Sunday, July 3, 2022

Một mảnh đời rạn vỡ!

“Who was Tuan Nguyen?” bài đăng trên Los Angeles Daily News làm nhiều người Việt tị nạn chúng ta không cầm được nước mắt!

Một người nhụ nữ đã đạp nhầm chân ga thay vì chân thắng, đâm sầm chiếc Jeep Liberty của mình vào cửa trước tiệm Jolly Donuts, bán bánh ngọt và cà phê giết chết một người đang ngồi uống cà phê trong quán lúc 9 giờ 36 phút 34 giây.

Đã ba tuần trôi qua mà không có người thân nào đến nhận xác nạn nhân.

Đêm John Doe 278, (tên Cảnh sát đặt cho một xác chết nam vô thừa nhận) bị đụng chết, trong túi anh đầy những tờ vé số đã cạo, 350 đô la tiền mặt, một điện thoại di động hiệu Samsung.

John Doe 278 chưa từng gọi cho ai và cũng không có ai gọi cho anh cả. Điện thoại di động nầy anh dùng chỉ để chơi ‘gêm’ (game)

John Doe 278 là một người không nhà, cô độc, có thói quen đến quán Jolly Donuts lúc 9 giờ tối mỗi đêm, mua một tách cà phê và cắm cái điện thoại di động nầy vào ổ điện để ‘sạc’ pin; nếu lỡ có ai ngồi rồi thì John Doe 278 kiên nhẫn chờ cho đến khi nào nó trống!

Cái điện thoại Samsung chưa ‘sạc’ đầy pin thì chủ nhân của nó đã chết.

***
Một tấm thẻ bài màu xanh cột vào ngón chân cái bên phải, tấm chăn phủ xác cũng màu xanh, nằm trong cái hộp đựng xác của văn phòng giảo nghiệm y khoa với bí danh là John Doe 278.

Một con người chưa hề làm điều gì lôi thôi với luật pháp nên không hề có tên trong bất cứ một hồ sơ lưu trữ bằng điện toán của bất kỳ một cơ quan nào, là không hiện hữu… dù đã và đang có mặt trên đất nước Hoa Kỳ nầy suốt hơn 30 năm qua!

Anh là ai? Tên anh là Tuấn; họ là Nguyễn, sanh năm 1961. con của một gia đình công chức Sở Thủy cục và Điện lực Sài Gòn!

Tuấn từng học Petrus Ký, có năng khiếu về Toán. Trên cái túi đeo lưng của anh, luôn luôn có một cuốn sách.

***
Câu chuyện của Tuấn, một người tị nạn, đến nước Mỹ vài năm sau Tháng Tư, năm 75, khi Sài Gòn sụp đổ, một thanh niên dáng vẻ Á Châu, gầy ốm, hay lang thang trong bãi đậu xe một mình.

Tối ngủ quanh quẩn trong một ngõ cụt đàng sau các cửa tiệm ở góc đường Roscoe và DeSoto.

Tuan Nguyen chưa từng nhờ vào bất cứ trợ cấp nào của chánh phủ Mỹ, anh tự kiếm sống bằng cách nhặt những lon bia rồi đem bán, lãnh đổ rác cho tiệm giặt quần áo kế bên tiệm neo trong suốt 32 năm trời!

“Một tối Chủ Chút, chủ nhân của tiệm neo quên khóa cửa. Ngày thứ Hai lại nghỉ. Sáng thứ Ba quay lại, hoảng hốt khi thấy cửa vẫn còn mở, sau khi xem xét không thấy mất cái gì; coi lại hệ thống an ninh ghi hình của cửa tiệm, bà biết tại sao đã không bị ăn trộm.

Vì anh Tuan Nguyen đã ở đó suốt ngày Thứ Hai để canh chừng tiệm cho bà!

Bà Maria Avila, người cắt tóc cho anh một năm hai lần, đã khóc khi nghe anh tử nạn. Tôi nói để tôi cắt tóc miễn phí cho; nhưng anh không chịu! Lần nào cũng nài nỉ trả cho tôi 10 đô la, công cắt tóc.

Cô Brooke Carrilo, 42 tuổi, cũng là một kẻ không nhà, sau khi bị mất việc không trả nổi tiền nhà, phải sống trong một chiếc xe.

“Một ngày xe bị hết xăng, anh móc túi cho tôi chút đỉnh tiền đổ xăng! Để tôi có thể di chuyển từ chỗ nầy qua chỗ khác nhằm tránh sự quấy nhiễu của Cảnh Sát tuần tra”

“Một con người tử tế, nhân hậu, không làm phiền nhiễu bất cứ một ai!”

“Anh ấy là một phần của chúng tôi trong một khoảng thời gian dài!

