Niềm Vui Tuổi Hạc! Bệnh Giời Leo “Shingles”
Tác giả Phạm Thị Kim Dung (đứng giữa)
Thời gian đi nhanh quá! Gia đình tôi đã được định cư ở Mỹ vào ngày song thập năm 1980, khi đó tôi mới có hai mươi tám tuổi, vậy mà bây giờ tuổi đời tôi đã thành thất thập cổ lai hy!
Muôn vàn cảm ơn nước Mỹ, Quê Hương thứ hai đã cưu mang gia đình tôi, cho chúng tôi đời sống yên bình, an cư lạc nghiệp nơi miền đất Hoa Kỳ Tự Do Dân Chủ và được hưởng nhiều phúc lợi Y Tế tân tiến bậc nhất thế giới, hạnh phúc ấm vui tràn đầy.
Hơn hai năm đại dịch Covid-19 lây lan khắp nơi, nên mọi sự thử nghiệm Y Khoa cũng phải đình trệ, vì cần giảm thiểu đến chỗ đông người. Chỉ khi nào cần thiết lắm mới xin hẹn gặp Bác Sĩ hay đến nhà thương khám bệnh. Những bệnh thông thường chỉ gọi điện thoại tham khảo với Bác Sĩ cho lời khuyên, và cho toa mua thuốc gởi thẳng tới nhà thuốc, để bệnh nhân đến đó nhận thuốc là đủ rồi.
Cách đây ba tuần, tôi đi thử máu, rất phấn khởi khi Bác Sĩ cho biết kết quả thử máu mọi thứ đều trong tình trạng rất tốt, như năm ngoái, và những lần thử máu trước đây. Điều mà mừng nhất là tôi vẫn còn hên, chưa có bị “3 Cao” (Cao mỡ, cao đường và cao máu).
Mặc dù biết vậy, nhưng tôi vẫn tiếp tục cố gắng giữ gìn, ăn uống cẩn thận chừng mực và ăn đầy đủ những thứ rau đậu, thịt, tôm cá và trái cây. Đã từ lâu, tôi bỏ bớt những thức ăn chiên xào có nhiều chất mỡ béo, giảm ăn những món ngọt có nhiều đường, và nhất là phải cố gắng giữ tâm hồn của mình được quân bình, tránh lo âu căng thẳng, và xúc động buồn nhiều.
Từ hồi xưa đến giờ, tôi rất thích phim “Action” những anh chàng Mỹ cao bồi phi ngựa, chở các cô đầm xoè xinh đẹp, bắn súng đùng đùng tứ tung loạn xạ, làm người xem phim hồi hộp, tim như muốn ngừng thở! Đã từ lâu lắm rồi, tôi không dám xem những loại phim này và phim tình cảm đượm buồn đẫm lệ nữa, mà chỉ lựa xem những phim vui cười, để giúp cho tâm hồn mình được êm ái nhẹ nhàng tươi vui.
Tôi vẫn luôn hoạt động, đi bộ và tập thể dục nhẹ, để không bị uống thuốc. Mỗi ngày, tôi thường uống một ly nước ấm với miếng chanh và lát gừng, hay ăn trái cam, trái quít, để khỏi phải uống thuốc Vitamin C; Có lẽ nhờ vậy mà đã nhiều năm nay, tôi chưa hề bị cảm cúm.
Từ hồi tháng hai đầu năm nay, chị Lý là bạn làm chung Ban Cố Vấn Mỹ với tôi tại Cục Công Binh ở Việt Nam, cách đây hơn nửa thế kỷ. Chị hiện đang cư ngụ dưới miền Nam California, chị gọi điện thoại chia sẻ với tôi về cái bệnh giời leo “Shingles” mà chị đang bị đau ngứa, uống thuốc hơn hai tháng rồi mà vẫn chưa khỏi bệnh. Thường thì khi bệnh giời leo phát lan ra, nếu được Bác Sĩ định bệnh và chữa trị kịp thời, thì rất mau hết bệnh, hoặc là bệnh đau khoảng từ hai tuần, đến sáu tuần là hết. Nhưng bởi vì chị đã nhầm lẫn, chủ quan là bệnh đau nhức và ngứa thông thường, nên cố gắng tự uống thuốc đau nhức và bôi thuốc ngứa vài ngày mà không thấy bớt, mới xin hẹn đến Bác Sĩ chữa bệnh; Có thể, vì vậy mà thời gian lành bệnh lâu hơn bình thường.
