Câu chuyện ngày ấy & bây giờ
Đoàn Dự ghi chép
Chuyện nay: án tù cho hai thiếu niên đói cướp một ổ bánh mì
Ngày 20-7, TAND quận Thủ Đức, Sài Gòn đã mở phiên tòa “đặc biệt nghiêm trọng” do thẩm phán Vũ Văn Thắng làm chủ tọa, xét xử vụ án Ôn Thành Tân (cư ngụ tại Quận 9 Sài Gòn, hiện nay 18 tuổi, năm ngoái lúc phạm tội mới 17 tuổi tức còn vị thành niên) và Nguyễn Hoàng Tuấn (ngụ tại Củ Chi, cũng 18 tuổi, năm ngoái còn vị thành niên) trong vụ án cướp giật bánh mì vì đói mà dư luận đặc biệt quan tâm, bởi vì vào thời điểm xảy ra vụ án, hai bị cáo đều chưa đủ 18 tuổi.
Trước đó, Ôn Thành Tân đã được cơ quan điều tra tạm thời cho tại ngoại. Bà Lại Thị Yên, người bị hại (bị giật túi đồ ăn) trong vụ án đã không tới và đã có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa. Trước đó, bà Yên đã làm đơn bãi nại cho hai bị cáo.
Luật sư Lê Ngọc Phụng đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập bà Yên, nhưng HĐXX cho rằng bà Yên đã có bản tự khai tại cơ quan điều tra, việc vắng mặt của bà không ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên phiên tòa vẫn tiếp tục làm việc.
Theo cáo trạng của Viện KSND quận Thủ Đức, khoảng 22 giờ ngày 17-10-2015, Tuấn gặp Tân tại một tiệm Internet ở Quận 9, Sài Gòn. Cả hai chơi điện tử đến sáng hôm sau thì ngừng và chở nhau đi xin việc làm.
Trên đường đi, Tân và Tuấn đói bụng nhưng đã chơi game hết tiền, bèn ghé một tiệm tạp hóa hỏi mua 1 ổ bánh mì ngọt, 2 bịch chuối sấy, 1 bịch đậu phộng rang, 3 bịch me trộn đường, hết tất cả 45.000 đồng (khoảng 2 đôla Mỹ).
Khi chủ quán đưa các món đồ thì Tuấn giật ngay lấy rồi nhảy lên xe Tân đang nổ máy đậu bên lề đường, chạy đi. Bà Yên hô hoán, dân chúng đã bắt giữ cả hai giao cho công an phường Linh Chiểu quận Thủ Đức. Tuấn và Tân bị tạm giam từ ngày 18-10-2015, sau đó bị Viện KSND Thủ Đức truy tố về tội cướp giật tài sản, theo khoản 1 điều 136 Bộ Luật hình sự, có khung hình phạt từ 1-5 năm tù.
Thật ra, trong hồ sơ trước đó, hai bị cáo này bị VKSND Thủ Đức dự định truy tố về tội “cướp giật tài sản thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm” được quy định tại khoản 2, điều 136 Bộ Luật hình sự, có khung hình phạt từ 3-10 năm tù, nhưng không hiểu sao sau đó lại bỏ phần “thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm” mà chỉ còn phần “cướp giật tài sản”, theo khoản 1 điều 136 có khung hình phạt “nhẹ hơn”, từ 1- 5 năm tù.
Ôn Thành Tân nhà ở quận 9 – một quận ngoại thành Sài Gòn, giáp với huyện Thủ Đức. Cậu bé là con một gia đình cha mẹ chí thú làm ăn, chăm sóc con cái đàng hoàng. Tuy Tân hơi nhỏ con nhưng đã từng đoạt huy chương vàng trong một cuộc thi võ thuật của toàn thành phố Sài Gòn, hiện đang là học viên của một trường trung cấp kỹ thuật tại Thủ Đức. Tân được nhìn nhận là một cậu bé ngoan ngoãn, chỉ phải cái tội rất mê chơi game trên Internet, bố mẹ la hoài cũng không được.
