Con đường phía trước
Nguyễn Thế Hoàng
Giặc Cộng thô bạo cưỡng chiếm miền Nam trong lúc tôi mang thai đứa con thứ chín. Cùng lúc đứa con gái đầu lòng cũng mang thai sắp đến ngày sinh nở. Chồng nó vắng nhà thường xuyên, là phi công trực thăng thuộc Không Đoàn 62 đóng tại Pleiku. Cơ cực hai mẹ con cùng mang bầu tâm sự một lúc, gần đến ngày sanh nên thường bị mệt. Vì sanh con so nên tôi bảo con gái về ở với tôi trong lúc nằm chỗ để tôi có thể chỉ dẫn, chăm sóc nó lúc sanh và sau khi sanh. Những đứa con khác thì đang đi học tại các trường học ở thị xã Banmêthuột. Chồng tôi là sĩ quan Cảnh sát đang trách nhiệm một đơn vị Cảnh sát tại quận Phước An. Tôi lập gia đình lúc hai mươi mốt tuổi rồi nghỉ học, xin làm nghề giáo được mấy năm lương bổng không mấy khấm khá, tôi xin nghỉ dạy chuyển sang nghề buôn hàng chuyến. Tôi thuê xe tải lớn chở các loại rau quả, trái cây, trà, cà phê, các loại củ, đậu, bắp, lúa, gạo…những sản phẩm miền cao nguyên đi đến Phú Bổn, Pleiku, Đà Nẳng, Quy Nhơn, Nhatrang, Saigon… để bỏ mối cho các vựa. Mỗi chuyến đi hàng phải mất hai hay ba ngày, có những chuyến phải mất cả tuần lễ và tiền lời kiếm ra được nhiều hơn đồng lương nghề giáo. Khi vắng nhà thì cơm nước, giặt giũ….có chồng con lo, ngày nào tôi ở nhà là tôi quán xuyến hết công việc.
Vợ chồng tạo lập được hai ngôi nhà ở tại thị xã Banmêthuột và ở quận Phước An. Đường đi hai nơi chỉ cách nhau hơn ba mươi cây số, nên tôi có thể di chuyển bằng xe đò, xe Lambretta ba bánh chở hành khách hoặc tôi tự lái Honda đi lên xuống hai nơi. Hằng ngày tôi phải đi nhiều chỗ để tìm mối lấy hàng, đặt cọc tiền, chờ thu hoạch nhận hàng…đêm về thì lo con cái, cơm nước, nghỉ ngơi. Thu nhập tiền bạc của hai vợ chồng kiếm được đủ bảo đảm cuộc sống gia đình, nuôi lũ con ăn học thật hạnh phúc.
Sau này làm ăn khá hơn, tôi mua được bảy mẫu đất rừng. Khai phá năm mẫu trồng cà phê và hai mẫu trồng hoa màu như bắp, khoai lang, đậu các thứ…Những ngày không đi hàng tôi phụ với chồng trông nom khai khẩn đất để xuống vụ. Người làm không phải lo, nếu cần là có người Thượng Radhé trong các Buôn kéo đến, muốn bao nhiêu người cũng có. Sáng làm, chiều phải phát tiền cho họ, nếu không, ngày mai họ không đến làm nữa. Năm mẫu cà phê Robusta sau năm năm bây giờ đã đơm hoa trái. Tôi dự trù mỗi mẫu cho hai tấn cà phê hột tôi sẽ có một số tiền lớn kiếm được cho mỗi mùa vụ. Còn khoai lang, bắp, bí, các loại đậu…thì năm nào cũng trúng mùa mặc dầu trồng thả, ăn nước trời. Khi xuống vụ thì chỉ cần xe máy cày kéo đường rãnh, người đi theo sau bỏ hột giống lấy chân lấp đất và giao cho trời. Chỉ cần làm một lứa cỏ và vun gốc cây cho một mùa mà thôi, sau đó là thu hoạch. Đúng là làm chơi, ăn thiệt. Thu hoạch khoai, bắp, bí, dưa,…đổ cao như núi, cho vào bao tải và chở đi bỏ các vựa. Vốn một bán ra bốn năm lời. Tôi vô cùng ham hố thích thú, làm không biết mệt.
Càng làm càng ham tôi càng lăn xả vào công việc. Phấn son trễ biếng. Bữa ăn, giấc ngủ thất thường. Tuổi học trò mộng mơ đã lùi sâu vào quá khứ. Ngày tháng đứng trên bục giảng bài dưới mái trường thoáng mát trước đám học trò thân yêu giờ chỉ là vang bóng. Bây giờ thì thích tắm nắng, gội mưa, thích băng rừng, vượt suối và lái Honda vun vút trên đường trường. Ưa ngủ gà, ngủ gật trên các chuyến hàng đường xa là một nhu cầu thú vị quên nỗi mệt nhọc dọc đường. Tôi quen dần các quán ăn bên vệ đường ghé vội, ăn vội rồi tiếp tục đi. Tôi lại thích ăn vặt từ lúc nhập cuộc, trái cốc dầm nước chấm muối ớt, xâu mía ghim, bánh tráng nướng quệt mắm ruốc những lần xe chạy ngang Phan Thiết, hột vịt lộn rau răm, ốc hến chấm mắm gừng thơm phức….và nhất là ly trà đá không hương vị uống vào cho đỡ khát..!
Tôi làm nhiều, lo lắng nhiều, thức khuya dậy sớm, người đang rạc đi, dù tuổi chưa tới bốn mươi. Chồng tôi thường khuyên:
- Em phải chọn một trong hai việc, nếu làm rẫy thì em đừng đi buôn hoặc ngược lại. Anh nhìn thấy em sức khỏe có phần kém sút.
Tôi trấn an chồng:
- Em vẫn khỏe như voi, anh đừng bận tâm cho em. Làm việc chứ đau bệnh đâu mà anh sợ.
Đôi lần anh lại khuyên:
- Em hãy trở lại nghề giáo cho đuợc việc hơn, anh mới an tâm. Chứ dầm sương dãi nắng không khéo rồi vài năm nữa em sẽ thành một bà lão. Làm ít, chi tiêu ít, không lo lắng nhiều, đời sẽ tươi vui hạnh phúc hơn em ạ. Những việc nặng nhọc để anh lo.
Anh ấy nói thì nói, tôi ậm ừ qua chuyện. Bản tính đảm đang, tháo vát cứ thôi thúc tôi không thể ngồi yên mà hưởng thụ trong khi mình đủ sức cựa quậy. Trách nhiệm làm mẹ, làm vợ rất nặng nề và cao quý. Tôi không thể chểnh mảng, không lánh nặng tìm nhẹ. Chồng tôi còn nhắc nhở hằng năm tôi phải đi khám tổng quát để ngừa bệnh, đi đông y bắt mạch hốt thuốc uống bồi bổ sức khỏe. Nhưng tôi cãi lại:
- Em không lo bệnh hoạn mà em sợ chiến tranh nhất. Có chiến tranh đánh nhau là nhà tan cửa nát, tài sản tiêu tán mất trắng, kẻ còn người mất…em lo sợ. Em sợ lắm, em sợ chiến tranh lắm anh. Bởi thế hệ tôi vừa mở mắt chào đời đến hôm nay phải đối diện thường trực với chiến tranh chết chóc. Tôi không làm tình báo, nhưng tôi ghi nhận được những tin tức Việt cộng di chuyển quân từ nơi này qua nơi khác trong rừng, ven tỉnh, ven quận khi tôi đi đây đi đó cho công việc làm ăn. Sự việc gì tôi đều kể cho chồng tôi biết. Anh ấy bảo:
- Có thể có những giao tranh lớn không biết lúc nào. Không những chúng di chuyển quân đông đảo mà còn án binh bất động. Nhiều toán đặc công xâm nhập vào các khu dân cư đã bị phát hiện. Lệnh cắm trại ban hành và sẵn sàng đối phó.