Chị Lý đã chia sẻ, da của chị bị nổi mẩn đỏ sưng lên, những chùm mụn hạt nước ngứa, càng gãi nó càng lan ngứa kinh hồn, ngứa cả trong lỗ tai. Chị bị nhức đầu ghê lắm, và bị tê tê một bên miệng lưỡi, khi ăn uống bị nghẹn cổ rất khó nuốt. Mỗi bữa ăn, chị ăn không được đủ lượng thực phẩm, nên bị xuống cân nhiều, đã làm người chị gầy yếu hẳn đi.
Tôi nghe chị Lý kể đau nhức nhiều như vậy, thương chị quá, nhưng chẳng biết làm gì hơn là chỉ biết cầu nguyện cho chị gặp thầy, gặp thuốc để mau lành bệnh, và an ủi chị chịu khó uống thuốc đúng liều lượng mà Bác Sĩ đã cho toa thôi.
Rồi vì bận rộn, cứ loay hoay với cháu, tôi quên khuấy đi mất chuyện bệnh giời leo của chị Lý. Cách đây vài tuần, chúng tôi đi dự đám cưới của người cháu họ, tình cờ lại ngồi gần cạnh bàn cậu cháu ruột, con của ông anh nhà tôi, trong lúc trà dư tửu hậu, gia đình chụm xúm chuyện trò to nhỏ, mới biết là cháu đang bị căn bệnh giời leo, nhìn thấy trên trán của cháu, phân nửa cái trán khôi ngô tuấn tú của cháu có những khoen tròn đen sậm như than, in hằn trên vầng trán, nó to bằng cái đồng hào hai mươi lăm xu.
Cháu chia sẻ với mọi người là, không dám chải đầu, vì lỡ đụng mạnh vào sợi tóc thôi, cũng đau đầu lắm. Phía bên trong một nửa hàm, miệng lưỡi cháu bị cứng tê, rất khó nhai nuốt thức ăn xuống. Người thì ngứa, gãi hoài cũng bị xước da chảy máu đau đớn nhiều.
Có một người họ hàng cùng dự tiệc cưới hôm ấy, cũng xúm vào nói chuyện và đã chia sẻ là cha của chị gần được chín mươi tuổi thọ, đã bị bệnh giời leo mà không hề biết, để đến lúc mụn nước ngứa lan nhiều, thần kinh đã bị tổn thương trầm trọng, nhức đầu quá chừng, không chịu nổi nữa mới hẹn gặp Bác Sĩ xin chữa trị, thì đã quá trễ…
Khi chị Lý chia sẻ bệnh trạng với tôi, chị than đau ngứa toàn thân, nhưng tôi chỉ có mường tượng, vì đây là lần đầu tiên được nghe kể về bệnh “Giời leo” qua điện thoại, chứ đâu có nhìn thấy gì, cho đến khi được nhìn tận mắt căn bệnh giời leo này đã phát chứng trên cơ thể cháu ruột của mình thì mới biết sợ, chạnh nghĩ ngay đến thân phận mình.
Tôi biết chắc rằng, mình đã chích ngừa bệnh giời leo này rồi, nhưng không nhớ chính xác là đã chích vào thời gian nào. Tôi liền vào mạng, đây là lần đầu tiên, lần mò bấm mã số tìm mở hồ sơ bệnh lý của mình ra xem, thì mới biết là tôi đã chích chủng ngừa bệnh giời leo “Shingles” năm 2011. Vào thời điểm này, chỉ có 1 mũi chủng loại thuốc Zostavax Vaccine, để chích ngừa bệnh giời leo. Nhưng hiện nay loại thuốc này không còn phép được xử dụng ở Mỹ nữa.
