Tuesday, August 23, 2016

Mệ Ngoại

Võ Hương-An


Tôi không hiểu tại sao toàn thể anh chị em trong nhà đều gọi bà nội là bà nội mà lại gọi bà ngoại là mệ ngoại. Tôi cũng chưa hỏi ai trong nhà về việc này, và tôi tin rằng ngoài thầy mạ tôi, không anh chị nào trả lời được câu hỏi đó. Khi thầy mạ tôi còn sống, không chịu hỏi, nay ông bà đều đã xa chơi từ lâu, biết hỏi ai giờ, đành đoán là theo truyền thống của bên nội và bên ngoại mà gọi như thế.

Hồi còn bé, nhất là khi bắt đầu đi học, tôi không thích chữ mệ, vì khi nghe mấy đứa bạn cùng lớp gọi bà của chúng bằng bà trong khi tôi lại gọi bằng mệ, nghe “nhà quê” quá. Khi lớn lên, được gọi mệ, thấy thích hơn, gần gũi hơn, nhưng khi đó thì không còn mệ để mà gọi nữa, vì mệ đã mất từ năm tôi học Đệ Ngũ.

Mệ húy là Hồ Thị Thìn. Vào thế hệ của tôi, việc kiêng cữ tên của các bậc trưởng thượng trong gia đình là một tập tục phổ biến ở Huế, vậy mà tôi nhớ dường như trong nhà không ai kiêng tên của Mệ cả, thiệt bậy quá, mà mệ cũng chẳng trách móc chi. Bây giờ mà đi tìm “lý lịch” của mệ nghe cũng khó. Chỉ biết rằng mệ vốn người làng Thanh Thủy ở An Cựu, đầu tiên về làm dâu nhà họ Đỗ ở làng Triều Sơn Đông, sinh được một con trai là cậu Đỗ Xuân Khôi, rồi ông ngoại họ Đỗ mất sớm. Hẳn là thời thanh xuân mệ cũng có chút nhan sắc, có nết hạnh, đảm đang, nghĩa là có tiếng tốt trong làng, nên sau khi góa chồng thì ông ngoại họ Lê đi cưới làm vợ thứ, sau sinh ra mạ tôi và cậu Út.

Mệ mất ngày 16 tháng 6 năm Ất Mùi (3-8-1955), đó là điều chúng tôi biết chắc chắn, nhưng ngày sinh thì chịu. Hồi còn nhỏ, nghe nói mệ sinh mạ tôi vào năm 28 tuổi, là năm Mậu Thân (1908), mệ lại thường kể chuyện bão năm Thìn ở Huế (11-9-1904, Giáp Thìn) làm bay cầu Trường Tiền và thổi người bay lên thấu đọt tre, tóc quấn vào ngọn tre vắt vẻo như ma treo cổ, thì đoán là mệ sinh đâu khoảng 1880, Canh Thìn. Điều này có lẽ đúng vì mệ húy là Thìn, lấy năm sinh làm tên là chuyện thông thường ở Việt Nam. 

Cho tới khi mệ mất, tôi biết mệ có ba người em trai nhưng không nghe nói tới người em gái nào cả. Người em kế mệ là ông Thừa Nẫm, nhà ở Vạn Vạn, sau đó vì chiến tranh, phải dời nhà lên đình Dương Phẩm gần cung An Định. Khi ông Thừa còn ở Vạn Vạn thì tôi còn quá nhỏ, chưa có dịp đến đó nên chưa biết cái nhà ấy to lớn bề thế hay tầm thường, chứ cái nhà tạm ở đình Dương Phẩm thì tôi tới lui thường xuyên.


Đó là một ngôi nhà tranh nhỏ ba gian, nền đất nhưng không mang vẻ lụp xụp nghèo nàn như mọi nhà tranh khác thường thấy ở Việt Nam. Trái lại, mỗi khi bước vào ngôi nhà tranh đó, ngồi uống nước nói chuyện thăm hỏi với ôn mụ Thừa tôi đều có cái cảm giác thoải mái êm ả dễ chịu. Nhà luôn luôn có vẻ sáng sủa, sạch sẽ và ngăn nắp, có lẽ nhờ có nhiều cửa sổ và không có trẻ con. Ngoài sân có bể cạn với hòn non bộ cùng vài chậu hoa kiểng, đủ cho ông Thừa đi ra đi vào săm soi, ngắt cái lá này, tỉa cái cành kia, tưới vài gáo nước, cho hết thì giờ, nếu không có bạn rủ đi đánh tài bàn hay đánh kiệu. Bên trên bể cạn là một giàn hoa thiên lý, mỗi bề chừng ba thước, bên dưới treo lủng lẳng mấy giò phong lan. Trong nhà ông chưng một hai món đồ cổ, vài bức tranh xưa và cây xanh, theo cung cách của mấy nhà nho, trông rất trang nhã. 

