Friday, January 26, 2018

HUẾ VÀ TÔI


Tôn Nữ Hoàng Hoa


Tôi ít khi viết về Huế. Vì mỗi lần viết về Huế là mũi lại cay cay, mắt lại rưng rưng trên vùng ký ức nhiều tiếng khóc hơn nụ cười
Vì thế, Huế ở trong tôi là những âu lo thao thức trong đêm trên những bước chân len lén ngoài vườn khuya làm giấc ngủ chập chờn hồi hộp.
Tôi về Huế trên cái hiệp định mưu toan xé phay giãi đất nước Việt vào năm 1954. Anh em chúng tôi ở nhờ nhà O Phủ Chi chị ruột của ba tôi để chờ ba từ Đồng Hới vào.
Nhà O Phủ Chi rộng, đủ chứa hai gia đình. O Phủ lại là người thương em, thương cháu nên chúng tôi đã sống đầy đủ trong tình thương họ hàng. Chị vân chị ( tức là Phương Anh vợ của anh Hồ Văn Châm) , chị Vân Em tức Phương Vân cũng đã lớn nên tôi chỉ bè bạn với Bé Tý tức là Phương Linh và Bé Trai tức là Lê Trung Hiếu.
Ngày ngày hai đứa chỉ rong chơi trong vườn. Bé Trai lâu lâu cũng hợp tác với chúng tôi trên những trò chơi trốn, tìm.
Anh Khánh tức là Nguyễn Kim Khánh mà có một số người trên Net chụp cho anh cái mũ VC to tướng trên đầu. Điều này đối với tôi không lạ, vì anh Khánh ngay từ hồi còn nhỏ thích đội mũ. Mỗi lần qua nhà chơi với Bé Trai anh Khánh không bao giờ rời cái mũ. Hai ông này không thấy chơi gì chỉ ngồi bên nhau hằng giờ, không thấy nói chuyện nhiều. Anh Khánh rất dễ thương, hiền lành rất chiều chuộng chúng tôi. Năm 1960 thì anh đã đi du học. Lúc đó có tin rù rù rỉ rỉ là anh Khánh "yêu trộm, nhớ thầm Bé Tý. Hứa đi du học về sẽ cưới Bé Tý. Chuyện này không biết có hay không nhưng mỗi lần tôi hỏi anh Khánh thì anh chỉ cười cười không đáp.
Năm năm trước, vợ chồng tôi qua Pháp thăm anh. Anh vẫn không thay đổi. Vẫn dáng dấp lo lắng cho em từ miếng ăn, giấc ngủ. Nhà anh ở có 3 tầng. Tầng cuối cùng anh chứa tất cả hồ sơ tài liệu và sở hữu của Toà Đại Sứ VNCH tại Pháp trước khi bọn VC vào chiếm ngự.
Tôi cười hỏi anh. Tại sao bây giờ không thấy anh đội mũ nũa. Anh bảo bây giờ có người đã không những tặng mũ cho anh còn trân trọng đội lên đầu thì anh cần gì phải đội nữa. Hai anh em cười vui vẻ trước cái dịch bán mũ cối thịnh hành.
Năm 1955 ba tôi và Dượng Phủ đều đổi vào Quảng Nam. Dượng Phủ làm Tỉnh Trưởng, ba tôi làm Phó. Chỉ có một năm vì "người ta" nghi ngờ Dượng Phủ là Quốc dân Đảng mà tỉnh Quảng Nam là nơi nhiều người theo đảng phái này.
Dượng Phủ đi rồi. Một năm sau ba tôi cũng trở về Huế vì "người ta" nghi ngờ ba tôi đã ký lệnh giúp vũ khí cho Quốc Dân Đảng và cũng đã từng bị sắp đặt thủ tiêu tại Quế Sơn may nhờ anh Hồ Sang chỉ huy tiểu đoàn quân đội VNCH tại đây cứu thoát. Sau này, tôi mới biết anh Sang cũng là đảng viên của Quốc Dân Đảng.
Trở về Huế, ba tôi đem cả gia đình về ở nhà hương hoả của Bà Nội trên đường Huyền Trân Công Chúa Đây là một căn nhà cổ. Ba gian hai chái. Quay lưng lại với đường. Trước mặt nhà là con sông Hương. Me tôi trùng tu lại cái bến xưa cũ của bà nội, làm cái bến trở nên thơ mộng.Bên phải nhà bà nội tôi là nhà của ông bà Tham Đồng, bên trái là nhà O Thượng mẹ của anh Hà Thúc Ký.
