Tuesday, January 2, 2018

Mùa Xuân không trở lại

TiênSha- LêLuyến

Image result for hoa mai images
1- Mùa xuân và ngày Tết là những mốc thời gian thiêng liêng trong tâm hồn và cuộc đời con người. Mỗi độ tết về đất trời như hồi sinh, người người được tăng thêm tuổi thọ, đời đẹp ra, cuộc sống thêm phần ý nghĩa và hưng phấn. Như Cao Bá Quát đã viết:

"Thiên tăng tuế nguyệt, Nhơn tăng thọ.
Xuân mãn càn khôn, Phước mãn đường"

Những người sống xa quê hương càng thấy trân trọng ngày Tết và quý giá giây khắc xuân nồng. Ai cũng một lòng hoài xuân, nhớ về cái Tết đầm ấm nơi quê nhà. Sự hồi tưởng càng làm tăng nỗi buồn cô đơn và trăn trở trong lòng chúng ta, những kẻ ly hương. Do vậy, điều dễ hiểu để có thể lý giải là vì sao hàng năm mỗi độ xuân về, di dân người Việt lại đua nhau về ăn tết quê nhà. Con số thống kê khái quát người và đô la Việt kiều mang về khiến làm chóng mặt bất cứ ai. Có phải chăng họ muốn tìm lại khoảnh khắc tương thông thiêng liêng của tâm linh con người giao hòa với đất trời mùa xuân ấm cúng chính ngay trên quê hương thân yêu của mình?

Họ từ khắp nơi trên thế giới trở về. Có người về để hưởng thụ cái thiên đường nơi hạ giới với giá rẻ như bèo so với đồng đô la (2003). Nhưng cũng không ít người trở về với tâm trạng thổn thức hoài niệm một thời quá khứ, xoa dịu nỗi lòng kẻ bắt buộc phải sống ly hương. Họ về với thân nhân, mồ mả, làng nước, với nơi chốn cội nguồn, chôn nhau cắt rốn trọn đời nhớ thương, dẫu rằng hôm nay phải mang thân lưu lạc góc bể chân trời.

Tóm lại mỗi người mỗi hoàn cảnh, một lý do, một cách nói riêng để lý giải và... tất cả đều hợp lý, thuận lẽ.


2- Quang cảnh và không khí Sài Gòn bao giờ cũng mang một nét đặc thù riêng biệt mà không có một thành phố nào trên thế giới giống được. Nó vừa nhộn nhịp, huyên náo trong cảnh xô bồ hỗn loạn, nhưng lại vừa quen thuộc, thân thương như gần gũi trói buộc lòng người.

Những tấm khăn che mặt kỳ dị của dòng người chạy xe vội vã, vô trật tự nối nhau kéo dài trên đường phố dường như bất tận. Hai bên hè nườm nượp khách bộ hành ngược xuôi, mua bán hối hả trong cái không khí ngột ngạt của những ngày còn sót lại trong năm. Thủ đô ngày xưa của Việt Nam Cộng Hòa đã một thời được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Ðông, đang thay da đổi thịt từng giờ, biến đổi từng ngày theo tỷ lệ thuận với dòng chuyển động luân lưu không ngừng nghỉ của tạo hóa trong lúc xuân về. Lác đác đó đây trên hè phố, bên góc chợ Bến Thành đã bày bán một vài thứ hàng Tết. Gió xuân mơn man trong không gian lồng lộng như xua bớt đi cái ngột ngạt, ầm ĩ của thành phố đông dân nhất nước nhưng vẫn không làm tan đi những nét lo âu, đăm chiêu trong lòng người dân nghèo vào những ngày cận Tết.

3- Cô gái trẻ, dáng mạnh khỏe trong bộ quần áo thời trang. Mái tóc uốn mượt mà buông ngang vai. Cặp kính mắt đắt tiền và khuôn mặt phơn phớt phấn son rất dễ thương, ưa nhìn. Cô bước đi thong thả, mắt nhìn phố phường ngày tết vẻ thích thú. Lủng lẳng trên vai chiếc ví mang nhãn hiệu USA màu trắng bạc. Hai cánh tay trần thon thả phơn phớt màu nâu non, ôm mấy quyển sách cũ đã cuốn góc sờn gáy. Ánh nắng chiều hanh vàng, mới hơn bốn giờ. Có một chút mồ hôi rịn ở chân tóc. Cô dừng lại tìm chỗ nghỉ chân. À! đây rồi. Một quán ăn treo tấm bảng hiệu có dòng quảng cáo lạ đời làm cô tò mò: "Quán chuyên bán thịt rừng và những món bò uống với các loại rượu nho Pháp đặc biệt. Phòng máy lạnh kính mời." Cô gái mỉm cười. Văn phong gì mà kỳ cục, thiếu dấu chấm, phẩy. Hoặc có thể đây là ẩn ý của chủ quán, lôi cuốn khách hiếu kỳ muốn tìm hiểu. Cô đẩy cửa bước vào. Quán vắng hoe. Cô gái chọn chiếc bàn hướng ra đường, nơi có mấy sạp báo bày bán dọc vỉa hè.

Chủ quán là một người đàn bà phốp pháp tuổi chừng bốn mươi, mắt sắc lẻm, mặt tô đầy phấn, ăn mặc diêm dúa chải chuốt, thái độ kênh kiệu. Thấy khách, bà mang tấm thực đơn bước ra. Cô gái đưa mắt nhìn lướt qua, vẻ hững hờ. Chợt cô hỏi chủ nhân một câu lạc đề:

- Hôm nay ngày mấy âm lịch rồi, thưa bà?

Người chủ mặt cau có vì khách mở hàng không vồn vã. Bà đưa tay chỉ tấm lịch treo trên tường, trả lời cộc lốc:

- Tấm lịch treo trước mặt đó.

Cô gái mỉm cười thân thiện, nhìn lên tấm lịch lẩm nhẩm... Hăm sáu tháng chạp năm Canh Ngọ 1990, rồi mới chịu ghé mắt nhìn vào tấm thực đơn, gọi một chai rượu vang đỏ hiệu Côte du Rhône nổi tiếng của Pháp, với hai cái ly và một đĩa cá sấu nướng. Cô nhìn bà chủ, hỏi thêm một câu cắc cớ:

- Bà chủ có món "chim lúc lắc" không?

