Vì Sao Nên Nỗi?
Thành phố Oakwood, tiểu bang Ohio, nổi tiếng là nơi lý tưởng để phát triển gia đình. Nơi ấy xinh đẹp, sạch sẽ, và tách biệt. Những con đường mát rượi dưới tàn cây chạy giữa những căn nhà kiểu hơi cổ với tường gạch đỏ. Cỏ mướt xanh làm nền cho hoa rực rỡ. Mỗi sáng, trẻ con đi bộ đến trường, ríu rít trò chuyện như chim hót. Trưa đến, người lớn tụ tập trước cửa trường rôm rả chia sẻ về thành tích của con cháu trong lúc chờ đón bọn nhỏ về dùng bữa. Chiều chiều, tiếng cười của những lực sĩ học sinh hòa cùng tiếng hò reo của người cổ võ vang ra từ những sân vận động mênh mông. Oakwood là mẫu mực cho vẻ đẹp thanh bình, ấm cúng của một vùng ngoại ô khá giả ở Mỹ. Mọi gia đình ở đây đều coi việc đào tạo con cái thành những ngôi sao là mục đích quan trọng nhất của đời sống.
Khó mà thấy được những góc tối của Oakwood bởi đó là những điều người ta không bao giờ nói đến. Đó là áp lực nặng nề trên mọi người – nhỏ cũng như lớn – để thành công, hoặc ít ra là có vẻ thành công. Đó là những cha mẹ chọn làm ngơ khi đám học trò trung học uống rượu thường xuyên, ngay cả khi chúng say mèm ngay trong nhà họ. Chính các bậc cha mẹ cũng rất thích uống, nên khó mà trách được con nít thèm thuồng, bắt chước. Đằng nào cũng không cấm được, thà để chúng uống trong nhà còn hơn ở xó xỉnh nào đó. Ít ra thì ở nhà còn đỡ lo chúng lái xe khi say, đỡ sợ cảnh sát biết. Mọi chuyện sẽ ổn khi đám trẻ trưởng thành. Từ trước tới nay, nghèo đói và tội phạm không đi đôi với Oakwood. Cư dân ở đó và ở xung quanh đó đều nghĩ vậy.
Brock Turner là con út của một gia đình tại Oakwood. Ông bố là kỹ sư và bà mẹ là y tá chuyên ngạch nhưng nghỉ việc ở nhà để săn sóc ba đứa con từ khi Brock ra đời.
Ngoài phiếu điểm đáng nể, Brock còn là vận động viên bơi lội xuất sắc với một chuỗi thành tích ở đẳng cấp quốc gia. Giấc mơ Thế Vận Hội 2016 nằm trong tầm tay của anh chàng cao gần hai mét, tóc vàng, mắt xanh. Brock từng được coi là một “poster boy” – chàng trai mẫu – của Oakwood.
*
Đại Học Stanford là ngôi trường nổi tiếng với đội ngũ giáo sư lừng lẫy, với rất nhiều giải thưởng quốc tế, với hàng loạt thành tích thể thao rực rỡ, và những sinh viên tài năng. Những bộ óc lỗi lạc và đầy bứt phá từ Stanford đã và đang góp phần rất lớn cho sự phát triển vượt bậc của vùng Thung Lũng Điện Tử - Silicon Valley – tại Bắc California. Người ta càng lệ thuộc vào điện thoại di động và máy móc bao nhiêu thì Silicon Valley càng ăn nên làm ra bấy nhiêu, và uy tín của Đại Học Stanford cũng tăng theo chiều đó. Năm 2014, trường này chỉ nhận 5.1% số đơn của học sinh tốt nghiệp trung học trên toàn thế giới, một trong những tỷ lệ thấp nhất của các trường đại học Mỹ.Vì thế, được nhận vào Stanford là một thành tích lớn, tiếng Mỹ gọi là “big deal”. Nhất là khi được vào trường với học bổng dành cho vận động viên, điều đó giống như được đóng dấu xác định rằng người đó là một lực sĩ đầy triển vọng.
Tháng 9 năm 2014, Brock Turner đã tham gia đội bơi của Stanford trong vị thế đó.
