Ông NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà Hát Trần Hữu Trang kiêm Hội Trưởng Hội Sân Khấu thành phố viết trên trang Web Cailuong: “Nỗi lo lớn của sân khấu truyền thống: Hiếm hoi sàn diễn dành cho sân khấu truyền thống, lác đác chương trình nghệ thuật sáng đèn, lớp kỳ cựu của làng sân khấu cải lương, hát bội ngày một thưa dần, thế hệ nối tiếp nghề tuy có song chưa thể là đội ngũ kế thừa đủ thực lực và tâm huyết… Đó là nỗi lo quá lớn của sân khấu truyền thống tại TPHCM”.
Trước khi nói chuyện sân khấu cải lương chết, tôi xin đề cập qua các danh từ của ông Trần Ngọc Giàu dùng để hiểu rõ tình hình sân khấu cải lương ở VN.
Cộng sản thường dùng danh từ mơ hồ, tránh né sự thật khi nói đến những việc họ làm có hại cho dân. Vì dụ họ nói cán bộ có hành động “tiêu cực” là nói cán bộ cộng sản “tham nhũng” cướp tài sản đất ruộng của dân, ức hiếp dân, ăn hối lộ, hành động “hủ hóa” là họ ăn chơi, sa đọa, lấy vợ bé là những cô người mẫu, cán bộ làm chủ những sòng bạc lớn, chủ các phòng tắm hơi sang trọng hợp thức hóa hoạt động của đĩ điếm, họ bàn chuyện ăn nhậu vui chơi để dân không nghĩ đến việc CS bán nước cho Trung Cộng… Dân nói đến thảm họa của sự đô hộ và diệt chủng của Tàu đối với VN, nói đến Hoàng Sa và Trường Sa là của VN thì bị Công An CS bắt, đánh đập, tù đày và ghép cho dân tội vi phạm điều luật 88 của Hiến Pháp …v..v..
Nói “sàn diễn” là rạp hát. “Sàn diễn thay đổi công năng” là rạp hát thay vì để cho các đoàn cải lương hát biến thành restaurant, tiệm bán sách, bán bánh Trung thu… “Sàn diễn cải lương theo mô hình xã hội hóa” là gánh hát của tư nhân.
Ông Trần Ngọc Giàu nói: Hiện nay hiếm có rạp hát dành cho Cải Lương và Hát Bội!
Xin nhắc cho ông Trần Ngọc Giàu nhớ: sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 tức cái ngày Miền Bắc đã xâm chiếm Miền Nam dưới danh từ ngụy tạo là “giải phóng”, Saigon Chợ Lớn và Gia Định có 39 rạp hát dành cho các đoàn hát Cải Lương và Hát Bội, phân chia ra ở mỗi quận vài ba rạp để cho dân ở trong các quận đó tiện đường đi đến rạp xem hát.
Quận Nhứt và quận Nhì có các rạp: 1/Nhà hát thành phố (Quốc Hội cũ) 2/Rạp Norodom sau đổi tên Rạp Thống Nhất) 3/Rạp Nguyễn Văn Hảo, 4/Rạp Thành Xương, 5/Rạp Hưng Đạo, 6/Rạp Aristo, 7/Rạp Long Phụng (đường Gia Long), 8/Rạp Kinh Thành (Cầu Ông Lãnh), 9/Đình Cầu Quan (Hát Hồ Quảng) 10/Rạp Quốc Thanh, 11/Rạp Thanh Bình, 12/Rạp Quốc Tế, 13/Rạp đình Nhơn Hòa (Cầu Muối)
Quận 3: 14/Rạp Đại Đồng, 15/Rạp Long Vân, 16/Rạp Olympic; 17/Rạp Minh Châu, 18/Rạp Hòa Bình, 19/đình Hòa Hưng (Hát bội);
Quận 4: 20/Đình Lý Nhơn (Hát Bội),
Quận 5: 21/Đình Tân Kiểng(Cải lương – Hát bội ), 22/Rạp Oscar, 23/Rạp Kinh Thành Q.5 (gần chợ Kim Biên), 24/Rạp Thủ Đô, 25/Rạp Đại Quang (Hát Quảng, đường Tổng Đốc Phương) 26/Rạp Hào Huê đường Nguyễn Tri Phương, 27/Rạp Lao Động B, 28/Rạp Cẩm Vân; 29/đình Minh Phụng (Cải lương-Hát bội) , 30/đình Xóm Củi (Cải lương-Hát bội ), 31/đình Bình Tiên (chợ Cây Gõ) (Hát bội ) 32/Rạp Cây Gõ (đường Cây Gõ) (Cải lương)
