Một trong 10 vụ án lớn nhất lịch sử mà Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) tổng kết trong 90 hoạt động có thủ phạm là người đàn ông gốc Việt tên Charles Sobhraj với biệt danh "Sát nhân bikini", "Người rắn".
Theo Interpol, đây là một trong những sát thủ nguy hiểm nhất nhưng cũng nổi tiếng nhất thế giới vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Nghi can đã thực hiện 24 vụ giết người cướp của ở Ấn Độ, Thái Lan, Nepal, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ…
Sinh năm 1944 tại Sài Gòn, tên đầy đủ trong giấy tờ của Charles Sobhraj là Hatchand Bhaonani Gurumukh Charles Sobhraj.
Sự có mặt của Sobhraj trên đời là kết quả mối tình chớp nhoáng giữa phụ nữ người Việt và một người đàn ông Ấn Độ làm nghề buôn bán tơ lụa. Khi Sobhraj chưa đầy tháng, người cha bỏ rơi hai mẹ con.
Sobhraj năm 19 tuổi.
3 năm sau, mẹ Sobhraj đi bước nữa với với một trung úy trong đội quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam là Alphonse Darreaux rồi sinh thêm một con trai, đặt tên là André. Năm 1954, quân Pháp rút về nước, Sobhraj và André được cha dượng đem theo.
Trong cuốn hồi ký "Charles Sobhraj - Cuộc đời tội phạm", anh ta kể:
"Tình cảm của tôi với ông ấy rất nhạt, hầu như chẳng có ấn tượng gì. Tôi như một thứ trái cây chín hoang. Ngoài giờ học ở trường, tôi lang thang cùng đám du thử du thực trên đường phố Paris, chuyên ăn cắp để kiếm tiền chơi bời nhưng ngược lại, bên cạnh tiếng Pháp cùng một ít tiếng Việt, tôi còn học được 4 ngoại ngữ và có thể nói thành thạo".
Năm 1963, Sobhraj bị bắt vì tội trộm cắp, bị giam tại nhà tù Poissy, Paris. Tại đây, nhờ biết ngoại ngữ nên thỉnh thoảng anh ta vẫn được ban giám thị gọi đi phiên dịch. Cảm thương cho cậu bé mặt mũi sáng sủa, thông minh nhưng sớm vướng vòng lao lý, ông Felix d'Escogne, một nhà hảo tâm giàu có thường đến thăm tù nhân, đã gặp gỡ, động viên Sobhraj, mang sách báo cho anh ta đọc.
Sobhraj kể:
"Nhờ ông Felix, tôi học hỏi được rất nhiều điều, chủ yếu là kỹ năng sống, cách ứng xử trong giao tiếp. Chính tác phong của ông Felix đã làm tôi bỏ hẳn tật chửi thề - thói quen tiêm nhiễm trong những ngày lê la trên đường phố".
Ba năm sau, Sobhraj được ân xá và nơi đầu tiên tìm đến là nhà ông Felix. Chỉ vài tháng, anh ta như lột xác. Với những bộ quần áo vest cắt may rất khéo, giày da Italia, cravate lụa tơ tằm Ấn Độ, Sobhraj thường xuyên cùng Felix xuất hiện trong những bữa tiệc của giới thương lưu. Rất tế nhị, ông Felix không bao giờ kể về quá khứ của Sobhraj mà chỉ nói rằng anh ta là con của một sĩ quan Pháp ở Việt Nam. Và vì chiến tranh nên gia đình buộc anh ta phải sang Pháp.
Tuy nhiên, đã mang cái mác là con "sĩ quan" thì phải có tiền trong lúc Sobhraj không một xu dính túi. Ngay cả ly cà phê buổi sáng cũng phải nhờ vào ông Felix nên cuối cùng, Sobhraj quay lại nghề trộm cắp.
Phi vụ đầu tiên của anh ta là một chiếc xe hơi Citroen DS19. Chỉ mất vài phút, Sobhraj đã nổ máy, lái nó đi. Liên lạc với đám bạn bè du thủ du thực ngày nào, Sobhraj tìm ra nơi tiêu thụ không chút khó khăn. Theo hồ sơ của Interpol, chỉ trong 4 tháng, Sobhraj đã trộm tổng cộng 9 chiếc xe, chủ yếu là loại DS19 và DS21 - hai loại xe thời thượng ở nước Pháp lúc bấy giờ.
Sobhraj lúc bị cảnh sát Ấn Độ bắt.
Có tiền, Sobhraj thỏa sức ăn chơi. Trong một bữa tiệc, anh ta gặp Chantal Compagnon, cô gái trẻ người Paris. Choáng ngợp trước vẻ đẹp trai, lịch lãm của Sobhraj, tình yêu đến với Chantal rất nhanh chóng.
Một buổi trưa tháng 9/1968, Sobhraj điện thoại cho Chantal, hẹn cô đi ăn tối. Dự định trong bữa ăn, anh ta sẽ ngỏ lời cầu hôn Chantal với lễ vật là một chiếc nhẫn kim cương trị giá 15.000 franc.
Hồ sơ Interpol ghi lại: "Vào thời điểm những vụ mất cắp xe hơi liên tục xảy ra, nhân viên lễ tân của khách sạn Imperial đã nhớ được khuôn mặt Sobhraj khi hắn trộm một chiếc Cadillac lái khỏi sân khách sạn".
Dựa vào lời mô tả của lễ tân, cảnh sát phác họa chân dung Sobhraj. 18h ngày 24/9/1968 - ngày chuẩn bị cầu hôn Chantal, Sobhraj dừng chiếc DS21 ở một ngã tư chờ đèn đỏ thì bị cảnh sát kiểm tra. Do không có giấy tờ xe, lại thêm chiếc DS21 vừa ăn cắp được chưa kịp thay bảng số khác nên Sobhraj bị bắt.