*
1 giờ sáng thứ Hai, 18 tháng 1, 2015 ở Palo Alto, California, trời trong và không lạnh lắm. Carl-Fredrik Arndt và Peter Jonsson, hai du học sinh từ Thụy Điển, đạp xe song song trong khuôn viên trường Stanford vắng vẻ và bình yên.Ngang qua tòa nhà Kappa Alpha ở đường Lomita, họ nhìn thấy một đôi nam nữ nằm dưới đất, phía sau cái thùng rác lớn. Lúc đầu, họ không để ý lắm. Chuyện sinh viên “mùi mẫn” với nhau là chuyện nhỏ, ở đây. Nhưng khi lại gần hơn, Peter thấy người đàn ông nhấp nhô liên tục mà người đàn bà chỉ nằm im lìm. “Quái thật!” Peter nói với Carl và họ quyết định phải xem chuyện gì đang xảy ra. Họ dừng xe cách đó một khoảng ngắn và gọi “Hey, có gì không?” Thấy có người đến, người đàn ông đứng lên nhưng người đàn bà vẫn bất động. Bất thình lình người đàn ông vùng chạy.
Người đàn bà nằm mê man trên nền đất đầy những lá thông nhọn và khô cứng. Chiếc áo đầm đen bó sát người bị kéo lên tới bụng để lộ nửa thân mình trần trụi. Vai áo cũng bị kéo trễ xuống, phô ra một bên ngực. Lập tức Peter rượt theo người đàn ông. Carl nán lại, cố đánh thức cô gái nhưng cô ta vẫn không nhúc nhích. Sau khi xác định là cô ta còn thở, Carl phóng theo Peter.
Người đàn ông chạy rất nhanh. Peter phải lao tới, ngáng chân cho hắn té xuống, rồi ngồi đè trên người và ghì hai tay hắn xuống đất. Hắn chống cự dữ dội cho tới lúc Carl chạy đến, ngồi đè lên chân hắn. Peter gọi 911.
Cảnh sát và xe cứu thương đến. Nhân viên cấp cứu chẩn đoán rằng cô gái bị bất tỉnh vì uống quá nhiều rượu, họ đem ngay cô ta vào nhà thương. Cảnh sát giải người đàn ông về văn phòng. Đó chính là Brock Turner.
*
Theo lời khai của Brock và nhiều nhân chứng thì sự việc bắt đầu từ tối Chủ Nhật 17 tháng 1 khi Brock tham dự một party trong khu nhà ở của sinh viên.Rượu vào lời ra, lúc 10:40pm party bị cảnh sát củs trường đến dẹp vì quá ồn ào. Brock và một người bạn, Tom, đi bộ sang party khác ở tòa nhà Kappa Alpha.
Ở cách đó không xa, có một cô gái mười chín tuổi vừa thuyết phục được cô chị hai mươi hai tuổi cùng đi party. Họ không học ở Stanford nhưng cô em có bạn tên Maggioncalda học ở đó. Trong bữa ăn tối với cả gia đình, cô chị đã uống bốn chung rượu whisky và một ly champagne. Nhưng chẳng ai quan tâm tới điều đó bởi vì cô chị cảm thấy rất tỉnh táo. Cô từng là một tay uống có hạng thời còn trong đại học. Họ kéo hai cô bạn nữa, và mẹ của họ chở cả bốn cô đến tòa nhà Kappa Alpha.
Họ nhanh chóng nhập bọn với đám đông đang uống rượu và nhảy nhót trong hai tầng của căn nhà. Brock và Tom ở trong số đó. Đến gần nửa đêm, vì không muốn xếp hàng chờ toilette, hai chị em và Maggioncalda đi ra khoảng đất khuất ở gần đó để thải ra số nước uống vào.
Lúc đó Brock và Tom vừa đem một két bia ra ngoài patio cùng với vài người nữa. Họ đục lỗ ở đáy lon để bia phun ra thành vòi rồi uống, kiểu đó gọi là “shot gunned”. Khi ba cô gái trở lại, họ nhập bọn nói chuyện với đám đàn ông đang cười nói ồn ào đó. Họ được mời uống bia. Đây là lần đầu tiên cả hai bên giáp mặt nhau.