Dakao: 33/đình Phú Hòa (Hát bội), 34/Rạp Đại Đồng(Dakao), 35/Rạp Cao Đồng Hưng, 36/Chùa Dọn Bàn (Hát bội), 37/Chùa Phú Nhuận (Hát bội), 38/Rạp Cẩm Vân (sau đổi tên Rạp Phú Nhuận) 39/Rạp Kinh Đô Dakao (Cải lương);
Ở mỗi tỉnh có một hay hai rạp hát dành cho Cải Lương và Hát Bội: tỉnh Mỹ tho có rạp hát Thầy Năm Tú và rạp Viễn Trường; Bến Tre có rạp Lạc Thành; CầnThơ có rạp Minh Châu, rạp Hậu Giang; Bạc Liêu có rạp Chung Bá, Sóc Trăng có rạp Nguyễn Văn Kiểng, rạp Hòa An; Long Xuyên có rạp Minh Hiển, Biên Hòa có rạp Biên Hùng; Phan Thiết có rạp Thất Ngàn; Nha Trang có rạp Tân Quang; Huế có rạp Thuận Hóa; Quy Nhơn có rạp Qui Nhơn; Đà Nẵng có rạp Hai Bà Trưng. Đây là những rạp hát lớn, ngoài ra còn nhiều rạp hát ở các quận, huyện, tôi không nhớ hết dù đã có nhiều lần tôi theo đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Phước Chung đến hát ở đó.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chánh phủ mới tịch thu tất cả các rạp hát của tư nhân, đưa cán bộ đảng viên xuống làm Trưởng rạp, chỉ trong vòng 5 năm, chỉ còn rạp Hưng Đạo là còn cho các đoàn Văn Công, đoàn hát Trần Hữu Trang và các đoàn hát Ttập thể sử dụng. Các rạp hát khác đóng cửa bỏ phế cho chuột bọ ở, một số rạp hát được Sở VHTT thay đổi “Công Năng” nghĩa là rạp hát không phải để cho đoàn hát hát mà biến thành restaurant để làm tiệc cưới hoặc tiệc tùng của các chức sắc của Đảng bộ thành phố hay các đại gia tư bản đỏ (Rạp Quốc Thanh). Rạp Lao Động A ở Nancy thành casino cờ bạc, chơi số quây roulette; Rạp Cao Đồng Hưng Gia Định thành Nhà bán sách Gia Định, rạp Cây Gõ thành Nhà bán sách Cây Gõ, Rạp Quốc Thái (Phú Lâm) thành tiệm bán bánh Trung Thu, Rạp Nguyễn Văn Hảo trở thành Nhà Hát Kịch Nhân Dân (dành cho Thoại Kịch và Tấu Hài)
Rạp Hát Hưng Đạo bị phá bỏ năm 2010 để xây thành rạp hát mới dưới danh nghĩa làm cho to lớn hơn, "hoành tráng" hơn, hiện đại hơn cái rạp Hưng Đạo cũ của ông chủ tư bản Nguyễn Thành Niệm. Ngày 18 tháng 4 năm 2015, hoàn thành việc xây cất rạp Hưng Đạo mới trên cái nền rạp Hưng Đạo cũ, khi bàn giao cho Nhà hát Trần Hữu Trang quản lý rạp mới thì Nhà hát Trần Hữu Trang không thu nhận vì rạp mới cất tốn kém tới hơn 132 tỉ đồng mà kết quả rạp mới lại nhỏ hơn rạp cũ, sân khấu làm bằng ciment không thuận tiện và nguy hiểm cho nghệ sĩ khi hát cải lương. Dàn đèn, dàn âm thanh mua mắc tiền nhưng không phù hạp với sân khấu hát Cải lương. Ghế khán giả chỉ có hơn sáu trăm, ít hơn phân nửa so với rạp cũ, đoàn hát nào mướn rạp mới đó hát, số thu không đủ tiền để trả tiền rạp, tiền dàn dựng, tranh cảnh, tiền lương nghệ sĩ. Nhà thầu phải sửa lại sân khấu, chỗ để đèn, âm thanh và bàn giao vào năm 2017, nhưng rồi rạp hát vẫn không có đoàn nào dám mướn vì hát ở đó, nhứt định thua lỗ vốn cả bạc tỉ đồng trong vài suất diễn.
