Thursday, August 25, 2016

Đi Thăm Con Cháu Thái Dương Thần Nữ.

Những gì khác biệt.
Vì ham cái vé máy bay hạ giá, tiết kiệm được mấy chục đồng cho mỗi người, mà chúng tôi làm một chuyến du lịch qua Nhật. Kết quả là đắt hơn vài ngàn, cho cả hai vợ chồng, nếu so với giá vé và chi phí của các hãng du lịch tổ chức. Lại chỉ đi được một ít nơi mà thôi.

Ban đầu, chúng tôi muốn đi thăm vùng thủ đô Tokyo cho biết, nhân tiện thăm thêm hai gia đình anh em chú bác, cô cậu cũng ở trong thành phố nầy. Sau khi mua vé máy bay xong, bà xã tôi lục internet liên mạng, tìm được vô số dữ kiện về khách sạn, đường xe điện, đường xe buýt, có kèm giá cả và chỉ dẫn, và in ra cả bản đồ xe điện ngầm, xe buýt có màu sắc sặc sỡ. Có ghi rõ từng khu, từng ga xe, hướng dẫn cách đi đến từng khách sạn, đi theo hướng nào, mấy ngã tư thì quẹo trái, quẹo phải. Bản đồ có ghi bằng chữ Latin chứ không phải toàn thứ chữ chấm phết như bùa chú của Nhật bản. Bà xã tôi nói rằng, dễ vô cùng, muốn đi đâu, thì cứ theo màu sắc của con đường vẽ trên bản đồ mà tới. Tôi thì không lạc quan, chỉ một việc nhỏ nhất, là làm sao biết được xe lửa đã đến ga nào mà xuống cũng đã là một vấn đề. Không có một chữ Nhật lận lưng, làm sao mà hỏi được ai.

Điều tôi lo nhất là khi đang đi du lịch, mà cần đi tiêu đi tiểu, thì làm sao mà nói, mà hỏi. Nước Nhật chứ đâu phải Mỹ mà nơi nào cũng sẵn có nhà vệ sinh công cộng cho mình xài. Tôi nhớ trong sách du lịch có viết rằng, nước Nhật sạch sẽ và ngon lành lắm, nhưng xin bạn đừng ngạc nhiên khi thấy đàn ông Nhật vén quần đứng xả vòi rồng bên đường, vì không có nhà vệ sinh. Giống như ở Việt Nam mình ngày xưa, các ông taxi hay ngồi xuống úp mặt vào bánh xe, kéo quần tè vào lườn xe. Không lẽ mình phải thủ sẵn một cái chai và cái áo dài lùng thùng để trùm lại khi cần làm việc khẩn thiết.

Tôi nhớ lần đầu tiên đi xe đò từ Sài gòn về miền Trung, khi xe đến một vùng đồi núi cây cối lúp xúp gần Phan Thiết thì dừng lại. Đàn ông đàn bà trên xe vội vã nhảy xuống, rần rần chạy mau về phía núi. Tôi ngơ ngác không biết có chuyện gì xẩy ra mà thiên hạ chạy đi xem nhiều như thế. Tôi cũng vội nhảy xuống xe, chạy theo về hướng đó. Chạy được một đoạn, thì tôi đỏ mặt xấu hổ quay lui, tẽn tò khi thấy hàng chục cái mông đàn bà trắng hếu đang chỉa về phía tôi. Thì ra xe đò ngừng cho hành khách chạy vào bụi rậm ven núi đi tiểu.

Tôi vốn có thành kiến về nước Nhật qua sách vở, báo chí và truyền thông. Tôi cảm phục dân tộc đó vì biết họ, với hai bàn tay và khối óc, không có tài nguyên thiên nhiên, đã xây dựng được đất nước thành một cường quốc quân sự trước thế chiến thứ hai, và thành một cường quốc kinh tế sau khi thua trận đầu hàng Đồng Minh. Nhưng tôi không thể thông cảm cho cái tư tưởng và hành động trung quân mù quáng, chết cho Thiên Hoàng, mổ bụng tự tử vì Thiên Hoàng. Thiên Hoàng Hiro Hito của họ, dưới mắt tôi là một gã mặt mày không được sáng sủa chi lắm, có vẻ lù đù, cận thị nặng, và không biết nhục khi thua trận, không dám nhận trách nhiệm, mà đổ lỗi cho đám quân phiệt để cầu mạng sống cho riêng mình.

Tôi càng không cảm tình vì hành động hung bạo của quân đội Thiên Hoàng khi chiếm đóng vùng Á Châu, họ tàn sát hàng trăm ngàn người vô tội khi vào Nam Kinh bên Tàu, giết cả ông bà già, con trẻ, không tha một ai. Binh sĩ Thiên Hoàng vô cùng tàn bạo với tù binh trong đệ nhị thế chiến. Nước Nhật còn có trách nhiệm làm hai triệu người Việt Nam chết đói vào năm 1945, khi đó dân số Việt Nam chưa đầy 18 triệu, nghĩa là chết trên mười phần trăm dân số. Qua phim ảnh, tôi thấy người Nhật khi nào cũng bắng nhắng, khi nào cũng chạy chạy như là gấp gáp lắm, ăn uống cũng hốt hoảng, nói năng thì như nạt nộ gây gổ nhau, và hở một chút là vung kiếm chặt đầu, đâm xuyên bụng người khác, xem mạng người như ngóe.

Đọc sách báo, thấy giá cả và đời sống Nhật đắt đỏ đến ớn lạnh, một ký cá hồi có khi bán cả trăm đô la, một trái dưa cũng bảy tám đô, thịt bò cũng cả vài chục đô một ký. Thức ăn thì sống sít, và ăn uống như mèo ăn, cái gì cũng chút chút, chút chút vài ba miếng tí teo. Dưa thì hai lát, hành thì ba cọng ngắn, thịt một cục nhỏ rí. Một anh bạn tôi bảo dân Nhật là tổ sư của người Huế, dĩa thức ăn của người Huế thì nhỏ tí ti và ít xịt, quơ một ngoai đủa là hết cả dĩa. Thế mà dĩa thức ăn Huế có thể chia thành mười dĩa ở Nhật. Tôi từng nghe một ông đầu bếp năm sao tiệm Nhật bảo rằng thức ăn Nhật đã nghèo nàn mà dở. Nhà cửa thì chật chội, được tính bằng đơn vị “chiếc chiếu”, nhà 5 chiếu, nhà 3 chiếu, nghĩa là diện tích căn nhà bàng chừng đó thôi. Chiếu của Nhật có tiêu chuẩn khoảng một mét chiều ngang, hai mét chiều dài.

Trước khi đi Nhật, mấy ông bạn Mỹ trong sở đã từng đi Nhật, sống ở Nhật vài ba năm, cho mượn sách về nước Nhật, về Tokyo, Kyoto nhưng chúng tôi làm biếng, không đọc. Các ông cho biết nếu mà không đến Cố Đô Kyoto, là xem như chưa đến Nhật. Bởi vậy, chúng tôi định mua một cái vé xe điện cao tốc, gọi là “bullet train” – tàu đầu đạn – có thể đi nguyên tuần bất cứ đâu, mà không trả thêm tiền. Nhưng sau khi nói chuyện điện thoại với người bà con ở Nhật, họ nói không cần phí tiền như vậy, họ có thể mua cho vé đi về một chuyến, và đặt trước cả chỗ ngồi, khỏi phải đứng mệt khi tàu đông. Mua trước cho vé đi “tua” thăm các thắng cảnh của cựu đế đô nầy.

Máy bay từ San Francisco đến phi trường Narita, Tokyo, đi ngược chiều quay của quả đất về hướng tây, nên mặt trời như luôn luôn rọi trên đầu chúng tôi, những vùng máy bay đi qua đều là buổi trưa. Nhưng khi đến nơi thì phải xem như buổi trưa cuả ngày khác, sau một ngày trên lịch. Đến phi trường, thủ tục cũng giản dị, không phải chờ đợi rồng rắn dài mất thì giờ. Đi qua cửa quan thuế, không phải dúi tiền cho ai cả, họ vui vẻ, dễ dàng, tin vào lời khai của mình. Hai gia đình bà con đến đón chúng tôi tận phi trường. Cô em con bà dì có chồng làm cho chính phủ liên bang Mỹ, phục vụ trong ngành công binh cho lục quân Mỹ đồn trú tại Nhật, nhờ vậy chúng tôi được đi xe buýt của căn cứ từ phi trường về doanh trại Mỹ, khỏi tốn tiền xe. Nếu đi taxi thì cũng phải trên trăm dollars, mà đi xe buýt phi trường thì cũng chừng ba bốn chục đô mỗi người, rồi sau đó phải lấy xe lấy tàu đi thêm nữa mới đến nơi. Ông em chú bác, thì đã ở Nhật cả hơn ba mươi năm, đi du học rồi ở lại luôn sau khi miền Nam thua trận. Anh em ôm nhau bùi ngùi sau ba mươi năm xa cách.

Bây giờ chú có dáng dấp của một ông Nhật chính cống. Còn chúng tôi, thì không thể giống Mỹ được và không có nét nào của Mỹ cả. Tôi cảm động, đời sống ở Nhật bận rộn, tất bật đến thế, mà chú cũng dành thì giờ đem cả gia đình ra đây đón chúng tôi. Ngồi bên nhau trên xe buýt, chúng tôi nhắc lại một vài kỹ niệm xưa khi còn ở Saì gòn. Tôi thầm nghĩ, xưa ai mà ngờ có ngày tan tác, thất tán gia đình, bạn bè, mỗi người một quốc gia, làm lại cuộc đời khắp các xứ trên thế giới nầy đâu. Đứa bé trai sáu tuổi con của chú, rất thân thiện khi gặp tôi lần dầu, nó nói tiếng Nhật pha tiếng Việt. Nó là đứa cháu đích tôn của chú tôi, nếu còn sống, chắc chú tôi sung sướng hãnh diện lắm.

Xa lộ ở Nhật có lẽ cũng không nhiều và không rộng lắm, lưu lượng xe cộ không đông đúc như xa lộ Mỹ, nhưng cũng phải chạy chậm vì khá kẹt xe. Mỗi bên có hai đến ba lằn đường, và đi mỗi khoảng thì có trạm thu tiền đường, chúng tôi tạm gọi là tiền mãi lộ. Tiền nầy rất đắt so với các xứ khác. Ở Nhật đất đai chật chội hiếm hoi, dân chúng dùng phương tiện chuyên chở công cộng, vừa nhanh chóng, vừa rẻ tiền, mà rất thuận lợi. Xe điện có nhiều hệ thống bao trùm các thành phố, xe tới liền liền, không phải chờ đợi lâu lắc dài cổ và phí thì giờ. Bởi vậy nên người em con chú tôi ở Nhật đã 30 năm mà vẫn không mua xe, vì không cần thiết và cũng vì ngày trước ở ngay trung tâm thành phố Tokyo, một chỗ đậu xe phải trả khoảng bốn trăm đô mỗi tháng, không phí tiền làm chi.

Đường phố thì đa số đều chật hẹp vô cùng, có lẽ ngày xưa vừa cho xe ngựa chạy, nay thì xe chạy hai chiều trên một lằn đường, hai xe tránh nhau thì hết cả lòng đường. Lề đường cho bộ hành đa số đều rất hẹp hoặc không có. Thế mà thỉnh thoảng cũng thấy có xe đậu choán hết một nửa đường, các xe khác đi qua phải né sát về phiá lòng đường còn lại. Luật ở đây cho phép đậu trên lòng đường khi phần còn lại đủ cho một xe đi qua, với điều kiện chủ xe phải lảng vảng đâu đó, để khi cần thì dời xe đi. Lái xe đường phố thì chật chội, dễ gây tai nạn, lái xe xa lộ thì tiền đường quá đắt, nên dù có xe, người ta cũng ít xử dụng.

