Wednesday, July 27, 2022

Khi con trưởng thành…

Chủ Nhật nào cũng xum họp. Ảnh tác giả gửi

Trưởng thành, đôi khi chẳng có gì to tát, chỉ là nghĩ về gia đình nhiều hơn, khao khát trở về nhà nhiều hơn. Và đôi khi, trưởng thành đơn giản là khi chúng ta nhận ra ba mẹ ta đã già đi biết chừng nào…

Ba đã già!

Tôi nhớ mái lòng tôi lúc đó ngơ ngẩn… buồn khi nhận ra ba mình đã già là hôm ba thay cái muỗng nhựa máu trắng trong bình muối thành muỗng máu đen, và muỗng đen trong hũ tiêu thành máu trắng. Ba nói: Ba không thấy muối nếu dùng cái muỗng trắng con ơi! Còn hạt tiêu đen thì phải dùng muỗng trắng. Mắt ba đã kém, đó là dấu hiệu đầu tiên của tuổi già.

Ngày ba rời ngục tù cộng sản trở về tuổi đã trên sáu mươi, bịnh hoạn ốm yếu nhưng tinh thần của ba thật vững vàng, ba là chiếc phao cho cả gia đình con cháu bám víu. Còn nhớ, khoảng 1989 là thời kỳ buôn bán tương đối bớt căng thẳng. Sáng sớm, ba thường đưa má lên bến xe để má đem hàng về quê bán.

Chuyến trở ra lúc nào cũng có chút quà người cùng quê gởi cho ba, khi nghe tin ông được “ra trại”. Trưa về với chiếc xe đạp cọc cạch ba chở tôi lên đường đất đỏ Xuân Hà mỗi ngày để đón xe cá từ Tam Kỳ ra, (tôi sẽ mướn xích lô chở thúng về các chợ nhỏ bán lẻ); sau đó ba đi đón đứa cháu ngoại thiếu tình cha là con gái tôi ở trường mẫu giáo. Cả nhà quần quật mà cơm nước cũng bữa đói bữa no.

Không đành lòng khi vợ con sống trong cảnh nghèo đói, ba bắt đầu kiếm việc làm. Ba theo những người làm công năm xưa chạy tản cư ra Đà Nẵng đã được ba dìu dắt, giúp đỡ công ăn việc làm. Các chú bác này cùng độ tuổi với ba. Trước kia là công nhân lao động của Ty Công chánh Đà Nẵng, nhiệm sở của ba trước 1975.
Ba tôi sinh hoạt cộng đồng. Ảnh tác giả gửi

Không sợ dị nghị, không liêm sĩ vặt vãnh, không mặc cảm, không ngại ánh mắt của dư luận… ba bắt đầu lập lại cuộc đời sau khi trở về đời sống tự do. Mỗi ngày ba theo các chú đi quét đường, khuân gạch đá, cần cù làm ông công nhân “lục lộ”. Ba vui vẻ với công việc mà xưa kia ba đã từng là một trắc họa viên, chuyên vẽ họa đồ và tính toán nguyên vật liệu cho các công trình cầu đường lớn khắp khu vực Miền Trung Việt Nam.

Tánh ba rất lạc quan, luôn có những suy nghĩ tích cực trong đời sống. Tính cách ấy đã vực ba dậy sau những oan nghiệt của cuộc đời. Vẫn chiếc xe đạp cũ mèm, vẫn bộ áo quần công nhân màu xanh mua ở chợ trời… Dần dà ba được những người quen biết ngày xưa giới thiệu và bảo đảm để ba có thể nhận các công trình nho nhỏ.

Như cá gặp nước, ba hào hứng, năng nổ làm việc không ngừng, tạo được uy tín trong giới thầu xây dựng tại Đà Nẵng đầu thập niên 90. Tôi cũng nhớ em gái út thèm ăn chả bò “ba Hường”, kỳ lương đầu tiên ba đã dành để mua nguyên một ký lô chả để em ăn cho đã thèm. Công việc làm ăn khấm khá giúp ba tôi có đủ tiền để nộp lệ phí và lo cho cả nhà khi được phép nộp đơn đi xuất cảnh diện HO.

