Dưới Ánh Sắc Mầu Cờ
Tác giả Quán Quân Orchid Thanh Lê trao Giải Danh Dự cho tác giả Pha Lê tại Lễ Phát Giải VVNM 2021.
Từ cổ chí kim con người được sinh ra và lớn lên, dù ở bất cứ thời đại nào, và tại bất cứ nơi đâu, dù đó là một cường quốc rộng lớn hùng vĩ bao la, hay chỉ là một quốc gia nhỏ bé nằm khiêm tốn trên một miền đất hẻo lánh xa xôi, đều có một TỔ QUỐC riêng cho chính mình. "Tổ Quốc" hai chữ nghe thật trừu tượng nhưng biết bao dân tộc đã sẵn sàng hy sinh xương máu, thậm chí dám đánh đổi cả mạng sống của chính mình để bảo vệ gìn giữ tổ quốc của họ. "Tổ Quốc" đã được cụ thể hóa qua lá Quốc Kỳ của từng mỗi quốc gia. Lá cờ là biểu tượng hồn thiêng sông núi của một đất nước, là hình ảnh đặc trưng cho truyền thống, và niềm tự hào tinh thần của một dân tộc.
Quốc Kỳ của một quốc gia dĩ nhiên luôn luôn phải được tôn kính, yêu mến và trân trọng từ người dân của đất nước đó, bởi mỗi một đất nước vĩnh viễn chỉ có một Tổ Quốc và một Màu Cờ, nhưng bất hạnh thay lịch sử đã ghi lại biết bao nhiêu quốc gia sau cơn binh biến, hay sau những cuộc chiến tàn khốc, đất nước đã phải thay tên đổi họ, và lá quốc kỳ cũng đành ngậm ngùi thay hình đổi dáng cho phù hợp với tình trạng đất nước. Việt Nam của Thu Quỳnh cũng cùng chung số phận bi đát đau thương như thế khi cuộc chiến Nam Bắc tương tàn vừa kết thúc.
Đó là khoảng thập niên 60-70, Thu Quỳnh sinh ra và lớn lên tại Saigon, thành phố mà hình ảnh chiến tranh chỉ lúc ẩn lúc hiện qua những lần "...Đại bác đêm đêm vọng về thành phố..." ở một cô bé tuổi vừa mới lớn, ăn chưa no lo chưa tới, thì những trăn trở về cuộc chiến hay những băn khoăn lo lắng vì hiện tình đất nước chỉ là một thoáng trong cô. Thế giới của cô chỉ vây quanh trường lớp bè bạn. Mỗi sáng thứ Hai đầu tuần trường cô có lễ Thượng Kỳ, nói nôm na là lễ cháo cờ đầu tuần, và mỗi chiều thứ Bẩy là lễ Hạ Kỳ. Đố ai tìm được hình ảnh nghiêm trang của đám "thứ ba học trò" này vào những buổi chào cờ trong sân trường! Có đứa xoay qua xoay lại, có đứa ngáp ngắn ngáp dài, có đứa đứng lặng yên nhưng miệng đang lẩm bẩm bài sử ký của giờ học sắp tới, thậm chí còn có đứa lợi dụng cơ hội cột chung tà áo dài của hai đứa bạn khác vào nhau để sau khi buổi lễ chào cờ chấm dứt sẽ có màn cãi nhau chí chóe cho dù trên bầu trời trong xanh của buổi sáng, lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đang phần phật tung bay trong gió. Nói chung Thu Quỳnh và đám học trò non nớt này vẫn chưa hiểu rõ nỗi cảm xúc khi được ngắm nhìn lá quốc kỳ của chính đất nước mình.
Một lần Thu Quỳnh ngồi xem tin tức trên TV cùng ba mẹ loạt phóng sự những ngày tháng kinh hoàng của Tết Mậu Thân tại Cố Đô Huế. Nhìn hình ảnh từng hàng dài những chiếc quan tài phủ quốc kỳ VNCH với tiếng than khóc thảm thiết bi thương của thân nhân những người quá cố, Thu Quỳnh đã hoảng hốt đến độ cô phải lấy tay che mắt vì không còn đủ can đảm xem thêm những đoạn phim kế tiếp. Hình ảnh lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ phủ kín màn ảnh TV cùng tiếng thở dài của ba và những lần cúi mặt làm dấu Thánh Giá của mẹ khiến Thu Quỳnh chợt cảm nhận lá quốc kỳ của đất nước cô thật hào hùng vì đã được hun đúc từ anh linh của những người đã hy sinh nằm xuống cho sự tự do và hạnh phúc ấm no của người dân Miền Nam.
Cô càng xúc động hơn khi cô đã ôm vai người bạn cùng lớp trong buổi tang lễ ngập tràn nước mắt của người anh trai đã ngã gục nơi chiến trường Quảng Trị Đông Hà. Linh cửu anh được "gói" trong một bọc ny lông bao phủ bằng lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ. Bây giờ thì Thu Quỳnh đã thật sự trân trọng và yêu quý lá cờ của Tổ Quốc Việt Nam hơn bao giờ hết. Cô ao ước khi cô đủ lớn, cô sẽ làm một điều gì đó tô điểm thêm hùng khí cho lá cờ mà mỗi sáng thứ hai cô đã đứng thật trang nghiêm khi Bà Tổng Giám Thị cất lời: Lễ Chào Quốc Kỳ bắt đầu.