Còn Nguyễn Hoàng Tuấn nhà ở Củ Chi, bố bỏ đi từ lúc ấu thơ, mẹ lấy chồng khác cũng cùng trong huyện Củ Chi, bà ngoại thương tình đem về nuôi từ tấm bé. Tuấn lêu bêu không nghề nghiệp, lang thang chơi bời, thỉnh thoảng kiếm tiền tiêu vặt bằng cách chôm chỉa trộm đồ của thiên hạ mỗi khi có dịp, đã từng bị công an Củ Chi bắt giam nhưng lại được thả vì không có bằng cớ xác đáng. Nói chung, Nguyễn Hoàng Tuấn là một thiếu niên khá hư do bà ngoại đã già không đủ sức cai quản. Tuấn cũng có thói quen mê chơi game tối ngày sáng đêm không khác gì Tân khi có chút tiền.
Phải nói rằng người Nhật phát minh ra mì ăn liền, karaoke… thì rất có lợi (còn điện thoại di động và iPad là do người Mỹ phát minh), nhưng phát minh ra các trò chơi gọi chung là “game” trên Internet thì lợi đâu không thấy, chỉ thấy có hại. Người lớn mê game, người nhỏ mê game, ăn trộm, ăn cướp, giết người…, cũng vì chơi game. Ở trong nước, có những cô bé choai choai mới 16 – 17 tuổi, mê game đến độ không có tiền cũng “liều” vào tiệm Internet chơi suốt buổi, đến lúc thanh toán không có để trả, đành phải gọi điện thoại cho mấy cậu thanh niên ăn chơi, chuyên đi “cứu net” đến trả giùm rồi đổi lại bằng chính thân xác của mình. Cũng có những tài xế xe đò đã lớn tuổi, không còn trẻ trung gì nữa nhưng vẫn mê chơi game, một tay lái xe, một tay bấm game, tai nạn xảy ra hết sức nguy hiểm. Đi xe, gặp trường hợp tài xế “lái xe một tay” như vậy, các hành khách thường kín đáo dùng điện thoại di động quay lại làm bằng chứng, rồi báo cho ban giám đốc công ty xe khách đó biết với sự xác nhận của một vài hành khách bên cạnh. Ngay lập tức, giám đốc công ty bèn gọi điện thoại cho gã tài xế: “Thôi đừng chơi game nữa. Vừa lái xe vừa chơi game rất nguy hiểm”. Ngay hôm sau, với chứng cớ đã được hành khách cung cấp, người tài xế bị đuổi việc không được đền bù một đồng nào cả và sẽ lâm cảnh thất nghiệp. Tuy nhiên, những tấm gương rành rành như vậy nhưng việc các tài xế “lái xe một tay, tay kia chơi game” vẫn thường xảy ra.
Lại nói về hai thiếu niên Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân, tại TAND Thủ Đức, cả hai đều khai: Sau khi chơi game xong, hai đứa rất đói bụng nhưng không còn tiền, nên Tuấn rủ Tân đến một tiệm tạp hóa để hỏi mua đồ ăn, Tuấn vào mua, Tân chờ bên ngoài, rồi khi bà chủ quán đưa bịch ny-lông đựng các thứ, Tuấn bèn giật lấy, nhảy lên xe Tân đang nổ máy, bỏ chạy.
Được hỏi tại sao nhà ở quận 9, rất gần, lại có chiếc xe máy cũ của Tuấn ở đấy, hai bị cáo không chở nhau về nhà kiếm đồ ăn mà lại đi cướp giật như vậy? Tân thưa rằng do ba mẹ có công chuyện đã về quê, tiền ba mẹ cho đem chơi game hết, về nhà cũng không có gì ăn, đói bụng quá nên hai đứa mới rủ nhau đi cượp giựt.
