Monday, January 22, 2018

Nguyễn Ngọc Ngạn: Người Việt không có tự ái dân tộc, chỉ có tự ái cá nhân!


VBF-Nguyễn Ngọc Ngạn viết về quá nhiều thứ liên quan đến cả chính trị và kinh tế, lịch sử. Chỉ trong một bài viết ông lại có thể nói rất hay và có thể cho là nói thẳng, nói thật. Ông cho rằng kinh tế Cộng Sản không sụp thì Trung Cộng vẫn giữ nó thì sẽ không cường thịnh như ngày nay có lẽ tốt hơn.

Thông thường, khi thực hiện cuộc phỏng vấn với một nhân vật, chúng tôi vẫn có thói quen trích tiểu sử của họ như lời giới thiệu đến độc giả trước khi bước vào không gian những câu chuyện, có chút riêng tư, có khi cũng nhiều công khai. Riêng đối với nhà văn, kiêm MC, kiêm nhà soạn kịch Nguyễn Ngọc Ngạn, thì việc này, có lẽ, dư thừa.

Lược qua vô số những cuộc phỏng vấn với ông, trên báo chí cũng như qua video trong suốt hơn 40 năm sinh hoạt văn học & nghệ thuật của ông, chúng tôi cảm nhận rõ sự thử thách trong quá trình chuẩn bị cho lần mạn đàm này của chúng tôi với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.

Ông không thích dẫm trên lối mòn, và chúng tôi, lại dị ứng những lời gợi ý qua loa. Chúng tôi đắn đo về những câu hỏi có vẻ đặt ông vào thế khó xử, với địa vị xã hội cũng như những vai trò và trách nhiệm mà ông gánh vác hiện thời. Nhưng chúng tôi tin, với sự can đảm và khéo léo, ngay cả những câu chối-từ-trả-lời của ông, nếu có, hẳn cũng sẽ chứa đựng sự thâm trầm, uyên bác.

Mỗi câu chuyện ông kể dưới đây, dẫu có vẻ như vụn vặt, là sự tích lũy của một chuỗi tháng ngày sống, sáng tạo, trải nghiệm, và học hỏi từ những cái-không-ngờ.

Lưu Diệu Vân (LDV): Khác với vẻ ngoài đạo mạo và phong cách nhà giáo, ông có cái nhìn dí dỏm về xã hội trong văn phong. Phải chăng người ta hay viết qua cái nhìn của alter-ego, một cá tánh trái ngược với chính mình, hay ông cố tình muốn gởi gấm những gì qua nét hài hước đặc thù?

Nguyễn Ngọc Ngạn (NNN): Óc hài hước có thể coi là một cái gift trời cho. Cùng một sự việc có người nhìn thấy khía cạnh hài hước, có người không. Chẳng hạn sau năm 1975 ở Việt Nam, có lúc nhà nước hết tiền, chỉ thị công nhân lãnh lương bằng sản phẩm. Thí dụ: Ai làm trong công ty may mặc thì lãnh lương bằng quần áo. Người làm trong hãng sản xuất thuốc lá thì ôm thuốc lá về. Ai làm trong công ty mì sợi thì lãnh lương bằng mì sợi. Đọc được bản tin đó, tôi liền viết một truyện ngắn về hợp tác xã sản xuất quan tài (đóng hòm người chết). Đến ngày lãnh lương, hợp tác xã không biết làm cách nào để trả lương cho công nhân bằng sản phẩm! 

Cái năng khiếu khôi hài tự nhiên mà tôi có, như cô nói, tôi đã dùng được trong văn chương, trên sân khấu và khi soạn kịch. Nó đã tạo cho tôi cái phong cách riêng mà ngay từ những truyện ngắn đầu tiên cách đây 39 năm đã được độc giả tán thưởng. 

Nếu nói dài dòng thì phải kể, ngay từ nhỏ tôi đã ham đọc truyện. Qua nhiều loại tiểu thuyết khác nhau, cuối cùng tôi vẫn quay trở lại với lối văn hiện thực. Có hai truyện làm tôi xúc động nhất thời còn trẻ là “Sống Chết Mặc Bay” của Phạm Duy Tốn và “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố. Rõ ràng các tác giả ấy có dụng ý dùng lối văn hiện thực, châm biếm, để cải thiện xã hội. Đó là con đường tích cực, đúng với quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh” mà tôi muốn đi theo. Phảng phất trong tất cả các chuyện của tôi, độc giả đều thấy tôi chống lại sự giả dối và bất công xã hội.


