Một mảnh đời của Nữ sĩ Thụy An
Trời càng ngày càng nóng, chẳng biết ngày tháng Âm lịch hôm nay là bao nhiêu. Ngày mai toàn trại đã vào đợt học tập dài ngày rồi, nghĩa là đã đầu tháng 9 Dương lịch. Nếu chẳng đầu Thu thì cũng cuối Hè rồi vậy mà sao trời còn nóng đổ mỡ suốt ngày đêm. Cái nóng khủng khiếp, suốt đêm như trong lò đốt không ngủ được.
“Cái nóng nung người nóng nóng ghê!”
Hàng đêm, với một chiếc quần đùi rách, tôi lăn xuống nền đất, chui mãi vào gầm sàn; mặc cho mồ hôi đất cát bẩn dơ, để tìm được một chút hơi ẩm của đất. Hàng 120 người nhét trong một căn buồng mà trước đây 100 người đã chật. Ban ngày còn cái nạn nước để tắm rửa mới tái tê. Toán nào cũng khẩn trương làm công việc cho hoàn tất, để cán bộ cho về trại sớm mươi mười lăm phút, để tranh thủ còn it nước trong mà tắm rữa. Vì thế toán nào cũng vậy, từ lao động ở ngoài đồng cũng như trong Khu thủ công. Ai bước chân vào khỏi cổng trại là chân chạy, tay cởi giải rút quần, (không phải cởi áo, mùa Hè hầu hết tù ở trần) chưa vào tới giếng thì đã tụt xong quần.
Hằng trăm người, già trẻ trần truồng vây quanh cái giếng nhưng chỉ có khoảng hai chục cái gầu (gầu gỗ, tôn, nứa). Người có gầu thì múc dội xối xả. Người không gầu thì chui đại vào dưới háng, kẽ nách để hứng lại ít nước thừa vào đầu óc, cơ thể cho đỡ nóng và cái nhờn của mồ hôi. Vậy mà chỉ vài chục phút là nước giếng đã đục ngầu rồi cạn dần cho tới đáy. Nước dù đục, lẫn bùn vẫn còn mát và vẫn còn đỡ hôi hám hơn mùi mồ hôi. Những ngày đầu thực ngượng ngùng, tôi không dám cởi quần ra, nhưng bị khó khăn trở ngại rất nhiều, như vướng vít, không sạch, thay quần, giặt quần v.v… Thôi thì nhập gia tùy tục, bởi vậy tôi cũng đành tô hô và cứ nhìn nhau mà cười. Toán nào về muộn, hay chậm chân thì chỉ còn nước đục; đôi khi không còn nước, đành tối về buồng ngồi “tắm cạn”. Nghĩa là ngồi vo ghét khắp mình, cổ, thành từng cục như hòn bi con rồi búng ném tứ tung khắp buồng.
Sáng hôm nay, một buổi sáng gió rừng thật lộng. Cụm nứa già phía cuối hội trường ngả nghiêng, có lúc như cúi rạp, sát xuống để thầm thì, tâm sự với chiếc mái nứa của hội trường. Những chiếc lá con thon dài, nhọn hoắt ríu rít khua vào nhau thành những tiếng xào xạc như nhắc nhở mọi người: hôm nay khai giảng lớp học tập, chỉ một tí nữa thôi sẽ có một tổ nữ tù ngoài trại nữ cùng vào dự chung lớp học hôm nay.
Thực ra cái nguồn tin tươi sáng này chẳng biết từ đâu rỉ vào, anh em đã bàn tán xôn xao từ mấy hôm nay rồi. Vì thế sáng hôm nay hầu hết những thanh niên, kể cả những Chủng sinh và những người còn tre trẻ đều mặc những bộ quần áo đẹp và sạch nhất. Mặt mũi, đầu tóc được làm kỹ hơn mọi ngày. Dù ai cũng tỏ với mọi người khác là mình sạch sẽ để tôn trọng lớp học mà thôi. Buồn cười nhất là anh chàng Hoàng Đức Tùng, chừng khoảng 27 hay 28 tuổi. Nghe đâu anh này cũng ở Thái Lan về nước như Trần Lào hay Trần Thanh Tùng trong nhóm chuyển từ trại Vĩnh Tiến về. Tùng có cái áo sơ mi ca rô màu xanh nhạt bằng ny lông với chiếc quần tergal màu cà phê sữa. Tuy có mấy dấu cải tạo, hắc ín to tướng đóng phía trước và đàng sau, nhưng nó vẫn nổi bật màu riêng biệt giữa đám quần áo màu xám đậm của trại. Đầu Tùng chải kiểu đít vịt bóng loáng, kết hợp với đôi xăng đan da màu nâu, kiểu hai quai chéo. Rõ ràng đúng dáng dấp của một anh công tử nông thôn ra thành phố. Ngay từ sáng sớm, Tùng cứ hết vào buồng lại trở ra, rồi đi xuống giếng lại lên phía đầu hội trường, trước những con mắt ngẩn ngơ, trầm trồ của những người…dân tộc.