Một năm không ai nghĩ là dài nhưng một năm không nhà, bụi đời như vậy là khoảng thời gian rất dài. Huống hồ hơn những ba mươi năm!”

“Anh ấy nghĩ chúng tôi đã chăm sóc cho anh ấy nhưng thực ra anh ấy mới là người đã chăm sóc cho chính chúng tôi”.

“He thought we were looking out for him, but he was looking out for us!”

***
“Tại sao một con người nhân từ, có tinh thần trách nhiệm như thế lại sống 30 năm ở ngoài đường?

Tại sao anh ấy không xin phiếu trợ cấp thực phẩm (food stamps) và chương trình trợ cấp tổng quát (General Relief) của chính phủ?”

Vâng cũng có người đã giúp anh tìm một chỗ tạm cư; nhưng sau đó anh lại trở về đời ‘homeless’; vì theo anh ở đó vẫn còn người đối xử tử tế với anh!

Trong số khoảng 200 ngàn người tị nạn đã chết trên biển vào những năm 70s và 80s trong thảm trạng thuyền nhân, có cả gia đình cha mẹ anh em của Tuấn đều đã chết hết trên biển;

Tuấn là người duy nhứt trong gia đình còn sống sót!

Đây là câu chuyện bi đát của một người không thể nào quên được thảm kịch mình đã trải qua; rồi sau đó không còn muốn trở về với đời sống thực tế nữa!”

***
Người viết bài nầy đã từng gặp một thanh niên tị nạn người Việt ở Flemington, Melbourne, Úc Châu, bề ngoài có vẻ rất bình thường.

Một hôm tình cờ bước vào một căn ‘flat’ của chánh phủ cho anh mướn. Trong nhà không còn một khoảng trống nào, từ phòng khách vào tới nhà bếp. Toàn là những chai nước ngọt đủ cỡ, đựng đầy những nước.

"Chứa nước nhiều như vậy để làm gì?"

Thì mặt anh đột nhiên trở nên nhăn nhúm, thống khổ như hình tranh lập thể của họa sĩ Picasso, anh trả lời: “Ông không biết! Chớ nước quý lắm đó!”

Ôi! Những thảm kịch kinh hoàng của thuyền nhân trên biển. Những bi kịch không thể nhạt phai, những chấn thương tâm lý không bao giờ hồi phục.

Chúng ta vô tình thản nhiên đi qua những niềm đau đó. Bác sĩ có thể chữa lành những vết thương về thể chất; còn những chấn thương tinh thần nầy mãi mãi sẽ không yên cho đến khi nạn nhân về với mộ!

Vĩnh biệt anh! Một hình tượng của thảm trạng thuyền nhân Việt Nam đã sống một cuộc đời lặng lẽ, đã chết trong cô đơn, sẽ được bình yên phía bên kia cuộc đời, sum họp với cha mẹ, với anh em; chắc sẽ làm đời anh bớt đau đớn hơn chăng?!

Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.

(Theo David Montero, Los Angeles Daily News.)

Bình luận:

1. Cái bi kịch nầy không bao giờ cũ.

2. Lịch sử sẽ phải chỉ rõ ai chịu trách nhiệm về tội ác gây ra thảm trạng thuyền nhân? Không thể phớt lờ trước hàng trăm ngàn sanh mạng cúa những người đã bỏ mình trên bộ, trên biển.

3. Muốn biết một đất nước, có văn minh hay không chủng ta hãy nhìn cách chánh quyền đối xử với người dân nước đó.

4. Muốn biết một dân tộc có yêu nước hay không chủng ta hãy nhìn cách người dân họ đối xử với nhau ra sao?

5. Đã gần nửa thế kỷ rồi hằng năm chúng ta vẫn chưa có được một ngày tị nạn để tưởng nhớ bà con mình đã chết. Để người Việt yêu thương nhau, đùm bọc nhau hơn.

6. Chúng ta nợ thế hệ của con cháu sau nầy một câu trả lời. chúng ta nghĩ gì, làm gì, thay đổi nhân sinh quan như thế nào trước thảm kịch thuyền nhân.

7. Cái thảm trạng đó có làm chúng ta sống nhân hậu hơn hay sống ích kỷ hơn?
Quan niệm sống đối với đất nước, đối với đổng bào, đối với người thân trong gia dình trước cái bi kịch đó!

Chừng ấy cái chết bi thảm cúa thuyền nhân Nguyễn Tuấn sẽ không bao giờ bị chúng ta dửng dưng, chúng ta nhẫn tâm để cái bi kịch đó chìm trong quên lãng.

Đoàn Xuân Thu. Melbourne.

No comments:

Blog Archive