LDV: “Nước Đục” được đánh giá như tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Ngọc Ngạn. Ông có đồng ý với nhận xét này không? Tác phẩm nào là tác phẩm ông hối tiếc nhất? 

NNN: Tôi viết “Nước Đục” năm 1984 lúc tôi sống trên đảo Prince Rupert, chỉ có vài gia đình người Việt. Chỉ nhờ đọc báo từ các nơi gửi về, tôi mường tượng ra được sinh hoạt của người Việt ở các thành phố lớn để từ đó tôi viết.

Cô cần hình dung lại, vào thời điểm ấy, 10 năm đầu của đời tỵ nạn, xuất hiện khá nhiều người cầm bút giống như tôi, nghĩa là trước 1975 chưa hề viết văn. Đa số viết là để giãi bày tâm tư trước cuộc đổi đời chứ chẳng ai nghĩ đến chuyện sẽ thành nhà văn. Đề tài chống Cộng, hồi ký cải tạo hay vượt biển, hồi ký chiến trường, luyến nhớ dĩ vãng, là những nội dung chính. 

Trong bối cảnh ấy, “Nước Đục” có thể coi là quá mới mẻ và táo bạo nên thu hút rất đông độc giả. Một thí dụ nhỏ: Lúc ấy lòng người còn sôi sục nên nhiều tổ chức kháng chiến ra đời với những tuyên bố rất lớn lao như “quang phục quê hương”, “giải thể đảng Cộng Sản”.

Tôi ở trên đảo vắng, theo dõi báo chí mà lòng buồn vời vợi. Chẳng biết các tổ chức ấy có làm được gì hay không, nhưng trước mắt đã gây phân hóa quá trầm trọng, nảy sinh trò chụp mũ bừa bãi, làm suy yếu hẳn cộng đồng. Vì vậy trong “Nước Đục” tôi viết: 

Khi người mẹ có đứa con bình thường thì mong cho nó trở thành xuất sắc. Nhưng nếu chẳng may có đứa con hư thì chỉ mong cho nó bình thường mà thôi. Chúng ta là những đứa con hư của mẹ Việt Nam, chúng ta hãy cố gắng trở nên bình thường trước khi toan tính chuyện phi thường!” 

Lúc đó có tờ báo phỏng vấn tôi, tôi trả lời rằng: “Mấy chục năm sau, nếu có người đọc Nước Đục, thì sẽ hình dung ra được cộng đồng người Việt hải ngoại buổi mới thành hình nó như thế nào.”

Bây giờ thì tôi biết tôi lầm, “Nước Đục” viết đã 34 năm rồi mà cộng đồng mình, xét tổng quát, thì vẫn như thời ấy, chưa thay đổi bao nhiêu, nhất là trò chụp mũ!

Cô hỏi có tác phẩm nào tôi hối tiếc hay không thì tôi có thể trả lời ngay là có. Cuốn “Sau Lần Cửa Khép” tôi viết ngay sau khi nghe tin một số bác sĩ Việt Nam bên Mỹ bị bắt vì gian lận y tế. Chuyện mới đăng được một hai kỳ thì có ông bác sĩ quen gặp tôi và than phiền là tôi “tuyên chiến với giới y khoa”, làm tôi phải đổi hướng, quẹo sang thành chuyện tình! Rõ ràng là đầu voi đuôi chuột!

LDV: Có một số tác giả và nhà phê bình văn học nhận xét Nguyễn Ngọc Ngạn đã đem văn chương đến với đám đông thay vì đến những độc giả chọn lọc qua những sáng tác truyện ma (rất ăn khách) và kịch nghệ (rất hài hước). Hiện nay, khi tra Google tên “Nguyễn Ngọc Ngạn” thì có hơn 1 triệu kết quả! Ông thích là một nhà văn được đồng nghiệp đánh giá cao, hay là một người có nhiều fan hâm mộ ở mọi tầng lớp?

