10 câu chuyện về cách ĐCSTQ thâm nhập tại Brittany của Pháp
Mộc Vệ
Hervé Chambonnière là phóng viên điều tra của Le Télégramme, một tờ báo ở Brittany (Bretagne) miền tây nước Pháp có lịch sử gần 80 năm. Ông đã có loạt điều tra về những hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Brittany. Dưới đây là 10 câu chuyện cho thấy những cách ĐCSTQ thâm nhập vào vùng này.
Dinan là một thị trấn ở Brittany, tây bắc nước Pháp. Nơi đây nổi tiếng với những thành lũy thời trung cổ, những con đường lát đá cuội và những ngôi nhà nửa gỗ. (Nguồn: DaLiu/ Shutterstock).
1. Sự kiện Boursicot khó tin
Đây là một trong số rất ít vụ án gián điệp được công khai trong 50 năm qua. Bernard Boursicot là một kế toán đến từ Varnes bị cơ quan chức năng Pháp bắt năm 1983. Trong gần một thập niên, ông này đã chuyển cho ĐCSTQ hồ sơ ngoại giao của Đại sứ quán Pháp tại Bắc Kinh, hành vi được cho là để lấy lòng một nữ điệp viên ĐCSTQ mà thực chất đó lại là một người đàn ông.
2. Con của tình báo cấp cao ĐCSTQ xin đến Brittany
Cách đây vài năm, đơn của một sinh viên Trung Quốc xin đi học ở Brittany đã đến tay một quan chức tại Đại học Tây Brittany là người rất say mê văn hóa Trung Quốc. Quá trình kiểm tra cho thấy, sinh viên này hóa ra là con trai của một sĩ quan tình báo cấp cao của ĐCSTQ. Đơn đăng ký đã bị từ chối.
3. Kẻ chụp lén căn cứ tên lửa hạt nhân L’Ile Longue
Vào đầu năm 2010, một quan chức Đại học ở Brest là người hâm mộ văn hóa Trung Quốc đã đi cùng một đoàn Trung Quốc đến một hội nghị quốc tế ở thành phố cảng. Khi chiêu đãi tiệc trên một con tàu ở cảng Brest, ông nhìn thấy một người đàn ông mà ông không quen biết, người này được nhóm giấu kín và ông ta đã trốn đi chụp ảnh cảng và “cơ sở vật chất” của cảng (Ile Longue – căn cứ tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân). Khi vị quan chức Đại học ở Brest hỏi người đàn ông kia là ai, phía đoàn Trung Quốc trả lời: “Ồ, anh ta? Bỏ qua anh ta, anh ta là một thông dịch viên”.
4. Nhà nghiên cứu của Viện Đại dương Ifremer mắc bẫy
Nhà địa vật lý biển có tiếng quốc tế là Louis Gurley tại Viện Hải dương học Ifremer ở Brest đã được trưởng phòng thí nghiệm đại học ở Trung Quốc (nơi 6 năm trước đó đã tiếp đãi ông) hỏi ông có muốn tham gia đánh giá bài báo nghiên cứu khoa học không, ông chấp nhận không do dự. Bài báo này đã được dịch một phần sang tiếng Anh, nhưng Louis Gurley biết quá muộn. Nghiên cứu này viết về các đặc tính địa chất của Máng Okinawa (Trũng Okinawa) đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nội dung “có vấn đề khoa học và phát biểu không trung thực”, đương nhiên có lợi cho Trung Quốc. Louis Gurley đã phản đối khiến người Trung Quốc giận dữ, dù vậy ông vẫn giữ quan điểm của mình. Nhưng ông không biết liệu tên của ông có được sử dụng để chứng thực cho nghiên cứu hay không.
5. Tọa độ nhạy cảm của máy đo địa chấn Trung Quốc
Đây cũng là một giai thoại được Louis Gurley kể lại. Cũng chính trưởng phòng thí nghiệm phía Trung Quốc vừa kể trên, đã nói với ông trong một cuộc thảo luận về công việc của ông ta tại một trong những rãnh biển sâu nhất thế giới (quần đảo Mariana) ở Thái Bình Dương. Theo đó, ông ta thừa nhận đã đặt 10 máy đo địa chấn trước rãnh biển này.
Louis Gurley đã bị hấp dẫn và yêu cầu được chia sẻ tọa độ để nghiên cứu. Người đối thoại ban đầu khá miễn cưỡng, nhưng cuối cùng đã đồng ý. Khi kiểm tra tọa độ, ông nhận ra rằng tất cả các thiết bị đều nằm trong khu vực thuộc về Mỹ… mà phía Trung Quốc không được phép làm. Lưu ý: Máy đo địa chấn cũng có thể phát hiện sự di chuyển của tàu ngầm ở khoảng cách xa (ví dụ: tàu ngầm hạt nhân ở đảo Guam của Mỹ).