Hôm nay tôi cũng có nét xốn xang đợi chờ. Đây là một lớp học chính trị vì thế tôi tin những người tù nữ vào dự lớp học này đều phải là chính trị. Hơn nữa, hôm qua Lê Sơn đã nói, trong đám này có cả nữ sĩ Thụy An.
Như đã trình bầy trước đây, tôi chưa bao giờ trông thấy bà. Khi còn ở trong Nam, tôi theo dõi đọc thiên phóng sự “Bên kia bức màn sắt” của nhà văn Hoàng Hải Thủy đăng trên nhật báo Tự Do; có nói sơ đến cuộc đời hoạt động cũng như tình cảm của nữ sĩ Thụy An với Đỗ Đình Đạo và Hoàng Quốc Việt v.v… Cho tới khi tôi ra Hà Nội bị bắt; khi chuyển đến buồng số 12 ở xà lim I, tôi đã thấy dòng chữ viết trên tường của bà, nói đã chọc mù một mắt. Không ngờ, hôm nay tôi lại có thể gặp để nhìn thấy con người của bà cụ thể mà từ lâu tôi vẫn hằng ngưỡng mộ.
Chẳng phải chờ lâu, khoảng 8:30, một đám cán bộ nam, trong đó có một cán bộ nữ hãy còn trẻ chỉ chừng tuổi đôi mươi tiến vào. Chính vì cùng đi chung với một cán bộ nữ mà đám cán bộ nam cười nói vui như Tết; trong đó có cả tên Đức Thiếu úy Trưởng Ban giáo dục. Tiếp theo đám cán bộ là một đoàn tù nữ chừng 14 – 15 người. Đa số còn trẻ, dù vậy cũng phải từ hai mươi mấy tuổi trở lên. Có mấy người già khoảng 60 hoặc 60 ngoài. Người thì vấn khăn, người thì cặp tóc, hầu hết đều ăn mặc quần áo trại màu xám nhạt.
Khi đoàn tù nữ đi qua sân để vào hội trường, có nhiều tiếng chào hỏi với anh em trong trại, chứng tỏ họ đã quen biết nhau từ trước. Ngay từ sáng, vì tôi nóng lòng muốn biết mặt nữ sĩ Thụy An nên tôi đã rủ Lê Sơn lên chỗ cuối hội trường đứng chờ. Thực ra lúc này, chẳng phải chỉ có một mình Lê Sơn biết bà Thụy An mà có rất nhiều người đang chỉ, trỏ kia là bà Thụy An.
Trước đây đọc sách báo, biết về bà, trong óc tôi đã tự vẽ lên một hình ảnh tưởng tượng của nữ sĩ. Rồi cứ thế nó cứ nằm dài theo năm tháng trong lòng tôi. Bây giờ nhìn thấy bà, tôi đã bàng hoàng ngẩn ngơ đến độ đờ đẫn. Một bà chừng 45 đến 50 tuổi (1968) tuy tóc chưa bạc nhưng đã khô cằn, đỏ quạch. Da mặt bà trắng xám, nhăn nhúm thành nhiều vết hằn nhỏ con chạy túa về hốc chiếc mắt chột, hoắm sâu vào như một cái lỗ. Mấy chiếc răng cửa hàm trên, chẳng biết do bà hút thuốc hay ăn trầu, cáu xỉn lại, giồ hẳn ra ngoài môi, chĩa ra hai bên. Chiếc lưng hơi còng còng ra phía trước đã nói lên nó đã phải gánh quá nặng những nỗi truân chuyên thương đau của đời người chủ nó. Vì chỉ còn một mắt nên đầu bà thường phải nghiêng bên này, nghiêng bên kia. Thỉnh thoảng bà mỉm cười để đáp lễ những người quen.