Tôi vẫn chịu nhất là cái gốc dành dành rất đẹp thả trong chiếc bát cổ vẽ men xanh, thường để trên cái kỷ đựng sách của ông. Gốc cây sù sì, có dáng đẹp, đâm lên những cành non lớn bé cao thấp khác nhau, trông mạnh mẽ và hài hòa. Tôi hỏi ông mua gốc cây dành dành đó ở đâu thì ông cười cười đáp: chán chi con, nó thường mọc bậy dọc bờ rào, chỉ có tốn công đi tìm, và đào năm bảy gốc mới được một gốc vừa ý.

Ông Thừa đẹp lão, râu ba chòm trắng như cước, lúc nào cũng thấy áo qụa trắng, quần dài trắng, quạt giấy phe phẩy, dáng dấp phong lưu, thật là trái ngược với mụ Thừa, xấu và thô kệch. Thiệt khó mà nghĩ đó là một cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa. Khi biết khôn, nghĩa là tới tuổi biết ve gái , tôi thường thắc mắc không biết cái gì đã gắn chặt ông Thừa và mụ Thừa. Chắc hồi trẻ mụ cũng có một cái duyên và nét đẹp nào đó nên mới quyến rũ được ông chứ. Cũng có thể cuộc hôn nhân ấy là do ông bà cố tôi đạo diễn và ép buộc, và về sau, khi ông bà cố đã qui tiên, ông Thừa có thể thấy vợ mình xấu và thô, cũng có mưu toan lẹo tẹo với bà khác đẹp hơn, nhưng vì mụ Thừa dữ như Bà Chằn lửa nên ông phải chịu phép. Tất cả chỉ là những giả thiết lảng vảng trong trí tôi mà không có gì thực chứng cả. Điều rõ ràng nhất là hai ông bà sống với nhau tới răng long đầu bạc, có ba trai một gái và tôi chưa hề nghe mệ ngoại tôi hay mạ tôi kể một tật xấu nào của hai ôn mụ cả. 

Mỗi lần ông đến chơi, tới bữa cơm, tôi thường được mệ hay mạ sai đi mua rượu về cho ông uống để ngon cơm. Về sau này, khi quen biết nhiều bạn nhậu thuộc loại tửu nhập ngôn xuất và thường cho chó ăn chè, hoặc quên đường về, tôi lại phục cái nết uống rượu của ông Thừa. Ông uống một cách từ tốn và thưởng thức và khi xỉn thì lặng lẽ đi ngủ, luôn luôn êm ái nhẹ nhàng như chính con người của ông. 

Người em trai thứ hai của mệ là một ông Tây lai mà mạ tôi gọi là “cậu Thị Răng”. Tôi đoán tên Tây của ông là Jean. Dường như ông Răng là con nuôi của ông Cố họ Hồ. Ông cao to như Tây và nét mặt giống Tây hơn Việt Nam, làm y tá ở Bệnh viện Huế, ngạch Tây, được đối hàm Nam triều là Thị giảng học sĩ nên bà con chòm xóm gọi là ông Thị. Lần đó, mệ tôi bị té từ cây ổi xuống đất, bể xương bánh chè và ông Thị từ bên cầu Kho Rèn đạp xe đến thăm chị. Đó là lần đầu tiên tôi được biết mệ tôi có một người em trai đặc biệt như thế.

Người em thứ ba của mệ là ông Đội Liêm. Ờ mà lạ thật, ông này là nhân viên của Công quản Đường Sắt Đông Dương - Sơ-manh đờ phe (Chemin de Fer), như ông thường nói một cách hãnh diện -chứ có đi lính đi tráng gì đâu mà gọi là ông Đội? Hay là ông làm đội trưởng của một toán gồm vài chục công nhân làm đường sắt? Nếu có ai nói ông Đội Liêm là em ruột của mụ Thừa thì tôi tin ngay. Ông người thô kệch, da ngăm ngăm đen, ít nói, có vẻ cục cằn chứ không phong lưu nho nhã như ông Thừa hoặc hoạt bát oai vệ như ông Thị. Thiệt ba người em của mệ không ai giống ai. Ông Đội Liêm khi nói chuyện về xe lửa thì trở thành một con người khác, trông linh hoạt hẳn lên. Theo ông thì không chi sướng hơn làm nhân viên Xe lửa. “Bộ tụi bây không nghe mấy bà mấy o nói Mã táng hàm rồng không bằng lấy chồng xe lửa à ?” Tôi hỏi tại sao thì ông say sưa giải thích:

-Nhân viên xe lửa và gia đình đi tàu không phải trả tiền. Vì rứa mà tau hay đưa mệ bây đi Phan Thiết thăm cậu bây trong đó, không tốn xu mô. Ông mô làm xe lửa mà có mụ vợ siêng năng thì tha hồ mà đi đây đi đó buôn bán, làm giàu. Biết tau làm xe lửa, mấy mụ đi buôn cứ theo ve tau hoài, mà tại mụ bây dữ quá chứ không thì tau cũng có bà hai rồi.