Thời gian chích ngừa đã quá lâu, mười một năm rồi, nên tôi băn khoăn thắc mắc, không biết thuốc chích ngừa bệnh giời leo còn hiệu nghiệm không? Để tâm hồn mình khỏi phải lo âu nữa, tôi đã gởi email để hỏi Bác Sĩ gia đình của mình cho rõ. Bác Sĩ đã cho biết, tôi phải chích ngừa bệnh giời leo lại, và Bác Sĩ đã gởi “Order” tới ban chuyên ngành chích ngừa trong nhà thương rồi. Tôi đã gọi làm hẹn ngay hôm ấy, nhưng phải đợi đến cuối tháng chín, họ mới có giờ hẹn trống để chích ngừa bệnh giời leo “Shingles” cho tôi.
Để tìm hiểu thêm về chứng bệnh giời leo. Tôi đã vào Google đánh chữ “SHINGLES” thì trên màn ảnh IPhone hiện ra rất đầy đủ chi tiết về bệnh trạng, và giải thích mọi thắc mắc cho tôi.
Được biết, từ năm 2017 cho đến nay, Food and Drug Administration (FDA), Cơ Quan Thực Phẩm và Dược Phòng Hoa Kỳ đã chấp thuận cho phép dùng thuốc Shingrix Vaccine có tác dụng bảo vệ và ngăn ngừa từ 5 năm, cho đến nhiều hơn, để chích chủng ngừa bệnh giời leo “Shingles” cho những người từ 50 tuổi trở lên. Thuốc Shingrix Vaccine có 2 mũi chủng, thường thì mũi chủng đầu tiên, phải chích cách xa mũi chủng thứ hai, từ 2 tháng, cho đến 6 tháng.
Tôi cũng vào Google đánh những chữ “Dr. Wynn Tran Bệnh Giời Leo”, sẽ thấy YouTube của Bác Sĩ Wynn Tran hiện ra để nghe lời giảng giải tiếng Việt của Bác Sĩ, về căn bệnh giời leo “Shingles” thật rõ ràng và rất hữu ích cho mọi người.
Niềm hạnh phúc nhất tuổi hạc của tôi là đây!
Người đến hàng thất thập mà còn Mẹ, là niềm diễm phúc nhất của người con tuổi hạc. Lại còn được về hưu sớm, khi tuổi năm mươi lăm, còn có sức khoẻ và thời gian tình nguyện chăm sóc các cháu quý yêu của mình.
Hồi còn ở Quê Hương Việt Nam, tôi làm nghề Thư Ký cho cơ quan Defense Attaché Office (DAO), đến khi vượt biển được tỵ nạn ở Mỹ, tôi cũng làm nghề Thư Ký cho City Of San Jose. Trong tất cả công việc này, tôi luôn là người có trách nhiệm, yêu nghề, làm việc siêng năng, nên chưa hề bị vị xếp nào quở trách điều gì cả. Như thế, cả đời tôi đã làm nghề Thư Ký cho hãng Mỹ để kiếm cơm, để phụ đỡ cha nuôi các em, để phụ chồng lo cho gia đình, nuôi các con.
Khi đã về hưu, dù cho tôi tình nguyện việc chăm sóc các cháu nhỏ, vẫn cảm thấy trách nhiệm rất lớn lao, không lúc nào dám chểnh mảng, vì rất yêu trẻ. Tôi thật may mắn, được thừa hưởng cái tánh cẩn thận, cần mẫn, và nhẫn nại của Mẹ, nên hơn mười lăm năm chăm sóc các cháu nội và các cháu ngoại chưa lần nào bị u đầu, xẻ trán bao giờ. Nhờ vậy, mà các “Xếp con” tin tưởng, hài lòng, còn cần bà làm việc cho đến bây giờ!