Ra tòa, do Sobhraj khai rằng chỉ có ý muốn "mượn" chiếc xe một lát vì sợ trễ bữa hẹn cầu hôn với Chantal và khi xác minh, cô gái cũng khai đúng như vậy nên Sobhraj chỉ chịu mức án 8 tháng tù giam.
Sau vụ việc ấy, những tưởng Chantal sẽ hoảng sợ mà xa lánh một kẻ tội phạm có lớp vỏ ngoài quý phái nhưng thật bất ngờ, cô gái trẻ vẫn vào thăm anh ta đều đặn. Sobhraj viết: "Trong tất cả những lần gặp tôi, Chantal không một lời nhắc đến lý do tôi vào tù. Cô ấy chỉ an ủi và hứa sẽ đợi tôi. 8 tháng không phải là dài lắm".
Được tha, Chantal và Sobhraj lấy nhau mặc dù gia đình cô gái đã hết sức ngăn cản. Để có tiền sinh sống, Sobhraj lại ăn cắp xe hơi nhưng anh ta hiểu rằng mình sẽ quay vào tù bất cứ lúc nào vì với tiền án như thế, chắc chắn cảnh sát Paris sẽ để mắt đến anh ta mỗi khi có một chiếc xe hơi nào đó biến mất.
Sobhraj viết: "Đầu năm 1970, lúc ấy vợ tôi đang mang thai, một gã bạn tôi báo tin gara Covignon - nơi tôi thường bán những chiếc xe ăn cắp bị cảnh sát lục soát. Biết rằng sớm muộn gì cũng bị bắt, tôi nhờ đám chiến hữu làm cho mình một cuốn hộ chiếu giả rồi cùng Chantal đi Ấn Độ qua ngả Đông Âu".
Giữa tháng 9/1970, vợ chồng Sobhraj đến thành phố Mumbai, Ấn Độ. Trên đường đi, chẳng hiểu Sobhraj thuyết phục thế nào mà cô vợ Chantal lại trở thành đồng lõa với Sobhraj trong những vụ lừa đảo, trộm cắp. Trong vai một cặp vợ chồng trẻ, sở hữu hàng trăm nghìn hecta cao su ở Đông Dương đi nghỉ mát, hoặc một thương gia ngành dệt may ở Lebanon, Sobhraj làm quen với những khách du lịch châu Âu giàu có rồi mời họ uống rượu pha thuốc ngủ. Khi nạn nhân đã mê man, vợ chồng Sobhraj lục túi lấy tiền, thẻ tín dụng, hộ chiếu, đồng hồ, nhẫn, máy chụp ảnh, dây chuyền…
Theo hồ sơ Interpol, không rõ tổng số tài sản mà Sobhraj đã chiếm đoạt trong năm 1970 là bao nhiêu vì có những nạn nhân chọn cách im lặng, coi như "của đi thay người" nhưng với những người đến cảnh sát khai báo, số tài sản mà họ bị mất ước khoảng 145.000 franc.
Nét mặt thông minh đã giúp Sobhraj thực hiện thành công nhiều vụ chiếm đoạt tài sản.
Cuối tháng 9/1970, Chantal hạ sinh một bé gái, vợ chồng mướn một căn nha sang trọng trong khu người Anh ở Mumbai. Để có tiền chi trả cho cuộc sống xa hoa cũng như ném vào những sòng bạc, Sobhraj lại tiếp tục trộm cắp xe hơi và buôn lậu nhiều thứ, kể cả ma túy.
Sobhraj kể: "Chỉ một thời gian ngắn, tôi đã kết bạn với những nhóm tiêu thụ đồ ăn cắp ở Mumbai, Calcutta và New Dehli. Khác với Paris, những băng nhóm phương Đông "tiền trao cháo múc" xong phi vụ là xem như chưa hề quen biết, có gặp nhau ngoài đường cũng chẳng thèm chào. Điều ấy đã khiến nguy cơ bị lộ giảm thiểu đến mức thấp nhất".
Tháng 4/1971, Sobhraj quyết định làm một vụ táo bạo. Nhận thấy quầy bán vàng bạc đá quý tại khách sạn Ashoka, thủ đô New Dehli, Ấn Độ chỉ có một nhân viên duy nhất trông coi vào giờ nghỉ trưa, Sobhraj một mình một dao găm, vờ như khách mua hàng bước vào uy hiếp cô nhân viên. Nhưng hắn chưa kịp lấy đi thứ gì thì cô này đã kịp thời dùng chân ấn vào nút báo động đặt ở dưới đất. Bị bắt tạm giam tại đồn cảnh sát, trong khi chờ lấy lời khai, Sobhraj vờ lên cơn đau ruột thừa. Được đưa vào bệnh viện, Sobhraj toan tính sẽ lợi dụng cơ hội này để bỏ trốn nhưng không ngờ anh ta lại phải mổ.
Ra viện, trở lại nhà giam, Sobhraj nhắn tin cho Chantal. Sử dụng vỏ bọc y tá, Chantal nhờ cảnh sát gửi cho Sobhraj một ít thuốc, trong đó có cả thuốc ngủ. Theo Sobhraj, do vẫn còn trong thời gian dưỡng bệnh, anh ta được cho nằm ở một phòng riêng, việc canh gác có phần lỏng lẻo nên anh ta sẽ tìm cách bỏ thuốc ngủ vào bình nước uống của người lính gác. Khi người này đã mê man, Sobhraj trốn.