Cậu Bát Khôi là người con trai độc nhất của mệ vì cậu Út mất từ khi còn bé. Cậu làm việc ở Phan Thiết nên nhà tôi không thiếu sản phẩm miền biển của Phan Thiết, thuộc loại hảo hạng, do cậu gởi về cho. Hồi đó, nước mắm Phan Thiết thường chứa trong những hủ bằng sành, có dáng như hai cái bánh ú úp lại với nhau, có quai xách bện bằng lá buông, có nắp đậy khằn lại bằng hồ vôi. Chung quanh hè nhà tôi hồi đó thấy lăn lóc những chiếc hủ không, thỉnh thoảng chúng tôi lại giả bộ lỡ tay làm vỡ một cái, nhưng thật sự là rủ nhau lấy đá chọi vào như kiểu đánh bi. Cho đến ngày tôi lấy vợ, trong nhà vẫn còn hai món đặc biệt, đó là một chai muối sống với loại hột to nhất và một chai đựng nước mắm nhỉ thứ thiệt. Cả hai được mệ và mạ tôi giữ gìn cẩn thận để trở thành sản phẩm “lâu năm” dùng làm thuốc. Theo tin tưởng của mấy bà, muối sống và nước mắm nhỉ lâu năm là những vị thuốc hay. Nước muối lâu năm dùng để trị bịnh đỏ mắt và làm cho sáng mắt, còn nước mắm lâu năm thì trị bịnh nấc cụt và phỏng lửa. Những người bịnh nặng mà thêm chứng nấc cụt thì rất dễ chết. Lúc đó, chỉ cho uống nước mắm nhỉ lâu năm mới trị được thôi.

Tôi không hiểu tại sao mệ không ở với cậu mà lại ở với mạ tôi. Thỉnh thoảng mệ lại vào Phan Thiết ở thăm cậu tôi chừng nửa năm hay vài tháng rồi lại về Huế, mang theo nào khô cá, khô mực, nước mắm, rong mứt phơi khô v.v. cùng vô số chuyện Phan Thiết làm chúng tôi mê mẩn. 


Mệ kể về sông Lòng Sông, nước trong và cạn, cá lội từng bầy, muốn bắt không khó nhưng không ai thèm bắt vì tôm cá thiếu chi. Nghe có một dòng sông với nước trong và cạn thì tôi khoái vô cùng, tưởng tượng có thể bơi lội đùa chơi thoải mái mà khỏi phải sợ chết nước. Lại còn nhiều cá thì tha hồ mà câu mà bắt. Ôi, xứ sở chi mà thần tiên, có đâu như cái xứ Huế ni, đụng tới sông hồ là đã nghe nói chuyện coi chừng bị ma rà (ma gia) kéo cẳng xuống sông cho chết trôi, chết nước, còn cá thì câu cả ngày không được một con. 

Mệ kể về giống cây có gai dùng trồng làm hàng rào mà cũng là loại cây trị ma Hời. Ma Hời thuộc loại ma lai, ban ngày thì sinh hoạt bình thường như mọi người, nhưng khi đêm về, ma để cho cái mình nằm ngủ trên giường, rút cái đầu và bộ ruột lòng thòng ra khỏi mình rồi bay đi kiếm ăn. Biết ma lai thích ăn đồ dơ, vì vậy hễ phóng uế ngoài bãi cát xong, sau khi lấy chân lùa cát lấp đi, người ta còn phải bẻ một nhánh gai cắm xuống. Ma lai đánh hơi biết mục tiêu, khoái lắm, nhưng thấy cây gai thì rút lui ngay vì sợ vướng bộ đồ lòng, gở không ra, sẽ không về nhập xác được. Ai không biết cách đề phòng, chẳng may bị nó ăn phân thì sẽ ốm o gầy mòn, ba tháng mười ngày sau sẽ đứt ruột mà chết. Bọn nhỏ chúng tôi nghe vậy sợ co đầu rụt cổ, mừng xứ mình không có ma lai. Và những chuyện hoang đường như thế, không hiểu sao cứ ăn mãi vào đầu.