Sau khi thẩm vấn, đại diện Viện KSND Thủ Đức đề nghị mức án đối với 2 bị cáo từ 10-12 tháng tù theo khoản 1, điều 136 như đã nói bên trên.
Đối đáp với đại diện VKSND, các luật sư bào chữa cho Tuấn và Tân nói rằng hành vi của các bị cáo tuy có tội thật nhưng hậu quả đối với xã hội không lớn, tài sản có giá trị rất thấp, bên cạnh đó mục đích của các bị cáo là cướp để ăn trong lúc đói chứ không phải cướp để đem bán. Ngoài ra, lúc phạm tội các bị cáo đều còn vị thành niên, hơn nữa lại có giấy bãi nại của “khổ chủ” là bà Yên, vậy đề nghị HĐXX xem xét, tha bổng với lời răn dạy mang tính giáo dục đề lỗi lầm của hai bị cáo không bị ghi vào lý lịch, có hại cho tương lai sau này.
HĐXX nhận thấy các bị cáo thành khẩn khai báo, phạm tội khi còn vị thành niên, bị cáo Tân lại có nhân thân tốt nên đã tuyên phạt Tân 8 tháng 20 ngày tù (bằng với thời gian đã bị tạm giam). Còn Tuấn – người chủ xướng việc đi cướp giật – bị 10 tháng tù, tức còn phải “ở thêm” khoảng 1 tháng 10 ngày nữa mới được thả.
Sau khi tòa tuyên án, dư luận cả báo chí lẫn dân chúng đều rất xôn xao. Vấn đề không phải ở chỗ 8 tháng 20 ngày hay 10 tháng tù, mà ở chỗ món đồ cướp giật gồm một ổ bánh mì và mấy thứ lặt vặt có giá trị không đáng kể, lúc phạm tội cả hai còn vị thành niên, bị tù dù chỉ 1 tháng hay vài ngày cũng bị ghi lý lịch về tội “Cướp giật tài sản”, tương lai của hai bị cáo đó coi như chấm dứt, đi xin việc làm không ai muốn nhận, hình phạt đó không mang tính cách giáo dục.
Ông Huỳnh Ngọc Ánh, Phó chánh án TAND Sài Gòn cho rằng mức án như vậy là nặng! “Quan điểm của TAND Sài Gòn chúng tôi nhìn nhận mức án tuyên cho hai bị cáo như vậy là nặng, nhất là đối với bị cáo Tân, một kẻ không tự tay cướp giựt. Do đó, nếu có kháng cáo, TAND TP sẽ xét xử phúc thẩm, đánh giá lại hành vi của hai bị cáo và xem xét về hình phạt cho tương xứng. Không thể vì đã giam Tân và Tuấn mà phải xử cho bằng với thời gian đã tạm giam. Hơn nữa, nếu theo Bộ Luật tố tụng hình sự mới (năm 2015), những trường hợp như vậy không được quyền tạm giam. Tôi cũng cho rằng việc xác định tội danh đối với hai bị cáo là không sai, nhưng pháp luật cũng phải được xem xét toàn diện, không chỉ để trừng phạt”
Nhưng cha mẹ của Ôn Thành Tân cho biết: “Chúng tôi không còn hơi sức đâu mà đi hầu tòa nữa. Nặng hay nhẹ thì đã tuyên án rồi còn gì!”.
Thưa quý bạn, chúng ta không phải các nhà làm luật nên không hiểu trường hợp hai cậu thiếu niên cướp giật 1 ổ bánh mì và mấy thứ lặt vặt, giá trị tổng cộng khoảng 2 đô-la Mỹ, bị truy tố ra tòa rồi bị tuyên án 8 tháng 20 ngày và 10 tháng tù như vậy là nặng hay nhẹ. Có điều, hễ đã bị tòa tuyên án – dù là 1 ngày tù hay án treo chăng nữa – vẫn bị ghi vào lý lịch, tương lai coi như chấm dứt. Chúng ta cũng không tranh luận rằng những người cầm cân nẩy mực ở TAND huyện Thủ Đức như vậy là khắc nghiệt hay không khắc nghiệt. Đoàn Dự tôi chỉ xin kể hầu quý bạn một câu chuyện cũ cách đây đã hơn 50 năm (khoảng năm 1959 – 1960) mà người Sài Gòn cỡ bằng tuổi tôi hồi ấy đa số đều biết vì báo chí có đăng, chúng ta sẽ thấy “chuyện xưa” và “chuyện nay” khác nhau như thế nào.