Thiên bất dung gian, âm mưu của Sobhraj bại lộ. Đối diện với mức án 12 năm tù vì tội cướp có vũ trang và cố ý đào tẩu, Sobhraj đành phải cầu cứu cha dượng mình bằng cách mượn tiền đóng thế chân để được tại ngoại.
Trong cuốn hồi ký "Cuộc đời tội phạm", Sobhraj kể: "Thông qua vợ tôi, cha dượng tôi - là viên trung úy quân đội Pháp ở Đông Dương năm xưa - đã gửi cho tôi 70.000 franc, đồng thời cho biết đứa em trai cùng mẹ khác cha với tôi là André, hiện đang ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu cần thêm gì thì cứ liên lạc với nó".
Được tại ngoại, Sobhraj nhanh chóng cùng vợ bỏ trốn đến Kabul, Afghanistan. Tại đây, đôi vợ chồng lại tiếp tục sử dụng bài bản mời rượu có pha thuốc ngủ cho những khách du lịch châu Âu mà họ chủ động làm quen rồi chiếm đoạt tài sản.
Giữa năm 1971, vài ngày sau khi thực hiện thành công một phi vụ, lấy được gần 6.000 USD, một nạn nhân đã nhận ra Sobhraj khi anh ta đang đi trên phố. Bị cảnh sát Kabul mời về trụ sở, Sobhraj liên tục chối bai bải rằng "đã có một sự nhầm lẫn nào đó".
Do mới chỉ bị câu lưu để lấy lời khai, Sobhraj lại giả vờ đau bao tử rồi nhắn vợ tôi mang thuốc đến, trong đó dĩ nhiên có cả thuốc ngủ. Lần này, hắn đã thành công. Thoát khỏi tay cảnh sát Kabul, Sobhraj lập tức bảo vợ trốn sang Iran. Thế nhưng, mặc cho Sobhraj năn nỉ, thuyết phục, Chantal vẫn cương quyết không đi theo.
Sobhraj nói: "Chantal muốn rũ bỏ quá khứ phạm tội để có thể yên ổn nuôi con. Thậm chí lúc tôi đưa tiền cho cô ấy làm lộ phí, cô ấy cũng không nhận".
Bằng cách bán sợi dây chuyền có gắn mấy hạt kim cương nhỏ, được mẹ cho từ hồi còn bé, Chantal mua vé máy bay và sắm sửa thêm mấy đồ dùng cần thiết cho con gái Usha trong chuyến đi dài
Khuya ngày 27/6/1971, Chantal lên máy bay về Pháp. Từ đó, Sobhraj không bao giờ còn gặp lại vợ. Trong gần 2 năm tiếp theo, Sobhraj lang bạt nhiều nơi, từ Bắc Âu đến Trung Đông và vẫn kiếm sống bằng cách mời rượu có thuốc ngủ nhưng trong các phi vụ ấy, thay vì là "chủ đồn điền cao su ở Đông Dương" hoặc "thương gia kinh doanh vải vóc tơ lụa" thì Sobhraj trở thành "người môi giới mua bán kim cương, hồng ngọc" hoặc "đại lý cho một tập đoàn dược phẩm nổi tiếng".
Để đi từ quốc gia này sang quốc gia khác, Sobhraj lần lượt sử dụng 10 cuốn hộ chiếu đã đánh cắp được với những tên tuổi khác nhau, chỉ thay vào đó bằng ảnh của mình…
Cuối năm 1973, Sobhraj đi Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Istanbul, anh ta gặp người em cùng mẹ khác cha là André. Chỉ một thời gian ngắn, bị người anh dụ dỗ, André nhanh chóng nghe theo cùng Sobhraj hợp thành một cặp bài trùng, chuyên ăn trộm xe hơi, buôn lậu thuốc lá rồi chuyển sang Hy Lạp tiêu thụ.
Sobhraj và Marie Andrée Leclerc ở Bangkok, Thái Lan.
Giữa năm 1974, đường dây vận chuyển, tiêu thụ xe ăn trộm bị cảnh sát Hy Lạp phát giác, Sobhraj và André cùng một số đồng phạm bị bắt.
Theo hồ sơ Interpol đã có khoảng 140 chiếc xe rơi vào tay băng nhóm Sobhraj. Bị giam trong nhà tù ở Athens, một lần nữa Sobhraj lại giả ốm rồi trốn thoát. Riêng André, cảnh sát Hy Lạp đồng ý cho dẫn độ anh ta về Thổ Nhĩ Kỳ. Ra tòa, André lĩnh án 18 năm tu.
Thoát khỏi Hy Lạp, Sobhraj đến Thái Lan bằng hộ chiếu giả. Xuất phát từ Athens, anh ta băng qua Iran, Pakistan, Ấn Độ, Miến Điện (nay là Myanmar) và điểm cuối cùng là Bangkok. "Để tránh bị phát hiện, trong hành trình xuyên Ấn Độ, tôi luôn mua vé khoang hạng nhất - loại khoang dành cho 2 người vì cảnh sát biết hành khách khoang này đều là tầng lớp thượng lưu nên họ ít chú ý", Sobhraj kể.
Và để có tiền chi tiêu, Sobhraj "bổn cũ soạn lại". Cứ khoảng 2 tiếng trước khi đến ga - nơi anh ta sẽ chuyển tàu - Sobhraj mời người khách ở chung khoang với mình uống rượu: "Khi họ đã mê man, tôi khoắng sạch. Lúc nhân viên phục vụ khoang phát hiện vị khách ngủ say như chết thì tôi đã ở trên một chuyến tàu khác rồi".
Những ngày đầu tiên ở Bangkok, Sobhraj thuê một căn phòng của một khách sạn nhỏ nằm trên đường Charoen Krung rồi lang thang đây đó tìm cách "làm ăn".
