Nội Ơi Đừng Khóc
Hình minh họa
1/ Trời mới hửng sáng, bà Năm đã trở dậy. Căn nhà im lặng như tờ, giờ này mọi người còn đang ngủ. Bà lặng lẽ đến bên bàn thờ, thắp nhang cho chồng. Tay run run, nhưng bà vẫn cố gắng không để tàn nhang rơi xuống thảm. Con dâu đã dặn bà chỉ được dùng nhang điện, nến điện, vì nó sợ mùi nhang và sợ tàn nhang làm hư tấm thảm đắt tiền. Nhưng bà nghĩ, không có hương khói, người chết biết đường đâu mà về? Bà chỉ an tâm, sung sướng khi có ông bên cạnh, mặc dù ông bây giờ chỉ là một hồn ma. Hương khói làm ấm lòng bà, ấm lòng cả người đã khuất, bà không thể để bàn thờ chồng hương khói lạnh tanh.
Sợ con dâu phiền hà, mỗi lần thắp nhang cho ông, bà cứ phải rình những lúc nó vắng nhà hoặc đang ngủ, lén lén lút lút giống y như một tên trộm. Duyên mà biết được, thể nào cũng sinh chuyện. Phải nghe nó nhiếc móc đến nhức xương, bà sợ lắm, nên trừ việc thắp nhang cho chồng, nhất nhất mọi việc khác, bà đều không dám làm trái ý nó. Thân ăn nhờ ở đậu, bà biết phận mình phải chiều theo ý chủ nhà.
Dạo này thấy hai vợ chồng nó lục đục hay cãi nhau, bà hiểu là tại bà, con dâu không muốn sự có mặt của một người thứ ba xen vào đời sống riêng tư vợ chồng nó. Duyên biểu lộ sự khó chịu bằng bộ mặt lạnh tanh và những cái lườm nguýt, những câu mỉa mai, bóng gió. Bà giả vờ như không nghe, không thấy, tính bà vốn hiền lành, xuề xòa, chín bỏ làm mười cho vui cửa vui nhà, dâu con có hỗn hào cũng là tại bà đã làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của vợ chồng nó.
Thật lòng bà không ghét con dâu, bà hiểu nếp sống khác biệt của hai thế hệ già trẻ ở chung trong một nhà đã tạo ra những xung khắc không thể tránh. Từ xưa đến nay, chẳng con dâu nào ưa thích sống chung với mẹ chồng. Nó bực mình cũng có thể hiểu được, bà biết nó cũng phải chịu đựng bà, như bà đã chịu đựng nó. Duyên đang mang bầu đứa con thứ hai, nó có nóng nảy, cáu kỉnh đôi chút thì cũng bỏ qua, bà tự nhủ không nên để nó tức giận, ảnh hưởng có hại tới đứa bé trong bụng.
Nhưng bà đã cố gắng nhẫn nhục, trong khi cô con dâu lại ưa kiếm chuyện, vì vậy bà phải cố tránh những cơ hội chạm mặt nó. Khi Duyên ở nhà, chỉ trừ những bữa ăn phải ngồi chung bàn, thường thì bà vẫn lánh mặt ở trong phòng riêng cho nó khỏi gai mắt và bà cũng khỏi phải nghe những câu nói cạnh nói khoé, chửi chó mắng mèo của nó, những câu nói hỗn hào mà bà cứ phải nhắm mắt làm ngơ cho qua chuyện. Làm mẹ chồng thời nay khổ hơn là làm dâu thời xưa.