Mặt người đàn bà chợt đanh lại, mắt trợn ngược trắng dã, nắm tay thu lại dưới tà áo. Bà muốn đốp chát lại ngay với cô gái dễ ghét nầy, dám ăn nói xiên xỏ xách mé với bà, nhưng nghĩ đến món tiền khách phải trả, bà lại dằn xuống ráng nhịn, chỉ suy nghĩ tìm lời nói móc lại:

- Quán chỉ có món "bò lạc lên đồng" thôi chứ không có giống "chim lúc lắc" nào cả.

Cô gái ngây thơ reo lên thích thú:

- Món ăn lạ quá chắc là ngon lắm. Thôi thì bò lạc đồng hay chim lúc lắc gì cũng được. Không có lúc lắc thì thử lên đồng vậy. Miễn là bà chủ làm cho nóng lên và ngon là ok.

Nói rồi cô gái cười ngặt nghẻo, trong lúc chủ quán rủa lầm bầm trong miệng. Mụ cứ tưởng trả miếng lại, ai ngờ cô gái thông minh quá nên lợi dụng cơ hội tiếp tục trêu chọc thêm. Mặt bà chủ tối sầm, vùng vằng nện gót quay vào bếp.

Cửa kính trong suốt. Tiếng máy lạnh chạy rì rầm. Mùi chiên xào thơm ngào ngạt, kích thích khứu giác khách ngồi chờ.

Cô gái lục bóp lấy thuốc ra hút. Mùi thuốc lá ngoại thơm lừng. Cô thong thả nhả từng hơi khói khoan khoái, trong lúc bà chủ lạch bạch đốt mấy nén nhang cắm lên bàn thờ thần tài, van vái cầu may khách đông bán đắc. Bà không quên đốt thêm mấy tờ vàng bạc để khử xui xẻo, rồi liếc xéo về cô gái vẻ mặt bí hiểm đắc ý.

Một lát, người hầu bàn mang ra một chai rượu được ướp lạnh trong xô nước đá nhỏ. Anh trịnh trọng khui rượu rót vào ly. Cô gái chậm rãi nhâm nhi từng hớp rượu, gật gù. Bỗng cái nhìn của người chủ quán chạm phải ánh mắt cô gái. Bà giật mình bối rối khi bị bắt quả tang đang nhìn lén. Cô gái thản nhiên nhếch môi cười. Nụ cười như ngụ ý đã biết điều bí ẩn trong lòng bà. Chủ nhân cảm thấy nhột nhạt quay vào, trong lúc cô gái mặt tỉnh bơ ngoảnh nhìn cảnh phố chiều huyên náo.

Dọc vỉa hè bây giờ có thêm những người bán sách dạo, bán đồ cũ táp nham. Họ trải những tấm vải bạt bày đủ loại sách báo cũ từ tiểu thuyết tình cảm, trinh thám, võ hiệp đến lịch sử, địa lý, biên khảo, thương mãi, khoa học, bói toán, học làm người…Nghề nầy như thay thế cho những nhà sách, nhà in, nhà xuất bản công khai, hợp pháp trước năm 75 và nó cũng tiêu biểu cho vô số ngành nghề chui khác ra đời sau 30/4 như: thuốc lá chui, thuốc tây chui, gạo chui, vải chui, thịt chui, uống bia chui, phá thai chui, đẻ chui, xuất ngoại chui, du học chui, bằng cấp chui, vợ chồng chui… dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, một xã hội đã tạo ra nhiều nghề chui và nhiều lớp người làm ăn bất hợp pháp, và ngành nghề chui đã phát triển lớn mạnh đến mãi bây giờ. Cảnh đó chỉ có những người sống ở VN mới thấu hiểu tường tận. Và nỗi xót xa của những người bán chui ở vỉa hè với mớ hàng hóa rẻ tiền đủ loại, xếp lộn xộn trên mấy thùng cáctông hoặc trong những bao vải bố có quai, có thể túm lại vác trên vai chạy trốn dễ dàng mỗi khi bị công an bố ráp, mới có thể cảm nhận hết nỗi nhọc nhằn.

4- Một chiếc xe hơi hiệu Volvo chạy chầm chậm rồi đỗ lại bên lề, trước hàng bán sách báo dạo. Người thanh niên lái xe bảnh trai mang kính trắng, ăn mặc tươm tất bước xuống. Ánh mắt dừng lại trên tấm bảng hiệu có dòng chữ quảng cáo ngồ ngộ. Anh mỉm cười, thong thả bước vào quán. Cô gái nhìn thấy khẽ reo lên. Hai người trẻ tuổi chào nhau bằng một thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, rồi chàng thanh niên kéo ghế ngồi xuống bên cạnh cô gái. Anh nhẹ nhàng hỏi:

- Betty chờ anh có lâu không?

- Trễ hẹn mười lăm phút. Công việc có bận rộn lắm không anh?

Người con gái nói rồi cầm chai rượu rót vào ly mời chàng thanh niên. Rượu sóng sánh một màu đỏ nhạt, hơi lạnh làm mờ thành ly thủy tinh. Anh uống một ngụm nhỏ, chậm rãi trả lời:

- Thật ra công việc không nhiều nhưng tốc độ tiến chậm là bởi không tìm ra được nguồn tư liệu để chứng minh cho từng thời đại lịch sử. Anh đến trễ vì nạn kẹt xe.

Người thanh niên im lặng, mắt anh dừng lại trên mấy quyển sách cũ của cô gái đặt trên bàn. Lát sau, anh trầm ngâm tiếp lời:

- Tìm hiểu và viết lại lịch sử là một việc làm tầm chương trích cú rất phức tạp và công phu, đòi hỏi lòng nhẫn nại và kế hoạch làm việc. Phục hồi lại một nền văn học hay văn hóa nói chung, bao gồm cả sự giáo dục mang mầu sắc dân tộc, là một việc làm không những cần thiết đến trí tuệ, kiến thức của nhà khoa học mà còn đòi hỏi cái tâm trong sáng, vô tư của người quân tử, cộng với lòng đam mê và sự yêu thích văn chương. Ngoài ra còn phải nhờ vào những nguồn tư liệu văn học, văn chương sáng tác, dịch thuật, chính luận, phiếm luận, truyền thuyết dân gian... trong nước, kể cả tài liệu của hai nền văn hóa Pháp-Mỹ thập niên 60-70, của cơ quan thông tin văn hóa JUSPAO (Joint United States Public Affairs Office), và các tạp chí báo ảnh Thế giới Tự do.

