Monday, January 15, 2018

Hai mặt của khổ đau

Bác sĩ Tuấn Diệp

Mấy ai thích bị đau? Nhưng khách quan nhận xét đau là một dấu hiệu rất quý. Thử tưởng tượng nếu không đau làm sao chúng ta biết chỗ nào trong cơ thể không ổn cần điều chỉnh. Thông thường khi thể xác bị đau chúng ta tìm đến bác sĩ, còn đau về tinh thần hoặc nôm na gọi là đau khổ lại giữ kín ấp ủ để cho cái đau ngậm nhấm lần mòn hoặc “ráng quên” để sống và ít bao giờ ý thức đau tinh thần cũng như thể xác để là dấu hiệu của sai trái; ít bao giờ nghĩ rằng khổ đau có thể là cơ hội rất hữu ích giúp chúng ta khám phá sự vật đúng như nó vậy và từ đó có thể thoát ra được lối sống lẩn quất đầy rẫy khổ đau. Nếu thành thật nhìn lại suốt quãng đời đã qua có mấy lúc chúng ta hưởng hạnh phúc thật sự?

Phạm vi bài này chỉ để cập đến một vài khổ đau thường gặp, chúng ta tránh được không? Chúng ta học được gì? Khám phá được gì từ những kinh nghiệm đau đớn đó?

Nguyễn, 32 tuổi, mẹ của hai bé gái mũm mĩm dễ thương, vừa chảy nước mắt vừa kể tình cảnh gia đình. Cô rất khổ tâm, rất giận chồng khi nghĩ chồng mình sao quá vô tình, không biết chia xẻ cực nhọc với vợ. Cũng đi làm nguyên thời gian, nhưng vì còn bị ảnh hưởng nhiều của nền giáo dục Việt Nam, cô quán xuyến mọi việc, từ cơm nước, rửa chén bát, giặt dũ, đến dọn dẹp nhà cửa, chồng chỉ kèm hai con học và những chuyện bên ngoài. Nhưng chồng cô lại nóng tính, thiếu kiên nhẫn hay la rầy hai đứa nhỏ khi chúng chậm hiểu bài. Không muốn thấy con sợ hãi, cô phải kèm thêm hai con. Một hôm quá mệt mỏi và tay bị đứt, cơm nước xong, thấy chồng đang ngồi đọc báo cô nhờ rửa dùm chén bát và đi nghỉ sớm. Nửa đêm giật mình thức dậy ra xem nhà cửa như thế nào, thấy chén bát còn nguyên trong bồn. Vừa giận vừa tủi thân, trằn trọc đến sáng, thay quần áo đi làm để mặc chồng con.

Chúng ta không xét đoán ai đúng ai sai vì ai đúng sai không làm Nguyễn mất đi đau khổ lại tạo thêm xa cách giữa vợ chồng, chúng ta chỉ phân tách đúng sai chỗ nào. Nguyễn giận và buồn vì nghĩ chồng vô tình, không biết chia xẻ cực nhọc với vợ. Nguyễn không biết mình đã gán cho chồng một nhãn hiệu cố định “vô tình, không biết chia xẻ cực nhọc với vợ”. Chính nhãn hiệu này, chính hình ảnh này đã làm Nguyễn khổ tâm. Nếu bình tĩnh nhìn lại, không rửa chén chỉ là một phản ứng lúc đó và Nguyễn cũng chưa hiểu rõ nguyên nhân vì không hỏi lại chồng.

Ðây là một lầm lẫn thường xảy ra, chúng ta sống với nhau, đối xử với nhau lúc nào cũng hay qua một hình ảnh cố định tạo sẵn và không bao giờ nhận được đó chỉ là hình ảnh không thể phản ảnh đúng người ta đang trực diện. Con người luôn luôn thay đổi. Người Việt Nam chúng ta dùng danh từ “giòng đời” diễn tả thật chính xác cuộc sống linh động như một giòng sông luân chuyển, biến đổi từng giây, từng phút, từng sát na, “không ai có thể tắm hai lần trên một giòng sông”. Mỗi hành động của chúng ta chỉ là phản ứng của từng lúc một, và vì không nhận rõ giòng biến chuyển liên tục không ngừng đó chúng ta đã sai lầm kết luận phản ứng từng lúc như biểu hiện vĩnh viễn của một người. Chính định kiến này đã làm méo mó đi cái nhìn trung thực, cái nhìn sự vật đúng như nó vậy, con người là một chuỗi biến đổi, hình ảnh cố định không thể diễn tả chính xác được.

Bác Ðỗ, 60 tuổi, nét buồn và mệt mỏi lúc nào cũng hiện rõ trên khuôn mặt hiền hậu mỗi lần đến khám bệnh. Hỏi thăm được biết, bác quá khổ tâm từ khi cô con dâu đến trước nhà kêu bác ra mắng chửi bác thậm tệ chỉ vì bác ngăn cản không cho con trai gặp cô nữa. Khuyên bác hãy quên đi, bác ứa nước mắt trả lời không thể nào quên được.