Đức không để ý gì đến mẹ. Cuộc sống vất vả, khó khăn, hắn bận đi làm tối mắt để nuôi gia đình. Bà Năm chưa bao giờ mở miệng than thở với con trai. Hắn có bao nhiêu chuyện phải lo. Bà không muốn Đức phải bận tâm thêm vì bà. Bà Năm lặng lẽ sống những ngày cuối đời trong ngôi nhà sang trọng, giữa những người thân mà bà cảm thấy cô đơn như đang sống trong sa mạc. Trong nhà, chỉ có đứa cháu nhỏ là còn thương bà, đứa cháu bà vẫn bồng ẵm từ lúc còn nằm nôi. Con bé kháu khỉnh, giống bố như tạc là nguồn an ủi duy nhất của bà. Chỉ cần nghe giọng nói ngây thơ và nhìn khuôn mặt dễ thương, đẹp như thiên thần của nó là bà quên hết bao nhiêu muộn phiền. Nhưng bé Hân mỗi lúc một xa bà hơn, vì nó đã đến tuổi đi học, quên dần tiếng mẹ đẻ và mặc dù vẫn rất yêu bà, nhưng nó ít có thì giờ quấn quít bên bà như xưa.
Bà thở dài, nếu ông còn sống, bà còn có người tâm sự, nhưng ông chết đã lâu rồi, từ khi Đức mới lên mười tuổi. Mặc dù còn trẻ và có nhan sắc, bao nhiêu người theo đuổi, nhưng bà không tái giá, ở vậy tảo tần nuôi con. Nhờ chịu thương chịu khó và trời thương phật độ, bà buôn bán phát tài, lo cho con một cuộc sống đầy đủ, không thua kém những đứa trẻ còn đủ cả cha mẹ. Bà chỉ có mình Đức là đứa con duy nhất, nên bao nhiêu tình thương và tiền của đều dồn cho nó hết. Thuở nhỏ, Đức ngoan ngoãn, chăm học và học khá giỏi. Năm mười tám tuổi, Đức được học bổng đi du học ở Mỹ. Sắp tốt nghiệp thì xảy ra biến cố Tháng Tư 1975, Đức ở lại luôn bên đó, mẹ con xa cách nhau từ đấy.
Mãi tới khi Mỹ bang giao với Việt Nam, Đức mới về Việt Nam thăm mẹ. Xa cách hơn mười năm mới gặp lại, bà Năm vui mừng thấy đứa con trai gầy gò thư sinh của bà ngày nào bây giờ trở thành một chàng thanh niên to cao, khỏe mạnh. Nhưng tính tình Đức cũng đổi khác. Hắn ham mê vật chất và chỉ thích làm giàu. Thấy mẹ ở một mình trong ngôi nhà rộng thênh thang, Đức bàn tính, khuyên mẹ nên bán nhà đi, để qua ở với vợ chồng nó, vì lúc bấy giờ đang có chương trình đoàn tụ. Bà vui vẻ làm theo lời con, còn gì sung sướng cho bằng, khi về già được sống chung với con cháu. Gặp vận may nhà đất đang lên, căn nhà của bà bán rất được giá. Tiền bán nhà bà chỉ giữ lại một ít để tiêu vặt, còn bao nhiêu bà cho hai vợ chồng nó hết, bà già rồi, giữ tiền nhiều mà làm gì.
Đức làm giấy bảo lãnh cho mẹ sang Mỹ. Lúc này hắn đã có vợ và một đứa con gái mới tám tháng. Gia đình hắn sống trong sang giàu. Đức có tất cả những thứ mà người đàn ông nào cũng mơ ước: Vợ đẹp, con khôn và một ngôi biệt thự khang trang, có hồ bơi sau vườn. Để trả giá cho những tiện nghi sang trọng đó, cả hai vợ chồng hắn đều phải làm việc khá vất vả.
Thương các con bận rộn, bà Năm cố gắng chia sẻ bớt công việc. Trước đây, hồi mới sang, bà lãnh nhiệm vụ trông cháu, và nấu ăn cho cả nhà. Nhưng chỉ được vài năm, từ khi bước qua tuổi bảy mươi, bà thấy trong người yếu đi nhiều, tay chân run rẩy, làm việc gì cũng đánh đổ đánh vỡ tứ tung và nhất là hay quên tắt bếp. Con dâu sợ cháy nhà nên khóa gas, không cho bà nấu nướng nữa.Những việc dễ dàng như đi đón cháu, bà cũng không làm được,vì bà không biết lái xe,cũng không biết tiếng Anh để giúp cháu làm bài tập. Bà buồn rầu thấy mình trở thành người vô dụng, một gánh nặng cho con cái.