Ba tôi là một người tử tế. Ba thường tâm tình về lý do ba chọn ngành cầu đường khi theo học ở trường Công chánh Liên khu 5. Trong khi các ban ba chọn ngành xây dựng nhà cửa dễ kiếm tiền hơn, ra trường có thể làm tư, không phụ thuộc ai hết. Nhưng ba lại chọn ngành cầu đường vì ba nghĩ: Xây nhà chỉ phục vụ người ăn nên làm ra, có cơ hội xây nhà. Còn làm một cây cầu, khai phá một con đường là phục vụ tha nhân. Từ con kiến đến ông hành khất, mọi người ai cũng cần và ai cũng có cơ hội đi trên con đường đó. Đây thật là suy nghĩ của một người tử tế.

Điều này là là bài học cho tôi; làm việc gì cũng nên nghĩ đến kết quả tốt cho mọi người. Ngay cả khi cho đi một thứ gì cũng phải có lòng tôn trọng đối với người nhận. Của cho không bằng cách cho, lòng tử tế thể hiện qua những cư xử nhỏ bé hàng ngày. Nếu xưa kia, trên đà danh vọng ba không là một ông chủ tử tế, thân thiện thì sau ngày ra tù, sa cơ thất thế, làm sao ba có được những người bộ hạ thân tín luôn tôn trọng, tạo cơ hội để ba làm lại cuộc đời?

Nghề nghiệp đã rèn cho ba tánh cẩn thận, kỹ càng. Ngay cả chuyện mẹ con tôi lọt qua vòng phỏng vấn để cả hai đều được theo ba định cư nơi này cũng là một kỳ công nghiên cứu của ba. Trong khi những người cùng hoàn cảnh đều phải rơi nước mắt vì bị phái đoàn từ chối.

Với công việc, ba thường nói, bất cứ làm nghề gì cũng cần có đạo đức, có tâm trong công việc. Gọi là lương tâm nghề nghiệp. Thử hỏi xây dựng cầu đường mà cẩu thả, không đạo đức thì kết quả sẽ vô cùng tệ hại. Sai một ly, đi một dặm! Sau này tôi chọn công việc đang làm cũng từ lời góp ý của ba. Và tôi thật sự hài lòng với chọn lựa của mình.

Ba là một người trọng tình nghĩa, từ họ hàng đến thân hữu và kể cả thế hệ ban của các con mình. Trước 1975 trong nhà đã nuôi nhiều cô cậu, anh chị… từ trong quê, vùng xôi đậu ra tránh bom đạn chiến tranh. Dĩ nhiên sau này cũng có người trở mặt xem ba má không ra gì nhưng có rất nhiều người nhớ ơn và đối xử rất tốt với anh chị em tôi khi gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Ba vào tù, má một mình bươn chải nuôi đàn con tám đứa ăn học, để rồi ra trường là đi đạp xe thồ, bán bánh mì, bán cá… những ngành nghề “vinh quang”, ít vốn và phải bỏ sức lao động rất nhiều chứ không cần chữ nghĩa hay bằng cấp.

***
Ngày nay, khi cả nhà đều đã định cư ở đất nước tự do này. Con cháu tất cả đều có cơ hội học hành, có công việc làm ổn định. Ba đã già!

Ba tôi đã già, không còn hình ảnh một người năng nổ việc xã hội và tỉ mỉ trong việc nhà. Tất cả mọi chuyện hư hao trong nhà ba đều tự tay sửa chữa, ba vừa khéo tay vừa cẩn thận, có ý có tứ. Thời gian ác nghiệt đã không chừa một ai. Ba bây giờ ngơ ngẩn không biết ngày tháng. Suốt ngày đi tìm kiếm, lục lọi. Nếu hỏi ba kiếm gì thì ông giật mình: Ba không nhớ đi kiếm gì nữa (!)

