CON SÂU ĐO TRÊN CÀNH LÁ MỤC
Sơ lược tiểu sử (theo các báo trong nước):
Trần Long Ẩn, còn có bút danh Đoàn Công Nhân, sinh năm 1944 tại Bình Định. Thời trung học, học tại trường La San Quy Nhơn, bắt đầu học nhạc tại đây.
Trong trong thời gian theo học Đại Học Văn Khoa Sài Còn, được cộng sản móc nối. Tháng 4/1972 vô bưng, hai năm sau ra Hà Hội học tập, được vào Trường Âm Nhạc Việt Nam.
Sau 30/4/1975 trở về miền Nam. Chức vụ hiện tại: Chủ tịch Hội Âm nhạc thành Hồ kiêm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành Hồ.
Sáng tác tiêu biểu: Trên mảnh đất tình người, Đi qua vùng cỏ non, Một đời người một rừng cây, Đàn sáo Hậu Giang, Đêm thành phố đầy sao, Xin làm người hát rong, Tiếng hát từ ánh lửa mặt trời,...
* 1. Bài viết của Trần Trung Đạo
Sài gòn trước 30-4-1975 có một phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Những nhạc phẩm của phong trào này được viết bởi những nhạc sĩ trẻ có lòng yêu nước rất ngây ngô, khờ dại.
Trong giảng đường đại học, trong sân trụ sở Tổng hội Sinh viên ở số 4 Duy Tân Sài Gòn, dọc hành lang cư xá sinh viên Minh Mạng, tiếng hát của ước mơ “hòa bình thống nhất độc lập tự do” vang lên. Phần lớn không biết chiếc bánh “hòa bình thống nhất độc lập tự do” sẽ là màu gì hay tròn méo ra sao.
Bên cạnh các nhạc sĩ có căn bản nhạc lý vững vàng như La Hữu Vang với “Tổ quốc ơi ta đã nghe” cũng có những người đang tập kẻ những khung nhạc lần đầu như Trần Long Ẩn với “Người mẹ Bàn Cờ”.
Họ không biết hay chỉ biết một cách mù mờ các hoạt động của họ nằm trong chủ trương của Thành ủy Sài Gòn Gia Định thuộc đảng Nhân Dân Cách Mạng, tên gọi cho bộ phận miền Nam của đảng Lao Động Việt Nam tức đảng CSVN.
Hàng trăm trí thức miền Nam, những giáo sư, luật sư, bác sĩ, kỹ sư từ các trường Tây trường Mỹ về, những bậc thầy, bậc cha chú họ mà còn bị cộng sản xỏ mũi dễ dàng nói chi là những cô cậu sinh viên trẻ tuổi vừa mới nện gót giày lên hành lang đại học.
Dù khôn hay dại, ngày 30 tháng 4 năm 1975 cũng là ngày đánh dấu sự chia tay giữa đảng cộng sản và các thành phần mà đảng đã một thời liên minh, thỏa hiệp và lợi dụng.
Những nhạc phẩm trong phong trào và cả tác giả của chúng không còn cần thiết nữa. Mối quan hệ giữa hai bên nếu còn được duy trì cũng chỉ là quan hệ giữa cai trị và phục tùng, giữa chủ và tớ chứ không còn tương kính dù chỉ là đóng kịch như thời còn ở trong rừng.
Chính vì lẽ đó, ngay sau 30 tháng 4, 1975, để xác định vai trò lãnh đạo của đảng, những bài hát mới với những câu đầy đe dọa như “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù…”, “Đập tan mọi xích xiềng…” the thé vang lên không chỉ trên đài phát thanh mà còn đến tận các hang cùng ngõ hẻm, trong lúc những “Người mẹ bàn cờ”, “Dậy mà đi”, “Tổ quốc ơi ta đã nghe” bị loại bỏ ra khỏi các sinh hoạt văn nghệ.
Sau 30 tháng 4 năm 1975 đảng đã công khai lộ diện nên không cần phải che giấu dưới các khẩu hiệu yêu nước chung chung đầy lừa gạt nữa.
Thậm chí, những lời nhạc viết trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” như “Người người tìm nhau trong bác ái tin yêu đời , chung xây nước Việt đẹp tươi” trong “Không ai ngăn nổi lời ca” của La Hữu Vang còn được xem là phản động vì đi ngược với chủ trương và đường lối đảng.