Tục ngữ có câu: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày” thật chẳng sai chút nào. Phải sống nhờ con cũng tủi nhục lắm. Con dâu vốn dĩ không ưa mẹ chồng, nay thấy bà ở không suốt ngày, lại càng chướng mắt. Duyên để lộ sự khó chịu ra mặt và gây với chồng, cho rằng Đức phải chịu trách nhiệm về những xáo trộn trong gia đình. Từ ngày chàng đem mẹ về đây, mọi thứ, mọi chuyện đều thay đổi, cô cảm thấy mất hết tự do thoải mái. Sự bực bội của Duyên mỗi ngày một tăng, giống như một quả bóng căng hết cỡ, chỉ cần đụng nhẹ vào là nổ tung… Không khí trong gia đình trở nên ngột ngạt, làm mọi người đều khó thở.
Thế rồi việc phải đến đã đến, một hôm Đức nói với mẹ:
– Duyên và con đã bàn với nhau, tụi con sắp bán cái nhà này, để mua một căn nhỏ hơn. Kinh tế khủng hoảng, tiền mất giá, mọi thứ đều gia tăng mà đồng lương thì vẫn vậy, tụi con không kham nổi căn nhà lớn.
Thoạt đầu chưa hiểu rõ ý định của con, thấy nó nói vậy, bà gật đầu ngay:
– Ừ, các con tính cũng phải, ở thu gọn lại cho đỡ tốn.
Đức cúi mặt không dám nhìn mẹ:
– Duyên đã tìm được một căn ưng ý lắm, gần sở làm của cô ấy, trường học cũng trên đường đi, tiện việc đưa đón cháu Hân. Nhưng ngặt nỗi…
Bà ngước mắt chờ đợi, Đức đắn đo một lúc rồi mới tiếp tục:
– Căn nhà này hơi nhỏ má à, chỉ có ba phòng…
– Nhỏ thì nhỏ, có sao đâu? Bà chợt ngưng lại, nhìn con dò xét… Hay con có ý gì khác, cứ cho má biết.
Bà hỏi giọng run run, bây giờ bà đã lờ mờ đoán hiểu, nhưng không chắc lắm.
Đức gãi tai, hơi có vẻ lúng túng:
– Con sợ ở chật chội quá, má sẽ không thoải mái. Nhà con lại sắp sanh, cần có phòng riêng cho đứa bé…
Bà Năm cố gượng một nụ cười méo xệch:
– Má hiểu rồi, ý con muốn nói là nhà chật, không có chỗ cho má phải không?
Đức chậm rãi vừa nói, vừa lựa lời:
– Con nghĩ má cần có một nơi ở thích hợp với má hơn. Tụi con đi làm suốt ngày, má ở nhà một mình chắc cũng buồn, má cần có bạn để chuyện trò, giải khuây…
Bà cười cay đắng, có thật là nó quan tâm đến bà không?
Có lần đi làm về, thấy mẹ đang ngồi xem phim cải luơng, nó gắt:
– Má tắt đi, nghe hoài nhức đầu lắm. Con ghét cái giọng rên rỉ đó, má coi chi mà coi tối ngày?
Lần khác, một người bạn của bà gọi đến, bà chưa kịp nhấc điện thoại thì con dâu đã giằng lấy, thản nhiên trả lời:
– Hỏi má chồng tôi hả? Bả đi vắng rồi, không có nhà.
Lúc đó Đức cũng có mặt, chỉ thấy nó hơi chau mày, nhưng không nói gì. Đức vẫn thường làm ngơ, mỗi khi chứng kiến vợ nó hỗn hào với mẹ.