Một hôm, tại khu chợ nổi trên sông Chao Phraya, anh ta tình cờ gặp một cô gái người Canada - là thư ký y khoa, đến từ thành phố Quebec, tên Marie Andrée Leclerc. Trong vai một du khách từng trải, Sobhraj kể cho cô gái nghe về những nơi anh ta đã đi qua như Iran, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp…, về phong tục, tập quán và về cuộc sống của người dân ở đó. Bị thu hút bởi tính lãng tử của Sobhraj, chỉ sau vài lần gặp gỡ, Marie đã thu dọn đồ đạc về ở chung với Sobhraj như vợ chồng.
"Xe hơi ở Bangkok phần lớn là xe đời cũ, có bán cũng chẳng được bao nhiêu. Hơn nữa, tôi vẫn chưa tìm được đầu mối tiêu thụ nào vì tôi không biết tiếng Thái trong khi đa số người Thái không nói tiếng Anh hoặc tiếng Pháp…Vì thế, tôi phải chuyển hướng hoạt động bằng cách tuyển mộ thêm một số tay chân", Sobhraj kể trong hồi ký.
Người đầu tiên mà Sobhraj tuyển mộ là một thanh niên Pháp, tên Dominique Rennelleau. Mời Rennelleau đi ăn tối cùng với cô vợ Marie của mình, Sobhraj kín đáo bỏ vào đĩa thức ăn của Rennelleau một ít bột lá cây Majiad - loại cây mọc ở Ấn Độ, có khả năng gây ra những triệu chứng giống như bệnh kiết ly. Ăn xong, chiều hôm sau Sobhraj đến khách sạn nơi Rennelleau trú ngụ, vờ như ghé thăm. Thấy Rennlleau nằm ôm bụng nhăn nhó trên giường, Sobhraj đã "hào phóng" mời anh chàng này về ở chung với mình để tiện việc chữa trị.
Cảm kích trước cử chỉ nghĩa hiệp của Sobhraj, dần dà Rennlleau tự nguyện làm bất cứ việc gì mà Sobhraj sai bảo mặc dù thừa biết đó đều là những việc phi pháp.
Tuy nhiên, trợ thủ đắc lực nhất của băng nhóm Sobhraj lại là một thiếu niên Ấn Độ tên Ajay Chowdhury. Sobhraj gặp Ajay khi cậu bé đang đói lả trong công viên. Được cho ăn uống, mua sắm quần áo, cho chỗ trú ngụ, Ajay ngoan ngoãn vâng lời Sobhraj chẳng khác gì đầy tớ nghe lời chủ.
Sobhraj đọc bài báo viết về mình trên tờ Người Paris.
Trong hồi ký, Sobhraj kể: "Để đánh giá khả năng và cũng là để thử lòng trung thành của Ajay, một hôm tôi đưa cậu ta chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng hiệu Rolex - dĩ nhiên là đồ giả - đã được tháo một cái chốt ở dây đeo để làm ra vẻ nó bị đứt rồi dặn cậu ta "diễn" cho đúng bài".
Ajay cầm đồng hồ đến những quán bia nằm dọc theo đại lộ Maha Rat, nơi mà ngày cũng như đêm, lúc nào cũng có những người lính Mỹ mới từ Sài Gòn rút về, ngồi nhâm nhi với những cô tiếp viên. Theo kịch bản, Ajay bước vào, chìa chiếc đồng hồ ra, nói rằng mình vừa mới nhặt được rồi mời lính Mỹ mua. Đúng lúc ấy, Sobhraj xuất hiện, tỏ ý cũng muốn mua nhưng Ajay không bán.
Kỳ kèo một lúc, Sobhraj rút lui. Thấy chiếc đồng hồ trị giá 1.200 USD nhưng thằng bé Ấn Độ chỉ bán có 500 vì là "của nhặt" nên lắm anh lính ham rẻ, mua ngay. Sobhraj kể: "Có bữa, cả Marie lẫn Rennelleau và Ajay xoay tua đóng kịch, bán được 6 chiếc. Trừ đi giá vốn mỗi chiếc 50 USD, chúng tôi cũng đủ sống qua ngày nhưng tôi biết trò kiếm ăn ấy không thể kéo dài mãi".
Giữa tháng 9/1975, vợ chồng Sobhraj làm quen với một cô gái người Mỹ tên Teresa Knowlton, đến từ thành phố Seattle, bang Washington (trong cuốn sách "Người rắn" viết về cuộc đời Sobhraj, tác giả Thomas Thompson nói cô này tên là Jennie Bollivar).
Cũng như những con mồi khác, Teresa được vợ chồng Sobhraj mời đi ăn, đi thuyền du lịch trên sông Chao Phraya. Khoảng ba tuần sau, những đợt sóng thủy triều đưa thi thể Teresa lên bãi biển Kolkata, trên người chỉ mặc mỗi bộ đồ tắm 2 mảnh.
Thoạt đầu, cảnh sát Thái Lan cho rằng Teresa chết đuối vì uống bia và hút cần sa quá mức như vẫn thường thấy ở một số thanh niên nam nữ Mỹ khi du lịch Thái Lan.
Tuy nhiên, theo yêu cầu của gia đình nạn nhân thông qua Sứ quán Mỹ, một nhóm chuyên gia pháp y từ Mỹ bay sang Bangkok. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Teresa bị trấn nước đến chết rồi mới ném xuống biển vì ở vùng sau gáy vẫn còn lờ mờ những dấu thâm tím của mấy ngón tay.