Tôi còn nhớ cái ngày mệ và mạ tôi nhận được điện tín cậu Bát Khôi qua đời, quả là một ngày tận thế. Hồi đó, người ta không gọi là điện tín, mà gọi là dây thép, nói theo tiếng Tây là tê-lê-gờ-ram (télégramme). Khi nghe tiếng khóc ré lên của mệ và mạ, tôi ở ngoài vườn, bỏ chơi chạy vào xem thử việc gì xảy ra. Thấy chị tôi đứng đó, tôi hỏi: chuyện chi rứa? Chị chỉ tờ giấy màu xanh mạ tôi đang cầm nơi tay và nói: có dây thép nói cậu Bát Khôi mất rồi. Cái hình ảnh kêu khóc đau khổ của mệ và mạ tôi do tờ giấy màu xanh kia đem lại đã gây cho tôi một ấn tượng xấu với hai chữ “dây thép”. Bây giờ nhớ lại, tôi thấy thương mệ vô cùng bởi niềm đau đó hẳn phải mênh mông và sâu xa lắm. Rõ ràng là đời mệ không mấy lúc được vui, chỉ gặp toàn chuyện dở dang, chuyện nửa đường gãy gánh. . . 


Rồi chiến tranh xảy ra, mọi liên lạc gián đoạn trong nhiều năm. Khi anh tôi sực nhớ ra, về Phan Thiết để tìm lại gia đình cậu thì không còn một manh mối nào cả. Có lẽ tại chúng tôi biết rất ít về cậu, và đến khi biết khôn để có thể thu thập tin tức thì không còn biết hỏi ai nữa, tất cả đều đi vào quá khứ không dấu vết. Bể dâu đâu phải là chữ nghĩa của văn chương thi phú. Bể dâu hiển hiện ngay trong chính cuộc đời mình và thân thích mình.

Khi tôi bắt đầu biết nhận thức chung quanh thì mệ tôi đã già, mặt mày tay chân đều đã nhăn nheo. Khi mệ ngồi yên ăn trầu, tôi thường sà vào lòng mệ, đưa tay nắm lấy những nếp nhăn ở dưới cổ, vừa rung rung vừa nói “Mệ hát Tây đi”. Nếu không được vui mệ sẽ bảo thôi đừng chơi nghịch, để mệ yên. Còn gặp lúc vui, mệ sẽ há miệng ra phát thành tiếng a.. a... ô...ô. Với nhịp rung của tay tôi, những âm thanh đó sẽ rung theo, như mấy ông Tây bà đầm hát rung giọng mà tôi được nghe trộm qua máy hát của một ông nhà giàu trong xóm.

Tuổi thơ của anh em chúng tôi gắn bó với mệ hơn mạ, nhất là riêng đối với tôi. Ăn cũng mệ, ngủ cũng mệ, chơi cũng mệ, đứt tay chảy máu cũng mệ, ỉa không ra cũng mệ. Ngó bộ như cả ngày kêu “mệ ơi” nhiều hơn “mạ ơi”. Tôi thấy mệ chỉ thua mạ có một chuyện, ấy là không hát ru em ( ru con ) được. Tôi chưa nghe mệ hát ru em bao giờ, chỉ nghe mạ tôi hát, và phải công nhận giọng mạ tôi hát rất hay. Những câu ca dao mà tôi thuộc lòng từ hồi chưa bước chân tới trường là do tôi hát theo mạ tôi khi nghe bà ru mấy đứa em. Có lẽ mệ già rồi, không còn hơi nghỉn đâu nữa để hò với hát. Mệ không hát nhưng mệ kể chuyện đời xưa thì mê lắm.

Mùa Đông xứ Huế, có những ngày mưa dầm kèm theo gió bấc lạnh cóng. Bọn nhỏ chúng tôi không ra ngoài chơi đùa được thì bày trò để chơi trong nhà hoặc quanh quẩn bên mệ nghe kể chuyện đời xưa. Mệ ngồi xếp bằng, đầu trùm khăn, hai tay đặt trên lồng ấp rỉ rả kể đủ thứ chuyện, nào chuyện Tấm Cám, chuyện Thạch Sanh Lý Thông, chuyện Thất thủ kinh đô v.v. Bên cạnh những chuyện thuộc loại cổ tích đó, mệ còn kể những chuyện khác nữa, có tính cách thời sự hơn, chẳng hạn chuyện Cô Thông Tằm, chuyện Đức Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) khi còn hàn vi, là chị Út ở cung An Định, chuyện bão năm Thìn, chuyện vua Khải Định khi đang còn là ông Hoàng đã sợ vua Thành Thái như thế nào, chuyện người bị ma thu , chuyện thầy phù thủy cao tay ấn có tài biến những con môi thành âm binh để sai đi làm việc v.v. Bây giờ nghĩ lại, cũng nhờ những chuyện không có tính cách sàng lọc như thế mà ngày nay tôi có được những chuyện là lạ để kể lại cho bà con nghe chơi. 