Sau một lúc nói chuyện, Brock đi tới định ôm và hôn cô em, nhưng bị đẩy ra. Tuy vậy, các cô vẫn không rời nơi đó. Tới lúc đó, những hớp bia cộng với hai chung vodka mới uống trong party đã hợp với số rượu có sẵn trong người làm cô chị choáng váng, nhưng cô vẫn không thấy có gì đáng lo. Vì thế, khi một trong hai cô bạn cùng đi sắp gục vì rượu, cô em liền đưa bạn về nghỉ trong phòng của Maggioncalda, để cô chị ở lại.
Đó là điều cuối cùng cô chị nhớ. Cô ta tỉnh dậy trong nhà thương và cảnh sát nói rằng cô ta đã bất tỉnh và đã bị xâm phạm.
*
Tin một lực sĩ say rượu ở Stanford bị bắt quả tang đang xâm phạm một gái bất tỉnh cũng vì say rượu làm nhiều người lắc đầu ngao ngán, trong đó có tôi.Từ khi đám con cháu trong nhà lớn lên, vào đại học, tôi đã nhiều lần hỏi tại sao các trường không có những biện pháp mạnh để giảm nạn uống rượu. Đám con cháu nhìn tôi với nụ cười của một người “thức thời” dành cho một người “quá thời”, rồi trả lời.
- Cô ơi, mỗi trường nội quy mỗi khác. Đâu có trường nào muốn mang tiếng là khắt khe. Làm vậy nhiều sinh viên sẽ bất mãn, họ sẽ đồn nhau và cho trường điểm thấp trên mạng. Như vậy sẽ làm giảm số người muốn học ở đó.
Lần khác đám trẻ lại tiết lộ:
- Lý do chính là trường không cấm được. Càng cấm thì sinh viên càng ra ngoài uống và càng thêm nguy hiểm. Trong những năm 90 có trường đã cấm rồi, sau đó còn nhiều chuyện rắc rối hơn. Có những chuyện nhỏ biến thành lớn vì sinh viên uống say mà không dám gọi nhà trường giúp đỡ. Vì vậy các trường phải nới ra lại.
Thì ra thế.
Rượu không thể thiếu ở mọi nơi trên thế giới. Hơn 40% người lớn ở Mỹ uống rượu mỗi ngày. Cho nên, cấm rượu là điều không tưởng, dù ở ngoài đời hay trong đại học. Các trường chỉ cố gắng giáo dục sinh viên để uống với trách nhiệm và hành xử an toàn khi say. Nhưng với rất nhiều sinh viên, lời giảng đi vào tai nhưng không lưu lại trong đầu. Tuổi trẻ và cuộc sống đầy thuận lợi làm họ nghĩ mình vượt trên những quy luật thiên nhiên và xã hội. Lòng tự tin mấp mé kiêu ngạo, cái háo hức chứng minh bản thân, sự tự do của những con chim vừa rời tổ, sức sống bừng bừng trong cơ thể, áp lực từ bạn bè… xảy ra cùng lúc tại mọi trường đại học. Sinh viên học kiến thức vào đời ở đó, nhưng mảnh đất màu mỡ cho lỗi lầm của tuổi trẻ cũng là ở đó!
Theo một nghiên cứu từ hai mươi bảy trường trong Hội Các Đại Học Hoa Kỳ (Association of American Universities), gần 12% sinh viên từng bị lôi kéo vào chuyện tình dục trái với ý muốn, hầu hết là dưới ảnh hưởng của rượu. Tuy vậy, rất nhiều vụ không được báo cáo hoặc điều tra kỹ bởi vì hai người trong cuộc thường đã hẹn hò hoặc quen biết nhau ít nhiều.
Vụ của Brock Turner khác biệt và thu hút sự chú ý ngay từ đầu vì ba lý do: nghi can bị bắt ngay tại hiện trường, nghi can và nạn nhân không hề quen nhau, và nghiêm trọng nhất là vì nghi can xâm phạm một người hoàn toàn mất khả năng tự vệ.
Khi mới đọc tin về vụ này, tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Thương cho cô gái bị nạn nhưng cũng thấy cô ta có phần đáng trách khi tự đặt mình vào chỗ nguy hiểm sau khi uống tới sáu chung rượu mạnh chưa kể champage và bia trong vòng vài tiếng, rồi biết mình đã say mà vẫn nán lại khi em cô đưa bạn về.