Gần tháng nay tôi không đi hàng chuyến vì quốc lộ 21 và 14 bị Cộng quân đóng chốt nhiều chặng. Mọi di chuyển ra khỏi tỉnh chỉ còn sử dụng các loại phi cơ. Tinh thần dân chúng trong tỉnh giao động. Người ta đang bàn tán với những ngờ vực và lo sợ. Các nhu yếu phẩm bắt đầu khan hiếm, vì thiên hạ đổ xô ra mua sắm dự trữ. Có người muốn chạy khỏi vùng sắp giao tranh nhưng không có ngõ đi. Giá vé hàng không Việt Nam khan hiếm, bán chợ đen.
Sự việc sẽ đến đã đến. Đúng 1 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975 hằng trăm quả đạn pháo kích rơi khắp nơi vào thị xã Banmêthuột yểm trợ T54 của Việt cộng tiến vào các ngả đường theo sau là bộ binh của giặc. Nhiều cuộc giao tranh nhỏ xảy ra ven thị xã và ngay cả trong các khu vực dân cư, các cơ quan chính quyền dân sự và quân sự. Súng đạn vang rền liên hồi, chát chúa ngút trời.
Đêm đó tôi đang ở nhà tại quận Phước An và các con của tôi cũng tụ họp về đây nhân ngày chúa nhật. Nhà tại Banmêthuôt đóng cửa. Tôi hú hồn nếu không thì một cảnh hai ba nơi làm sao mà coi sóc được. Ngay phút đầu tiên giặc pháo kích chồng tôi không có ở nhà vì anh ấy phải có mặt với đồng đội ở cơ quan để ứng chiến phòng thủ. Tôi mệt mỏi sắp đến ngày sanh, con gái tôi cũng vậy. Chồng tôi gọi máy về nhà căn dặn mấy mẹ con tôi phải vào hầm trú ẩn có làm sẵn trong nhà để rồi sáng mai xem sự việc ra sao hẳn tính. Tôi thúc hối con cái vào hầm trú ẩn. Tôi thu góp tiền bạc vòng vàng, và một ít quần áo cho vào bọc. Địch vẫn đang tấn công mạnh mẽ vào thị xã và lân cận. Các quận lỵ vẫn còn yên tĩnh.
Sáng sớm hôm sau mở cửa nhìn ra ngoài đường thấy mọi người đang bồng bế, tay xách nách mang di chuyển ào ạt ra hướng quốc lộ 21. Họ bảo Việt cộng đang lẩn quất trong Quận. Tôi réo tất cả con cái mỗi đứa mang xách được món gì thì mang, rồi ra khỏi nhà khóa cửa lại. Tôi giao đứa lớn coi chừng và dẫn dắt đứa nhỏ. Bây giờ tôi đang trách nhiệm trông chừng tám đứa con đang lẫn lộn trong đoàn người chạy giặc đông như kiến. Ra đến quốc lộ 21 nhìn thấy dân chúng trên thị xã cũng ào ạt đổ xuống như thác lũ. Nào người, nào xe, đủ các loại xe, khóc la hỗn loạn suốt chặng đường dài mấy cây số. Trên trời nhiều loại phi cơ bay tới bay lui. Trực thăng đổ quân, nhưng khi lính rời trực thăng đã trở thành thường dân với quần đùi áo thun rồi cũng trà trộn vào rừng người chạy giặc. Khói lửa đạn bom vẫn còn rền vang tại thị xã. Đoàn người chạy giặc tiếp tục hỗn loạn phức tạp hằng mấy cây số, có tốp dừng lại nghỉ chân, có tốp tiếp tục di chuyển, có tốp tạt vào rừng để tìm lối thoát. Ngày thứ nhất. Ngày thứ hai. Rồi ngày thứ ba cảnh tượng náo loạn chạy giặc vẫn tiếp diễn. Từng tốp người đi, rồi quay trở lại, rồi lại đi. Những đêm mấy mẹ con ngủ rừng, ngủ bụi, ngủ trên quốc lộ 21, bên vệ đường, mất ăn, mất ngủ, mệt mỏi vì cái thai nó hành sắp ngày sanh tôi thường ngất xỉu.. Đến ngày thứ sáu thì Việt cộng có mặt trà trộn nhiều vào đoàn người chạy giặc, mọi người nửa tiến nửa lui. Nhiều xe tăng T54 chạy ào ào trên quốc lộ có cắm cờ Việt cộng, cờ Mặt trận giải phóng. Bọn chúng vừa xua đuổi vừa kêu gọi người dân hãy trở về nhà. Chúng loan báo “cách mạng” đã chiếm thị xã Banmêthuột và làm chủ tình hình toàn tỉnh Darlac.
Qua đến ngày thứ bảy, người dân chạy loạn bắt đầu trở về lại nhà theo lệnh của cán binh Việt cộng đang có mặt rất đông trong đám dân chúng, ai ương ngạnh chúng dí súng hăm dọa. Những ngày trước chen nhau chạy trốn giặc thật rần rộ, rối loạn, náo nhiệt bao nhiêu, thì ngày lục tục quay trở về nhà lại âm thầm lặng lẽ như đoàn người đưa đám ma. Tôi không liên lạc được với chồng tôi từ lúc bước chân ra khỏi nhà cho đến khi quay trở về lại. Tôi lo lắng số phận của chồng tôi. Hỏi thăm và nghe ngóng thì tất cả cơ quan quân sự, hành chánh trong quận đã di tản tìm đường vào rừng để thoát thân. Tôi cầu xin Ơn Trên ban cho anh sự bình an để còn có ngày gặp lại gia đình. Tình huống này không biết phải kéo dài đến bao lâu.Tôi đang thực sự đứng trước một hoàn cảnh dở khóc dở cười đầy gian khổ hỗn tạp với bụng mang dạ chửa gần ngày sanh với đàn con nheo nhóc tám đứa trong cảnh đất nước thay người đổi chủ.
Vừa về đến nhà tôi lại phải chứng kiến một cảnh hãi hùng đáng ghê sợ. Các cửa nẻo trong nhà bị mở tung. Đồ đạc bị dọn sạch không còn sót lại món gì. Sách vở, báo chí, giấy tờ, tranh ảnh treo trên tường bị xé nát, đập phá vứt tung tràn lan khắp nền nhà. Những đống phân người đầy dẫy hôi thúi nồng nặc. Họ đã trả thù gia đình tôi. Bè lũ nằm vùng, bọn đón gió trở cờ, những thành phần thân Cộng theo đóm ăn tàn…đã phá nát nhà cửa của tôi. Quân cướp của hại người này trước đây âm ỉ ngấm ngầm hận thù chống báng, nhưng không thể làm gì được, để hôm nay đã có cơ hội. Thế là chung quanh tôi hiện diện những sự rình rập, đe dọa thường trực bủa vây. Tôi khiếp đảm lo sợ nơm nớp từng giờ từng phút.
Mấy mẹ con phải mất hai ngày dọn dẹp nhà cửa. Tôi phải lo lại chỗ ăn, chỗ ngủ. Dây điện nhà bị cắt, phải thắp đèn dầu leo lét ban đêm. Tôi phải sắm lại nồi niêu xoang chảo, củi đuốc, mắm muối. Gạo phải đong từng ký với giá cắt cổ. Có hôm không mua được gạo đành phải ăn khoai ăn bắp qua ngày. Thật cơ cực vô vàn. Những ngày giặc chưa vào, quận lỵ thôn xóm về đêm thật náo nhiệt, vui vẻ. Chỗ này có đoàn hát cải lương trình diễn, chỗ kia có rạp chớp bóng tấp nập người ra kẻ vào. Đèn điện rực sáng về đêm. Quán xá buôn bán tấp nập. Nhưng bây giờ thì khác hẳn. Toàn bộ cảnh trí về đêm trong quận lỵ tối tăm, vắng vẻ, im lìm. Mặt trời lặn, nhà nhà đóng cửa, thắp đèn dầu. Đường sá vắng tanh, tối thui. Máy điện nhà đèn bị hư vì mấy quả pháo kích vào quận khi gìặc tấn công mấy hôm trước đó. Đó là lời đồn đại. Sau này mới rõ là bọn đặc công nằm vùng đặt chất nổ phá hư nhà máy điện của Quận.
