Thursday, July 7, 2022

CHÚNG TA THỰC SỰ GIÀU HAY NGHÈO?

Trong quan niệm của người Việt Nam: Bọn Tây giầu, sướng nên đi du lịch nhiều. Mình sao so sánh được với Tây. Nhưng có lẽ không phải thế. Ý nghĩa cuộc đời của ta và họ khác nhau…

Người Việt Nam gặp nhau là hỏi chuyện làm ăn, làm gì, lương bao nhiêu, đi xe gì, nhà ở đâu, nhà to hay bé, thậm chí có mấy cái nhà. Khoảng 20 năm trước khi mới ra trường, có dịp làm việc với chuyên gia người Pháp. Cuối tuần bà nhờ tôi đưa đi shopping, tôi đã hết sức ngỡ ngàng khi bà chọn mua mấy thứ quần áo rất bình thường, khá rẻ tiền ở mấy cửa hàng trên phố cổ. Câu hỏi cứ đeo đẳng cô gái trẻ là tôi lúc ấy mãi…

Đến bây giờ khi chính tôi lại giống bà chuyên gia ngày đó. Thích mặc những thứ quần áo, váy vóc chất liệu kiểu ấy. Những món đồ hàng hiệu nằm im trong tủ. Những túi da, giày dép đắt tiền giờ đeo vào thấy nặng, thấy nóng thấy ngại. Đôi dép cói mua trên mạng, đương nhiên là rất rẻ, cái túi vải nhặt trong lố hàng giảm giá lại trở nên thích thú, vì chúng rất nhẹ và thân thiện với cơ thể. Đi đâu cũng thấy nhẹ tênh. Những vàng bạc, kim cương sùng sục một thời giờ gần như vô cảm, toàn đeo mấy thứ linh tinh nhưng thích. Một thời son, phấn, masscara, nhũ mắt… giờ mặt mộc và thỏi son thản nhiên đi khắp chốn…

Quay lại chuyện đi du lịch. Rất nhiều lần trên các chuyến bay tôi trò chuyện với những thanh niên người Châu Âu, Mỹ rất trẻ. Họ ăn mặc cũng đơn giản, rất ít khi thấy họ dùng hàng hiệu, rất ít, ít đến nỗi tôi không nhớ có gặp lần nào không. Họ mang những cái ba lô rất to. Xách theo chai nhựa để hứng nước từ vòi tại các sân bay để uống cho đỡ phải mua. Tại các điểm du lịch họ ăn uống nghỉ ngơi tại các nhà hàng khách sạn đủ loại, chứ không phải lúc nào cũng sang chảnh như Tây ( kiểu ta vẫn nghĩ)…

Tây họ có giàu không? Thực ra theo tôi biết trừ phần lớn những người Tây đi du lịch kể trên họ là sinh viên, kỹ sư, giáo viên và nhiều tầng lớp khác nhau. Chắc chắn họ không nhiều tiền như rất nhiều người Việt Nam. Vì họ đi làm và chỉ hưởng đúng đồng lương của họ. Họ chỉ có lương chứ không có lậu. Họ không buôn BĐS vì thuế BĐS thứ 2 là rất cao. Họ không lướt sóng chứng khoán. Họ cũng không chơi Lan đột biến. Họ cũng chả có cơ hội để kênh giá như Kít test Việt Á. Họ đi làm và dành dụm, tiết kiệm chi tiêu lên kế hoạch du lịch từ cả năm trước để có thể mua vé máy bay, đặt khách sạn rẻ hơn. Họ không để dành tiền để mua điện thoại đắt tiền, ô tô, hàng hiệu mà dành tiền để đi khám phá thế giới, trải nghiệm ở nhiều nước ngay từ khi còn rất trẻ.

Cô gái trong ảnh, người Đức 27 tuổi - kiến trúc sư, đang cắm cúi ghi chép lại về 3,5 tuần cô đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như Sapa, Hà Giang, Cao Bằng. Cô đi cùng chúng tôi trên chuyến bay đến Bali và sẽ có 1 tháng ở lại khám phá Bali. Có một điều chắc chắn là tôi có nhiều tiền hơn, tài sản hữu hình của tôi lớn hơn cô ấy rất nhiều. Nhưng cũng rất chắc chắn là tôi nghèo nàn hơn cô ấy rất nhiều về những trải nghiệm trên chính đất nước của tôi, và tất nhiên là cả nhiều nước khác trên thế giới. Bali cô ấy đi lần thứ 2, lần trước là 10 ngày, lần này là một tháng. Là người Việt Nam nhưng tôi chưa đi các tỉnh miền núi phía Bắc đất nước mình nhiều bằng, đi sâu và ở  lâu như cô ấy. Điều đặc biệt nữa là cô ấy đi MỖI MỘT MÌNH.

Quả thực tôi nhiều tiền hơn cô ấy nhưng đến chuyến Bali vừa rồi tôi mới thực sự là đi chơi. Cả 1/2 cuộc đời tôi đã bị ngốn hết bởi những chuyến công tác bất tận, những báo giá, những đơn hàng căng thẳng bởi cạnh tranh khốc liệt. Là những những năm tháng triền miên trong giấc ngủ chập chờn vì lo âu cho công việc ngày mai. Kết quả tôi không giàu bằng rất nhiều người, nhưng chắc chắn nhiều tiền hơn cô gái ấy và hầu hết những người Tây vác những cái ba lô rất to kia. Ngồi bên cạnh lặng lẽ nhìn cô gái cắm cúi ghi chép về các chuyến đi của mình, tôi bỗng thấy mình thành nghèo nàn và rỗng tuếch.

Người Việt Nam đã đang và sẽ điên cuồng kiếm tiền đến bao giờ? Hùng hục làm việc, mua nhà mua đất, mua xe. Ngẩng lên thì đã già, chưa kể bệnh tật đến bất cứ lúc nào. Chưa kể từng chùm, từng dây, từng mớ quan chức lũ lượt hầu tòa cũng vì tiền, rất nhiều tiền...

Chúng ta thực sự GIÀU HAY NGHÈO?

No comments:

Blog Archive