Đa số, mua chiếc xe năm bảy năm mà chỉ chạy vài chục ngàn dặm thôi. Có lẽ còn chạy ít hơn các cụ gìa ở Mỹ khi về hưu mắt kém, tay run, hết gân, chỉ cần xe đi chợ mà thôi. Bởi vậy nên bạn tôi mua chiếc xe Toyota, mới chạy có hai chục ngàn dặm, chỉ có chín trăm đô la. Một bà khác trong căn cứ Mỹ, bảo là xe bà phải đem cho đi, và sẽ mua xe khác, vì xe đã chaỵ đến bốn mươi lăm ngàn dặm rồi. Có phải dân Nhật chơi xe sang hơn dân Mỹ không? Có lẽ là không, vì ở Mỹ, nghèo mạt rệp cũng phải có một chiếc xe làm chân mà chạy kiếm miếng ăn. Không có xe là kẹt cứng. Ở Nhật, phải là dân khá, mới chịu nỗi phí tổn chơi xe.

Riêng một cái bằng lái xe thôi, cũng phải tốn đến trên năm ngàn đô la Mỹ mới lấy được, mà khó khăn lắm, không phải dễ dàng như ở Mỹ. Giá xăng lại rất đắt, chỗ đậu xe không có, mà phải thuê chỗ đậu xe hàng tháng. Mua xe, thì hãng bán xe sẽ chịu luôn bảo hiểm sửa xe cho người mua. Nghĩa là phải bán chiếc xe tốt, không hư hại lặt vặt, còn không thì lỗ sập tiệm. Xe ở Nhật mà chết máy làm kẹt lưu thông, thì chủ xe trả tiền phạt đến chóng mặt, cho nên không ai dám lái xe cà tàng ra đường nếu không chắc rằng xe mình không chết máy bất tử.

Từ phi trường về nhà cô em bà con cũng gần hai tiếng, xe đưa chúng tôi về tận căn cứ Mỹ tại Tokyo. Chồng cô là kỹ sư Công Chánh, làm việc cho chính phủ Liên bang Mỹ, chuyên lập dự án xây dựng và sửa chửa các công ốc thuộc các căn Mỹ cứ trên toàn nước Nhật. Chồng cô em nầy là bạn cũ của tôi thời trước. Chỉ có hai vợ chồng thôi, mà anh được cấp một căn nhà rộng thênh thang, ba phòng ngủ hai phòng tắm trong một cao ốc sang trọng. Bàn ghế, giường tủ cũng được trang bị dầy đủ, toàn cả những thứ đóng bằng gỗ quý. Điện nước cũng khỏi phải trả tiền.

Tôi tưởng đến nhà bạn là phải cởi dép và ngồi xệp dưới sàn trên tấm chiếu bên cạnh cái bàn thấp, mà chuyền nước trà. Tôi chuẩn bị cho cái chân và cái lưng sẵn sàng chịu đau đớn vì phải ngồi xệp trên sàn nhà. Nhưng không, trang bị bên trong hoàn toàn theo lối tây phương, không có chút gì là Nhật Bản cả. Bếp núc rộng rãi sáng sủa, phòng tắm cũng rộng thênh thang, phòng ngủ rộng, có nhiều ngăn tủ đựng áo quần, lớn có thể đi vào được. Hoàn toàn Mỹ, chẳng có chút chi Nhật cả.

Căn nhà nầy tọa lạc trong một căn cứ lục quân Mỹ. Không có vẻ gì là một căn cứ quân sự, vì không thấy lính tráng đâu cả, mà cũng không có những dãy nhà ngay hàng thẳng lối có những phòng rộng mà trong đó quân nhân đặt giường san sát. Căn cứ nầy giống như một khu phố khang trang của một thành phố nhỏ bên Mỹ. Đường sá tráng nhựa phẳng phiu, vòng vèo ngăn nắp, sạch sẽ. Những căn nhà đủ loại, đủ kiểu, cỏ trồng cắt xén gọn gàng, hoa nở sặc sỡ. Chỉ thấy có chút quân sự là bốn cỗng ra vào, có trạm gác, lính Nhật gác cỗng, soát thẻ vào ra, và cúi rạp mình chào khi khách đi qua.

Bạn chở tôi lên xe đi quanh khu doanh trại xem cho biết. Đây là bưu điện Mỹ, giống như một trạm bưu điện trung bình bên Mỹ, có nhân viên bưu điện ngồi quầy, xài tem Mỹ và tiền Mỹ. Bên kia là nhà tập thể dục rộng lớn, bên trong có trang bị đầy đủ dụng cụ, có huấn luyện viên, và có cả hồ bơi. Có cả khu tắm tồng ngồng theo lối Nhật Bản, mà hồi mới qua đây, vợ bạn tôi chưa quen nên thường hay quàng cái khăn che tạm dưới bụng trước khi vào bồn tắm. Sau đó, thấy tấm bảng ghi cấm đem khăn vào, vì sợ làm mất vệ sinh. Cũng lạ, tắm chung không sợ mất vệ sinh, mà đem cái cái khăn tắm vào phòng thì không cho. Có người bảo rằng không dám vào tắm các nơi trần truồng đó, không phải vì e thẹn, không phải vì ngượng, mà sợ lỡ ra “thằng con dễ nuôi mà khó dạy” nó chỉa thẳng ra bất tử thì có nước mà độn thổ. Dù không có tà ý trong đầu, khi mà mình càng cố kềm chế nó, thì nó càng dễ sinh sự làm mất mặt. Nghe đâu luật lệ trong hồ tắm rất nghiêm ngặt, phải tắm trước bên ngoài thật sạch sẽ, không phải vào hồ mà kỳ cọ ghét ra hàng đống đen như con sâu. Vợ tôi hỏi:

-“Nếu đã tắm bên ngoài sạch sẽ rồi thì bày đặt vào hồ làm chi cho thêm bẩn vì nước tắm chung, và thêm xấu hổ vì phơi bày cái của nợ ra.”

Ông chồng cô em tôi nói:

-“Kỳ lắm, khi nào vào bồn nước cũng cảm thấy muốn đi tiểu, có lẽ vì áp suất nước ép lên người, cố nín mà không được, phải đi ra tìm nhà tiểu mà xả. Những người làm biếng, thì tiểu đại vào hồ, ai mà biết được, vào đó tức là tắm nước tiểu thiên hạ chứ có sạch sẽ gì?”

Bên kia đường là nhà sách, chúng tôi vào xem, có bán đủ thứ sách như một tiệm sách bên Mỹ. Từ sách học, sách về nấu ăn, về thể thao, du lịch, vệ sinh, luyện tập tâm linh, tiểu thuyết, thơ văn. Nhiều nhất là loại học tiếng Nhật cho người ngoại quốc. Tiếng Nhật cho Mỹ, Pháp, Đức Ý, Phi, Đại Hàn, Thái Lan, Mễ và có cho cả người Việt Nam nữa. Thế thì cần chi mà về Mỹ mới tìm được sách muốn mua. Nhiều cuốn dày mỏng khác nhau. Có cả một cuốn sách riêng dạy về những câu thông dụng trong tình yêu. Tôi lật sơ qua, thấy những chương chào hỏi, làm quen, mời đi ăn, đi chơi, tỏ tình, khi âu yếm, trên giường lúc yêu đương, và cả mục khi gây gỗ cãi nhau, và mục cuối cùng là những câu nói khi ly dị. Thật là chu đáo cho một cuộc tình từ khởi đầu đến kết thúc, có đủ ngôn ngữ để truyền thông mà không phải quơ tay múa chân lung tung ra dấu bằng ngôn ngữ quốc tế.

Ngoài tiệm sách ra, còn có một thư viện lớn, nhân viên có thể đến mượn sách đọc. Đủ các loại sách, như một thư viện của thành phố. Trong một khu khác, có nhiều quán ăn Mỹ, có quầy rượu. Anh bạn cho biết, mỗi chiều thứ sáu có tổ chức ăn khỏi trả tiền, chỉ phải tự trả tiền bia, tiền rượu, không uống thì khỏi trả gì cả, ăn thả dàn. Được gọi là “giờ sung sướng”. Những quán ăn bên trong căn cứ nầy bán giá rất rẻ, so với bên ngoài, và còn rẻ hơn những quán ăn chính trên đất Mỹ. Một buổi trưa chúng tôi vào ăn theo lối bao bụng mà chỉ trả mỗi người năm đô la thôi. Chắc chính phủ có bù lỗ cho người thầu nhà hàng mới có được giá đó. Có lẽ không phải loại quán “quốc doanh” của quân đội. Vì e cái gì mà dính đến quốc doanh thì cũng bê bối, bầy bừa, không có chất lượng, và đối xử với khách hàng như lũ ăn mày. Trong khu nầy, cũng có những quán cà phê, quán rượu, nhạc sống ban đêm và nhạc qua máy hát. Trong quán còn có máy đánh bài, loại mà bên Việt Nam đặt tên cho là “Tên Cướp Một Tay”, để các quân nhân xa nhà có nơi mà cúng tiền cho mau hết.

Khu chợ Mỹ, bán đủ các thứ hàng hóa chuyên chở từ Mỹ qua, giá rẻ như hoặc rẻ hơn các siêu thị bên Mỹ, lại không có thuế. Thức ăn cũng chở từ Mỹ qua, không biết quân đội họ điều hành tài tình thế nào, mà giá thức ăn so với Mỹ, thì có phần rẻ hơn chút đỉnh. Đương nhiên thức ăn và các thứ như bia, rượu, thì bên ngoài doanh trại, giá gấp nhiều lần bên trong. Tôi thấy mình nghĩ sai khi lần đầu nghe anh bạn tình nguyện xin đi Nhật, tưởng đâu cái đắt đỏ bên Nhật sẽ nghiền nát anh. Cả các thứ vật dụng như áo quần, đồ điện tử, máy truyền hình, tủ lạnh, computer, cũng rẻ hơn Mỹ. Chắc chắn là rẻ hơn giá ở ngoài phố Nhật.

Trên sân cỏ, có chưng bày những xe mẫu kiểu mới nhất, của các hãng sản xuất Mỹ. Và giá hàng rẻ hơn tại Mỹ, bởi vậy cho nên, nghe đâu, đông đảo người mua xe tại Nhật mà trao hàng tại Mỹ. Trong khu chợ, còn có các tiệm ăn Mỹ, Mễ và các tiệm trò chơi điện tử cho trẻ em con nhân viên giải trí. Sân chơi dã cầu rộng mênh mông, có hàng rào lưới cao chừng hai mươi thước bao quanh. Có trường học Mỹ riêng cho con em học đến hết bậc trung học mà khỏi trả học phí. Có thể nói những căn cứ nầy là một thành phố tiêu biểu thu lại, không thiếu một thứ gì mà xứ Mỹ có.

Mấy năm trước, khi bạn tôi nộp đơn tình nguyện đi Nhật, vì thương bạn, tôi có ý gián tiếp, bóng gió can ngăn. Vì tôi nghĩ, mình ở Mỹ đã hai mươi năm, có gia đình, có bạn bè, có cộng đồng ngươi Việt chung quanh, ăn nói cũng tạm được, tiếng Mỹ cũng đã quen, mà còn thấy trong lòng không vui trọn vẹn, vẫn còn một vướng mắc quê hương nào đó, một chút lạc lõng, không hoàn toàn hòa đồng với xã hội. Huống chi đến một nơi, một chữ cũng không biết, không nói được, không nghe được, lạ lùng, thì chắc chắn buồn lắm, hoang mang còn hơn cái hồi mới đi định cư nữa. Nhưng tôi lầm, bạn tôi sống ở đây, chẳng khác nào sống trên đất Mỹ, nói tiếng Mỹ, mua đồ Mỹ, ăn lối Mỹ, sống lối Mỹ, không cần tiếp xúc đến cái xã hội chật chội đắt đỏ và lạ lùng của Nhật bên ngoài vòng rào trại.