Tuổi mười ba tôi chỉ biết quanh quẩn ở vườn vào những buổi trưa hè có tiếng ve kêu rậm rạp và dòng sông lặng lờ dưới bến.
Đối với tôi, dòng sông Hương rất đẹp. Đẹp từ buổi bình minh đến hoàng hôn và đậm đà nhất là những buổi trăng lên trên màn sương đã xuống.
Buổi sáng mặt trời chênh vênh từ cầu Bạch Hổ đi lần lên là lúc chúng tôi nhào xuống nước bơi lội. Cạnh bến nhà tôi là bến công cộng mà anh em Phan Tử Ty, Phan Tử Huy và Phan Tử Duy thường chiếm ngự. Cạnh bến công cộng là bến nhà O Thượng Lại nhưng bến này lại vô cùng Tỉnh Lặng vì O Thượng và Cô Chút thường bận tu hành ở chùa Thầy Viên Thiệu
Cạnh bến nhà O Thượng Lại là bến của hai anh em Vui, Mừng. Bến này rất ồn ào mỗi khi mấy ông trai cùng xóm bơi lội.
Mỗi chiều tôi thường thỉnh thoảng lên nhà Mệ Tôn mua trầm để dâng hương sáng và chiều
Buổi chiều khi mặt trời sắp sửa bỏ đi, nhìn ngược lên miệt chùa Linh Mụ. Mặt trời trải dài niềm lưu luyến như không muốn bỏ trần gian trong đêm tối. Nhưng khi mặt trời biến mất thì trăng nhô lên trong màn sương lạnh. Sông Hương bỗng mờ mờ ảo ào trong màn sương trong ánh trăng mông mênh chiếu xuống. Chắc chắn những ai ở Huế khi thấy trăng lên trên bất cứ thành phố nào của trái đất cũng không thể quên được cảnh trăng lên dần trên màn sương lạnh của dòng Hương.
Trước mặt nhà O Thượng Lại là một cánh đồng bỏ không rồi mới đến nhà của Lê Huy Trân. Từ nhà O Thượng nhìn ra khoảng đồng ruộng mênh mông ấy khi trăng lên làm lòng người cảm thấy rất nhẹ nhàng khoan thai và tỉnh lặng. Trăng lạnh trải dài mênh mông làm con ngừơi cảm thấy rất bé nhỏ trước vũ trụ huyền ảo . Vì thế ở đây không thấy dịch "minh chủ" lan tràn như ở hải ngoại.
Từ Bầu Vá đến Phường Đúc chỉ có một "ông Bác sĩ" duy nhất là Thầy Nga. Ai ở đây đau ốm cũng gọi thầy Nga. Thầy chỉ có một vali nho nhỏ, đầy đủ dụng cụ cho những bịnh nhân trong xóm khi bị cảm cúm nhức đầu đau bụng. Dáng Thầy cao cao, hiền lành nhưng lúc đó chúng tôi rất sợ gặp Thầy Nga. Cứ mỗi lần bịnh như tưởng là hồn đã bỏ xác ra đi, nhưng gặp thầy Nga tiêm một ống chích là lấy lại công lực ngay.
Năm 1960, ba tôi đổi vào làm Phó Tỉnh Trưởng Qui Nhơn. Tôi bị mẹ tôi bắt đi theo ba vì thời gian đó Sư Tướng Trận Trí Quang xuất hiện. Mẹ tôi bảo tất cả con cái trong nhà không được tới chùa Từ Đàm vì dáng dấp và lời xách động của Sư Trí Quang nhập nhằng giữa nhà Tu và Tướng Trận.
Tôi bỏ Huế ra đi khi vừa học xong Trung Hoc. Me tôi nói với tôi phải đi theo ba vì tôi là con gái lớn, vả lại tôi lại là con gái cưng của ba. Tôi nín nhịn trong cái nghiệt ngả mà me tôi bắt buộc để vứt bỏ mọi tương giao ra khỏi cuộc sống trong tuổi mộng mơ của năm 17 tuổi.