Tôi hiểu rằng, sau buổi khai giảng lên lớp này, họ sẽ chia thành từng tổ học tập nên sẽ bị chỉ định chỗ ngồi mỗi khi vào hội trưởng. Ngay lúc này, để tranh thủ tiếp cận với bà tôi đã chen vượt qua mấy người để ngồi ngay sau lưng bà vì bà là người ngồi phía dưới cùng của tổ nữ.
Bây giờ thì chỉ cách bà 50 – 60 phân, tôi đã nhìn rõ từng sợi tóc của bà. Đầu bà đã có dăm mười sợi tóc trắng . Tôi ngồi phía sau cứ chằm chằm nhìn mái tóc phai màu và đôi vai gầy của bà, trí óc tôi cứ rỉ dần vào dòng đời. Tôi không thể hình dung ra được ngày xưa, cái ngày ngập tràn hương sắc của đời bà đã làm cho biết bao người nghiêng ngả, nó như thế nào? Dù tôi hiểu rằng, tất cả mọi người, nếu mà không biết, sẽ đều phải trở về già. Tre già thì tre tốt, nhưng người già, mà lại buồn phiền nữa thì ôi thôi, phải gánh chịu mọi cái bẽ bàng, tủi hận của một đời người. Tôi vẫn không kìm hãm được tiếng thở dài nhè nhẹ xì ra:
Tuổi trẻ khô đi mặt xấu rồi! Chết dần từng nấc thang mai một, Chết cả mùa Xuân, chết cả đời.
Hội trường đầy ắp người. Nhiều tiếng ồn ào, rì rầm bàn tán, chuyện trò. Không khí mỗi lúc một oi nồng. Cả hội trường, chả ai nhắc nhở nhưng vẫn im bặt, khi một tên Thượng sĩ cán bộ trong Ban tuyên huấn của trại tiến đến chiếc micro giới thiệu ông Chánh Giám Thị lên bục nói chuyện và khai mạc lớp học. Toàn thể mọi người tù đều phải đứng dậy, khi tên Toán, Thiếu tá Giám Thị Trưởng Trại cải tạo Trung ương số I, rời khỏi hàng ghế tiến vào bục nói chuyện. Người y to lớn, da dẻ hồng hào với mọi người đều phải thẳng đứng người chào y. Mặt tươi lên, miệng y nở một nụ cười thỏa mãn. Tay y vẫy vẫy ra hiệu bảo những tên tù ngồi xuống. Sơ lược nội dung y nói:
Do sự chiếu cố thương yêu của đảng; đứng đầu là Hồ chủ tịch kính yêu, chính phủ quyết định mở một lớp học tập chính trị dài ngày: “Lập công chuộc tội, chống Mỹ cứu nước” cho toàn thể những trại viên trên toàn miền Bắc. Riêng Ban Giám Thị Trại I đã không tiếc thời gian và công việc, tạo điều kiện cho trại viên học tập kết quả. Vậy toàn thể mọi trại viên hãy quyết tâm ra sức học tập cho thật tốt để gặt hái những thành quả tiến bộ cho riêng mình và cũng là thể hiện lòng biết ơn Ban Giám Thị và nhà nước…..
Tôi liếc nhìn toàn bộ các toán đang hướng mặt lên phía tên Toán nói chuyện. Tôi đưa mắt nhìn hàng ghế các tên cán bộ đang ngồi trên khán đài. Năm sáu tên lúc nhúc trong đó có cả Hoàng Thanh, đặc biệt không thấy tên Nguyễn Chuân.
Lòng tôi còn bồng bềnh, lãng đãng vì tôi chưa hiểu mục đích chủ trương của chúng muốn cái gì trong lớp học này. Tuy tôi vẫn biết ngoài những đòi hỏi dụng ý riêng của từng lớp học, chúng còn có một mục đích chung là thường xuyên không để cho trí óc người tù ngơi nghỉ. Mãi cho tới khi tên Mạch, Trung úy Trưởng Ban tuyên huấn của trại I nói về nội dung lớp học tôi mới hiểu: lập công ở đây là mỗi người đều phải đào sâu suy nghĩ; vắt lòng vắt óc trong suốt quá trình của đời mình. Lục soát từng không gian, từng thời gian xem đã nghe, thấy, biết bất cứ cá nhân hay một đảng phái tổ chức chính trị nào dù là bạn bè hay thân quen; còn ở ngoài xã hội hay đã vào tù; ở trong Nam hay ngoài Bắc, xét ra có hại cho cách mạng, cho nhà nước, đều phải viết tỉ mỉ, chi tiết trình bầy sáng tỏ v.v… với nhà nước.
