Hồ Chí Phèo
- Sài Gòn đã mất tên mình sau ngày 30/4/1975. Cùng với cả nước, tất cả đã nhuộm màu đỏ của máu, của người cộng sản. Người Việt sẽ không bao giờ quên đi được ngày ấy, một biến cố thay đổi hẳn cuộc đời hàng triệu triệu người. Có hàng ngàn bức ảnh, hàng triệu câu chuyện về ngày ấy được xem, được viết, được nhớ lại...
Một trong nhiều người lính trong quân đội VNCH ở lại đến ngày cuối cùng...
“Cấp bậc cuối cùng của tôi là Trung tá quân đội Việt Nam Cộng Hoà.
Ngày 28/4/1975 đơn vị tôi được đưa về đóng ở cầu Sài Gòn.
Trước đó một tuần, cố vấn người Mỹ, cũng là người bạn thân, đề nghị đưa tôi và gia đình lên máy bay di tản sang Mỹ. Tôi đã nghĩ đến những người lính đã từng gắn bó bao nhiêu năm, đã sống chết bên nhau. Cấp bậc có khác nhưng cùng là con người, cũng có niềm vui, nỗi khổ cực giống nhau, tôi không thể dứt bỏ ra đi một mình để họ ở lại chiến đấu đơn độc. Mặc dù tôi biết rõ khi cộng sản chiếm hoàn toàn miền Nam, bọn chúng sẽ đối xử tôi và những người sỹ quan chỉ huy của quân đội miền Nam tự do, rất “đặc biệt”.
Khoảng trưa sau khi cùng nghe diễn văn của ông Dương Văn Minh, tôi bắt tay từ giã các chiến hữu cùng đơn vị trong nước mắt, chúc nhau gặp may mắn. Đời lính như chúng tôi, bao nhiêu năm tháng vào sinh ra tử cho tổ quốc quyết sinh có khi nào được khóc? Về đến nhà nhìn lên bàn thờ, tôi nghẹn ngào: "Cuối cùng mình cũng hoàn thành nhiệm vụ của một người lính trong danh dự và trách nhiệm". Tôi và gia đình đều hiễu mình sẽ đối diện với tương lai đen tối trước mặt.
Tôi trình diện đi học tập theo diện sĩ quan. Tôi gặp lại nhiều bạn bè cũ, họ đã cùng một ý nghĩ như tôi, có điều kiện ra đi nhưng vẫn chọn ở lại đến phút cuối cùng. Chúng tôi bị đưa ra trại tập trung phía Bắc lao động khổ sai, làm quen với đói rét, ốm yếu, bệnh hoạn... Nhiều người không vượt qua, đã nằm lại trong những nấm mồ đơn sơ ở một nơi hoang vắng. Qua hơn 10 năm khổ cực trong tù, tôi may mắn còn sống sót để có ngày đoàn tụ lại với vợ con.
Gia đình tôi qua Mỹ theo diện HO năm 1996. Hiện tại các con tôi đều có việc làm, cuộc sống ổn định. Tôi và vợ sống chung với gia đình đứa con trai út.
Mỗi năm, vào ngày 30/4 tôi nhìn lại những bức ảnh ngày tháng tư đen đó để hồi tưởng thảm cảnh những người chạy loạn tránh cộng sản từ miền Trung vào Nam. Những chiếc tàu động nghẹt người, những chuyến máy bay người ta chen nhau, xác người chết trên đường... Bàn tay tôi đã run, trí óc tôi vẫn minh mẫn, vẫn nhớ, vẫn vẽ đầy đủ cảnh bi ai nhưng hùng tráng của những người dân, người lính miền Nam đến những ngày cuối cùng 30/4/1975.
Sau tháng tư đen ấy, người cộng sản quá huyênh hoang với chiến thắng, không có đủ trí khôn để học hỏi cách thức xây dựng đất nước sau chiến tranh. Họ đã bỏ qua rất nhiều cơ hội đưa đất nước trở nên phồn vinh. Đức, Nhật hai quốc gia bại trận, đất nước tan nát do bom đạn nhưng chỉ sau khoảng 20 năm, đất nước họ trở thành những cường quốc.
