Bốn Mươi Năm, Nỗi Niềm Ba Thế Hệ
Khôi An
"Hai mươi năm,
bầy trẻ thơ nay đã lớn
và chàng trai nay đã già"
Tháng Tư 1995, tôi lặng người khi nghe câu hát đó. Rồi bùi ngùi nhận ra mình là một trong bầy trẻ đã lớn. Lớn, nhưng chưa làm được gì nhiều, chỉ đau đáu trong lòng những ước mơ cho một quê hương xa vời vợi.
Thoáng một cái, đã 2020. Trong email với những người bạn thân từ thưở học trò, tôi sửa lời của nhạc sĩ Phan Văn Hưng để đùa chơi
"Bốn mươi năm,
bầy trẻ thơ nay đã xế
và chàng trai nay quá già"
Các anh chị, cô chú mà nghe "chàng trai nay quá già" chắc sẽ không vui.
Tôi cũng biết lẽ ra không nên diễu (dở) với sự thật... phũ phàng. Nhưng, thay vì thở dài hoặc chống trả thứ không thể chống trả, có lẽ cách hay nhất là làm theo câu thơ tiền chiến: Tôi nói lòng ra để tự cười. 2
*
Khi Bố tôi tự nhận là "tuyến đầu" - tiếng của Bố đặt cho những người đứng mũi, chịu sào cho cả ba thế hệ gồm có cha mẹ, chính mình, và con cái - thì tôi chỉ có vừa đủ trí khôn để gom góp vài ký ức về ông bà.
Ký ức đó gồm có nét thanh lịch của các bà vấn khăn nhung, mặc áo dài lụa, cổ đeo chuỗi cẩm thạch xanh rờn nước lý trong ngày Tết. Có sự ấm áp của hình dáng bà ngoại tôi ra vào, vun vén, trông nom. Có hình ảnh trang nghiêm của các ông, áo the khăn xếp, cầm bó hương cháy nghi ngút đứng khấn thật lâu trước bàn thờ trong những ngày giỗ kỵ. Có những "nụ cười đen nhánh sau tay áo" (3), có các bà luôn luôn mặc áo dài khi ra khỏi nhà và gọi con là "các anh, các chị". Và có cả sự kính cẩn trong cách tôi gọi nhiều người, không bằng tên mà bằng chức vị ở miền Bắc trước khi họ di cư vào Nam: bà Thông, bà Hộ, ông Chánh...
Ngày đó, đối với tôi, tuổi già là những ông bà hay nhắc tới những địa danh, những kỷ niệm ở miền Bắc xa xôi. Họ có cách ăn nói và hỏi chuyện con cháu giống nhau, rất gần gũi, quen thuộc trong gia đình nhưng khác với những ông bà cụ người Nam ở chung quanh. Chỉ như thế. Những điều khác như sự đau yếu, qua đời chỉ lờ mờ đằng sau sự hiện diện vững chãi của Bố Mẹ tôi. Chúng tôi nhởn nhơ trong bóng mát bình yên khi những gay gắt của cuộc đời đã được thế hệ cha mẹ lọc đi.
Bà ngoại tôi mất năm 1974, đem theo niềm mơ ước gặp lại hai người con trai đi kháng chiến chống Pháp từ thập niên 40 và ở lại ngoài Bắc. Tuy vậy, nhiều người vẫn nói là bà có phước vì không phải chứng kiến cảnh lạc đàn tan nghé, con tù cháu tội, nheo nhóc đói khổ sau cuộc đổi đời năm 1975. Các ông bà khác thì một số kẹt lại Việt Nam, một số ôm nỗi nhớ thương miền Bắc còn chưa ráo theo con cháu đi tứ tán. Sau đó, vì chia cắt, tôi không được gặp lại các ông bà. Tôi chỉ nghe nói thời gian đầu ở nước ngoài họ coi nhà, trông cháu cho các con lao ra ngoài kiếm sống. Những gia đình may mắn có ông bà thì các cháu bé không phải lang thang ở những nhà giữ trẻ, nơi mà mọi thứ đều xa lạ.
Ông bà giữ ngọn đèn trong nhà bật sáng, dọn mâm cơm để các cháu ngồi cùng ăn khi cha mẹ đi học lớp tối hay làm thêm giờ về trễ. Họ ru cháu ngủ khi cha mẹ làm ca đêm. Họ là bếp sưởi ấm áp, là hình ảnh đậm đà của quê hương vừa lìa xa...
Khoảng mười lăm năm sau, khi cộng đồng người Việt tạm cứng cáp thì hầu hết các cụ đã yên lặng ra đi. Thời đó bận rộn, xa xôi quá nên tin về các ông bà chỉ được biết qua những lá thư hay những cuộc điện đàm hiếm hoi. Tôi đã không nghĩ nhiều đến các cụ, không thắc mắc họ đã sống tuổi tám mươi, chín mươi như thế nào ở những thành phố của Mỹ, Canada, Pháp, Úc và ra đi trong hoàn cảnh ra sao. Một phần vì tôi còn "trẻ người, non dạ", nhưng lý do chính là vì Bố Mẹ tôi vẫn còn khỏe nên chúng tôi được núp bóng, vô tư trước quy luật đến và đi của đời người.