Để làm loãng, làm mất cảnh giác mọi người về cái mục đích này của chúng, hàng ngày những buổi lên lớp rồi về thảo luận, chúng giảng về tinh thần bất khuất, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc qua các thời đại. Từ bà Trưng, bà Triệu cho đến thời đại Hồ Chí Minh.
Về kinh tế, chúng khích lệ, khêu gợi nào là Tổ Quốc giang sơn gấm vóc giầu đẹp, tiền rừng bạc bể. Chúng vẽ ra một bức tranh huy hoàng đầy tươi sáng của ngày mai khi quân và dân cả nước tiêu diệt xong Mỹ và tay sai ở miền Nam v.v…
Đã mấy lần, trong những giờ giải lao (15 phút) giữa hai buổi lên lớp, tôi đã định xông bừa đến chỗ bà Thụy An để làm quen và thăm hỏi. Nhưng tôi cứ thập thò ngập ngừng mãi chỉ vì có bao nhiêu người cứ xâu xâu vây quanh đám đàn bà con gái. Mà tính tình của tôi ở những giai đoạn ấy còn rất nhiều lẩm cẩm. Tôi thập thò là chủ trương muốn đến nói chuyện với nữ sĩ Thụy An, nhưng mấy cô gái đang được mấy cậu vây quanh chuyện trò có thể tưởng tôi cũng ngất ngây muốn đến với các cô, là điều mà tôi kỵ, chúa ghét. Khi thấy một cô gái có nhiều cậu trai quấn quít thì tôi tránh xa, không bao giờ tôi lại xông vào cũng săn đón chuyện trò chung với họ. Điều này chẳng hiểu sao tôi lại kỳ cục như vậy.
Do cái tính kỳ cục một cây ấy mà mãi chiều ngày hôm sau tôi mới có dịp nói chuyện với bà Thụy An. Lúc đó vừa mãn một giờ giảng bài, thấy bà vội vàng đi một mình xuống phía giếng, tôi lẹ làng lách đám đông chạy theo. Khi đi ngang qua, hơi hồi hộp và ngường ngượng vì tôi chưa biết gọi là bà hay là chị, nên đành phải nói trống không, không có chủ từ. Tôi nghiêng đầu chào rồi nói một hồi:
- Xin chào, tôi ở trong Nam ra Hà Nội hoạt động tình báo, bị bắt vào Hỏa Lò. Tại xà lim I, khi bị giam ở buồng 12, tôi thấy chữ viết trên tường của…ở gần chỗ cái cùm.
Bà Thụy An ngừng hẳn lại, hơi ngạc nhiên nhưng rồi có lẽ bà đã nhìn thấy thái độ lúng túng của tôi nên bà cười, vồn vã hỏi lại:
- Cậu còn đọc được cơ à, thế cậu lên trại lâu chưa?
Thấy gọi tôi bằng cậu và sự ân cần tự nhiên của bà, phần khác tôi thường chỉ lấn cấn lúc đầu, bởi vậy tôi cũng niềm nở tỏ ân tình:
- Chị có khỏe không?
Chị hơi ngập ngừng rồi trả lời:
- Khỏe!
Tôi hiểu cái ngập ngừng của chị là chị không được khỏe, nhưng để cho qua nên chỉ đã trả lời như vậy. Sau khi chị nói “khỏe” xong, mặt chị tươi lên rồi nói như thân tình:
- Chờ một chút nhé, tối ra mình sẽ nói chuyện tiếp.
Đột nhiên chị cúi sát gần vào tôi hạ giọng:
- Cậu tên gì?
- Bình ạ!
Chị vừa gật nhẹ đầu vừa tất tả bước lên thềm để vào buồng y tá. Quý Cụt đi ngang qua tôi miệng cười cười:
- Quen đấy ư?
Tôi chỉ gật đầu để trả lời Quý vì một ý nghĩ khác đã xộc vào óc tôi. Trông mặt chị ấy như vậy mà lại đã từng giết người hay sao? Bởi thế tôi có ý định cứ hỏi thẳng xem chị trả lời thế nào. Tôi cũng biết làm gì có điều kiện để nói chuyện với chị nhiều. Vừa lúc đó tiếng còi ở phía hội trường đã ré lên như thúc giục mọi người vào lớp nghe giảng bài tiếp vì giờ giải lao đã hết.