Đối với Brock, dù thấy rõ rằng hành động xâm phạm người không thể tự vệ là rất tệ hại, tôi vẫn còn thoáng thương hại cho một người trẻ đã tự hủy hoại tương lai. Với bằng chứng rõ ràng, Brock sẽ bị xử phạt thích đáng và đây sẽ là một tiếng gọi thức tỉnh cho giới trẻ.
Nhưng chuyện không xảy ra đơn giản như vậy
Brock có quá nhiều thứ để mất. Cả gia đình anh ta đều thấy thế. Cho nên, họ cố gắng chạy tội bằng mọi cách.
Có lẽ Brock đã có nhiều kinh nghiệm đổ lỗi cho người khác, vì thế, cậu ta rất nhạy bén trong việc này. Khi nghe ngóng rằng nạn nhân không nhớ chuyện gì xảy ra, cậu ta nắm ngay lấy cơ hội bằng vàng.
Gia đình Brock đã mướn luật sư Michael Armstrong của tổ hợp Nolan, Armstrong & Barton. Amstrong rất lão luyện về bào chữa cho các nghi can trẻ và có quen biết lớn ở Palo Alto, nơi vụ xử sẽ xảy ra. Kế hoạch chống án của ông Amstrong chú trọng vào hai điểm. Điểm thứ nhất: chứng minh rằng Brock là một thanh niên ngây thơ và hiền lương, có thành tích tốt, đến từ một gia đình đạo đức, mới bị “làm hư” trong thời gian bốn tháng ở Stanford. Điểm thứ nhì: chứng minh rằng chuyện tình dục giữa Brock và cô gái đã được hai bên đồng ý.
Để thực hiện điểm đầu tiên, Brock quy trách nhiệm cho tất cả mọi người, mọi tổ chức, trừ chính cậu ta. Trước tòa, Brock nói:
“Đến từ một thành phố nhỏ của Ohio, tôi chưa bao giờ thực sự tham dự một buổi tiệc hay buổi ăn mừng nào có uống rượu. Tuy nhiên, từ khi sang California học, tôi tập thích ứng với căng thẳng từ bài vở và luyện bơi bằng cách uống rượu với bạn bè vào cuối tuần…Tôi ở cạnh những người uống rượu mỗi ngày nên tôi nghĩ rượu là điều cần thiết trong đời sống của sinh viên.
… Nhiều lần tôi thấy các sinh viên mùi mẫn với nhau trong những buổi tiệc có rượu… Chuyện đó không những được chấp nhận mà các sinh viên năm đầu tiên còn gần như được khuyến khích.
… Đội bơi không có nội quy ngăn cấm đi party hay uống rượu, tôi thấy nhiều người tận dụng tình trạng đó nên tôi bắt chước. Vô số lần tôi thấy những đội viên mà tôi nể trọng gặp gỡ con gái trong party và đem mấy cô đó về phòng. Những người đó thuờng nhảy nhót với con gái trong lúc say và họ kêu tôi làm theo. Tôi không có kinh nghiệm về party hay uống rượu nên tôi nghe lời họ và nghĩ đó là bình thường. Sống xa nhà hai ngàn dặm, tôi coi đội bơi là gia đình và cố gắng bắt chước cách sống của họ”
Brock còn nêu đích danh những người có chức tước hoặc có nhiều năm trong đội để nhấn mạnh rằng những điều cậu ta làm là chỉ bắt chước những người mà cậu ta ngưỡng mộ.
“Tôi đến party qua cửa sau của ngôi nhà… Tôi thấy đội trưởng của đội bơi đang trong một trò chơi uống rượu. Tôi nói chuyện với anh ta trong lúc anh ta tiếp tục trò chơi với một sinh viên năm thứ tư cũng ở trong đội bơi…
Khi người ta bắt đầu nhảy nhót trên bàn, đội trưởng bảo tôi hãy vui chơi thêm nữa…”
Cũng như Brock, cha mẹ và luật sư của cậu ta dùng mọi lý luận để đổ lỗi cho trường và rượu, “Brock chỉ là một người trẻ nhút nhát và vụng về ở tuổi mười chín, bị sống xa nhà và cố hòa nhập với những người thần tượng của cháu trong đội bơi.”, đó là lời của bà Turner. Ông Turner thì nói rằng không nên kết tội nặng một người tốt trong gần hai mươi năm chỉ vì hai mươi phút hành xử ngu xuẩn dưới tác động của rượu.