*
Sau khung kính vuông trên trần là một khoảng trời xanh dịu, hoe chút nắng nhẹ nhàng.
Đó là một buổi sáng mùa Đông ở Bắc California, ba ngày sau khi tôi đến Mỹ. Hôm đó là ngày thứ Hai, mọi người đều đi học, đi làm. Ở nhà chỉ có hai chị em tôi mới từ trại tị nạn sang, vừa được Dì đón về nhà.
Căn nhà vắng vẻ dường như rộng hơn bình thường. Tôi đi ra phòng khách, ngồi trên ghế sofa, nhìn lên tấm skylight trên trần trời, ghi vào óc hình ảnh đang thấy, và thầm nói "Tôi đã đến! Bầu trời nước Mỹ là như thế này đây."
Mới đó, mà hơn ba mươi năm!
Dì là em gái của Mẹ tôi, nhưng trong gia đình gốc Bắc tôi gọi bằng "Cô" và chồng của Dì thì gọi là "Chú". Bây giờ, tôi gọi là "Dì" (để nói rằng đó là người thân lắm, giống như trong câu tục ngữ "Sẩy Cha còn Chú, mất Mẹ bú Dì".)
Trong gia đình, Dì qua Mỹ trước tiên, vào tháng Tư năm 1975. Dì kể, ra khỏi trại Pendleton gia đình Chú và Dì được một nhà thờ ở Hayward, Bắc California bảo trợ. Đó là một điều buồn vui lẫn lộn. Vui vì California là nơi khí hậu dịu dàng, không lạnh cóng như những vùng khác, nhưng lại buồn vì bạn bè trong quân đội của Chú phần lớn sang miền Đông Hoa Kỳ qua sự đỡ đầu của những người bạn cố vấn Mỹ ngày trước. Nhưng Dì nghĩ thân tị nạn trên đất nước xa lạ, biết đâu mà lựa chọn, cứ theo duyên phận, rồi "nước chảy tới đâu, bắc cầu tới đó".
Chú cất bộ quân phục có gắn bông mai vàng vào ký ức, ngày ngày mang bộ đồng phục của thợ lắp ráp trong hãng xe hơi. Ở thắt lưng chú đeo nguyên một bộ kềm vặn ốc lớn nhỏ đủ cỡ, sắp xếp theo đúng thứ tự đã thuộc lòng. Khi chiếc xe trên đường dây chuyền trờ tới, chú nhảy phóc lên, rút kềm, gồng tay vặn những con ốc ở những vị trí cũng nhớ nằm lòng. Xe đi khoảng bốn mét là hết khâu, chú phải nhảy xuống, chạy ngược lại đón chiếc xe mới tới. Cứ chạy nhảy liên tục như vậy. Một ngày tám tiếng.
Dì cũng thay áo luật sư bằng áo khoác trắng và lưới trùm tóc của hãng trái cây đóng hộp. Cũng ngày ngày đứng trước một bộ máy dây chuyền gồm những thùng sắt khổng lồ đi chầm chậm. Trái anh đào hay trái dâu từ trên đổ xuống ào ào, hai tay Dì phải lựa thật nhanh những trái xấu, bỏ ra ngoài. Lúc mới làm chưa nhanh tay, nhanh mắt, có đôi khi trái xấu sót lại, bà đốc công lượm ra đem dí vào mặt la xối xả. Dì không dám phân trần nửa lời, chỉ im lặng làm tiếp. Hai tay bốc lia, bốc lịa nên không thể gạt nước mắt chảy ròng ròng.
May mắn cho Chú, Dì và cả cộng đồng người Việt tị nạn ở Bắc California, kỹ nghệ điện tử được phôi thai từ những năm 1965, 1968 đến giữa thập niên bảy mươi bắt đầu cứng cáp. Các hãng bắt đầu cần rất nhiều chuyên viên điện tử và, nhờ ơn trời (như Dì nói), nghề này hợp với rất nhiều người Việt. Kiến thức khoa học: có đủ, vì hầu hết là sĩ quan, công chức ở Việt Nam; sự cẩn thận, chịu khó: có thừa; khả năng học hỏi và lòng cầu tiến: tràn trề. Bắt đầu là những người có sẵn bằng cấp từ Việt Nam lấy một vài lớp học về điện tử rất dễ so với khả năng của họ, rồi được tuyển vào các hãng làm chuyên viên kỹ thuật (technician). Từ đó họ chỉ đường cho gia đình và bạn bè.
Dì và Chú sau giờ đi làm đã ghi danh học lớp tối ở San Jose City College, lấy nhanh tấm bằng hai năm rồi đầu quân vào đội ngũ chuyên viên kỹ thuật đang tăng vọt. Từ các tiểu bang khác, sinh viên Việt Nam đi du học trước năm 1975 mới tốt nghiệp cũng đổ về San Jose tìm việc. Đã có nhiều cuộc gặp gỡ ngỡ ngàng khi những kỹ sư trẻ măng biết ra rằng những technician tóc loáng thoáng sợi bạc, im lặng, chăm chỉ làm cùng phòng thí nghiệm chính là những nhân vật mà họ từng nghe tên tuổi lẫy lừng trong những trận đánh của Tết Mậu Thân 1968, của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Gia đình Chú Dì cũng như nhiều người Việt khác dần dà khá giả hơn. Nhiều gia đình chồng đi học có bằng làm technician, vợ chưa tốt nghiệp cũng hăng hái đi làm nhân viên khâu lắp ráp (assembler hay assembly line worker).