Chạy giặc về đến nhà lại được ba ngày tiền bạc trong tay đã mõn dần. Tôi suy nghĩ tìm cách làm ra tiền để nuôi con. Mấy mẫu cà phê đang ra trái phải hơn tháng nữa mới thu hoạch. Hai mẫu đất trồng các loại hoa mầu khoai bắp đậu sắp sửa xuống vụ thì xảy ra tai biến đành để đó chưa làm được. Cho đến lúc này tôi vẫn chưa nhận được tin tức của chồng tôi. Một vài dư luận đồn đãi là anh đã bị Việt cộng bắt. Vài tin tức khác bảo là chồng tôi đã bị sát hại bỏ thây trong rừng. Những tin đồn hư hư thực thực khiến tôi mất ăn mất ngủ, tinh thần chao đảo khờ khạo và hết sức mệt mỏi. Tôi đang trong trạng thái nửa say nửa tỉnh. Hằng đêm tôi van vái Đất Trời xin một sự bình an cho chồng tôi. Tôi đã nhiều lần thì thầm trong đêm tối, nếu anh sống khôn thác thiêng, anh không còn trên đời này nữa xin anh báo mộng cho em để em an tâm trong cuộc sống mà nuôi các con cho nên người.
Vừa chạy giặc về nhà đêm thứ nhất, qua đêm thứ hai tên bí thư huyện ủy dẫn mấy tên du kích vây nhà tôi, đập cửa vào nhà lúc nửa đêm để tìm truy bắt chồng tôi. Hắn cầm lăm lăm khẩu súng lục chỉ vào mặt tôi, quát tháo ầm ĩ:
- Chị bảo chồng chị ra trình diện gấp. Nó đang trốn trong nhà này. Nó bướng bỉnh tôi không tha chết cho nó đâu. Chị nghe rõ chứ?
Tôi run sợ điếng người trước họng súng đen ngòm đang chĩa vào người tôi. Tôi lùi nép sát vào góc nhà, mấy đứa con tôi bao quanh tôi, mặt đứa nào đứa nấy tái xanh, chân tay run lập cập. Tôi cố gắng mếu máo gần như khóc:
- Anh ấy không có ở nhà. Cho đến nay tôi không biết chồng tôi đi đâu, chết sống thể nào. Không tin, các ông cứ lục soát, nếu có tôi chịu tội.
Tên bí thư hò hét đám du kích lục soát từ nhà trước ra nhà sau lên cả trên gác không tìm thấy chồng tôi, hắn gầm gừ, cười hề hề, đá lông nheo thật tình tứ, nhưng khi nhìn thấy bụng tôi đang mang thai, hắn khựng lại hỏi một câu thật vô duyên:
- Sao bụng chửa bự quá, chừng nào sanh hả người đẹp?
Tôi không thèm trả lời nhìn hắn ghê tởm quá. Hắn quay đi ra cửa còn nói vói lại:
- Chồng chị mà về phải báo cho tôi biết ngay. Nó thương vợ thương con thế nào nó cũng bò về. Loại ác ôn, nhiều nợ máu nhân dân trong địa phương này, bây giờ phải bắt nó cho bà con trị tội.
Tình huống khốn đốn đe dọa cứ vây hãm mấy mẹ con tôi từng đêm, từng đêm kế tiếp sau đó. Mỗi buổi chiều khi mặt trời vừa lặn là mấy mẹ con chui rúc vào hết phòng sau, trải chiếu trên sàn nhà và nằm sấp lớp vào nhau trong gian phòng chật tối thui, ngọn đèn dầu lờ mờ thì chỉ được thắp nơi phòng trước. Tôi không dám ngủ, nằm trằn trọc thao thức vừa cảnh giác chịu đựng sự rình mò theo dõi hằng đêm của tên bí thư và đám du kích của hắn chung quanh nhà để cố bắt cho được chồng tôi. Có hôm chúng lại vào nhà lục soát, có hôm chúng bao vây nghe ngóng canh chừng bên ngoài. Đã vậy tên bí thư lại thả lời ong bướm trêu ghẹo, hứa điều này điều nọ chiêu dụ tôi xiêu lòng. Hằng đêm dân chúng lại phải tập trung ra cơ quan Huyện để học tập chính sách chủ trương của Đảng. Mỗi lần đi như vậy con gái lớn của tôi phải trông nhà và mấy đứa em của nó. Tôi và vài người đàn bà khác trong quận là vợ của các sĩ quan QL/VNCH thường bị bọn chúng đưa ra làm điển hình để đấu tố, kiểm thảo trong các buổi họp như vậy kèm theo nhiều lời đe dọa cũng như dụ dỗ.Tôi như điên, như khùng, tâm trạng biến chứng, lúc trước còn hơi lo sợ, mãi rồi tôi đâm liều, tỏ ra bướng bỉnh, có thể sẽ bị quẫn trí khi mà tin tức chồng tôi chưa nhận được.
Một mẹ tám con nheo nhóc trước tình cảnh sẽ đi đến kiệt quệ, tôi dự tính về thị xã Banmêthuột bán ngôi nhà lấy tiền bọc thân, rủi có điều gì có mà lo cho con. Hơn nữa, trong hoàn cảnh này phải thu gọn lại. Nhưng khi về đến Banmêthuột thì nhà bị niêm phong và có du kích canh giữ. Chúng cho biết nhà của ngụy quân ngụy quyền ác ôn phải tịch thu. Tôi không lấy được món gì trong nhà, nhất là quần áo, sách vở của con tôi. Cái lý của kẻ thắng bao giờ cũng mạnh và tuyệt đối. Bao nhiêu năm làm ăn dành dụm để có ngôi nhà giờ chúng đổ tội hút máu dân rồi tịch thu. Quyền lực chúng nắm trong tay đâu có thể thưa kiện ai được.
Có gì đi nữa phải lo cái ăn trước mắt. Mỗi buổi sáng sớm trời cao nguyên rét căm căm tôi và đứa con gái thứ ba mỗi người gánh hai đầu hai chiếc cần xế nhỏ lội bộ vào các buôn Thượng gần đó mua khoai, bí, dưa, bắp, đậu, măng….bằng cách đổi gạo, muối, cá khô…hoặc tiền mặt rồi ì ạch gánh về chợ nhỏ trong quận bán kiếm đồng lời. Mang thai gần ngày sanh, đi bộ, gánh gồng lã vai có hôm tôi ngất xỉu dọc đường. Trong lúc đó tại nhà đứa gái lớn mỗi buổi sáng ra trước nhà đón dân Thượng từ trong các Buôn ra cũng mua lại các loại bắp, đậu, khoai, chuối, măng…rồi để tại nhà bán lại cho người trong quận. Ngày nào mấy mẹ con làm té đồng lời thì được có cơm ăn ngày đó, bằng không thì ăn củ, ăn khoai, ăn cháo…!
Đi buôn Thượng được mười ngày thì tôi sanh, hai hôm sau con gái đầu của tôi cũng sanh. Sau khi sanh được hai ngày tôi phải xông xáo ra ngoài lo cho con cái, việc nhà cửa, việc buôn bán. Tôi không còn kiêng cữ gió máy, xông hơ gì cả, nhưng lạ thay, như một phép lạ, tôi vẫn mạnh khỏe, ăn được ngủ được. Gia đình tôi có thêm hai đứa bé mới sanh lúc này tổng cộng mười một người, vậy mà chưa có nguồn lợi tức nào để bảo đảm đời sống của mười một mạng người. Tôi lại suy nghĩ kiếm kế tìm phương tiện sống. Tôi dự định bán mấy mẫu cà phê lấy tiền đi buôn chuyến kiếm đồng tiền chín liền tay để nuôi con. Tôi cầu xin Ơn Trên phù hộ cho tôi điều dự tính.
Đang sắp xếp công việc, kêu người bán mấy mẫu cà phê, rẻ mắc cũng bán, tôi lại nhận giấy của huyện mời lên để làm việc. Không biết có chuyện gì đây? Tôi không do dự, sợ hãi, cầm giấy mời đi ngay, lòng thì lo lắng.