Bên ngoài căn cứ là một xã hội chật chội, đắt đỏ hối hả. Nhà liền nhà, phố liền phố, không có vườn cây, không có thảm cỏ, hoa trồng trên những thẻo đất nhỏ nhắn trước nhà, trong góc sân. Đường chật vừa đủ cho hai xe né tránh sát nhau. Bộ hành không có lối đi riêng. Thế mà bên trong doanh trại, thì nào là sân chơi trẻ em hai ba cái, thảm cỏ xanh, công viên trồng cây, hồ nước, sân banh, đường rộng hai bên có lề cho bộ hành đi. Không biết người Nhật họ có khó chịu khi thấy cảnh tương phản nầy không, có lẽ họ cũng không ưa nhưng khôn ngoan im lặng.

Đi làm việc cho chính phủ liên bang Mỹ tại Nhật, bạn tôi cho biết, riêng tiền phụ cấp đắt đỏ thôi, cũng ăn tiêu mà chưa hết, lương chính thức chưa bao giờ đụng tới. Anh cho biết, có một anh chàng kỹ sư công nghệ họ Bùi, suốt mười mấy năm nay đi làm tại ngoại quốc cho chính phủ liên bang Mỹ. Không biết để tiền lương ở đâu và làm gì cho vơi bớt. Bạn tôi tiếc là không biết sớm về các công việc làm cho chính phủ liên bang như thế nầy.

Vợ bạn, là cô em bà con của tôi, đúng một người đàn bà Việt Nam thuần túy, chìu chồng, dịu dàng và tuân phục, cưng chồng như một ông hoàng nhỏ. Không biết bạn tôi có thấy điều đó hay không. Cô chìu cả những cái gàn cái chướng và cái tư tưởng đôi khi hơi độc đoán của chồng. Giữa thời đại nầy, có lẽ ngay cả đàn bà Nhật, cũng hiếm hoi người còn có cái phong cách thuần thục Á Đông còn lại đó. Bạn tôi là một người có phước, nhưng không phải vì vậy mà cô em họ tôi là người vô phước, vì cô cảm và tìm được cái vui, cái sung sướng rất giản dị là đem hạnh phúc lại cho gia đình, tạo cho gia đình không khí dịu dàng ấm áp. Ngày xưa Tây thuộc địa cũng sướng không bằng bạn tôi bây giờ. Bạn chỉ thiếu bồi bếp hầu hạ nữa mà thôi.

Thì ra quân đội Mỹ chăm sóc quá chu đáo cho người của họ, không trách chi ngân sách quốc phòng là một con số khổng lồ so với các ngân sách khác. Bởi vậy, những quốc gia theo đuổi sức mạnh quốc phòng thì kinh tế dễ lụn bại, ngoại trừ những nước đã có sẵn sức mạnh và tài nguyên dồi dào. Giá như cả thế giới, đừng ai muốn ức hiếp xâm lăng ai, đem tiền bạc tài nguyên và nhân lực ra mà xây dựng kinh tế, xã hội, thì nhân loại chắc mau đến gần thiên đàng.

Một nếp sống sinh hoạt bận rộn.
Ngày hôm sau, chúng tôi lấy xe điện về trung tâm Tokyo. Đổi hai chuyến xe, và mất gần một giờ, thì về đến ga Shinjuku. Đọc lỏm bỏm chữ Tàu, tôi đoán có lẽ ga nầy có nghĩa là “Tân gia cư”. Ông em bà con tôi bảo là ý nghĩa gần như vậy. Được biết rằng, mỗi ngày, có khoảng hai triệu lượt hành khách qua lại ga nầy. Ga là một mạng nhện đường hầm có nhiều từng, mỗi từng có nhiều tuyến đường xe. Có cầu thang và có thang cuốn qua lai. Bên trong ga rộng mênh mông, có nhiều tiệm tạp hoá, tiệm ăn. Như một khu phố, một ổ kiến. Người người lũ lượt hàng mười nối đuôi nhau di chuyển tấp nập như nước lũ. Từng đoàn người hàng ngang, chạy rần rật, trai gái già trẻ, gấp gáp, làm tôi liên tưởng đến thế trận biển người của mấy ông Trung Cộng đem nướng quân thí mạng. Tưởng phá một tổ kiến cũng không thấy bọn kiến xôn xao đông đảo như vậy. Người người gấp gáp, chạy cho kịp chuyển chiếc tàu kế. Không phải chuyến tàu kế thiếu thì giờ cho khách chuyển xe, mà cái đuôi chờ lên Tàu dài lòng thòng, nếu xếp hàng gần cuối đuôi, thì có hy vọng phải chờ chuyến tàu sau nữa.

Khi tàu dừng, thì khách bên trong xôn xao chen lấn tìm ngõ thoát ra khỏi cái trùng vây dày đặc. Có nhiều cô kẹt bên trong, không ra kịp, mà tàu đã chuyển bánh, nước mắt rưng rưng. Khách bên ngoài tuy có xếp hàng, cũng phải rướn mình mà chen vào lòng xe. Nếu có mang đồ đạc kềnh càng thì khó hy vọng lên được tàu. Khách lên chật cứng, có khi nhân viên hãng xe phải đứng ở cửa, nén ém hành khách lại, để đóng cửa. Chúng tôi may mắn vào được trong toa tàu chật như nêm, phía trước, phía sau, hai bên đều có người khác ép sát. Khi tàu di chuyển một lúc, thì như gạo được lắc, cảm thấy đỡ chật chội. Báo chí có đăng là một số thanh niên du đãng, mua vé lên tàu vào những lúc đông đúc chật chội, để cọ quẹt và áp sát người vào những cô gái đẹp. Có cô phải khóc quay về nhà thay váy, vì bị chúng bắn nước bẩn vào.

Chuyến tàu tôi đang đi chật chội, nhưng không thấy các thứ du đãng đó, mà thấy hành khách có vẻ lịch sự. Đa số đều mang cà vạt, áo vét, đàn bà cũng ăn mặc rất sang trọng, đứng đắn. Nhìn họ, thấy toát ra cái phong thái của một dân tộc văn minh, có văn hóa cao. Họ không làm gì cả, nhưng nhìn cách ngồi, cách đứng của họ, có vẻ tôn trọng người kế bên. Không hỗn độn như những hành khách các xứ khác. Vợ tôi nói nhỏ với tôi:

-“Anh xem, chúng mình có khác gì người Nhật đâu, cũng mắt hí, miệng vẩu, da vàng, y hệt”.

Tôi nhìn quanh, và thấy thật đúng như vợ tôi nhận xét. Đa số người Nhật có thân mình thon thả, khỏe mạnh. Rất ít có những bà thân mình bồ tượng, phục phịch. Các cô gái thì trang điểm kín đáo, nhìn da mặt, da môi, thấy phơn phớt rất tự nhiên, không có son phấn lòe loẹt, đỏ chót, hoặc tím bầm trên môi. Tôi tưởng là họ không dùng son phấn, nhưng vợ tôi bảo là họ cũng có trang điểm, nhưng họ dùng màu tự nhiên, cho nên tưởng như không trang điểm.

Da mặt đa số đàn bà Nhật rất mịn màng, trắng trẻo. Vì trang điểm kín đáo, nên trông họ rất trẻ, trẻ hơn cái tuổi thật của họ rất nhiều. Rất ít những người đàn ông có cái bụng ỏng nước lèo mà mông thì teo rí. Có lẽ họ ăn uống nhiều rau cải và đi bộ nhiều nên ít người mập. Những ông già, bà già, với thân mình thon thả, tráng kiện, và di chuyển cũng nhanh nhẹn. Tôi thấy có bà già có lẽ đã trên bảy mươi tuổi, còn mang guốc cao gót, và chạy rất nhanh trong sân ga để đuổi cho kịp chuyến tàu.

Tôi nhìn ra hai bên đường rầy xe, thấy nhà cửa chồng chất lên nhau san sát, nhỏ mà sạch sẽ, khang trang, nhiều căn nhà như cái chuồng cu lớn. Vài cái ban công chút xíu có kê ghế trông gọn gàng xinh xắn. Ngồi đó mà khà chút rượu, ngắm trăng lên, ngâm vài câu thơ hài cú thì thật tuyệt diệu. Những nơi đậu xe thì chật chội cheo leo, không biết làm cách nào mà họ có thể chuyển chiếc xe hơi vào nơi bí hiểm khó khăn đó. Xa xa, hoa anh đào nở rộ làm thành chiếc màn hồng bên chân trời. Xe điện chạy cũng khá nhanh, có lẽ tiện lợi hơn đi xe hơi nhiều. Ga nào hành khách cũng đông đảo, xôn xao.

Chú em bà con dẫn chúng tôi và gia đình đi thăm phố chính của Tokyo, nơi đây có tên là “Ngân Tỏa” (Ginza), vợ tôi hỏi có phải nghĩa là tiền văng ra vung vải không, chú cười và nói là đại khái hiểu như vậy cũng được. Khu nầy đường rộng mỗi bên có nhiều lằn cho xe chạy, nhà cao từng san sát, phố sá sang trọng, nhiều nhà hàng lớn có kiếng mặt tiền, hè phố rộng rãi khang trang. Đi trong khu phố nầy, tôi không có cảm giác là đi qua một xứ lạ. Có cái thân thuộc như đi trong khu tài chánh của San Francisco, của Philadelphia, của New York… Có lẽ những phố lớn của các thành phố văn minh khung cảnh giống nhau. Điều đáng chú ý nhất là đường phố rất sạch sẽ, không một cọng rác, sạch như có lau chùi. Tôi nghĩ dân Nhật tự trọng, không xả rác bừa bãi, và đồng thời có người quét dọn thường xuyên.

Tôi thấy trên những cột đèn thành phố có gắn bảng quảng cáo triển lãm tranh của Claude Monet, một họa sĩ Pháp ở thế kỷ thứ 18. Tưởng là loe ngoe mấy mạng đi xem, không ngờ khách xem tranh xếp hàng làm thành cái đuôi dài cả chừng năm sáu trăm thước, ngoằn ngoèo qua bốn góc phố, cái đuôi xếp hàng gập lại nhiều lần. Bây giờ tôi mới biết dân Nhật ham chuộng nghệ thuật đến mức nào. Hình như trình độ văn hóa của một dân tộc tỷ lệ thuận với trình độ yêu chuộng nghệ thuật của dân đó. Không trách chi nhiều thanh niên Nhật qua Pháp du học hội họa, mỹ thuật, và là khách hàng thường xuyên của khu Montmartre, nơi sản xuất được nhiều nhất các nghệ sĩ nghèo và đói rách của thế giới. San Francisco ở Mỹ là một thành phố có đông đảo nghệ sĩ, và đông đảo người ham chuộng nghệ thuật, có nhiều phòng triển lãm tranh nổi tiếng, thế mà chưa bao giờ tôi thấy người đi xem tranh xếp hàng dài như hôm nay.

Đã quen đi qua các thành phố lớn, tôi không thấy gì đặc biệt trên phố Ngân Tỏa (Ginza) nầy. Cũng chỉ nhà cao, nhiều cửa hiệu thương mãi to lớn, sang trọng san sát, tráng lệ, mênh mông và hàng hóa chất đầy.

Buổi trưa, chúng tôi ghé vào một tiêm ăn “bao bụng” ngay phố chính. Một người của nhà hàng đứng trước cửa đón chào chúng tôi bằng một cái gập mình xuống thật thấp, như cúi lạy, làm tôi hốt hoảng, theo phản ứng tự nhiên, phải đứng né qua một bên, để tránh cái lạy đó. Quán ở trên lầu cao, bên trong có nhiều phòng nhỏ, ngăn chia khách hàng cách biệt nhau ra. Phải cởi giày bỏ vào hộc tủ, lấy chìa khóa mang số để khi ra thì nhớ hộc nào.