"Ở đây chồng Tách (technician), vợ Ly (assembly)
Cùng làm một buổi, còn gì sướng hơn"
Hạnh phúc của người tị nạn thời đó đơn giản là vậy. Đầu óc, công sức và sự khéo léo của họ đã chăm chút, hoàn thiện biết bao sản phẩm của các hãng điện tử. Thành công đem lại thành công, các hãng mọc lên ngày càng nhiều, và người Việt tị nạn đã góp công rất lớn vào sự phát triển của Thung Lũng Điện Tử, nơi ra đời của những sản phẩm thay đổi đời sống con người trên toàn thế giới.
Trong guồng máy của thung lũng này, Dì và Chú vừa xây dựng lại cuộc đời trên đất mới, vừa dành dụm gởi về giúp đỡ hàng chục anh chị em trong họ hàng hai bên.
Rồi đại gia đình dần dần đoàn tụ, lúc đầu là những người trẻ đi bằng đường vượt biển, sau đó là người lớn tuổi đi theo diện bảo lãnh. Là con gái út nhưng vì quen gánh vác họ hàng từ sau cuộc đổi đời, Dì đã trở thành người đầu đàn của họ ngoại tôi trên đất Mỹ.
Có một lần tôi mỉm cười và nghĩ rằng Dì không giống với hình ảnh quen thuộc của những người đàn bà Việt Nam trong văn chương: đơn giản, đảm đang, hy sinh, và chịu đựng.
Dì không chỉ vậy, mà hơn vậy.
Dì hy sinh, chịu khó, nhân từ, và can đảm. Dì đẹp và cao. Dì ăn mặc lịch lãm. Hồi tôi mới sang, thỉnh thoảng cuối tuần Dì chở đám cháu đi mua sắm ở những tiệm quần áo clearance. Mấy Dì cháu hí hửng tìm kiếm trong đống quần áo giảm giá tới bảy mươi, tám mươi phần trăm. Phần lớn là mua gởi về Việt Nam, nhưng Dì cũng giữ lại vài thứ để mặc. Những chiếc áo có nơ ở cổ, có kiểu dáng điệu đà, thanh nhã rất hợp với Dì. Và điều đặc biệt nữa là hai bàn tay của Dì. Trải qua bao năm tháng nhặt trái cây, làm việc nhà, vật lộn với những máy móc điện tử, bàn tay Dì vẫn thon đẹp với những ngón búp măng dài muốt.
Ba mươi chín năm qua nhà Dì là nơi nhóm họ. Hàng trăm lần giỗ Tết đến, rồi đi, rồi trở lại. Họp mặt ở nhà Dì đã trở thành một điều tưởng như không bao giờ thay đổi...
Gần đây, có một lần tôi ghé thăm Dì. Khi bước xuống xe, ánh nắng vàng trên con đường, hai dãy nhà màu nâu nhạt dọc hai bên, những bụi hoa và bãi cỏ, chúng quen thuộc đến mức làm tôi ngỡ ngàng! Cánh cổng sắt vẫn sơn màu xám, đưa vào căn nhà nơi Chú và Dì đón hai chị em tôi về sau chuyến bay từ trại tị nạn Galang tới San Francisco. Thời đó bãi cỏ tươi hơn và giàn hoa giấy đỏ mới chập chững leo trên cái giàn tạm nhỏ xíu. Nhưng, nhìn chung căn nhà vẫn rất giống như xưa.
Vậy mà rất nhiều điều đã vô cùng khác.
Kể từ năm nay, ngày 29 Tết Dì không còn gọi điện thoại cho từng đứa cháu, nói "Giao thừa đến nhà Cô cúng ông bà, nghe!" Căn nhà này sẽ không còn là nơi mà mấy chục người trong ba thế hệ bên ngoại gặp gỡ nhau. Vì Chú đã qua đời, còn Dì thì liệt nửa người sau cơn tai biến mạch máu não.
Lần đó tôi vào bệnh viện thăm lúc Dì mới hồi tỉnh. Khi ra về, tôi nắm tay Dì và nói to "Cháu đi về nha. Cô bye cháu đi." Dì bập bẹ "Bye" rồi vẫy vẫy tay. Và, tôi bùi ngùi thấy rằng bệnh tật đã làm Dì thay đổi, nhưng vẫn không cướp được hai bàn tay đẹp của Dì. Chúng vẫn đẹp, như xưa. Nhưng vẻ đẹp ấy như đang dùng sự tương phản để đánh thức tôi, nhắc tôi là đời người ngắn ngủi, là đã đến lúc tôi phải đối diện với lẽ tử sinh.