Mệ thường gọi anh chị em chúng tôi là “bầy quân”. Bấy quân ăn như cọp đói, như ăn cướp; bầy quân phá như giặc; bầy quân làm biếng v.v. Tất cả áo quần mặc ở nhà của bầy quân chúng tôi đều do một tay mệ may cả, dĩ nhiên là may tay. Phải đến năm học lớp Nhất tôi mới được cái sung sướng lần đầu tiên được mặc quần soọc (short) và áo sơ-mi cổ bẻ do thợ may may bằng máy đàng hoàng, chứ còn trước đó thì toàn là quần đùi (quần cụt) với áo cổ kiềng do mệ tôi sản xuất! Sở dĩ tôi sớm biết những dụng cụ và những từ ngữ chuyên môn về nghề may cũng là do quanh quẩn bên mệ. Nào thước, nào vạch, nào kéo, nào đê. Rồi tà, vạt, bâu, lai, vạt hò, cổ kiềng, cổ đứng, cẳng què, đáy giữa v.v. Nhờ thế mà vào năm lớp Nhì, khi tả người thợ may, thầy giáo đã cho bài luận của tôi tám điểm rưỡi với lời khen. Có lẽ thầy nghĩ là tôi con nhà thợ may nên mới rành những từ nghề nghiệp như thế. Khi mệ may, chúng tôi thường phải có đứa chơi quanh quẩn gần đó để xỏ kim cho mệ. Tội nghiệp, cái thuở đó kiếng lão còn hiếm, làm chi có kiếng cho mệ thấy đường xâu kim! Bây giờ thì con có thể sắm cho mệ mấy cái kiếng lão cũng được nhưng mệ đâu có cần kiếng nữa.

Mệ đúng là thầy thuốc gia đình, là trưởng phòng cấp cứu. Mỗi lần chúng tôi dùng dao để cắt gọt một cái gì đó mà lỡ bị đứt tay chảy máu thì la lên là có mệ tới cấp cứu ngay. Thuốc cầm máu của mệ là bồ hóng trong bếp trộn với vôi ăn trầu và thuốc lá, đắp vào vết cắt, rát ơi là rát, xong lấy giẻ băng lại, hai ba hôm thì vết thương lành. Bác sĩ và y tá ngày nay nghe nói thế thì le lưỡi nhưng tôi thấy chưa bị nhiễm trùng lần nào, thậm chí, sau khi biết toa thuốc đó của mệ, chúng tôi có thể tự làm lấy khi cần! Ngón tay giữa trên bàn tay phải của tôi có cái móng tay chẳng giống ai, vì đó là một cái móng tay có tật. Lúc đó tôi chừng tám, chín tưổi. Vào một đêm trăng sáng ngày hè, anh em trong nhà và lũ bạn hàng xóm cùng trang lứa rủ nhau chơi đuổi bắt và trốn tìm, đang khi chạy trốn, tôi vấp té, và một hòn gạch đập vào ngón tay, làm bay mất móng, máu chảy như cổ vịt bị cắt tiết. Mệ tôi đã cấp cứu theo kiểu của mệ và hậu quả là cái móng tay dị dạng ra đời! 

Trong vườn nhà tôi có trồng rất nhiều ổi. Nhiều khi thấy ổi chín ngon quá, ăn quên thôi. Hậu quả là ị không ra, ngó như đang bị một cái nút chai to lắm đóng chặt lổ đít. Mỗi lần như thế, lại vừa khóc vừa kêu: mệ ơi! Mệ lên tiếng: ờ để đó, mệ chữa cho. Ai biểu dộng ổi vô cho lắm rồi chừ ĩa không ra, cho mi chết. Mắng thì mắng vậy nhưng mệ vội vã bỏ công việc đang làm, lấy con dao cau cắt một bẹ môn ngọt, dứt ra một đoạn ngắn bằng gang tay. Rồi mệ lại lấy xà phòng hòa thành nước, xong kêu: lại đây, chổng khu lên cho mệ làm thuốc. Mệ lấy bẹ môn chấm nước xà phòng ngoáy ngoáy vào hậu môn, rồi bảo rặn đi, làm vài lần như thế thì cái nút chai bật ra, và tôi thoát nạn. Ngày nay mới có những tọa dược glycerine giúp cho việc lưu thông được trơn tru dễ dàng, vậy mà hồi đó mệ tôi đã nghĩ được phương pháp bẹ môn với xà phòng, kể cũng thông minh thiệt.