Bây giờ, bà im lặng nghe con nói tiếp:
– Mấy tháng nay tụi con đã để ý tìm cho má một nơi ở tốt lắm. Ngôi nhà rộng rãi mát mẻ, có vườn tược, cây cối để má dạo chơi, có người nấu ăn, hầu hạ và có khối các cụ già để má tha hồ bầu bạn…
– Có cả y tá và nhân viên điều dưỡng nữa, phải không con?
Bà cười nhạt, nơi đó thì má biết rồi, con khỏi phải dài dòng nữa.
Ôi chao, nó đang tả cái viện dưỡng lão đấy, nơi chứa những xác chết chưa chôn, những thây ma biết đi. Người ta vào đó với tấm thân tàn tạ và đi ra trong một cái quan tài. Bà rùng mình, gì chứ phải sống giữa những người bệnh tật lê lết, những người xa lạ khác màu da, không cùng chung ngôn ngữ, phong tục, bà sợ lắm. Viện dưỡng lão từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của các cụ già cô đơn. Nhưng bà có cô đơn đâu? Bà có gia đình, có con, có cháu, vậy mà…
Bà xua tay ra hiệu cho Đức đừng nói thêm nữa, bà hiểu rồi, con bà đang tìm cách mời khéo bà đi chỗ khác. Tim bà như thắt lại, một cảm giác đau đớn dâng lên, lan nhanh khắp ngực, làm bà choáng váng muốn nghẹn thở. Bà thả rơi người xuống cái ghế xa lông nệm da êm ái, hai tay bà bám chắc lấy thành ghế, mặc cho những móng tay khô cứng làm trầy sát lớp da bọc mịn màng, cái ghế xa lông mà thường ngày bà không dám ngồi, sợ con dâu xót của, cằn nhằn, háy nguýt…
Bà ngồi im, chờ cho cơn đau qua đi. Khi gượng lại được, bà đưa mắt nhìn đứa con trai đang đứng trước mặt, giọt máu duy nhất của người chồng đã qua đời để lại, đứa con mà bà thương yêu hơn cả thân bà, đứa con mà bà đã hy sinh cả cuộc đời của bà, để mưu cầu hạnh phúc cho nó. Vậy mà bây giờ nó trả hiếu cho bà bằng cách đó ư? Bà nhắm mắt cố nén cơn đau, dĩ vãng như một khúc phim lại hiện về…
Hai ông bà hiếm hoi, lấy nhau gần tám năm mới sanh ra Đức mà lại sanh thiếu tháng. Lúc mới sanh, Đức chỉ nặng có hơn một ký, phải nuôi trong lồng kính, dây dợ chằng chịt đầy người, bác sĩ cũng lắc đầu, bảo khó hy vọng. Bà đã đi hết Chùa nọ đến đền kia, để cầu nguyện cho nó, bà van vái Phật trời, xin đổi mạng mình cho con được sống. Thế rồi như một phép lạ, Đức qua cơn nguy kịch và bình phục dần. Sau ba tháng nằm bệnh viện, bà sung sướng bế con về nhà.
Vì sanh thiếu tháng nên thuở nhỏ Đức hay đau ốm, quặt quẹo luôn, chăm lo săn sóc cho nó thật là vất vả. Bà không quản ngại nhiều đêm thức trắng, ẵm bồng, hát ru cho con dễ ngủ. Hàng ngày bà cầu nguyện cho nó hay ăn chóng lớn, khỏi hết mọi bệnh tật, đau ốm… Bà cầu nguyện cho nó khi lớn lên sẽ học giỏi, đỗ đạt, thành công, có một địa vị cao trong xã hội, một địa vị mà bà không thể vươn tới vì ít học. Bà cầu cho con bà có đủ mọi thứ mà nó mơ ước.
Thế rồi ông mất đi, bà phải lăn xả vào cuộc sống, làm ăn vất vả để nuôi nó. Bà đã quên mình, quên tuổi xuân, quên hạnh phúc riêng tư của bà, để chỉ nghĩ đến con. Nếu có thể làm gì, bà sẽ làm tất cả để cho nó được sung sướng. Suốt đời bà đã hy sinh cho nó, lần này cũng vậy…
Cố ngăn nước mắt cứ chực trào ra, bà nghẹn ngào nói với con:
– Khỏi phải nói nhiều, má sẽ đi khỏi đây, nếu điều đó làm cho cuộc sống của con dễ thở hơn.