*
Ở trung tâm thành phố (downtown) San Jose có một cửa tiệm nằm trong một căn phố nhỏ. Từ xa lộ 280 ra hầu như lần nào tôi cũng phải ngừng lại ở đèn đỏ góc đường Mười Một trước khi quẹo trái vào Santa Clara, con đường chính của downtown. Ở chỗ ngừng xe, nhìn xéo qua tay phải là tấm bảng có những ba dòng chữ đỏ bằng tiếng Anh, Hoa, và Việt. Dòng tiếng Việt đề "Vịt Quay Tôn Thọ Tường" nên tôi đoán chủ tiệm là người Việt gốc Hoa. Vẻ hơi tồi tàn, xập xệ của tiệm với cái tên Tôn Thọ Tường gợi nhớ những hàng quán ở Sài Gòn, Chợ Lớn ngày xưa. Tiệm này đã ở đó trên dưới ba mươi năm.
Trong thời gian cộng đồng Việt ngày càng ăn nên làm ra. Khu thương mại Lion được mở ra trên đường Tully. Tiếp theo là khu Grand Century sang đẹp cùng khu Vietnam Town lộng lẫy trên đường Story. Nhiều tiệm Việt Nam đã dời về phía Đông San Jose, và khu downtown không còn là nơi tụ họp chính của các dịch vụ cho người Việt. Trong suốt thời gian đó, tiệm vịt quay vẫn nằm ở góc đường. Cũ kỹ, cô đơn, nhưng kiên trì, tiệm đứng đó như một "chứng nhân" cho thời mở đầu của cộng đồng Việt tại San Jose.
Cho nên, cuối năm 2013, khi ngừng xe ở đường Mười Một, tôi hơi sững sờ khi thấy tiệm treo bảng đóng cửa. Tôi thấy nhớ cửa tiệm như tiếc một thời đã qua.
Nhưng rồi tôi lại "tự cười" và tự nhắc rằng nền tảng của sức mạnh Mỹ quốc là sự hiệu quả. Chủ tiệm vịt quay có lẽ cũng đã đến tuổi về hưu, và một tiệm mới đang trên đà đi lên sẽ làm ăn hữu hiệu hơn ở góc đường này. Bây giờ là 2015. Trong thời đại khi iPhone 6 vừa ra đời đã có người mơ mộng tới iPhone 7, khi mỗi phút có ba triệu người lướt mạng thì lòng hoài cổ của tôi không thể chen chân ở ngay Thung Lũng Điện Tử, cái nôi của máy vi tính và điện thoại di động, đất nhà của Google, Yahoo, Facebook, và mấy ngàn hãng xưởng lớn nhỏ khác.
"Sóng sau dồn sóng trước", không nơi đâu mà câu thành ngữ đó đúng hơn là ở vùng này. Mọi thứ đều tuân theo quy luật sóng, kể cả con người.
*
Tôi quen cô Hòa trong một lần ghé văn phòng Bác Sĩ. Hôm đó chúng tôi phải chờ khá lâu. Cô mệt mỏi dựa lưng vào tường, nhắm mắt lại, hai tay chắp trên bụng. Những móng tay của Cô sơn màu hồng cánh sen có ánh tím trang nhã. Khi Cô mở mắt nhìn tôi mỉm cười, tôi bắt chuyện và khen màu sơn móng tay của Cô. Cô trở nên linh hoạt hẳn lên "Màu sơn này do người đệ tử làm nail ở Hollywood gởi tặng cho cô đó. Mua ở tiệm thường không có đâu nghe! Cô làm Nail mấy chục năm mà, đệ tử của Cô bây giờ ở khắp nơi..."
Từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi lại nói chuyện điện thoại và tôi được nghe cô Hoà kể nhiều chuyện về buổi đầu tị nạn.
"Cô qua Mỹ với Ba Má chồng và đứa con, thằng Tâm, mới hơn một tuổi. Năm 1975, Cô mới lấy chồng được chưa đầy ba năm, ở chung với ông bà nội thằng Tâm. Bữa đó, đang ở nhà thì chồng Cô về, kêu gom góp đồ đạc vô vali rồi chở lên phi trường Tân Sơn Nhất. Ổng biểu cả nhà ngồi chờ để ổng đi đón thêm vài anh em rồi trở lại liền. Cô chờ mỏi chờ mòn, hơn hai ngày ổng không trở lại. Ngày thứ ba, phi trường bị pháo kích, người ở chung quanh nói chuyến bay bữa đó là chuyến cuối cùng.
Cô thì "bên dắt Mẹ già, bên nách con thơ", muốn ra cũng không được, ở lại thì sợ bom đạn, nên đành lên máy bay mà nước mắt chứa chan. Em tưởng tượng được không, Cô mới hai mươi hai tuổi đầu, tiếng Anh tiếng U không biết. Từ trong trại tị nạn ở California, Cô nhờ người ta kiếm ổng ở tất cả bốn trại tị nạn trên nước Mỹ. Văn phòng trại đọc loa kêu tên ổng mỗi ngày mà ổng vẫn bặt tăm. Cô khóc sưng mắt nhưng rồi nghĩ mình phải cố gắng lên vì bây giờ mình là người đứng lo cho gia đình. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cũng không biết phải làm sao. Cô không biết đường lối gì hết, không quen biết ai nên ở trại tị nạn lâu nhất. Mà Cô cũng muốn ở lâu, trong đầu cứ nghĩ là một ngày kia chồng mình sẽ xuất hiện trong trại, với lại cứ sợ là đi định cư rồi thì ổng biết đường đâu mà kiếm."