Vừa bước chân vào văn phòng huyện, tôi đã chạm ngay mặt tên bí thư huyện cà chớn có máu dê. Hắn gắn hai mắt sắc lẻm của hắn nhìn tôi chằm chằm, hắn cười hềnh hệch rồi chỉ ghế mời tôi ngồi, hỏi:
- Sao? mấy hôm rày có tin tức gì về ông chồng ngụy của chị chưa?
Tôi ậm ự trả lời không. Giọng hắn huênh hoang:
- Hừm! đừng mơ tưởng chuyện không đâu uổng phí công sức. Chồng chị là tên sĩ quan cảnh sát ác ôn, bà con ở đây đang lên án hắn gắt gao. Nếu nó đã chết là may phước, mà như còn sống trước sau gì cũng bị bắt đưa ra trước nhân dân xét xử đền tội, một là lấy máu đền nợ máu, hai là cho ở tù cải tạo mút mùa không có ngày về với vợ con. Hà! hà! …hắn đổi giọng ve vãn
- Cô em hãy lo bản thân, còn trẻ, đời còn dài, đừng sống chờ đợi trong tuyệt vọng mà uổng phí. Cô em thấy chưa? “chính quyền cách mạng”công bằng lắm.
Tôi tức tràn hông với những lời xúc phạm danh dự của hắn vừa phun ra, tôi gằn từng tiếng:
- Ông đừng ăn nói hồ đồ theo kiểu mất lịch sự như vậy. Ông mời tôi đến đây để làm gì? Yêu cầu nói cho tôi biết lý do.
Nhưng hắn không buông tha, rời khỏi ghế ngồi đến trước mặt tôi vẫn nụ cười dê, miệng phun thêm lời trêu chọc sỗ sàng:
- Cô em mới đẻ dậy trông tròn trịa dễ thương ghê đi. Vợ của bọn ngụy trông con nào cũng bắt mắt cả. Sao cô em lại giận dữ tôi như thế hả?
Tôi không còn nói được ra lời trong sự uất ức tột độ, vụt đứng dậy bỏ ra về, nhưng hắn chặn tôi ngay tại cửa, sàm sỡ nắm lấy tay tôi. Tôi giật mạnh khiến hắn lảo đảo muốn ngã. Giọng hắn van lơn:
- Tôi mời cô em đến làm việc sao lại bỏ về?
- Việc gì? Ông lợi dụng tôi, muốn làm điều xằng bậy. Tôi là đàn bà có chồng, ông biết chứ? Ông cần gì tôi, nói ngay đi.
Thấy tôi phản ứng mạnh, hắn trở lại ghế ngồi, nét mặt nghiêm nghị. Hắn lục trong chồng giấy rồi lấy ra một tờ. Hắn nói:
- Tôi mời cô em đến để nghe và ký nhận án lệnh tịch thu nhà, 5 mẫu cà phê, và 2 mẫu đất hoa màu của gia đình cô em. Theo án lệnh, những bất động sản này là của nhân dân phải trả lại cho nhân dân mà chồng cô em đã tiếm dụng bất hợp pháp.
Vừa dứt lời là hắn bắt đầu đọc ngay án lệnh không để cho tôi có ý kiến. Tôi chết điếng người. Hơi thở dồn dập mệt ứ ở cổ. Tai tôi ù ù không còn nghe hắn đọc gì nữa. Tôi nghe lờ mờ loáng thoáng…tịch thu nhà…tịch thu đất…kéo dài ra….cho đến khi hắn ngưng đọc, hắn bảo tôi ký tên và nói:
- “Chính quyền cách mạng” gia hạn cho cô em ba ngày phải ra khỏi nhà để niêm phong. Cô em nghe rõ chưa?
Tôi ngồi bất động, mặt nóng bừng, không ký tên, cũng không hỏi han, thắc mắc điều gì. Hắn nhìn tôi chăm chăm, giọng đĩ thõa:
- Này cô em, nếu cô em chấp nhận với một điều kiện thì nhà và đất không bị tịch thu, vẫn thuộc sở hữu của cô em. Tôi nói thật.
Nghe hắn nói, biết ý đồ của hắn định giăng bẫy tôi, nhưng tôi vẫn hỏi xem thử:
- Điều kiện gì?
Hắn cười nham nhở:
- Cô em làm bạn với tôi, được hôn?
- Để làm gì vậy, thưa ông bí thư?
- Còn giả bộ phải hỏi, chuyện…vậy mà! về sống với tôi… chịu hôn, người đẹp?
Tôi nghĩ đã đến lúc phải cự tuyệt dứt khoát, cứ đong đưa là hắn cứ tiếp tục nói những lời bẩn thỉu. Tôi đứng phắc dậy bĩu môi:
- Xí…! đừng tưởng bở! Tôi đây, tôi chẳng cần gì cả. Có ký tên hay không ký tên, nhà đất cũng bị tịch thu. Đừng hòng động đến lông chân tôi, hiểu chưa?
Nói xong, tôi vội vã bước ra khỏi cửa, đi thẳng một mạch đến đường cái lòng tràn ngập tức tối giận dữ. Tôi ấm ức muốn bật khóc. Bao nhiêu năm làm ăn dành dụm tạo dựng cơ ngơi giờ tan theo mây khói không còn lại một thứ gì. Mất hết rồi! Đau đớn biết chừng nào! Kêu Trời không thấu!
Hai ngày sau mấy mẹ con tôi đùm túm rời khỏi căn nhà thân yêu tại quận Phước An về nương tựa bên quê chồng ở Phanrang. Nhìn con cái đứa lớn đứa nhỏ ngơ ngáo buồn xo tôi đứt từng khúc ruột. Lần ra đi này không biết bao giờ quay trở lại quê hương thứ hai này đầy ắp những kỷ niệm trong cuộc sống an bình và hạnh phúc một thời. Bây giờ và biết đến khi nào mới trở lại nơi này. Mất Nước là mất tất cả. Riêng bản thân thà phải mất nhà, mất mấy mẫu cà phê đang hưởng hoa lợi chứ không bao giờ để tiết hạnh của mình cho kẻ khác chà đạp.
Trên đường về miền Trung đến Nhatrang thành phố này đang bỏ ngỏ, dân chúng chạy loạn, súng nổ loạn xạ trên khắp các nẻo đường. Cảnh bắn giết tranh giành giữa con người với con người thật hỗn loạn đang diễn ra trước mắt quá khủng khiếp. Giặc Cộng đã tràn từ cao nguyên xuống, từ Quảng Trị, Huế vào. mỗi ngày qua mỗi tỉnh, mỗi thành phố. Khi về đến Phan rang dân chúng cũng đang bắt đầu di tản. Mọi người bồng bế, mang xách, kẻ chạy ngược, người chạy xuôi. Xe cộ tràn ngập trên đường không thể chen chân. Tôi không còn đủ sức để chạy theo họ lánh giặc vì quá mệt mỏi bơ phờ. Có sống chết cũng ở đây. Nơi chôn nhau cắt rún. Nơi tôi được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Nơi tôi đã hưởng trọn mùa xuân tuổi ngọc, tuổi học trò đầy hương hoa kỷ niệm.Nơi tôi đã lập gia đình với chồng tôi mà tôi yêu quí nhất, để đi đến xứ người lập nghiệp – Dalat – Di Linh – Blao – Banmêthuột, trạm dừng chân lâu dài lập nghiệp.
Về nương náu phía bên nhà chồng được vài ngày thì cha mẹ tôi từ Phú Bổn cũng bỏ nhà cửa chạy về Phanrang lánh giặc đang ở tạm tại nhà người chị ruột. Tôi mừng quá dẫn các con đến thăm ông bà Ngoại tiện thể nhờ mẹ giúp ít vốn làm ăn vì tôi biết bà có tiền. Phía bên chồng nghèo lắm, không ai giúp được tôi trong cơn quẫn bách. Tôi rất cần tiền để đi buôn lậu xăng dầu. Gia tài duy nhất còn lại trong người tôi lúc này là hai cây vàng. Phải cần thêm ít nữa. Vừa về hôm trước, hôm sau tôi đi săn lùng dọ hỏi phương thế làm ăn. May mắn gặp được Mai, cô bạn học cùng lớp trường Trung học Duy Tân ngày trước vừa chạy loạn về đây, hai đứa bàn bạc hùn hạp làm ăn.