Chị từ trong Phòng y tá hấp tấp bước xuống sân đi nhanh về phía tôi. Chị khẽ đập tay vào vai tôi ra ý cùng chị đi vào lớp. Thái độ cởi mở như chị đã quen tôi lâu ngày càng làm tôi mạnh bạo thực hiện ý định lúc nãy khi cùng chị đi đến giữa sân:
- Xin lỗi chị, chẳng có điều kiện gặp được chị lâu. Có phải chính chị đã đánh thuốc độc giết ông Đỗ Đình Đạo?
Đang bước những bước dài, đột nhiên chị ngừng hẳn lại, quay sang nhìn tôi. Mắt mở to trán chị cau lại như ngạc nhiên, như dò xét rồi mặt chị như giãn ra, mềm hẳn lại:
- Không phải đâu, câu chuyện dài lắm. Có dịp tôi sẽ nói cho cậu nghe.
Chị vừa lắc đầu vừa trả lời, cũng là lúc cả chị và tôi đã chìm lẩn vào đám đầy người ở hội trường. Lớp học trong một tuần lễ, cứ hết lên lớp nghe giảng lại về tổ sinh hoạt, thảo luận, thu lượm rồi lại lên lớp. Tổ học tập phân chia không tùy thuộc theo toán, mà theo toàn trại. Vì vậy mỗi tổ từ 15 đến 20 người gồm người của nhiều toán khác nhau. Mỗi tổ học tập có một cán bộ đi sát phụ trách. Tôi ở tổ 4, cán bộ phụ trách tên là Hoàng. Y chỉ định cho anh Phán thuộc toán 7 làm tổ trưởng, còn tôi là thư ký ghi chép biên bản sinh hoạt. Tổ tôi 19 người mà chỉ có 4 người thuộc toán 2 là Nguyễn Văn Gôm, Lò Văn Lui, Nguyễn Thanh Đương và tôi.
Trong đợt học tập này, tôi nhớ nhất một chuyện ở ngay trong tổ của tôi. Sáng hôm đó, trên lớp giảng ở hội trường, chủ đề sinh hoạt là: “Cuộc kháng chiến thần thánh oai hùng của vị anh hùng Lê Lợi đất Lam Sơn đã kiên trì, chiến đấu gian khổ trong 10 năm. Cuối cùng đã đuổi được giặc Minh ra ngoài bờ cõi. Người góp công sức nhiều nhất và cũng đầy tài ba mưu lược nhất của cuộc kháng chiến đó là Nguyễn Trãi”.
Tên Mạch Trung úy Trưởng Ban tuyên huấn cứ thao thao bất tuyệt trên bục giảng: nào là Nguyễn Trãi trong giai cấp nông dân. Một giai cấp đồng chí của giai cấp công nhân sau này của đảng. Nào là , tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Trãi, cứ như là của một người cộng sản thời bấy giờ. Mọi người nghe, thấy ngứa cả tai. Vì vậy khi đến phần thắc mắc về bài giảng; chỗ nào học viên chưa hiểu, hoặc chưa sáng tỏ cứ việc hỏi. Nguyễn Thanh Đương một Tu sĩ ở trại Vĩnh Tiến mới chuyển về, giơ tay xin hỏi. Tên Mạch, mắt sáng lên, mặt hớn hở ra hiệu tay cho anh Đương đứng lên phát biểu..
Nguyễn Thanh Đương, dáng người lùn thấp. Tôi nhớ anh nhất vì phía đuôi hai con mắt của anh có nhiều tia ngoằn ngoèo đỏ như máu. Chả hiểu đó là do bệnh đau mắt của anh hay từ khi bẩm sinh? Anh phát biểu rất từ tốn, nằng nặng giọng Nghệ An:
- Thưa ông, theo tôi hai ông Nguyễn Trãi và Lê Lợi rất phong kiến. Đi đến đâu cũng kẻ hầu người hạ, thường ngồi trên ngai, trên kiệu. Tư tưởng thống trị và bóc lột đã thể hiện ra cách sống. Bởi vậy, nếu hai ông ấy sống lại bây giờ, chắc chắn đảng ta sẽ cho hai ông đi cải tạo mút mùa.
Ai nghe cũng tươi mặt lên và buồn cười, nhưng chỉ có vài người cười thành tiếng. Trên bục nói chuyện, tên Mạch sạm hẳn mặt lại, sượng sùng một lúc rồi y nói ngập ngừng:
- Nguyễn Trải và Lê Lợi là hai vị anh hùng của dân tộc, làm sao lại cho đi cải tạo?