Thấy tôi chăm chú nghe và hỏi thăm chuyện tị nạn, Cô Hoà hào hứng kể chuyện cũ.
"Từ trại ở đảo Guam, gia đình Cô qua Camp Pendleton ở San Diego, rồi lên trại Hope Village ở Sacramento. Mùa hè năm 1975, trại này có tổ chức buổi lễ chào đón năm trăm gia đình Việt Nam đầu tiên đến định cư tại California. Buổi lễ đặc biệt này bắt đầu bằng một lễ chào cờ. Đây là lần đầu tiên Cô thấy lại lá cờ vàng của mình trên đất Mỹ. Khi lá cờ được kéo lên, nhiều ông mặc đồ dân sự mà đứng nghiêm dơ tay chào theo kiểu nhà binh. Sau đó Cô mới biết họ đều là tướng, tá của Việt Nam Cộng Hoà, có cả ông tướng Nguyễn Cao Kỳ nữa. Nhìn họ chào cờ Cô khóc như mưa vì nhớ ông chồng sĩ quan. Nhưng đâu phải mình Cô. Cả ngàn người tị nạn, nhiều người có đầy đủ gia đình bên nhau, vậy mà ai cũng khóc!"
Thình lình cô Hoà hỏi "Em biết cô tài tử Kiều Chinh không?"
Rồi không chờ tôi trả lời, Cô kể tiếp "Sau lễ chào cờ, ngoài mấy người Mỹ, cô Kiều Chinh được mời đọc diễn văn. Nhờ cổ nói thêm bằng tiếng Việt mà Cô hiểu là trại này có một bà tài tử lớn của Hollywood tên là Tippi Hedren làm trong ban quản trị. Trời, bà ta đẹp như thiên thần, tóc vàng óng, dáng người thon thả, sang trọng. Mọi người ai cũng thích bả, có nhiều chị cứ trầm trồ ngưỡng mộ hai bàn tay với móng dài, sơn màu san hô tuyệt đẹp của bả. Có lẽ nhờ bả mà nhiều nam, nữ tài tử từ Hollywood cũng tới thăm, giúp đỡ trại. Riêng cô Kiều Chinh, bạn thân của bà Tippi, thì sau khi đọc diễn văn còn tình nguyện ở lại trại cả tuần lễ để phụ giúp đồng bào.
Hàng ngày cô Kiều Chinh cùng bà Tippi đi thăm mọi người. Hồi đó người mình chưa nói tiếng Anh giỏi, nhờ có cô Kiều Chinh mà đôi bên mới hiểu nhau. Theo cô Kiều Chinh nói, Bà Tippi để ý cách các cô, các chị làm tóc, chăm sóc con cái, và bả kết luận là đàn bà Việt rất khéo tay. Từ đó, bả nảy ra ý định dạy cho người Việt Nam làm nail vì bả tin rằng nghề này rất thích hợp mà lại kiếm khá. Vậy là bả đem bà Dusty, người làm nail cho bả, vào trại dạy những điều căn bản cho hai mươi người Việt. Sau đó, họ đi xe của trại tới trường để học những kỹ thuật mới nhất như làm móng tay giả bằng lụa. Cô có tới lớp coi họ làm. Mèn ơi, nhìn đố ai biết là móng giả! Nhưng mà hồi đó Cô còn lo đi kiếm ông chồng nên không có tâm trí ghi tên học..."
Cô Hòa còn kể cho tôi nhiều chuyện về những đội ngũ "hạt giống" thợ nail Việt Nam xuất phát từ Hope Village đã được sự giúp đỡ của bà Tippi để đi thi lấy bằng ở Sacramento. Hai mươi người đầu tiên đã chỉ đường cho bạn bè khác và Cô đã vào nghề khoảng giữa năm 1976. Nghề nail đã giúp Cô trang trải cho gia đình và còn đem lại cho Cô sự tự tin "Em biết không, giá làm móng tay thời 1976 là sáu chục đồng một bộ. Mà lúc đó lương tối thiểu là hai đồng rưỡi một giờ! Em nghĩ coi, không có nhiều người Việt vô nghề, làm cách nào mà giá xuống thành vừa phải để cho những người bình thường cũng có thể làm nail? Bởi vậy, thợ Việt đúng là giúp làm đẹp cho đời đó em à!" Cô vừa nói vừa cười.
Rồi Cô kể về thời gian Cô đi làm nail từ sáng tới tối, ông bố chồng đi phụ bếp, cậu con trai ở nhà với bà nội. Rồi chuyện nghe tin chồng Cô bị kẹt lại, đi tù trong trại tập trung ở Việt Nam "Nghe tin ổng bị tù mà vừa khóc vừa mừng. Ít gì ổng cũng còn sống, còn hy vọng có ngày gặp lai." Gia đình Cô đoàn tụ giữa thập niên 80 khi chồng Cô ra khỏi tù và vượt biển thành công.