Chuyện xưa: Ông chủ nhà sách Khai Trí và cậu bé ăn cắp sách
Nếu tôi nhớ không lầm, đó là vào khoảng giữa năm 1959 hay 1960, báo chí đăng tin có một cậu học sinh khoảng chừng 14 -15 tuổi, gương mặt thông minh đĩnh ngộ (báo chí giấu tên và cũng không cho biết trường cậu bé học, thật ra cậu là học sinh trường Pétrus Ký). Cậu cứ lang thang mở coi hết cuốn này đến cuốn khác ở chỗ các giá sách tiếng Pháp. Thời chúng tôi còn học trung học, tức dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, sách tiếng Việt ít nên muốn thi đậu bắt buộc phải dùng sách tiếng Pháp, như Toán hình học, Toán đại số, Toán vật lý… Học lớp Đệ tứ (lớp 9 bây giờ) mà làm hết cuốn Toán Hình học và Đại số của Réunion de Professeurs gồm 1.144 bài thì nhất, đi thi trung học chắc ăn như bắp.
Thời ấy các tiệm sách lớn như Khai Trí chẳng hạn không có nhân viên bảo vệ mặc đồng phục ngồi gác ở cửa như bây giờ, mà có các nhân viên giả làm khách hàng, trông nom, ngăn chặn những người muốn ăn cắp sách.
Buổi sáng hôm ấy, việc lấm lét nhìn tới nhìn lui của cậu bé khiến nhân viên trông coi khu sách tiếng Pháp nghi ngờ. Lúc cậu đi ra, họ giữ lại, sờ ngực áo cậu và lôi ra một cuốn Toán Hình học và Đại số của Réunion de Professeurs quý giá đã nói ở trên.
“Tại sao cậu ăn cắp sách?”. Cậu bé tái mặt không nói nên lời. Chiếc phù hiệu trên ngực áo cậu cho biết cậu học trường Pétrus Ký, một trong bốn trường trung học công lập lớn nhất rất nổi tiếng tại Sài Gòn lúc bấy giờ: Gia Long, Trưng Vương, Pétrus Ký, Chu Văn An. “Hừ, học sinh trường Pétrus Ký mà ăn cắp sách! Tôi gọi cảnh sát đến bắt để cậu chừa cái thói đó đi!”. Họ lôi cậu bé tới chỗ quầy thâu tiền của cô thâu ngân viên, nhờ cô giữ cậu giùm rồi đi gọi cảnh sát. Cậu bé sợ hãi khóc như mưa như gió: “Lạy chị, nhà em nghèo không có tiền mua sách, chị nói với chú ấy tha cho em đừng gọi cảnh sát…”. Cậu bé khóc quá khiến cô thâu ngân viên cũng thấy mủi lòng: “Ba má em làm gì mà nghèo?”. “Ba em chết, má em quét chợ An Đông…”. “Mẹ quét chợ An Đông mà con học Pétrus Ký? Em học đến đâu rồi?”. “Dạ thưa quatrième année. Chị tha cho em, nếu cảnh sát bắt, đưa giấy về trường em bị đuổi học tội nghiệp má em…”. “Các em quen với tiếng Pháp lắm phải không?” “Dạ”. “Bởi vậy nên mới lấy trộm sách Pháp. Bằng bấy nhiêu mà đã học lớp Đệ tứ, sắp thi Trung học là giỏi lằm. Nhưng chú ấy đã đi gọi cảnh sát thì biết làm sao…”. Cậu bé sợ quá lại khóc.