Nói đến đây tự nhiên mặt y đanh lại, mắt quắc lên chỉ tay vào anh Đương:
- Vì máu anh là máu phản động, nên mới hỏi bậy bạ như vậy. Về tổ học tập, mọi người trong tổ phải giải phẫu thật kỹ càng tư tưởng phản động ấy.
Rồi để khỏa lấp cái không khí nặng nề đã đọng lại từ khi có câu hỏi của anh Đương, y khỏa tay hỏi nhanh: “Còn ai thắc mắc điều gì khác?” Sau đó y chuyển sang mục thi đua học tập. Chắc tên cán bộ Hoàng phụ trách tổ tôi có chỉ thị đặc biệt, nên y đã bắt tổ sinh hoạt kiểm điểm về chuyện anh Đương mãi tận lúc kẻng lấy cơm mới thôi, trong khi hầu hết các tổ khác đã nghỉ trước đấy gần một giờ rồi. Chưa xong, sau một tuần lên lớp. Đến giai đoạn cá nhân ngồi viết tường thuật cuộc đời, anh Đương lại phải vào nhà kỷ luật. Anh mới ra khỏi kỷ luật hơn nửa tháng trước vì chuyện giật tượng ảnh của Hoàng Thanh.
Về chuyện của chị Thụy An những ngày sau đó, tuy có mấy lần gặp lại chị nhưng chỉ cười hoặc gật đầu chào nhau chứ chưa có dịp nào để tôi nghe tiếp câu chuyện của chị.
Sau một tuần lễ lên lớp nghe giảng và thảo luận, đến phần viết tường thuật cuộc đời của mỗi người. Một tuần sau nữa, tổ nữ lại vào trại E để dự buổi lễ bế mạc của lớp học. Người nào viết xong thì nộp cho cán bộ phụ trách rồi tiếp tục đi lao động. Người nào chưa viết xong thì cứ tiếp tục. Cán bộ đã nhắc nhở rõ ràng:
“Viết tỉ mỉ chi tiết, khẩn trương nhưng không hạn chế thời gian”.
Hơn một tuần lễ sau, số người viết xong đến 90 phần trăm, vì thế lớp học đã coi như bế mạc. Chính cái buổi bế mạc lớp học này tôi gặp lại chị Thụy An một lần nữa. Cũng vào giờ giải lao, tôi đang ngồi nói chuyện với Nguyễn Văn Gôm ở hàng ghế phía cuối hội trường, thì chị Thụy An đã đến với tôi. Tay chị đang cầm một tập giấy dầy đã viết rồi. Có thể đấy là bản viết tường thuật cuộc đời của chị, cũng có thể là bản thâu hoạch ghi chép những ý tưởng của cán bộ giảng. Bởi vì ngay từ hôm nọ, tôi đã hiểu chị là tổ trưởng của tổ nữ duy nhất ấy. Tôi và nhiều anh em khác đã trầm trồ bàn tán nhìn chị ngồi ghi những ý của cán bộ trên bục giảng. Tay chị thoăn thoắt ghi chép như máy. Tôi có cảm tưởng như chị viết tốc ký.
Sau khi tôi và Gôm vồn vã chào chị, chị ngồi ngay xuống chiếc ghế dài bên cạnh, đặt tập giấy trên đùi, chị vừa cười vừa hỏi tôi:
- Thế cậu Bình ra Bắc từ bao giờ và bị bắt lâu chưa?
- Tôi ra năm 1962, gần một tháng sau thì bị bắt vào Hỏa Lò.
Tôi trả lời chị như vậy, vì Gôm cũng đã biết. Chị nhìn tôi mắt chị loáng lên một chút tiếc nuối:
- Bị bắt sớm quá!
Do hoàn cảnh và thời gian hạn chế, tôi hơi gật đầu như đồng ý với chị. Tôi nghĩ chả cần thanh minh, thanh nga lôi thôi; nhưng Gôm lại bật lên, tỏ ra như một người bạn thân của tôi:
- Công tác của Bình ngắn hạn có 25 ngày thôi mà.
Nỗi băn khoăn của chị như được vơi hẳn, chị quay sang Gôm đon đả:
- Thế còn cậu?
Gôm thì mồm mép một cây nên cũng vồn vã xưng với chị là em:
- Em ở Hà Nội.