Sau 1975, khi ở trên rừng trên núi, nhiều phen tôi được no cũng nhờ mệ. Ở tù CS thì ăn đói là chuyện thường ngày, nên anh nào cũng lo “cải thiện” nghĩa là kiếm cái gì đó để tộng vào mồm, để an ủi cái thao thức bào bọt của bao tử. Cây gì ăn được là ăn (ngoại trừ cây súng) con gì xực được là xực (ngoại trừ con ốc con vít và con bù-lon), và các bạn tù rất ngạc nhiên khi thấy tôi rất thiện nghệ trong việc nhận ra những loại rau hoang mọc đâu đó trên đường đi, bên hè nhà, hay trên đám rẫy hoang. Nào rau rìu, rau éo, rau trai, rau sam. rau má. Nào rau bát bát, rau bù ngót, rau bạc đầu, rau mặt trăng, rau dền đất, rau dền gai, rau chân vịt v.v và v.v. Đó là nhờ những lần thơ thẩn đi theo mệ khi mệ rảo trong vườn hái rau để nấu thành nồi canh tập tàng rất ngọt nước. Cây chi ri mệ? -À, cây rau sam. Rau sam ăn mát lắm con. Cây chi ri mệ? - À, cây bạc đầu. Cây bạc đầu có ăn được không mệ? -Được chớ, nhưng vì cái mùi nó có người không ưa nên có người kêu là cây cỏ hôi, và vì rứa ít người ăn. Cả mệ và tôi đâu có biết rằng những bài học đơn sơ trong vườn ngày ấy mấy chục năm sau lại giúp cho tôi có những ngày được no bụng nhờ kiếm thêm mớ rau trời.

Thầy tôi rất thương mệ. Tôi nghe ông gọi mệ bằng mợ. Thỉnh thoảng ông lại cho mệ một số tiền nhỏ để tiêu vặt. Tôi biết được là nhờ một hôm chỉ có một mình mệ và tôi ở nhà, mệ cho tôi mấy cái kẹo bạc hà nhỏ như chiếc đũa và dài bằng ngón tay út, gói trong giấy bóng, là thứ kẹo tôi rất mê. Ngạc nhiên, tôi hỏi: kẹo ni mệ kiếm mô ra? Mệ nói nho nhỏ: thầy mi mới cho mệ tiền, mệ biết con thèm kẹo bạc hà nên mệ mua cho. Đừng có mét với mạ nghe không. Tôi nghe thế, tự nhiên cao hứng trả lời: để ít bữa con lớn, đi làm có tiền, cho mệ mỗi tháng năm chục đồng để mệ tiêu cho sướng. Mệ cười hiền: tổ cha mi, nói nghe giỏi dữ. Sợ e mười voi không có chén nước xáo


Vài tháng sau, cậu tôi từ quê lên thăm. Trong khi nói chuyện, thấy tôi đứng xớ rớ gần đó, mệ chỉ tôi và khoe với cậu rằng: thằng ni có tình với mệ lắm. Mới chừng đó mà hắn hứa khi mô đi làm sẽ cho mệ mỗi tháng năm chục bạc để tiêu. Không biết có sống tới đó để hưởng lộc của cháu hay không chứ nghe hắn nói rứa mình cũng mát ruột. Tôi thấy tôi xạo quá, và đúng như mệ nói, mười voi không có chén nước xáo, mệ tin chi được ba thằng cháu ngoại, cái thứ cháu bà nuôi cho uổng công bà, về sau mày lớn tìm cha mày về.

Mệ là người khéo tay. Với con dao và bụi hóp sau nhà, bà chế nào kèn lá nón để giả làm tiếng gà gáy hay kèn bầu đám ma, nào súng bắn bằng hột cây bời lời, nào quạt nước, nào chong chóng, cho anh em chúng tôi chơi. Bằng một con rựa cùn gãy đôi và mấy cục gạch vỡ, bà ngồi tỉ mỉ đẽo gọt thành những hòn bi để cho lũ cháu chơi đánh bi. Bây giờ nhớ lại, tôi thấy tôi đã học được rất nhiều điều từ mệ, do cái tật tò mò và hay bắt chước. Chẳng hạn, ngoài mấy thứ đồ chơi đó, tôi có thể bắt chước mệ để làm quạt kè, chổi cau v.v. Chặt một tàu lá kè, kiếm chỗ đất bằng phẳng trải xuống, lấy hai viên gạch đè lên, phơi khô. Khi lá đã khô, dùng kéo vanh tròn rồi dùng dao chẽ đôi, sẽ có hai cái quạt, vừa nhẹ, vừa mát. Mệ còn dùng vải viền quanh dể quạt được bền hơn và tránh được cái cạnh sắc của lá khô có thể làm sướt da chảy máu. 

