Friday, January 12, 2018

I. Hành trình Moskva – St. Petersburg dọc theo sông Volga

28.08.2017 – 08.09.2017

Tôn-thất Sơn 

CHUẨN BỊ CHUYẾN ĐI – CHUYẾN BAY AEROFLOT

Đọc quảng cáo trên báo về chuyến du hành dọc theo sông Volga từ thủ đô Moskva lên phía Bắc cựu kinh đô Nga St. Petersburg vào mùa Thu 2017, nhà tôi muốn tham gia. Chúng tôi đặt vé vào khoảng 5 tháng trước ngày khởi hành. Trong thời gian chờ đợi, hãng du lịch thông báo cho chúng tôi về việc xin chiếu khán. Chi vào khoảng 400 MK qua trung gian văn phòng giúp dịch vụ này, vì không muốn tiếp xúc trực tiếp. Mỗi lần đi ngang tòa đại sứ Nga, cửa đóng im ỉm, cảm thấy ngại ngùng với chút sợ hãi vu vơ. Khác với các quốc gia khác, trên tờ chiếu khán thông hành vào Nga, phải kèm theo hình ảnh của mình, chứ hình có sẵn trong trang đầu thông hành chưa chắc ăn.

Chúng tôi bay Aeroflot vào hồi 01:00 giờ trưa ngày 28.08.2017. Trên bộ đồng phục màu đỏ của tiếp viên hàng không, có thêu hình lưỡi liềm, dấu vết của thời Liên Sô. Chuyến bay Oslo-Moskva vào khoảng 3 giờ rưỡi. Trời u ám với mưa khi máy bay đáp xuống phi trường. Phải chờ khá lâu mới lên được xe buýt về điểm tới là bến tàu nằm trên sông Oka gần trung tâm Moskva, đoán chừng  khoảng 15 km. Vì nạn kẹt xe, phải mất trên tiếng đồng hồ mới nơi. Hành khách được nhân viên tàu đón tiếp bằng phong cầm, và mỗi người ngắt chút bánh mì làm theo kiểu Nga ăn với chút muối, theo truyền thống đón tiếp của đất nước này.

HỆ THỐNG ĐƯỜNG THỦY NỐI MOSKVA VỚI ST. PETERSBURG

Sông Volga, trên bản đồ lại viết Wolga, chạy từ trung Nga, qua 20 thành phố lớn, ra biển Kaspi, là một trong những con sông dài nhất Châu Âu, 3.688 km.

Đại đế Peter muốn một hệ thống sông nước nối liền Moskva với St. Petersburg. Từ năm 1825 kinh đào được thành hình nối Moskva với sông Volga. Kể từ 1937 một hệ thống đường thủy từ Moskva nối với 4 biển hồ lớn của nước Nga.

Nhìn vào bản đồ từ Moskva đến St.Petersburg, sông Moskva được nối với sông Volga bởi 5 con đập. Đi lên phía Bắc sông Volga gặp biển hồ lớn Rybinskoye. Tiếp tục chạy vào biển hồ Beloe, rồi biển hồ Onega, rồi rẽ sang phía Tây vào biển hồ Ladoga, từ đó rẽ vào sông Neva để đến cựu kinh đô St. Petersburg. Trên suốt thủy hành, tàu thuyền phải qua tổng cọng 15 con đập như thế.

CON TÀU m/s ILYA REPIN

Được đóng tại Úc năm 1975, tân trang năm 2012, gồm 4 tầng, có khả chứa 150 hành khách. Thủy thủ đoàn cũng gần bằng số hành khách. Trong chuyến này trên tàu có 03 nhóm: du khách từ Nauy là 30, du khách Ý vào khoảng 70, du khách Việt Nam từ Việt Nam sang, khoảng 12 người. Ăn 3 bữa. Món ăn vừa miệng. Hành khách được chọn một số món ăn do đầu bếp đề nghị, đặt trước một hôm. Tiếp viên do sinh viên làm hè và nhân viên cơ hữu. Sự liên hệ bằng tiếng Anh.

(Sinh hoạt trên tàu)

MOSKVA

Thủ đô Moskva được thành lập vào năm 1147, với diện tích 1.081 km2. Dân số theo thống kê 2012 là 11.612.943 người. Mật độ 11.742,78 người trên mỗi cây số vuông. Nhiệt độ trung bình quanh năm 4,4 dương độ C. Nhiệt độ cực điểm thay đổi từ 30 âm độ C đến 35 dương độ C.  Nhiệt độ trung bình vào mùa Đông 10 âm độ C.

Theo chương trình, chúng tôi có 03 ngày tại Moskva. Vì đến Moskva vào buổi chiều, lên tàu muộn, thành thử còn lại 2 hôm thăm thú thủ đô.

- Thành phố.

Cũng giống như các thành phố lớn trên thế giới, thủ đô Moskva có nhiều tòa nhà cổ, nhìn từ bên ngoài gây nhiều ấn tượng. Đường sá giống giống như ở Paris.

Có dịp xẹt qua một trung tâm thương mại gần Công Trường Đỏ. Các tòa nhà khá cổ kính, cung cách trình bày rất lộng lẫy, ngăn nắp với nhiều cửa hàng sang trọng khác nhau. Như ở trung tâm thương mại Lafayette ở Paris, luôn có nhân viên an ninh xét xách tay khách hàng.

- Điện Kreml/Cẩm Linh.

Chữ Kreml có nghĩa là hoàng thành, được xây dựng lên năm 1482 – 1495, nhìn ra sông Moskva về phía Nam, thánh đường Vasilij và Công Trường Đỏ về phía Đông. Bề dài cung điện 2,5 km, tường cao 20 m với 19 tháp canh được dựng lên vào thế kỷ 14. Bên trong có dinh tổng thống, nhiều văn phòng trại lính, 4 cung điện cùng thánh đường Upenskij 1475-1479, Blogovesjtsj 1484-1489, Arkhangelsk 1505-1509. Ngoài ra còn có một đồng-hồ-sa-hoàng dựng năm 1739, cao 6 m nặng 200 tấn, nhưng tiếc thay, chưa bao giờ được dùng đến.