Bác làm tôi nhớ đến lời răn dạy của Chúa Jesus Christ trong thánh kinh “khi bị người tát bên gò má này, hãy đưa gò má bên kia cho tát”, và câu chuyện Ðức Phật bị một vị bà la môn có nhiều đệ tử từ bỏ ông đi theo Phật mắng chửi, Phật vẫn bình thản bước đi không một phản ứng gì. Quá tức giận, vị bà la môn này chạy đến ngay trước mặt Phật hạch hỏi “Này Cù Ðàm, người có bị điếc hay bị câm không?” Phật từ tốn đáp lại “khi khách đến nhà chủ tặng khách quà và khách không nhận thì quà sẽ về đâu?” Tại sao chúng ta không làm được như vậy?

Lại một lầm lẫn thật lớn lao và có lẽ vì quá thông thường và sâu đậm nên rất khó nhận ra. Chúng ta đã sống với cái “tôi”, và không ý thức được “tôi” chỉ là một ý niệm do trí tưởng tượng tạo dựng từ thân xác thật này và in trí cái “tôi” cũng như thân xác là thật. Một khi ý niệm “tôi” bị chạm đến liền có phản ứng và làm mất đi tính chất trung thực của cái nhìn sự vật đúng như nó vậy; chỉ có người kia đang tức giận. Không có cái “tôi”, không có cái gì để đụng chạm, việc chìa gò má bên kia cho tát hoặc thản nhiên bước đi khi bị mắng chửi chắc không khó lắm!

Hơn nữa bác Ðỗ mắc thêm một lầm lẫn là sống đi, sống lại với chuyện xảy ra từ lâu, đã để cho trí nhớ điều khiển thay vì dùng khả năng quý báu này thích ứng với cuộc sống hằng ngày. Không trí nhớ làm sao chúng ta có thể học, từ học đi, học đứng, học ngồi, học ăn, học nói, đến học lái xe, học chữ v.v.. Bác Ðỗ cũng không nhận ra con người chúng ta có khả năng biết mình đang nhớ lại chuyện cũ, có khả năng theo dõi chuyện cũ đang diễn tiến mà không dự vào và cũng có khả năng cất chúng vào kho tàng trữ. Krisnamurti trong quyển “Giải trừ trí kiến” (Freedom from the known) đã viết “biết sống là biết chết” (To know to live is to know to die).

Bác Phan, 68 tuổi mỗi tháng đều đến xin thuốc ngủ. Ðược biết bác mất ngủ vì đứa con trai út đang mắc vào vòng nghiện ngập. Tình trạng căng thẳng đến nỗi tuy cùng sống chung một nhà nhưng hai người như mặt trời với mặt trăng. Mỗi khi đứa nhỏ xuống lầu dưới, bác đi lên lầu trên và nếu đứa nhỏ đi lên lầu trên, bác xuống dưới đất.

Bác Phan đã lầm lẫn không thấy được con người thường ai ai cũng muốn hưởng khoái lạc, cũng muốn được hạnh phúc. Nghiện ngập khách quan nhận xét là một hình thức của khoái lạc. Tìm một bữa ăn ngon, rít một hơi thuốc lá, nhâm nhi chút rượu mạnh, hít một tí cần sa hoặc say sưa với quyển sách hay có phải cùng để thoả mãn khoái lạc hay không? Thật sự bản chất đều như nhau, chỉ khác là xã hội chấp nhận hoặc không và tỉ lệ tệ hại kèm theo.

Nếu chúng ta thấy rõ khoái lạc luôn luôn mang tính chất khổ đau và tạm bợ, nếu chúng ta nếm qua được hạnh phúc thật sự, cái hạnh phúc không thể tìm kiếm vì đó là kết quả đương nhiên của cách sống, khoái lạc sẽ không còn đủ mãnh lực lôi cuốn chúng ta nữa. Nhưng làm thế nào để có được hạnh phúc đó?

Tôi còn nhớ rõ hai tháng sau khi đặt chân lên đất Mỹ, sở tìm việc đã đưa tôi vào làm trong một viện dưỡng lão vì họ cho rằng nghề này thích hợp với tôi. Là một bác sĩ ở Việt Nam có phòng mạch tư, có tài xế, có người giúp việc, vượt biển qua Mỹ trong túi chỉ còn 5 dollars, vào làm việc như một y công (nurse aid) với 3,53 đồng một giờ, lòng đau đớn không bút nào tả nổi. Một hôm nhìn thấy người bạn đồng nghiệp gốc Mễ Tây Cơ làm việc trên 10 năm, vừa tươi cười, vừa tắm rửa cho bệnh nhân, tôi giật mình và tự hỏi tại sao tôi đã mất đi nụ cười đó? Tôi liền hiểu rằng bấy lâu nay mình đã tự làm khổ mình chìm đắm trong quá khứ, trong nhãn hiệu bác sĩ. Thật lạ lùng như vừa trồi lên từ đáy sâu vực thẳm, một cảm giác nhẹ nhàng trong sáng tràn ngập và hiện thực bày ra trước mắt, tôi đang đóng vai người y công, xung quanh là những người kém may mắn, người thì cơ thể biến dạng vì bệnh tật, không tự chăm sóc được, người thì khổ đau vì mặc cảm bị con cái bỏ rơi, người thì như chìm đắm trong một thế giới nào ….