Để thuyết phục bồi thẩm đoàn điểm thứ nhì Brock và Amstrong dùng mọi cách để chứng minh rằng cô gái là người phóng đãng, đã đồng ý ôm ấp Brock dù chỉ mới gặp. Mặc dù hai sinh viên Thụy Điển khai rằng họ chính mắt nhìn thấy cô gái hoàn toàn không động đậy khi Brock đang ở trên người cô ta, ông Amstrong vẫn nhắc đi nhắc lại “chỉ có một mình Brock biết được là cô gái có tỉnh hay không lúc mọi việc bắt đầu.”
Trời thương cho cô gái, những ngón đòn của thầy cãi nhà nghề Amstrong không có hiệu quả. Bồi thẩm đoàn không xao xuyến trước thủ đoạn đổ lỗi để chạy tội của Brock. Họ cũng không tin lý luận “Brock là người tốt, trừ hai mươi phút lầm lỗi vì say rượu”. Có lẽ họ nghĩ giống như lời góp ý của một sinh viên ở Stanford “Khi người ta bị mất khả năng suy luận vì say, hành động của họ đến từ những giá trị cốt lõi (core values) trong họ.”
Cốt lõi đó đã được phơi bày khi cảnh sát đưa ra nhiều bằng chứng từ chính điện thoại của Brock. Có hai tấm hình chụp Brock đang hút cần sa từ thời trung học, và nhiều tin nhắn giữa Brock với bạn bè và chính chị ruột của cậu ta cho thấy Brock đã nhiều lần say khướt, đã dùng và săn tìm nhiều loại ma túy hạng nặng trước khi vào Stanford. Thêm vào đó, có hai nữ sinh viên ở Stanford làm chứng rằng trong một party trước đó họ đã cảm thấy khó chịu khi Brock trơ tráo tiến sát vào họ khi nhảy, và liên tục tìm cách đụng vào người họ.
Brock bị kết tội với số phiếu tuyệt đối. Ba mươi sáu lá phiếu của mười hai bồi thẩm viên đều ghi “Yes” cho ba tội đại hình liên quan đến xâm phạm thân thể và toan cưỡng hiếp một người bất tỉnh. Công tố viên đề nghị nhốt Brock mười năm trong nhà tù của tiểu bang.
Nhưng kết thúc của vụ án làm mọi người sững sờ.
Người nhân viên văn phòng quản thúc (probation officer) nói rằng khi phạm tội Brock chỉ mới mười chín tuổi, đang mất lý trí vì say, và Brock không phải là một người nguy hiểm cho xã hội. Vì thế bà ta đề nghị bản án rất nhẹ: sáu tháng trong nhà tù của quận hạt, tiếp theo là hai năm quản thúc tại nhà, và phải ghi tên trong danh sách những người xâm phạm tình dục.
Chánh án Aaron Persky đồng ý với hình phạt đó.
Tin Brock Turner chỉ bị sáu tháng tù làm sôi sục dư luận. Nhiều người lập tức lên án ông tòa Pesky đã nhân nhượng Brock do xuất thân của họ giống nhau: cả hai đều là lực sĩ da trắng từ Stanford.
Cô gái nạn nhân cũng bất mãn trước án tù quá ngắn này. Cô ta phản ứng bằng một lá thư đọc trước tòa trong ngày cuối. Lá thư dài mười hai trang đã được truyền đi nhanh như chớp trên mạng và được đọc nguyên văn trên nhiều đài phát thanh và Tivi.
Trong thư, cô gái đã bác bỏ từng điểm trong luận điệu của Brock và Amstrong.
“Tội của Brock không phải ở chỗ cậu ta có biết chính xác khoảnh khắc nào tôi hoàn toàn bất tỉnh hay không. Trước đó tôi đã quá say để thỏa thuận. Cậu ta không nên đụng vào tôi ngay từ đầu. Ngay cả sau khi tôi bất tỉnh, cậu ta vẫn không ngừng. Mà là người khác buộc cậu ta ngừng. Hai người đang đạp xe còn thấy tôi không nhúc nhích trong bóng tối. Làm sao cậu ta có thể không biết khi đang ở trên người tôi?”