Điện Cẩm Linh là tượng trưng cho quyền lực của Liên Sô, là nơi cư ngụ của tổng bí thư/tổng thống.

Trước khi hoàng thành được xây bằng bê tông/đá, thì tường được làm bằng gỗ, bị người Mông Cổ tấn công Moskva thảm sát người và đốt vào 1237 – 1238.
Để vào nội thành du khách đi một đoạn đường, qua cửa lớn có lính gác với đồng phục rất đẹp, như bất cứ nơi nào có hoàng thành như ở Nauy, ở Đan Mạch, ở Anh v.v... Dinh tổng thống tân tiến nằm gần cổng thành, được dựng lên từ thời Brejsnev. Các lâu đài, dinh thự xưa cổ nằm xa xa không được xem.

Du khách xem một chiếc chuông cổ bằng đồng lớn nhất thế giới được đúc vào năm 1735, gọi là Đại Chuông Sa Hoàng. Nặng 201.424 kg, cao 6,24 m, đường kính 6,6 m, dày 61 cm. Chuông đúc xong chưa kịp xử dụng, bị rớt xuống trong cơn hỏa hoạn ở điện Cẩm Linh, vỡ một mảnh, nặng 11.500 kg. Súng Đại thần công Sa Hoàng bằng đồng lớn nhất thế giới đúc 1586, nặng 39,312 tấn, dài 5,34 m, đường kính nòng trong 890 mm, đường kính nòng ngoài 1.200 mm, đặt gần chuông khổng lồ.

(Cổng vào điện Kreml)

- Công trường Đỏ.

Trước điện Cảm Linh, là nơi ngày xưa chính quyền Liên Sô dùng để diễn binh. Là nơi chôn cất Juri Gagarin, Clara Jetkin, Maxim Gorki, Josef Stalin, Leonid Bresjnev. Diện tích 820 m dài và 160 m rộng.

- Trạm Ga Tàu Điện Ngầm.

Phải nói rằng Moskva có những trạm ga tàu điện ngầm đẹp đẽ, nghệ thuật và sang trọng nhất thế giới. Hàng ngày có từ 8 đến 10 triệu người Moskva dùng tàu điện ngầm. Hệ thống tàu điện ngầm được hình thành dưới thời cực thịnh của chế độ Sô Viết, được khởi công từ năm 1932. Vào thời kỳ đó, hệ thống nhà thờ bị cọng sản Nga phá hoại, cho nên chế độ mới nghĩ đến việc trang hoàng các trạm ga tàu điện ngầm để thay thế cho giới bình dân chiêm ngưỡng. Các hầm tàu nằm sâu 90 mét so với mặt đất để tránh bom nguyên tử khi chiến tranh xẩy ra. Các trạm tàu điện ngầm được gọi là Nhà Ga Cách Mạng. Ngày 15.05.1935, trạm đầu tiên được khánh thành. Hiện nay Moskva có 200 trạm với 330 km đường sắt.

Chúng tôi xuýt xoa trước vẻ đẹp kiêu sa khác nhau của các ga tàu điện ngầm với tranh vẽ, tượng chạm trổ cùng với những chùm đèn sang trọng như trong  cung điện vua chúa.

(Ga tàu điện ngầm)

(Ga tàu điện ngầm)

- Giáo Hội Chính thống Giáo Nga.

Gọi là Eastern Ortodox Church. Cho đến năm 1054, giáo hội Thiên Chúa Giáo tách làm hai: Giáo Hội Chính Thống Giáo và Giáo Hội La Mã. Sự khác biệt giữa Chính Thống Giáo Đông Phương với Thiên Chúa Giáo La Mã là một bên nhắm vào Sự Thờ Phượng Chúa và một bên nhắm vào Tội Lỗi. Hiện nay trên thế giới có vào khoảng 300 triệu tín đồ, và ở Nga có 80 triệu tín đồ. Chính Thống Giáo được hình thành từ năm 988 từ Constantinople, và Chính Thống Giáo Nga được thành lập 1448/1589, và là quốc giáo cho đến 1917.

Thánh đường Vasilij ở gần Điện Cẩm Linh, vòm bán cầu với chóp nhọn trên nóc nhà thờ có nhiều màu có sọc, với tường màu đỏ có tên là Thánh Đường Bảo Vệ Đức Mẹ Maria, được xây dựng nên vào năm 1552. Thời Sô Viết, Stalin có lần muốn san bằng thánh đường để rộng chỗ cho cuộc diễn binh ở Công Trường Đỏ. Từ năm 1980, ảnh hưởng Giáo Hội Chính Thống Giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Nga. Du khách được xem Thánh Đường dành cho gia đình Nga Hoàng. Trên nóc các tháp hình bán cầu được giát 110 kg vàng ròng.

Bên trong các nhà thờ, sự trình bày đều giống nhau: hình tượng Chúa, Đức Mẹ các Thánh được nằm cạnh nhau trên các bức tường và trên trần.

(Nhà thờ vòm giát vàng dành cho hoàng cung)

THÀNH PHỐ CỔ UGLITSJ

Tàu khởi hành dọc theo sông Volga nhắm hướng Bắc, vào buổi chiều ngày thứ ba chúng tôi ở trên đất nước Nga. Chiều hôm ngày thứ tư, tàu ghé Uglitsj. Thành phố được thành lập năm 1218, đạt đỉnh thịnh vượng vào thế kỷ thứ 15, và bị xuống cấp vào năm 1917. Dấu ấn được ghi vào lịch sử Nga là con trai út của vua Ivan Kẻ Tàn Ác/Ivan the Terrrible, tên Dimitrij bị giết một cách bí mật. Được dẫn vào xem Nhà Thờ Máu, nơi xẩy ra sự chết chóc oan nghiệt đó.