Nhiều đêm tôi thao thức, trí óc miên man quay về dĩ vãng. Nghĩ đến bao nhiêu anh em đồng đội đã ngã xuống. Nghĩ đến đất nước, biển đảo đã và đang bị kẻ thù phương Bắc xâm lấn. Rồi để ứa nước mắt với câu hỏi quay quẩn trong đầu “Khi nào dân ta thực sự hạnh phúc?”
*
Một du kích từ một mật khu trong rừng...
“Ngày 30/4/75 tui vui quá trời! Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa có ngày nào vui hơn! Năm 12 tuổi, đâu có học hành gì đâu, tôi theo cách mạng, vác súng, vác đạn cho các anh du kích. Từ đó tôi từ từ bò lên, liên lạc viên, rồi y tá, y sỹ... Nói thẳng nói thiệt, khi du kích bị thương, thằng nào gặp tôi cầm dao, kéo chuẩn bị mổ xẻ, đứa nào cũng sợ xanh mặt, tụi nó chỉ biết ứa nước mắt rồi đờ đẫn ra chấp nhận như số kiếp con ngựa bị gãy rời đôi chân để chạy. Trời, đi du kích mà mất khả năng di chuyển, mất khả năng chui rúc thì chỉ làm gánh nặng cho đơn vị, nên Bác và đảng đã ra chỉ thị đơn vị phải giải quyết “nhanh và gọn”. Tôi lúc nào cũng vượt chỉ tiêu “nhanh và gọn”, do đó du kích tôi đánh nhau chết thôi, quyết không để bị thương!
Ngày được lệnh ra Rạch Giá tiếp quản thành phố, trong đơn vị, ai cũng mừng quá là mừng. Đang sống giống như chuột trong lổ cống tự nhiên có nhà cửa, giường nệm, chăn thơm, ăn nhậu thả giàn. Ôi chao, giống như lên thiên đường!
Cũng từ ngày này, sự nghiệp tôi lên như diều gặp gió. Toàn chức vụ ngon ăn, chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh, phó thủ tướng, tổng giám đốc ngân hàng trung ương... Nghĩ lại tôi thấy thiệt mình có nhiều tài, lãnh vực nào mình cũng ngon lành. Học hành? Trời! Trên thế giới có thằng nào học nhanh bằng mình? Chỉ cần vài năm học chơi chơi là tôi có bằng cử nhân luật!
Khi tôi làm thủ tướng, đảng thấy mình thanh liêm quá nên tôi được kiêm nhiệm trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Mấy đứa con tôi, tự tụi nó lo đi du học ở các nước Anh, Mỹ, rồi cũng tự tụi nó phấn đấu lên lãnh đạo chỗ này, chỗ kia. Tui nghèo đâu có tiền lo cho tụi nó, nó giàu sang là tụi nó do có giống di truyền từ tôi đó thôi!
Bây giờ về làm “người tử tế”, nhưng chân rết trong đảng của tôi cũng còn vững lắm. Ngày 30 tháng tư năm nay, vui nhưng cũng lo. Chắc không sao, thằng cha già lo đập con ruồi còn chưa xong, đụng gì đế́n được con ếch. Con ếch là chú ông trời, mình ộp một tiếng, ai cũng im.”
*
Một người phụ nữ đã sinh ra, sống ở Sài Gòn...