NNN: Theo tôi, bất cứ nhà văn nào ở hải ngoại cũng đều không nên tin vào sự đánh giá của đồng nghiệp! Thời tiền chiến, có những nhà phê bình văn học nghiêm chỉnh như Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Hoài Chân. Họ làm việc có phương pháp và quan trọng nhất là có tinh thần khách quan. 

Ở hải ngoại, văn giới bị chi phối bởi phe nhóm, cho nên phê bình thường dựa trên cảm tính. Bởi vậy dù khen hay chê cũng đều không phản ánh sự thật. Tôi nhớ hồi tôi mới về Toronto, Hội Văn Hóa Việt Mỹ ở Cali do chính quyền Mỹ tài trợ, mỗi năm thường tổ chức hội thảo. Giáo sư Đỗ Đình Tuân phụ trách chương trình này, mời tôi sang làm diễn giả vì lúc ấy tôi sáng tác nhiều, in sách nhiều và nhất là vì tôi có sách tiếng Anh được nhà xuất bản Mỹ ấn hành. Một số các nhà văn bên Mỹ đã phàn nàn với giáo sư Tuân: Tại sao không mời một nhà văn ở Cali mà lại mời người từ Canada sang thuyết trình! Rõ ràng họ vẫn có cái tự hào Cali là thủ đô, Canada chỉ là ngoại biên! 

Một chuyện nhỏ khác: Thời Báo Toronto có lúc trao đổi bài vở với một tờ báo ở Cali. Thời Báo nhận một số bài của họ và để đổi lại, Thời Báo đưa truyện dài của tôi cho họ đăng. Họ cũng biết truyện của tôi mang lại nhiều độc giả. Nhưng họ từ chối vì “đăng truyện Nguyễn Ngọc Ngạn thì các nhà văn bên này sẽ không vui!”

Chuyện phe nhóm trong văn giới hải ngoại là điều có thật, có ngay từ buổi ban đầu, đến giờ này vẫn tồn tại. Mà khi đã có phe nhóm thì sự đánh giá của đồng nghiệp làm sao còn khách quan được nữa!

Nhà văn Mạc Ngôn của Trung Hoa có nhiều giải thưởng quốc tế kể cả giải Nobel. Vậy mà khi một nhà báo Việt Nam phỏng vấn, ông nói: “Bên Trung Quốc có nhiều người chống tôi. Nhờ vậy tôi mới biết mình quan trọng!”
Chúng ta có thể thấy ngay sự cay đắng trong câu trả lời của Mạc Ngôn. 

Truyện “Cao Lương Đỏ” của ông được thực hiện thành phim, cả phim ngắn (Củng Lợi đóng) lẫn phim bộ (Châu Tấn đóng). Ông nổi tiếng quá, khó tránh được sự ganh ghét của đồng nghiệp.


Ở Mỹ hay bất cứ quốc gia tân tiến nào, đều có hai phương thức đánh giá tác phẩm: Academy’s Choice và People’s Choice. Cộng đồng chúng ta nhỏ bé quá nên không thể có Academy’s Choice mà chỉ có People’s Choice. Tôi đã đạt được cái thứ hai là People’s Choice, tức là sự lựa chọn của quần chúng, điều mà ngay từ lúc mới đặt bút viết văn tôi đã mong muốn. Tôi là người có đông độc giả nhất, nếu tính cả audio books. Hơn 80 băng đọc truyện của tôi tràn ngập trên mạng dù tôi không biết ai đưa lên. 

Tôi viết khoảng 70 vở kịch, có những vở như “Con Sáo Sang Sông”, Thúy Nga bỏ lên YouTube, có đến 25 triệu lượt người xem. Nhà văn Thế Uyên nhận xét về tôi như sau: “Ngày nào chính quyền Cộng Sản bãi bỏ lệnh cấm bán sách từ hải ngoại, chắc chắn sách của Nguyễn Ngọc Ngạn sẽ bán chạy trong nước. Lý do ông là người kể chuyện có tài, dùng một bút pháp của đời thường, dễ hiểu, nên sách của ông đặc biệt thành công nơi phụ nữ.” (Hợp Lưu, tháng 10 & 11/2006).