THÀNH PHỐ CỔ JAROSLAVL

Vào ngày thứ 5 tàu ghé Jarovlavl, một thành phố quan trọng ven sông Volga.
Thành phố được hoàng tử Jaroslavl xây dựng vào 1010, thuộc vùng Trung Nga, cách Moskva 280 km về hướng Bắc, với dân số 613.088 theo thống kê 2002. Là thành phố cổ hơn Moskva, được UNESCO công nhận là tài sản thế giới. Chúng tôi được hướng dẫn viên du lịch địa phương dẫn đi xem bảo tàng viện. Bên ngoài được sơn phết cẩu thả, các vết loang lổ các bức tường không được sửa chữa. Ở đó, được xem một ngôi làng thu nhỏ thời xưa có nhà dân, có nhà thờ và xem/nghe chuyên gia rung 12 cái chuông tạo nên nhạc điệu.

NGÔI LÀNG GORITSY

Đây là một làng tiêu biểu ở Nga, nằm ven sông Sheksna. Làng có vào khoảng 300 nóc nhà, có lớp tiểu học, 3 tiệm buôn, bưu điện, phòng mạch bác sĩ và thư viện.

Đây là nhà cho Tu Viện Phục Hưng từ năm 1544 bởi công chúa Yefrosiniya, vợ hoàng tử út của Đại đế Ivan xây dựng. Công chúa thuộc nhóm người có ý định hành thích vua Ivan Kẻ Tàn Ác. Công cuộc bị bại lộ, công chúa bị đày đến làng Goritsy. Đây là nơi có 50 đến 500 phụ nữ bị đày biệt xứ.

Trời nhiều mây hơi u ám. Chúng tôi được vào xem một ngôi nhà kiểu mẫu do cặp vợ chồng già trên 70. Họ sống nhờ vào lòng hào phóng của du khách. Nhà làm bằng gỗ, cở 120 m2. Lớp sơn bên ngoài không chuyên nghiệp, loang lỗ và nhiều màu. Bên trong ngột ngạt vi trần thấp và phòng nhỏ xíu. TV, máy giặt, bếp đều nhỏ và cũ kỷ. Lò sưởi củi cũng nhỏ nhít. Sàn gỗ kêu cót két dưới bước chân của khách viếng thăm.

Ngôi làng rất quạnh hiu, im ắng. Nhìn thấy chỉ vài ngôi nhà xem ra cũ kỷ nằm dọc theo “ quốc lộ “. Đường sá có bảng dành ưu tiên cho xe cộ lưu thông, nhưng chẳng thấy bóng dáng xe cộ nào chạy. Một dãy hàng bán đồ lưu niệm hai bên đường từ bến tàu.

ĐẢO KIZHI

Vào ngày thứ 7 của chuyến thủy hành, tàu ghé đảo Kizhi nằm trong biển hồ Onega. Rộng 10.000 cây số vuông, do 50 sông nhỏ và 1.000 giòng nước ngầm đổ vào. Có 1.300 đảo. Ở đây nhà thờ, nhà cửa đều làm bằng gỗ. Lối kiến trúc không dùng bất cứ cái đinh sắt nào. Hướng dẫn viên địa phương dẫn cho xem Nhà Thờ Chính Thống Giáo, được xây dựng từ 1714, rất lớn tưởng chừng phục phụ cho mấy chục ngàn tín đồ, thế nhưng được biết dân làng ở đây có vào khoảng 8.000 nhân khẩu. Khách du lịch được vào xem căn nhà kiểu mẫu bằng gỗ của người dân thời xưa. Cách sắp đặt phòng ốc khắc hẳn với thời nay. Dân chúng rời bỏ làng, đến St.Petersburg kiếm việc làm, khiến cho sự xuống cấp kinh tế vào thế kỷ thứ 19. Nhà thờ do UNESCO bảo trợ gìn giữ.


 (Nhà thờ bằng gỗ)

LÀNG MANDROGI

Vào ngày thứ 8 chúng tôi ghé thăm làng Mandrogi, nhà cửa cũng được xây dựng bằng gỗ. Làng cách St. Petersburg 270 cây số về phía Nam.

Chúng tôi tự do vào các ngôi nhà bằng gỗ khá lớn, mua đồ kỷ niệm do nghệ nhân sáng tác. Trong các cơ sở thủ công nghệ này công nhân ăn mặc áo quần truyền thống đẹp đẽ, mỗi người làm có phần chuyên môn của mình. Tại đây có một bảo tàng rượu Vodka với 2.000 thương hiệu. Buổi trưa, chúng tôi ăn trưa với đồ ăn nướng. Như ở trên tàu, thức uống phải trả.

Buổi chiều, tàu men theo sông Svir trực chỉ biển hồ Ladoga, lớn nhất Âu châu, rồi men theo sông Neva vào St. Petersburg.

CỐ ĐÔ ST. PETERSBURG

St. Petersburg được khánh thành bởi Sa Hoàng Đại Đế Peter ngày 27.05.1703, là thủ đô từ 1712 đến 1918. Mang tên Petrograd năm 1914 – 1924, và đổi tên Leningrad 1924 – 1991. Diện tích 1.439 cây số vuông, dân số 4.953.219, theo thống kê 2012. Mật độ dân số 3.442,13 người cho mỗi cây số vuông. Nhiệt độ trung bình 22 dương độ C. Sự thay đổi giữa 37 dương độ C và 35 âm độ C.

Thành phố đẹp với những tòa nhà lộng lẫy dọc theo sông Neva, với hệ thống kinh rạch bắt chước Amsterdam ở Hòa Lan, nhưng rộng rãi khoáng đạt hơn. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, cố đô từng bị quân đội Đức Quốc Xã bao vây trong 2.000 ngày, hằng ngày 1.000 thường dân bị chết vì đói.

Mưa với bầu trời u ám chào đón chúng tôi trong suốt thời gian 03 ngày ở đây.
Chất lượng đường phố kém thua Moskva. Lại nạn kẹt xe. Chúng tôi có vài giờ đi dọc theo con đường chính ở trung tâm thành phố. Sự hoa lệ kém thua các thành phố Âu Châu.

- Kinh rạch ban đêm.

Trong đêm tối chúng tôi vào khoảng 20 du khách Viking xuống ghe theo kinh rạch xem thành phố đêm. Vì trời mưa và gió lạnh giữa lòng sông, du khách phải ngồi trong khoang, nhìn những tòa nhà, dinh thự, những chiếc cầu rực rỡ ánh đèn. Các buildings không to lớn bằng như ở Paris như khi ngồi trên ghe thuyền dọc sông Seine, nhưng lớn hơn và sang trọng hơn ở Amsterdam khi chúng tôi ngồi ghe dọc theo các con kinh hẹp và tối tăm.