Phòng tuyến tử thủ tại Phanrang của quân lực VNCH đã bị Việt cộng tràn ngập mấy hôm nay. Chúng đang áp đặt các cơ cấu chính quyền để cai trị dân. Mấy ngày sau đó Saigon tuyên bố đầu hàng. Miền Nam tự do hoàn toàn rơi vào tay Việt cộng. Thế là hết. Tôi đau buồn vật vã nhiều ngày, cũng cứ ngỡ rằng nhà cửa đất đai tài sản có bị tịch thu thì chỉ lúc nào đó thôi, nào ngờ tình hình như thế này biết bao giờ mới lấy lại được. Mất tất cả rồi! Trong lúc đang bối rối lo toan sự sống còn của gia đình con cái trong bối cảnh tranh tối tranh sáng thì chồng tôi về. Gặp lại chồng tôi, tôi cứ ngỡ như đang sống trong giấc mơ. Tôi vui mừng khôn xiết. Anh bảo từ ngày đầu tiên giặc Cộng tấn công ở Banmêthuột anh đưa đơn vị băng rừng xuống Nhatrang tập trung tại đó chờ cơ hội tái chiếm Banmêthuột, nhưng gần tháng trời chẳng được gì cả, rồi tiếp tục chạy vào Phanrang, Phan Thiết, cướp ghe xuống Vũng Tàu, được lệnh tăng cường tái chiếm Phanrang nhưng quá trễ, lại tiếp tục xuống Mỹ Tho, Cần Thơ…khi nghe lệnh buông súng đầu hàng…từ Saigon anh về đây.
Anh bảo:
- Anh về Saigon gặp tàu di tản anh chần chờ nửa đi nửa ở, vì còn em, còn con, cha mẹ, nhà cửa…lại thôi! không đành ra đi em ạ!
- Bằng sự tin tưởng, anh trấn an tôi. Nhà cửa, đất đai có bị tịch thu cũng còn đó, sau này thế nào mình cũng lấy lại. Họ ra thông cáo tất cả quân dân cán chính VNCH phải trình diện học tập, ai bất tuân sẽ bị xử lý nghiêm minh. Diện của anh phải học tập hai mươi ngày rồi về lao động sản xuất. Đi học tập phải mang theo lương thực tiền bạc quần áo để đủ dùng trong thời gian ấy.
Anh an ủi tôi:
- Em lo chăm sóc con cái chu đáo giúp anh. Anh mừng cho em vừa sanh cậu út được bình an trong lúc vắng anh. Anh đi mươi ngày rồi về với em để chung lo gia đình. Mình còn may mắn không mất một ai trong những ngày vừa qua.
Tôi lo liệu mọi thứ cho chồng tôi, đồng thời thúc giục anh đi trình diện học tập sớm để còn về với vợ con. Trình diện ở ủy ban nhân dân xã, sau đó họ hướng dẫn đến địa điểm học tập chưa biết ở đâu. Bây giờ tôi có phần an tâm.
Lúc mới về, mẹ chồng thấy con cái của tôi đông, bà giao ngôi nhà cho mẹ con tôi ở, bà đến ở chung với người chị chồng, nhà bên cạnh đó. Cha chồng đã mất sớm, anh chị em bên chồng đông đều đã có gia đình và ở riêng. Tôi thầm cám ơn mẹ chồng của tôi đã có lòng tốt với con dâu và mấy đứa cháu nội. Như vậy là nơi ăn, chỗ ở tạm ổn.
Ngày chồng tôi trình diện để đi học tập mươi ngày rồi về cũng là ngày tôi và chị Mai xuất hành chuyến xăng dầu đầu tiên đi Đà Nẳng, Qui Nhơn bỏ mối cho các đầu nậu tổ chức người vượt biển. Xăng dầu mua gom của tụi bộ đội ăn cắp bán rẻ và mua của các xe Việt cộng chở xăng dầu chạy trên quốc lộ 1. Đã biết rồi thì không cần tìm kiếm, cứ cho biết địa điểm là chúng chở tới, muốn bao nhiêu cũng có. Chở giao hàng vài lần rồi chồng tiền sau cũng được. Xăng dầu chúng bán rẻ mạt. Đã là của ăn cắp thì mong bán thốc bán tháo để bợ tiền mà cũng là cơ hội để chúng có dịp trổ tài ăn cắp. Ăn cắp của nhà nước có tội vạ gì đâu mà sợ.
Chúng tôi sử dụng loại phuy 500 lít và mướn xe ba lua (loại xe tải lớn) chở mỗi chuyến trên dưới năm mươi phuy vừa dầu vừa xăng. Mỗi lần đi là hai hay ba xe ba lua. Xe chúng tôi luôn luôn di chuyển ban đêm vào giờ khuya cho đến sáng để tránh các nút chận lưu động, các trạm kiểm soát dọc đường và bọn quản lý thị trường giả dạng đi trên các xe hành khách. Ban ngày chúng tôi cho xe tấp vào các chỗ vắng vẻ, hay các khu rừng, ăn uống, nghỉ ngơi. Nếu lỡ rủi bị chặn xét, chúng tôi giao tiền cho tài xế điều đình, tránh ra mặt.
Bốn, năm chuyến đầu trót lọt. Tiền lời đậm. Mỗi chuyến kiếm được vài cây vàng. Tôi mừng ghê. Vừa mừng, vừa lo cho chồng, đã gần tháng rồi anh ấy đi học tập sao chưa thấy về. Họ bảo chỉ mươi ngày. Nghe đâu địa điểm học tập nằm tận trong rừng sâu về hướng quận Bửu Sơn giáp ranh Dalat. Từ nhà tôi đến đó phải hơn trăm cây số. Những người có thân nhân đi học tập cùng đợt cũng chưa ai đến đó vì chưa có lệnh để thăm nuôi.
Lo thì lo, việc làm ăn tôi phải tiếp tục phấn đấu từng ngày. Buôn lậu xăng dầu lời nhiều thật nhưng cơ cực khốn đốn vất vả trăm chiều. Ngủ rừng ngủ bụi, bữa đói bữa no, có lúc nhịn đói suốt ngày, mất ngủ suốt đêm. Cũng có khi muốn đứng tim, ngất xỉu vì gặp phải những biến cố nguy hiểm dọc đường. Mỗi chuyến hàng từ lúc khởi hành cho đến khi giao hàng, trong thời gian này số của cải coi như đã mất, như vậy mới giữ vững được lòng bình thản.
Đi đêm có ngày gặp ma. Tôi và Mai tiếp tục đi chuyến hàng thứ tám dự tính giao hàng tại Cầu Đá Nhatrang. Khi hai chiếc xe ba lua đang chở đầy xăng dầu vừa ra khỏi tỉnh lúc trời vừa tối, đột nhiên phía sau xuất hiện chiếc xe bộ đội chở lính, công an áo vàng và bọn quản lý thị trường rượt theo chận đầu lại. Hai xe hàng bắt buộc phải ngừng vì mấy phát súng chát chúa. Tôi giục Mai, thừa đêm tối, nhảy đại xuống xe, nhanh chân chạy biến vào khu rừng bên cạnh đường. Rồi cứ thế chúng tôi chạy bán sống bán chết lủi qua các lùm cây rậm không dám quay đầu nhìn lại. Cây cối chằng chịt, tối om, tôi và Mai bị vấp ngã nhiều lần. Hôm đó, chúng tôi thức trắng đêm trong rừng được dịp cho muỗi rừng hút máu. Sáng hôm sau mặt trời lên cao, tôi và Mai mới lần đi ra đường thì không thấy xe còn đó nữa. Chuyến hàng đó bị tịch thu toàn bộ, bị giam xe một tuần lễ và bị phạt một số tiền lớn gần bằng giá hàng. Tôi và Mai phải chịu tiền phạt, tiền giam xe, tiền công một tuần lễ của hai ông tài xế, vì mọi việc đó có giao hẹn trước.