Ngừng lại để nhấp một chút rượu đỏ thấm giọng, chàng thanh niên rầu rĩ nói tiếp:

- Tất cả những thứ đó hiện nay đều quá ít ỏi, hiếm hoi. Một phần không được giữ gìn bảo quản cẩn thận, bị thời gian, côn trùng mối mọt hoặc do phong thổ, thời tiết phá hoại. Phần khác bị tiêu tán bởi tai họa chiến tranh, sự thờ ơ vô tâm của con người và cuối cùng quan trọng nhất là…

Anh bỏ dở câu nói, vói tay cầm những quyển sách cũ ở trên bàn như để chứng minh cho lời anh vừa nói:

- Sau ngày 30/4/1975, tại miền Nam, một số rất lớn khoảng 180 triệu sách báo, phim ảnh, băng đĩa nhạc… đủ loại, nằm trong diện định chế bị nhà nước cộng sản hóa kiếp. Các lãnh tụ đỏ VN tin rằng việc tích cực đốt sách thể hiện trong chiến dịch bài trừ “Văn hóa phẩm Đồi trụy - Phản động" là để tiêu diệt các luồng tư tưởng chống đối, âm mưu lật đổ chế độ và để xóa bỏ mọi thứ văn hóa đồi trụy theo hình thức tư bản của kẻ thù hầu dể bề cai trị, dể dàng xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Với tham vọng đó, họ đã không ngần ngại ra lệnh hủy diệt nhiều di tích đền thờ, miếu mạo lịch sử lâu đời, nhiều di sản văn hóa vô giá. Những con người định kiến đó phát đi những mệnh lệnh cực đoan, cộng thêm sự thi hành nhiệt tình để lập công của các cấp thừa hành dốt nát, lòng chứa đầy hận thù, khiến công tác được mệnh danh là bài trừ văn hóa tàn dư Mỹ-Ngụy đã hủy diệt tất cả, không trừ loại nào. Họ thay thế vào chỗ trống bằng một mớ sách bốc thơm lãnh tụ, tôn vinh đảng. Họ áp đặt vào đời sống nhân dân, xã hội một thứ chủ nghĩa anh hùng giả tạo, hoang tưởng. Họ nhồi nhét vào giáo dục, văn chương một hệ tư tưởng nghèo nàn, dối trá. Họ biến ngôn ngữ VN thành một thứ tiếng nói giáo điều, rập khuôn trong mọi sinh hoạt xã hội, học đường và đời sống hàng ngày. Kết quả là đã làm đui mù, què quặt trí tuệ con người. Ðó chính là nan đề đã tạo ra muôn vàn khó khăn, trở ngại cho công việc tìm kiếm, thu thập, sưu tra cũng như trình bày trung thực của chúng ta. Do vậy, việc nghiên cứu những tài liệu chính xác có tính đa dạng sẽ trở thành tuế toái, nhiêu khê, phiến diện cho các người làm công tác khoa học.

Cô gái nhìn đăm đăm vào chàng thanh niên. Cái nhìn trìu mến, yêu thương pha lẫn ái ngại, lo lắng. Nàng thở dài, cúi nhìn mấy quyển sách cũ, giọng đượm buồn:

- Một quãng đời trôi qua thật nhanh như những tờ giấy hoen ố vết mầu thời gian nầy; Tuy vô tri nhưng lại phảng phất có linh hồn, đang rách nát tả tơi trong hiện tại nhưng chẳng phải đã có ích lợi hàng chục năm, hay cả thế kỷ trước rồi đó hay sao? Những người viết ra nó đã trở thành cát bụi tự bao giờ nhưng sách vở thì vẫn lặng lẽ, im lìm tồn tại và âm thầm truyền giảng những hiểu biết khoa học, tư tưởng nhân sinh, đạo nghĩa con người và văn chương cho nhiều thế hệ tiếp nối về sau. Một trăm năm, quả dài lắm với một đời người nhưng lại quá ngắn so với lịch sử loài người. Người cộng sản cho rằng mình đã làm đúng. Họ cứ khư khư ôm giữ những định kiến cực đoan, thù hận đến độ quá khích. Họ tàn nhẫn hủy diệt không tiếc thương những giá trị tinh thần hiếm quý trong tư tưởng, sáng tác văn học, hội họa, âm nhạc, nghệ thuật và trong phát minh khoa học. Họ ngu muội không biết rằng sách vở là sản phẩm trí tuệ, những tinh hoa quý giá vô cùng, được lưu giữ truyền đạt cho nhiều đời sau, nằm trong những trang sách rách nát hẩm hiu kia. Họ dốt nát cứ tưởng đốt hết sách là diệt được hết tư tưởng nhân dân. Thật ra sách vở nằm ngay trong tinh thần con người, làm sao có thể "đốt" được, trừ phi họ giết hết dân.

Cô gái dừng lời, đốt điếu thuốc rồi nói tiếp:

- Anh nhớ không, theo Sử ký Tư Mã Thiên, thời Tần Thủy Hoàng năm 213 trước CN, cũng đã có chủ trương Đốt sách, Chôn nho (Phần thư, Khanh nho). Sau nầy, cuộc cách mạng Văn hóa tại Trung Hoa vào năm 1953-1960 cũng lặp lại và đã gây nhiều ảnh hưởng đến miền Bắc VN. Thời đó, ngay sau khi tiếp thu Hà Nội, người cộng sản đã áp dụng việc kiểm duyệt đài báo, sách vở, tin tức. Đối với các loại in từ năm 1954 dưới thời Pháp thuộc đều bị tịch thu và tiêu hủy. Do vậy, việc đốt sách tại miền Nam sau ngày 30 tháng Tư cũng chỉ là việc làm lặp lại của sách lược cũ năm 1954 mà thôi.