Sau khi biết Gôm ở số 42 Khâm Thiên, chị Thụy An lại hỏi Gôm về một người ở Hà Nội mà Gôm cũng biết. Mắt tôi cứ nhìn vào tập giấy chị đang để trên đùi. Mục đích muốn nhìn nét chữ của chị, nhưng tôi lại thấy một góc trang giấy phần ghi lý lịch: “Lưu Thị Yến, thôn Hòa Xá, tổng Thái Bình, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông”. Óc tôi vẩn vơ thấy chiều hướng không thể nói chuyện được với chị lâu nữa, phần nữa tôi có nghĩ đâu rằng, có một ngày tôi sẽ phải ngồi viết về chị. Cho nên lẽ ra tôi phải hỏi ngay chị một số chi tiết cần thiết, tôi lại lửng lơ hững hờ buông trôi theo sự việc.
Để rồi mãi gần ba năm sau, tôi đã được chuyển về trại chính (trại xây), thời gian ấy tôi ở toán làm nhà. Một lần toán tôi phải dựng một chòi gác phía sau trại nữ, tôi thoáng thấy một bà già chít khăn vuông thâm, khòm lưng đang đưa dài mái chổi quét con đường đi phía sau trại. Khi bà ta ngẩng đầu lên, tôi đã bàng hoàng đến thộn người ra; không ngờ đó lại là chị Thụy An. Người chị gầy đi, bé nhỏ hẳn lại.
Nhìn thấy tôi chị mừng lộ ra nét mặt. Chị thăm hỏi tôi ríu rít như người thân lâu ngày mới gặp lại. Vì sợ lão cán bộ của toán tôi biết, cho nên sau những câu thăm hỏi về sức khỏe, tôi chỉ biết chị được ra làm tự giác hơn một năm nay. Do tù lâu, và do tuổi già sức yếu nên Giám thị trại cho chị hàng ngày đi lao động tự giác (không có cán bộ dẫn giải). Phần việc là làm vệ sinh quét dọn ở trong trại cũng như những khu vực bên ngoài trại.
Chừng hơn nửa giờ sau, trong lúc tôi còn đang mải mê lao động với toán, thừa một lúc tên cán bộ toán không có ở đấy, chị đã lén đưa cho tôi hơn 1 kg sắn đã luộc rồi. Và đấy là lần cuối cùng tôi nhìn thấy chị cho tới bây giờ. Vào đầu năm 1976 , lúc tôi đang ở trại tù Phong Quang, trại Trung ương số II, nằm trong tỉnh Yên Bái. Trong một lần nói chuyện vui với anh Kiều Duy Vĩnh, anh cho biết loáng thoáng: nghe đâu, cuối năm 1973, chị Thụy An bị bệnh nặng, gần chết (không rõ bệnh gì) nên cộng sản đã thả chị về Hà Nội. Không hiểu từ đấy, cuộc đời chị rồi ra sao? Sau nhiều những năm, tháng nổi trôi trong tù, tôi không hề còn nghe ai nhắc về chị nữa.
Tóm lại, sau đợt học tập “Lập công chuộc tội, chống Mỹ cứu nước” qua Nguyễn Văn Gôm và bác Lẫm tôi chỉ được biết sơ một chút về cuộc đời của bà Thụy An như sau:
Bà là con gái ông thủ quỹ họ Lưu. Người ta thường gọi là ông Quỹ Lưu ở Hà Đông. Bà nói tiếng Pháp rất rành, thường giao du với những đặc phái viên của hãng thông tấn xã Pháp (A.F.P.). Không những bà viết sách báo, mà còn đôi khi bán tin tức cho các nhật báo Việt ngữ ở Hà Nội nữa. Bởi thế có dư luận bà là người thân Pháp mới có những tin tức đặc biệt như vậy. Hơn nữa, bà lại rất hăng say, năng nổ về lãnh vực chính trị nên cũng có tiếng vang trong nữ giới ở Hà Thành.
Khoảng cuối 1946, cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Dần dà Pháp dùng Đỗ Đình Đạo, một yếu nhân kỳ cựu của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ông Đạo được Pháp giao trách nhiệm thành lập hai Tiểu đoàn Khinh quân tự trị do Pháp võ trang hoàn bị, gọi là quân thứ lưu động. Mục đích để bình định, mở rộng vòng đai thuộc vùng Quốc gia và quấy phá Việt Minh. Tất nhiên cả về tài chính cũng như những phương tiện khác cho hai Tiểu đoàn đều do Pháp đài thọ. Đỗ Đình Đạo lại không khá tiếng Pháp vì vậy Pháp đã gài bà Thụy An vào làm Chánh văn phòng để giao dịch bằng văn thư với Pháp hoặc thông dịch trong những khi giữa Pháp và Đạo cần đàm thoại.
