng đến khi sôi thì cho 2 thìa nước mắm, 1-2 thìa đường, gia giảm gia vị tuỳ ý rồi cho ớt, tỏi băm vào nấu đến khi nước mắm me sền sệt lại.
Cá linh chiên giòn chấm mắm me
Những con cá linh ngon ngọt, giòn giòn kết hợp cùng mắm me chua chua, ngọt ngọt sẽ khiến ai ăn vào cũng đều tấm tắc khen ngon.
Cá linh nhúng giấm
Bò nhúng giấm có lẽ đã khá quen thuộc nhưng món cá linh nhúng giấm hẳn sẽ khá lạ đối với nhiều người. Đặc biệt nhất là nồi nước dùng gồm giấm hoà với nước dừa tươi và nêm nếm chút gia vị, ngò gai để có vị chua thanh, ngọt và thơm.
Đến khi ăn thì cho nồi nước lên, muốn ăn bao nhiêu cá thì cứ nhúng bấy nhiêu. Cá linh vừa chín tới còn giữ độ ngọt kết hợp với vị giòn của bông điên điển, bông súng kèm vị cay cay của ớt tạo nên một mùi hương khó quên.
Cá linh nhúng giấm
Cá linh kho mía
Cá linh có thể chế biến thành nhiều món với các hương vị riêng biệt. Đối với món ngon từ cá linh này, bạn chỉ cần sơ chế cá kỹ rồi ướp với chút bột ngọt, nước mắm, hành lá xay nhuyễn, ớt, tiêu và mỡ nước tầm 20 phút, xếp mía lên cá rồi đổ nước dừa tươi vào nồi sao cho nước xâm xấp cá. Món cá linh kho mía muốn ngon phải kho đến khi cạn nước, xương cá rục.
Cá linh kho mía
Gắp miếng cá béo ngậy, xương mềm, thịt ngọt đặt lên chén cơm nóng hổi sẽ hòa quyện thành một hương vị ngon không thể. Bạn cũng có thể ăn cùng bánh mì cũng ngon không kém cạnh.
Cá linh kho tiêu
Nhắc đến món đặc sản từ cá linh không thể không nhắc đến cá linh kho tiêu với vị cay cay của tiêu, vị ngọt béo của cá, chút thơm thơm của hành kết hợp thành một món ăn nổi tiếng khắp miền sông nước miền Tây. Đây cũng là một món ăn tốn cơm không thể lẫn với bất kỳ món kho nào. Ăn cá linh kho tiêu cùng với hạt cơm dẻo ngọt và rau muống chua ngọt khiến cho ai ăn rồi cũng không thể quên.
Cá linh kho tiêu
Cá linh kho lạt
Mặc dù nhỏ nhưng vị ngọt của cá linh đều có thể chiều lòng những thực khách khó tính nhất. Món cá linh kho lạt có thể ví như một món ngon từ cá linh dành cho gia đình với vị ngon ngọt, thơm thơm. Khi nấu xong phải tranh thủ ăn cá lúc còn nóng thì mới đúng vị. Cho cá ra đĩa, thêm ít chanh, rắc thêm tiêu ăn chung với cơm, ăn kèm bông súng, tai tượng hoặc đọt nhãn lồng, đọt lá cách.
Cá linh kho lạt
Cá còn nhỏ, xương mềm khi ăn vào rất “bắt” cơm. Món ăn này khá đơn giản nhưng phải nấu khéo thì mới ra được vị “mẵn” đặc trưng.
Cá linh kho me
Tại miền Tây, cá linh xuất hiện trong bữa ăn hằng ngày và tiệc đãi khách. Đặc biệt, món ngon từ cá linh phải kể đến cá linh kho me làm người ăn khó quên. Món ăn đậm đà với thịt cá tươi, ngọt, xương mềm hoà với vị chua của me thấm vào lưỡi.
Cá linh kho me khi ăn chung với cơm, vị chua chua, mằn mặn giúp kích thích dịch vị và khiến cho bữa cơm thêm phần đậm đà. Để nước kho thêm ngọt và thơm, vài nơi người ta còn đặc biệt cho thêm nước dừa tươi vào kho cùng.