Cảm tạ ơn trên, mỗi buổi sớm mai, khi thức dậy, bà vẫn thấy mình còn yêu đời, đi bộ ra ngoài vườn để hưởng không khí trong lành và ngắm những chậu hoa lan, hoa hồng đủ sắc màu rực rỡ hồng cam tím vàng vừa chớm nở toả ngát hương thơm dịu dàng. Tiện thể, bà lại tưới nước cho gốc cây su su trồng chung với bầu, và những luống rau thơm đủ loại ở ngay dưới giàn cây. Riêng những chậu rau kinh giới, tía tô, và húng quế thì bà đã để chừa vài cây không ngắt bỏ đầu nhánh, cho nó chóng già ra hoa, khi hoa khô héo, hạt bay lan khắp vườn, để hằng năm vào đầu Xuân các loại rau này cứ tự mọc cây lên, lan ra dầy đặc các chậu rau trong vườn, ửng thơm lên những mùi hương đặc biệt, để bà nấu bún mọc, nấu phở cho các cháu thưởng thức cái tài mọn của bà. Và bà cảm thấy còn khả năng chăm cháu để phụ đỡ cho các con an tâm đi làm như người ta, thì bà còn ước muốn gì hơn nữa?
Như đã biết trước, đến mùa khai trường năm nay thì cháu nội Út trai của tôi được hơn ba tuổi, sắp đi học vườn trẻ. Xin phép quý độc giả, cho tôi khoe các cháu của tôi một chút nhá! Cháu đã thuộc làu 26 chữ cái, biết nhận mặt chữ đánh vần mẫu tự, và đọc tất cả mọi số và chữ rất lưu loát. Cháu thuộc lòng đếm từ số 1 cho đến số 20, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, để sẵn sàng đi học vườn trẻ, cháu sẽ biết cách giao thiệp chơi với các bạn cùng trang lứa, để cháu bớt nhõng nhẽo ông bà và cha mẹ. Bởi vì, hơn hai năm đại dịch lây lan khắp nơi, cháu chỉ quanh quẩn ở nhà với ông bà và cha mẹ, không được đi chơi đâu, nên những ngày đầu tiên đi học vườn trẻ, chắc có lẽ cháu sẽ bỡ ngỡ lắm khi gặp nhiều bạn cùng lớp.
Bà muốn đi theo cha mẹ cháu để dẫn cháu đi học ngày đầu tiên khai trường, nhưng không được. Từ ngày các trường học mở lại cho đến bây giờ, để tránh bớt sự lây lan của bệnh dịch, họ không cho phép phụ huynh được vào trong khuôn viên của nhà trường, chỉ “Drop-off” hay “Pick-up” cho học sinh xuống xe, hoặc đón ở phía ngoài hành lang trước cổng trường, rồi có các Thầy Cô, hay những hướng dẫn viên chờ sẵn ở đó, sẽ giúp cho các em học sinh vào lớp học như lịch trình lớp học của các em.
Khi cháu nội Út được mười tháng, thì mẹ của cháu phải trở lại công sở làm việc, nên cháu đã phải qua nhà ông bà. Sau hai tuần chăm cháu, bà đã biết tánh ý cháu, là bà cố gắng tập cho cháu “Potty training” đi đại tiện vào cái bô ngay (khâu này không dễ đâu nha, lần đầu tập cho bé ngồi bô, phải rất nhẫn nại, mất gần hai giờ đồng hồ ngồi ôm vòng lưng bé, để bé chịu ngồi yên chỗ, mới thành công).
Khi cháu lên hai tuổi thì bà cai tã tiểu tiện cho cháu, bà dạy cháu thuộc lòng những câu song ngữ như: “Con không mặc tã nữa, và No more diaper!”, bà cũng đã cho cháu xem thấy cái hộp đựng tã của cháu trống rỗng, không còn cái nào nữa! Bà đã phải đợi mất vài tháng khi cháu bỏ hẳn tã, bà lại tập cho cháu bỏ tã khi ngủ trưa. Khâu cuối cùng này cũng tốn vài tuần lễ cháu mới “Khô” lúc ngủ trưa, thì cháu mới sẵn sàng để đi học vườn trẻ trường tư như các bạn (vì bé nào còn mặc tã, họ sẽ tính thêm phần tiền công này). Coi như hơn mười lăm năm kinh nghiệm chăm nom trẻ, bà sắp hoàn thành công việc mà bà đã từng ước ao được tình nguyện làm.
