Nhạc sĩ Trường Sa: Đam mê vẫn còn sau 15 năm gián đoạn
Nhạc sĩ Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn và Trường Sa là bút hiệu được ông chọn trong thời gian ông đảm nhiệm chức vụ hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa. Ông tốt nghiệp khóa 12 Sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Cấp bậc cuối cùng là Hải quân Thiếu tá, Chỉ huy trưởng Liên đoàn 3 Tuần Thám kiêm Chỉ huy trưởng đoàn Hộ tống các thương thuyền ngoại quốc tiếp tế cho chính phủ Lon Nol.
Ngày 29/04/1975, ông ở Vàm An Long trên sông Cửu Long và không liên lạc được với Bộ Tư lệnh Hải quân do các chiến hạm đã lên đường di tản. Từ biên giới Châu đốc, ông đưa tàu ra biển và tháp tùng Hạm đội Hải quân VNCH qua Subic Bay , Philippines. Từ Phi, ông theo thương thuyền Mỹ tới đảo Guam ngày 05/5/1975. Khi đến đảo Guam, không tìm thấy gia đình, ông xin Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp để được theo tàu Việt Nam Thương Tín trở về Việt Nam.
Khi tàu về đến Việt Nam, nhà cầm quyền Cộng sản đưa tàu ra Nha Trang, giam ông tại Ty Cảnh Sát cũ 2 tháng, rồi chuyển ra trại A 20 Phú Khánh. Một thời gian ngắn sau, ông bị chuyển ra Bắc, ở trại Nghệ Tĩnh cho đến năm 1984.
Chỉ vì ra đi rồi lại trở về, ông đã mất 9 năm cuộc đời trong lao tù Cộng sản.
Nhìn lại quá khứ, nhạc sĩ Trường Sa cho biết, ông không ân hận với quyết định trở về: “Tôi không thể ra đi một mình bỏ lại gia đình trong thời buổi vô cùng khó khăn, quyết định về dù chính quyền Việt Nam có giết hoặc tù đày tôi chấp nhận, như thế lương tâm tôi mới thanh thản. Tôi không cho rằng việc tôi bị tù đày 9 năm (hơn 1 năm trong Nam và hơn 7 năm ngoài Bắc) là ngoài sự ước đoán vì tôi tự biết tôi là người Bắc di cư 1954 , đạo Công giáo , và là sĩ quan cấp Tá”.
Sau khi “tốt nghiệp đại học máu” (cụm từ nhà văn Hà Thúc Sinh gọi “trại cải tạo”), năm 1986, ông vượt biên nhưng bất thành, bị tù 2 năm. Tháng 4 năm 1989, ông cùng ba con vượt biên lần nữa, thành công và được người em ruột bảo lãnh nhập cư Canada vào cuối tháng 8 năm 1991, sau 28 tháng tạm dung trên đảo Pulau Bidong, Mã Lai.
Năm 1992, vợ cùng với cô con gái lớn sang đoàn tụ. Gia đình sum vầy được 4 năm, định mệnh vẫn theo đuổi ông, vợ ông chẳng may bị tai nạn qua đời trong chuyến trở lại Việt Nam thăm thân nhân.
Nói về 13 năm trong quân ngũ, cựu thiếu tá Nguyễn Thìn cho biết ông rất hãnh diện đã được phục vụ trong quân đội VNCH, đã sống một phần đời đáng sống.
Sau những cuộc hành quân, dù mỗi ngày phải đối diện với hiểm nguy, nhưng ông vẫn dành thời giờ cho niềm đam mê âm nhạc, viết các ca khúc thời chiến như “Một lần xa bến”, “Hành trang giã từ”, “Chuyện người đan áo”. Đầu thập niên 70, nhạc sĩ Trường Sa chuyển sang sáng tác tình ca và trở nên nổi tiếng với ba ca khúc bất hủ “Xin Còn Gọi Tên Nhau”, “Rồi Mai Tôi Đưa Em “và “Mùa Thu Trong Mưa”. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nhận định về ba sáng tác này: “Chỉ với ba bản tình ca này, vườn hoa âm nhạc Việt Nam đã có thêm một bông hồng tuyệt đẹp”.
Ngoài tình ca, nhạc sĩ Trường Sa còn viết về tình yêu của người lính biển: Hành trang giã từ, Chờ em trên bến, Sầu biển… đặc biệt bài Sầu biển – sáng tác trong thời điểm Hải quân Việt Nam Cộng hòa tham dự trận hải chiến Hoàng Sa chống Trung Cộng bảo vệ lãnh hải Việt Nam. Bài ca này rất phổ biến trong quân chủng hải quân.
Sau 15 năm gián đoạn, trên vùng đất tự do, nhạc sĩ Trường Sa, với niềm đam mê vẫn còn rực lửa, đã trở lại với âm nhạc: “Trong mười lăm năm mất đi đó, phải kể là giai đoạn hoàn hảo của một đời người vì hoàn cảnh đất nước và số phận con người không thoát ra khỏi dòng nghiệt ngã, đau buồn. Nhìn lại quá khứ khi phải sống cuộc đời viễn xứ, phải xa quê hương mến yêu cùng với những người thân, bạn bè và cả một thời yêu dấu trong chiếc nôi vô cùng êm ấm mà đau xót. Từ những niềm ưu tư đó, tôi đã viết ra một số ca khúc hướng về Sài Gòn như Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi, Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó, Giấc Mơ Nghìn Trùng. Từ Một Ước Mơ và nỗi cô đơn trong buổi chiều cuộc đời khi nhìn về phía quê nhà như ca khúc Đường Chiều Một Bóng..”
Sau này, nhạc sĩ Trường Sa đã gặp gỡ một người có hoàn cảnh tương tự. Ông cho đó là “niềm hạnh phúc cuối đời”.
Một trong những sáng tác mới của ông có nhạc phẩm “Xin Ơn Nhau Cuộc Đời” với ca từ:
“Lửa nào trong tim giờ xin thắp lại tình người
Còn đời cho nhau dìu cuộc sống này”
Còn đời cho nhau dìu cuộc sống này”
Và đó có lẽ là lời hẹn trăm năm của ông sau những gian nan, đổ vỡ đã trải qua trong đời
Nhạc sĩ Trường Sa, sau 13 năm chiến đấu trong vai trò người lính của sông biển, tuy không thường xuyên xuất hiện trong các sinh hoạt Cộng đồng nhưng ông chọn một góc riêng, thích hợp với tuổi tác, tiếp tục sáng tác để duy trì văn hóa dân tộc, phát triển và đa dạng hóa nền âm nhạc Việt Nam.
VPY
No comments:
Post a Comment