Tịch thu rạp hát, phá nát rạp hát, thay đổi công năng của rạp hát là chủ trương và hành động của Đảng, vậy mà ông Giám đốc Nhà Hát Trần Hữu Trang, đảng viên CS, chuyên viên của nhà nước lại kêu gào là thành phố hơn 9 triệu dân mà không có rạp hát cho đoàn cải lương của chánh phủ diễn!
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chánh phủ CS giải tán hơn 60 đoàn hát Cải lương và các tổ chức Đại Nhạc Hội ở Saigon, ở Tiền Giang, Hậu Giang và các tỉnh miền Trung.
Giải tán 17 gánh Hát bội: gánh Tấn Thành Ban của ông bầu Trần Khiêm Cung ở đình Cầu Muối, gánh Vĩnh Xuân Ban của bầu Thắng – Minh Tơ ở đình Cầu Quan, gánh Phước Thành Ban của ông Bầu Xá ở đình Bến Củi, gánh Tấn Thành Ban B của bà Bầu đào Tư Châu ở đình Minh Phụng, gánh hát bội Bầu Xáng ở Chùa Dọn Bàn Tân Định, gánh Vĩnh Tân Ban của Bầu Hai Nhỏ ở Chùa Ông Phú Nhuận, gánh Nghĩa Thành Ban của Bầu Biện Dực ở đình Hòa Hưng, gánh Hoa Xuân Bầu Mười Vàng ở đình Phú Hòa Dakao, gánh hát bội Bình Tiên của Bầu Tư Bông ở đình Bình Tiên Cây Gõ, Gánh hát bội Bầu Bà Năm Lượm ở đình Thủ Đức, gánh hát Bội Thắng Tam của Bầu Hai Điểm Vũng Tàu, gánh Hàm Luông của Bầu Ngọc Ẩn – Bến Tre, Gánh hát bội của Bầu Ba Kiên – Mỹ Tho, gánh hát bội ở Miễu Kim Liên của bầu Bảy Tồn Chợ Cũ – Mỹ Tho, gánh hát bội Quy Nhơn – Bình Định…
Giải tán 7 ban thoại kịch (Ban kịch Thẩm Thúy Hằng, Ban kịch Túy Hồng, Ban kịch Kim Cương, Ban kịch Phương Nam, Ban kịch Vũ Đức Duy, Ban kịch Tân Dân Nam, Ban Thép Súng).
Thành lập ra đoàn Văn Công thành phố, 3 đoàn Văn Công tên Nhà hát Trần Hữu Trang 1, 2 , 3, ba đoàn cải lương tập thể Saigon 1, 2 , 3, hai đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ, Huỳnh Long… Mỗi tỉnh thành lập một đoàn Văn Công. Tất cả các đoàn Văn Công, đoàn cải lương tập thể đều do cán bộ đảng viên của Sở Văn Hóa & Thông Tin làm trưởng đoàn.
Từ năm 1975 đến năm 1986 (năm đánh dấu lệnh Cởi Trói Văn Nghệ Sĩ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) các đoàn hát văn công và tập thể của nhà nước hát những tuồng cải lương xã hội trước năm 1975 dưới danh nghĩa “Chữa Cháy” trong khi chờ kịch bản mới và một số kịch của miền Bắc đưa vô ép các soạn giả miền Nam chuyển thể thành Cải Lương như các tuồng Tấm Lòng của Biển, Con Tấm con Cám, Khoai Lang Dương Ngọc, Bên Cầu Dệt Lụa.
Kịch miền Bắc do soạn giả Saigon chuyển thể Cải Lương: Một Cuộc Giải Phẫu, Quán Hương Tràm, Người Ven Đô, Nghêu Sò Ốc Hến, Hùm Thiêng Yên Thế, Đường Về Núi Lam, Tiếng Trống Mê Linh, Thái Hậu Dương Vân Nga, Thanh Gươm và Nữ Tướng, Lá Chắn Biên Thùy…
Sau 30 tháng 4 năm 1975, trên 60 soạn giả cải lương nổi danh của Miên Nam, cuộc sống đang khá giả nhờ số tiền bản quyền tuồng cải lương và được hưởng lương thường trực của đoàn hát cấp cho hàng tháng, bỗng bị lịnh cấm hành nghề 10 năm do Chánh phủ “Giải Phóng” ban hành. Ngày “Giải Phóng” là ngày 60 soạn giả cải lương bị giải phóng khỏi cái nghề sinh sống của mình, bị thất nghiệp và mất hết mọi nguồn thu!