Mỗi người, mang dép vải của nhà hàng vào chân, trong phòng ăn có cái bàn thấp, và nệm gối mỏng để ngồi. Mỗi gia đình ngồi trong một phòng riêng rất kín đáo. Tiền ăn mỗi người tương đương với mười hai mỹ kim, ăn đầy bụng thì thôi. Tôi thầm nghĩ rằng, quán ăn sang như thế nầy tại Nhật, mà chỉ mười hai đồng thôi, thì chắc chỉ có húp nước cháo với tàu hủ kho. Nhưng khi đi lấy thức ăn, thì tôi thấy cũng có rất nhiều món, có cả tôm, cá, thịt, rau xào, sushi, chừng hai chục nồi thức ăn. Nhiều món ăn cũng ngon và hợp với khẩu vị của chúng tôi. Chúng tôi tận tình thưởng thức các món đã nấu chín. Không dám động đến sushi là thứ sống sít, tanh tao.

Thức ăn tại tiệm nầy, tuy không dồi dào bằng các tiệm ăn bao bụng ở Mỹ, nhưng cũng xem như là đầy đủ. Thật không ngờ, tôi nghĩ là ở Nhật đắt đỏ, và thức ăn hiếm quý lắm, nhưng không, giá cả cũng không cao hơn ở Mỹ là bao nhiêu. Phòng bên cạnh có chừng hai chục ông bà lão, già lụ khụ. Họ ăn uống và bàn luận chuyện gì không biết, mà thỉnh thoảng nghe có tiếng vỗ tay và tiếng cười vui vẻ. Các cụ già mà họp nhau lại được như thế nầy, thì thấy đời sống họ hạnh phúc và sung sướng quá. Chúng tôi ăn uống chậm, và như nghỉ ngơi cho đỡ mỏi chân để chiều nay còn đi bộ nhiều hơn nữa. Căn phòng rất biệt lập, ấm cúng. Có lẽ những phòng ăn như thế nầy, thu hút được nhiều khách hàng hơn là ngồi ăn chung đông đảo. Và cũng tiện cho các ông Nhật bà Nhật có quan hệ tình cảm bất chính, kín đáo, không ai thấy ai mà về báo cáo.

Tiệm ăn ở Nhật không có quyền cho tiền bồi bàn, thứ tiền ăn xong để ra bàn, mà người Mỹ gọi là tiền ”tip”, Tây gọi là “pourboire”, nghe đâu bây giờ bên Việt Nam gọi là tiền “boa”. Chú em bảo rằng, có nhiều khách hàng không biết, bỏ tiền “tip” lên bàn, thì nhà hàng cho người chạy rựợt theo trả lui. Cũng là một điều hay. Theo kinh nghiệm của các người từng đi làm bồi bàn, thì đa số các tiệm ăn Việt nam tại Mỹ, chủ nhà hàng thu hết tiền “tip”, không cho người hầu bàn. Khách hàng biết vậy, nhưng vì lịch sự cũng phải cho tiền “tip”.

Chúng tôi đi bộ đến thăm hoàng cung. Chỉ đứng phía ngoài hoàng thành mà thôi, nhìn vào bên trong chẳng thấy gì. Thành cũng không cao lắm, mà hào chung quanh cũng chẳng sâu. Không biết bên trong ra sao, chứ bên ngooài thì giống như dinh thự của một phú gia. Nếu đem so với thành nội Huế, thì tôi có cảm tương như Hoàng Cung Nhật nhỏ hơn nhiều lắm. Đứng bên ngoài chẳng có gì. Nhiều đoàn khách du lịch đến xem. Có lẽ đến để nói rằng mình đã đến xem hoàng cung rồi, để biết rằng nó chẳng có gì cả. Nhưng đi Nhật, mà nói chưa thấy hoàng cung cũng là một thiếu sót chăng. Chúng tôi cũng thấm mệt vì đi bộ, ra ngồi nghỉ dưới bóng mát của công viên. Hai cháu nhỏ chạy nhảy tung tăng, cười đùa vui vẻ. Có lẽ các cháu ít khi đến được các nơi rộng rãi để chơi đùa, vì đất chật, người đông.

Buổi tối, chúng tôi ghé tiệm ăn trên đường về. Tiệm lớn, thực khách đông đảo. Cũng bàn thấp, và ngồi bệt. Mỗi bàn được ngăn cách nhau bằng những bức ngăn thấp. Các cô bồi bàn trẻ, ăn vận như những nữ hiệp khách. Đầu chít khăn, lưng thắt đai, và mang sau lưng một cái máy vi tính bỏ túi, quần bó ống và mang dày vải. Cái máy vi tính để ghi nhận món ăn khách hàng, chuyển thẳng vào nhà bếp, và chuyển qua máy tính tiền. Các cô chạy thoăn thoắt, như các hiệp khách đi hành hiệp. Bưng món ăn cho khách hàng cũng chạy, dọn bàn cũng chạy, thu tiền cũng chạy. Các cô chạy qua lại, nhanh nhẹn. Tôi thì ngại các cô chạy như vậy, lỡ vấp ngã, thì xối cả nước sôi vào thực khách.

Mỗi khi thấy các cô bưng thức ăn chạy qua, thì tôi nghiêng người sẵn sàng tự vệ. Không biết an toàn lao động ở Nhật có nghĩ đến vấn đề nầy không. Trong lúc chúng tôi đang ăn, cháu bé lững chững đi ra, bị một cô hầu bàn chạy vấp, may mắn không can gì. Phải nói thức ăn trong tiệm nầy không hợp với khẩu vị của chúng tôi, nhắm mắt mà nuốt, để đêm nay đỡ đói, không đến nỗi như cực hình, nhưng cũng khó khăn lắm mới điều khiển được thức ăn đó trôi qua cổ họng. Mì thì cứng và bở, miếng tàu hủ trông vàng lườm ngon lành lắm, nhưng lại ngọt lự, rất khó nuốt. Có lẽ vì không quen chọn món ăn theo kiểu Nhật, nên hai vợ chồng tôi nhìn nhau mà cười thôi. Tôi thấy chú em và vợ chú thưởng thức món ăn ngon lành lắm, những miếng cá sống đỏ lòm, những khúc cá mực trắng tươi, có lẽ ăn quen rồi thành ngon chăng. Canh nấu theo lối Nhật cũng nhạt phèo, lợn cợn như nước rửa bát.

Ăn tối xong, chúng tôi ra ga xe điện về nhà. Đường phố ban đêm sinh hoạt ồn ào, náo loạn, không khác chi ở Hồng Kông, Thượng Hải. Không như ở Mỹ, ban đêm là phố phường vắng hoe, cửa đóng then cài, người người rút vào nhà và đi ngủ sớm để chuẩn bị sức khỏe cho ngày làm việc hôm sau. Nhìn sinh hoạt thành phố ban đêm, tôi thấy có cái gì quen thuộc của Sài Gòn, Chợ Lớn ngày xưa mà từ lâu chúng tôi đã mất đi. Dường như đời sống ban đêm mới thực là sống cho mình, sống để tận hưởng hương vị cuộc đời, mà người dân sống tại Mỹ ít khi có. Xe điện ban đêm rộng rãi hơn và kiếm được chỗ ngồi dễ dàng. Chúng tôi về nhà cô em họ, uống trà, ăn bánh và nói chuyện cho đến khuya.

Tôi kể chuyện đi làm ở Mỹ cho chú em nghe, rằng lâu lâu tôi nhảy qua sở mới vì được trả lương cao hơn. Chú nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên, và cho biết, đi làm ở Nhật khó khăn hơn, họ chuộng người trung thành với chủ, làm cả đời cho một công ty, bỏ việc để qua công ty khác là thiếu trung thành, là hành động không đứng đắn, đáng chê trách. Bởi vậy, bỏ sở cũ mà đến xin việc sở mới, người ta cứ nghĩ rằng mình là người không đứng đắn, nên cũng không muốn thuê mướn mình.

Kỷ luật ở sở cũng khá gắt gao, trong khi làm việc, mỗi ngày bị bắt buộc phải tập thể dục tập thể, dong tay, múa chân, nhảy xổm. Tôi nghĩ tập thể dục là điều tốt, nhưng tôi cảm thấy không thích bị bắt buộc, thà để mình tự tập lấy, rồi làm biếng mà quên tập, còn hơn là bị ép buộc. Có vẻ như nó động chạm quá nhiều đến cái tự do riêng tư của mỗi người.

Đêm đã khuya, mà tôi thấy nhiều người áo vét, cà vạt, mặt mày mệt mỏi, hơi thở nồng mùi rượu, tay ôm cặp còn lang thang trên đường. Tôi hỏi cô em họ. Cô nói:

“Ở Nhật, đàn ông thường thường về đến nhà khoảng mười, mười một giờ đêm. Làm hết việc, chứ không phải làm hết giờ. Bởi vậy cho nên đàn ông Nhật sau khi ra khỏi sở, mệt quá, và để bớt nóng đầu, vào quán nhậu, uống rượu, tán khào, rồi mới về nhà. Vào quán uống rượu sau khi tan sở đôi khi gần như một sinh hoạt xã giao bắt buộc, phải đi uống với bạn, với sếp, để bàn cãi thêm công việc, để lấy lòng nhau, không thì không bao giờ được tiến thân và khi làm việc gặp khó khăn từ mọi phía.”

Tôi góp ý:
“Mệt quá nhỉ . Thế thì vợ con ai chăm lo cho? Về nhà đã khuya, lại rượu hành cho mệt nhừ. Hạnh phúc gia đình ở đâu? Ở Mỹ mà như vậy thì sớm vác chiếu ra tòa, lãnh giấy li dị, mất nhà mất con.”

Cô em tôi cười:
“Các bà vợ Nhật đã quen chồng về nhà khuya khoắt lúc nửa đêm như thế, nên không có gào la khóc lóc, hỏi anh đi chơi với con quỷ cái nào mà giờ nầy mới mò về nhà? Nghe đâu nhiều đàn bà Nhật tân thời, thích sống độc thân hơn là lập gia đình để vò võ chờ đợi ông chồng say sưa trở về nhà vào lúc nửa đêm. Người Nhật xem công việc sở là ưu tiên số một. Việc sở trọng hơn việc nhà, quan trọng hơn hạnh phúc gia đình.”

Vợ tôi chen vào:
“Đấy cô Hương bạn cùng sở với em, có chồng làm cho hãng Nhật tại Mỹ, cô không chịu cảnh chồng đi sớm về khuya, anh chồng phải xin nghỉ việc để đi tìm sở khác. Ông chủ sở bảo chồng cô rằng, bỏ vợ đi để giữ lấy việc làm, việc sở quan trọng hơn chứ. Thật cũng khó mà hiểu nỗi. Có lẽ bên Nhật mất sở là chết đói chăng? Có lẽ là không. Sao mà xem hanh phúc gia đình không bằng công ăn việc làm? Đi làm là để kiếm tiền nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình, chứ đâu phải để xả thân hy sinh phục vụ túi tiền ông chủ?”

Tôi hỏi thăm về việc học hành ở Nhật, chú em nói là ở Nhật, đi học là phải cày bừa tận lực. Học “gạo” không kể ngày đêm. Anh chị học sinh nào nào ngủ một đêm trên bốn giờ, thì không có hy vọng gì thi đậu vào đại học. Mỗi năm có vô số thanh niên tự tử chết vì thi trượt tú tài, trượt đại học. Tôi nói với chú rằng, chuyện thi rớt tự vẫn thì ngày xưa bên Việt Nam mình cũng có lác đác, nhưng là hãn hữu ở Mỹ.