Bây giờ thì cậu bé Tâm một tuổi ngày mới tới đã là một kỹ sư điện toán, thêm người em sinh tại Mỹ sau này hiện làm cô giáo dạy Anh Văn ở trường trung học. Cả hai đã có gia đình riêng. Bố mẹ chồng và cả ông chồng đã qua đời. Còn một mình, cô Hòa sống trong nhà riêng khang trang nhưng không được khỏe. Cô bảo là mấy chục năm ngồi khom lưng và dùng tay quá nhiều đã làm cho Cô bị đau lưng và đau khớp thường xuyên. Các khớp ngón tay của Cô sưng lên, nhưng Cô vẫn giữ thói quen sơn móng, chỉ khác là bây giờ Cô phải ra tiệm.
Cô Hòa làm tôi nhớ đến Chú, Dì tôi. Ở trong hãng kỹ thuật phức tạp hay ngành nail tưởng như đơn giản nhưng không kém phần vất vả, họ đều là những hạt giống đầu tiên trong hai nghề chính đã chống đỡ và nuôi lớn cộng đồng Việt Nam tại Mỹ.
Người thợ nail hai mươi hai tuổi ngày xưa giờ đã sáu mươi hai. Đôi tay cô không còn đủ sức tự chăm sóc, phải trông cậy vào thế hệ tiếp nối. Nhưng cô vẫn có vẻ mãn nguyện vì đôi tay đó đã kiếm sống cho cả ba thế hệ, đã làm đẹp cho đời, đã cống hiến hết khả năng.
*
Có lần sau khi đọc một bài viết về Hội Chứng Rối Loạn Sau Ác Biến (Post-traumatic Stress Disorder) của những quân nhân sau khi tham chiến, tôi tự nhủ là mình nên cám ơn trời. Những cực khổ tôi trải qua ở Việt Nam chắc vẫn còn rất nhẹ so với nhiều người khác, không phải là traumatic experience. Ký ức ấy, sau chuyến vượt biển may mắn, có lẽ đã được xoa dịu bằng sự đùm bọc của bao người thân thiết. Nhờ vậy, tôi cảm thấy là tinh thần tôi khỏe mạnh, không có triệu chứng khác thường nào cả.
Mãi tới gần đây, tôi mới nhận thấy là có lẽ sự kiện trốn khỏi Việt Nam rồi sang định cư ở Hoa Kỳ đã làm ý niệm về thời gian của tôi hơi bị lệch lạc. Ba mươi năm sống ở Mỹ mà tôi cứ cảm thấy là rất ngắn. Nhiều kỷ niệm và hình ảnh cứ đứng nguyên như lúc tôi mới bắt đầu thu góp những ý niệm về cuộc đời, về người lớn ở chung quanh. Những nhà thơ, nhà văn. Những nhạc sĩ, ca sĩ. Những thầy, cô giáo. Những danh tướng một thời. Và những người thân. Trong đầu tôi, thời gian qua chưa bao lâu, những người ấy vẫn mạnh khỏe, vẫn là một phần của cuộc sống hàng ngày, là hình ảnh của xã hội chung quanh, như trong những thập niên bảy mươi, tám mươi.
Cho tới vài năm gần đây, tôi phải đối diện với sự ra đi và đau yếu của họ. Mỗi khi nghe tin, tôi cảm thấy bâng khuâng, trống trải. Như thể tấm khăn ấm áp, thân thiết bao năm che chở quanh vai tôi đang bị rút bớt, từng sợi, không ngừng. Rồi tôi nhận ra rằng ba mươi năm không ngắn như một giấc mơ. Đã tới lúc tôi nhìn lại và thấy đó là quãng thời gian dài, dài lắm.
*
Tôi đến Mỹ năm 1984. Khi mới đến chưa biết đường lối, lỡ dịp ghi tên khóa mùa Xuân ở trường đại học, nên phải học tiếng Anh gần chín tháng tại trường dạy người lớn (Adult Education Center). Thời đó, số người vượt biển đã giảm bớt so với những năm đỉnh 80, 81 nhưng vẫn còn rất nhiều. Hầu như tuần nào cũng có chuyến bay chở người từ các trại tị nạn Bataan và Galang đến định cư ở Mỹ. Cho nên, vào trường tôi gặp lại rất nhiều người quen ở đảo. Mới tới Mỹ gần một tháng mà ai cũng trắng trẻo và tươm tất hơn nhiều so với thời ở trại. Gặp nhau tít tít hỏi han, trao đổi tin tức về chỗ nào thuê nhà tốt, chỗ nào đang mướn người, cách xin trợ cấp xã hội, ngày giờ ghi danh ở trường đại học...
Giờ ăn trưa giở hộp cơm, miếng bánh mì ra mời nhau, ăn xong ra vòi uống nước, chỉ có vài cậu thanh niên trẻ xài sang mới bỏ mười lăm xu vô mua lon nước ngọt trong máy của trường. Mừng rỡ, chia sẻ vậy nhưng người tị nạn mới sang thuộc đủ mọi lứa tuổi, mọi cảnh đời. Người phải đi làm nuôi gia đình, người thích kiếm tiền sớm, người chuyển đi vùng khác, người tiếp tục học lên... Vì thế, chẳng bao lâu là mỗi người mỗi ngả.