Đây là những soạn giả bị cướp miếng cơm manh áo sau cái tháng Tư đen: Năm Châu, Tư Chơi, Năm Nở, Giáo Út, Duy Lân, Bảy Cao, Trần Văn May, Tư Thới, Thanh Cao, Quang Phục, Vinh Sang, Lâm Tồn, Hà Triều, Hoa Phượng, Thiếu Linh, Thành Phát, Lê Khanh, Mộc Linh, Nguyễn Phương, Hà Huy Hà, Hoàng Khâm, Viễn Châu, Ngọc Huyền Lan – Nguyễn Ang Ca, Hoài Ngọc, Yên Lang, Yên Hà, Yên Trang, Yến Linh, Bầu Long (Ngọc Huyền Quân), Ngọc Văn, Thể Hà Vân, Hoàng Việt, Loan Thảo, Yên Ba, Phan Hương, Ngọc Điệp, Bạch Diệp, Minh Nguyên, Hoàng Lan, Nguyễn Đạt, Nguyễn Huỳnh, Mai Quân, Phương Ngọc, Nhị Kiều, Tám Vân, Văn Giai, Yên Sơn, Thu An, Lê Trí, Tuấn Khanh, Tấn An, Thái Thụy Phong, Quy Sắc, Vân An, Thế Châu, Trương Vũ, Nguyễn Liêu, Phong Anh, Hoài Linh, Hoàng Kinh…
Từ tháng 4 /1975 đến năm 1986, tên của 60 soạn giả kể trên không có xuất hiện trên Báo Sân Khấu và trên các tuồng cải lương ở rạp hát. Sau khi được cởi trói, các soạn giả đó hoặc già quá, mất sức khỏe hoặc chết, số còn lại cũng không thể sáng tác khi không có tự do tư tưởng, khi phải sáng tác tuồng theo “định hướng chánh trị của đảng Cộng Sản”.
Hơn bốn mươi năm cai trị miền Nam, Cộng Sản miền Bắc vẫn không “cải tạo” được đầu óc tự do tư tưởng của soạn giả miền Nam nên họ tiêu diệt hết số soạn giả đó. Đảng không đào tạo được những tay bồi bút cho ra hồn nên ông Cán bộ Giám Đốc Nhà Hát Trần Hữu Trang mới than không có soạn giả, không có tuồng hay, sân khấu cải lương chết là phải!
Đoàn hát Xã Hội Hóa là đoàn hát tư nhân bỏ tiền ra kinh doanh. Họ tùy theo vở tuồng nào thì mời nghệ sĩ nào từng diễn vở tuồng đó, kết hợp lại dưới bảng hiệu đoàn cải lương “xã hội hóa” để xin phép hát, mướn rạp và đăng quảng cáo. Khi hát xong vở tuồng đó, nếu có tuồng khác (những tuồng nổi tiếng của các soạn giả trước năm 1975) số diễn viên hát vở trước nếu phù hợp cho vở diễn sau thì tiếp tục ở lại cộng tác với nhau để diễn. Nghệ sĩ nào không có vai hát phù hợp thì đi kiếm đoàn xã hội hóa khác để cộng tác. Không giống như các đoàn hát trước năm 1975, dù không có vai tuồng, vẫn được lãnh lương của Bầu gánh khi nghệ sĩ đó chưa hết contrat với đoàn hát. Vì tính chất gán ghép tạm bợ theo từng vở tuồng nên nghệ sĩ không mất công nhiều để tập tuồng và học tuồng, họ cũng không gắng bó với đoàn xã hội hóa. Nếu có đoàn xã hội hóa nào mời với số lương cao hơn, họ vẫn bỏ đoàn đang cộng tác để chạy theo đoàn có lợi nhuận nhiều hơn. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nghệ thuật ca hát các đoàn xã hội hóa không được bình ổn và tăng tiến như các đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương hay Kim Chưởng, Kim Chung ngày trước.
Các đạo diễn miền Bắc và đao diễn được đào tạo sau 1975 tùy tiện theo sở thích của mình hoặc do sự hiểu biết hạn chế về nghệ thuật hát cải lương nên họ đã làm cho sân khấu cải lương trở thành một nghệ thuật “Tả pí lù!”:
– Họ dựng những cảnh xuất quân với các nghệ sĩ Cưỡi ngựa theo lối hát bội với cây roi ngựa và lối cưỡi ngựa của đoàn Văn Công khi ca bài “Ngựa phi đường xa”, tay giả gò cương, tay vun roi ngựa quất phía sau, hai chân mở rộng, mình nhúng nhảy như đang ngồi trên lưng ngựa (tuồng Chiếc Áo Thiên Nga, tuồng Kiều ở lớp Từ Hải ra quân đánh với Hồ Tôn Hiến, lớp ra quân trong tuồng Câu Thơ Yên Ngựa…)
– Vọng cổ có xen vô hát Chầu Văn, Hát Chèo.