Khi trách Brock không biết hối lỗi vì cậu ta không hề nhắc tới tội xâm phạm tình dục mà chỉ tỏ ra tiếc vì đã uống qúa say, cô gái viết:
“Hối hận vì say rượu khác hẳn với hối hận vì xâm phạm tình dục. Tôi và cậu đều say, nhưng tôi không cởi quần cậu, xâm phạm cậu rồi bỏ chạy. Đó là điểm khác nhau.”
Đối với những sự ích kỷ của gia đình Brock và những ngón đòn bất nhân của luật sư Amstrong, cô gái lên án:
“ Tôi không chỉ phải nghe là tôi đã bị xúc phạm, tôi còn phải nghe rằng bởi vì tôi không nhớ, tôi không thể chứng minh là tôi không muốn chuyện đó. Điều đó bóp méo tôi, làm tổn thương tôi, và gần như đập nát tôi.
… Sự mất trí nhớ của tôi được tận dụng để tấn công tôi. Luật sư (Amstrong) liên tục nhắc nhở với bồi thẩm đoàn rằng “người duy nhất mà quý vị có thể tin là Brock, vì cô ta không nhớ”. Cảm giác bất lực đó quả thật là điều khủng hoảng.
… (Brock) sẵn sàng dùng mọi cách để tước đi giá trị và sự khả tín của tôi, và để giải thích rằng cậu ta không có lỗi khi xâm phạm tôi. Cậu ta không từ bỏ thủ đoạn nào để bảo vệ cậu ta và tăm tiếng của cậu ta trên sự mất mát của tôi.“
Ông bà Turner đã chi rất nhiều tiền để bào chữa cho Brock. Điều trớ trêu là sự tranh đấu quyết liệt tới mức vô lương tâm của Amstrong đã làm dư luận ghét bỏ Brock gấp mấy lần. Những diễn tiến của vụ án đã trở thành điều nhắc nhở nhức nhối về những đặc quyền dành cho cánh đàn ông da trắng từ những gia đình giàu có và thế lực. Sự bất bình của công chúng đối với cả một tầng lớp nay được dịp bùng nổ trên một mục tiêu cụ thể là vụ Brock Turner. Người ta gọi cái án tù sáu tháng là cái tát vào mặt bồi thẩm đoàn và dư luận. Hơn một triệu người ký tên vào lá thư đòi bãi nhiệm ông tòa Aaron Persky.
*
Tôi đồng ý là sáu tháng tù là rất ngắn cho tội của Brock. Và tôi không còn chút thương hại nào cho Brock sau những hành động của gia đình Turner và luật sư Amstrong.Điều hèn nhất của họ là lợi dụng khi cô gái không nhớ chút gì, dùng mồm mép để tính lật ngược câu chuyện. Tôi cũng thấy Brock rất tệ khi liên tục dối trá, bán đứng đồng đội và đổ lỗi cho trường. Các thống kê cho thấy rằng, ở Stanford cũng như ở các trường khác, chỉ có vài phần trăm sinh viên uống thường xuyên và uống quá trớn trong các buổi tiệc như Brock. Và những người này thường có thành tích xài chất kích thích từ lâu.
Tuy nhiên, tôi không phẫn nộ theo đám đông. Bởi vì Brock còn phải lãnh một cái án rất lớn là mỗi hai tháng phải ghi tên vào danh sách những người phạm tội tấn công tình dục. Liên tục như thế, suốt đời. Với vết nhơ đó, cậu ta sẽ gặp nhiều cam go khi làm lại cuộc đời. Hơn nữa, tôi thấy vùi dập một người tới cùng là điều không nên làm. Ngoài những gì có thể đong đếm được, sự ghét bỏ của công chúng cũng là một trừng phạt. Bên cạnh đó, còn có những người khác phải trả giá khủng khiếp cho lầm lỗi của Brock. Đó là gia đình cậu ta gồm ông bà, cha mẹ, anh chị em. Nhất là cha mẹ cậu ta.
Trong thời gian chờ ông tòa Aaron Persky quyết định hình phạt, bà Turner đã viết thư van xin ông. Sau khi lá thư được đăng trên mạng, người ta lại lên án rằng bà Turner đã không hề nhắc đến nạn nhân; rằng bà cũng vô cùng ích kỷ, chỉ biết đến gia đình mình, và cũng xuất sắc trong khả năng đổ lỗi cho người khác, y hệt như Brock.