-Viện tàng viện Eremitage.

Hàng ngày có hàng ngàn du khách sắp hàng vào xem viện bảo tàng viện trưng bày kỷ vật của Cố Đô. Một tòa nhà lớn với màu sơn trắng/xanh lá cây, được xây dựng 1764. Khởi thủy đây là cung điện Mùa Đông cho Sa Hoàng Romanov. Viện bảo tàng chứa vào khoảng 3 triệu tác phẩm nghệ thuật từ đồ gốm Á châu, mã não cho đến tranh của các danh họa thế giới. Người ta ước tính nếu dùng 1 phút để xem mỗi một vật thể, thì phải mất 11 năm mới hết. Mỗi phòng trưng bày mỗi vẻ sang trọng và tráng lệ.

- Lâu đài Katarina và vườn thượng uyển Pushkin.

Đây là Cung điện Mùa Hè của Sa Hoàng, nằm 25 km đông nam St. Petersburg, được xây năm 1717, từng bị tàn phá bởi bom của Đức Quốc Xã trong Đệ Nhị Thế Chiến, và được trùng tu sau khi Liên Sô sụp đổ, để phục vụ du lịch. Tòa lâu đài bên ngoài sơn màu trắng và xanh dương. Các phòng đều có sơn son thếp vàng, mang tính chất sang trọng cao sang của các hoàng cung.

Ở các điểm du lịch, du khách có dịp đi dạo qua các chòi làm gian hàng bán đồ kỷ niệm đặc trưng Nga. Không có cảnh níu kéo hoặc trả giá náo nhiệt như ở Bắc Kinh.


(Một phòng trong hoàng cung)

- Xem nhảy múa Kozac ở hí viện.

Kozac hay tiếng Anh là Cossacks, nghĩa là thành viên của các tổ chức dân chủ, tự trị và bán quân sự, xuất phát từ quốc gia Ukraina từ thế kỷ 14, 15, sau đó lan ra các nước nhỏ trong vùng. Họ gồm nhiều sắc dân khác nhau, người Ukraina, người Ba Lan, nông dân Nga, người nô lệ từ Trung Âu v.v.. Từ thế kỷ thứ 18, Cossacks nằm trong lãnh thổ Nga, là một thế lực quân sự trong các cuộc chiến tranh, với nhiệm vụ cảnh sát và bảo vệ biên giới. Trong cuộc nội chiến Nga, Cossacks của các nước Don và Kuban chống lại Bolsheviks. Trước sự chiến thắng của Hồng Quân Liên Sô, các quốc gia nhỏ Cossacks bị giải thể, nhưng được tái lập sau khi Liên Sô bị sụp đổ. Hiện nay Cossacks hiện diện tại Nga, Kazakhstan, Ukraina, Belarus và Hoa Kỳ.

Trên sân khấu, các diễn viên ăn mặc áo quần sặc sỡ, tay mang giáo với những điệu nhảy mạnh mẽ sôi động. Các diễn viên nữ da trắng đồi mồi, cao ráo, đẹp đẽ. Nam diễn viên hầu hết đều có râu.


(Trình diễn Kozac)

 
VÀI DỮ LIỆU VỀ NƯỚC NGA

Diện tích 17.075.200 km2, sắp hạng 1 thế giới. Dân số 142.423.773 người, sắp hạng 9 trên thế giới. GDP (Gross Domestic Product) theo thống kê Ngân Hàng Thế Giới năm 2011 là 23.163 MK quốc tế, sắp hạng 52 trên thế giới. HDI (Human Development Index) theo thống kê 2014 là 0.778, sắp hạng thứ 57 trên thế giới. Tiền tệ RUB. Quốc khánh 12.06. Tôn giáo: Giáo hội Chính Thống Giáo.

Thời tiền sử, người ta tìm thấy dấu vết hang ở Sibir vào 20.000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh.

Hướng dẫn viên du lịch Nga là một phụ nữ cho biết rằng cả trăm sắc dân hình thành quốc gia Nga, mô tả về thời kỳ bao cấp trong chế độ Sô Viết.

Một vài thời điểm ghi nhớ theo dòng lịch sử Nga.

Năm 800, ghi nhận nơi cư ngụ của dân Viking Thụy Điển. 812 Igor Ruriks thống nhất dân Viking. Thiên Chúa Giáo du nhập 990. Đặt thủ đô ở Kiev năm 1037. Địa danh Moskva được nêu lên lần đầu 1147. Mông Cổ chiếm đóng 1236. Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng Konstantinobel 1453. Đại đế IVAN III thống nhất nước Nga 1462.

Từ thế kỷ thứ 16 các Sa Hoàng mở mang nước Nga đến tận Sibir và Thái Bình Dương. Năm 1598 Sa Hoàng họ Ruriks băng hà, loạn lạc nổi lên. Ba Lan chiếm Moskva 1610. Năm 1613 triều Romanov bắt đầu đế nghiệp. Năm 1645 liên hiệp với Ukraina. Năm 1700-1721, chiến tranh Bắc Âu. 1772 Nga chiếm Ba Lan. 1809 Nga chiếm Phần Lan từ tay Thụy Điển. 1812 Napoleon chiếm Nga. 1893 liên hiệp với Pháp. 1898 đảng Lao Động Xã Hội được thành lập. Nga thua trận trước Nhật 1904-1905. Cách mạng Nga lần thứ I. Năm 1914-1918 Nga tham gia Đệ I Thế Chiến.

Cách mạng Cộng Sản thành lập Liên Bang Sô Viết 07.11.1917. Hệ thống Liên Sô sụp đổ 26.12.1991. Các quốc gia bị gán ghép vào Liên Bang Sô Viết trở lại nguyên trạng trước khi có “Cách Mạng Vô Sản” 1917 do Lenin lãnh đạo. Thực ra có hàng trăm đảng phái ghi danh với nhà nước, nhưng hiện nay chỉ có 6 đảng được nhiều người biết đến, và trong quốc hội Nga, Duma (State Duma) đảng Thống Nhất Nga của Putin là đông đảo hơn cả. Đảng phái gồm Đảng Thống Nhất Nga (United Russia), Đảng Cọng Sản, Đảng Dân Chủ Tự Do (Liberal Democratic Party), Đảng A Just Russia, Đảng Rodina, Đảng Civic Platform.

