Saturday, January 27, 2018

Nghe "DẠ KHÚC", Nguyễn đình Nghĩa tấu đàn T'rung

Đây là bản "DẠ KHÚC" (Serenade của Schubert) qua tiếng đàn T'rung của cố nhạc sĩ Nguyễn đình Nghĩa (1940-2005). Video clip do tôi thực hiện.

Dạ khúc (Serenade) là một loại ca khúc để hát vào buổi tối, thường được nhiều nhạc sĩ Âu châu ưa chuộng, sáng tác... Nhưng có lẽ được biết đến và ưa chuộng nhiều nhất vẫn là bản Serenade của thiên tài người Áo Franz Schubert (1797-1828).

Tại miền Nam Việt Nam trước 1975, Nguyễn Đình Nghĩa từng nổi danh là ”Tiếng Sáo Thần” với biệt tài thổi sáo. 

Anh là bạn cùng thời với chúng tôi lúc lớn lên ở Đà Nẵng, cũng là chồng của Trịnh thị Diệu Tân, bạn cùng lớp với chúng tôi ở trung học Phan Châu Trinh 54-60...Ngày nay nhiều người đã qua đời, một số còn lại ở VN, đa số phiêu bạt khắp nơi.

Khi miền Nam được miền Bắc "giải phóng" thì Nghĩa bị cấm trình diễn. Phan Nhật Nam, cũng là bạn cùng lớp với Diệu Tân và tôi, kể lại thời đó Nghĩa phải chặt tre về chất đầy nhà, làm ống sáo bán độ nhật, rồi cũng làm đàn T'rung, chơi đàn này và cải tiến cây đàn này.

Những chi tiết ấy được nhà văn Phan nhật Nam kể lại như sau:

“….30 tháng 4, 1975 sập xuống, cùng một lần với Miền Nam, Nghĩa và gia đình bị đuổi ra khỏi căn nhà hẻm Phan Văn Trị… ‘Sáo với tiêu, rõ nỡm, cái đống tre này chỉ đun được nồi cơm là phèo!’ Gã cán bộ chỉ vào đống ống trúc đang chờ đục lỗ nói với giọng khinh miệt rẻ rúng…(…)… “Hành vi cao thượng của người Nghệ Sĩ bị đánh giá thành hoạt động hèn mọn phục vụ chính trị suy đồi: ‘Chỉ có bọn Ngụy mới trả tiền để anh thổi sáo cho chúng. Cách mạng chúng tôi không cần. Nhân dân ta chỉ cần đánh Mỹ, thắng Mỹ, và thi đua lao động.’

“Nghĩa và gia đình không về lại Ðà Nẵng, anh đưa vợ và ba con đi xa hơn… Nơi hẻo lánh, vùng núi miền Trung.

..(…)...”Ở miền núi, tiếp xúc với những người sắc tộc Bahnar, H’mong, Rhadé… Nghĩa dần khám phá ra khối lượng nhạc khí độc đáo, kỳ ảo của họ, với cây đàn T’rưng, nhạc khí gõ sơ khởi vỏn vẹn năm ống tre, đầu mắc vào cột, một người ngồi giữ giây, một người gõ. Người Bahnar (vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi chạy qua Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột xuống Bình Long, Nam bộ) chỉ vận dụng được một cung năm ngũ âm đơn giản để dùng trong việc liên lạc, mời gọi họp bạn hoặc các buổi tế lễ như hạ trâu, cưới xin, mở cửa mả.

“Năm 1978, có mặt trong buổi liên hoan âm nhạc đồng bào sắc tộc Việt Nam tại Nha Trang, Nghĩa nẩy ra ý nghĩ khi nghe đàn T’rưng cải tiến (từ một nhạc công người Nam đem ra Bắc năm 1954). Ðàn T’rưng cải tiến thành cung Mi trưởng, có đầy đủ một hợp âm bát độ giúp Nghĩa có so sánh: ‘Nếu chỉ với một ống sáo nhỏ bé anh đã tạo nên hằng hà âm giai, âm sắc biến hóa kỳ ảo, thì huống gì đây những năm ống tre, cũng từ tre, trúc mà ra thôi’. Anh gọt không phải hằng chục, hằng trăm, hàng ngàn, mà hằng chục ngàn ống tre… Chọn lọc, nấu luộc, phơi nắng, cất giữ để có những ống tre tối ưu – Ðể buồng hơi (chambre à air) tạo nên âm thanh tuyệt đối thuần túy – Một cung cộng hưởng tối đa.