Một tàu cau trong vườn rụng xuống là một nguồn vật liệu để mệ chế biến đồ dùng. Cái mo cau được cắt riêng ra, phơi khô, để dành. Từ mo cau, mệ có thể bới cơm, chằm làm cái gàu múc nước giếng, làm cái mo đài cho chó ăn cơm, hay cắt ra làm cái nắp cài kín mấy hũ dưa hũ mắm, chèn mái nhà để tạm thời tránh dột, làm thành cái quạt v.v. Với cái tàu cau, mệ dùng con dao nhíp tước bỏ phần lá (để dành nhen lửa), chỉ chừa lại cái sống lá. Mệ bó năm cái tàu cau như thế thành một cái chổi, quét sân quét vườn rất sạch, khỏi tốn tiền mua chổi rành. 

Tôi biết trồng cây, làm vườn cũng là nhờ đi theo để mệ sai vặt khi mệ làm vườn. Tháng Chạp, khi hết mưa lớn, mệ thuê người cuốc đất, đánh vồng cho mệ vãi cải cay, cải tàng ô. Cải lớn, mệ đem ra cấy, rồi trồng cà trồng ớt. Nơi này là luống mồng tơi, nơi kia là đám môn ngọt và môn bạc hà. Trong vườn, có một mảnh đất vuông, mỗi cạnh chừng ba thước, là vườn thuốc Nam của mệ. Nào tía tô, rau tờn, sả, ích mẫu, kinh giới, gừng v.v. Trong vườn, mẹ tôi lại có thuê người ta trồng mấy cây chanh và mấy cây bưởi đỏ, thanh trà. Nhờ vậy, khi nào cần một nồi nước xông để giải cảm hay cần các thứ lá thơm để luộc một nồi ốc bưu hay ốc hút, mệ chỉ cần bước chân ra vườn một loáng là có đủ thứ trong tay, khỏi cần chạy xin hàng xóm. 

Trong ngôi vườn của thầy mạ tôi lúc bấy giờ có trồng chừng hai chục cây cau và bốn năm bụi trầu không leo quanh mấy cây mứt. Khi mệ và mạ mất đi, những cây này cũng theo gót vĩnh viễn giã từ. Cả mệ và mạ đều nhuộm răng đen và ăn cau trầu suốt ngày. Cau trầu trồng trong vườn, trước hết là để cho các bà dùng, thừa ra thì mới đem bán, nếu gặp mùa cau trúng, giá cau rẻ, các bà đem phơi khô, để dùng trong mùa mưa. Tôi biết róc cau, bửa cau, phơi cau , têm trầu, ăn cau trầu, cũng là do cái tật tò mò và hay bắt chước như khỉ. Bạn ăn cau trầu thân thiết của mệ là bà Chưởng hàng xóm. Bà này người Quảng Ngãi, thuộc loại cao thủ cau trầu. Bà không biết hút thuốc lá nhưng trong túi bà luôn luôn có hai món, một cái hộp dẹp bằng thiếc đựng thuốc lá cẩm lệ, dùng để ăn ghém với cau trầu, và một cái hộp nhỏ bằng bạc, hình thuẫn, đựng vôi, để ăn chêm khi gặp miếng trầu nhạt. Mệ tôi thì đơn giản hơn, bà không ăn ghém thuốc lá, chỉ ăn ghém bằng hột mây hay vỏ cây chay. Có một lần theo mệ qua nhà bà Chưởng chơi, tôi thấy bà ta mời trầu, mệ đón lấy miếng cau bỏ vào miệng trước, nhưng miếng trầu thì mệ mở ra, liếc một cái, rồi mới cuộn lại, ăn tiếp. Khi về nhà, không nén được tò mò, tôi hỏi:
- Tại răng bác Chưởng mời trầu mà mệ lại mở miếng trầu ra rồi mới ăn?
 
- Cái đó là do ông bà mình đã dặn rồi:

Ăn trầu thì phải mở ra,
Một là thuốc độc, hai là mặn vôi. 

Nếu là người lạ, chưa biết bụng dạ người ta ra răng, thì mình cũng phải mở miếng trầu ra coi thử trong đó có chi độc hại hay không. Mà dù quen hay lạ thì cũng phải mở trầu ra coi vôi nhiều hay ít. Có nhiều người têm trầu mặn (nhiều) vôi quá, mình ăn không quen sẽ bị phỏng miệng. Mệ dặn thì con phải nhớ, nghe không?