Nhưng những ước mơ dù thật nhỏ nhoi của Thu Quỳnh mãi mãi chẳng bao giờ thực hiện được vì đại nạn kinh hoàng tháng 4 năm 75 ập đến đã phá tang hoang một đất nước tươi đẹp, từ xã hội, gia đình cho đến cả học đường đều bị đổi thay nhấn chìm xuống tận cùng của sự nghèo khó đói rách lầm than, và dĩ nhiên lá cờ vàng thân thương cũng bị nổi trôi theo vận nước. Những năm tháng còn ngồi trong lớp học, biết bao lần Thu Quỳnh đã xốn xang căm phẫn đến muốn rơi nước mắt khi nhìn lá cờ màu đỏ như màu máu bay lượn lờ trong góc sân trường như lời cảnh báo cho một tương lai mịt mù tối tăm u ám đang bầy ra trước mặt cô. Nhớ lời bác lao công già kể lại ngày lá cờ vàng Ba Sọc Đỏ trên cột cờ nơi góc sân trường được tháo xuống, bác ngậm ngùi nói:
- Hôm đó đâu khoảng gần cuối tháng 4, cờ Quốc Gia mình còn tung bay ở cuối sân, trong trường chỉ còn lác đác vài ba thầy cô giáo, tui nhớ hình như có thầy Đoàn, các thấy cô gọi tui lên để tháo gỡ lá cờ xuống, nhiều lần tui đứng chào cờ thấy mấy cô tháo dây cột để kéo cờ xuống hay bung cờ lên thiệt dễ dàng cái rột, nhưng lần này thầy Đoàn và tui hì hục gần 15 phút mới tháo được mấy cái nút đầu tiên, mà thiệt là kỳ cục, lá cờ tụt xuống một khúc lại ngừng lại, cứ như vậy tới ba bốn lần, thầy Đoàn cười buồn nói có lẽ chính lá cờ cũng biết số phận bi đát của mình nên còn quyến luyến chưa muốn rời đi, tui nghe thầy nói mà muốn rơi nước mắt. Lá cờ tui gấp gọn lại bỏ trên bàn bà Giám Học, tính mang dzìa nhà cất nhưng bà xã tui la quá trời. Mỗi ngày từ bên hông vườn nhà tui nhìn sang trường học, thấy cái cột cờ đứng trơ trọi bơ vơ trông tội nghiệp hết sức.
Tuyết Hương là đứa tình cảm nhất bọn buột miệng hỏi:
- Vậy cái ngày lá cờ đỏ lè được treo lên bác có mặt ở trường không, Bác kể tụi con nghe xem sao.
- À cái lá cờ đỏ như mồng gà chọi đó hả?
Bác lao công ngừng nói vì cả bọn phá lên cười sau câu nói ví von của bác, chờ vài phút bác xăng xái kể tiếp:
- Cái ngày hôm đó là 1 tây tháng 5, tui còn nhớ như in. Đâu khoảng giữa trưa tầm khoảng 2 giờ có hai chú bộ đội vào trường, trong trường hôm đó đâu có ai, hai chú di loanh quoanh một hồi thì tui bước ra, mấy chú nói có nhiệm vụ treo lá cờ "giải phóng" này trong trường, nói xong họ moi trong bao một lá cờ nửa xanh nửa đỏ, tui giắt hai chú đến chân cột cờ, đứng đó nhất định không giúp một tay treo cái lá cờ dị hợm đó lên, loay hoay mò mẫm một hồi hai chú cũng kéo được lá cờ lên cao, lá cờ nhàu nát nên không bay nổi, cứ rũ xuống như gà mắc mưa!
Lại cười nhưng Thu Quỳnh cảm nhận có một nỗi xót xa cay đắng đang âm ỉ trong lòng. Cô chợt thở dài vì biết rằng sẽ khó có một cơ hội cho cô nhìn ngắm lại được lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thân quen thuở nào.