- Thế còn việc Chôn Nho, em nghĩ sao?

Để trả lời câu hỏi của chồng, Betty nói tiếp:

- Đốt sách thì người cộng sản đã thực hiện ngay, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi cướp đoạt được miền Nam, là xong. Còn Chôn Nho, khác với đời nhà Tần, thời nay cũng được thay đổi hiện đại và nguy hiểm hơn. Họ bắt cầm tù vô hạn định, một cách giết dần mòn, những người văn thi nhạc sĩ miền Nam, bất kể lãnh vực nào và họ gọi đó là "Những tên Biệt kích cầm bút". Năm 1986, một số nhà văn bị ra tòa vì tội "gián điệp", và theo kịch bản được họ dàn dựng trước, có người phải lãnh án tử hình, chung thân hay 20, 18, 15, 12, 10, 8 năm (1).

Chừng như xúc động quá, cô ngừng lời. Một lát sau, cô buồn bã nói tiếp:

- Nhưng điều nguy hiểm nhất không chỉ là Đốt sách, Chôn Nho mà chính là Chôn Học Trò, những thế hệ tương lai, rường cột của đất nước. Cách dạy và bắt học nhồi sọ, cách đánh giá định kiến sai lệch, cách suy nghĩ giáo điều, cách phát biểu rập khuôn… tất cả sẽ là những trở lực to lớn để phát triển tư chất người học sinh, để học hỏi tiếp thu, phát triển và hội nhập vào thế giới văn minh của trào lưu văn hóa đa quốc gia.

Im lặng đột ngột qua tiếng thở dài não nuột. Hai người tuổi trẻ chìm sâu trong ưu tư và họ có cùng chung một ý nghĩ đau buồn: "Âu đó cũng là phần số định mệnh khắc nghiệt đã an bài, muốn dìm sâu dân tộc ta vào sự ngu dốt, lạc hậu và đau khổ triền miên."

Lâu nay, người Việt vốn ít xem trọng sách vở. Ngay cả những tác phẩm quý giá ở trong nước, những tác phẩm văn học thế giới có giá trị đặc biệt hoặc những tuyệt tác đã góp phần rất lớn cho nền văn học nhân loại được thăng hoa, họ cũng mượn về để đọc chùa chứ ít khi chịu bỏ tiền ra mua. Trong tủ kính phòng khách sang trọng, người ta thích trưng bày những đồ vật quý hơn là những tác phẩm văn học nghệ thuật. Sau 1975, những cuốn sách hiếm hoi nầy càng không được người cộng sản ưu ái biết đến. Tuy nhiên không phải là tất cả, vẫn còn rất nhiều người, nhiều gia đình yêu quý sách vở, do vậy họ đã liều mạng cất dấu, giữ gìn.

Không khí sũng buồn, mênh mang. Những lo âu của tuổi trẻ quả là ưu tư lớn lao của mọi người, mọi giới có trách nhiệm xây dựng hướng tiến lên cho tương lai dân tộc.

Người thanh niên đột ngột chuyển sang đề tài khác như để lảng tránh nỗi buồn vừa trỗi dậy:

- Hình như rượu không đúng phẩm chất vang đỏ chính hiệu thì phải, em nhỉ?

Khuôn mặt người con gái trở lại vẻ tươi vui. Giọng nói pha chút hóm hỉnh, cô khẻ trả lời:

- Về Việt Nam chuyến nầy chúng ta gặp nhiều gay go hơn thời trước. Hình như tất cả mọi khuôn phép, trật tự, luật lệ của chính quyền cũ trước đây đều bị thay đổi xáo trộn, cũng giống như phẩm chất giả trá của chai rượu vang nầy.

Cô gái chắt lưỡi than:

- Ừ, mà nghĩ cũng phải. Một quốc gia khi đã thay đổi chế độ tất nhiên phải thay đổi toàn bộ cơ chế xã hội và luật pháp, con người và tư tưởng sẽ ảnh hưởng lây. Em linh cảm lần nầy chúng ta sẽ khó lòng dụng cái tâm bình an của một nhà khoa học khách quan, để làm việc có hiệu quả khi phải tiếp xúc thực tế với một xã hội đang bị thay đổi tận gốc rễ, từ chủ thể đến bản sắc, từ sự việc đến con người, từ trung ương đến địa phương… Tất cả đều trở thành công cụ sai khiến của đảng, hoàn toàn mất đi tính tự nhiên và trung thực.

Đang nói, bất chợt cô gái bắt gặp ánh mắt soi mói của bà chủ quán đang rình rập nghe lén câu chuyện. Cô thay đổi ngôn ngữ. Hai người bắt đầu đối thoại bằng thứ tiếng Pháp trôi chảy.

Bà chủ nghệch mặt ra không hiểu họ nói gì. Trong đầu bà bỗng nẩy sinh ra ý thức cảnh giác cách mạng. Bà suy luận: "Chúng nhiều tiền, chạy xe hơi tư bản, xài bóp đầm Mỹ, hút thuốc lá ngoại, nói tiếng Tây, chắc là gián điệp từ nước ngoài về hoạt động phá hoại, lật đổ hay ám sát như đài báo vẫn thường loan tin." Bà chợt nhớ mấy quyển sách cũ bằng tiếng ngoại quốc mà cô gái đặt trên bàn. Có thể đó là tài liệu hay truyền đơn phản động. Nếu quả đúng vậy thì đây là cơ hội cho bà lập công. Bà tính toán rồi đi nhanh vào bếp. Lát sau bà bưng ra đĩa khoai tây chiên vàng rộm, có những khoanh cà chua, hành tây, dưa leo sắp gọn gàng trông thật ngon mắt. Bà nhỏ nhẹ nói:

- Món thịt bò nướng vỉ sẽ được đem ra ngay bây giờ. Chúc cô cậu ăn ngon.

Miệng nói nhưng mắt thì nhìn chằm chặp vào mấy quyển sách trên bàn. Lúc quay vào, trong lòng bà hớn hở.