Sinh hoạt trên tàu trong suốt hành trình 11 ngày.

Buổi chiều trước khi tàu đến St. Petersburg, trên tàu có màn trình diện của thuỷ thủ đoàn. Thường thường những buổi sau bữa ăn, có trình diễn nhạc/hát, hoá trang “cướp biển” v.v… Đặc biệt, một buổi tối, người ta tổ chức “trình diễn văn nghệ bỏ túi” cho 3 nhóm du khách. Chúng tôi tham gia cùng nhóm Vikings trình diễn hài kịch nhỏ. Nhóm Ý trình diễn màn kịch ngắn hoá trang, nói tiếng Ý. Chúng tôi chẳng hiểu gì. Riêng nhóm Việt Nam, chỉ bà cở 50 tuổi hát 2 bài liên tiếp. Bài hát Quan Họ, nghe ra tốt. Tiếp đến là bài “Em ở Nghệ An, em nhớ Mạc Tư Khoa có bác”. Bài đồng ca “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Nghe mà đau cái đầu hết biết. Người bạn Nauy hỏi chúng tôi nội dung vì nghe mây chữ “hồ-chí-minh”. 

Nói chung, chúng tôi giữ thái độ kính nhi viễn chi, chỉ chào hỏi qua loa khi gặp nhau ở phòng ăn sáng. Trên tàu nhờ có nhóm từ Việt Nam nên đầu bếp làm ra món phở, bún. Các thứ này do hướng dẫn viên du lịch mang từ Việt Nam.

Trong nhóm Việt Nam, hướng dẫn viên du lịch là một thanh niên trẻ, một nữ nhân viên làm cho hãng du lịch Nga, được điều động sang phụ giúp đón du khách từ Việt Nam sang, một khách du lịch đàn ông trung niên, còn ngoài ra là nữ “kinh doanh” từ các chợ. Mỗi lần rời tàu đi ra ngoài, họ ăn mặc như đi dạ hội. Người Nauy đi cùng đoàn nói với nhà tôi “Xem ra đồng bào của mày có nhiều mũ/nón quá, trong khi mày chỉ có một mũ lưỡi trai, bết quá!”. Mỗi lần họ xúm nhau lại là oang oang, còn hơn mấy bà nhóm người Ý!

Du khách bị cướp cạn, bị mất cắp.

Trong chuyến viếng thăm viện bảo tàng Eremitage, du khách đàn ông Việt Nam độc nhất trong đoàn bị thành viên cướp giựt tại Nga chiếu cố. Ông ta là bộ đội phục viên rất kinh nghiệm về vụ giữ gìn đồ vật mang theo, có lẽ kinh nghiệm từ Việt Nam. Trong lúc sắp hàng bên vệ đường chung với vợ, em vợ và mấy chị kinh doanh, một chiếc xe con trờ tới. Anh ta hô lớn để đám đàn bà Việt Nam lưu tâm, thì 3 thanh niên nhào ra khỏi xe, áp sát vào anh ta. Chỉ trong mấy giây, chiếc Iphone 7 nằm chiếc túi trên được gài nút cẩn thận biến mất. Anh ta ở lại “hiện trường”tìm cách chuộc lại, nhưng bất thành.

Buổi chiều, lại nghe một vụ Iphone 7 bị móc khỏi túi từ một thương nhân gốc Malaysia. Anh ta to con, khoẻ mạnh, đi với vợ sang tháp tùng cùng chuyến tàu cốt xem cung cách vận hành của chuyến du lịch, với mục đích sẽ làm ăn chung với công ty du lịch Nga. Kể rằng hai vợ chồng dùng tàu điện ngầm từ phố về bến tàu. Điện thoại không cánh mà bay trong chuyến metro!  Xem ra không khác chi ở Saigon cuả xứ Cọng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam mà tôi được xem qua YouTube trên internet.

ẤN TƯỢNG SAU CHUYẾN DU LỊCH

 (Hình ảnh lưu niệm)

Về đất nước và con người Nga

Vì lập trường Quốc-Cộng, mỗi khi nói đến nước Nga là Người Việt Quốc Gia cũng như chúng tôi đều… lắc đầu tránh xa. Mặc dù nay Nga không còn là một nuớc Cộng Sản nữa, song hành động của tổng thống Nga Putin, vốn là một trung tá mật vụ KGB Liên Sô do tổng thống Jeltsin dựng, chúng tôi cũng chẳng có chút cảm tình nào. Thế nhưng chúng tôi lại ao ước xem các ga tàu điện ngầm, vì xem trên TV, thấy đẹp lộng lẫy. Vì vậy chúng tôi quyết định đi.

Trên chuyến tàu thuỷ theo sông Volga, qua rất nhiều đập ngăn nước, chúng tôi thấy những rừng cây bạt ngàn. Thỉnh thoảng, men sông lại thấy các ngôi nhà thờ với vòm tròn nửa bán cầu, thường thường sơn màu vàng, xanh hay đỏ.

Tôi thường đánh giá một cách thô sơ nền kinh tế của thành phố tôi ngang qua.

Xe cộ ở Moskva sang trọng hơn ở St. Petersburg. Tôi kết luận một cách võ đoán rằng đời sống kinh tế người dân ở Moskva cao hơn dân ở St.Petersburg. Rất tiếc là tôi chưa có dịp thăm thú thêm nhiều thành phố ở Nga, nên sự đánh giá chắc chắn là phiến diện.

Tiếp xúc với nhân viên người Nga, chúng tôi nhận xét họ có nhân dáng không khác gì dân Viking. Da trắng. Vẻ trầm ngâm với khuôn mặt lạnh lùng. Tuy nhiên tôi được xem một số video clips về Nga, họ lái xe bất cẩn, họ sẵn sàng gây gổ đánh nhau. Tôi cũng xem cảnh đánh nhau trong các tiệc cưới, không khác gì thanh niên Việt Nam.