Tại Mỹ, chưa bao giờ nghe chuyện tự vẫn vì hỏng thi. Chú em tôi còn cho biết, các ông chủ cơ sở kinh doanh, cũng tự tử chết rất nhiều khi công ty hay cơ sở kinh doanh bị phá sản. Họ chết vì danh dự, vì không thành công. Có người bảo, không chừng họ chết đi là khỏe, khỏi phải lo nghĩ lôi thôi, khỏi phải cực nhọc vì nợ nần, vì cơm áo trong tương lai. Tôi cho chú hay, ở Mỹ, làm ăn thất bại là thuê luật sư khai phá sản, phè cánh nhạn ra, nợ nần phủi hết, ai mất ráng chịu. Khỏe re, không ai chết cả. Chú nhìn tôi bằng con mắt nghi ngờ, không tin.

Tôi ghé thăm một người bạn là giáo sư đại học tại Tokyo, chúng tôi quen nhau khi ông bà qua Mỹ dự buổi hội thảo quốc tế về giao thông. Khi ở Mỹ, tôi có mời ông bà về nhà ăn cua rang muối và thịt bò chiên, vì nghe hai thứ nầy rất đắt và hiếm hoi ở Nhật. Trước khi đi, chú em tôi đã dặn sẵn một vài phép lịch sự căn bản tại Nhật, cho chúng tôi khỏi bỡ ngỡ. Nhưng chúng tôi gần như quên cả.

Khi vào nhà, vợ chồng tôi cũng cỡi giày để lăn lóc bên ngoài. Chú em tôi nhặt các đôi giày, xếp lại ngay ngắn, và chỉa mũi giày ra ngoài đường. Chú thì thầm:

-“Để giày lăn lóc như thế nầy họ cho mình là thiếu lịch sự. Phải xếp cho đúng cách, ngay ngắn, và mũi giày chỉa ra ngoài. Mình không làm, thì chủ nhà họ cũng sẽ làm, và đánh giá mình cách khác.”

Vợ tôi cười và nói thầm:
-“Có phải xếp ngay ngắn và mũi giầy chỉa ra, để khi chủ nhà có đuổi, thì mình cũng chuồn cho mau phải không?”

Ông chủ nhà trịnh trọng trong bộ âu phục màu xám nhạt, có đóng cà vạt, áo vét ba mảnh, gập mình cúi xuống thật thấp chào chúng tôi. Tôi cũng bắt chước cong người lại như con tôm chào ông mà cái lưng hơi rêm rêm. Bà vợ ông từ bên trong, chạy ra từng bước ngắn lúp xúp, bà quấn mình trong đống vải áo kimono hoa hòe lóng lánh sặc sở. Bà cúi mình xá mấy xá liên tiếp, tôi cũng trả lễ. Khi tôi cúi càng thấp, thì bà cúi càng thấp hơn, đến nỗi như cái đầu bà gần chấm đất, mà hai mắt bà thì nhướng lên nhìn vào tôi để chứng tỏ là bà lịch sự khiêm tốn. Tôi có cảm giác bà thi đua với tôi, xem ai cúi mình thấp hơn. Rồi tôi bỗng có ý nghĩ là nếu mình nằm mẹp xuống sàn, thì không biết bà làm sao mà cúi cho thấp hơn.

Tôi bưng món quà tặng gia chủ. Tôi đã được biết trước là ở Nhật, đi đến bất cứ nhà ai, vì bất cứ lý do gì, cũng phải có quà cáp đưa tặng. Không có quà, dù lớn dù nhỏ, thì chủ nhà buồn lắm, và cho rằng mình không có tình với họ. Khi tôi đưa quà, chủ nhà từ chối không nhận, tôi cũng hơi buồn, định cất món quà đi, nhưng chú em cứ lấy cùi chỏ mà thúc bên hông tôi mãi, tôi đưa ra một lần nữa, chủ nhà cũng khoát tay từ chối. Tôi đã thấy mình hơi quê, ngượng, định rút món quà lui. Chú em đoán được ý tôi, đưa tay dúi món quà ra trước, và làm như năn nỉ chủ nhà để họ nhận món quà cho mình. Nài nỉ cho đến lần thứ tư, chủ nhà mới thu nhận món quà của tôi.

Tôi định nói với chú em rằng, người ta chê quà của mình, thì tại sao lại ép uổng họ làm chi. Về sau tôi mới biết phong tục của họ, trước khi nhận quà phải từ chối ít nhất là bốn lần, mới là lịch sự. Càng bị từ chối, thì kẻ cho quà càng phải nài ép dữ dội cho đến khi người ta nhận quà mình mới thôi. May quá, tôi không phải là dân Nhật, nếu không thì suốt đời tôi chẵng có một cô bạn gái nào, vì khi tôi tặng quà cho ai, chỉ một lần thôi, họ không nhận là tôi mang về, bởi tôi hay tôn trọng ý người khác, không muốn ép uổng và làm trái ý ai.

Sau nầy, trước khi tôi về Mỹ, chú em tặng tôi món quà, tôi không từ chối lần nào, còn hăm hở cầm lấy và toét miệng ra cười vui vẻ, để chứng tỏ là mình thích nón quà, theo lối xã giao thông thường. Lúc đó, tôi đọc được ánh mắt ngạc nhiên lạ lùng của chú em và vợ chú, có lẽ họ đã thành người Nhật, và không hiểu được tại sao ông anh mình nham nhỡ, thiếu lịch sự đến thế.

Chúng tôi vào phòng khách, ngồi xuống sàn, toàn sức nặng hai mông đè lên đôi chân. Ngồi lâu đau đớn nhức mỏi cả bàn chân và cả đôi mông, cũng phải cắn răng mà chịu. Tôi trở qua trở lại đổi thế ngồi lia lịa. Khi chân mỏi và đau quá, tôi quên mất lời dặn của chú em, bèn co chân rảy mấy cái thật mạnh ra phía trước. Bà chủ nhà hoảng vía như có chuyện động trời xẫy ra, chú em tôi thì mặt nhăn như cái bị, đè chân tôi xuống, và nói nhỏ:

-“Đừng, đừng. Người ta cho là thiếu lịch sự, và hỗn láo lắm. Có mỏi chân thì ráng chịu, chứ đừng làm thế. Kỳ cục.”

Tôi ngồi im, vừa ngượng mà vừa tê chân. Biết thế thì thà đừng nhận lời ăn cơm với ông bà nầy cho cái chân đỡ chịu cực hình. Ông chủ nhà thì cười mỉm, có vẻ thông cảm cho cái cực hình mà khách đang chịu. Trong lúc ăn cơm, vợ tôi nói là thức ăn lạt quá, nhờ tôi với tay lấy chai xì dầu. Tôi cầm chai xì dầu mà rắc vào chén của vợ tôi. Chú em tôi á lên một tiếng, chận tay tôi lại. Ông bà chủ nhà và hai người con cũng tròn mắt nhìn chúng tôi với vẽ ngạc nhiên, khủng khiếp, như tôi vừa phạm một sai lầm khó dung thứ. Chú em tôi đỏ mặt giải thích:

“Chỉ có phù thủy và thầy cúng mới được phép tưới xì dầu vào chén cơm, và chỉ làm được cho người chết mà thôi. Người thường, thì rót xì dầu vào đĩa nhỏ mà chấm thức ăn.”

Mặt tôi nóng bừng, vì phạm từ sai lầm nầy cho đến sai lầm kia. Chắc chủ nhà phiền tôi lắm, và có lẽ hai người con của họ đánh giá tôi như kẽ thiếu giáo dục. Trong bữa ăn, tôi suýt phạm thêm một lỗi lầm lớn nữa, là khi ăn ớt cay, nước mũi tôi chảy thò ra, quẹt đi mấy lần mà không hết, tôi móc khăn giấy định xì mũi, thì vợ tôi nhéo tôi một cái vào chân đau điếng, để nhắc nhở là đừng xì mũi mà ráng chịu đựng. Cứ thút thít như khóc, cho mũi nước ló ra thụt vào, thì được người ta đánh giá cao, vì mình giỏi chịu đựng. Sau đó tìm một nơi kín đáo không có ai, mà xì mũi cho đã đời, cho đở khổ. Nếu xì mũi khi có người khác, thì là thuộc hạng thiếu giáo dục, vô loài, người ta cười cho và khinh bỉ. Điều nầy tôi đã được căn dặn trước.

Hôm sau, chúng tôi đi viếng khu phố Shinjuku, một khu thương mãi rộn rịp. Cũng phải bắt xe điện mới đến nơi. Hôm nay Chủ Nhật, đã gần mười giờ sáng mà phố phường cũng chưa mở hết. Đây là một trung tâm thương mãi, có hàng ngàn sạp hàng nhỏ, hàng ngàn tiệm buôn bán, đủ các loại hàng, loại sản phẩm. Chú em tôi cho biết khu nầy không được sạch sẽ lắm, nhưng tôi thấy đường sá cũng không có một cọng rác. Một khu phố thương mãi lớn, người người tấp nập. Trước nhiều cửa hàng, có người ăn mặc áo vét, cà-vạt đàng hoàng, đang bắc loa, la hét, mời mọc khách hàng vào mua. Cứ ngoác miệng ra mà gào, không biết khản cổ, gào liên tu bất tận, không ngưng nghỉ.

Bên góc ngã tư đường lớn, có ba anh tuổi trên dưới ba mươi, dựng một cái biển bằng giấy cứng rất lớn, có hình cái mông trần của người đàn bà, đủ lông lá và ở chổ tiếp giáp hai chân có màu sắc đen đủi, trông vô cùng tục tỉu. Không biết họ quảng cáo cái gì, tôi không dám hỏi chú em, vì ngại vợ tôi hiểu lầm. Tôi không hiểu sao mà cảnh sát không bắt mấy ông nầy, dương cái hình tục tỉu nầy ra, có thể làm cho lũ trẻ con bị khích động mà làm điều không tốt.

Trước cửa vào của một ngân hàng lớn, trong góc, có che hai tấm mành cao cở đầu người, trên tấm mành có dám nhiều miếng giấy nhỏ, có lẽ ghi lời khen thành tích của bà thầy bói do các thân chủ viết. Sau hai tấm mành là bà thầy bói nổi tiếng của khu phố, người ta gọi bà là ”Singjuku Nohana Mama” Bà đang xem chỉ tay cho một cô gái, và có năm cô khác đang ngồi tựa mông lên thành tầng cấp làm đuôi chờ. Có một ông vô gia cư, đang ngồi tựa lưng vào tường, tóc tai dài thậm thượt, mặt mày râu ria phủ kín, coi bộ mệt và đói. Chú em cho biết, mỗi ngày cảnh sát đem tiền cho tận tay những người nầy, ước chừng năm đô la Mỹ, để họ mua thức ăn cho khỏi đói. Cho từng ngày, chứ không cho một lần, sợ họ tiêu hoang mà không có tiền mua cơm. Tôi nghĩ chính quyền địa phương cũng có lòng nhân đạo. Có lẽ những người vô gia cư nầy, cũng bị bệnh thần kinh, sống vật vờ trong ảo giác.

Suốt một ngày đi phố, tôi chỉ gặp một ông vô gia cư nầy mà thôi. Đứng ở đầu cầu là một bạch y đạo sĩ, ăn mặc như một tướng công thời thế kỷ mười lăm. Áo bào rộng tay, thắt lưng bản lớn, chân bó xà cạp, đi giày ống của ông táo, đội một cái nón to như cái thúng úp trên đầu, một tay cầm thiền trượng, tay kia cầm cái bát dong lên trời cao. Ông đang đọc thần chú hay đọc kinh chi đó, cứ lải nhải mãi. Bộ áo quần trắng tinh, sạch sẽ, để toát ra cái vẽ sang trọng. Có lẽ ông ta đang quyên tiền, hay xin tiền gì đó, không biết có ai đủ can đảm để cho tiền con người sang trọng như vậy hay không. Tôi thầm nghĩ, không biết mỗi ngày tiền xin được có đủ chi phí giặt ủi cho bộ đạo y trắng tinh kia chăng?