Tuần lễ sau, tôi mới biết do tên Tạc báo cho quản lý thị trường và công an chặn bắt hai xe hàng. Tạc là người dân trong làng này, là học trò cũ của cha chồng tôi. Hắn theo Việt cộng, năm 1954 tập kết ra Bắc, vừa hồi kết, mang quân hàm thượng úy đã đeo theo tôi tán tỉnh ngay lúc tôi mới ở Banmêthuột về đây. Ngày nào hắn cũng đến nhà mặc dầu có mặt tôi hay không. Hắn ăn nói không biết ngượng đòi lấy tôi làm vợ chẳng khác gì tên bí thư huyện ủy ở Phước An. Tôi cự tuyệt và chửi thẳng vào mặt hắn mấy lần, vậy mà hắn không biết nhục cứ trẽn mặt như con lọ nồi.
Thua keo này bày keo khác và nhất định phải gỡ lại. Tôi và Mai chuyển hướng đi hàng vào Phan Thiết, xuống Vũng Tàu hoặc ra Cam Ranh bằng ghe buồm, bằng xe vận tải. Những chuyến hàng mồ hôi trộn nước mắt, trăm ngàn gian khổ, nhưng nhờ Trời được trót lọt.
Ba tháng rồi, chồng tôi vẫn chưa thấy về. Phen này rõ ràng tụi Việt cộng giam chồng tôi trong tù đâu còn nói là học tập hai mươi ngày rồi về. Chúng trí trá, xảo quyệt dụ người ta vào tù bằng lời lẽ khoác lác, để chúng khỏi tốn công lùng bắt từng người một. Đúng là miệng lưỡi bọn Vẹm. Vẹm là nói láo có sách.
Tôi và một số người cùng cảnh ngộ cả chị Mai thuê xe lên tại chỗ để tìm biết sự thật. Khi đến nơi, được biết những người trình diện học tập đang bị giam nơi đây và được cho ra thăm người nhà. Gặp tôi, chồng tôi kể:
- Bọn Việt cộng đưa anh và những người trình diện đến đây để học tập cải tạo, lao động sản xuất, và bảo rằng chừng nào học tập cải tạo tốt họ mới cho về. Không biết chúng giam giữ mình đến bao lâu, không nghe nói thời hạn mà chỉ nói là “tốt” mà thôi, có thể năm ba năm, cũng có thể mười năm, mười lăm năm không chừng… Nghe chồng tôi nói, tôi điếng người và cảm thấy lảo đảo chóng mặt. Chúng tôi chưa bao giờ phải sống xa nhau với những năm tháng dài như vậy. Tôi cảm thấy quá yếu sức trong cuộc sống trước mắt. Ngày mai và kế tiếp tôi còn phải nhận nhiều thử thách trong cuộc đời, để nuôi con, nuôi chồng trong tù. Chồng tôi nói tiếp:
- Ngày đầu tiên bọn chúng đưa các anh lên đây, chỗ này là một khu rừng rất rậm. Ba tháng sau với nỗ lực của mọi người như em nhìn thấy đó, mới có chỗ ăn chỗ ở, láng trại thênh thang. Cơ cực trần ai em ơi!
Tôi nhìn cơ thể chồng tiều tụy, mắt thâm quầng, mặt mày hốc hác bởi lao động quá sức người từ hơn ba tháng qua. Tôi ứa nước mắt nói với anh:
- Anh cố gắng giữ sức khỏe. Em hứa với anh em sẽ lo cho con cái đâu vào đó cho đến ngày anh được về với mẹ con em. Quy định Trại ba tháng thăm nuôi một lần, em sẽ đi thăm anh.
Tôi khóc mùi mẫn như chưa bao giờ được khóc. Khóc giải tỏa niềm đau mất nước, nổi nhớ thương xa cách chồng, những tiếc nuối nhà cửa, tài sản tiêu tán, những trái ngang của xã hội. Tôi biến đau thương thành một nghị lực phấn đấu bền bỉ trong mọi tình huống để làm tròn trách nhiệm làm mẹ, làm vợ. Tôi không đòi hỏi ở chồng tôi một đền bù nào, tôi cầu xin anh học tập và lao động tốt như bọn Việt cộng đã nói để sớm về với mẹ con tôi. Những ngày tháng sau đó là một chuỗi dài phấn đãu bền bĩ. Tôi nghĩ ra nhiều cách để làm có tiền nuôi con, nuôi chồng trong tù. Ngôi nhà có sân rộng phía trước, tôi xin phép mẹ chồng kêu thợ dựng lên một cái quán rất bề thế. Tôi sắm toàn bộ vật dụng để mở quán cà phê có nhạc và đèn màu, giao cho hai đứa gái đầu trông coi.
Lúc này trong xã phát động chương trình hợp tác xã nông nghiệp. Mỗi gia đình họ gọi là một Hộ nông dân. Tùy theo nhân khẩu trong Hộ để ấn định số ruộng cấp phát. Đất ruộng trước đây là của tư hữu người dân, Viết cộng vào thu hết để giao lại cho các Hộ nông dân làm khoán. Gia đình tôi phải nhận một mẫu rưỡi ruộng do hợp tác xã nông nghiệp giao. Nhận lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu và sức kéo (trâu bò cày bừa) của hợp tác xã, còn các chi phí khác để hoàn tất mùa vụ thì do Hộ nông dân gánh chịu. Đến mùa thu hoạch phải đong lúa cho Hợp tác xã theo tỉ lệ hạng ruộng được giao. Gặp năm trúng mùa vụ, sau khi đong lúa xong cho hợp tác xã, may ra chủ Hộ có dư chút ít để kéo lại vốn đã đổ xuống, và lấy đó nuôi ăn cho mùa vụ tới, rủi mất mùa đành mắc nợ lúa của hợp tác xã, và chủ Hộ đói meo. Có Hộ thiếu nợ phải gỡ tôn lợp mái nhà, hoặc chân đèn lư lửa, bầy heo, bầy gà….đem đi bán để trả những món nợ cho mùa vụ đó. Thảm thương cho chính sách làm ruộng tập thể. Làm quần quật trên nắng dưới nước, đầu tắt mặt tối mà không có ăn, lại mang nợ từ vụ mùa này qua vụ mùa khác. Có Hộ chịu không nổi đành trốn bỏ đi xứ khác.
Nhận số ruộng hợp tác xã giao, mỗi năm phải hoàn thành hai vụ hè thu và đông xuân tôi và các con tôi lo ngắc ngư, vì chúng nó gọi là chính sách, những gia đình có người đi cải tạo phải cố gắng làm ruộng cho đạt mùa vụ để người học tập cải tạo mới mau được tha về. Oan nghiệt như thế đấy!
Tôi vừa coi sóc ruộng, vừa tiếp tục đi các chuyến xăng dầu nhưng bớt lại, chừng hai hay ba chuyến trong một tháng. Trong lúc đó tôi lại lăn xả thêm một nghề buôn bán mới: buôn bán phân bón và thuốc trừ sâu, hai loại hàng này nhà nước quản lý hết sức chặt chẽ như xăng dầu. Phân bón và thuốc trừ sâu cũng mua lại của tụi bộ đội ăn cắp trong các kho nhà nước và của những công nhân viên quản lý các cửa Hàng nông nghiệp. Hàng ăn cắp chúng bán rẻ mạt như xăng dầu. Khách hàng là các nhà rẩy trồng hành tỏi, các Hộ nông dân làm ruộng tập thể trong khắp tỉnh Ninh Thuận mà lúc đó bọn Việt cộng bày đặt đổi tên là tỉnh Thuận Hải gồm luôn cả tỉnh Bình Thuận. Buôn bán lậu thuốc trừ sâu và phân bón (phân Sa, phân Urê, phân Kali) ít cơ cực và an toàn hơn, không phải đi xa mà lời cũng đậm lắm.