“Ngày 30/4/1975 lần đầu tiên trong đời bác thấy bộ đội Bắc Việt, bác sợ quá chừng. Mặt mũi đứa nào cũng giống đứa nấy, nón cối, dép râu, súng ống lăm le trên tay. Vài ngày sau bác quen, không sợ, mà thấy tội nghiệp tụi nó. Nghèo nàn, khờ khạo, ngu quá trời, bồn cầu ngồi mà tụi nó nghĩ là chổ rửa tay, rửa mặt, hứng nước uống. Trời đất, ai mà tin! Dzậy mà có thiệt. Đi đâu tụi nó cũng lục tìm “cái đài”, nhiều cái củ rỉn, tụi nó cũng nâng niu. Tội nghiệp thiệt! Nhưng mấy ngày sau đó bác bắt đầu ghét. Đi đâu tụi nó cũng ca ngợi “Bác và Đảng”, lập đi lập lại giống như cái máy. Rồi mấy cha nội lãnh đạo đọc diễn văn, cũng lập lại y chang, cuối cùng mấy chả còn dơ tay hô khẩu hiệu “...muôn năm, muôn năm” và “...sống mãi, sống mãi”. Bà con mình phía dưới cũng phải dơ tay “...muốn nằm, muốn nằm”, rồi “...sống mái, sống mái”. Hổng làm theo, tụi nó đẩy cái rụp dô trại cải tạo, làm gì có toà án, luật lệ!
Nhà bác chỉ có ổng, chồng của bác, đi học tập có mấy ngày nên cũng đở. Đến khi đánh tư sản mại bản, bác có cái sạp vải nhỏ síu ở chợ, tụi nó cũng đánh luôn. Luật rừng, luật rú, kêu ca ai nghe? Lạng quạng nó cho dô tù hay trại cải tạo. Nhiều người bị đánh tư sản, mất hết nhà cửa còn bị đẩy đi kinh tế mới. Đúng là tụi cướp dựt, cướp ban ngày ban mặt. Từ trên xuống dưới đều làm nghề ăn cướp như dzậy, sao đất nước khá lên được! Không còn gạo, người dân ai cũng ăn bo bo, khoai... thịt cá thì cấp theo tiêu chuẩn. Mà nước nghèo, dân đen lãnh chứ mấy thằng chóp bu ở trên cướp của người ta, chia chác nhau sống khoẻ re.
Cảm giác từ sợ, tội nghiệp, ghét, căm thù để cuối cùng nhiều gia đình đã bất chấp nguy hiểm, vượt biên tìm đến bến bờ tự do. Gia đình bác có hai đứa con đi vượt biên. Một đứa chết trên biển vì hải tặc. Một đứa may mắn qua được Mỹ. Nhờ nó bảo lãnh, gia đình bác mới qua bên đây. Đời sống giờ cũng ổn.
Hàng năm cứ đến ngày 30 tháng tư, nhớ đến chuyện cũ ở Việt Nam, bác lại nổi da gà. Trời ơi, đất nước gì mà kỳ cục, sản sinh ra mấy thằng khùng khùng, điên điên chỉ vì chủ nghĩa tầm bậy tầm bạ gì đó. Miệng lúc nào cũng ba hoa, xã hội công bằng, mà tay chỉ lo cướp dựt của cải người dân để làm giàu riêng cho mình, cho gia đình mình. Bây giờ nó tiếp tục cướp đất, cướp tài nguyên của dân mình. Nghĩ tới nghĩ lui, đôi lúc bác ứa nước mắt, tức cái bọn lãnh đạo dối trá, thương người dân còn ở lại. Không biết bao giờ họ mới hưởng được tự do, hạnh phúc như gia đình bác bây giờ?
*
Miền Bắc, chế độ độc tài đảng trị bọc người dân trong một cái vỏ kín của sự dối trá, mọi người tin miền Bắc đang “giải phóng” dân miền Nam nghèo đói...
“Bác có đứa con nhập ngũ trước 30 tháng tư 75. Miền Bắc ai cũng nghe Bác và Đảng nói dân miền Nam bị Mỹ Ngụy bóc lột nên đói khổ lắm, nên mình phải “giải phóng” cho họ. Khi con nó theo bộ đội tiến vào Nam, Bác gói cẩn thận cho nó mấy cân đường mang theo,. Sau khi giải phóng được Sài Gòn, dặn dò nó ghé nhà ông anh Bác cứu đói, đưa quà.