Mùa Thu năm đó, hai chị em tôi vào học ở trường College ở thành phố Fremont gần nhà. Ngôi trường nằm trên đồi, biệt lập, và thơ mộng dịu dàng. Lớp học nằm trong những tòa nhà trắng viền gỗ nâu đậm nhìn xuống những bãi cỏ thoai thoải và nhiều hàng cây cao vút. Thời đó người Việt tụ tập nhiều ở phía Đông thành phố, gần downtown San Jose. Vì thế, hai trường Evergreen College và San Jose City College ở vùng đó thu hút đông học sinh Việt nhất. Ngoài hai nơi này, những trường khác ở hạt Santa Clara cũng được nhiều người Việt chọn học. Hạt Santa Clara giàu có nhờ thu được nhiều thuế từ các hãng điện tử, do đó họ có thêm chương trình giúp đỡ sinh viên nghèo, và quỹ cho sinh viên vừa làm vừa học (Work Study) cũng rộng rãi.
Ngôi trường tôi học thuộc quận Alameda, không được trù phú bằng Santa Clara nên chỉ có các phúc lợi của liên bang và tiểu bang. Đó là sau khi đã vào trường nghe các bạn học nói vậy chứ thật ra tôi không để ý. Đối với tôi ngày đó, được đi học đã là một hạnh phúc to lớn, được hưởng tiền trong khi xây đắp cho chính tương lai của mình thì là một điều kỳ diệu. Thời đó học sinh tị nạn gồm đủ mọi lứa tuổi và đặc biệt là có rất nhiều anh chị em cùng sang một lúc và cùng đi học với nhau. Năm đó, ngoài "cặp bài trùng" là chị em tôi còn có mấy nhóm ba, bốn anh chị em cùng học một lớp.
Lúc mới sang, tôi nghe nói thời đó sinh viên gốc Việt trong trường đại học chia làm hai nhóm: nhóm di tản năm 1975, đã học trung học ở Mỹ và nhóm mới sang. Nghe thì có vẻ "chia rẽ" nhưng khi vào trường tôi thấy đó chỉ là điều tự nhiên. Những sinh viên lên từ các trường trung học thường rất giỏi tiếng Anh, thường ăn mặc rất thời thượng, theo phong cách của thần tượng âm nhạc thời 80 là Madonna và Michael Jackson. Những chiếc mũ đội lệch, những lớp áo thun và váy ren xòe kết hợp khéo léo, quần jean mặc xệ, chuỗi hột đeo cổ, thánh giá lủng lẳng trên tai, giày cao cổ sành điệu, găng tay đen hở ngón... Cách ăn mặc rất-Mỹ của họ là một điều khác biệt rất dễ thấy và thú vị đối với tôi. Trong lớp họ thoải mái đặt câu hỏi và có khi còn đùa giỡn với thầy. Giờ nghỉ họ đi với nhau, nói tiếng Anh ríu rít rồi cười vang. Họ vui nhộn, rộn ràng. Rất khác với đám sinh viên tị nạn như chị em tôi.
Đám sinh viên thứ hai này ăn mặc đơn giản, thường ngồi im trong lớp. Ngoài giờ học, họ nói chuyện với nhau khẽ khàng, bằng tiếng Việt. Sự khiêm tốn gần như rụt rè đó lẽ ra sẽ làm họ chìm lỉm, nhưng sự thật thì không phải vậy. Người học sinh nổi tiếng, suốt hai năm đứng nhất trên "bảng vàng" với số điểm trung bình cao nhất trường là một trong ba anh em mới sang, đi học chung với nhau. Trong lớp, các sinh viên tị nạn hay đạt điểm tuyệt đối trong các bài thi. Tại Math Lab (Phòng Kèm Toán), những sinh viên tị nạn gốc Việt trong chương trình Work Study thường nổi tiếng là giảng bài dễ hiểu và "giải Toán như làm ảo thuật". Trong số đó, một vài người đã có trình độ cao từ Việt Nam, nhưng hầu hết thành tích của họ đến từ sự chăm chỉ và lòng quyết tâm.
Thời đó, ngoài giờ học, có một nơi tôi đến thường xuyên là tiệm Vinatrade, chuyên gởi đồ về Việt Nam. Lúc ấy việc chuyển tiền từ Mỹ về Việt Nam bị cấm tuyệt đối và những thùng quà này là để người thân đem ra chợ trời bán lấy tiền sinh sống. Mỗi cuối tuần tiệm này đông lắm. Những khách hàng ăn mặc sơ sài, nhiều người da còn chưa nhả hết sắc đen của nắng đảo tị nạn, hăng hái mua vải, dép nhựa, dầu gió xanh, viết Bic... rồi đóng thùng. Mọi người vừa mua sắm vừa chỉ vẽ cho nhau những mặt hàng đang có giá ở Việt Nam. Ở nơi đây tôi đã gặp nhiều bạn học, nhưng tất cả đều là người mới sang Mỹ. Và tôi đã khám phá ra sự khác nhau căn bản nhưng rất khó thấy giữa những sinh viên di tản và sinh viên vượt biên. Không phải là bề ngoài hay cách ăn nói, mà là sự vô tư của những người đến đã lâu bên cạnh sự đau đáu của người mới tới.