Người thanh niên thản nhiên cầm nĩa xăm khoai tây chiên, cho vào miệng nhai ngon lành.

- Anh đói lắm hả? Nhìn anh ăn em cũng biết.

- Trưa nay không có em nên anh cũng lười đi ăn một mình.

Người phục vụ mang ra món thịt bò nướng vỉ thơm lừng, anh ta hóm hỉnh nói với khách đây là món "bò lạc lên đồng". Chàng trai bật cười trước lời quảng cáo dí dỏm. Anh cắt thịt ra miếng nhỏ, bỏ vào dĩa cho cô gái. Hai người bắt đầu ăn. Cô kể cho anh nghe những món ăn được chủ nhân đặt cho những cái tên thật kỳ dị, nhưng rất ấn tượng rồi cô kết luận:

- Chủ quán là người đàn bà đa nghi và lắm chuyện, biết moi túi khách bằng những món ăn đặt tên khác lạ và các chai rượu ngoại bị pha chế, dễ dàng qua mặt mấy tay cán bộ dốt nát nhưng hợm hĩnh, vốn xuất thân từ núi rừng Trường sơn. Không thể nào một chai Côte du Rhône vùng Loire xa xăm nổi tiếng mà chỉ đáng giá 5 đô la Mỹ, nhưng vì tò mò em muốn thử qua một lần để biết trình độ làm hàng giả ở quê hương mình đến mức nào.

Cô gái bỗng thở dài:

- Sau chiến tranh đất nước còn nghèo nàn, đời sống nhân dân quá cơ cực thiếu thốn, mọi thứ thực phẩm đều được phân phối theo chế độ tem phiếu, em tự hỏi tại sao nơi đây vẫn được bán tự do các loại thịt tươi và còn có cả rượu ngoại, một mặt hàng thuộc diện xa xỉ mà nhà nước cấm nhập cảng, vẫn được bày bán thoải mái?

Như để giải đáp thắc mắc của cô gái. Một chiếc mô tô đời mới dừng lại trước cửa quán. Hai người đàn ông trẻ ăn mặc chải chuốt, tay xách cặp da cán bộ bước vào. Bà chủ đon đả chạy ra chào mời, thái độ trịnh trọng. Khách lạnh nhạt đi thẳng vào chiếc bàn bên trong kéo ghế ngồi, lấy thuốc ra hút. Khoảng mười lăm phút sau, một chiếc xe hơi Toyota đời mới sang trọng chạy đến đỗ xịch trước cửa quán, thả xuống hai người đàn ông trung niên nước da tai tái, ăn mặc xuề xòa nhưng dáng điệu kênh kiệu, rồi chiếc xe chạy vù đi. Cả hai trên tay cũng xách cặp cán bộ, mặt nghiêm nghị giả tạo, đẩy cửa đi thẳng vào bên trong, đến chiếc bàn có hai người chạy mô tô ngồi đợi sẵn từ trước.

Nằm khuất trong góc kín, bốn cán bộ nhà nước đang say sưa với cognac, tôm hùm, bào ngư, yến sào, thuốc ba số 5 Inter. Người ở ngoài không thể thấy gì được, nhưng nhìn vẻ cung kính của bà chủ và phong cách bệ vệ quan liêu của khách, người ta cũng đoán ra được họ là những quan chức đương thời, quyền uy tột đỉnh.

À! thì ra là vậy. Hai người trẻ tuổi nhếch môi cười khinh bỉ, rồi thản nhiên thưởng thức các món ăn và chuyện trò bằng tiếng Pháp, tuyệt nhiên không thèm quan tâm đến những biến động diễn ra chung quanh. Trong lúc ở bàn bên kia, nơi góc kín, bốn người đàn ông đa nghi đang chú ý theo dõi từng cử động của hai con người mà theo lời bà chủ đa sự báo lại, là thành phần nguy hiểm từ nước ngoài trở về, đang có âm mưu đen tối.

Trong khoảng không gian nhỏ bé của quán ăn vẫn có sự ngăn cách được vạch ra từ những con người huênh hoang tự mãn, đang say men chiến thắng. Họ giả hình giả hiệu là đầy tớ của dân để tự cho phép mình những đặc quyền đặc lợi. Họ nhân danh của lương tri, đạo đức cách mạng, những mỹ từ đẹp đẽ, cao quý để lừa bịp một dân tộc hiền lương, chỉ ước mong đủ ăn và có được chút hạnh phúc đơn giản gói ghém trong hai chữ bình an là đủ, nhưng vẫn không được.
 

5- Người hầu bàn mang ra món tráng miệng, chè hạt sen nấu với rong biển. Chàng trai chậm rãi thưởng thức món ăn quê hương, thần dược giải nhiệt mà ít khi có được trong những ngày sống tha hương xứ người. Anh rút một điếu thuốc châm lửa hút khoan khoái. Người con gái nhìn anh mỉm cười âu yếm. Nàng biết anh rất ít hút thuốc, chỉ khi nào gặp điều hứng thú hoặc được ăn ngon, anh mới cho phép mình hưởng đặc ân đó. Khác với nàng, thường hút thuốc khi phải suy nghĩ hay lúc gặp chuyện bực mình.

Betty vói tay lấy bao thuốc. Gói thuốc trống rỗng không còn một điếu. Thấy vậy chàng lên tiếng:

- Anh quên nói với em, sáng nay anh vừa nhận được bưu phẩm của gia đình gởi qua, trong đó có thư và thuốc lá của bố gởi cho em. Tất cả anh còn để ở ngoài xe.

Cô gái reo lên mừng rỡ. Cô cám ơn rồi nhanh nhẩu cầm chìa khóa xe bước ra ngoài. Trong lúc chàng trai đang lần giở từng trang sách cũ, chăm chú đọc với vẻ thích thú.

Khi ra đến bên ngoài, cô gái bỗng nghe có tiếng kêu la huyên náo, tiếng chân chạy loạn trên hè phố, chổ bày bán sách báo, đồ cũ. Những người chiếm dụng lề đường, buôn bán hàng bất hợp pháp đang gấp rút dọn đồ vào các tấm vải bạt có quai, vác lên vai chạy trốn. Ðộng tác của những con người tội nghiệp nầy rất nhà nghề và nhanh chóng khi bị công an truy bắt. Có vậy họ mới kiếm được miếng cơm nuôi gia đình thoát được cái đói.