Tháng sau ngày giải phóng, con nó về phép thăm nhà. Nó mang về bao nhiêu thùng hàng. Tôi ngạc nhiên hỏi thăm: “Con đến thăm Bác Thắng, đưa quà cho bác ấy rồi phải không? Chắc gia đình bác nghèo đói lắm?”. Con tôi ôm bụng cười: “Ối giời ơi, nhà bác ấy to như cái lâu đài. Bác trai phải đi học tập. Chỉ gặp bác gái, bác đã mời con vào nhà. Ối giời ơi, vào nhà rộng rãi, cái ghế sao mà nó ngồi êm thế. Con đưa tay vào túi xách tính lấy quà để đưa, nhưng nhìn căn nhà sang trọng quá, con quá xấu hổ lại rút tay ra. Đây bác gái gửi biếu mẹ mấy xấp vải, còn bố cái đài”.
Bác ngồi mân mê xấp vải hàng giờ, nó như nhung như lụa. Suốt cuộc đời sống ở miền Bắc, chưa bao giờ bác thấy những tấm vãi đẹp đẽ đến thế. Còn chồng bác chả lo ăn uống gì, suốt ngày ông ôm cái đài, nghe chán cất vào tủ khóa lại. Nghĩ một lát, ông lại mở tủ, lấy đài ra... Cứ thế...
Thấy con đeo cái gì là lạ ở tay, bác hỏi. Nó vui vẻ khoe ngay: “Ngồi nhà Bác Thắng, con cứ nhìn chăm chú cái đồng hồ đeo tay của con bác. Cuối cùng anh ấy cười, tháo ra tặng con làm kỷ niệm, vì anh ấy có đến mấy cái. Đấy bố mẹ xem, đồng hồ không người lái của bọn tư bản. Đeo vào tay, cử động tay làm nó chạy chả cần lên dây cót gì cả!”. Hai bác chưa bao giờ nhìn thấy cái vật gì đẹp và tinh xảo như vậy, cứ nâng niu và nhìn. Con bác bật cười “Cho Bố mẹ mượn. Mai trả lại cho con”.
Tối lên giường nằm, bác trai cứ đưa tay lên, ngắm cái đồng hồ không người lái. Bác sốt ruột: “Ông đeo thế, ngủ làm vỡ nó mất. Để tôi cất lên cạnh ảnh thờ của Bác Hồ”. Bác để cái đồng hồ trước ảnh Bác Hồ: “Cháu cho Bác mượn tạm. Đời Bác chắc chẳng bao giờ có cái đồng hồ này đâu. Mai Bác trả lại cho chúng cháu”. Thế mà chỉ lát sau, ông chồng bác lại lồm cồm đứng lên: “Bà vẽ chuyện. Bác đứng yên thế kia, chả chịu “lắc” gì cả, “nó”chết toi” mất!”. Thế ông ấy cứ loay hoay cái đồng hồ không người lái: “Tôi để gần giường. Thỉnh thoảng, bà cầm lên “lắc” phụ tôi. Đấy xem kim nó nhúc nhích kia kià. Quên không “lắc” nó lăn kềnh ra thì khốn!”. Hai bác cả đêm không ngủ được vì lo “lắc”, nhưng hai bác vui vẻ lắm!
Mỗi năm có dịp nhớ lại ngày 30/4/1975, bác lại nhớ đến cái đồng hồ không người lái. Một kỷ niệm không thể quên vì nó là vật thật, một trong những cái thật, đã thật sự “giải phóng” cho bác thoát khỏi cái không gian mà mình đã sống trong bao năm, chỉ có sự dối trá, sự lừa gạt.