Trong hai mươi bốn giờ một ngày, tôi tất bật đủ mọi công việc. Lo mua gom xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, làm ruộng, quán cà phê, chăm sóc con cái, nhà cửa…mọi thứ chuyện, và cứ mỗi ba tháng một lần đi thăm nuôi chồng. Mỗi lần đi thăm nuôi là phải tốn khoảng năm chỉ vàng vì mua sắm nhiều thứ. Tôi không muốn chồng tôi đói khổ thiếu thốn trong tù. Sống bên ngoài những thứ có thể khắc phục, nhưng trong tù là một sự hành hạ tinh thần và thể xác. Mọi thứ cần thiết cho một chuyến thăm nuôi phải dự trù mua sắm trước tuần lễ. Hùn hạp thuê xe với những người cùng cảnh ngộ. Con cái dẫn theo cho chúng nó thấy mặt cha, và những lần nhìn thấy được chồng là những giây phút thiêng liêng hạnh phúc nhất trong đời tôi. Tôi luôn tỏ lộ sự vui vẻ yêu đời mỗi khi tiếp xúc với chồng tại nhà thăm nuôi trại cải tạo hầu tạo cho anh một niềm vui và sự an tâm trong lòng trong những ngày tháng bị tù đày, bớt đi nỗi lo lắng của anh đối với vợ con, lòng chỉ cầu xin anh khỏe mạnh được sớm về với gia đình. Đó là con đường phía trước tôi phấn đấu dấn thân với một nghị lực sắt đá miệt mài gian khổ chịu đựng đã khơi dậy trong tôi từ những ngày đầu tiên chạy loạn tại Banmêthuột. Tôi gạt bỏ những lời gièm pha, những suy luận độc địa của người đời đối với tôi, những kết tội hung hãn đầy thâm độc nham hiểm của giặc Cộng tự nhận là kẻ chiến thắng đối với những thành phần tham gia chế độ cũ trong đó có chồng tôi. Tôi cố gắng kiềm hãm giữ lòng trong giao tiếp xử thế, trước sự quyến rũ mê hoặc, tỏ tình ong bướm chọc ghẹo của lũ người nham nhở quyết chiếm đoạt tôi. Bởi đâu, đôi lúc tôi không tự dối lòng và cảm thấy mình như một mục tiêu để cho thiên hạ phê phán, khen có, chê có kể từ lúc tôi trở về đây. Người đàn bà tròn bốn mươi hai tuổi đời, chín đứa con, đang gánh nặng thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm bà ngoại, vậy mà tôi cảm thấy mình vẫn còn sởn sơ, linh hoạt như tuổi con gái đôi mươi. Nhìn vào gương, mặt tôi vẫn đầy đặn, nước da trắng muốt, da thịt vẫn hồng hào rộ nét và mái tóc đen mượt đổ xuống nửa lưng. Những lúc tôi ở bên cạnh các con, sự phân biệt mẹ con không còn nữa, mấy đứa con gái của tôi vẫn gọi đùa tôi là chị và xưng em. Tôi hãnh diện về dáng sắc của mình và cũng vì vậy, đôi lúc bực mình trước những lời xin xỏ tình yêu, những sự chọc ghẹo, cợt đùa khiếm nhã. Quán cà phê nhạc đèn màu là tụ điểm những kẻ si tình trồng cây si vì tôi, vì mấy đứa con gái của tôi. Họ đủ hạng người, bộ đội, đảng viên, viên chức, nông dân, thương gia, kể cả sinh viên học sinh…Quán cà phê nhạc đèn màu của tôi được nhiều nơi xa biết đến và khách hàng dập dìu từ sáng đến khuya. Những cám dỗ đời sống nhung lụa, nhà lầu, xe hơi, chức quyền bà này bà nọ, tiền bạc thừa mứa…nhưng tôi cố kiềm giữ lòng, vẹn toàn tiết hạnh trên đường đi chân chính về phía trước “Không chồng đi dọc đi ngang, có chồng cứ thẳng một đàng mà đi…”Tôi đang phấn đấu đi thẳng con đường phía trước có chồng tôi, có các con tôi rực rỡ màu hồng..!
Từ nơi khác tôi về đây làm dâu đã mang thành kiến đối với một số người tại đây. Đa số cùng lứa tuổi. Họ có học, có sắc. Vài người nhìn tôi bằng ánh mắt ganh tỵ và ghen ghét. Vì tôi đã chiếm đoạt người mà họ thầm yêu trộm nhớ một thời. Trong giao tiếp, có chanh chua, có khiêu khích. Tôi phớt lờ, xem đó là một thường tình mặc nhiên.
Bây giờ trở lại đây, họ vẫn còn đó, bản tính ngày xưa không thay đổi mặc dù họ đã có chồng con, đa số già trước tuổi. Họ lại ngạc nhiên sững sờ trước dáng sắc trẻ trung của tôi. Họ thèm khát không được như tôi. Bản chất ganh tỵ gièm pha nói xấu vẫn chực chờ trên đầu môi chót lưỡi khi ngồi lê đôi mách, khi nhìn thấy tôi ở một nơi nào đó. Quán cà phê nhạc đèn màu khách khứa dập dìu từ sáng đến tối, sinh hoạt đứng đắn, nề nếp là phương tiện kiếm sống của gia đình lại bị áp đặt là ổ đĩ trá hình. Tôi là tú bà. Con cái tôi là đĩ điếm. Bạn bè thân nơi khác đến thăm cũng bị gièm pha là điếm nốt.
Sự lăng nhục không dừng ở ma cô đĩ điếm mà còn lan sang chuyện khác. Đa số như có mặc cảm với gia đình tôi. Thành phần thân nhân gia đình Việt cộng, bọn đón gió trở cờ, theo đóm ăn tàn…phê bình chỉ trích gia đình tôi, đưa ra lời hăm dọa cho đi vùng kinh tế mới, không chịu trực tiếp tham gia canh tác ruộng khoán, bỏ tiền ra mướn người làm, đứng trên bờ chỉ tay năm ngón, không gieo mạ, cấy lúa, không nhổ cỏ đắp bờ, không tham gia thủy lợi có nước tưới tiêu, như vậy chưa phải là lao động tốt để chồng cải tạo sớm về. Ác nghiệt ghê gớm!
Tôi cố gắng thích nghi hoàn cảnh vì cuộc sống gia đình, vì chồng, vì con, lần đầu tiên từ lúc sinh ra lớn lên, tôi phải soắn ống quần lên cao lộ đôi bắp chân trắng muốt, lội bì bõm dưới ruộng ngập bùn đen mà nhổ cỏ lúa. Eo ơi! cỏ không nhổ mà đè lúa nhổ sạch trơn! Lối của tôi đi quay nhìn lại chỉ là cỏ, không còn cọng lúa! Mọi người được trận cười nghiêng ngửa và chê bai tôi là tiểu thư thành thị, đuổi tôi lên bờ cho được việc. Tôi sượng sùng đổ lỗi…tại vì…không biết..nhìn cỏ ra lúa..! Tôi loạng choạng bước lên bờ. Ối! giời đất ơi! Đĩa đeo đặc đen thui từ đầu gối xuống hai bàn chân. Tôi hét lên thất thanh, chân quậy mạnh trong nước bùn đen sệt cho đĩa rớt ra, nhưng vô ích. Tôi chập choạng hốt cỏ chà xát lên chân lia lịa chẳng may mất đà té sấp xuống ruộng, mặt mày mình mẩy bê bết bùn đen. Khiếp quá! Tôi vật vã nóng sốt mấy ngày sau đó! Bây giờ nhìn thấy ruộng là sợ, có cho vàng cũng không dám bước xuống. Thà rằng bỏ tiền ra mướn công làm, đến mùa thu hoạch đong lúa cho hợp tác xã là yên chuyện, đói no tính sau.