6. Thông tin bên lề về một trường kỹ thuật ở Brittany
Sự kiện vào mùa thu năm 2021. Tại một trường kỹ thuật danh tiếng ở Brittany có nhiều cơ sở, các nghiên cứu sinh Trung Quốc dường như không thích nhắc đến tài liệu nội bộ từ Đài Loan và Hồng Kông. Để phản đối, họ gửi thư hàng loạt đến hộp thư của các giáo sư, quản trị viên và sinh viên. Một nguồn thạo tin cho rằng dù đây là vấn đề không mấy ảnh hưởng, nhưng cho thấy khả năng của các công dân Trung Quốc trong việc bảo vệ tiếng nói quốc gia bằng mọi giá, ngay cả khi họ không phải là những người có chức sắc đại diện gì. Đây là lợi thế rất lớn của nhà cầm quyền ĐCSTQ.
7. Bằng sáng chế của Pháp được đăng ký tại Trung Quốc
Bằng sáng chế do nhà nước Pháp tài trợ thu được từ công việc nghiên cứu (có các ứng dụng quân sự) được thực hiện bởi phòng thí nghiệm của Đại học Brittany và công ty của Pháp liên quan đến lĩnh vực quốc phòng nhưng lại đăng ký tại Trung Quốc…, như vậy cản trở người Pháp sau này sử dụng cho nước Pháp. Người nộp đơn xin cấp bằng sáng chế là một thành viên của phòng thí nghiệm Pháp nhưng có gốc là người Trung Quốc. Vấn đề này xảy ra vào cuối những năm 2000, chưa bao giờ được công khai, còn thành viên liên quan của phòng thí nghiệm hiện vẫn đang làm việc.
8. Triển lãm Thành Cát Tư Hãn ở Nantes không tổ chức như dự kiến
Bảo tàng Lịch sử Nantes đã buộc phải hoãn một cuộc triển lãm dài hạn về lịch sử Thành Cát Tư Hãn và Đế chế Mông Cổ vốn dự kiến vào năm 2021 với sự hợp tác của một bảo tàng Trung Quốc. Lý do là gì? Trước tiên nhà chức trách phía Trung Quốc yêu cầu bảo tàng loại bỏ các thuật ngữ như “Thành Cát Tư Hãn”, “Đế chế” và “Mông Cổ”, sau đó yêu cầu kiểm soát tất cả các tài liệu, bản đồ và giao tiếp của cuộc triển lãm.
Theo Bảo tàng Nantes, Sở Di tích Văn hóa Bắc Kinh sau đó đã viết lại một bản tóm tắt “nhằm mục đích xóa bỏ hoàn toàn lịch sử và văn hóa của Mông Cổ để tạo ra một câu chuyện Trung Quốc mới”. Dù vậy, bảo tàng Nantes vẫn hy vọng vào năm 2023 sẽ tổ chức một cuộc triển lãm theo kế hoạch này bất chấp sẽ không có văn vật từ Trung Quốc.
9. Vùng Brittany và Sơn Đông
Tình báo của Trung Quốc làm nhiệm vụ giám sát phân cấp theo các tỉnh. Như Sơn Đông (miền Đông Trung Quốc; 100 triệu dân) tập trung vào Brittany.
Trong “Les Tribumes des Bretons en Chine” của Roger Faligot (Éditions Les Portes du Large) chỉ ra từ năm 1985, các thành phố của vùng Brittany (chẳng hạn như Rennes, Saint-Brieuc, Lorient, Quimper và Brest) đã hình thành mối quan hệ kết nghĩa với các thành phố ở Sơn Đông, An ninh Quốc gia ĐCSTQ đã sử dụng các ủy ban kết nghĩa này để tạo mạng lưới trong khu vực.
Một cuốn sách tiết lộ rằng một nhà nghiên cứu trẻ người Trung Quốc từng làm việc tại Viện Đại dương Ifremer đã bị trục xuất khỏi chi nhánh ở Brest. Bộ Khoa học và Công nghệ Pháp (DGSI ngày nay) đã thu được bằng chứng về việc anh ta đã chuyển thông tin mật cho nhà cầm quyền ĐCSTQ.
“Mạng lưới gián điệp của ĐCSTQ ở Pháp rất dày đặc”, Thượng nghị sĩ André Gattolin tiết lộ với Le Télégramme. André Gattolin là báo cáo viên cho một nhiệm vụ thông tin được thúc đẩy vào tháng Mười năm ngoái, có tên “Ảnh hưởng của các quốc gia bên ngoài châu Âu và tác động của họ đối với giới hàn lâm Pháp”.
10. Tàu Trung Quốc và mảnh vỡ tên lửa hạt nhân của Pháp
Tháng 3/2022 ở mũi biển tại Brittany, một máy bay chiến đấu Rafale đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa hành trình có khả năng mang hạt nhân ASMP-A. Mảnh vỡ của tên lửa này (một hình trụ dài 2m và đường kính khoảng 40 cm) vẫn chưa được tìm thấy, dự đoán khả năng đang trôi dạt giữa Penmarch và Belle Île. Tuy nhiên chính tại khu vực này, Hải quân Pháp đã phát hiện ra một tàu hàng rời dài 300 mét của Trung Quốc được trang bị vũ khí. Một nhóm nhân viên Hải quan Pháp đã được điều động lên con tàu đó để kiểm tra nhưng không tìm thấy “bất kỳ yếu tố đáng ngờ” nào. Con tàu buôn này đã nằm lại trong vài ngày dưới sự giám sát của Hải quân Pháp.
Mộc Vệ, theo Le Télégramme
nguồn trithucvn.org.
No comments:
Post a Comment