Thái độ và chọn lựa của những khuôn mặt trong trào sinh viên nói chung, trong đó có giới văn nghệ, bị đảng lợi dụng trước 30-4-1975 ra sao?
Một số thấy ra những chọn lựa đầy lầm lỡ thời trai trẻ của mình và đã dùng những lầm lỡ như bài học, như chiếc gương cho các thế hệ mai sau soi vào để qua đó mà nhận diện ra sự thật và chọn hướng đi đúng cho mình. Những năm theo sau, họ lợi dụng ánh sáng internet, đã dùng ngòi bút, dùng tiếng nói để phản biện một cách tích cực vào xã hội họ đang sống.
Một số im lặng rút về quê hay chết sớm. La Hữu Vang, tác giả “Tổ quốc ơi ta đã nghe” đã sống một cuộc sống đạm bạc với chức vụ coi sóc nhà văn hóa của huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định cho đến khi qua đời. Trong buổi phỏng vấn dành cho báo Bình Định cuối tháng 4 năm 2003, anh xác nhận, trước 1975: “Phần lớn những ca khúc mà chúng tôi viết chỉ nhằm vào việc kêu gọi lòng yêu nước”. Trương Quốc Khánh, tác giả của “Tự nguyện” cũng qua đời.
Nhưng có một số thấy hướng bay, chiều gió của ngọn cờ quyền lực, đã tự chôn sống đi con bướm vàng mơ ước tuổi hai mươi dù rất dại khờ để hóa thân làm sâu bọ, trong đó có Trần Long Ẩn.
Lòng tham danh vọng đã biến lương tri Trần Long Ẩn thành mù lòa.
Ông ta không biết cái đảng mà ông nịnh bợ đã và đang “tự diễn biến” như thế nào.
Ông không biết các cấp cai trị CSVN từ trung ương tới tỉnh huyện sống xa hoa và những người mang hình ảnh trong “Bà mẹ Bàn Cờ”, vẫn “tay gầy tóc bạc phơ” trong nghèo nàn và chịu đựng ra sao.
Mỗi khi có cơ hội, Trần Long Ẩn vẫn tuôn những câu nịnh hót đảng một cách trơ trẽn đọc lên ai có chút tự trọng đều không khỏi ngỡ ngàng: “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược.”
Người viết nhờ ông Trần Long Ẩn làm một việc và việc này chắc hợp ý ông. Ông nên đề nghị ban tư tưởng trung ương đảng cấm tuyệt tất cả nhạc được viết dưới chế độ VNCH thử xem người dân miền Nam và cả miền Bắc sẽ phản ứng ra sao.
Không có âm nhạc VNCH và nhạc ảnh hưởng của âm nhạc VNCH, cái gọi là văn học nghệ thuật CS chỉ còn lại những “Tiếng chày trên sóc bom bô”, “Tiếng đàn ta lư”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” nghe vô duyên và lạc lõng.
Nhạc CS chỉ còn được dùng hát nhái cho vui trong tiệc nhậu.
Nhắc chuyện nhạc nhái, chắc ông Trần Long Ẩn còn nhớ nhạc phẩm được hát nhái nhiều nhất sau 30 tháng 4 năm 1975 là nhạc phẩm “Tình đất đỏ miền đông” của chính ông với những câu đầy mỉa mai, nhưng cười ra nước mắt vì nói lên sự thật: “Tổ trưởng ơi, ăn khoai mì ớn quá, từ giải phóng vô đây ta ăn độn dài dài, từ giải phóng vô đây, ta ăn độn cầm hơi …” hay tương tự.
Trần Long Ẩn dành gần suốt cả đời người để phấn đấu đến chức Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật của một thành phố đủ thấy con đường tiến thân của tác giả “Tình đất đỏ miền đông” thật gian nan đến mức đáng thương và tội nghiệp.
Bốn mươi bốn năm nhưng con sâu Trần Long Ẩn vẫn tiếp tục đo mình trên chiếc lá công danh đang rã mục.
* 2. Bài viết của Mặc Lâm.
Có những câu nói bị xua đuổi, những câu nói bị phỉ nhổ, và cả những câu nói bị cho là thiểu năng nhưng khi ông nhạc sĩ Trần Long Ẩn nói nền Văn học nghệ thuật của miền Nam đáng bị “đóng đinh” thì nó trở thành câu nói bị khinh bỉ nhiều nhất từ xưa tới nay.