41 năm trôi qua, cho đến hiện tại, khi Sobhraj đang còn chịu án tù chung thân ở Nepal vì tội giết người, vẫn không ai biết vì sao Teresa chết. Giả thuyết vợ chồng Sobhraj giết cô gái để cướp tài sản xem ra không có lý vì theo lời khai của những người bạn Teresa thì cô này thuộc dạng tiền chẳng có nhiều. Cũng có giả thuyết rằng vợ chồng Sobhraj làm quen cô gái với mục đích kết nạp cô vào băng nhóm lừa đảo, trộm cắp. Nhưng lúc thấy Teresa từ chối, sợ bị tố cáo, Sobhraj hạ thủ cô ta để bịt đầu mối.
Nạn nhân thứ hai của băng nhóm Sobhraj là một thanh niên Israel tên Vitali Hakim, thi thể bị đốt cháy đen, được phát hiện tại một bãi biển hoang vắng trong khu nghỉ mát Pattaya. Cũng như cô gái người Mỹ Teresa, nhiều nhân chứng cho biết trước khi Hakim chết, họ gặp anh ta đi chơi chung với nhóm Sobhraj. Kiểm tra khách sạn nơi Hakim thuê phòng, cảnh sát Thái Lan thấy quần áo và đồ dùng cá nhân của của Hakim vẫn còn nguyên vẹn, chỉ không có hộ chiếu và tiền bạc. Nhân viên nhà hàng trong khách sạn nói mỗi lúc Hakim trả tiền ăn, anh ta đưa tiền mặt là đôla Mỹ.
Tiến hành điều tra, vợ chồng Sobhraj cùng hai gã đàn em là Ajay và Renne- lleau đều khai rằng họ có quen Hakim nhưng chỉ đi chơi chung vài lần. Khu nghỉ mát Pattaya khách du lịch người nước ngoài đông như kiến, họ quen nhau chớp nhoáng rồi chia tay nhau cũng nhanh không kém, biết đâu mà lần nên theo nhận định của cảnh sát Thái, có thể Hakim đã gây ra một xích mích nào đó với những băng nhóm xã hội đen người Thái ở Pataya và bị giết.
Không liên lạc được với Hakim, người yêu của Hakim là Charmayne Carrou từ Tel Aviv, Israel bay sang Bangkok. Trước đó, Hakim nhiều lần điện thoại cho Carrou, nói rằng mình "đã gặp những người bạn tốt bụng và thường xuyên đi chơi chung với họ, về nhà họ tiệc tùng…".
Đến Bangkok, Carrou nhanh chóng tìm ra nơi băng nhóm Sobhraj trú ngụ. Lo sợ trước sự truy vấn của cô gái Israel về việc bạn trai tự dưng biến mất bởi lẽ hôm cuối cùng trước khi chết, Hakim điện thoại cho Carrou, nói rằng mình sẽ đi Pattaya với vợ chồng Sobhraj nên anh ta đề nghị đưa cô gái đến một resort ở Pattaya, nơi Hakim thuê phòng để tìm hiểu.
Chín ngày sau đó, xác Carrou nổi lên trên biển Pattaya, trên người cũng chỉ mặc một bộ bikini y hệt Teresa. Và cũng như cái chết của Teresa, cảnh sát Thái Lan một lần nữa kết luận rằng Carrou đuối nước trong lúc trên trang nhất của những tờ báo phát hành ở Bangkok, cụm từ "The Bikini Killer - Sát nhân bikini" lần đầu tiên xuất hiện
Ngay trong thời điểm Carrou từ Tel Aviv sang Bangkok tìm Sobhraj thì tên này đã giết thêm hai người nữa. Đó là một sinh viên người Hoà Lan tên Henk Bintanja và vị hôn thê là Cornelia Hemker. Sobhraj quen cặp đôi này ở Hongkong khi hắn ta qua đó đặt làm đồng hồ giả. Bằng cách mời họ sang Bangkok du lịch, lúc họ tìm đến chỗ ở của Sobhraj thì cũng là lúc Carrou đang chất vấn Sobhraj về sự mất tích của người yêu mình. Sợ bị bại lộ, Sobhraj đầu độc Henk Bintanja và Cornelia Hemker bằng thuốc ngủ bỏ trong thức ăn rồi cùng cậu bé Ấn Độ Ajay giết họ.
Ngày 16/12/1975, thi thể của Henk Bintanja và Cornelia Hemker được tìm thấy trong tình trạng một người bị đánh gãy đốt sống cổ còn người kia thì cháy thành than. Thay ảnh trong hộ chiếu của nạn nhân, Sobhraj cùng vợ đi Nepal.
Đến ngày 28 tháng 12 năm đó, cặp đôi này giết 2 du khách, một anh chàng người Canada là Laurent Carriere cùng một cô gái người Mỹ là Connie Bronzich. Bằng cách rủ họ đi thám hiểm núi Everest, mọi chi phí Sobhraj lo hết. Vợ chồng Sobhraj đưa 2 du khách đến một nơi hoang vắng, nói là để gặp những người Nepal dẫn đường.
Lợi dụng lúc Laurent Carriere và Connie Bronzich sơ ý, Sobhraj cầm cây gậy vốn dùng để chống đi cho thăng bằng, đánh vào gáy Laurent Carriere nhiều cú trong lúc cô vợ đâm Connie Bronzich bằng dao. Sau khi lục lấy hết tiền bạc, hộ chiếu, Sobhraj định đốt xác họ nhưng do lượng xăng mà anh ta mang không đủ nên chỉ có xác của Connie Bronzich bị đốt.
Vẫn với thủ đoạn sử dụng hộ chiếu của hai nạn nhân Laurent Carriere và Connie Bronzich, vợ chồng Sobhraj quay lại Thái Lan.