Cá linh kho me
Cá linh kho mắm ruốc
Cá linh kho mắm ruốc có thể nói là món quen thuộc của những người nghèo khổ nhưng nay đã trở thành đặc sản nức tiếng miền Tây. Cái ngon đặc biệt của món này nằm ở vị mằn mặn, ngọt ngọt và thơm thơm của ruốc cùng vị chua cay của các gia vị đi kèm khiến cho miếng cá linh khi ăn vào trở nên lạ miệng. Khi nồi cá vừa kho xong, hương vị của mắm hoà quyện vào thịt cá béo ngây khiến thực khách khó kìm lòng được.
Cá linh kho mắm ruốc
Cá linh kho nghệ
Lại là một món ngon “quên trời đất” từ cá linh không khó làm nhưng vẫn có thể vét sạch nồi cơm đó là món cá linh kho nghệ. Cá khi đã kho xong sẽ có màu vàng bắt mắt, mùi thơm nồng đặc trưng của nghệ, thịt cá chắc và nước kho đậm đà thơm ngon.
Nguyên liệu để làm món ăn này bao gồm cá linh, nghệ, dầu ăn, muối, bột ngọt, nước mắm, đường, tiêu, ớt. Lúc kho, cho thêm một muỗng canh dầu ăn và đường lên thắng vàng nữa là đã ra nước dùng đậm vị, cực kỳ bắt cơm.
Cá linh kho nghệ
Cá linh chiên bông điên điển
Cá linh non còn được người dân miền Tây dùng để chế biến thành món cá linh chiên bông điên điển. Từng con cá nhỏ cuốn vào bông điên điển được nhúng qua một lớp bột và trứng rồi cho vào chảo chiên giòn. Cái ngon ở món ăn này chính là nhờ vào độ giòn, thơm lừng của của cá và bông điên điển hòa quyện vào nhau.
Cá linh chiên bông điên điển
Cá non nên xương mềm, giòn rụm có thể làm món ăn chơi hoặc ăn cùng với cơm hoặc cuốn cùng rau, bánh tráng rồi chấm với nước mắm ngon. Miếng cá nóng hổi, ngọt thịt cùng với vị mộc mạc của miền quê khiến ai ăn rồi thì thèm mãi thôi.
Lẩu mắm cá linh
Lẩu mắm cá linh là món ăn kết hợp giữa 2 món ăn đặc trưng của miền tây: Lẩu mắm và mắm cá linh. Cá linh đầu mùa béo ngậy và thơm ngon kết hợp với lẩu mắm đậm đà. Đây chắc chắn là món ăn nếu một lần ghé miền tây vào mùa nước nổi thì nhất định phải thử đấy.
Lẩu mắm cá linh
Các món ngon từ cá linh của người miền Tây trên đây có thể giúp bạn đổi vị cho mâm cơm gia đình và có thể chiêu đãi khách đến nhà. Mong rằng bạn đã có thêm những gợi ý món ăn mới và có thể thường xuyên trổ tài nấu nướng của mình.
Cá linh kho lạt, bùi ngùi nhớ quê
(NLĐO)- Cá linh tươi ngon, thịt ngọt mềm ăn cùng bông súng, bông điên điển giòn giòn thì ngon số dách
Cá linh "đặc sản" của mùa nước nổi
Giờ làm việc, chú tôi ở Hồng Ngự, Đồng Tháp gọi điện báo: “Chú vừa gửi mấy ký cá linh, khoảng 6 tiếng nữa con ra nhà xe mà lấy. Trong thùng cá còn có bông điên điển, bông súng, con có thể nấu canh chua hay nấu lẩu mắm tùy thích. Tất cả mọi thứ đều từ thiên nhiên, không hóa chất nên con cứ ăn thoải mái”. Chỉ nghe tới đây, tôi muốn ba chân bốn cẳng chạy ào ra nhà xe mà lấy cá linh về ngay nhưng ngặt nỗi phải chờ đến 6 tiếng xe mới tới xa cảng miền Tây.