Vậy là bà nội sẽ thất nghiệp công việc tình nguyện chăm sóc trẻ nhỏ rồi, lại buồn..buồn vì thương nhớ cháu; Nhưng bà vẫn là người sẵn sàng chờ để điền vào chỗ trống bất cứ khi nào mà cần đến bà. Bởi vì, nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi cơ mà?
Tuy sắp bị ế độ, nhưng sẽ được thảnh thơi an nhàn, bà nội lại có thêm giờ ghé qua nhà bà em kế, rất gần nhà, chỉ mất vài phút lái xe để thăm viếng bà cố. Hôm nào bà có nấu món gì ngon, thì đem qua mời bà cố ăn lấy thảo, sẽ được truyện trò, và được cùng ăn chung những bữa cơm thân mật với bà cố vào những ngày trong tuần. Nhất là bà nội sẽ có nhiều thời giờ săn sóc ông nội của bé, cũng như lo cho chính bà nhiều hơn. Rồi…bà sẽ rảnh rang viết lách thêm những bài mới, gởi xin Việt Báo cho dự thi “Viết Về Nước Mỹ”, và đi dự tiệc họp mặt trao giải thưởng VVNM, để tìm được nhiều niềm vui tuổi hạc của bà.
Tôi có hai cháu ngoại và bốn cháu nội. Các cháu đều được tôi dạy nói tiếng Việt vỡ lòng đầu tiên. Các cháu hiểu tất cả những gì bà nói bằng tiếng Việt.
Có lúc các cháu tranh nhau nói với bà rằng:
“Bà ơi! Con thương bà nhiều lắm”
Bà hỏi lại từng cháu cho biết rõ, và cho vui..
“Cho bà biết lý do (là reason), tại sao cháu thương bà?”
Các cháu đều trả lời giống nhau, rất thơ ngây và chân thật.
“Bởi vì, bà nấu những loại xôi và nhiều thức ăn Việt Nam ngon cho con ăn, bà nice và kind, bà take care con, bà cho con sang nhà bà chơi, và đôi khi bà cho con ngủ lại đêm với bà. Và bà loved chúng con!”
Có mỗi cô cháu ngoại thứ hai thì nói thêm là:
“Bà ngoại ơi, I love you the best in the whole wide world! You’re my second favorite person!”
Được nghe các cháu chia sẻ nhưng lời chân thật quý giá ấy, đã làm tâm hồn bà xúc động và vui sướng thật nhiều.
Bà cưng cháu Út quá, nên muốn nấu thức ăn cho cháu năm ngày ở với ông bà, và thứ sáu thì nấu phần ăn hai ngày cuối tuần cho cháu đem về nhà ăn, để cho cha mẹ cháu có thời giờ chăm cháu nhiều hơn. Nhưng bà cũng phải nói với mẹ của cháu cho mọi sự hài hoà an vui.
-Mẹ thương quý cháu quá, thích nấu các món ăn cho cháu, để con có nhiều giờ ôm cưng bé. Nhưng bất cứ khi nào con muốn nấu thức ăn cho cháu, thì cứ nói cho mẹ biết, để mẹ “Stop” nấu nhé!
Mẹ của bé nhìn bà mỉm cười, rồi nói…
“Dạ, bà nấu thức ăn cho cháu luôn đi ạ. Cháu thích ăn xúp mềm của bà nội nấu. Con cám ơn mẹ nhiều lắm!”
Các cháu của tôi rất ngoan và lễ phép, luôn vâng lời ông bà và cha mẹ. Tôi cầu xin ơn trên ban cho các cháu mãi mãi được như vầy.
Người xưa có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Mỗi cuối tuần, cha mẹ của các cháu nội và các cháu ngoại thường hẹn nhau qua thăm ông bà để được ăn uống cùng với nhau và vui đùa thoả thích cả ngày. Khi gặp ông bà, các cháu luôn nhớ lời dạy dỗ của bà, khoanh tay và nói:
“Con chào ông bà con mới qua” rồi ôm mi ông bà.