Tại Bangkok, Rennelleau - người đã bị Sobhraj bỏ bột lá cây vào thức ăn, gây ra bệnh kiết ly rồi sau đó chữa trị để kết nạp vào nhóm - lúc nhìn thấy những tấm hộ chiếu họ tên là của người khác nhưng hình ảnh lại là hình vợ chồng Sobhraj - và nhất là thông tin về việc tìm thấy xác hai người Hoà Lan tràn ngập trên các trang báo thì biết rằng Sobhraj không chỉ bán đồng hồ giả, mà anh ta còn cướp của, giết người. Lo sợ trước án tù nặng nề treo trên đầu mình vì tội đồng lõa, Rennelleau viết một lá thư, kể rõ tất cả những việc mình đã chứng kiến, gửi cảnh sát Thái Lan rồi trốn về Paris.
Thấy Rennelleau đột nhiên biến mất, linh tính của một kẻ tội phạm đã khiến Sobhraj cảnh giác. Lập tức, anh ta đưa cô vợ và tay trợ thủ Ajay đi Calcutta, Ấn Độ. Tại nơi này, vẫn bằng cách làm quen, mời ăn uống, Sobhraj giết một người Istrael tên Avoni Jacob để lấy cuốn hộ chiếu. Bằng cái tên Jacob, Sobhraj cùng vợ và Ajay đi Singapore…
Tháng 3/1976, Sobhraj quay lại Bangkok bằng cái tên “Jacob” trong cuốn hộ chiếu đã lấy được. Thời điểm này, sau cái chết của 2 người Hoà Lan và 2 người Israel, cảnh sát Thái Lan bắt đầu nghi ngờ "một người đàn ông lai Ấn, Á cùng một phụ nữ phương Tây".
Theo Richard Neville, người chắp bút viết cuốn hồi ký "Cuộc đời tội phạm" cho Sobhraj, vì anh ta sử dụng hộ chiếu giả nên cảnh sát không biết anh ta vào, ra đất Thái lúc nào. Hơn nữa, họ cũng chưa rõ tên thật của Sobhraj.
Bên cạnh đó, nếu công khai vụ việc có thể sẽ khiến Sobhraj lặn mất, đồng thời cũng có thể làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp du lịch nên mặc dù đã thu thập được nhiều chứng cứ dựa trên bức thư thú tội của Rennelleau, cảnh sát Thái Lan chỉ lặng lẽ điều tra thay vì phát thông báo, đề nghị những ai biết về hung thủ hãy đến trình báo với nhà cầm quyền.
Nhưng người Hoà Lan thì không! Một cán bộ phụ trách công tác lãnh sự ở Đại sứ quán Hoà Lan tại Bangkok là ông Herman Knippenberg bắt tay vào việc điều tra. Theo ông Knippenberg, tất cả những nạn nhân xấu số đều có chung một điểm là trước khi chết, họ đều gặp gỡ, ăn uống, đi chơi với vợ chồng Sobhraj.
Mất nhiều thời gian, công sức tìm hiểu qua những khách du lịch, những người lái taxi, xe tuk tuk, ông Knippenberg có được địa chỉ căn nhà nơi vợ chồng Sobhraj cư trú. Thuyết phục cảnh sát Thái Lan cho phép khám xét căn nhà, Knippenberg và cảnh sát phát hiện khá nhiều bằng chứng về việc Sobhraj liên quan đến những vụ giết người. Đó là hộ chiếu của một số nạn nhân cùng các giấy tờ liên quan đến họ như vé máy bay, thư từ, hình ảnh. Bên cạnh đó, ông Knippenberg còn tìm thấy một lượng lớn thuốc ngủ và bột lá cây Majiad.
Thời điểm xảy ra vụ khám xét, vợ chồng Sobhraj cùng Ajay đang ở Singapore. Lúc trở lại Bangkok và lúc xuống taxi để đi bộ vào nhà thì bất ngờ một đứa bé hàng xóm nhanh ẩu đoảng, đã báo cho Sobhraj biết: "Mấy bữa trước có nhiều cảnh sát đến nhà chú". Lập tức, bộ ba quay lưng tháo lui rồi thuê một chiếc xe hơi chạy một mạch xuống tỉnh Surat Thani, miền Nam Thái Lan.
Nghỉ lại đó một đêm, hôm sau Sobhraj cùng vợ và Ajay đi Songkhla rồi qua biên giới, vào đất Malaysia. Hồ sơ Interpol về Sobhraj cho thấy tại Kuala Lumpur, theo lệnh Sobhraj, Ajay đã nhiều lần đột nhập vào các cửa hàng đá quý để ăn trộm nhưng sau đó cậu bé Ấn Độ này biến mất không tăm tích. Interpol tin rằng Sobhraj đã giết Ajay để xóa hết dấu tích trước khi đến Geneva, Thụy Sĩ, nơi vợ chồng anh ta xuất hiện như những người chuyên mua bán đá quý.
Tiêu thụ xong phần lớn số hàng do Ajay trộm được, tháng 7-1976, Sobhraj cùng vợ đi Bombay, Ấn Độ. Tại đây, anh ta thu nạp hai thiếu nữ người Mỹ là Barbara Smith và Mary Ellen Eather. Nạn nhân đầu tiên của "gia đình tội ác" Sobhraj là một thanh niên người Pháp tên Jean Luc Solomon. Vẫn bằng cách pha thuốc ngủ vào rượu để cướp tài sản nhưng do pha quá liều, Solomon ngộ độc chết.