Rất nhiều người lên mạng ném đá ông bà Turner, nói rằng vì họ xấu xa nên đã nuôi dạy con trai thành kẻ tội phạm.
Dù dư luận có phần đúng, nhưng tôi còn thấy cái mà người ta không thấy: sự đau đớn của người mẹ. Nhiều lời trong thư là tiếng kêu xin đầy hãi hùng của người mẹ khi nhìn con đứng bên bờ vực.
“ Thưa ngài, tôi van xin ngài cho Brock một ân huệ. Tôi van xin ngài đừng bắt cháu vào tù. Cháu sẽ bị tổn thương vĩnh viễn và tôi sợ cháu sẽ là một mục tiêu chính (ở trong tù).”
Tôi thấy không cần phải bỏ Brock vào nhà tù của tiểu bang, nơi cậu ta rất có thể bị hành hạ bởi những tội nhân gai góc. Không cần phải hủy hoại Brock vì điều đó không làm biến đi những thương tổn đã xảy ra cho nạn nhân. Không cần xát thêm muối vào vết thương của gia đình Brock chỉ vì trước đó họ đã xát muối vào vết thương của nạn nhân. Chính nạn nhân cũng chỉ yêu cầu Brock thành tâm nhận lỗi và biến sự hối lỗi thành điều có ích cho xã hội.
Tôi cũng thấy bất nhẫn khi người ta chửi rủa ông bà Turner. Dạy con không phải là một phản ứng hóa học mà thành phẩm là kết quả trực tiếp của nguyên liệu bỏ vào. Các bậc cha mẹ có ảnh hưởng tới quan niệm và chọn lựa của con cái nhưng ở mức độ rất khác nhau. Càng già tôi càng thấy những người có con cái thành đạt để tự khoe mình là “tiger mom”, “tiger dad” chỉ có một điều chắc chắn hơn người, đó là may mắn. Tôi từng thấy những cha mẹ không làm điều gì thiếu xót nhưng con họ vẫn hư, đó là chưa kể những người có con bị bệnh, bị khiếm khuyết bẩm sinh. Và, còn những người con hoàn hảo đột nhiên tự tử, đem theo tất cả niềm vui của cha mẹ. Cha mẹ họ đã làm lỗi gì để phải chịu những điều nát lòng như thế?
Brock không phải là một người nguy hiểm cho xã hội bởi vì cậu ta không phải là người tàn bạo. Cậu ta là một người ích kỷ, được quá nuông chiều, ngưỡng mộ nên đã trở thành một trường hợp tệ hại nhất của người có bệnh đặc quyền – luôn nghĩ mình có quyền ăn trên ngồi trước, người Mỹ gọi là “sense of entitlement” hoặc bệnh “Me! Me! Me!”
Hội chứng đặc quyền không phải lỗi của một gia đình mà là chứng bệnh của thời đại. Hội chứng này có nhiều dấu hiệu nhưng hai điều nổi bật nhất là: luôn luôn áp dụng tiêu chuẩn khác biệt cho mình và cho người, chẳng hạn mình có thể nuốt lời hứa nhưng người khác thì không; và luôn nghĩ rằng ý muốn và nhu cầu của mình là quan trọng nhất, dù có làm người khác thiệt thòi. Trong trường hợp của Brock, hội chứng đặc quyền giống như bệnh ung thư sự tự cao, khi tự cao phát triển quá đáng, không đúng chỗ, biến dạng và trở thành nguy hiểm.
Thật ra, hội chứng đặc quyền thời nào cũng có, và ở đâu cũng có. Tuy vậy, trước đây nó thường chỉ xảy ra trong giới nhà giàu, ngày nay nó lan tới mọi tầng lớp, nhất là ở Mỹ. Năm 2014, Reason-Rupe Poll, một tổ chức làm thống kê uy tín ở Mỹ, công bố rằng khoảng 65% người lớn tuổi nghĩ rằng giới trẻ - tuổi từ mười tám tới hai mươi chín – đều ít nhiều nghĩ mình có đặc quyền. Có 58% giới trẻ đồng ý với nhận xét đó.