Tôi đứng lại thật lâu để xem có ai bỏ tiền vào cái bát của đạo sĩ không, chờ lâu quá, mà không thấy ai cho, tôi bỏ đi. Trên phố, đường chật chội, xe cộ cũng khá đông, bãi đậu xe là những căn nhà, có dàn sắt đễ chồng xe lên nhau. Có người vận hành dàn sắt đưa xe lên xuống. Cũng là một lối giải quyết chỗ đậu xe. Tôi thấy xe đạp cũng treo chồng chất lên nhau, để có thể tiết kiệm khoảng không gian.

Trông người ngắm ta
Chú em đưa tôi vào một khu thương mãi, người Nhật gọi là “departo”, có lẻ đó là danh từ nói tắt của tiếng Anh là department stores mà người Nhật đã mượn và chuyển hoá thành tiếng Nhật. Khu thương mãi có nhiều tầng, bán đủ các thứ hàng hóa, không khác chi các khu thương mãi khác của các xứ tân tiến. Đặc biệt ở tầng cuối cùng đưới đất, là một cái chợ bán thức ăn nấu sẵn. Thức ăn hàng hà sa số. Đủ các thứ cá, thịt, tôm, cua, rau, bánh kẹo, đã nấu sẵn, làm sẵn.

Đặc biệt nhất là dưa muối, có thể nói là có hàng trăm thứ dưa khác nhau làm bằng đủ thứ rau, trái, và chất liệu ngâm dưa. Người bán hàng mời khách ăn thử dưa, có những thứ dưa rất dòn, ngon, và mùi vị đặc biệt. Với hàng trăm thứ dưa khác nhau nầy, người Nhật đáng được tôn vinh làm sư tổ về món dưa của thế giới. Bây giờ tôi mới biết dân mình chỉ có dưa cải, dưa món, dưa mắm, hơn được một chục loại dưa, chưa đáng trình độ học trò về món dưa của dân Nhật. Vợ tôi cho rằng, ăn dưa là một lối hà tiện của những vùng đất hiếm hoi thức ăn. Bởi vậy nên miền Bắc, miền Trung nước mình ăn dưa nhiều hơn dân miền Nam.

Tôi đứng lại xem làm sushi ở một quầy hàng, thấy một con cá tươi thịt đỏ lòm, bề ngang chừng một tấc tây, bề dài chừng bốn tấc, trải lên bàn, cơm dẻo được đắp lên một lớp dày. Họ dùng vải ém lại cho chặt, rồi cắt thành từng lát mỏng. Thế là có thể đút vào miệng mà nhai miếng cá sống có dính chút cơm. Vợ tôi rùn vai thè lưỡi và kéo tôi đi. Cứ nhìn cái khu chợ thức ăn nấu sẵn nầy thì suy ra dân Nhật ít nấu nướng. Mà có thức ăn nấu sẵn bán nhiều và ngon như thế nầy, thì tội chi mà nấu ăn cho mệt. Chắc chi tự nấu đã ngon hơn và rẻ hơn.

Tôi dục vợ tôi mua đủ thứ cá chiên, bánh trái, và thịt nấu, trông ngon lành lắm. Giá cả cũng rất phải chăng. Họ bỏ thức ăn vào hộp, bao bọc bên ngoài bằng giấy hoa, cột lại cẫn thận, sau đó bỏ vào bao ni lông sạch sẽ, đẹp hơn cả mấy món quà tặng Giáng Sinh mà tôi thường nhận được. Vợ tôi cho rằng dân Nhật là giống dân ưa điếu đóm nhất trên thế giới, nên gói quà đẹp. Bây giờ tôi mới bớt thành kiến là món ăn Nhật nghèo nàn, và tưởng đa số chỉ là tẩm bột và chiên dầu.

Những tô mì sợi của Nhật, trông thấy rất bắt mắt vì cách trang hoàng, màu sắc rực rỡ, khêu gợi cái thèm ăn, tưởng là ngon lắm, nhưng rất khó nuốt nếu chưa quen ăn. Theo tôi, thì tô mì của người Trung Hoa ngon hơn tô mì của Nhật đến mười lần, mà tô mì của Trung Hoa thì thua xa tô mì Việt Nam, thua xa tô hủ tiếu Nam Vang, tô bún bò, tô phở.

Khi đi trên phố, tôi moi mấy cái bánh ra ăn, chú em cản lại, bảo rằng lịch sự ở Nhật không cho phép vừa đi vừa nhai nhồm nhoàm. Ăn ngoài đường cũng có thể được, với điều kiện phải có ghế ngồi. Tôi chỉ vào cái quán nhỏ bên đường, có mấy người đứng úp mặt vào tường mà húp mì nước, hỏi tại sao những người kia đứng ăn mà không ai nói gì. Chú em giải thích là họ đứng ăn trong quán, và úp mặt vào tường, không ai thấy, ở Nhật người ta ăn đứng trong tiệm là thường. Vợ tôi muốn đi ăn quán Việt Nam tại Nhật xem nấu ăn ra sao, nhưng đường xa, không tiện. Chú em cho biết có tiệm Việt Nam tại Tokyo, mở đã hơn ba mươi năm nay, vẫn còn sống sót, chén bát của quán nầy sứt mẻ lung tung, trong khi người Nhật thì rất trọng hình thức trong nghệ thuật ăn uống. Hiện nay, tại Tokyo đã có gần chục tiệm Việt Nam, dân Nhật đã biết và bắt đầu thích các món ăn của dân mình.

Khi xô cửa đi vào cầu tiểu, thấy hai cô con gái đang tung tăng đi ra, tôi đỏ mặt vội vã thối lui, nghĩ là mình đi lầm phía dành cho đàn bà, nhưng thấy chú em tôi vẫn mạnh dạn tiến vào. Thì ra ở Nhật, cầu tiêu đi chung. Vào trong nhà cầu, tôi ngạc nhiên thấy loại cầu tiêu ngồi chồm hổm như bên Việt Nam mình, mà mấy ông Tây gọi là cầu tiêu Thổ Nhĩ Kỳ. Ban đầu tôi thấy tức cười, vì bàn cầu đặt ngược, người đi tiêu ngồi quay mặt vào tường, mông đưa ra phía ngoài cửa. Khi nghĩ kỹ lại, thì thấy họ có lý, vì nếu có ai vô tình mở cửa ra, thì chỉ thấy cái mông mà thôi, không biết mông ai, người bị nhìn cũng không phải ngượng. Trường hợp nầy giống mấy cô gái miền sơn cước bên Việt Nam mình, khi làm vệ sinh, có ai đi qua, thì chỉ cần lấy nón úp mặt các cô lại mà thôi, không cần che chỗ bí hiểm làm gì, vì của đời ai cũng thế mà thôi. Đi cầu xong, tôi mới giật mình tìm không ra giấy đi cầu. Tôi sực nhớ có người đã dặn dò là cầu tiêu công cọng ở Nhật không có giấy đi cầu. May quá, tôi lục túi quần được mấy cái khăn giấy, mừng hết lớn. Nếu không có khăn giấy, thì e không biết làm sao đây.

Chú em tôi cho biết, tiếng Nhật là một trong những ngôn ngữ khó học nhất, vì phải nhớ mỗi mặt chữ, và văn phạm cấu tạo lạ lùng hơn các thứ ngôn ngữ khác. Túc từ đặt trước, chủ từ đặt sau. Ví dụ như khi nói “tôi về nhà” thì phải sắp đặt chữ theo thứ tự là “nhà về tôi”. Khi nghe một người nói câu gì, thì phải nghe cho hết câu đã, mới xác định được câu nói của họ. Khoan hớn hở khi mới nghe nửa câu. Vì họ đặt phủ định túc từ ở sau cùng của câu nói. Khi nghe ai nói: “Tôi yêu anh …” thì khoan mừng, vì phải chờ chữ quyết định cuối cùng đã. Nếu nghe thêm chữ “không” nữa, tức là tôi không yêu anh. Thế mới rắc rối chứ. Có lẽ người bộp chộp mà ở Nhật thì hố to nhiều chuyện.

Tôi ra phố, khi cần thiết nói tiếng Anh với người Nhật, họ ít khi trả lời, tôi tưởng người Nhật ít kẻ học tiếng Anh. Nhưng về sau mới hiểu là họ ngượng, nói tiếng Anh sợ sai, chứ không phải là không biết. Trên báo tiếng Anh tại Nhật, tôi thấy có rất nhiều quảng cáo cần người dạy tiếng Mỹ, và điều kiện tiên quyết phải là người sinh tại Mỹ. Điều nầy làm tôi nhớ lại các giáo sư Anh văn thời xưa, các thầy tập cho chúng tôi cách nói sai, và không bao giờ sửa lại được nữa, y như mấy ông Tàu bán hủ tiếu ở Chợ Lớn nói tiếng Việt.

Chú em giới thiệu tôi với một nhà thơ người Nhật, ông nầy móc bóp đưa cho tôi tấm danh thiếp. Tôi thò tay cầm lấy và cất ngay vào túi. Tôi đọc được vẻ thất vọng trên khuôn mặt và trong đôi mắt của ông. Về sau chú em tôi giải thích rằng, người Nhật gặp nhau là trao đổi danh thiếp. Người không có danh thiếp là chẳng làm ăn gì được cả. Không có danh thiếp thì xem như hạng cầu bơ cầu bất, chẳng có giá trị gì. Khi trao và nhận danh thiếp, thì phải đưa và nhận bằng hai tay. Nhận xong không phải đút ngay vào túi, mà phải nhìn kỹ càng vào cái điều họ khoe trên danh thiếp, dù mình đã biết tỏng họ là ai rồi. Đừng viết lên danh thiếp của họ, làm thế là xúc phạm. Tôi nhận danh thiếp bằng một tay và cất ngay vào túi, không có danh thiếp trao đổi lại, thì ông thi sĩ kia không thất vọng sao được. Tôi đi du lịch, mang danh thiếp theo làm chi! Vả lại, tính tôi không ưa trao danh thiếp cho ai, nhận danh thiếp thì được. Đâu phải như cái anh chàng Từ Hải trong truyện Kiều, đi chơi bời trụy lạc, mà cũng đưa danh thiếp ra khoe. (Thiếp danh đưa đến lầu hồng. Hai bên cũng liếc, hai lòng cũng ưa). Không biết thời nay có còn ai dại dột làm thế không? Cảnh sát kiểm tục chắc mừng lắm, tha hồ mà lấy chứng cớ đưa ra tòa.

Chiều hôm đó, chúng tôi được tiếp chuyện với hai vợ chồng người Nhật khác, họ có người con gái sắp du học ở Mỹ, tại đại học Berkeley, gần thành phố tôi cư ngụ. Họ muốn gởi gắm cô con gái, nhờ chúng tôi thỉnh thoảng chiếu cố và săn sóc. Nhưng họ không đi thẳng vào vấn đề, chỉ nói chuyện quanh co, bóng gió, lang bang. Đã được chú em dặn sẵn, người Nhật không bao giờ mặc cả thẳng thừng, không bao giờ nói toạc móng heo ra, chỉ bóng gió loanh quanh, và hai bên ngầm hiểu mà thỏa thuận nhau. Chú còn dặn thêm, đừng bao giờ nói “không”, đừng bao giờ bác bỏ đề nghị của ai. Thật là khó. Ở Mỹ, nói có và nói không rõ ràng, mà còn đưa nhau ra tòa kiện tụng lung tung nữa là. Tôi nhớ các thanh niên bạn tôi ở Huế, khi yêu và muốn quen cô nào, cũng không dám đi thẳng vào vấn đề tình yêu, mà nói loanh quanh là muốn làm bạn, muốn quen trong một liên hệ trong sáng, không hậu ý, không vẩn đục, thơ mộng. Và các cô cũng loanh quanh, chỉ muốn làm em gái thôi, không có tình ý gì. Thì ra, người Nhật giống thanh niên Huế trong thời đại tôi quá.