Sau vụ nhổ cỏ lúa, tôi thay đổi thái độ trong cuộc sống. Những việc nặng nhọc không kham nổi, tôi bỏ tiền thuê người. Đi thủy lợi, đi lao động xã hội chủ nghĩa, làm ruộng…tôi nhất định không cho con cái tôi tham gia, miễn sao làm tròn “nghĩa vụ” cho họ mà thôi. Tôi bung rộng các công việc làm ăn để kiếm cho thật nhiều tiền. Có tiền mới chu toàn cuộc sống mọi mặt cho chồng con đỡ vất vả lo âu. Nói theo kiểu tụi Việt cộng thì tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già…Bọn Việt cộng chúng thường nói thế. Mà cuộc sống bây giờ là cơm, áo, gạo, tiền..! Quan niệm này làm hành trang cho con đường tôi đang bước tới.
Làm ăn được vài năm sau đó, tôi xin phép mẹ chồng cho tôi được xây lại ngôi nhà cho rộng lớn hơn và có vẻ tân thời một chút. Đây là ngôi nhà từ đường, mà chồng tôi là trai trưởng, nên tôi muốn làm một sự thay đổi toàn diện để gia đình phía chồng được mở mặt với xóm làng. Lời đề nghị của tôi được mẹ chồng vui vẻ chấp thuận với lời khen ngợi. Những năm tháng kế tiếp tôi chu toàn việc thành hôn cho ba đứa con lớn được yên bề gia thất. Mỗi đám cưới tổ chức rất trang trọng, rất đình đám, trong nhà ngoài ngõ trầm trồ khen ngợi. Giờ thì còn một đứa đang vô đại học, tôi phải chi một số tiền lớn để vượt qua hàng rào “phân biệt đối xử vì lý lịch xấu”, mấy đứa còn lại đang học cấp hai và cấp ba, và cậu út được sinh ra trong thời gian chạy loạn ở Banmêthuột nay đã 9 tuổi, học cấp 1. Thương cho con tôi chỉ mới biết mặt cha đôi ba lần gì đó. Mỗi lần tôi cật vấn bảo tả hình dạng cha, con tôi nói gọn lỏn ” con quên mất rồi mẹ ạ!”Thật tội nghiệp cho con. Tình con người và con người trong thời tao loạn là như thế đó. Buồn làm sao!
Mười năm trôi qua, tháng năm đường dài dày dạn sương gió tôi miệt mài bước tới trong nghị lực phấn đấu không mệt mỏi, trong nỗi nhớ thương chồng quặn thắt triền miên, ngày hôm nay như một mầu nhiệm Ơn Trên: chồng tôi được trở về đoàn tụ với gia đình. Tôi hãnh diện tự hào trong niềm vui khôn xiết dang rộng đôi tay đón nhận chồng tôi được trở về từ trong lao tù cải tạo của Việt cộng. Một ngày vui mở hội tưng bừng từ nội tâm đến ngoại cảnh mà trong đời chưa lần nào tôi quá sung sướng hạnh phúc như hôm nay.
Chồng tôi ngạc nhiên vui mừng nhìn mọi sự thay đổi thật bề thế, hãnh diện con cái có nề nếp tôn ti. Anh nhìn tôi trong ánh mắt biết ơn, đầy sự thán phục:
- Anh vinh danh em! Anh khen ngợi em là một nữ lưu trí thức, một người đàn bà Việt Nam đảm đang tháo vát, tràn trề nghị lực phấn đấu vượt thoát muôn ngàn nguy khó trong lúc vắng anh, khó ai bì kịp. Anh cám ơn em. Em là người vợ tuyệt vời, người mẹ dạt dào tình mẫu tử.
Tôi ấp úng nhìn chồng tôi trong sự trìu mến, gởi đến anh một tâm tình chung thủy son sắt hằn in sâu trong lòng:
- Những gì em làm được trong lúc vắng anh đó là bổn phận của em, trách nhiệm làm vợ, làm mẹ đãy anh à!
Tôi mở tiệc lớn ăn mừng, mời tất cả bà con cô bác xóm làng từ thân đến sơ đến chia vui với gia đình chúng tôi. Tôi cũng mời cho bằng được những người trước đây thường chanh chua, cay đắng, ganh tỵ với tôi và đặc biệt những phần tử luôn luôn bám sát tôi, cố mong chiếm đoạt thể xác tôi. Tôi tỏ ra cao thượng, lịch lãm và hiểu biết trong đối xử và chiêu đãi để họ tự nhận thấy rằng điều họ suy nghĩ và thích làm là sai sót và tầm thường quá.
Sau mấy năm chờ đợi hồ sơ được chấp thuận ra đi tái định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình H.O. giờ đã đến. Tôi đi tạm biệt từng người để vào Saigon lên máy bay. Tôi được gặp chị Duyên, người đã để tâm ganh tỵ hiềm khích với tôi nhiều trong những ngày tôi về sống tại đây cũng chỉ vì chồng tôi không duyên nợ với chị ấy. Duyên như đã hồi tĩnh cầm tay tôi, nói:
- Chúng mình đã có những điều không vừa ý nhau trước đây, xin chị bỏ qua nhé. Mặc dầu thế, tôi cũng có điều lo cho chị trong khi nhiều người bu quanh chị tán tỉnh này nọ. Nhiều người đã vấp ngã khi chồng đi tù, ở nhà bỏ bê con cái đi lấy người khác thì tội nghiệp cho anh ấy. Họ quyết tâm phá nát gia cang khi miền Nam mất vào tay chúng. Tụi nó ta đày, vợ nó ta lấy, con nó ta trị. Độc ác lắm. Tôi khen mừng chị thật vững vàng trong cuộc đời. Tôi chúc mừng anh chị và các cháu thượng lộ bình an. Qua đó, nhớ viết thư về cho tôi nhen.
Tôi cám ơn chị Duyên điều mà chị Duyên nói và tôi cũng đã biết trước đây để giữ mình. Tôi rùng mình nhớ lại khẩu hiệu tàn nhẫn, vô nhân đạo của họ.
Ngày lên máy bay, vợ chồng tôi đem theo sáu đứa con, còn ba đứa đã lập gia đình, khi đến nơi làm hồ sơ bảo lãnh qua sau. Mỗi người chỉ vỏn vẹn một xách tay đựng mấy bộ quần áo. Nhà cửa, đất đai, tài sản của chúng tôi để lại sau lưng cách xa và mãi mãi muôn trùng. Bây giờ tôi không tiếc nuối như ngày xưa. Đó là chặng đường đã đi qua in dấu bao kỷ niệm tiếp nối con đường phía trước tôi đã và đang bước đi thật rực rỡ ngọt ngào…
Máy bay cất cánh đang vút lên từng độ cao. Chồng tôi choàng tay qua vai tôi siết nhẹ nghe hơi ấm thấm dần vào da thịt tôi. Tôi hướng nhìn qua ô cửa sổ, dải đất Quê Hương chao nghiêng xoay vòng bên dưới, phi trường thu gọn trong tầm mắt xa thẳm. Thành phố Saigon thân yêu nhấp nhô từng cụm li ti, nhỏ dần…nhỏ dần…rồi khuất dạng dưới biển mây mỏng. Quê Hương tôi đó đang trầm mình bên dưới, nơi tôi sinh ra, lớn lên trong khói lửa chiến tranh suốt hơn nửa đời người, nơi dân tộc tôi đang triền miên chịu đựng cuộc sống buồn thảm trong chế độ hà khắc, độc tài và lạc hậu. Một chút bâng khuâng, nhơ nhớ chiếm lĩnh tâm hồn giữa giờ phút tạm biệt. Tôi ngả đầu nằm gọn trong lòng chồng tôi tìm chút ấm áp, sự an bình cho tâm hồn. Anh thì thầm bên tai tôi:
- Nhờ em, anh mới có ngày hôm nay. Từ nay anh sẽ lo hết mọi việc cho em để đáp lại lòng chung thủy của em. Một lần nữa, anh cám ơn em. Em à, con đường phía trước chúng ta đang đi tới tràn ngập niềm vui, và hạnh phúc thật ngọt ngào em ạ..!
(Thương yêu và vinh danh hiền thê một đời tận tụy với chồng con.
Cho những người vợ hiền nuôi con, nuôi chồng trong lao tù cộng sản sau tháng 4 đen 1975.)
Nguyễn Thế Hoàng
No comments:
Post a Comment