*
Chiến dịch đánh “tư sản mại bản” là một sự kiện gắn chặt với ngày 30 tháng tư. Đỗ Mười, Uỷ viên bộ chính trị TUĐCSVN, được cử vào Sài Gòn chỉ đạo chiến dịch với sự tham gia đông đảo của công an, bộ đội, cán bộ, công nhân viên chức nhà nước... Không chỉ tầng lớp giàu có, những người trung lưu, hoặc tiểu thương ở các chợ cũng bị kiểm kê, tịch thu hàng hoá, nhà cưả... Một cuộc cướp của qui mô có lẽ chưa hề có trong lich sử cận đại của nhân loại.
Từ một nơi xa xăm, người phụ nữ nói về những ngày ấy...
“Hai vợ chồng bác do cần cù, chịu khó, đã vươn lên từ sự nghèo khổ có một gia đình tương đối sung túc. Bác không quan tâm nhiều đến chính trị, chỉ chăm chỉ lo làm ăn, lo cho gia đình. Ngày 30/4/1975 bác hy vọng đất nước thống nhất, cùng là người Việt, tất cả cùng chung lưng xây dựng lại. Nhưng sau ngày tháng tư ấy, tất cả đều xụp đổ, mọi chuyện xẩy ra khác hẳn, ngoài sự tưởng tượng của con người. Bác trai phải dẫn con vào Sài Gòn sống, ở đó gần trung ương, quốc tế nó e dè hơn. Xa xôi tỉnh lẻ, bọn chúng bắt người, cướp của... không một ai kiện tụng được! Bác ở lại tỉnh, giữ nhà. Nhưng nhà bác thuộc diện bị đánh tư sản mại bản.
Bọn chúng lục xét nhà bác. Chúng bỏ ngoài tai những lời van xin, cầu khẩn. Chúng hăm dọa, rồi vỗ về, niêm phong tất cả mọi thứ trong nhà chỉ trừ vài món lặt vặt để bác có thể khăn gói lên đường đi vùng kinh tế mới. Chúng rời nhà, quăng lại bên cạnh người đàn bà khốn khổ đang ngồi bệt trên nền nhà, đã khóc cạn cả nước mắt, tờ giấy ra quyết định tịch thu nhà cửa, tài sản do Ủy ban quân quản tỉnh ký.
Bác vẫn ngồi, gục đầu trên giường. Trưa, chiều rồi tối, bác vẫn ngồi im lìm, không còn biết đến không gian, thời gian... Cuối cùng bác quyết định đứng dậy, nhìn quanh. Không! Không thể để bọn cướp ngang nhiên như thế! Bác phải đấu tranh ở lại căn nhà của bác. Không đi đâu cả! Trời đã khua. Bác thấy lạnh lắm. Bác lần bước đến căn hầm xây dưới nhà để gia đình trú ẩn khi cộng sản pháo kích vào tỉnh. Bác sẽ trốn xuống dưới đó. Bọn chúng sẽ không bao giờ tìm ra bác. Cửa hầm tối đen, bác vướng chân, té nhào xuống lăn người trên nền đá lạnh của căn hầm. Đau quặn cả người, nhưng bác cũng cố gắng gượng dậy. Phải gắng sức chống bọn cướp, chúng không dễ dàng lấy được nhà của bác!
Vài ngày sau, bác nghe những tiếng động trên hầm. Bọn cướp đã dọn vào ở. Bọn chúng tươi cười, ăn mừng ồn ào. Nghe chúng nói chuyện, bác biết một thằng tướng cướp, được thuộc hạ cung kính gọi là “anh Ba”đã dọn vào ở, đang chờ đợi vợ con từ miền Bắc vào.
Khuya, bọn bộ hạ đã rời nhà, thằng tướng cướp đã ngủ, bác rón rén rời hầm. Bác lẻn vào phòng ngủ thằng tướng cướp. Khuôn mặt thằng tướng cướp trong giấc ngủ vẫn đầy vẻ ranh mãnh, giảo quyệt, hơi thở lẫn mùi bia, rượu, thuốc lá. Bác đưa tay khẽ chạm vào mặt nó, lẩm bẩm: “Thằng khốn nạn! Thằng ăn cướp!”. Nó chỉ nháy nháy lỗ mũi, quay đầu sang hướng khác, vẫn ngáy đều.