Người sang năm 1975 thường có gia đình đầy đủ, họ chỉ cần lo cho tương lai, việc giúp đỡ người thân còn ở lại là chuyện của cha mẹ, của người lớn trong nhà. Ngược lại, đa số sinh viên vượt biên là những thanh niên đến Mỹ một mình. Trách nhiệm, nỗi nhớ thương và lòng biết ơn gia đình đã làm cho họ chỉ chuyên chú vào hai việc: học giỏi để tiến thân và giúp gia đình còn ở lại. Họ im lặng học, cắm cúi học. Sau giờ học thì cần cù làm, chắt chiu gom góp gởi về Việt Nam.
Dù sao thì tuổi trẻ cũng hội nhập nhanh chóng và rất dễ gần nhau. Sau khi tôi từ giã ngôi trường College êm đềm, lên học ở Berkeley rồi ra đi làm, tôi không còn cảm thấy sự khác biệt giữa những người đến Mỹ vào những thời điểm khác nhau nữa. Lý do chính là khi đi làm, tiền bạc không còn là mối ưu tư, và, hơn nữa, gia đình cũng dần dần đoàn tụ.
*
Đã bốn mươi năm.
Thế hệ thứ ba của chúng tôi bây giờ đang vun xới cho thế hệ thứ tư. Cách đây không lâu, tôi dắt các con đi thăm đại học Berkeley.
Tới lúc đó tôi mới được nghe hướng dẫn viên kể về lịch sử của nhiều tòa nhà, và mới thấy rõ rằng ngày xưa tôi chỉ quanh quẩn ở một góc nhỏ trong trường. Ngày đó, Berkeley của tôi, cô sinh viên mới từ đảo tị nạn qua được hai năm, chỉ là những tòa nhà dạy các lớp kỹ thuật, thư viện, computer lab, và phòng thí nghiệm. Nhưng tôi vẫn không cảm thấy mất mát gì. Những tòa nhà cũ vẫn còn đây cho tôi thăm, dù đã hơn hai mươi năm. Và còn mọc lên những tòa nhà mới tinh, hừng hực kỹ thuật tân kỳ... Tất cả đều chào đón tôi trở lại và mở rộng cho bước chân những thế hệ sau khám phá và học hỏi.
Tuổi trẻ bao giờ cũng đẹp. Ước mơ tương lai lúc nào cũng cao. Bởi vì chúng vươn lên từ trên vai của thế hệ cha ông.
Bốn mươi năm qua, hai thế hệ đầu tiên của người Việt tị nạn đã hoàn thành nhiệm vụ đặt những viên gạch làm nền cho gia đình và cộng đồng. Và tôi lại phải tự nhắc - bốn mươi năm là thời gian dài lắm. Như những cây lúa đã dâng hết gạo cho đời, thế hệ trước tôi đã tới lúc đi vào giai đoạn cuối của hành trình.
Chúng tôi đã trở thành "tuyến đầu". Ở trong vị trí này, tôi mới thấm thía hành trình của những người đầu tiên chèo chống con thuyền Việt Nam tị nạn. Họ đã bên dắt cha mẹ, bên nách con thơ đến quê hương mới. Họ đã khai đường mở lối cho hôm nay, cho ngày mai. Họ đã cống hiến tất cả tuổi trẻ và sức lực bằng đầu óc, chân tay.
Sự ra đi của họ, đối với tôi, là kết thúc của cả một thời đại. Thời đại của mấy mươi năm chiến tranh đằng đẵng, của hai lần lìa bỏ quê hương, hai lần làm lại từ đầu. Thời đại của những người đóng và gởi những thùng đồ cứu đói đầu tiên về Việt Nam, những người đã đắp đập be bờ giữ gìn nguồn cội Việt Nam cho tương lai gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới.
"Bầy trẻ thơ" chúng tôi đã lớn trong sự cưu mang và hy sinh của họ. Tôi, và con cháu tôi, mang ơn họ.
Đời sống ở quê hương mới êm đềm và đầy đủ. Nhưng trong tôi vẫn thường xuyên dậy lên nỗi "ruột đau chín chiều"(4) khi nghĩ về quê cũ. Nhất là khi người thân yêu đã già. Nhìn họ và nghĩ đến lúc phải chia tay, tôi bâng khuâng như mất đi thêm một phần của quê hương
"Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi
có chút gì nghe rất thốn đau" (5)
Khôi An
(1) Nhạc: Hai Mươi Năm của nhạc sĩ Phan Văn Hưng
(2) Thơ: Cách Xa của thi sĩ Huy Cận
(3) Thơ: Nắng Mới của thi sĩ Lưu Trọng Lư
(4) Ca dao: "Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều"
(5) Thơ: Nhìn Nhau Chợt Thấy Ra Sông Núi của thi sĩ Du Tử Lê
No comments:
Post a Comment