Đức cúi mặt, dấu vẻ ngượng ngùng:
– Ồ không má ơi! Con làm vậy là vì má đấy chứ, con nghĩ môi trường mới sẽ tốt cho má hơn.
– Má hiểu cả, con không cần nói thêm nữa. Nhưng quãng đời còn lại của má, má sẽ tự quyết định lấy, con khỏi bận tâm.
Nói xong bà ra hiệu cho Đức lui ra. Bấy giờ bà mới để mặc cho hai dòng lệ chảy tràn trên đôi má hóp. Bà lặng lẽ khóc, chưa bao giờ bà khóc nhiều thế, bà khóc cho tình đời đen bạc, bà khóc cho thân phận cô đơn của bà và bà khóc cả cho Đức nữa… Bà biết từ nay nó sẽ sống trong ray rứt mỗi khi nghĩ đến mẹ, bởi vì con người ai cũng có lương tâm, bà cầu cho lương tâm nó được yên ổn.
Cuộc đời còn lại của bà nào đáng kể, bà đã hơn bảy mươi rồi, chẳng bao lâu nữa, tấm thân tàn tạ này rồi sẽ đi vào lòng đất sẽ trở thành cát bụi theo qui luật tự nhiên của tạo hóa, con người khởi điểm từ hư vô thì sau chót cũng trở về hư vô. Bà nghĩ thầm, giá chết được thì may quá, nhưng trời chưa cho chết, bà rùng mình nghĩ tới ngày mai… Con bà không tha thiết đến mẹ thì sự sống hay chết của mẹ cũng chẳng làm nó quan tâm, bà có thân phải tự lo liệu lấy.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, bà Năm thấy chỉ có một giải pháp tốt nhất là về lại quê hương, ở với người em gái út không chồng, đi tu từ thuở nhỏ. Dì Út là sư bà, hiện đang trụ trì trong một ngôi Chùa bên Gia Định. Bà sẽ xin nương náu nơi cửa Phật, mặc áo nâu sồng, mượn câu kinh tiếng kệ, quên hết chuyện thế gian. Thu xếp xong xuôi mọi việc, bà mới nói cho dâu, con biết quyết định của bà. Đức xẻn lẻn không dám nhìn mẹ, còn Duyên thì không dấu được sự vui mừng lộ ra nét mặt.
Mấy tuần lễ cuối cùng rồi cũng trôi qua nhanh chóng. Hôm nay là ngày bà rời khỏi căn nhà này và sẽ không bao giờ quay lại nữa, con bà mời bà đến chỉ là bất đắc dĩ và bây giờ cũng chính nó mời bà ra khỏi nhà. Một cảm giác tủi thân làm bà rưng rưng, bà cô đơn lắm, chẳng có ai để kể lể, tâm sự những lúc vui buồn, ngoài người chồng đã khuất.
Nhìn khói hương bay tỏa, bà thấy lòng ấm lên đôi chút, có cảm tưởng ông đang quanh quẩn ở đâu đây, rất gần. Bà ngước nhìn lên khung ảnh của chồng, cái hình đã cũ lắm, ngả màu vàng ố vì thời gian. Dưới ánh nến lung linh, trông ông linh động như người thật, mắt ông đang nhìn bà đăm đăm như an ủi, vỗ về… Run run vì cảm động, bà chắp tay lên ngực, thì thầm khấn vái:
– Tôi biết mình vẫn ở bên tôi, mình không bao giờ bỏ tôi… Hôm nay tôi phải rời khỏi nơi đây, mình theo tôi về quê, mình nhé?