Từ đó tôi là tù nhân trong nỗi nhớ của mình về Huế. Tôi biết me tôi sợ tôi bị lời quyến rủ mà đi tranh đấu trong biến cố Phật giáo tại Huế. Me tôi người miền Bắc thâm trầm. Bà thường nói với chúng tôi làm người điều quan trọng nhất là phải biết canh phòng những phản ứng hồn nhiên của tính tình mình. Nếu không, vi một hành vi vô thức nhỏ nhoi cũng có thể trở thành những hiểm hoạ không ngờ được, rồi lúc đó lại đổ tội cho bất ngờ hay cho tình cờ.
Huế những con đường ướt sủng dưới những mùa mưa và những chiếc áo mưa làm bằng nhựa với những màu sắc là một thời của thời trang thập niên 50 của Huế.
Năm Đệ tứ 2 là năm cuối cùng tôi học ở Đồng Khánh. Bốn đưa tôi ngồi chung bàn nhìn qua bên tê Quốc Học. Trần Thị An ngồi đầu bàn, Nguyễn Thị Tuyết ngồi cạnh An đến Nguyễn Thị Giánh và tôi ngồi cuối bàn ngay cạnh cửa sổ nhìn qua bên Quốc Học
Bốn đưa tôi rất thân nhau. Mỗi lần ra chơi là cả 4 đứa cùng về nhà Mụ Cách ăn chè đậu xanh nước đường. Cho đến bây giờ, tôi đã có cơ hội đi từ Âu sang Mỹ và chưa có nơi nào nấu chè đậu xanh nước đường ngon như chè Mụ Cách.
Hạt đậu xanh nở vừa vặn ăn lại cảm thấy bùi bùi trong cái ngọt đường cát đã được Mụ Cách nấu rất khéo. Ai đã một lần làm nữ sinh Đồng Khánh thì không thể nào không biết chè Mụ Cách. Hồi đó chỉ có 2 đồng một chén bằng giá xe đò từ Long Thọ về Đồng Khánh.
Tôi thân với Tuyết nhiều hơn An và Giánh. Tuyết ở tận Sân Vận Động còn tôi ở tuốt trên Bầu Vá. Thế nhưng hai đứa vẫn đạp xe đạp gặp nhau vào những buổi cuối tuần. Con đường vào sân vận động thường nghe lén chuyện tâm tình của hai đưa. Hôm tôi từ giả Huế Tuyết khóc, tôi cũng khóc và Huế cũng khóc luôn.
Vào ở Qui Nhơn là thời gian những ngày của niềm đau nhớ Huế. Tuyết vẫn thường liên lạc với tôi và gởi vào Qui Nhơn cái nón bài thơ ghi những câu thơ của Huế. Ai người bỏ Huế ra đi. Làm con đường Huế sầu bi nghẹn ngào. Tôi đội cái nón bài thơ Huế vào những chiều dạo phố Qui Nhơn nhưng không bao giờ đội nón bài thơ đi học. Trường Cường Đễ chỉ cách nhà tôi 500 mét.
Thế rồi trong năm đó tôi nghe tin Tuyết đi lấy chồng. Không đi học đệ Tam. Tuyết lấy chồng năm 18 tuổi. Tôi không biết đó là của gia đình sắp xếp chứ trong thời gian thân nhau tôi chưa bao giờ nghe Tuyết nhắc nhở đến tên Nguyễn Văn Sấm. Nghe Tuyết nói anh Sấm tốt nghiệp Biên Tập Viên Cảnh sát khóa một. Tuyết sống ở Saigon rất hạnh phúc. Không đi dạo phố như những ngày thứ bảy ở Huế. Ăn rồi chỉ ở nhà hú hí với anh Sấm.
Tuyết đã yên phận, Tuyết bao giờ cũng muốn sống trong thư thả, yên ổn, chừng mực theo quan niệm sống của chồng. Còn tôi vẫn trôi trên khuôn ngà thước ngọc của khuôn khổ gia đình.
Tôi vào sư phạm Qui Nhơn vì cái quan niệm con gái không nên đi học xa và học nhiều của Me tôi. Năm 1965 tôi ra trường đổi lên Đà Lạt vì may mắn đổ đạt hạng cao. Cuối năm đó tôi lấy chồng người xứ Quảng.
Năm 1968 khi tôi về Đà Nẳng sinh đưa con thứ hai và sau đó nghe tin Huế trong cơn bi thảm của bọn Cộng Sản bắc Việt xâm chiếm Huế và tàn sát dân cố đô.