Đến cuối tháng 7/1976, tại New Delhi, "gia đình" Sobhraj lừa một nhóm sinh viên Pháp bằng cách giới thiệu mình là những hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Do tin tưởng, nhóm sinh viên này đã nhờ Sobhraj đưa đi thăm thú nhiều nơi. Một buổi chiều, trước bữa ăn tại khách sạn Vikram, Sobhraj đưa cho mỗi sinh viên một viên thuốc, nói là thuốc ngừa bệnh kiết ly vì điều kiện ăn uống ở Ấn Độ không bảo đảm vệ sinh.
Tuy nhiên, có 3 sinh viên chỉ giả bộ uống rồi khi nhìn thấy bạn bè mình lần lượt ôm bụng quằn quại, họ đã xông vào túm chặt lấy Sobhraj, lôi anh ta đến đồn cảnh sát. Khi bị thẩm vấn, hai cô gái người Mỹ nhanh chóng thú nhận âm mưu cướp tài sản của Sobhraj đồng thời khai luôn về vụ đầu độc Jean Luc Solomon.
Riêng vợ chồng Sobhraj, trước sau cặp đôi này chỉ nói rằng họ đã bất cẩn trong việc mua thuốc ngừa kiết ly đồng thời chối bay chối biến về việc bỏ thuốc ngủ quá liều dẫn đến cái chết của anh thanh niên người Pháp. Dù vậy, cảnh sát cũng xác định được Sobhraj là kẻ đã đánh thuốc mê lính gác để trốn trại ở Kabul, Afghanistan hồi năm 1971 qua vết mổ ruột thừa!
Việc hỏi cung hoàn tất, Sobhraj, Marie, Barbara Smith và Mary Ellen Eather bị đưa đến nhà tù Tihar ở New Delhi chờ ngày xét xử. Chịu không nổi cuộc sống khủng khiếp trong buồng giam, Barbara và Mary Ellen tự sát nhưng nhờ những người ở chung buồng phát hiện, gọi lính canh đưa đi cấp cứu nên cả hai thoát chết.
SoBhraj trả lời phỏng vấn của các nhà báo trên đường ra tòa án Kathmandu.
Riêng Sobhraj, do còn giấu được mấy viên đá quý đựng trong một cái ống bằng nhôm rồi nhét vào hậu môn, anh ta móc nối với mấy người lính canh, nhờ họ đem bán. Trong hồi ký, anh ta kể: "Dù ở tù nhưng bữa sáng của tôi luôn có bánh mì, trứng chiên, patê gan ngỗng, thịt jambon muối và pho mai hảo hạng, còn rượu thì khỏi nói".
Ra tòa, Sobhraj lĩnh án 12 năm tù giam về tội cướp thay vì phải chịu hình phạt treo cổ bởi những chứng cứ buộc tội anh ta giết Solomon không rõ ràng. Với Marie, cô ta bị phạt 7 năm tù nhưng chỉ hơn 2 năm, Marie được ân xá vì mắc bệnh ung thư buồng trứng. Trở về Canada, Marie trước sau vẫn khẳng định rằng mình vô tội. Đến khi chết vào tháng 4/1984, cô ta cho biết mình luôn trung thành với tình yêu dành cho Sobhraj. Còn hai cô gái người Mỹ, mỗi cô nhận mức án 2 năm tù về tội đồng lõa cướp tài sản.
Khi Sobhraj ở tù tại Ấn Độ thì ở Thái Lan, cảnh sát Thái và Sứ quán Hoà Lan vẫn kiên nhẫn điều tra. Hai năm sau đó, họ đã có đủ bằng chứng về việc băng nhóm Sobhraj giết 2 người Israel và 2 người Hoà Lan cùng một cô gái Mỹ và một thanh niên Pháp. Đầu năm 1980, một nhóm quan chức thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan sang New Delhi, làm việc với Bộ Tư pháp Ấn Độ để bàn về việc dẫn độ Sobhraj về Thái Lan xét xử khi anh ta mãn hạn tù ở Ấn Độ.
Lúc này, Sobhraj sống như một ông hoàng trong nhà tù Tihar. Với số tiền bán những viên đá quý mà viên rẻ nhất cũng có giá 50.000USD, buồng giam Sobhraj chẳng thiếu thứ gì, tivi, máy lạnh, tủ lạnh, điện thoại, bồn tắm nước nóng còn ăn uống thì sơn hào hải vị. Thỉnh thoảng, Sobhraj còn tổ chức những bữa tiệc, mời lính gác nhà tù tham dự nên họ đã làm ngơ để một nữ luật sư của Sobhraj là Sneha Senger vào buồng giam ngủ với anh ta.
Ở Thái Lan, tin tức về những vụ giết người của "Sát thủ bikini" Sobhraj tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lập tức, nó thu hút nhiều nhà báo và ngay cả những nhà làm phim vào trại giam gặp anh ta để phỏng vấn. Lẽ dĩ nhiên Sobhraj đâu bỏ qua cơ hội kiếm tiền có một không hai này. Với những cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài 30 phút, Sobhraj bỏ túi 2.000USD.
Trong những cuộc phỏng vấn ấy, Sobhraj luôn chối bỏ việc giết người mà chỉ giải thích về hành động của mình "là nhằm chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây ở châu Á". Riêng hai cuốn hồi ký, một là "Sobhraj - Cuộc đời tội phạm" do Richard Neville chắp bút và cuốn "Người rắn" do Thomas Thompson chắp bút, đã mang về cho Sobhraj 4 triệu USD.
Tác giả Thomas Thompson cho biết: "Sở dĩ tôi đặt tên cho Sobhraj là "người rắn" vì dù bị giam ở nơi nào, anh ta cũng luồn lách trốn thoát được".