Sự khinh bỉ đến từ người dân cả hai miền Nam Bắc, từ cán bộ đến nhân viên quèn trong công sở, từ thị dân tới người nông phu căng mình dưới ruộng bởi nó dính liền tới ý thức cảm nhận cái đẹp của con người. Khi nói đến Văn học nghệ thuật người ta nghĩ ngay đến sự hoàn thiện của cái đẹp trong thể loại nó chuyên chở. Văn chương phải mang tới người đọc một chân trời mới đầy sáng tạo. Hội họa phải dẫn người xem vào từng ngóc ngách của tưởng tượng và hòa mình vào nội dung mà tác giả miêu tả. Âm nhạc phải đồng hành cùng người nghe, hay ít ra nó dẫn người nghe vào thế giới của cái đẹp, cái thiết tha trầm bổng của cung bậc để từ đó người thường thức thuộc lòng từng note nhạc suốt cả cuộc đời mình.
Văn học nghệ thuật miền Nam đã làm được điều đó và vì vậy nó tồn tại trong trí nhớ người dân miền Nam để sau này lan tỏa, chính phục cả nước.
Trong suốt 20 năm chiến tranh trong khi miền Bắc cổ súy dòng nhạc hào hùng, gây căm phẫn để chiến thắng thì miền Nam lại ung dung vuốt ve những hình ảnh của tình yêu đôi lứa, những bức tranh chia tay giữa người hậu phương và tiền tuyến, những tâm tư người lính xa nhà, nhớ hàng cau quanh vườn, nhớ người mẹ chờ con bên nồi bánh chưng cuối năm…những hình ảnh đó khó làm chiến tranh tiếp tục lan rộng mà trái lại nó khiến con người trong khoảnh khắc nào đó gần với chính mình hơn bởi trái tim không thể đập theo điệu quân hành mà nó đập theo nhịp điệu của riêng nó, nhịp điệu của yêu thương và chia sẻ.
Những yếu tố mà người văn nghệ sĩ miền Nam lấy làm nguồn cảm hứng không đến từ đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng hay Cục Tâm lý chiến mà nó được chắt lọc ra từ niềm đau của chiến tranh để lại trên đất nước này. Nó chảy máu chung với những bà mẹ, những em thơ trên cánh đồng chết chóc. Nó trăn trở kêu gào phản đối sự tàn bạo của chiến tranh để rồi sau hai mươi năm, nó bị chấm dứt vào một ngày mà dòng thác cách mạng có màu đỏ chói của máu lửa tràn ngập thành phố Sài Gòn cuốn đi mất dạng những gì mà trong hai mươi năm người văn nghệ sĩ miền Nam chắt lọc.
Nhưng lạ lùng, tác phẩm của những người đầy tài năng ấy không hề mất trong tâm trí người miền Nam, nó vẫn nằm ẩn mình một góc nào đó trong trí nhớ của người dân và bổng một ngày đẹp trời nó nở rộ khắp nơi trên mọi ngả đường đất nước.
Bắt đầu là dòng nhạc vàng, rồi nhạc Bolero, một thể loại âm nhạc mà giới “nhạc sĩ cung đình” xuất thân từ miền Bắc cho là sến súa, đơn điệu là thương vay khóc mướn. Họ tập trung những câu chữ bỉ bôi nhất để chống lại Bolero nhưng đề trả lời cho họ là hàng triệu người khắp nước cùng háo hức căng tai lên nghe mỗi khi có dịp. Nhiều chương trình ca tụng dòng nhạc Bolero công khai xuất hiện trên các kênh truyền hình của nhà nước để từ đó dập tắt luôn mọi trù dập nhỏ mọn của những nhạc sĩ thiếu tài năng nhưng thừa đố kỵ.
Rồi văn chương, hội họa được giới trí thức miền Bắc sưu tập, lưu giữ như những kỷ vật một thời vàng son của anh em miền Nam. Sự trân trọng của họ đối với nhiều lứa tuổi, giới tính, tài năng trong một quảng thời gian ngắn ngủi 20 năm cho thấy sự thành tựu của nền Văn học nghệ thuật miền Nam không đến từ một phía mà nó đến từ tinh túy của những trái tim, khối óc.
Vậy tại sao ông Trần Long Ẩn, một nhạc sĩ có chút tiếng tăm qua các ca khúc Tình Đất Đỏ Miền Đông, Đi Qua Vùng Cỏ Non, Mừng Tuổi Mẹ…Một Đời Người Một Rừng Cây…lại tỏ ra cay cú đến gần như mất trí khi nói đến nền Văn học nghệ thuật của vùng đất này nơi mà trước đây ông ta được nuôi lớn lên, được học hành tới nơi tới chốn ngay giữa lòng Sài Gòn tại một trung tâm đào tạo văn chương nghệ thuật lớn nhất miền Nam là Đại học Văn khoa?