Không hiểu sao có một bệnh nhân làm tôi đặc biệt chú ý. Từ ngày đến đây chưa bao giờ thấy ông cười cũng như trò chuyện cùng một ai, nét mặt lúc nào cũng đượm một vẻ buồn thê lương. Ngày ngày sau khi cơm nước xong, ông ra phòng giải trí coi truyền hình cho đến giờ ngủ. Hỏi chuyện được biết vợ ông vừa qua đời vì ung thư tử cung, còn ông đang bị ung thư phổi giai đoạn chót, không một thân nhân ruột thịt gần, chỉ có một người bà con xa nhưng hiện đang ở tiểu bang khác, tiền bạc không còn nên ông được đưa vào đây.

Quá thương tâm, coi ông như bạn, mỗi khi rảnh rỗi tôi đến trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm sống. Bệnh ông biến chuyển thật nhanh chỉ trong vòng hai tháng, từ một người còn đi đứng tự chăm sóc được đã phải nằm liệt giường. Như thường lệ, trước khi vào làm việc tôi đến thăm ông. Hôm đó như được hồi sức, không thiêm thiếp như mọi ngày, ông tươi tỉnh chìa tay ra. Tôi hiểu ý nắm tay ông; ông xiết chặt tay tôi và nở một nụ cười rạng rỡ hồn nhiên rồi nhắm mắt lại. Hôm sau là ngày nghỉ thường lệ của tôi, ngày sau nữa trở lại làm việc được nhân viên báo cho biết ông đã qua đời một cách êm ái ngay ngày sau đó.

Nụ cười của ông như có một mãnh lực kỳ diệu soi sáng mọi vấn đề: bấy lâu nay tôi như người vất vưởng trong một nhà tù thật kiên cố do chính mình tạo dựng, quanh quẩn trong “cái tôi” hãnh diện với kiến thức lượm lặt, với nhãn hiệu bác sĩ; hài lòng trong lối sống của giác quan và suy nghĩ, không thể ngờ ở ngoài vòng tường dày đặc đó là một thế giới tư do ngập tràn ánh sáng. Tôi đã nắm được chìa khoá của hạnh phúc thật sự: sống với nhận thức (awareness). Chỉ nhận thức mới đủ bén nhạy biết rõ những gì đang nổi lên trong trí chúng ta, không để chúng lôi cuốn vào thế giới không tưởng. Chỉ nhận thức mới hoà nhịp kịp với các biến chuyển bất ngờ của cuộc sống linh động luôn luôn biến chuyển từng sát na, chỉ nhận thức mới giúp chúng ta nhìn sự vật đúng như nó vậy để có những đáp ứng hữu hiệu và chỉ nhận thức mới thấy rõ thân xác cùng giác quan và trí suy nghĩ là những phương tiện vô cùng quý báu giúp chúng ta tiếp xúc với thế giới bên ngoài, không phải để chúng điều khiển dẫn dắt và quan trọng hơn hết giúp khám phá ra hòn ngọc quý sẵn có nơi mọi người, chúng ta ai ai cũng đều dùng đến hàng ngày và không ngờ “hòn ngọc nhận thức”.

Nếu bác Phan hiểu được điều này hy vọng bác sẽ thoát ra được cái đau buồn có thể dai dẳng gậm nhấm lần mòn đến ngày bác ra đi và từ đó bác có thể thấy được giải pháp để dìu dắt đứa con thương yêu đang rơi vào vực thẳm của khổ đau triền miên.

Tóm lại, khổ đau luôn luôn có hai mặt, một mặt có thể làm tan nát trái tim, lôi chúng ta vào vòng lẩn quẩn không lối thoát, một mặt có thể giúp chúng ta khám phá ra chìa khoá của cách sống an bình, tươi vui, phong phú, thưởng thức thật sự mọi vẻ đẹp linh động của vạn vật. Có bao giờ bạn ngắm cảnh mặt trời lặn trên mặt biển hoặc giọt sương ban mai hoặc một đoá hồng chỉ bằng nhận thức hoàn toàn, không để một định kiến hoặc một hiểu biết chen vào? Hãy thử!

Bác sĩ Tuấn Diệp
San Jose, California

No comments:

Blog Archive