Từ đầu đến giờ có một ông đã lớn tuổi, ăn mặc lịch sự vẫn đứng theo dõi câu chuyện. Thấy cô thâu ngân nói thế, ông bảo cô ta: “Thôi được, cuốn sách giá bao nhiêu để tôi trả tiền. Học trò nghèo mà, lấy một cuốn sách, lỡ bị đuổi học tội nghiệp…”. Cô thâu ngân viên chưa biết giải quyết thế nào thì đúng lúc đó ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhà sách mọi người vẫn gọi là ông Khai Trí từ ngoài đi vô. Thấy chuyện lạ, ông dừng lại hỏi chuyện gì. Cô thâu ngân viên thuật lại sự việc và ông khách cũng đề nghị trả tiền như ông đã nói với cô thâu ngân. Ông Khai Trí cầm cuốn sách lên coi sơ qua rồi nói: “Phải học trò giỏi mới dùng tới cuốn sách này chứ kém không dùng tới. Cám ơn lòng tốt của ông nhưng để tôi tặng cậu ta, không lấy tiền và sẽ còn giúp cậu ta thêm nữa…”.
Ông trao cuốn sách cho cậu bé, thân mật vỗ vai khuyên cậu cố gắng học hành rồi móc bóp lấy tấm danh thiếp, viết vài chữ, ký tên và đưa cho cậu: “Từ nay hễ cần sách gì cháu cứ đem danh thiếp này đến đưa cho ông quản lý hay cô thâu ngân, cô ấy sẽ lấy cho cháu. Ngày trước bác cũng là học sinh trường Pétrus Ký mà…”.
Ông bắt tay, cám ơn ông khách lần nữa rồi đi vào trong.
Ba năm sau, nghe nói cậu bé đậu xong Tú tài phần II, được học bổng du học nước ngoài, hình như sang Canada.
Thời gian qua đi. Sau ngày 30-4-1975, nhà sách Khai Trí bị tịch thu, mới đầu người ta đặt tên là nhà sách “Ngoại văn”, sau đó đổi thành nhà sách “Fahasa” (viết tắt của 3 chữ “Phát hành sách”), hiện nay lại đổi lần nữa thành nhà sách “Sài Gòn”. Hồi ấy ông Khai Trí bị đi cải tạo về tội “biệt kích văn nghệ, tuyên truyền, phản động”. Sau khi được thả, ông sang định cư bên Hoa Kỳ 10 năm rồi lại trở về với hy vọng đòi lại được nhà sách Khai Trí mà ông đã dầy công gây dựng. Nhưng không có hy vọng, ông buồn bã nói: “Chắc… năm 3.000 thì họ trả”. Ông mất năm 2005 tại Sài Gòn, thọ 79 tuổi.
Một buổi chiều, người ta thấy một “ông già” khoảng ngoài 70 tuổi, ăn mặc theo lối Việt kiều, đứng ngắm trước cửa nhà sách Sài Gòn với nét mặt buồn buồn rồi bước vào hỏi thăm các cô bán sách về ông Khai Trí, các cô nói hình như ông đã mất cách đây đến hàng chục năm. “Ông già Việt kiều” lại ra đứng ngắm trước cửa tiệm sách hồi lâu, lấy khăn giấy lau nước mắt, chắp tay hướng lên trên trời khẽ vái ba vái rồi đi. Không ai biết ông ta là ai cả.
Đấy, ông Nguyễn Hùng Trương tức ông chủ nhà sách Khai Trí ngày xưa thì như thế đấy.
Đã đành chuyện cướp giật của hai cậu bé ham chơi không thể so sánh với chuyện ăn cắp sách của cậu bé học sinh Pétrus Ký nhưng cho người khác một cơ hội là chuyện “ngày xưa” đáng để suy ngẫm.
Đoàn Dự
No comments:
Post a Comment