Đọc đoạn văn này, chắc cô không vui! Vì cứ theo nhà văn Thế Uyên thì nhờ tôi viết “dễ hiểu” nên phụ nữ mới đọc được!

LDV: Vâng, chắc chắn vậy. Nếu Thế Uyên còn sống, LDV sẽ phản đối thẳng với tác giả rồi. Nhưng riêng ông có nghĩ rằng thành công của các tác phẩm Nguyễn Ngọc Ngạn đến từ độc giả nữ và lối viết dễ hiểu hay không, bởi là một phụ nữ, LDV không nghĩ rằng văn Nguyễn Ngọc Ngạn “dễ hiểu”, mà thật ra, chứa đựng nhiều ẩn dụ châm biếm xã hội.


NNN: Nhà văn viết cho độc giả, không viết cho đồng nghiệp. Đó là điều hiển nhiên. Mỗi nhà văn chọn cho mình một loại đối tượng độc giả. Phần tôi, tôi không nhắm riêng vào thành phần độc giả nào, mà nhắm vào tất cả mọi người. Tôi làm video mong có đông người coi, viết truyện mong có đông người đọc, thu audio book mong có đông người nghe. Đó là sở nguyện của tôi. Chỉ có điều, tôi vẫn tưởng chuyện của tôi đàn ông đọc nhiều, cho đến khi đọc bài của nhà văn Thế Uyên, tôi mới biết chuyện của tôi “đặc biệt thành công nơi phụ nữ”! Điều này làm tôi rất mừng! Nhân đây cô cũng cho tôi nói qua về truyện ma của tôi mà cô vừa đề cập đến. 

Có lần tôi đọc một bài báo viết về tôi: Nguyễn Ngọc Ngạn là người đùa giỡn với văn chương. Ngay cả những truyện nghiêm trang nhất, độc giả vẫn bắt gặp những nụ cười trong đó.

Tôi nảy ra ý định viết một loại truyện mà không thể chen nụ cười vào được, đó là truyện ma, hay đúng hơn là truyện kinh dị giống như Stephen King. 

Sau chuyến lưu diễn ở Âu châu về, tôi viết thử truyện ma đầu tiên, đặt tựa là “Đêm Trong Căn Nhà Hoang”. Trước đó tôi đã đọc hầu hết các truyện ma của các tác giả tiền bối như Nhất Linh, Nam Cao, Thế Lữ, Vũ Hạnh, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Tuân, Hồ Trường An, Phạm Cao Củng, Bồ Tùng Linh, v.v... Nhưng tôi thấy những truyện đó… nhẹ quá, giống như ăn ớt không đủ cay! Liêu Trai Chí Dị thì toàn ma sexy đêm đêm hiện về! Tôi tự đặt ra mục tiêu: Đọc truyện ma, người ta phải sợ. Nếu không sợ là mình thất bại!

Quả nhiên tôi đã làm được công việc đó, gây chấn động ở quốc nội, hàng loạt báo trong nước yêu cầu ngăn cấm vì học sinh nghe, sợ quá không ngủ được! Truyện ma của tôi ăn khách đến nỗi nhà xuất bản Văn Học và Tuổi Trẻ lấy đem in trộm, đổi tựa truyện và tên tác giả. Báo Người Lao Động phát giác ra và lên tiếng tố cáo, gây ồn ào cả năm trời. 

Hôm nay nói chuyện với cô về truyện ma, tôi phải… khai thật là, lúc ấy tôi hơi tham vọng, muốn thử một khúc rẽ mới xem mình có khả năng hay không! Sau này tôi lại liều thêm một lần nữa là chuyển sang viết kịch. Cô có thấy ai vừa viết truyện ma cho người ta sợ, lại viết hài kịch cho người ta cười không?

LDV: Dù là một người rất nổi tiếng, và sự nổi tiếng đó có thể đưa đến một lối sống khác hơn, nhưng ông lại chọn một cuộc sống ngoài đời khá ẩn dật, để duy trì sự cân bằng trong gia đình, và cũng để khéo léo tránh những tai tiếng không cần thiết. Giả sử chúng ta trút bỏ hết những hệ lụy, luật lệ, hậu quả…Ông sẽ thích thử sống một đời sống khác hơn không? Một ngày lý tưởng của Nguyễn Ngọc Ngạn, nếu không phải cầm bút hay cầm microphone, sẽ là một ngày như thế nào?