Ba tôi sinh hoạt tại nhà. Ảnh tác giả gửi

Hàng xóm thỉnh thoảng phải bấm chuông báo tin: Tôi thấy ông cụ đang lang thang ở đằng kia. Trong nhà thì đầy các tấm bảng ghi chú; vì có những câu hỏi ba hỏi hàng chục lần trong vòng mấy phút. Người bình thường ở bên cạnh ba chắc sẽ đứt mạch máu vì trả lời hoài phát mệt!

Mỗi năm cả nhà tụ tập để chúc mừng Lễ Cha, để bày tỏ lòng biết ơn đối với đấng sinh thành. Đây là một phong tục đẹp của người Mỹ; trong khi người Á Đông chúng ta cách biểu lộ tình cảm rất hạn chế. Chúng ta có thể cảm thương khi thấy một người qua đường bị nạn hoặc tay bắt mặt mừng với người mới quen.

Vậy mà đối với cha mẹ… cứ … “mình thương thì mình biết” không cần phải bộc lộ. Nhất là khi đã trưởng thành “có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ” câu nói ai cũng chỉ thốt ra ở bờ môi. Rồi chúng ta làm được gì? Thời gian và công sức đều tập trung cho bạn thân hoặc gia đình riêng; thư thả chút thì xon xen với bạn bè. Cha mẹ thì năm thuở mười thì ghé qua, xem như đã đủ. Chúng ta quên rằng cha mẹ đã già cần một thứ khác, đó là sự quan tâm từ lòng yêu thương.

Khi có con, lúc nào chúng ta cũng hỏi nó có thương mình không, lúc nào cũng muốn nó đến ôm hôn mình. Và câu hỏi đó, mong muốn đó sẽ theo chúng ta đến cuối đời. Cha mẹ mình cũng có khác gì đâu? Tại sao bài học yêu thương chúng ta rót vào tim con cái mình, thì đối với cha mẹ tình yêu đó chỉ dừng lại ở tâm trí, phát ra nơi bờ môi… mà không biến thành hành động mỗi ngày?

Tại sao người ta cứ lo cúng vái tận đâu đâu mà mỗi cái đạo Cha Mẹ không lo thờ. Lúc cha mẹ còn sống thì không thăm viếng, đối xử không ra gì, mất rồi mới đập đầu than khóc, làm mâm cao cỗ đầy, chụp hình quay phim… để làm gì?

Chính vì vậy, kể từ khi bệnh dịch Covid 19 lan tràn buộc ba má không được đi ra ngoài, chúng tôi vẫn chia nhau nấu các món ăn, đem đến mỗi ngày. Biết ba thích cà phê có khi vợ chồng tôi lái xe ra Starbucks mua vài ly cà phê togo, kèm theo mấy cái bánh đủ loại mà em gái út vừa nướng.
Ba tôi sinh hoạt tại nhà. Ảnh tác giả gửi

Đem đến, má ăn bánh, ba uống cà phê; chỉ gặp nhau để thăm hỏi, ngồi cách nhau 6ft ở garage nhà em trai nhưng tôi biết đã đem đến cho ba má niềm vui không nhỏ.

Gần đây tình hình bệnh dịch tương đối dễ thở. Chủ Nhật nào ở nhà em trai tôi cũng được xem là Lễ Cha, Lễ Mẹ; anh em con cháu đều về ăn chung bữa tối cùng ba má. Có khi em gái cắt tóc làm đẹp cho ba má, có khi cắt móng tay móng chân. Hình ảnh một gia đình sum họp mỗi cuối tuần vui vẻ đầm ấm này hy vọng sẽ được duy trì lâu dài. Và chắc chắn đó cũng là mơ ước của nhiều người con trên thế gian này.

Khi đàn con tám đứa đã trưởng thành. Má đã lẩm cẩm, ba đã già nua. Ba má còn đây, với chúng tôi Chủ Nhật nào cũng là Lễ Mẹ, Lễ Cha.

Atlanta July 2022
Nguyễn Diệu Anh Trinh

No comments:

Blog Archive