Đến chiều, tan sở tôi và chồng đèo nhau ra bến xe lấy cá. Ông xã tôi ôm chặt cái thùng xốp to được chú đóng gói cẩn thận ra xe, chạy về nhà. Trên đường đi, tôi mường tượng ra nhiều món ăn ngon từ cá linh như cá linh kho tiêu, cá linh chiên bột, cá linh nấu canh chua, cá linh kho lạt hay kho sả... Tôi mãi mê suy nghĩ đến khi ông xã hỏi chiều nay đãi cả nhà món gì thì tôi mới giật mình, đáp: “Cá linh kho lạt nha chồng vì món này vừa thay được món mặn vừa thế cả món canh mà cũng không mất quá nhiều thời gian”.
Về nhà, tôi lao vào rửa cá (cá đã được chú móc hầu, lấy sạch ruột rất cẩn thận). Tôi cho mớ cá vào cái đĩa ướp với 1 ít nước màu, đường, tiêu, bột nêm và vài trái ớt xắt lát. Tôi cẩn thận đảo cá cho thấm đều rồi đi chuẩn bị nước kho cá. Tôi sực nhớ mấy trái dừa xiêm mà chị tôi gửi lên cách đó mấy ngày, liền đem ra chặt 1 trái lấy nước cho vào nồi kho cá. Tôi bắc nồi nước dừa lên bếp, chờ sôi. Trong lúc đó, tôi tranh thủ lặt bông súng và bông điên điển. Nhìn mớ bông súng đồng trong mùa nước nổi cọng nho nhỏ được quấn thành từng bó gọn lỏn và mớ bông điên điển vàng ươm, tươi rói, tôi chỉ muốn ăn ngay.
Cá linh, bông súng, bông điên điển tươi ngon trong mùa nước nổi
Nước dừa trên bếp đã bắt đầu sôi, tôi cho vào vá nước mắm ngon cùng ít bột nêm, tiêu rồi mới trút cá đã ướp vào nồi. Chờ nồi cá sôi lại, tôi mới vớt bọt, nêm nếm cho vừa ăn và tắt bếp. Tôi chuẩn bị cái tô sâu lòng, trút nồi cá còn đang nóng hỗi vào tô. Tôi cũng không quên rắc thêm hành lá, tiêu cho tô cá thơm ngon. Tôi dọn cơm và không quên cắt vài miếng chanh đặt cạnh rổ bông súng, bông điên điển để khi ăn vắt chanh vào cá.
Chiều hôm ấy, cả nhà quây quần bên mâm cơm với món cá linh kho lạt. Mấy đứa con tôi thấy mấy con cá nhỏ bằng đầu ngón tay út, sợ mắc xương nên chưa dám ăn. Nhưng khi thằng Bo, thằng Bi thử một con thì nó thốt lên: “Sao thịt cá mềm và ngọt dữ vậy mẹ. Con nhai luôn xương mà không thấy vướng cổ”. Thế là nó vừa và cơm vừa gắp “quằn đũa” những chú cá linh mình căng tròn, bóng bẩy. Còn bà cô và chồng tôi thì gắp mấy cọng bông súng, quấn cùng bông điên điển rồi chấm vào nước cá kho lạt mà ăn lấy ăn để. Chồng tôi tấm tắc khen: “Món này làm gì kiếm được ở nhà hàng. Cá linh tươi ngon, thịt ngọt mềm mà ăn cùng bông súng, bông điên điển giòn giòn thì ngon số dách”.
Bên ngoài, trời vẫn mưa. Ngồi ăn mà tôi nhớ lại mâm cơm chiều ngày xưa, khi cả gia đình tôi quây quần cùng nhau bên nồi cá linh kho lạt. Tôi nhớ những cơn mưa chiều với cái lạnh của cơn gió chướng trên những cánh đồng mênh mông nước, nơi có tiếng cá quẫy đuôi, tiếng chim vịt kêu chiều và những bông súng nở trắng xóa trong mùa lũ. Chao ôi, nhớ nhà!
Bài và ảnh: Nguyễn Nguyên
No comments:
Post a Comment