NNN: Tôi rất hài lòng với lối sống hiện tại. Những ngày không đi show thì về với gia đình, chở bà xã đi chợ. Ngày xưa, tôi rất thích họp mặt bạn bè. Đó là một nét văn hóa Sài Gòn trước 1975. Trịnh Công Sơn nói: “Sáng nào thức dậy không thấy có bạn trong nhà là mất vui!” Thời tôi còn hoạt động Văn Bút, tiệc tùng đình đám, đón khách về nhà liên tục, văn giới cũng như chính khách. Cô đọc cuốn “ Nhìn Lại Một Thập Niên” của tôi chắc cô sẽ phải giật mình. 

Sau vụ video “Mẹ” năm 1997, tôi mới nhận ra là bạn bè đích thực không có bao nhiêu. Từ đó tôi đổi hẳn cách suy nghĩ, quay về với vợ con và chỉ còn gặp gỡ một số rất ít những bằng hữu mà tôi coi như người thân trong gia đình.

Một ngày nếu không phải cầm bút hay cầm micro thì tôi có cái thú đánh mạt chược (play majong). Nhưng cái nhóm mạt chược 4 người của tôi không biết sẽ kéo dài được bao lâu, vì trong nhóm này, tôi thuộc thành phần trẻ, năm nay mới 73! Còn một ông 85 và một bà 95. Chả biết ngôi sao nào sẽ vụt tắt mà mạt chược thì bắt buộc phải có tối thiểu 4 người mới chơi được! 

Tôi cũng thích họp mặt bạn bè một nhóm nhỏ vài người thân, ăn uống tại nhà hay tại tiệm. Đó là thời khắc thư giãn thoải mái của tôi. Tôi không uống được rượu, bất cứ loại rượu gì kể cả bia, thành ra nếu đối ẩm thì chỉ là uống trà với bà xã!

LDV: Ông có vẻ yêu thích và say mê lịch sử cũng như có nhiều bài viết về đề tài này. Nghĩa gốc của từ lịch sử là điều tra. Nghiên cứu nhiều về lịch sử đã có giúp chúng ta thay đổi tương lai không, dựa trên những gì nhân loại đã trải qua?

NNN: Cô nói đúng: tôi thích đọc lịch sử. Đọc sử để ngậm ngùi với những cái sai của các nhân vật lịch sử trong quá khứ và hy vọng những cái sai ấy sẽ không tái diễn trong tương lai. Đọc sử đôi khi cũng để thấy sự sắp đặt của Tạo Hóa về những biến chuyển mà con người không lường được. Gần đây tôi thường nghĩ: Thế giới chịu đựng chiến tranh Quốc Cộng suốt mấy chục năm, nhất là Việt Nam là nạn nhân trực tiếp. Bất ngờ hệ thống Cộng Sản toàn cầu sụp đổ. Ai chả mừng! Nhưng chính vì Cộng Sản sụp đổ, không còn là mối đe dọa lớn nữa, Mỹ và thế giới tự do mới cho Trung Quốc hưởng tất cả những hiệp ước thương mại tự do, nghĩa là mở ra thị trường mênh mông, làm cỗ cho Trung Quốc xơi! Để bây giờ Trung Quốc trở thành mối đe dọa của toàn cầu! 

Giả như hệ thống Cộng Sản chưa sụp đổ và giả như Trung Quốc chưa từ bỏ kinh tế Cộng Sản để chạy theo kinh tế tư bản, thì giờ này họ vẫn chỉ loay hoay trong cái thị trường nhỏ hẹp và nghèo nàn của khối Cộng Sản mà thôi, chứ làm gì cường thịnh như bây giờ! 

Cũng giống như Việt Nam. Giả như Việt Nam không bỏ kinh tế Cộng Sản để chuyển sang tư bản thì giờ này cũng vẫn đói như Bắc Hàn mà thôi! Thành ra cái hướng đi của lịch sử nhiều khi người ta không đoán trước được!