Đời sống dễ dàng, cộng với sự lan tràn của chủ nghĩa tiêu dùng làm cho đa số người Mỹ có chút ích kỷ, dù là trẻ con hay người lớn. Thêm vào đó, kinh tế nước Mỹ phát triển nhanh trong một thời gian dài làm số gia đình trung lưu tăng vọt. Hai vợ chồng đều đi làm nên tiền thu vào nhiều nhưng số con ít đi. Điều đó làm cho trẻ con càng được nâng niu, nhiều bậc cha mẹ coi con cái là lẽ sống, là hạnh phúc, là thước đo cho giá trị của chính họ.
Vào thập niên 70, một ý tưởng mới rộ lên và nhanh chóng trở thành “chân lý”: phụ huynh phải giúp phát triển lòng tự tin của trẻ em vì điều đó sẽ làm các em dễ thành công trong đời. Thế là nhà nhà, trường trường tìm mọi cách làm tăng lòng tự tin của trẻ con. Trẻ nhỏ được đặt chễm chệ trên đỉnh của mọi ưu tiên, chìm ngập trong những lời ca ngợi như “con đặc biệt, con độc đáo, con thông minh, con xuất sắc, con là công chúa, là hoàng tử, là siêu sao…”, và chúng ghi vào óc những lời đó. Hội chứng đặc quyền được gieo mầm từ lúc bé thơ, rồi lớn theo các em, nhất là ở những em thật sự giỏi và có năng khiếu. Thành tích đạt được cùng với sự ủng hộ cuồng nhiệt của gia đình, thầy cô, xã hội làm các em nghĩ mình là vĩ nhân, là ông trời con, là người xứng đáng được mọi người khác phục vụ.
Có một câu được coi như kinh sách đối với những nhà giáo dục trẻ em ở Mỹ, đó là “Con có thể trở thành bất cứ người gì mà con muốn” (You can become whoever you want to). Khi nghe câu này, tôi thấy khó chịu vì thấy nó gần như là lời “phỉnh gạt” trẻ con. Không thể có chuyện muốn làm gì cũng được! Có nhiều nghề cần năng khiếu, chẳng hạn như một đứa trẻ không có giọng hát hay thì không thể nào trở thành ngôi sao ca hát, cho dù nó có say mê và cố gắng luyện tập đến mấy. Thay vì dạy bảo rằng con đường đến thành công là sự cân bằng giữa khả năng và lòng đam mê cùng sự rèn luyện, những câu cổ võ quá đáng chỉ làm cho nhiều trẻ em tự tin một cách khờ dại, dễ bị thất vọng khi va chạm thực tế, và tăng thêm cơ hội cho hội chứng đặc quyền.
Cũng may là gần đây người ta bắt đầu nhìn ra vấn đề. Thí dụ như thầy giáo David McCullough ở trường Wellesley, tiểu bang Massachusetts. Trong bài diễn văn tại lễ tốt nghiệp trung học năm 2012, thay vì khen ngợi học trò lên tận trời xanh, ông nói:
“Các bạn không đặc biệt. Các bạn không hơn người.
Tôi hy vọng các bạn đã học đủ để thấy rằng các bạn biết rất ít…”
Lời của ông David đã gây chú ý vì đã lâu người lớn không nói như thế. Câu nói đơn giản “Youre not special” đã được nhắc lại như một điều mới lạ trong lớp trẻ và ngay cả nhiều người lớn.
Vụ án Brock Turner là một tiếng chuông cảnh tỉnh rằng chúng ta cần xem xét lại cách dạy dỗ con em. Chúng ta không cần thổi phồng thành tích và ca tụng chúng quá đáng. Điều cần làm là cho chúng kiến thức, thể lực, và sự hiểu biết rằng mình chỉ là một thành viên bình đẳng trong xã hội. Dạy chúng có trách nhiệm với gia đình và người chung quanh, bớt tôn thờ chủ nghĩa cá nhân. Dạy chúng cảm thông với những nỗi lo và nỗi đau của cha mẹ. Và dạy chúng rằng leo cao là để nhìn xa, để hiểu mình chỉ là vẩy bụi trong vũ trụ mênh mông, chứ không phải để được mọi người nhìn ngắm và ca tụng.
Khôi An
No comments:
Post a Comment