Trong Hội nghị giao ban quý III/2019 của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM ngày 10/11 ông Trần Long Ẩn cho biết: “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa. Vậy mà đồng thời, phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa”.
Ngay câu đầu tiên ông Ẩn xác định miền Nam Việt Nam bị xâm lược “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược” nhưng khi nói “Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa” thì ông Trần Long Ẩn dính vào lỗi ngụy biện.
Văn học, nghệ thuật của miền Nam bị miền Bắc xâm lược nhưng không hề độc hại, trái lại nó đã và đang được gìn giữ một cách trân trọng trong từng gia đình Việt Nam qua câu hát, quyển sách hay chí ít một bài thơ của tác giả nào đó mà cái hay của tác giả đó đã trực tiếp chinh phục trái tim khối óc người gìn giữ chúng. Làm sao tẩy xóa được sự thật khi phải dùng tới thủ thuật ngụy biện và áp đặt của công an văn hóa?
Rất trùng hợp, người dân bây giờ đã tận dụng khả năng chế lời hát như ngày xưa miền Nam vẫn thường làm khi một vấn đề nào đó gây cười cho công chúng. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi công an quận Đông Anh tập trung biểu tình tại Hà Nội chống lại sự cướp đất của “đồng chí” thì xuất hiện tác phẩm mang tên “Năm anh em căng một chiếc băng rôn” chế từ ca khúc “kinh điển” Năm anh em trên một chiếc xe tăng.
Tính nhạy bén và mẫn cảm của văn học nghệ thuật miền Nam đã làm cho người dân thêm sức mạnh. “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” nên yên nghỉ vì nó đã làm tròn trách nhiệm tuyên truyền của nó rồi. Cũng như ông vậy, nên yên nghỉ vì ông cũng đã hết ý tưởng sáng tác lẫn sinh lực phục vụ cho Đảng, đừng nên bốc đồng mà làm sụp đổ cả một sinh mệnh chính trị luôn cúc cung tận tụy với Đảng của chính ông.
* 3. Trường Hợp Trần Long Ẩn, Triệu Chứng Narcissism(Chu Mộng Long)
Narcissus trong truyện cổ Hy Lạp
Ông Trần Long Ẩn là người đồng hương với tôi. Ông bị chửi làm tôi cũng thấy nhột.
Nhưng tôi tin nhiều người còn nhột hơn. Không chỉ nhột mà còn thù địch với dân mạng.
Bởi điều ông Ẩn nói chỉ là ăn theo nói leo kẻ khác. Ông nói như một cái máy chứ chưa chắc đã ý thức mình đang nói gì.
Nói toàn bộ văn hóa nghệ thuật miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa là độc hại ắt không phải do ông nghĩ ra. Ai đã chủ trương chống nọc độc văn hóa miền Nam và ra lệnh đốt sạch ngay từ những ngày đầu tiên sau 1975? Mãi cho đến gần đây, người ta còn tiếp tục cấm một bài hát chẳng hại ai như Con đường xưa em đi thì Trần Long Ẩn cũng chỉ là tiếng nói của một thời còn sót lại.
Dân mạng chỉ chửi ông Ẩn chứ thực ra những Chu Giang Nguyễn Văn Lưu, Đông La, Phan Trọng Thưởng, Mai Quốc Liên... đều cùng một bè một giọng cả thôi.
Điều ngạc nhiên là sau một nửa thế kỷ vật đổi sao dời, có những người quyết không chịu thay đổi. Có chửi thối mồ thì những người này vẫn tự hào không bị "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Thôi thì họ có cái quyền đó, cần tôn trọng. Bởi lúc này có một trăm ngàn ông phát ngôn như ông Ẩn thì cũng không xóa được cái "nọc độc" đã phát tán mạnh mẽ sau không dưới một lần người ta đòi tiêu diệt tận gốc.
Biết đâu người ta mượn ông Ẩn để biện hộ cho sự xuống cấp đạo đức, suy đồi văn hóa hiện nay là do "nọc độc" văn hóa Mỹ ngụy để lại? Nếu đúng như vậy thì chưa chắc ai ngu hơn ai.
Tôi chỉ luận về sự tự hào không bị "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của những người như ông Ẩn.