LDV: Là một người đọc nhiều với gia tài tủ sách đồ sộ, tác phẩm nào là cuốn ông luôn muốn đọc đi đọc lại?

NNN: Hồi mới lớn, tôi đọc bộ “Tam Quốc Chí” khoảng 20 lần, gần như thuộc lòng. Cuốn này cho tôi một bài học khi viết văn là, trong tiểu thuyết, khi có nhiều nhân vật, thì mỗi nhân vật phải có một cá tính riêng. 

Tôi cũng đọc cả chục lần bộ “Xóm Cầu Mới” của Nhất Linh. Cuốn này minh chứng lời chỉ dẫn của Nhất Linh trong “Viết Và Đọc Tiểu Thuyết.” Ông cho tôi lời dạy quan trọng là: Viết tiểu thuyết, nội dung dĩ nhiên là quan trọng. Nhưng việc chọn chi tiết để diễn tả còn quan trọng hơn! Bởi vậy truyện của tôi lúc nào cũng nhiều chi tiết. 

Hơn 25 năm qua, đi máy bay nhiều, tôi thường cầm theo cuốn “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”. Bà xã tôi ngạc nhiên hỏi: Sao lần nào cũng đọc cuốn này? Tại tôi thích lịch sử tiểu thuyết. Cũng có khi tôi mang theo một cuốn sử của những tác giả khả tín như Vũ Ngự Chiêu, Cao Thế Dung hoặc Trần Gia Phụng.

LDV: Giả dụ, Nguyễn Ngọc Ngạn… làm thơ, thì bài thơ đó sẽ mang phong cách nào, về đề tài nào?

NNN: Tôi không thể làm thơ được. Nếu cố gắng nó sẽ ra một bài vè, chứ không có chất thơ. Mai Thảo là một nhà văn, nhưng lối viết của ông cô đọng, chữ nghĩa chọn lọc, cho nên độc giả đã thấy phảng phất chất thơ trong từng câu văn xuôi của ông. Quả nhiên cuối đời ông cho ra tập thơ “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền” thật đặc sắc. Còn tôi, văn phong hiện thực, khai thác nhiều chi tiết tỉ mỉ, đầu óc tôi thực tế, không có tí lãng mạn nào thì tự căn bản đã thiếu yếu tố để làm thơ rồi!

LDV: Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta phải thỏa hiệp do nhiều yếu tố: tài chánh, gia đình… Ông có phải làm những điều đó không, và giải quyết dằn vặt nội tâm như thế nào khi đứng trước những quyết định ấy?

NNN: Lá số Tử Vi của tôi ghi rõ là tôi không thể giàu được nhưng có cuộc sống phong lưu, nghĩa là không chắt chiu, dành dụm. Bản tính trời sinh như thế nên tôi không bận tâm lắm đến tiền dù ai cũng cần tiền cho cuộc sống. Tôi khước từ nhiều lời mời trình diễn, nhiều hợp đồng quảng cáo mà tôi nghĩ người khác sẽ không dám bỏ. Thí dụ hãng rượu Remy Martin đến tận nhà gặp tôi, offer hợp đồng hằng năm rất lớn chỉ để chụp hình tôi cầm chai XO. Nhưng tôi không nhận lời vì tôi nghĩ mình là hình ảnh ông thầy giáo, không nên xúi người ta uống rượu!

Rất may cho tôi là việc từ chối show hoặc từ chối hợp đồng quảng cáo thường do bà xã tôi đề nghị. Chẳng hạn mấy năm liền, người ta mời tôi về diễn ở các nước Á châu, hoặc đi Cruise trên tàu, bà xã tôi đều bảo không nên đi. Bởi vậy giữa nghề nghiệp và gia đình, tôi không hề bị giằng co hay bất đồng. Tôi biết có nhiều người khổ về vấn đề này. Vợ làm manager cho chồng, lúc nào cũng tìm show cho chồng để kiếm thêm tiền. Ông chồng dù không thích vẫn phải ngậm ngùi ra đi!