Mắt bà mờ đi, chẳng biết vì khói nhang hay nước mắt. Mấy cây nhang đã cháy gần tới chân, chỉ còn vài đốm đỏ vẫn còn đang ngún khói. Bà đợi khi đốm nhang cuối cùng đã tắt, rồi mới run run cầm lấy khung hình của chồng, gói vào một cái khăn mềm, cho vào va li, đóng nắp lại. Bà mở cửa sổ cho khói nhang bay ra, rồi thay quần áo, và đi xuống nhà dưới.
Ngang qua phòng khách, bà thấy cô con dâu đã thức và đang ngồi xem TV. Nghe tiếng chân bà, cô ta chỉ hơi ngẩng đầu, liếc bà một cái thật nhanh rồi lại thản nhiên xem tiếp, coi như không có sự hiện diện của mẹ chồng, nét mặt nó lạnh lùng, không biểu lộ một cảm xúc nào cả. Mặc kệ, bà đã quá quen với cảnh đó, nên cũng chẳng buồn để ý.
Đi thẳng xuống bếp, bà lấy một nhúm trà cho vào cái ly, rồi đổ nước sôi lên. Trong khi chờ trà ngấm, bà đưa mắt nhìn ra cửa sổ, ngoài kia nắng đã lên, có vài con bướm đang bay lượn quanh giàn mướp trổ đầy bông màu vàng. Bà thừ người đứng ngắm, giàn mướp này do chính tay bà trồng và chăm lo vun xới, nên xanh tốt lạ lùng. Bà biết Đức thích ăn món lá mướp non xào thịt bò, còn bố nó ngày xưa thích ăn cá kho tộ và canh mướp nấu với mồng tơi, tôm khô, nên trong vườn nhà bà lúc nào cũng có một giàn mướp. Hạnh phúc của bà là được sống giữa những người thân, chăm lo săn sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho họ được sung sướng.
Nhưng nay thì không được nữa rồi, bà đã mất tất cả… Sẽ chẳng bao giờ bà còn được nấu nướng những món ngon cho chồng con, và đã hết rồi cơ hội được bồng ẵm cháu. Ông đã bỏ bà, ông đi không bao giờ về, con cái cũng hắt hủi, xua đuổi mẹ. Bà sắp phải xa mái ấm gia đình, xa đứa con trai duy nhất, xa đứa cháu nội mà bà thương yêu và nó cũng rất thương bà.
Mải suy nghĩ, bà không nghe tiếng chân trẻ con chạy nhanh trên cầu thang và chỉ một thoáng, đứa cháu gái bé bỏng đã xuất hiện ngay sau lưng bà.
2/ Sáng nay vừa thức dậy, Hân đã cảm thấy một sự gì hơi khác thường. Cô bé nhìn quanh phòng, không có ai cả, căn nhà dường như vắng hơn mọi ngày. Ngoài kia nắng đã lên rực sáng khung cửa sổ, vậy là muộn rồi đấy, cô bé vội vã đi ngay xuống nhà dưới. Hân thấy mẹ đang ngồi xem TV, nhưng nó không dừng lại mà đi thẳng xuống bếp. Bà nội đang đứng tựa cửa nhìn ra ngoài vườn. Không hiểu bà nhìn cái gì mà chăm chú thế? Hân nhìn theo, chẳng thấy có gì đáng chú ý cả. Cô bé nhìn vào mắt bà nội và phát sợ lên, lạ quá, bà ở đây mà hồn như đi vắng, trông bà giống như người đang mộng du. Cặp mắt vô hồn của bà làm Hân sợ hãi, cô bé rụt rè nắm lấy áo bà giật giật, khẽ gọi:
– Nội ơi!
Bấy giờ bà Năm mới giật mình sực tỉnh, quay lại thấy cháu, thì mỉm cười:
– Hân mới dậy đó à, có đói không? Bà làm bữa sáng cho cháu nhé?
Hân gật đầu, nhưng thấy bà vẫn đứng yên, chẳng nghe bà hỏi cháu muốn ăn gì như mọi ngày. Hôm nay bà làm sao vậy, trông ngẩn ngơ như người mất hồn…
Cô nhắc:
– Cháu muốn uống sữa và ăn bánh sandwich với thịt nguội.