Bác nhẹ nhàng rời phòng, sang một phòng khác. Một phòng có chứa nhiều thùng hàng trên có hàng chữ viết “Gửi anh Ba”. Vài thùng hàng hàng đã tháo dỡ dang, những xấp vãi, những kem đáng răng, xà bông, những chén, đĩa... Tất cả đều mới. Bác giận điên người: “Thằng khốn nạn! Nó cướp của bao nhiêu người!”. Bác vô tình làm rơi vài món xuống đất. Có lẽ tiếng động đi lại và vật rơi làm thằng khốn nạn thức dậy. Bác vội trốn vào một chỗ, lén nhìn. Nó tỏ vẻ ngạc nhiên, càu nhàu, cầm vài thứ rơi rãi trên nền nhà, quăng lại trên bàn, rồi quay trở về phòng ngủ. Bác không để nó ngủ yên. Bác bắt đầu mở cửa cho gió lùa vào. Tiếng động làm thằng khốn nạn lại thức dậy, càu nhàu đóng cửa. Bác lại chạy tung mở cánh cửa khác, rồi bác nấp kín... Bác nhanh nhẹn chơi trò cút bắt với thằng khốn nạn suốt đêm. Bác vui quá, không thấy mệt gì cả. Mãi đến khi trời sáng, bác sợ nó dễ thấy được mình, bác mới tạm lánh xuống hầm.
Sau vài đêm chơi trò cút bắt, thằng tướng cướp có vẻ mệt mỏi và hoang mang. Chung quanh mắt nó có quầng đen và hơi thở trở nên nặng nhọc. Trong khi bác cảm thấy khoẻ hơn, đi đứng manh bạo, tự tin hơn. Bác còn có thể đẩy nhẹ chén bát nó hớ hênh để gần mép bàn, làm nó vỡ tung trên nền nhà.
Cứ như thế, một đêm mưa gió, bác đã mở tung được nhiều cánh cửa, mưa gió gào thét tràn vào. Thằng khốn nạn đã hoảng sợ! Bác chạy chung quanh nhà, bác cười. Bác chạy ra ngoài trong cơn mưa, trong ánh sáng thấp thoáng của tiếng sét, bác chỉ vào mặt thằng khốn nạn qua khung cửa sổ, bác cười. Tiếng cười của uất ức đến cùng cực, man dại hẳn đi... Rồi bác chạy vào nhà, chạy từ khung cửa mở toang này đến khung cửa mở toang khác. Nó dường như đã nhìn thấy, quay vòng nhìn theo bác. Bác không còn sợ, chỉ tay vào khuôn mặt tái nhợt kia và cười. Nó gục mặt, lê bước, trợt vào những mãnh vỡ trên nền nhà ướt sũng nước. Nó té nhào, đầu va vào cạnh bàn. Máu chảy quanh mắt nó, qua mũi, qua miệng rơi xuống... Bác đưa tay chỉ vào mặt nó. Kỳ lạ thay, ngón tay của bác như dài ra, chạm được vào trán của nó. Nó đưa tay như cố gắng đẩy ra. Trong mắt ngoài máu có lẽ còn cả nước mắt, ánh mắt thằng tướng cướp nhìn như đang van cầu sự tha thứ. Rồi nó đã bò như con thú đã bị mù, bò mãi, bò ra khỏi cửa nhà, cố gắng đứng lên, khập khểng chạy, rồi té, gượng đứng lê bước thấp cao, thấp thoáng biến vào màn đêm mưa gió. Bác đứng nhìn, tự nhiên những khổ đau, uất ức dâng lên, thoát ra bằng tiếng cười. Tiếng cười vang lên trong căn nhà hoang vắng. Ánh sáng cả căn nhà, căn nhà của bác, như chớp tắt theo.