Hình như có tiếng cãi nhau của cô gái ngay sau chiếc xe Volvo, khi cô cầm lá thư viết bằng tiếng Pháp và mấy gói thuốc lá ngoại. Vài phút dằng co rồi cô gái bực dọc bước trở vô quán. Theo sau là hai người đàn ông mặc sắc phục công an mang súng ngắn, tay cầm dùi cui, mặt đằng đằng sát khí. Một người dằn mạnh tay lên bàn, giọng hằn học:

- Một lần nữa chúng tôi yêu cầu cô nộp các thứ cầm trên tay và xuất trình giấy tờ tùy thân. Cách mạng sẽ khoan hồng cho những ai biết tự giác, hối lỗi nhưng ngược lại sẽ nghiêm trị xứng đáng kẻ nào cứng đầu, ngoan cố.

Chợt nhìn thấy chàng thanh niên đang cầm trên tay quyển sách đọc dở, người công an chồm tới giật mạnh. Quyển sách cũ đứt tung gáy, từng trang giấy ố vàng rơi lả tả xuống nền nhà in đầy những vết dép râu bẩn thỉu của hai con người đang thi hành luật pháp. Chàng trai đứng bật dậy, mặt đỏ bừng tức giận nhưng vẫn cố giữ bình tỉnh, nói:

- Yêu cầu hai ông không được quyền hành xử thô bạo như vậy.

Ðưa nắm giấy vừa giật được, tên công an cười gằn nói:

- Tù đến đít rồi mà còn đòi dân chủ. Lần nầy các ông sẽ cho chúng mầy biết cái giá phải trả của những tên biệt kích văn hóa phản động.

Lời nói xấc xược, đầy vẻ hăm dọa chụp mũ, mang âm sắc nặng nề, trọ trẹ khó nghe của miền đất đã sinh ra một lãnh tụ cuồng vọng, hiếu chiến đầy tội lỗi. Hai người không ngờ rằng những lời đồn đãi tưởng là bịa đặt về tác phong, đạo đức, cung cách làm việc của công an lại là sự thật.

Ly tan, mất mát, lạc hậu, nghèo dốt vốn là hậu quả tất nhiên của chiến tranh, nhưng chấm dứt chiến tranh rồi thì mọi người dân phải được yêu thương, đối xử bình đẳng. Có vậy dân mới hết lòng xây dựng lại quê hương, vì đó là nghĩa vụ thiêng liêng cao quý của con người yêu nước. Thế mà qua hai sự việc, hai hình ảnh trái nghịch lại đang xảy ra trước mắt. Một đàng là kẻ có quyền uy tự cho phép mình được hưởng thụ những thứ hiếm quý, trong khi người dân lầm than cơ cực phải tìm phương cách sống lây lất bên vỉa hè mà vẫn bị truy bức. Một đàng khác là những kẻ muốn chứng tỏ quyền uy của mình bằng sức mạnh bạo lực, bất kể thị phi hay nhân tâm tình người.

Bên ngoài bỗng có tiếng quát tháo hòa lẫn tiếng khóc lóc van xin náo loạn hẳn lên. Ðàn bà và trẻ em chậm chân không may bị bắt, bị tống lên xe cây cùng với tang vật. Những ai giằng co chống lại không chịu lên xe, bị đám công an đánh đập bằng dùi cui không nương tay. Tiếng kêu khóc nhức nhối.

Không còn chịu đựng nổi trước cảnh bất công và thương tâm đang tận mắt chứng kiến, đôi thanh niên cùng lúc xô cửa xông ra ngoài. Họ quyết định nhập cuộc để yêu cầu công an ngừng tay đàn áp. Họ kéo vội những đứa trẻ và phụ nữ bị đánh đập ra phía sau, phần họ đứng che chắn đàng trước, trực diện đối mặt với những tên hung thần ác sát có vũ khí trong tay. Sự xuất hiện bất ngờ của đôi trai gái bảnh bao làm đám công an bị khựng lại. Cùng lúc hai tên công an ở trong quán cũng vừa chạy theo ra đến nơi, chúng quát to:

- Đó là hai tên biệt kích văn hóa. Bằng chứng đã có đây, các đồng chí hãy mau bắt lấy chúng. 

Nghe lời đồng bọn, bọn công an nhào tới tấn công. Dùi cui của chúng vung lên tới tấp, đám dân lành ngã dúi dụi. Sức yếu thế cô, cuối cùng người thanh niên bị họ đánh ngã, khóa tay. Cô gái và các phụ nữ, trẻ em bị chúng dùng roi điện dồn hết lên xe, giải thẳng về Sở công an thành phố. 

6- Tối hôm đó tại cơ quan an ninh, người hỏi cung đôi thanh niên trí thức là một trong hai người đàn ông nước da tai tái, xuất hiện ở quán ăn trên chiếc Toyota đời mới. Thì ra ông ta là sếp lớn của công an. Người đàn ông quyền lực nầy chứng kiến tường tận mọi việc và tin vào lời bà chủ quán kể, nên đã bỏ ngang bửa nhậu với các đồng chí thân yêu, vội vã trở về cơ quan để thẩm vấn tội phạm, bất kể giờ giấc ban đêm. Ông ta chắc mẩm phen nầy sẽ lập công lớn, bắt được hai tên tình báo gián điệp với đầy đủ hồ sơ chứng cứ, từ nước ngoài trở về hoạt động phản động. Ðôi mắt ông nổi đầy gân máu, mồm nồng nặc mùi rượu, bước đi chuếnh choáng. Ông đập bàn, chỉ tay vào mặt đôi nam nữ lớn tiếng thóa mạ và trói buộc họ những tội danh ghê gớm. Nào là phản bội tổ quốc, nào là bám đít đế quốc, vân vân và vân vân. Hai thanh niên cương quyết phủ nhận lời vu khống. Cô gái lên tiếng chỉ trích hành động tàn bạo của công an và đòi phải đưa họ đi bệnh viện cấp cứu, nhất là chàng thanh niên, cánh tay sưng to vì bị đánh bằng dùi cui.