Theo hướng dẫn viên du lịch Nauy, lương hàng tháng của công nhân bình thường Nga chỉ được vào khoảng 400 MK, không bằng ¼ tiền hưu trí người dân Nauy cả đời chưa bao giờ đi làm việc.

Qua chút tiếp xúc với hướng dẫn viên du lịch địa phương người Nga, sự đối xử của họ với người Nauy tử tế hơn với chúng tôi là người Việt. Trong lịch sử xa xưa, người Nauy, Thụy Điển, Đan Mạch đều có liên hệ với các giòng vua chúa Nga.

Chút suy tư khi ở chung với nhóm du khách Việt trên tàu.

Vào buổi tối “ văn nghệ bỏ túi “, lòng chúng tôi cảm thấy chút lấn cấn, bứt rứt.
Tự hỏi tại sao chúng tôi không cùng với nhóm Việt hát chúng một bài hát dân tộc mà chúng tôi lại cùng với nhóm Viking? Chúng tôi không biết trong đầu óc ngưòi Nauy nghĩ sao về mình khi chúng tôi lại không cùng với Nhóm Việt?

Đối với tôi, mặc dù tôi vượt biên thoát khỏi tổ quốc vào năm 1979, nhưng trong tim tôi, xem như tôi xa Việt Nam kể từ ngày 30.04.1975 khi xe tăng VC húc ngã cánh cưả sắt Dinh Độc Lâp cưỡng chiếm Miền Nam. Cho nên chúng tôi có cảm tưởng rằng nhóm du khách Việt từ Việt Nam với chúng tôi thuộc hai quốc gia khác nhau. Có chút gì đau lòng chăng? - Xin thưa, có đấy.   

Bài hát dân ca

Trong chuyến du hành bằng tàu thuỷ theo sông Volga, chúng tôi được nghe và hát theo bài hát dân ca đầy sinh động, nhan đề Kalinka-Malinka, diễn tả sự gắn bó gần gũi của cây rừng như sự gắn kết giữa con người với con người. Viết những dòng chữ này, trong đầu tôi vẫn lùng bùng các câu hát “Kalinka, kalinka, kalinka maya fsadoo yagada Malinka-Malinka maya…”.

Một chuyến đi để lại nhiều dấu ấn. 

Mùa Giáng Sinh 2017.

Tôn-thất Sơn


II. Cảm nghĩ về bài “Hành Trình Moskva-St. Peterburg dọc theo sông Volga”

kim thanh

Đọc bài hồi ký của Bác sĩ Tôn Thất Sơn về cuộc hành trình đến Moskva và St. Petersburg, Nga, dọc theo sông Volga, tháng 8, 2017 vừa qua, tôi không khỏi nghĩ đến những trang sách du ký chứa đầy sự ngạc nhiên và thích thú của Stendhal qua ba thành phố Ý, Rome, Naples et Florence (1817), hay Promenades dans Rome (1829). Hoặc gần gũi hơn, bài viết của Phạm Quỳnh kể cuộc viếng thăm Chùa Hương (chùa ngoài) và Động Hương Tích (chùa trong), đăng trên Tạp chí Nam Phong số 23, cách đây đúng một thế kỷ (1917). Tất cả đều hấp dẫn đối với tôi, dù mỗi tác giả có một lối kể chuyện riêng, với kỹ thuật riêng, nét duyên dáng riêng. Stendhal, mặc dù tả phong cảnh, tức địa lý, nói chung, một cách dí dỏm, châm biếm, như thường lệ, vẫn dành phần lớn tác phẩm để bàn về nghệ thuật và các danh nhân, nghệ sĩ (như thi hào Dante, những điêu khắc gia Michel-Ange và Brunelleschi, họa sư Léonard de Vinci v.v…) của Florence, hay Rome, và nêu những ý kiến cá nhân trên sự khác biệt văn hóa và phản ứng giữa người Pháp và người Ý. Còn Phạm Quỳnh thì tả tỉ mỉ cảnh vật chung quanh Chùa Hương, biểu lộ lòng say sưa thán phục trước vẻ đẹp thiên nhiên kỳ diệu, chẳng hạn những sợi thạch nhũ trong động “rũ xuống” như “mắc áo”. Cũng giống như tác giả Tôn Thất Sơn khi viết về Moskva và St. Petersburg, và từ đó về nước Nga nói chung, với những nét phác họa phong cảnh song song với những lời giải thích, hoặc ý kiến riêng, khiến bài được thêm linh động, độc đáo.

Dĩ nhiên còn nhiều bài ký sự, rất giá trị, viết bởi nhiều tác giả khác, như, chẳng hạn, Blaise Cendrars (Les Pâques à New York, 1912, La Prose du Transsibérien, 1913), nhưng khi đọc Tôn Thất Sơn, không hiểu sao tên Stendhal và Phạm Quỳnh lại hiện ra trong tâm trí tôi trước tiên. Phải chăng vì tôi được học hỏi nhiều, và biết rõ hơn, qua văn tài của họ, về những địa danh mà họ đã đến viếng thăm?

Quả thực, đọc Tôn Thất Sơn, tôi thấy hiện lên đầy đủ, trước mắt, và trong trí tưởng, một nước Nga hiền hòa, cổ điển của những thế kỷ tiền Cách Mạng còn nằm trong tay chế độ vương quyền. Với cố đô St. Petersburg sừng sững, uy nghi qua bao năm tháng, với con sông Volga dài nhất Âu Châu, với bốn biển hồ lớn (Robinskoye, Beloe, Onega, Lagoda) và mười lăm con đập nối kết hai dòng sông Moskva và Volga, hai thành phố Moskva và St. Petersburg. Có tất cả trong bài của Tôn Thất Sơn: tác giả kể tỉ mỉ, vắn tắt mà đầy đủ, từng chi tiết, kể cả mật độ, nhiệt độ và thời tiết, khác xa, và còn hơn, một cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch, vốn vô tri, lạnh lùng, không ghi một dòng nhỏ cảm nghĩ, bình phẩm của du khách về một nơi này, nơi nọ.