Bà lật đật mở tủ lạnh lấy sữa và nướng sandwich cho cháu, rồi kẹp vô mấy miếng jambon và cà chua. Xong xuôi, bà ngồi uống trà, âu yếm nhìn cháu ăn. Con bé đang đói, nên ăn ngấu nghiến, vừa ăn nó vừa hỏi:
– Bố đâu rồi bà?
– Bố cháu đi đổ xăng.
– A! Hân reo lên mừng rỡ, bố sắp đưa cả nhà đi chơi, phải không bà?
Nó hỏi vậy, bởi vì mỗi sáng chủ nhật, bố vẫn dậy sớm sửa soạn xe, để đưa cả nhà đi chơi xa, ra khỏi thành phố để thay đổi không khí.
Hân hơi thất vọng, khi bà nội lắc đầu:
– Không, cháu ơi! Hôm nay chỉ mình bà đi thôi, lát nữa bố sẽ đưa bà ra phi trường.
– Bà đi phi trường làm gì vậy?
– Bà về Việt Nam.
– Việt Nam có xa không bà?
– Xa lắm cháu ạ.
Ngẫm nghĩ thế nào, Hân vụt hỏi:
– Bà đi lâu không?
– Ờ, lần này thì… hơi lâu đó. Mà cháu hỏi làm gì?
– Cho cháu đi với!
– Không được đâu, Hân phải đi học chứ.
Thấy cháu phụng phịu, bà dỗ:
– Hân ở nhà ngoan, bà sẽ gởi đồ chơi ở Việt Nam sang cho cháu.
– Thế bà không về nữa à?
Tới đó thì có tiếng xe ngừng ngay trước nhà. Đức đang bước vô cửa, thoạt nghe thấy thế thì khựng lại, cau mày rầy con:
– Hân không được hỏi nữa.
Và chàng quay sang mẹ, sửa soạn xong chưa má? Mình đi sớm một chút, đề phòng kẹt xe.
– Má sẵn sàng rồi.
Bà nói và khoác cái áo len mỏng lên người. Thấy đứa cháu bé bỏng đang nhìn mình bằng ánh mắt van nài, bà Năm nói với Đức:
– Cho Hân đi tiễn má, con nhé? Chẳng biết bao giờ bà cháu mới gặp lại, má nhớ nó lắm.
Đức hơi lưỡng lự rồi gật đầu, quay sang con:
– Được, đi thay quần áo đi! Nhưng phải nhanh lên đấy.
Chỉ chờ có thế, Hân vội phóng ngay lên thang lầu vào phòng thay quần áo. Khi nó trở xuống, Duyên uể oải đứng dậy, đi theo con ra cửa. Lúc bấy giờ cô con dâu mới tiễn biệt mẹ chồng bằng một câu nhạt nhẽo:
– Má đi mạnh giỏi.
– Ờ, con ở nhà giữ gìn sức khỏe. Chừng nào sanh, nhớ chụp hình đứa nhỏ gởi cho má.
– Việc đó thì đã hẳn, má đừng lo.
Nói xong Duyên quay sang chồng, dặn:
– Lúc về, mình nhớ ghé chợ Tàu, mua cho em con vịt quay.
– Anh biết rồi.
Đức lên lầu, đem vali xuống, bỏ vào cốp xe phía sau, rồi ngồi vào tay lái. Bà Năm quay nhìn một lần chót căn nhà bà đã sống với con, cháu mấy năm cuối đời. Một cảm giác nao nao làm bà thấy lòng như quặn lại, mắt mờ lệ, bà cúi xuống xách cái giỏ, theo con trai ra xe. Bé Hân đã nhảy tót lên xe trước, hai bà cháu cùng ngồi ở băng sau.