Khi về thì các cháu nói:
“Con chào ông bà, con đi về…”
Một niềm xúc động ấm vui dâng tràn trong lòng tôi. Thật bất ngờ! Cô cháu ngoại đầu lòng của tôi đã phải viết những bài SA để thi vào các trường trung học tư thục. Một trong những bài ấy, cháu chọn viết về để tài Tết Cổ Truyền và Văn Hoá Việt Nam. Cháu kể về bà ngoại và các em của bà ngoại đã nấu những món ăn để đại gia đình ăn vào ngày Tết.
Cháu tả từng món một, món nào cháu cũng thích, nhưng cháu cho biết, cháu thích nhất món bánh chưng thập cẩm đặc biệt mà bà ngoại của cháu nấu bằng hạt nếp tròn, đậu xanh nửa hột còn vỏ tự đãi vỏ đi, thịt heo ba rọi ngon, lạp xưởng, tôm khô và lòng đỏ trứng vịt muối mà bà ngoại tự làm ở nhà, để ăn với dưa món củ cải của bà làm ngon tuyệt vời.
Hèn chi mà cháu đã hỏi bà ngoại về cách làm trứng muối làm sao cho ngon đặc biệt, cho lòng đỏ có ánh ửng vàng trong veo. Bà vui sướng chỉ cho cháu công thức làm trứng vịt muối (để cháu viết cho xong bài SA của cháu, nhưng lúc đó cháu giữ bí mật, không muốn kể cho bà và cho mọi người biết trước).
Nguyên liệu: 10 cái trứng vịt, 7 cups nước uống, 15 ounces muối (Sea salt), 1/4 cup đường, 1 muỗng xúp rượu (loại nào cũng được). *Nếu muốn làm nhiều trứng muối hơn, thì xin cứ tăng tất cả lượng nguyên liệu lên gấp đôi, hay tăng gấp nhiều lần lên như ý muốn.
Cách làm: Dùng giấy napkin thấm nước, lau nhẹ chung quanh trứng, rồi rửa lại nước hai lần cho thật sạch, để vào rổ cho trứng khô ráo nước. Kế đó, thì cũng lấy napkin chấm vào rượu lau chung quanh trái trứng, rượu khử được mùi hôi, và làm cho trứng thơm hơn.
Cách muối trứng: Cho tất cả các hỗn hợp nấu cho thật sôi, rồi vặn bếp xuống thật thấp “low”, tất cả thời gian nấu nước muối khoảng 20 phút: Gồm có 7 cups nước, 15 ounces muối Sea salt, và 1/4 cup đường (đường sẽ làm muối tan, không đóng cục lại). Để nước này thật nguội qua đêm, bỏ tất cả 10 cái trứng vào keo, hay bất cứ hộp đựng có nắp đậy, rồi lấy cái ly nhựa múc nước muối đã đun xôi để nguội, đổ nhè nhẹ vào keo đựng cho đầy ngập trên trứng rồi đậy nắp lại, và nhớ ghi ngày ở trên nắp hộp, để nhớ cái ngày đã muối trứng mà thăm chừng cho tiện. Trứng muối 9 tuần lễ thì mới ăn được, lúc đó lòng đỏ mới toàn hảo ngon tuyệt vời.
Khi muối trứng được 7 tuần thì có thể luộc một trứng để ăn thử cho biết. Khi cắt trứng ra làm hai, mà thấy lòng đỏ đạt được tới mức độ vàng trong toàn hảo. Nói cách khác, là khi cắt trứng ra làm hai phần, mà còn nhìn thấy ở giữa lòng đỏ trứng vẫn còn một chút phần đục, thì trứng muối đó chưa đạt tới độ ngon đúng mức.
Tôi thật hãnh diện, khi biết cháu ngoại yêu quý của tôi đã viết bài SA về đề tài ngày Tết. Cháu tả rất tỷ mỷ đủ mọi thứ như, cháu được mừng tuổi nhiều bao đỏ có tiền mới, khi cháu khoanh tay để chúc tuổi bà cố, các ông bà và các bác trong gia tộc bằng tiếng Việt mà bà ngoại đã dạy cháu. Thật là không uổng công của tôi đã gìn giữ, tổ chức tiệc họp mặt đại gia đình vào những ngày Tết hằng năm, theo truyền thống của ông bà đã để lại cho hậu thế.
No comments:
Post a Comment