Phân tâm học gọi hiện tượng này là triệu chứng Narcissism. Narcissus là nhân vật huyền thoại Hy Lạp, tự yêu mình đến mức không thể yêu ai và chết trong cô đơn. S. Freud gọi đó là chứng thủ dâm, do bệnh nhân không có khả năng dịch chuyển tính dục sang đối tác. Trong công trình Giải huyền thoại vừa bảo vệ trước hội đồng, tôi cho rằng triệu chứng này nằm trong triệu chứng phổ quát hơn: triệu chứng độc tài. Không nghi ngờ rằng, độc tài là một triệu chứng tâm lý. Kẻ độc tài giống Narcissus ở chỗ, anh ta chỉ biết yêu mình mà không thể san sẻ cho ai. Bởi trong đầu anh ta chỉ có một thứ ảo ảnh đến hoang tưởng rằng mình thuộc đỉnh cao trí tuệ, cao cả hơn người. Thêm vào đó anh ta nhìn đâu cũng thấy thù địch, ám thị bị lật đổ.
Thứ phức cảm này thể hiện sâu sắc ở Zeus, chúa tể Olympus. Zeus lật đổ cha mình là Cronus, do ám thị bị con mình lật đổ nên đã độc chiếm ngọn lửa tính dục, quyết không chịu san sẻ cho ai. Zeus thù địch Prometheus đến mức đối xử tàn bạo với Prometheus khi vị thần này đánh cắp ngọn lửa từ tay Zeus để san sẻ cho mọi người. Kẻ độc tài nhìn đâu cũng thấy thù địch là một triệu chứng di truyền. Trước đó, cha của Zeus là Cronus đã từng lật đổ ông nội Zeus là Uranus, và để tránh hậu họa bị lật đổ, Cronus đã lần lượt nuốt sống những đứa con của mình! Cái định mệnh thật nghiệt ngã là càng ám thị bị lật đổ thì lại càng dễ bị lật đổ. Zeus thoát khỏi cái bụng tham lam của cha mình và điều gì sẽ xảy ra đã phải xảy ra.
Không chừng trong bối cảnh hiện nay, tấn tuồng của huyền thoại lại hiện hữu ở những kẻ độc tài nên người ta phải dự phòng như cha con nhà Zeus đã dự phòng? Rằng cái bóng ma Việt Nam cộng hòa hay thứ văn hóa nghệ thuật con đẻ của Việt Nam cộng hòa đang rình rập đâu đó rất nguy hiểm?
Luận chuyện xưa có lẽ làm cho nhiều người khó hiểu. Tôi kể chuyện quan hệ đời thường vậy. Làng tôi sau 1975 có một ông tập kết về làm công tác tuyên giáo rất hăng. Ông ta yêu văn hóa XHCN đến mức nhìn cái gì khác mình đều là thù địch. Sau khi truy tìm đốt sạch văn hóa phẩm Mỹ ngụy để lại, ông ta đến từng nhà bắt gia đình người ta ném cả tượng Phật, tượng Chúa, di ảnh tổ tiên xuống ao. Chỉ được phép thờ mỗi Bác Hồ. Ai không thực hiện đều hoặc bị bắt đi cải tạo hoặc bị đày xuống trụ sở xã, ngày lao động công ích, tối ngủ trong thùng container.
Hậu quả là ông cán bộ tuyên giáo này không sống chung được với ai. Vợ con bỏ nhà ra đi. Cho đến những ngày bình thường sau này, hàng xóm cũng chẳng ai dám quan hệ gần gũi với ông. Người ta không thù địch ông nhưng lại ớn ông thù địch. Ông sống lặng lẽ một mình cho đến một ngày kia người ta phát hiện đàn chó đang tranh nhau cục xương người trước nhà ông. Thì ra ông ta chết khi nào chằng ai hay. Nếu không nhờ mấy con chó thì có lẽ thi hài ông sẽ phân hủy cho đến khi chỉ còn bộ xương trắng trong cái ngôi nhà cô đơn ấy.
Dân quê tôi giàu lòng nhân ái, họ đã chôn cất ông tử tế như chôn cất một người hùng vào sâu trong nấm mồ của quá khứ. Nhưng trước khi đắp chiếc khăn giấy lên gương mặt ông, nhiều người vẫn ái ngại, rằng ông vẫn nhìn mọi người bằng con mắt thù địch.
Chu Mộng Long
No comments:
Post a Comment