LDV: Ông từng đề cập đến vấn đề văn hóa Việt Nam chúng ta đề cao quá mức sự khiêm tốn, và sự khiêm tốn bị đè nén cực độ dễ đưa đến cảm giác hằn học, ẩn ức, và dẫn đến tình trạng “bằng mặt nhưng không bằng lòng.” Làm sao có thể thay đổi điều này, bởi đoàn kết là một yếu tố quan trọng trong bối cảnh cộng đồng, nhất là cộng đồng tha hương như chúng ta?

NNN: Văn hóa không thể thay đổi một sớm một chiều được. Tôi sang Nhật, rồi nhìn về Việt Nam, thấy buồn hiu hắt. Tự ái dân tộc là căn tính của người Nhật. Tự ái cá nhân là căn tính của người Việt. Tự ái dân tộc mạnh thì không làm điều gì để dân tộc mình bị mang tiếng. Tự ái cá nhân mạnh thì chỉ nghĩ đến bản thân, làm bất cứ cái gì có lợi cho mình. Nghĩa là yêu mình hơn yêu nước, do đó mới nảy sinh tham nhũng, trộm cắp công khai từ trên xuống dưới. Người Việt sang lao động bên Nhật bị ghi nhận hơn 2400 vụ ăn cắp trong một năm! Bảng cảnh cáo bằng tiếng Việt treo khắp nơi! Khi tôi xưng mình là người Việt, thấy cũng ngượng! 

Ai cũng có lòng yêu nước, bởi đó là bản năng. Nhưng nếu yêu mình hơn yêu nước thì là điều bất hạnh bởi không thể đưa đất nước tiến lên được. 

Cô nói đến nhu cầu “đoàn kết” của cộng đồng là nói đến một chuyện hoang đường bởi người Việt không thể đoàn kết được. Tôi hay nói nửa đùa nửa thật rằng: Bà Âu Cơ không sinh một đứa con mà sinh ra 100 đứa. Nuôi không nổi thì chúng nó phải đánh nhau! Dòng Bách Việt ngự trị hàng ngàn năm trên lãnh thổ Trung Hoa, kiến tạo nền văn minh cho Trung Hoa suốt từ thời Tam Đại (Hạ, Thương, Chu). Thế mà rồi không đoàn kết để bị đánh tan tành. Sử Tàu viết: “ Nước Việt có thời làm bá chủ chư hầu, mạnh nhất Trung Hoa. Nhưng sau khi bị nước Sở đánh tan, con cháu vua Việt sống tản mác ở vùng Thiên Thai, không đoàn kết được nữa, ai cũng tự xưng là “quân trưởng” (tiểu vương), cho đến khi Tần Thủy Hoàng chiến thắng thì tất cả ra đầu hàng”.

Tôi có cái nhìn thực tế: Đừng kêu gọi đoàn kết. Cái đó là đòi hỏi quá đáng. Chỉ kêu gọi đừng hãm hại nhau là tốt rồi!

LDV: Năm 2017 đã trôi qua với nhiều biến cố trên thế giới: Trump trở thành tổng thống nước Mỹ một cách ngoạn mục, Bắc Hàn với mối đe dọa vũ khí hạt nhân, vấn đề kiểm soát vũ khí và vấn nạn sách nhiễu t d lại trở thành tâm điểm, nhiều trận khủng bố cũng như thiên tai toàn cầu đã xảy ra, v.v. Ông có thể thử dự đoán năm 2018 sẽ ra sao với thông tin và tình hình hiện tại? Ông mong muốn những gì cho mình, cho người, cho dân tộc trong năm mới?

NNN: Vấn đề thế giới hiện nay thì nóng bỏng nhất là Bắc Hàn. Theo tôi thì chiến tranh sẽ không xảy ra bởi vị trí địa lý của Triều Tiên dính liền với Nam Hàn như hai miền của Việt Nam và Đức trước đây. Giả như Triều Tiên nằm biệt lập thì có thể Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã trừng phạt rồi. Nhưng Nam Hàn và Bắc Hàn chung biên giới, đụng đến Bắc Hàn thì chắc chắn Nam Hàn sẽ lãnh hậu quả nặng nề. Tôi qua Hàn Quốc hai lần, ra khu phi quân sự, đứng ở cầu biên giới nhìn sang Bắc Hàn và hình dung ra bao nhiêu khẩu đại bác hoặc hỏa tiễn từ Bắc Hàn vẫn đang hướng về Nam Hàn để chờ dịp tiêu huỷ Seoul! 