Cảnh hỏi cung, truy bức cung và khám xét, kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ vẫn không đem lại kết quả gì. Mệt mỏi, tức giận, tên thủ trưởng lạnh lùng ký lệnh tống giam hai người vào ngục tối chờ sáng mai điều tra tiếp.

Nhìn đôi thanh niên nam nữ lầm lũi bước vào phòng giam, ánh mắt họ tràn đầy vẻ chán nản và thất vọng, người ta hiểu ngay rằng, nhà cầm quyền hiện hữu đã hoàn toàn đánh mất thiện cảm và niềm tin trong lòng hai người trẻ tuổi trí thức đầy nhiệt huyết, ngay từ lúc nầy.

7- Thành phố đã lên đèn. Những âm ba tiếng động vang từ đường phố náo nhiệt vọng vào tận đến nhà giam. Ngồi trong căn phòng tù chật chội, hôi hám, đầy ruồi muỗi kinh khiếp, người thanh niên phải tựa vào tường, gồng mình cố chịu đựng những cơn đau nhức như những lằn roi điện quất thẳng vào não bộ. Anh nghĩ, xương tay có thể bị gãy rồi. Thời gian chậm chạp trôi qua. Cơn đau càng lúc càng gia tăng. Anh thấy nóng, mồ hôi vã ra như tắm. Lát sau lại thấy lạnh, lạnh phát run lên. Không chịu nổi, anh cất tiếng gọi người cai tù. Cố gắng nhiều lần nhưng vô ích. Tiếng anh vang động rồi tan loãng qua những bức tường giam âm u, mờ mờ ánh điện vàng vọt. Văng vẳng đâu đây có tiếng thở dài não nuột, ai oán của những người tù nhớ nhà, nhớ tết. Cứ thế, thời gian trong nhà tù xã hội chủ nghĩa nhận sâu người thanh niên vào mớ cảm giác bềnh bồng, hỗn loạn của cơn sốt. Người anh lả đi, tai ù lên. Anh từ từ chìm vào cơn mê sảng.

Không biết đến bao lâu, bỗng có tiếng khua động lẻng kẻng của dây xích sắt kéo trên cánh cửa tù vừa được mở ra. Có thêm tù mới. Anh mơ mơ màng màng nghĩ thế. Mãi tới lúc có ánh đèn pin chiếu sáng lòa vào người, anh mới giật mình chợt tỉnh. Tiếng cai tù gọi tên anh bảo đi ra ngoài. Anh ôm cánh tay đau gượng đứng lên, bước lảo đảo ra khỏi nơi tăm tối của cuộc đời. Trong trạng thái mơ hồ, anh lờ mờ nghe tiếng nói và hình bóng nhiều người đứng lố nhố. Một cô gái bổ nhào đến ôm chặt anh, bật khóc nức nở. Anh nhận ra đó là Betty. Một người đàn ông da trắng cao lớn, đứng tuổi, có bộ râu quai nón bao quanh cằm bước vội đến, vừa kịp lúc giữ anh khỏi té ngã. Ông đặt tay lên trán anh rồi nói nhanh bằng tiếng Pháp:

- Phải đưa Francois đi bệnh viện cấp cứu gấp. Anh ta đang bị lên cơn sốt cao độ.

Người thanh niên trước khi lịm vào cơn mê vẫn còn kịp nhận ra tiếng nói của ông già Bernard, người đại diện chính thức của Trung tâm Unesco, được kẻ chủ nhà cầm quyền mời đến để nghiên cứu về lịch sử và phong tục, văn hóa Việt Nam.
 

8- Bắt tay chào từ giã những người bạn đồng nghiệp đa quốc gia của trung tâm đặc trách nghiên cứu văn hóa Liên hiệp Quốc, đôi thanh niên nam nữ Việt Nam lên đường trở về Pháp. Khác với lần trở về thăm quê hương trước đây vào năm 1975, lần nầy Betty và Francois ra đi mà lòng trĩu nặng nỗi buồn đau mênh mang.

Cùng tốt nghiệp tiến sĩ nhân văn học, chuyên khoa lịch sử Ðông phương, cả hai đã đi đến nhiều quốc gia Châu Á, đã làm công việc chuyên môn và họ trở thành đôi vợ chồng người Pháp gốc Việt rất thành công ở xứ người.

Sau chiến tranh, nước VNDCCH được ủy ban phục hồi văn hóa thế giới Unesco tài trợ ngân sách. Và theo lời đề nghị của ông già Bernard, trưởng ban điều hành trung tâm văn hóa Thái Bình Dương, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã khẩn khoản thỉnh cầu hai vợ chồng Francois - Betty trở về quê hương làm việc, vì sự hiểu biết chuyên môn uyên bác và thông thạo tiếng mẹ đẻ của họ.

Từ lâu ấp ủ ước muốn cao đẹp là phục hoạt lại nền lịch sử, giáo dục và văn hóa với những tác phẩm giá trị, những thiên sử thi tầm cỡ mang đậm nét dân tộc tính của quê hương, nên cả hai đã vui vẻ nhận lời. Ðôi vợ chồng trẻ được phép đi đến mọi miền đất nước, được quyền thu thập, trưng dụng và nghiên cứu tất cả các tài liệu, sách vở, báo chí. phim ảnh của Việt Nam và thế giới... không kể thời đại, chế độ, thể chế chính trị để thống kê, đúc kết và hoàn tất sử liệu quốc gia. Tình yêu, tài năng, tâm huyết và hoài bảo xây dựng lại quê mẹ sau chiến tranh, thúc đẩy hai người tuổi trẻ bất chấp gian khổ, kiên trì đi khắp mọi nơi để góp nhặt những tác phẩm văn học may mắn còn rơi rớt lại, sưu tầm những sự kiện lịch sử, thân thế và sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc... và họ đã phải đối đầu với biết bao khó khăn, trở ngại khi tiếp xúc làm việc với những cán bộ cách mạng thiển cận, hẹp hòi, ít học nhưng đầy định kiến, đố kỵ và quan liêu. Họ đã viện dẫn nhiều lý do để tự an ủi, dằn tâm bỏ qua tất cả. Họ đã hết lòng với quê hương, với dân tộc.