Tin anh Sấm bị bọn chính qui Bắc Việt cắt đầu ở Phường Đúc là một cảm xúc bi thương đã đến với tôi trong những ngày ở Đà Nẳng. Tôi tìm bà con để nghe về Huế. Cô Thi cho biết :" Hoa ơi! mấy cái con bán Hột vịt lộn, hột dẻ ban đêm hồi chánh về xã mình ở cùng với mấy tên sửa xe đạp ở Lịch Đợi chỉ qua một đêm chúng thay hình đổi dạng. Không còn là những mụ bán hàng rong mà là những tên du kích nã súng đạn và cắt đầu cắt tai dân chúng Phường Đúc Long Thọ Nguyệt Biều. Thầy Nga cũng bị chúng giết. Bọn này nói tiếng miền Bắc, tiếng Nghệ và tiếng Tĩnh. Chúng nó là dân chính qui bộ đội Bắc Việt đã thảm sát người dân Huế vô tội. Chứ không phải là người địa phương "nhảy núi" giết đồng bào cố đô trên những hận thù cá nhân như Trần Trung Đạo đã hơn một lần dùng chữ và nghĩa để chạy tội thảm sát dân Huế của CS Bắc Việt.
Năm 1969 tôi về Huế cốt ý đi tìm Tuyết. Nhưng Tuyết bây giờ ở đâu không ai biết. Chỉ biết Tuyết có thai một lần và đã bị sẩy thai. Từ đó tôi không còn nghe tin tức gì về Tuyết. Tôi đi lại trước đường trường Đồng Khánh nhiếu lần hy vọng nghe được lời tâm sự của con đường đã nằm nghe nhiều tiếng nấc nghẹn ngào của con dân Huế đã hơn một lần qua đây tìm chồng, tìm cha, tìm anh tìm Mẹ. Con đường vẫn câm nín nhưng nhựa đường đã nứt nẻ như không chịu được cái ngiệt ngả nín nhịn căm thù bọn VC đã giết dân Cố Đô.
Tôi về thăm bến nước ngày xưa để nhìn thấy nỗi bi thương của dòng sông Huế. Dòng sông tuổi thơ đã hơn một lần huyên náo trong cuộc đời mới lớn và trong niềm tin yêu khi bước vào đời.
Huế ơi! Thôi không còn nữa những ngày vui xưa, những ngày thân ái cũ. Tôi mang cái tang tóc của bạn bè của bà con thân thuộc đi tiếp trên con đường còn lại của cuộc đời.
Và, cứ thế khi mỗi lần Tết đến tôi lại nhức nhối trên nỗi đau của dân Huế. Trên nỗi bi ai của Tuyết khi đi nhặt chiếc đầu của anh Sấm bị bọn CS chính qui Bắc Viết dã man cắt lìa.
Tôi nghĩ đến những lời van xin vô cùng thảm thiết của dân mình trước sự bạo tàn dã man của VC. Chắn chắn không có một con trùng nào có thể lẫn trốn trước sự tàn bạo vô nhân thất đức của bọn VC dã man.
Tôi không là thánh nhân để xoá bỏ hận thù quên quá khứ hướng về tương lai. Vì con đường tôi đang đi vào tương lai, đã chở đầy hành trang thưong đau bi ai thống khổ của dân mình. Con đường mà chúng ta đang đi là hệ quả của lừa bịp, phỉnh phờ của bọn Cộng Sản VN luôn luôn mang một tâm tính tiểu nhân thiếu lòng trắc ẩn đối xử với đồng bào.
Tôi viết bài này để cùng Huế khóc thương một giai đoạn lịch sử bi đát nhất trong đời người trong những ngày Tết sắp đến. Viết cho Tuyết để ngậm ngùi cho một kiếp nhân sinh bất hạnh dưới sự tàn bạo của VC ác ôn. Và viết cho những người Việt thật tình yêu nước thì không nên tiếp tay cho bọn sát nhân giả nghĩa VC tồn tại mãi ở Việt Nam.
Cuối cùng xin thắp một nén nhang cho tất cả oan hồn đã bị bức tử trên nỗi oan khiên của bọn VC vô nhân. Trưóc khói nhang của ngày Tết xin nguyện cầu cho tất cả mọi hương linh bị thảm sát trong Tết Mậu Thân ở Huế được bình an trên cõi vĩnh hằng hay tiêu diêu miền Cực Lạc.
Tôn Nữ Hoàng Hoa
Những ngày cuối năm Đinh Dậu
1/27/2018

No comments:

Blog Archive