Chừng mười một mười hai tuổi thì tôi đã trèo cây như khỉ. Lúc đó thì mệ khỏi tốn tiền thuê người lột cau. Với con dao nhíp ngậm ngang miệng và cái nài bằng bẹ chuối khô tròng ở hai bàn chân, tôi leo lên ngọn cau trong nháy mắt. Rứt một trái cau ném xuống cho mệ bửa ra thử xem dầy hay non. Nếu thấy được thì mệ sẽ ra lệnh “cau dầy rồi, lột đi con”, thế là tôi lấy con dao nhíp ra, cắt hai bên mép của buồng cau để giật nó ra, xong choàng buồng cau qua bắp vế và tụt xuống. Về sau, khi đã biết nhận định thế nào là cau dầy, cau non, cau tra (già), tôi thử cau ngay trên cây và quyết định lột hay không, khỏi cần chờ lệnh của mệ nữa. Đến lúc đó thì đã đạt đến trình độ đi lột cau thuê và hái ổi hái xoài thuê cho nhà bà Chưởng hàng xóm rồi.

Khi còn ở quê nhà, mỗi lần Tết đến, thấy vợ tôi ngồi rim mứt, tôi lại nhớ đến thau mứt thập cẩm của mệ vào những ngày thơ ấu. Vì bầy quân ăn như ăn cướp, không có mứt bánh nào chịu cho thấu, nên bên cạnh những món mứt cao cấp dành đãi khách, thế nào mệ tôi cũng làm một thau mứt thập cẩm, nặng về lượng hơn phẩm. Thành phần của thau mứt cho bầy quân gồm có khoai lang cắt thành thỏi (như French Fried), sắn dây Quảng Trị xắt lát vuông, gừng non và dừa già xắt lát mỏng, và đậu phụng rang. Tất cả được cho vào một cái thau lớn rim với đường cát vàng. Khi chín tới, hổn hợp này tạo thành một hương vị rất hấp dẫn. Trong khi các loại mứt đãi khách được cho vào tìm vào thẩu thủy tinh có nắp đậy đẹp đẽ thì loại mứt thập cẩm của bầy quân được cho vào thùng thiếc vốn là thùng đựng trà, nhưng không sao, miễn số lượng cho nhiều là bầy quân hoan nghênh. 

Tôi không biết mệ mất vì bịnh gì. Khi mệ nằm bịnh chừng nửa tháng thì cậu tôi (anh của mạ, con của mệ ngoại đích) từ quê lên thăm. Ông bàn với mạ tôi sao đó rồi thuê xe kéo chở mệ ra Bến Tượng ở chân cầu Đông Ba, từ đó, lại thuê đò dọc đưa mệ về nhà cậu để mợ và chị Hiền săn sóc. Tôi hỏi thì mạ tôi nói: cậu nói mệ gần tới ngày rồi, đem mệ về làng để mệ trăm tuổi thì tiện làm đám, mà ý mệ cũng thích rứa. Tôi không thấy cái buồn vì sắp sửa vĩnh viễn xa mệ, chỉ thấy cái vui cuối tuần được theo chị tôi về làng thăm mệ để được ăn bắp luộc và đậu phụng luộc của mợ. Rồi mệ ra đi êm ái như đi vào giấc ngủ. Khi đó thì tôi đang leo lên cây ổi trước sân nhà cậu để hái mấy trái chín ngon mắt không chịu được. Nghe tiếng khóc của mạ và mợ, tôi tụt xuống chạy vào thì nghe mợ nói: mệ đi rồi


Mạ tôi dốc toàn lực ra làm cho mệ một cái đám được làng xóm khen là to. Về sau, tôi mới biết ở thôn quê, tiêu chuẩn để đánh giá một cái đám ma to hay nhỏ là ở số lượng heo bò hy sinh. Hình như để đãi khách, mạ tôi phải làm đến hai heo. Về sau, qua những câu chuyện mà tôi nghe lóm được của bà con chòm xóm, thì cái đám của mệ đã đem lại tiếng tốt cho mạ tôi và cậu mợ tôi. Người ta khen mạ tôi là con gái lo cho mẹ giỏi có thua chi trai. Còn họ khen cậu mợ tôi đã săn sóc lo lắng cho mệ tôi chẳng khác chi mẹ ruột. Tôi tin những lời khen đó tới tai mệ tôi và hẳn bà cũng vui lòng nơi chín suối.

Đã già nửa thế kỷ trôi qua, nấm mồ của mệ nằm ngoài đồng Triều Sơn đã bao lần ngâm nước lụt và cỏ trên mộ đã thay bao lứa. Lũ cháu ngoại của mệ bây giờ cũng đã tới cái tuổi sắp hàng để chờ Thiên Tào gọi tên về gặp mệ. Dầu sao thì trước khi được điểm danh, cả mấy anh chị em đều vui vì đã lo được cho mệ một nơi an nghỉ tốt đẹp khang trang, và riêng tôi, chuộc được cái tội nói xạo cho mệ năm chục đồng mỗi tháng để tiêu vặt.


Võ Hương-An

No comments:

Blog Archive