Chuyện Việt Nam là nỗi đau nhức nhối của bất cứ người Việt nào ở hải ngoại bởi nó hoàn toàn không có lối thoát. Cách đây khoảng 5 năm, ở Đại Hội Thánh Mẫu Missouri, đài Tiếng Nước Tôi phỏng vấn tôi về chuyện đất nước. Tôi nói: “Việt Nam hiện đang phải đương đầu với một cuộc xâm lăng mà không có chiến tranh. Xâm lăng có chiến tranh thì còn có cách giải quyết. Xâm lăng không chiến tranh thì thế giới không can thiệp được và Việt Nam sẽ mất từ từ bằng thủ đoạn kinh tế và sức ép quân sự kín đáo của kẻ mạnh.”

Tôi năm nay đã 73, không còn phải bận tâm gì về tương lai nữa. Khổng Tử nói: “Ngũ thập tri thiên mệnh. Lục thập ngôn bất nghịch nhĩ.” Năm mươi tuổi biết mệnh trời an bài cho mình thế nào rồi. Sáu mươi tuổi thì ai nói gì nghe cũng xuôi tai, không muốn tranh cãi nữa. Tôi cầu mong sự bình an trong cuộc sống và trên tất cả, cầu mong đất nước Việt Nam vươn lên theo đà tiến triển chung của các quốc gia văn minh trên thế giới. Chỉ tự hào về chiến thắng quân sự mà không chiến thắng nổi nghèo đói, lạc hậu, tham ô, thì cái chết của cả triệu người Việt Nam trong chiến tranh đều là vô nghĩa!

LDV: Suốt buổi trò chuyện, ông đã trả lời không do dự với nhiều chia sẻ rất thẳng thắn, chẳng vòng vo. Ông có ngại rằng những lời phát biểu thật lòng này sẽ có thể gây ít nhiều phiền phức cho ông không?

NNN: Cảm ơn cô đã bận tâm đến điều này. Tuy nhiên, tôi thường nói: Hồi ký bao giờ cũng nhằm truyền đạt một kinh nghiệm sống. Có thể là một kinh nghiệm thành công, cũng có thể là một kinh nghiệm thất bại. Nhưng muốn chia sẻ kinh nghiệm thì mấu chốt của hồi ký phải là nói thật! 

Tại Mỹ, hồi ký của các chính khách, của những doanh nhân thành đạt, của các diễn viên tài tử, thường là sách bestseller bởi độc giả hy vọng có thể học được một điều gì từ những nhân vật tiếng tăm đó. Như vậy thì cốt lõi của hồi ký, như tôi vừa nói, là phải viết thật! 

Trả lời phỏng vấn cũng thế, cũng là một phần của hồi ký. Tôi không nói thật những suy nghĩ của mình thì tôi chỉ làm mất thì giờ của độc giả mà thôi! 

Hai nhân vật chủ chốt trong cuộc đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1960 là Trung tá Vương Văn Đông và Đại tá Nguyễn Chánh Thi. Tôi đọc 2 cuốn hồi ký: Việt Nam Một Trời Tâm Sự của Nguyễn Chánh Thi và Binh Biến 11.11.60 của Vương Văn Đông, kể về cùng một biến cố đó, nhưng hoàn toàn khác nhau! Nghĩa là trong hai người, phải có một người không nói thật hoặc cả hai cùng không nói thật! 

Như vậy thì 2 cuốn hồi ký ấy giúp gì được cho thế hệ mai sau, giúp gì được cho nguồn sử liệu! 

Trong nước luôn luôn có những người thật can đảm, trước họng súng, trước những đe dọa và tù đày, vẫn dám lên tiếng nói thật. Không lẽ sống ở Canada, một quốc gia tự do mẫu mực vào bậc nhất thế giới, mình lại không dám nói ra những điều mình nghĩ! Thế thì ta về sống ở Việt Nam còn hơn!

Cảm ơn Lưu Diệu Vân đã bỏ thì giờ nói chuyện với tôi.

No comments:

Blog Archive