Rồi Thu Quỳnh may mắn thoát khỏi Việt Nam trong một chuyến tàu vượt biên vào cuối năm 78, bây giờ cô đã trưởng thành sau những năm tháng nhọc nhằn cay đắng tranh sống nơi quê nhà. Những kinh nghiệm đau thương từ lá cờ đỏ như máu cũng như những kỷ niệm cô ấp ủ và trân trọng từ lá quốc kỳ ngày xưa sẽ chỉ là quá khứ, Thu Quỳnh hướng về tương lai và điều khiến cô bàng hoàng đến độ bật khóc chính là hình ảnh lá cờ Mỹ mà cô và mọi người trên chiếc ghe nhỏ bé giữa đại dương mênh mông nhìn thấy đúng lúc chiếc ghe đang gồng mình chống chọi với từng đợt sóng nhấp nhô như sẵn sàng đập nát chiếc ghe mỏng manh. Khi 67 thuyền nhân được cứu vớt và đưa lên tàu một cách an toàn, mọi người được biết đây chỉ là một chiếc tầu chở hàng hóa của Hoa Kỳ, và việc cứu giúp cũng như chuyên chở thuyền nhân sẽ gây rất nhiều khó khăn và tốn kém cho họ trong việc cập bến cảng để bốc rỡ hàng hóa, nhưng có sao đâu, vị thuyền trưởng đã chậm rãi giảng nghĩa:
- Hàng hóa còn đó, nằm thêm vài ngày thì đã sao, nhưng các bạn, chỉ chậm thêm vài giờ là tất cả sẽ chìm lỉm xuống biển sâu, không cách nào cứu kịp, vậy các bạn thấy "việc" nào cần kíp hơn để làm.
Thật đúng là ý tưởng và hành động của những người có tấm lòng nhân từ, bác ái; với trái tim quảng đại, hào phóng.
Những ngày tháng sống nơi trại tỵ nạn Paulau Bidong chờ ngày đi định cư tại Mỹ, Thu Quỳnh đã được nghe hàng trăm câu chuyện về sự hào hiệp của người dân Hoa Kỳ trước những đau khổ mất mát mà người Việt tỵ nạn đã trải qua. Rất nhiều những gia đình VN nheo nhóc rách nát tả tơi đã được những gia đình Mỹ tốt bụng bảo trợ không chút nề hà đắn đo cốt chỉ để tạo lại một cuộc sống mới cho những con người tỵ nạn bất hạnh khốn khổ này.
Trong khi chờ đợi được định cư tại đệ tam quốc gia, nước Mỹ luôn là quốc gia mà tất cả người tỵ nạn đều mong mỏi được sống và lập nghiệp tại xứ sở này. Một câu hỏi mà mọi người muốn được đi Mỹ đều phải trả lời là tại sao bạn lại chọn nước Mỹ để định cư, và dĩ nhiên có đến hàng trăm cách cũng như hàng ngàn câu trả lời cho câu hỏi “cắc cớ” này, nhưng lời đối đáp của một người dân đánh cá ven biển đã khiến cả phái đoàn bật cười. Tâm, anh chàng với khuôn mặt đem nhẻm, nụ cười đơn sơ hiền hòa đã trả lời:
- Dù tui vẫn chưa biết đất Nước Mỹ như thế nào, người dân Mỹ ra sao, nhưng tui vẫn thiết tha muốn được đi Mỹ vì tui yêu lá cờ của nước Mỹ.
Ngừng một vài giây, anh cảm thấy khó khăn khi anh bắt gặp ánh mắt thoáng chút giễu cợt của người Mỹ đang phỏng vấn anh, thở một hơi dài, anh cố lấy thêm can đảm nói tiếp:
- Trên thế giới hầu hết các quốc gia lá cờ của họ thường chỉ hai ba mầu, chia đôi chia ba gì gì đó trên lá cờ, khó nhớ và khó biết thấy mồ, nhất là mấy nước ở bên Âu Châu Lúc xuống ghe tui dặn dò mấy anh em tài công hễ thấy cờ gì hai ba mầu thì đừng kêu cứu, rủi gặp tàu liên Xô hay mấy nước láng giềng của nó là chết chùm cả nút. Cờ Mỹ của quý ông thì khác hẳn, ngôi sao hơn nửa lá cờ, lại thêm những đường kẻ trắng đỏ, từ xa tít tui cũng nhận ra ngay lá cờ Mỹ của quý ông!
Bây giờ tui còn hiểu thêm ý nghĩa của 13 đường kẻ trắng đỏ cũng như những ngôi sao trên lá cờ nước Mỹ của quý ông! Tui nghĩ một đất nước có một lá quốc kỳ đặc biệt như vậy, chắc chắn phải có một truyền thống... đặc biệt, và phải là một dân tộc cũng phải... đặc biệt luôn. Đó là lý do tui ước mong được đi Mỹ để được sống tại Mỹ.
Câu trả lời đơn sơ nhưng gọn bân của anh chàng đã thuyết phục được phái đoàn Mỹ, vài tháng sau anh và vợ cùng 3 người con thơ thới lên máy bay về Miền Đất Hứa là Hoa Kỳ. Riêng với Thu Quỳnh, cô hiểu về nước Mỹ nhiều hơn anh Tâm nên chắc chắn cô sẽ nhìn về nước Mỹ không phải chỉ với sự trọng vọng ngưỡng mộ, nhưng với cả một tấm lòng biết ơn, như lời tuyên thệ hôm nao trước lá Quốc Kỳ Mỹ rằng...
“...Là công dân Hoa Kỳ, tôi sẽ hỗ trợ và bảo vệ Hiến Pháp và Luật Pháp của Hoa Kỳ chống lại tất cả kẻ thù trong và ngoài nước...”
Pha Lê
No comments:
Post a Comment