Sáng thứ bảy, một người bạn cũ của tôi, đến thăm và dự định đưa chúng tôi đi thành phố Yokohama chơi. Anh đi vượt biển được tàu Nhật vớt, ở lại định cư, và lấy vợ Nhật. Những năm đầu thì đi làm phu khuân vác ở bến tàu, khổ nhọc lắm, nhưng bù lại, có tự do. Những năm sau nầy nhờ buôn bán làm ăn khá, mở hãng xuất nhập cảng, vận chuyển hàng hóa giữa Nhật và Việt Nam. Vợ tôi có hẹn với vợ chú em tôi nên không đi được, tôi đi một mình. Anh bạn nầy là một tay chơi thứ thiệt, không có món ăn chơi nào mà anh bỏ qua. Anh lái xe đưa tôi về Yokohama, một thành phố hải cảng, đưa tôi đi thăm phố Âu Châu và phố Tàu. Khu phố Âu, thì nhà cửa đường sá giống như một thành phố nhỏ bên Ý. Đường cũng hẹp, phố thấp. Khu Phố Tàu thì có bốn cổng ở bốn góc, sơn màu đỏ như cổng vào khu phố Tàu ở San Francisco. Buổi trưa chúng tôi ăn cơm Tàu, cơm Tàu ở đây không giống đâu cả, hương vị ớn óc, cố gắng lắm mới nuốt hết một phần ba đĩa.

Anh bạn chỉ cho tôi thấy cái khách sạn có tháp cao đồ sộ, có tượng, có cây cối trồng đẹp đẽ. Anh nói đó là “khách sạn tình yêu”. Anh cho biết ở Nhật có rất nhiều loại khách sạn loại nầy, để người ta thuê vài giờ, làm chuyện yêu thương vợ chồng. Vì nhà cửa chât chội, vợ chồng muốn có tự do yêu nhau, mà không phải len lén vì sợ con cái nghe tiếng động, nghe tiếng kêu rên lạ tai. Hoặc không muốn trùm mền múa lân che dấu con cái còn nhỏ. Người đàn bà Nhật khi sung sướng trong tình yêu, không gào thét gầm gừ như đàn bà Âu Châu, mà kêu là “đau, đau quá”.

Anh bạn kể, lần đầu tiên gần gủi vợ, nghe kêu đau, anh phải ngưng lại nhiều lần và định bỏ cuộc luôn. Nhưng sau nghe vợ giải thích, anh mới hiểu. Loại khách sạn nầy rất phổ biến tại các thành phố lớn. Trang bị bên trong rất điệu đàng. Có giường rung, có kiếng bốn mặt tường, và kiếng trên trần nhà để người sử dụng thấy hình họ trong đủ mọi tư thế. Còn có cả máy quay băng nhựa ghi lại cuộc chiến đấu vật lộn trên giường. Loại khách sạn nầy tổ chưc rất chu đáo và cẩn mật. Sân đậu xe được che kín, để người trong phòng nhìn ra không thấy xe của người khác, không thấy ai vào ra.

Khi mướn khách sạn, và đưa chìa khóa, khách hàng cũng được bảo mật. Nhân viên khách sạn cũng không thấy mặt người mướn phòng, vì chìa khóa và tiền được đưa qua một cái lổ nhỏ. Đi vào và đi ra bằng hai lối khác nhau, không ai gặp ai cả, các ông bà lén lút tình ái yên tâm mà vi vút. Nhưng cũng có nhiều ông khi ra về, hoặc vì mệt quá, hoặc gấp gáp mà quên lấy cuộn băng video, để lại đó. Có khi bà vợ cũng lén lút đi chơi với một ông bạn khác, vào thấy cuộn video chiếu hình chồng mình lăn lộn trên giường với người khác, thì về nhà cũng phải im thin thít.

Anh bạn nói rằng, có lẽ vì loại khách sạn nầy, mà đàn ông Nhật hư hỏng hơn, bồ bịch nhiều hơn. Và các bà Nhật cũng dễ có cơ hội hơn để đi tìm nguồn tình cảm khác bù đắp vào cái lạnh lùng của hôn nhân, khi mỗi ngày vò võ chờ ông chồng nồng nặc mùi rượu trở về nhà lúc nửa đêm.

Khi đi qua một công viên, tôi thấy nhiều cặp, không phải là trai gái, mà là các ông bà, xồn xồn có, luống tuổi có, ngồi vuốt ve ôm ấp nhau trên các ghế đá ở các nơi khuất lấp. Nếu là vợ chồng, thì việc chi mà phải có thái độ lén lút như vậy? Ai cấm vợ chồng họ ngồi ở nhà nói chuyện tâm tình? Anh bạn tôi nhận xét rằng, không phải chỉ đàn ông Nhật hư mà thôi, đàn bà cũng hư lắm. Anh thú thật với tôi, anh cũng lén vợ, liên hệ tình cảm với vài cô khác.

Buổi chiều, anh bạn dẫn tôi đến xem một khách sạn “hòm”. Khách sạn nầy có nhiều hộc trên tường, mỗi chiều rộng chừng một thước tây, dài hai thước. Giống như các hộp chứa người chết ở trong các nhà xác. Người thuê chui vào trong đó mà nằm, cuối hộp, có một cái truyền hình nhỏ xíu, và có ngọn đèn lờ mờ cho khách đọc sách, có cái đồng hồ báo thức vừa là radio để nghe tin tức, nghe nhạc. Hành lý phải để trong các hộc tủ khóa bên ngoài. Anh bạn cho biết là đã từng ngủ loại khách sạn nầy nhiều lần rồi. Lần đầu tiên, có cảm giác như nằm trong hòm, cũng cảm thấy rờn rợn, và sau đó cả tháng còn sợ huông.

Sáng sớm hôm sau, chú em đưa chúng tôi ra nhà ga đễ lấy tàu lửa đầu đạn đi về Kyoto, cố đô nước Nhật. May mà có chú đưa ra chỉ ngõ vào, nếu không, thì cái ga có nhiều từng nhiều nhánh như màng nhện, thì chúng tôi sẽ lúng túng không biết đi ngõ nào. Tàu đầu đạn có ghế ngồi rộng rãi, sạch sẽ, sang trọng. Tàu chạy êm như ngồi trong phòng khách nhà, không nghe tiếng rùng rùng, không lắc lư. Tôi để ly nước mà không thấy bị sóng sánh.

Ông soát vé ăn mặc lễ phục, đội nón kết, oai như một thủy sư đô đốc, nói năng lễ phép dịu dàng. Một cô bán hàng, cũng mặc đồng phục, đẩy xe nước ngọt đi qua, cô rao hàng, tiếng rao thật nhỏ, văng vẵng, như sợ hành khách nghe tiếng cô rao. Trước khi đi qua toa tàu khác, cô quay lại cúi gập mình chào hành khách. Thì ra dân tộc nầy lịch sự quá, không phải khi nào cũng gấp gáp, nạt nộ như tôi tưởng. Khi lên tàu, chúng tôi nghe loan báo sẽ đi đâu, ghé tỉnh nào, qua vùng nào. Và trong lúc tàu lửa di chuyển, cũng có một hàng quang báo, bằng chữ Anh, cho chúng tôi biết tàu đang đến đâu, ga kế tên gì. Rõ ràng, không thể lạc đường được. Miễn đừng có ngủ quên khi đi qua cái ga mình muốn xuống.

Hai bên đường, chúng tôi thấy nhà cửa nho nhỏ, hai ba từng san sát. Có nhà nằm ngay dưới trụ đèn cao thế. Ra ngoại ô, thấy ruộng vườn rất ngăn nắp, sạch sẽ, khang trang và cắt xén gọn gàng, đẹp như công viên. Ruộng sát ngay nền nhà không chừa một khoảng cách nhỏ nào. Nông dân trồng trọt dùng toàn cơ giới. Tôi ngạc nhiên, đi mấy trăm dặm mà không thấy bóng một con trâu, con bò, hoặc dê, ngựa. Gia súc đem dấu đâu hết? Hai bên sườn đồi, những vồng trà xén đẹp như cây kiểng. Tôi thấy vài cái nghĩa địa cheo leo sườn đá, trên rẻo đất chật hẹp, với những tấm bia mộ thấp san sát, có lẽ người ta chôn hủ tro xương bên trong ô đất nhỏ. Nghĩa địa trông u buồn và nghèo nàn lắm.

Chúng tôi đến Kyoto vào buổi trưa. Ga chính Kyoto là một khu thương mãi lớn, nhiều từng, bán đủ các thứ hàng hóa sang trọng, và có cả ba bốn chục quán ăn lớn nhỏ, rộng mênh mông. Không có ai hướng dẫn cả, cũng không cần hỏi đường ai, chỉ đi theo hướng dẫn trên bản đồ của khách sạn. Ra ngoài ga, rẽ phải, đi hai góc đường, rẽ phải lần nữa, đi thêm một đoạn, nhìn qua trái, thì thấy ngay tên Century Hotel. Tôi chuẩn bị tinh thần để nằm trên tấm chiếu trải dưới sàn nhà mà ngủ. Nhưng tôi thất vọng, vì khách sạn nầy có giường, có bàn, có phòng tắm như tiêu chuẩn khách sạn tây phương. Tôi muốn nằm trong khách sạn kiểu Nhật, nằm sàn, tắm chung, cho biết mùi vị, nhưng chú em tôi tưởng tôi thuộc giới trưởng giả sang trọng, không đặt thuê các loại tiêu biểu Nhật mà thuê khách sạn kiểu Tây phương. Được nằm như nằm đất trong khách sạn kiểu Nhật mới có cái khoái cảm của người đi du lịch.

Vào khách sạn, chúng tôi hơi ngượng vì ăn mặc xuềnh xoàng, chung quanh chúng tôi mọi người đều đóng bộ, áo vét, cà vạt, áo kimono lễ phục, sang trọng sáng sủa, nước hoa thơm phức. Chúng tôi thấy mình bần hàn quá, lên phòng thay áo quần cho khá hơn một chút, nhưng cũng chỉ áo quần đi du lịch tầm thường thôi.

Buổi sáng chúng tôi xuống phòng ăn khách sạn điểm tâm. Nhìn vào giá một bữa ăn sáng hai mươi lăm đô la Mỹ, vợ tôi nói, may mà đã tính vào giá thuê phòng rồi, nếu không, thì thà chết đói còn hơn. Trong phòng, thực khách ăn mặc trịnh trọng, nghiêm trang, áo kimono, áo vét. Cô hầu bàn cũng mang kimono thùng thình, cúi thấp chào, hai tay dâng tấm thực đơn ra, và hỏi chúng tôi ăn cơm hay ăn cháo. Vợ tôi cười, nói với tôi rằng, họ tưởng mình sắp đi làm ruộng hay sao mà buổi sáng định cho ăn cơm cho đầy bụng?

Một thoáng suy nghĩ, vợ tôi xác định một tiếng “cơm” rất rõ ràng, tôi đưa mắt nhìn, vợ tôi giải thích:

-“Mình ăn cho no mà đi chơi. Giá đắt thế nầy tội gì không ăn cho đỡ tiếc tiền.”

Chừng mười phút sau, cô hầu bàn bưng ra hai mâm cơm. Mỗi mâm tôi đếm được mười hai cái dĩa nho nhỏ, một tô cơm có nắp đậy, một tô canh nước đục nhờ nhờ như nước rửa bát có rắc vài hạt mè đen. Trong mỗi dĩa nhỏ, có són một chút thức ăn: tương hoa cải xanh, mù tạt vàng, ba cọng hành chẻ đôi ngắn bằng lóng tay, bốn cọng đậu luộc, năm cọng rau nhỏ như tăm xỉa răng, một quả mận khô ướt nhẹt đen đỉu xấu xí, ba lát dưa, miếng tàu hủ nhỏ vàng ngậy mỏng dính nổi lều bều, một lát cá kho tí ti, và những thứ khác tôi không biết là thức gì. Tí ti, tí ti mỗi thứ một chút, như vét đâu đó trong thùng rác vương vãi những vụn thức ăn mà cho vào đĩa. Vợ tôi húp một chút nước canh và nhăn mặt nói:

-“Thúi hoắc, nhạt như nước rửa bát”.