Đại bản doanh của hai Tiểu đoàn Khinh quân thuộc thứ lưu động kể trên đóng căn cứ tại Ngã Tư Sở, ranh giới giữa Hà Nội và Hà Đông. Dư luận của chính giới cũng như của Hà Nội bấy giờ đều cho rằng: do điều kiện và cảnh sống tiếp cận như vậy đã tạo nên một mối tình luyến ái giữa hai người. Vả lại họ thường thấy hai người đi đôi như một cặp bài trùng. Nhất là lúc này, mỗi khi bà viết báo hay truyện lại thường lấy bút hiệu là Thụy An Hoàng Dân. Mà Hoàng Dân lại là bí danh của Đỗ Đình Đạo.
Mỗi tháng Pháp phải trả lương cho hai Tiểu đoàn này số tiền 350.000 đồng tiền bấy giờ. Vào đầu năm 1954, lúc này tình hình chiến sự rất căng thẳng ở khắp nơi thuộc 3 nước Việt + Miên + Lào, mà gay go nhất là trận chiến Điện Biên Phủ. Một lần vào cuối tháng cũng như mọi khi, buổi chiều Đỗ Đình Đạo đánh xe đi Hà Nội nhận tiền về, để phát lương cho binh lính dưới quyền. Nhưng sáng hôm sau, người lính cận vệ không thấy Đỗ Đình Đạo ở Đại bản doanh cũng như ở văn phòng làm việc tại nhà. Anh ta vào gõ cửa buồng ngủ cũng không có tiếng trả lời. Anh đi kêu mấy người đồng đội phá cửa vào phòng thì thấy Đỗ Đình Đạo chỉ còn là cái xác không hồn, nằm cứng đơ ở cạnh tủ áo. Còn Thụy An là Chánh văn phòng thì mất tích. Sau hai ngày im lặng để nhà chức trách điều tra, báo chí Hà Nội đã tung tin rùm beng: “Đỗ Đình Đạo bị chết vì thuốc độc. Dư luận kết tội Thụy An đã đầu độc Đỗ Đình Đạo.” Sau đấy hai Tiểu đoàn Khinh quân trở thành Địa Phương Quân thuộc tỉnh Hà Đông.
Theo dư luận báo chí thời gian ấy, chả hiểu là đúng hay sai: Thụy Anh ẵm số tiền kếch xù về quê thuộc vùng kiểm soát của Việt Minh, đem dâng nộp cho Ủy ban Hành chính Kháng chiến huyện Ứng Hòa để lập công chuộc tội. Nhưng nghe đâu Việt Minh không tin, chúng đặt vấn đề đây là do Pháp làm mồi để cài Thụy An vào hàng ngũ kháng chiến; cho nên tiền thì chúng lấy, còn người thì chúng giam để khai thác.
Sau Hội nghị Genève về Đông Dương, chúng đem bà về quản chế tại địa phương. Nhưng vào đầu năm 1958, bà bị bắt lại trong chiến dịch cộng sản đánh phá văn nghệ sĩ miền Bắc xuyên qua phong trào “Nhân văn giai phẩm” đã gián tiếp phản đối sự lãnh đạo văn hóa tuyệt đối của đảng. Lợi dụng dịp “Trăm hoa đua nở” này, bà cũng viết mấy bài báo đăng trên tuần báo Văn tỏ ý gián tiếp chống đối lề lối văn nghệ chỉ huy của đảng. Lần này chúng bắt bà với tội danh: phản tuyên truyền và làm gián điệp cho CIA Mỹ. Khi khai thác cung bà ở Hỏa Lò, chúng cứ gán ghép, truy hỏi: những mạng lưới tình báo thuộc phòng nhì của Pháp ở miền Bắc, bây giờ đã được chuyển sang cho tình báo Mỹ.
Tôi ngồi nghe bác Lẫm kể về chị Thụy An, nhưng lòng vẫn bán tin, bán nghi chưa hiểu đâu là sự thật của vấn đề, bởi vì dư luận có phải bao giờ cũng chính xác đâu.
Hồi ký Thép Đen - Đặng Chí Bình
No comments:
Post a Comment