Thằng tướng cướp không trở lại. Chỉ còn bác một mình trong căn nhà. Căn nhà bác bị khoá cửa lại.
Vài năm sau, phía trước nhà được mở cửa hàng bán thuốc tây. Cô bán hàng buổi chiều hàng ngày khoá cửa về nhà riêng. Có nhiều người khách đến mua hàng, tò mò: “Căn nhà rộng rãi, sao không có ai ở?”. Cô cúi đầu, trả lời nhẹ nhàng “Bà chủ cũ căn nhà bị đánh tư sản. Bà uất ức, treo cổ ngay trong nhà nên không ai dám ở”.
Không, bác không chết. Dù thời gian qua, tóc bác nay đã bạc phơ như sương tuyết, da thịt bác như từ từ tan biến đi, lẫn vào không khí. Bác vẫn sống trên nền nhà cũ và những ngày 30 tháng tư bác vẫn nhớ lại cái ngày gọi là ngày “giải phóng”.
*
Trở về hiện tại, những người trẻ sinh ra sau 30 tháng tư 1975 nghĩ gì về ngày ấy. Có lẽ muôn ngàn ý kiến. Có những ý kiến do tự cảm nhận, tự tìm hiểu, tự học hỏi. Có những ý kiến do sự giáo dục nhồi sọ ngay từ lúc còn nhỏ. Có ý kiến chủ quan, khách quan...
Một người trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ...
Ba má tôi vượt biên khoảng năm 1980 và được nước Mỹ cho định cư. Tôi không hiểu nhiều về chiến tranh Việt Nam, chỉ hiểu đại khái miền Bắc cộng sản được Liên Xô, Trung cộng hậu thuẩn, đưa quân qua đường mòn HCM tấn công quân đội chính quyền miền Nam được Mỹ, Úc, Nam Hàn... giúp đỡ. Tôi có xem nhiều hình về ngày 30/4 trên internet, nổi bật trên hết là hình những người dân chạy loạn từ Trung vào Nam. Họ được “giải phóng” nhưng lại bất chấp sinh mạng của mình chạy trốn sự “giải phóng” ấy. Tôi rưng rưng nước mắt. Tôi chỉ cho cô bạn gái người Mỹ. Cô ấy khóc “Tội nghiệp người miền Nam. Cũng là con người sao họ khổ quá!”. Sau 30 tháng tư, hàng triệu người bất chấp hiểm nguy, tiếp tục vượt biên. “Giải phóng” gì kỳ lạ quá, tôi không thể hiểu được?
Một cô gái được nhồi sọ từ nhỏ, đang mong làm “cô dâu Trung quốc”, một mode đang dần thịnh hành...
“Em yêu Bác và Đảng từ khi còn tấm bé. Em cũng yêu bác Mao. Nhờ bác Mao và Liên Xô nên Bác và Đảng mới có chiến thắng ngày 30 tháng tư. Trung quốc có đánh Việt nam năm 1979 nhưng mình có khi cũng hư lắm nên họ mới “thương cho roi cho vọt” thôi. Biển đảo người mình cứ đánh cá bừa bãi, hủy hoại môi trường thế nên Trung quốc nó chiếm để giữ gìn. Khi nào môi trường tốt họ trả cho VN ngay. Về chính trị, Trung quốc họ chả bao giờ chịu ngồi yên để VN thay đổi gây ảnh hưởng đến chế độ của họ. Đến đây em phải đi vì mắc hẹn với con bạn gặp các anh Trung quốc. Trai Trung quốc giàu có, khéo và chiều các em lắm. Chả bù các anh trai VN nghèo, không tiền bạc gì”.
Một cô gái chỉ muốn yên thân học hành...