“Căn nhà của anh trở nên một rừng tre nhân tạo tua tủa những ống tre. Từng ngày với từng ống tre được gọt theo từng 1/5, 1/10 milimetre một… Năm 1981, Nghĩa hoàn tất chiếc đàn T’rưng đồ sộ gồm 27 ống có khả năng tiết tấu bốn bát độ. Ngoài ra, anh phải cậy đến một sáng kiến khác của người Nhật Watanabé, nhạc sĩ này đã tìm ra một “gam vô tình” cũng có thể gọi là ‘gam mềm’ sau khi gắn vào thêm hai ống. Chiếc đàn 29 ống hoàn chỉnh. Bộ trưởng Văn Hóa (Cộng Sản) Lưu Hữu Phước không thể nào vùi lấp sáng kiến và tài năng của Nghĩa, cũng một phần, đây là điều đáng hãnh diện của người miền Nam sau khi Hà Nội sáng chế nên cây gõ hai đầu; cây gõ nguyên thủy chỉ một đầu.

“Nguyễn Ðình Nghĩa được chính phủ Cộng Sản – Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chấp nhận – Phải chấp nhận – Người nghệ sĩ miền Nam này là một tài năng đích thực. Tài sản lớn của tất cả Việt Nam. Thái độ này là một biểu hiện điển hình của thú nhận: Sau mấy mươi năm chỉ huy miền Bắc, những người lãnh đạo cộng sản đã thành hình được một khối lượng lớn (rất lớn) văn hóa phẩm gồm những bài hát chỉ được hát một lần ở đài phát thanh; những ấn bản toàn tập chỉ được mua bởi cơ quan chính phủ; những tranh, tượng dùng để trang trí ở các phòng họp, hội trường nhà nước.

“Họ cũng dần hiểu rõ, ‘mặc cảm’ cần được tiêu trừ (Như một cấp lãnh đạo miền Bắc đã nói cùng cố học giả Nguyễn Hiến Lê: “Miền Nam nên từ bỏ “mặc cảm tự ti” vì lạc hậu, phản động (do thua trận), và miền Bắc cần từ bỏ “mặc cảm tự tôn (do đã thắng trận”)– thật sự là “mặc cảm” của đám tổng, lý sau khi ăn bạc, và cơn say bữa rượu thịt chó của chính họ…(…)…

“Nguyễn Ðình Nghĩa đã là một ‘trả thù’ xứng đáng nhất…” (Trích đoản văn "Bắt Ðầu… Từ Một Ðêm Trăng " của Phan Nhật Nam)

*
Gia đình Nguyễn Đình Nghĩa sang Mỹ vào tháng 7 năm 1984, được giới thiệu trên CBS News, NBC News. Ký giả Stella Dawson của Northern Virginia Sun ví ông như Jean-Pierre Rampal (nghệ sĩ độc tấu sáo người Pháp). Ông đã được trao tặng 4 giải thưởng của Maryland State Council dành riêng cho Nghệ Sĩ Cá Nhân Xuất Sắc vào những năm 1994, 1998, 2000, 2002.

Năm người con: Nguyễn Diệu Đoan Trang (sử dụng sáo, đàn T’rung, đàn Tam Thập Lục, trống), Nguyễn Diệu Nam Phương (đàn bầu, đàn tranh), Nguyễn Đình Nghị (sáo, guitar, bass), cặp sinh đôi Nguyễn Đình Chiến (trống, guitar), Nguyễn Đình Hòa (bass, guitar, đàn T’rung, cello) đã cùng cha trình diễn tại hàng trăm hý viện trên nhiều tiểu bang ở Mỹ và Canada.

Ngày 11 tháng 5 năm 2003 ông bị đột quị ngay trên sân khấu American History of Nature Museum tại New York.

Ngày 22 tháng 12 năm 2005, Nguyễn Đình Nghĩa vĩnh viễn ra đi.

*
Sống ở Phần Lan, giữa mùa đông lạnh lẽo, tôi ngồi nghe “Dạ Khúc” với tiếng đàn T’rung của Nguyễn Đình Nghĩa, do con gái Đoan Trang gửi.

Cháu cũng phối hợp thêm tiếng cello và tiếng đàn harp, tăng chiều sâu và nâng âm thanh kim khí để hòa với tiếng gõ trên tre trúc mộc mạc của bố.

Tôi xem những tấm ảnh mà tôi đã chụp mấy năm qua ở Mỹ và ở Phần Lan, đúc lại thành tiểu phẩm video clip này, không còn phân biệt mặt trăng hay mặt trời, ban ngày hay ban đêm, ngày xưa hay ngày nay, ở đây, ở đâu, bây giờ, bao giờ.

(Nguyễn Bá Trạc, Turku, Finland 9 tháng 1, 2008).

"SERENADE"" Nguyễn Đình Nghĩa tấu đàn Trưng

No comments:

Blog Archive