Ra khỏi thành phố, Đức cho xe phóng nhanh trên xa lộ. Trời đã vào thu, lá cây đổi thành màu vàng thật đẹp. Bé Hân ngồi kề bên bà nội, thích thú ngắm các nhà cửa, cây cối hai bên đường, tất cả đều đang chạy thụt lùi. Trời hôm nay nhiều gió, gió rít ào ào bên ngoài nghe như ma hú. Gió làm chiếc xe hơi tròng trành, Hân ngồi sát vào bà nội. Bà ngồi im lìm, dáng cô đơn trông thật tội nghiệp, suốt ngày bà vẫn im lìm như thế, lặng lẽ như một chiếc bóng.
Bất giác Hân nhìn lên băng trước, bố nó đang nói chuyện với ai đó, qua điện thoại di động. Cả ngày bố lúc nào cũng bận rộn, ngay cả những lúc lái xe, còn mẹ thì gắt gỏng suốt ngày. Hân sợ phải nghe mẹ cằn nhằn và thấy bà nội khóc, mỗi lần như vậy, cô thường hay trốn vào phòng riêng, đóng cửa lại. Cô bé không dám chạy nhảy, đùa rỡn vô tư như trước vì thấy cả nhà ai cũng quạu cọ. Bà nội cũng không nấu nướng những món cô thích nữa. Dạo này Hân thấy bà âu sầu và hay thở dài. Đôi khi thấy mắt bà đỏ hoe, cô hỏi thì bà nói là bụi bay vô mắt, nhưng cô biết là không phải vậy. Hân thương bà, nhưng không biết phải an ủi bằng cách nào.
Cô bé nắm lấy tay bà, rồi chẳng hiểu nghĩ sao, Hân bỗng gọi bố:
– Bố ơi, con không muốn dọn về nhà mới đâu.
Đức nói tiếp cho xong câu chuyện với bạn rồi mới đặt điện thoại xuống, hỏi:
– Tại sao thế?
– Tại nhà mới không có chỗ cho bà nội.
Đức giật mình:
– Ai bảo con vậy?
– Mẹ nói nhà có ba phòng, một cho bố mẹ, một cho con, còn phòng kia dành cho em bé…
– Ừ, phải rồi. Nhà mới không được rộng như nhà này.
– Thế sao bố lại dọn đi?
– Tại ở đó rẻ hơn.
– Bà nội có về nhà mới với mình không bố?
– Không con ạ, bà sẽ về Việt Nam ở, nơi đó thích hợp với bà hơn.
– Bà ở đó một mình hả?
– Bà ở với một người bà con. Thôi con đừng hỏi nữa để yên cho bố lái xe.
Nhưng con bé vẫn dai dẳng:
– Con không muốn dọn nhà, con không muốn bà đi.
Đức cau mày khẽ gắt:
– Con nít đừng xen vào chuyện của người lớn. Con phải hiểu thời buổi bây giờ khó khăn, kinh tế xuống dốc, mọi người ai cũng phải tiện tặn. Mẹ lại sắp phải nghỉ việc vì sanh em bé, bố không kham nổi căn nhà lớn.
Hân lắc đầu, không hiểu gì hết. Quả vậy, những danh từ đó đối với nó rắc rối quá, khó hiểu quá. Cô bé ngây thơ chỉ nghĩ một cách đơn giản rằng, cha mẹ nó tìm cách mua nhà nhỏ, để lấy cớ không có chỗ ở cho bà nội. Nếu thật tình yêu thương bà, sao mọi người không chia sẻ? Hân sẵn lòng cho bà ở chung phòng, chỉ giản dị có thế, đâu cần phải đuổi bà? Nhìn hai dòng nước mắt đang lặng lẽ bò trên đôi má nhăn nheo của bà nội, lòng cô thắt lại, cô nắm lấy tay bà dỗ dành, như bà vẫn dỗ dành cô những khi cô đau khổ:
– Nội ơi, đừng khóc!
Nhưng chính cô cũng không ngăn được nước mắt. Cô nhoài người sang, ngả đầu vào ngực bà, thổn thức. Cô biết rằng lần chia tay này là lần cuối cùng sẽ chẳng bao giờ cô còn được gặp bà nữa.
Phương Lan
No comments:
Post a Comment