– Vọng cổ hòa duyên cùng ca Opéra. (Mỵ Châu ca một câu vọng cổ, một nữ nghệ sĩ khác hoá trang làm hồn của Mỵ Châu ca Opéra để diễn tả nội tâm của Mỵ Châu,)
– Dàn nhạc Giao hưởng hòa tấu cùng Ban Cổ nhạc.
– Ca vọng cổ có hợp xướng. Ca Vọng cổ có dàn múa múa chạy quanh mình ca sĩ chánh.
– Hát Cải lương "hoành tráng", sân khấu rộng 900 thước vuông nên nghệ sĩ và phụ diễn phải thật đông, bao quanh múa bên cạnh nghệ sĩ chính. Trong tuồng Kim Vân Kiều có 40 ni cô tụng kinh trong lớp Kiều tự vận ở sông Tiền đường.
– Nội dung đa só tuồng cải lương do cán bộ sáng tác đa số nhắm vào cuộc tình ngang trái do giàu nghèo cách biệt, nông dân bị địa chủ, hội đồng thời Pháp thuộc bóc lột (Đánh Địa chủ, Phong Kiến)
– Những chuyện cán bộ tham nhũng, ức hiếp dân, cướp ruộng đất của nông dân, những tội ác của Tàu Cộng, đầu độc thức ăn, mua bán nội tạng những người dân bị lường gạt, chưa có soạn giả nào dám sáng tác
TPHCM rộng lớn với hơn 90 triệu dân, đường sá chằng chịt, cứ mỗi lần nước lớn (gọi là triều cường), mưa to thì hàng chục con đường biến thành hàng chục con sông trong thành phố. Xe hơi, xe gắn máy đều bị ngập nước, chết máy, đi lại khó khăn. Dân ở lại trong nhà lo tát nước dơ đang tràn ngập trong nhà ngoài ngõ. Việc làm ăn, sinh hoạt bình thường cũng bị ngưng trệ, làm sao mà đi đến rạp hát được để xem hát?
Ngoài cái khó khăn về việc di chuyển, về công ăn việc làm bị ngưng trệ, người dân kiếm tiền để sinh sống khó khăn, người ta cũng giảm bớt chi tiêu trong việc xem hát giải trí,
Và nhất là đi xem hát chỉ có nghĩa là đến rạp hát để nghe Đảng và Nhà Nước mượn giọng ca tiếng hát của nghệ sĩ chuyển đạt đường lối chính trị đến tai của dân thôi.
Ông chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhắc nhở “định hướng chính trị” mà nghệ sĩ nào cũng phải theo như Nghị Quyết sau đây: “Nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ Chính Trị về tiếp tục xây dựng và phát triển Văn Học Nghệ Thuật trong thời kỳ mới được ban hành: Nghị Quyết khẳng định và xác lập tính chiến đấu của văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng… Bên cạnh đó, nghị quyết cũng khẳng định các Hội văn học nghệ thuật, các đơn vị nghệ thuật là một tổ chức chính rị – xã hội – nghề nghiệp, có định hướng, được đầu tư kinh phí để hoạt động…”
Qua Nghị Quyết của Trung Ương Đảng, ông chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhắc nhở mọi nghệ sĩ phải nhớ nghệ sĩ là chiến sĩ tức là công cụ của Đảng để thực hiện nghị quyết của Đảng, hát ca những sáng tác có định hướng chính trị để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chánh phủ. Các nghệ sĩ phải nhớ là chánh phủ có đầu tư kinh phí cho các nghệ sĩ. Ăn lương Chúa thì phải múa theo lịnh của Chúa!
Cải lương không có rạp hát, không tuồng hát hấp dẫn, không có đoàn hát đàng hoàng, không có khán giả cũng không sao cả. Nghệ sĩ là công nhơn viên, lãnh lương chánh phủ, tuồng không hay, không khán giả xem thì vẫn phải hát, vì đã lãnh lương của Đảng và chánh phủ rồi. Các bạn hãy yên chí, hùa theo Đảng dễ làm giàu lắm, mà không hùa theo đóm ăn tàn cũng không được vì các bạn vẫn bị cùm tay, cùm chân như hồi trước khi ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố Cởi Trói cho Văn Nghệ Sĩ.
10/2017
Soạn giả Nguyễn Phương
No comments:
Post a Comment