Kèm theo, trong Tôn Thất Sơn, đây đó, một thoáng lịch sử của nước Nga, từ hàng trăm thế kỷ dài lâu, và dân số đông đúc đã tạo nên những cảnh trí đặc trưng, hữu tình của những thành phố cổ (như Uglitsj, Jaroslavl), những ngôi làng (Goritsy, Mandrogi), những hải đảo (Kizhi), trạm ga tàu điện ngầm với những bức tranh vẽ hay tượng chạm trổ rực rỡ dưới ánh sáng muôn màu, kinh rạch ban đêm, công trường đỏ của thời Cộng sản tiếm ngôi, bảo tàng viện Eremitage, lâu đài Katarina, vườn thượng uyển Pushkin, hí viện Kozac với những nữ diễn viên môi hồng má phấn, cao ráo, đẹp đẽ v.v…

Kèm theo, còn nữa, đôi dòng chớp nhoáng, như khoảnh khắc chói lòa của ánh đèn flash từ máy chụp ảnh, về giáo hội chính thống giáo, được thành lập từ giữa thế kỷ XV, nay trở thành quốc giáo của Nga. Và một đoạn liên quan đến “vài dữ liệu về nước Nga”, được nhắc qua, như tình cờ, trong đó có một chút lịch sử, ít người biết, mà chắc trong cẩm nang du lịch không nói đến: Qua những thời kỳ khác nhau, nước Nga “hùng mạnh” đã bị chiếm đóng bởi quân Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật, Ba Lan, Pháp, Đức.

Điều này khiến tôi lại liên tưởng đến những trang rất lôi cuốn, trong đó Stendhal đã viết về nghệ thuật, danh nhân, giai thoại và lịch sử của Florence và Rome. Độc giả, ngồi tại nhà, như tôi, có cảm giác cũng đang đi qua những nơi chốn ấy, cùng với Stendhal, cách đây hai thế kỷ, và đi qua nước Nga cùng với Tôn Thất Sơn hôm nay, cùng thấy lòng phấn chấn, khát khao, hoặc trầm trồ khen ngợi, trong một chuyến đi tưởng tượng. Cũng như bất chợt mỗi lần, cùng với Marcel Proust, khắc khoải đi tìm thời gian đã mất –bắt đầu từ miếng bánh madeleine chấm vào tách trà thơm. 

Quả vậy, nếu phải viết về cuộc du ngoạn trên sông Volga đến Moskva và St. Petersburg, Stendhal, hay Phạm Quỳnh, tôi nghĩ, sẽ không viết khác hơn Tôn Thất Sơn bao nhiêu. Và bất cứ du khách Việt Nam tỵ nạn nào, chưa phản bội lý tưởng quốc gia, không thể làm hồn tôi xao động hơn tác giả Tôn Thất Sơn. Vì sao? Tôi đã đọc nhiều sách hồi ký, hoặc nghe kể chuyện “đi cruise” qua Mexico, Âu Châu –mốt thịnh hành hiện nay của những cặp vợ chồng già, hoặc về hưu, có thì giờ, có tiền bạc dành dụm hay do con cháu tặng. Đi về, họ viết sách, viết bài, chỉ tả cảnh trên tàu, giờ giấc, thực đơn, sinh hoạt, giải trí v.v…, hoặc chỉ kể về những quốc gia và thành phố đã đi qua, kèm theo những hình chụp, như quảng cáo không công cho các hãng du lịch, vui chơi mà không có một dòng, dù thoáng qua, nghĩ đến quê mẹ đang điêu linh dưới gông cùm Việt Cộng.

Khác với tác giả Tôn Thất Sơn. Quả thế, trong đoạn kết, “Ấn tượng sau chuyến đi du lịch”, ông đã bộc lộ tinh thần và lập trường quốc gia vững chắc của một công dân VNCH chân chính, sau 42 năm nước mất nhà tan. Không thỏa hiệp với quốc gia một thời là Cộng Sản, như Nga, dù mình đang ghé thăm đấy, và những nước còn đang là Cộng sản, Tàu Cộng, và Việt Nam, dĩ nhiên. Một cách nhẹ nhàng, kín đáo, nhưng dứt khoát.

      1) Khi tả cảnh bán đồ kỷ niệm “đặc trưng Nga” tại những gian hàng quanh lâu đài Katarina, tự dưng (vì không có gì dẫn đưa đến sự so sánh) ông viết: “Không có cảnh níu kéo hoặc trả giá náo nhiệt như ở Bắc Kinh”. Tại sao không nhắc đến cảnh chợ trời, cũng ồn ào, ở các nước khác, mà chỉ tại Bắc Kinh, thủ đô của Tàu Cộng? Hỏi, tức đã trả lời.

      2) Du khách bị cướp cạn, bị mất cắp:
          • “Trong chuyến viếng thăm viện bảo tàng Eremitage, du khách đàn ông Việt Nam độc nhất trong đoàn bị thành viên cướp giựt tại Nga chiếu cố. Ông ta là bộ đội phục viên rất kinh nghiệm về vụ giữ gìn đồ vật mang theo, có lẽ kinh nghiệm từ Việt Nam.”

      Châm biếm, mỉa mai, rất nhẹ nhàng. Càng đau hơn vì sự mỉa mai, châm biếm rất nhẹ nhàng.

            •“Buổi chiều, lại nghe một vụ Iphone 7 bị móc khỏi túi từ một thương nhân gốc Malaysia. Anh ta to con, khoẻ mạnh, đi với vợ sang tháp tùng cùng chuyến tàu cốt xem cung cách vận hành của chuyến du lịch, với mục đích sẽ làm ăn chung với công ty du lịch Nga. Kể rằng hai vợ chồng dùng tàu điện ngầm từ phố về bến tàu. Điện thoại không cánh mà bay trong chuyến metro! Xem ra không khác chi ở Saigon của xứ Cọng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam mà tôi được xem qua YouTube trên internet”.

      Cũng như đối với Tàu Cộng, những hành động tiêu cực đều được tác giả Tôn Thất Sơn gán, một cách đúng đắn, cho Việt Nam của lũ khỉ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vừa xuống thành phố từ núi rừng Trường Sơn.