“Em bắt đầu lên đại học. Cùng lứa tuổi, các em chỉ biết về ngày 30 tháng tư do đảng và đoàn nói cho biết. Ba má em cũng khuyên em phải nghe lời đảng, đừng đụng đến chính trị, nhạy cảm lắm, ảnh hưởng sự nghiệp sau này. Em sợ ba má em buồn, lỡ có gì ai lo cho ba má em, còn tương lai gia đình riêng của em sau này? Học ở Việt nam, ra trường muốn có việc làm phải có quan hệ, có phong thư, em cũng lo lắm. Em với nhiều đứa bạn rất mong ước đi học nước ngoài Mỹ, Anh, Canada, Úc... Học xong xin ở lại, bão lãnh gia đình...”.
Một cô gái trẻ học trong trường, học ngoài xã hội...
“Em ở tuổi hai mươi. Em đọc và tìm hiểu rất nhiều trên internet. 30 tháng tư 1975 là ngày thống nhất đất nước nhưng qua hơn 40 năm giữa người Việt còn rất nhiều chia rẽ, hận thù. Không thống nhất được lòng người với nhau thì thống nhất chỉ là cái vỏ bề ngoài, không mang lại sức mạnh của một quốc gia thống nhất thực sự, Trung quốc coi thường mình là chuyện đương nhiên. Như thế thà giữ như nam bắc Triều Tiên, hai miền có hai chế độ phát triển ngược nhau và Trung quốc có thái độ nể nang hơn so với VN”.
Một bạn trẻ suy nghĩ nhiều về “thống nhất”...
“Tôi nghe lãnh đạo cộng sản VN nói đến hoà hợp, hoà giải để thực sự thống nhất. Tôi nghĩ khó lắm khi nhiều người Việt sống ở nước ngoài, và nhiều người trong nước thích tư tưởng tự do, dân chủ. Người Việt trong nước thấy cùng là con người, sao người nước ngoài có nhân quyền, đất nước giàu có? Lãnh đạo Việt nam luôn bắt người dân phải phục tùng, ép buộc theo đường lối của họ, nhân quyền bị chà đạp... thì làm sao có hòa hợp.
Một ông thủ tướng VN đã nói “Ngày 30 tháng tư triệu người vui, triệu người buồn”. Một câu nói bâng quơ không có giá trị thực tế gì cả. Tuy nhiên ông ta trong lúc bất chợt cũng thấy được một điều gì chứng tỏ ông ta có một ít nhân tính hơn các người lãnh đạo CS khác.
* * *
30 tháng tư 1975 theo cộng sản là ngày giải phóng miền Nam, ngày thống nhất hai miền Nam Bắc. Không thể một người nghèo hơn, đi cướp giựt người giàu hơn rồi nói mình đi giải phóng cho họ. Kệch cỡm và trâng tráo lắm. Thống nhất chỉ trên hình thức, lòng người sau bao năm vẫn chia rẽ, hận thù. Một bên giai cấp thống trị vẫn ôm lý thuyết Mác Lê, mục đích bảo vệ đảng, bảo vệ quyền lợi của mình. Một bên giai cấp bị trị đòi hỏi nhân quyền, công bằng trong xã hội. Người giai cấp bị trị chắc chắn phải đông hơn cái thiểu số giai cấp thống trị đang được hưởng đặc quyền, đặc lợi kia. Nhưng nhóm quần chúng đa số, ngoài lý do không vượt qua nỗi sợ hãi với bạo quyền.
Một lý do cũng rất quan trọng là chưa có phối hợp gắn bó với nhau giữa các cá nhân trong giai cấp bị trị. Lech Walesa đã tạo sự kết dính những người cùng tư tưởng đấu tranh đã đưa đến sự thành công của Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan. Tương tự Mandela của cộng hòa Nam Phi, Aung San Suu Kyi của Miến Điện là những nhân tố kết hợp, tạo sức mạnh của sự đoàn kết đưa đấu tranh đến thành công. Khi chúng ta chưa đoàn kết để có tiếng nói chung, e rằng chúng ta sẽ tiếp tục ngậm ngùi khi ngày 30 tháng tư lại đến.
29.04.2017
Hồ Chí Phèo