Tôi cứ ăn, dù trái mận chua lè, dù tương cải cay rát lưỡi, dù canh nhạt và thúi hoắc, những thứ không hợp với khẩu vị. Người Nhật ăn không chết, mà họ thấy ngon, thì có lẻ lỗi tại cái lưỡi mình, chứ không phải vì họ nấu ăn dở. Tôi rán căng họng nuốt hết thức ăn trong các dĩa với một thứ khoái cảm tự hành hạ cái miệng mình.

Ngồi kế bàn chúng tôi, là một mệnh phụ mặt bôi trắng toát như hát bội, mang bộ kimono xúng xính sang trọng nhiều mầu sắc lòe loẹt. Gương mặt trầm tĩnh uy nghiêm. Bà mệnh phụ dùng hai tay bưng tô canh đưa lên miệng và húp thành tiếng sộp sộp rất lớn. Vợ tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn qua, tôi đá chân vợ tôi dưới bàn ý muốn bảo đừng dòm người ta.

Cô hầu bàn lúp xúp vướng víu trong bộ kimono đến hỏi chúng tôi là mọi sự có hài hòa không? Vợ tôi dài giọng ra như các bà người Mỹ khen xã giao:

-“Tuyệt, tuyệt vời”.

Cô gập mình lia lịa để cám ơn.

Ăn xong, chúng tôi ra bến xe buýt đưa du khách đi tua. Đa số là người Nhật, hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Nhật, giọng cô ngọt, thanh và êm ái, như ca hát. Tôi không hiểu cô nói gì, nhưng cũng nghe êm tai. Thỉnh thoảng cả xe cười ồ lên, không hiểu họ cười chuyện gì, nhưng chúng tôi cũng không nhịn được cười và cười theo. Trong một ngày, mà xe đưa chúng tôi đi thăm được năm thắng cảnh nổi tiếng nhất tại Kyoto. Đặc biệt nhất cho chúng tôi là đến Nhật đúng vào dịp hội hoa anh đào. Khắp nơi hoa anh đào nở hồng trời hồng đất. Những tàng hoa che lấp trời, vạn cánh anh đào theo gió rơi rơi như mưa hoa. Mặt đất cũng thành màu hồng nhạt, và khi gió thổi, thì muôn vạn cánh hoa lăn tròn đuổi nhau chạy trên đường như tấm thảm hồng rung rinh. Dưới các gốc anh đào, người ta trải chiếu đông đảo, ngồi quanh, ăn uống, nhấp rượu và chuyện trò, tận hưởng cài hạnh phúc của một mùa hoa mãn khai.

Chúng tôi được dẫn đi thăm các chùa chiền, các đền thờ thần đạo. Những đền đài xây cất vào thời xa xưa mà to lớn, cao ngất, với những cây cột vĩ dại, những mái nhà mênh mông, chứng tỏ người Nhật vào thời xa xưa đó, cũng đã có kỹ thuật xây dựng rất cao. Đặc biệt nhất là sợi dây thừng vĩ đại kết bằng tóc người, khi xây đền thờ, không có loại dây nào chịu nỗi sức nặng của những cây trụ gỗ lớn, dân trong vùng hiến tóc để làm dây thừng xây chùa. Vào thăm cựu hoàng cung, thấy trống rốc, không có ngai vàng, cũng không có bàn ghế, không giường sạp gì cả. Tôi sực nhớ trong các phim Nhật, các ông vua ngồi bệt giữa sàn, quần thần cũng quỳ mẹp trên sàn gục gặc nói với nhau như cãi vả. Các đền đài thần đạo, có vẻ như kiên cố và to lớn hơn các cung điện nhà vua, cũng có tường cao, hào sâu, đền đài rộng rãi. Chung quanh sân của hoàng cung có rải sỏi trắng, đi nghe lào xào dưới chân.

Người ta bảo là để phòng ngừa thích khách, dù cho họ có khinh công thâm hậu đến đâu, cũng phải đi đứng chậm lại, và khó tránh được tiếng động. Cũng như sàn gỗ của hoàng cung, ván lót mỏng và ọp ẹp, đi nghe gỗ rên ken két, không phải là họ hà tiện ván trong khi xây cất, mà là biện pháp an ninh. Những cây cột, và xà nhà thì to lớn vĩ đại chắc chắn. Thế mới suy ra là các vua chúa, các sứ quân thời xưa bên Nhật thường sống trong lo âu, trong đề phòng, không yên ổn an vui. Xem phim Nhật, ít khi thấy bọn vua chúa quyền hành nầy cười, và nói những lời dịu dàng, không nạt nộ cau có.

Ngoài bức tượng Phật bằng đồng rất lớn vùng ngoại ô Tokyo, bức tượng mà mặt rất Phật quạu, mặt bí xị, không có nét thanh thản an nhiên của bậc đắc đạo. Đa số các chùa khác, thì tượng Phật rất nhỏ, đơn sơ, và không có tượng đẹp. Có những tượng bằng đá xù xì, tróc lở, du khách đến lấy gáo, xối nước lên tượng, bỏ tiền vào hộp cúng chùa, rồi đưa tay xoa vai xoa đầu bức tượng. Cái hành động xoa mó, sờ soạng bức tượng Phật làm mất vẽ trang nghiêm kính trọng trong tôn giáo. Hay là xoa mó như vậy là tỏ tình thân mật, là sờ lấy hên chăng? Vợ tôi nói:

-“Chắc bọn xấu lợi dụng bày ra chuyện sờ mó Phật mà phải trả tiền, đâu phải là bia ôm, cà phê ôm ở Việt Nam?”

Một số rất nhiều các tượng nhỏ khác, thì nằm dưới bờ bụi ven hai đường đi, được trùm bằng những mảnh vải bạc màu, rách rưới, xơ xác, trông thảm não lắm, giống như những kẽ không nhà vất vưởng bờ bụi. Những bà Nhật đứng trước tượng Phật cầu nguyện bằng cách dong hai tay lên trời vỗ bốp bốp liên tiếp và miệng hô lớn: “Cà ri gà tồ, cà ri gà tồ”.

Tại Kyoto, một buồi chiều, chúng tôi ngồi bên ghế đá dọc theo con kinh, hai bên trồng cây đổ bóng mát. Dưới lòng kinh, vạn cánh hoa đào che phủ kín mặt nước như bèo, làm thành tấm thảm lụa màu hồng. Tấm thảm chuyển động, vạn cánh hoa như rượt đuổi nhau trên mặt kinh. Trên bờ, hoa rơi như mưa, đậu lên vai, lên tóc. Khách bộ hành tấp nập đi qua. Chúng tôi ngồi nhàn nhã, vui với cái rộn rã của phố phường trong thiên nhiên thơ mộng.

Trên đường phố, chúng tôi thấy học sinh Nhật, trai gái, mang đồng phục rất đẹp mắt. Những bộ đồng phục như sinh viên sĩ quan trường hải quân, trông oai vệ, đàng hoàng, lưng đeo túi sách. Các em sắp hàng một đi bộ, nhìn vào thấy toát ra cái kỷ luật tự giác cao.

Khi nghe vợ tôi nói là sau khi về hưu, sẽ qua Kyoto thuê nhà ở năm ba tháng cho vui, chú em tôi cho biết là tại Nhật, có những ông bà già cho thuê lại một phần nhà của họ, để du khách ở trong dài hạn. Thuê nhà ở Nhật, ngoài đóng tiền cọc ra, còn phải có quà tặng cho chủ nhà. Người mướn nào tặng quà có giá trị hơn, thì chủ nhà sẽ cho họ thuê. Chú em tôi, cũng phải tặng ông chủ hai tháng tiền nhà, mới thuê được căn nhà đang ở.

Trông người ngắm ta
Đi thăm xứ Phù Tang mấy ngày, nhiều thành kiến về người Nhật trong tôi thay đổi. Không phải đa số người Nhật lúc nào cũng loăng quăng, hốt hoảng, đi không ra đi, chạy không ra chạy, tướng dáng hùng hổ, và ăn nói gầm gừ như nạt nộ gây sự nhau. Hình ảnh mà tôi thấy trong các phim Nhật dường như mang quá nhiều kịch tính. Người Nhật tôi gặp và tiếp xúc, họ điềm đạm, nhỏ nhẹ, lịch sự, lễ độ, để toát ra cái phong cách của một dân tộc có văn hóa cao. Thức ăn của họ cũng không quá nghèo nàn và quá đắt đỏ như tôi tưởng. Nhà cửa thì chật hẹp, nhỏ bé, nhưng ngăn nắp, sạch sẽ, tươm tất. Đường phốsạch, không có ai xả rác bậy bạ, và được quét tước chăm sóc kỹ càng.

Điều mà tôi cảm phục dân Nhật nhất là lòng lương thiện. Không có ông tài xế taxi nào gạt gẫm khách lạ, chở họ chạy quanh quanh để kiếm thêm tiền. Mua hàng quên lấy tiền thối lại, người bán hàng hốt hoảng chạy đuổi theo trả tiền lui, đưa bằng hai tay, để tiền lên khay, cúi gập mình lịch sự chào và trên môi cười thân thiện, không cau có trách móc.

Vợ của bạn tôi kể câu chuyện vừa xẫy ra trong căn cứ Mỹ mà chị đang ở. Rằng có một thanh niên Mỹ qua Nhật thăm bà con, lái xe đi chơi đêm, khuya về gây tai nạn, cán ba ông Nhật, hai ông chết một ông hấp hối. Bị bắt, khi ra tòa, anh khai rõ là đang chạy xe trong lòng đường, bỗng thấy ba bóng đen nhảy ra đầu xe, gần quá, và bất thần nên thắng không kịp. Ba bà vợ của các nạn nhân, thưa với quan tòa, đại ý rằng, xin tòa cho điều tra kỹ thêm, vì chồng của các bà hay đi chơi về khuya say sưa bí tỉ.

Về sau, khi ông chồng hấp hối được cứu sống, tỉnh dậy ông cho biết “hôm đó, ba ông thách nhau, xem ông nào có đủ can đảm nhảy ra trước đầu chiếc xe đang chạy qua. Cả ba ông cùng nhảy ra một lúc”.

Nhờ lời nói của ba bà vợ, và nhờ lời khai của nạn nhân, anh gây tai nạn khỏi bị tù và trắng án.

Nghe câu chuyện, tôi buồn mà nghĩ đến tại Mỹ, các hãng bảo hiểm khuyến cáo người lái xe đừng bao giờ nhận lỗi về mình, dù biết rõ mình có lỗi mười mươi đi rồi, cũng im lặng thôi. Biết mình có lỗi mà không nhận là thiếu lương thiện, là muốn đổ cái lỗi lầm cho mình cho người khác gánh. Vợ tôi thở dài hỏi:

-“Không biết bao giờ bên Việt Nam mình mới có được một phần nhỏ tấm lòng lương thiện của dân Nhật? Cả nửa thế kỷ nay, làm chuyện trăm năm trồng người, chuyên vun tưới toàn mầm hận thù, gian dối, bạc ác, đấu tranh. Con người khô cạn niềm tin yêu, biết khi nào mới thoát ra được cái di hại lâu dài đó?”

Chú em tôi trầm tỉnh nói:
-“Chị đừng lo, tôi tin tưởng vào hồn thiêng sông núi, tôi tin tưởng vào cái thiện tiềm tàng trong lòng người, sẽ phá tan mau lẹ những ma quái, ác hại của một thời đại điên khùng. Cái nôi của những chế độ điên khùng đã tan rã, và dân họ đang trên đường bình thường hóa cuộc đời. Lịch sử đang vận chuyển, không ai có thể cản nỗi bước tiến của nhân loại.”.

Tràm Cà Mau.

No comments:

Blog Archive