     3) Về đất nước và con người Nga:
      •“Vì lập trường Quốc-Cộng, mỗi khi nói đến nước Nga là Người Việt Quốc Gia cũng như chúng tôi đều… lắc đầu tránh xa. Mặc dù nay Nga không còn là một nuớc Cộng Sản nữa, song hành động của tổng thống Nga Putin, vốn là một trung tá mật vụ KGB Liên Sô do tổng thống Jeltsin dựng, chúng tôi cũng chẳng có chút cảm tình nào. Thế nhưng chúng tôi lại ao ước xem các ga tàu điện ngầm, vì xem trên TV, thấy đẹp lộng lẫy. Vì vậy chúng tôi quyết định đi.”

      Putin thì ai cũng biết, hay đoán biết, muốn “làm cho nước Nga vĩ đại trở lại”, và tự muốn là một lãnh tụ muôn đời, nghĩa lại trở về chế độ Sô Viết: Putin muốn chiếm lại Ukraine, là nước ly khai quan trọng nhất, sau khi khối Liên Xô tan rã, và đã đưa tàu chiến chiếm hải cảng Crimée của xứ này. Ngoài ra, muốn giữ vai trò lãnh đạo Trung Đông và Á Đông: giúp Syria và Iran, thân thiện với Bắc Hàn và Việt Nam, ủng hộ bọn khủng bố Hamas tại Palestine, chia ảnh hưởng với Tàu Cộng và với Mỹ của Trump. Tôn Thất Sơn “chẳng có chút cảm tình nào” với Putin cũng phải thôi.

      • Hay: “Tiếp xúc với nhân viên người Nga, chúng tôi nhận xét họ có nhân dáng không khác gì dân Viking. Da trắng. Vẻ trầm ngâm với khuôn mặt lạnh lùng. Tuy nhiên tôi được xem một số video clips về Nga, họ lái xe bất cẩn, họ sẵn sàng gây gổ đánh nhau. Tôi cũng xem cảnh đánh nhau trong các tiệc cưới, không khác gì thanh niên Việt Nam.” Một nhận xét rất tiêu cực, mà đúng. Nghe nói du khách người Nga ở Việt Nam, đặc biệt Nha Trang, quê tôi, cũng hung dữ và vô giáo dục như thế.

      4) Sinh hoạt trên tàu trong suốt hành trình 11 ngày:
       •“Riêng nhóm Việt Nam, chỉ bà cở 50 tuổi hát 2 bài liên tiếp. Bài hát Quan Họ, nghe ra tốt. Tiếp đến là bài ‘Em ở Nghệ An, em nhớ Mạc Tư Khoa có bác’. Bài đồng ca ‘Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng’. Nghe mà đau cái đầu hết biết. Người bạn Nauy hỏi chúng tôi nội dung vì nghe mây chữ ‘ hồ-chí-minh’. Nói chung, chúng tôi giữ thái độ kính nhi viễn chi, chỉ chào hỏi qua loa khi gặp nhau ở phòng ăn sáng”.

      • Chút suy tư khi ở chung với nhóm du khách Việt trên tàu: “Vào buổi tối ‘văn nghệ bỏ túi’ lòng chúng tôi cảm thấy chút lấn cấn, bứt rứt. Tự hỏi tại sao chúng tôi không cùng với nhóm Việt hát chung một bài hát dân tộc mà chúng tôi lại cùng với nhóm Viking? Chúng tôi không biết trong đầu óc ngưòi Nauy nghĩ sao về mình khi chúng tôi lại không cùng với Nhóm Việt? Đối với tôi, mặc dù tôi vượt biên thoát khỏi tổ quốc vào năm 1979, nhưng trong tim tôi, xem như tôi xa Việt Nam kể từ ngày 30.04.1975 khi xe tăng VC húc ngã cánh cửa sắt Dinh Độc Lập cưỡng chiếm Miền Nam. Cho nên chúng tôi có cảm tưởng rằng nhóm du khách Việt từ Việt Nam với chúng tôi thuộc hai quốc gia khác nhau. Có chút gì đau lòng chăng? - Xin thưa, có đấy”. 
     
Viết như thế là quá rõ. Chỉ xin góp thêm ý: Dù chiến tranh đã chấm dứt và đất nước đã được “thống nhất” từ 1975 –như những tên lãnh đạo tự phong VC và những nhà thơ, nhà văn Việt Gian to mồm rêu rao– nhưng chuyện “hòa hợp hòa giải” giữa Quốc gia và Cộng sản, giữa Bắc và Nam, giữa Bắc Kỳ 9 nút và Bắc Kỳ 2 nút, nói chi chuyện “quên đi hận thù”, do Nghị quyết 36 (hay anh thi sĩ dở hơi Cao Tần, chẳng hạn) đề nghị, cổ võ, lừa bịp, là viễn vông, và sẽ không xảy ra cho thế hệ người Việt quốc gia tỵ nạn, trong số có Bác sĩ Tôn Thất Sơn và tôi, nạn nhân thảm thương của “bên thắng cuộc”, ít nhất là trong kiếp này. Ranh giới Quốc-Cộng, đối với tôi, vẫn còn đó, chưa bao giờ xóa bỏ, kể từ sáng 30/4/1975, khi bọn cướp ngày VC xua quân cưỡng chiếm Miền Nam.

Tôi vô cùng thích thú, nếu không muốn nói bị quyến rũ, theo bài viết của Tôn Thất Sơn, mà tôi đã đọc nhiều lần, với nguyên vẹn rung cảm ban đầu, bởi nội dung hấp dẫn nói trên, và bởi, ngoài ra, mỗi đoạn có tựa đề rõ ràng, dễ theo dõi, và thêm nữa, câu văn rất gọn gàng, mà đầy đủ, đi thẳng vào điểm chính. Chưa kể những bức ảnh “phụ đính”, đẹp và màu sắc lộng lẫy. Và nhất là ý chí chống Cộng không suy suyển của tác giả.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Tôn Thất Sơn với bạn bè thân thương, cùng một lứa bên trời lận đận, của tôi. 

Portland, 4 tháng 1, 2018

Kim Thanh

No comments:

Blog Archive