Với cuốn phim nói về cuộc đời phạm tội của Sobhraj, một hãng sản xuất ở Bollywood - là kinh đô điện ảnh Ấn Độ đã trả cho Sobhraj 6 triệu USD tiền bản quyền.
Và mặc dù có tiền, nhưng Sobhraj vẫn canh cánh lo âu về việc sẽ bị dẫn độ sang Thái Lan, nơi anh ta phải đối mặt với án tử hình. Theo cố vấn của cô luật sư nhân tình anh ta, tháng 3/1986, khi đã ở tù được 10 năm, Sobhraj tổ chức một bữa tiệc lớn, chiêu đãi toàn bộ lính gác và bạn tù nhưng thức ăn được bỏ thuốc ngủ. Lúc tất cả đã vật vã dưới tác dụng của thuốc, Sobhraj mở cửa nhà giam bước ra.
Hai ngày sau, anh ta bị thanh tra Madhukar Zende thuộc Sở cảnh sát Mumbai bắt tại nhà hàng O'Coquero. Theo hồ sơ Interpol, Sobhraj cố ý để bị bắt nhằm kéo dài thời gian ở tù vì theo luật Thái Lan, một vụ trọng án sau 20 năm mà vẫn không bắt được thủ phạm thì sẽ hết thời hiệu truy cứu hình sự.
Quả đúng như vậy. Vụ đầu độc, trốn trại mang lại cho Sobhraj thêm 10 năm tù giam, tổng cộng là 22 năm. Ngày 17/2/1997, lúc đã 52 tuổi, Sobhraj được trả tự do, chính quyền Ấn Độ cho phép anh ta về Pháp.
Sobhraj sống thoải mái ở ngoại ô Paris với tài sản 15 triệu USD - là tiền kiếm được từ những lần trả lời phỏng vấn, viết hồi ký và bán bản quyền làm phim. Thế nhưng, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Sobhraj quay lại Nepal, nơi anh ta đã giết người thanh niên Canada là Laurent Carriere và cô gái người Mỹ Connie Bronzich. Một số tờ báo Thái Lan gọi đó là "luật nhân quả".
Sobhraj cùng "vợ" là Nihita Biswas ở nhà tù Nepal, năm 2014.
Ngày 17/9/2003, một nhà báo tình cờ nhìn thấy Sobhraj trên đường phố ở thủ đô Kathmandu. Hai ngày sau, anh ta bị bắt lúc đang đánh bài trong casino của khách sạn Yak&Yeti. Gần một năm sau, Sobhraj bị tòa án Kathmandu kết án tù chung thân vì tội giết Carriere và Bronzich. Hầu hết các bằng chứng dùng để buộc tội Sobhraj do lãnh sự Hoà Lan là ông Knippenberg và Interpol thu thập được.
Cuối năm 2007, luật sư của Sobhraj gửi một bản thỉnh nguyện thư đến tổng thống Pháp là ông Nicolas Sarkozy, đề nghị Chính phủ Pháp can thiệp với Chính phủ Nepal, phóng thích Sobhraj vì lý do nhân đạo bởi lẽ anh ta đã ở tù Ấn Độ suốt 22 năm rồi nhưng thỉnh nguyện thư bị từ chối. Và mặc dù tù chung thân có nghĩa là suốt đời sẽ không bao giờ còn được bước chân ra khỏi nhà giam nhưng một thiếu nữ Nepal 20 tuổi là Nihita Biswas lại quyết định lấy Sobhraj làm chồng.
Sobhraj kể: "Tôi yêu Nihita Biswas ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cô ấy là con của bà Shakuntala Thapa, luật sư của tôi khi bà đưa Nihita Biswas vào trại giam để làm thông dịch viên tiếng Pháp cho tôi".
Còn Nihita Biswas thì tha thiết: "Dù đã 64 tuổi nhưng Sobhraj vẫn là một người đàn ông tuyệt vời. Tôi sẽ đợi anh ấy".
Ngày 9/10/2008, nhân lễ hội Bada Dashami của người Nepal, Sobhraj và Nihita Biswas tuyên bố đính hôn. Hôm sau, ban giám thị nhà tù Kathmandu bác bỏ thông tin này. Giám đốc nhà tù cho biết Nihita Biswas cùng gia đình được phép vào trại giam để thực hiện nghi lễ Tika cùng với những người thân của hàng trăm tù nhân khác nhưng đó không phải là lễ đính hôn vì khi vị trưởng lão bôi một dấu son lên trán họ thì đó chỉ là một phần nghi thức của lễ hội Bada Dashami.
Ngày 30/7/2010, Tòa án tối cao Nepal bác đơn kháng cáo của Sobhraj đồng thời bổ sung hình phạt 2.000 Rupi (tiền Nepal) về hành vi sử dụng hộ chiếu giả. Bên cạnh đó, tòa cũng ra lệnh phong tỏa tất cả mọi tài sản của Sobhraj.
Mẹ "vợ" anh ta - luật sư Shakuntala Thapa cho rằng "con rể" của mình đã bị đối xử bất công vì số tài sản của Sobhraj là do anh ta kiếm được qua việc trả lời phỏng vấn, viết hồi ký, bán bản quyền làm phim chứ không phải giết người cướp của…
Cần nói thêm, khi hồi ký "Charles Sobhraj - Cuộc đời tội phạm" xuất bản, Sobhraj đã phủ nhận tất cả những thông tin về mình trong cuốn sách này, dọa sẽ kiện nhưng theo Richard Neville, người chắp bút cho cuốn hồi ký thì mọi lời kể của Sobhraj đều đã được ông ghi âm nên có kiện đằng trời cũng không thắng.
No comments:
Post a Comment