Tuy nhiên lần nầy thì khác. Sự việc xảy ra có tầm mức quá nghiêm trọng. Francois thầm nghĩ: "Giá hôm đó Betty cũng giống như anh, quên mang theo thẻ chứng minh công tác của Ban Lịch sử trung ương cấp và ông già Bernard không tình cờ có mặt tại văn phòng, để xác minh lý lịch hai người thì hậu quả sẽ rất bi đát, có thể dẫn đến chết người do cơn sốt đột biến hoặc cánh tay sẽ bị tàn tật vĩnh viễn vì không được cứu chữa kịp thời".

Ðại diện trung ương đảng Cộng sản tại Hà Nội và thường vụ đảng ủy Sài Gòn đã có mặt ngay ngày hôm sau để xin lỗi. Tên thủ trưởng kiêu căng và các nhân viên công an hung dữ, thường xuyên hà hiếp dân lành bị đình chỉ công tác tức khắc và phải nhận lãnh mức phạt kỷ luật tối đa hầu làm hạ cơn giận của ông già Bernard và vợ chồng Francois-Betty. Nhưng, mặc kệ những lời van xin, năn nỉ ỉ ôi của tay thủ trưởng và những tên công an quen thói đánh người, hai vợ chồng Francois cương quyết hủy bỏ hợp đồng có lý do chính đáng trước thời hạn, để trở về Pháp với cánh tay bó bột treo toòng teng trước ngực.

Hôm tiễn đưa hai người tại phi trường, lúc có mặt đông đảo những nhà khoa học trong và ngoài nước, trước những người lãnh đạo quốc gia hiện tại, Francois phát biểu: 

"Ðiều nguy hiểm nhất cho dân tộc chúng ta là bị đóng cũi quá lâu trong một chế độ khép kín, chỉ do một guồng máy quyền lực độc đoán thống trị. Một quốc gia trong thời loạn có thể cần thiết một nền cai trị bá đạo để nắm giữ quyền lực và bảo vệ thành quả. Nhưng một khi đã chấm dứt chiến tranh, hòa bình được lập lại rồi, thì nên áp dụng một thể chế chính trị vương đạo. Tự do, dân chủ, tôn trọng đạo đức, thực thi quyền dân sinh thì tổ quốc sẽ phồn vinh, dân tộc được an lạc, quê hương sớm loại bỏ những hậu quả khốc liệt do chiến tranh gây ra và chắc chắn còn để lại nhiều di chứng dài lâu. Ðó mới chính là đắc sách. 

Ngược lại khi chiến tranh chấm dứt, thanh bình đã vãn hồi rồi mà các ông vẫn còn tiếp tục áp đặt nền cai trị bá đạo lên đầu nhân dân thì chẳng khác nào đã đẩy dân tộc đi đến một thảm họa khác, còn khủng khiếp hơn cả sự hủy diệt của chiến tranh.

Cuối lời phát biểu, Francois nêu ra trường hợp của anh là bài học cảnh giác cho các bạn đồng nghiệp, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh cho những con người may mắn có được chiến thắng bất ngờ. 

9- Phi cơ nghiêng cánh đảo một vòng trên thành phố Sài Gòn như luyến lưu chào giã biệt. Betty ngã vào lòng Francois trong dòng nước mắt thổn thức. Há chẳng phải cô vừa mất đi tình yêu quê hương dân tộc, một thứ tình cảm thiêng liêng trong tâm hồn thanh cao của người con gái trí thức Việt Nam sống ly hương đó sao? Betty hụt hẫng, thất vọng như tâm trạng một cô gái dậy thì đang háo hức được yêu bỗng dưng bị tước đoạt mất đi tình yêu. Cứ nghĩ là sẽ chẳng bao giờ trở lại quê hương, cô cảm thấy quặn thắt, đau nhói trong lòng.

Francois cũng đang suy nghĩ về những kẻ có trách nhiệm lèo lái con thuyền quốc gia dân tộc trước đầu sóng ngọn gió, phải vượt qua cơn bão táp của đói nghèo, lạc hậu và sự đe dọa sinh tử tồn vong của tổ quốc trước họa bá quyền phương Bắc. Họ đang dốc tâm lo toan hay vẫn an nhiên thụ hưởng những thứ quyền lực và tài sản sẵn có, mặc kệ nỗi khát khao tự do, no ấm, bình an chính đáng của một dân tộc luôn bị áp bức, thống khổ?

Còn nữa, còn những người bạn chuyên gia của họ. Những con người cao quý từ năm châu bốn bể đến Việt Nam giúp chủ nhà viết nên những trang lịch sử. Họ là những kẻ có trí tuệ, thừa tâm huyết, đầy đủ tâm thành, nghị lực và hết lòng tận tụy với công việc lợi ích chung của nhân loại, liệu họ có còn kiên nhẫn chịu đựng nổi khi phải làm việc và sống chung với một bầy lang sói mang mặt nạ người? hay rồi cũng phải ra đi như vợ chồng họ?

Francois và Betty cúi nhìn quê hương thân yêu đang khoác chiếc áo mùa xuân xinh đẹp, lòng họ thầm nghĩ, mùa Xuân sẽ không bao giờ trở lại nếu tổ quốc, dân tộc vẫn còn tiếp tục bị nhuộm đỏ.

TiênSha- LêLuyến (Atlanta)
-----------------------------------------------

(1) - Doãn Quốc Sỹ: Tử hình hay chung thân.
- Hoàng Hải Thủy: Chung thân – 20 năm.
- Dương Hùng Cường: 8 năm.
- Lý Thụy Ý: 15 năm.
- Nguyễn Thị Nhạn: 12 năm.
- Hiếu Chân Nguyễn Hoạt: 10 năm.
- Khuất Duy Trác: 8 năm.
- Trần Ngọc Tự: 8 năm.
(Theo hồi ký "Những tên Biệt kích cầm bút" của nhà Văn Hoàng hải Thủy tức Công tử Hà Đông)

No comments:

Blog Archive