Muốn thoát “Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt” của Hoa Kỳ, nhà nước Việt Nam đã làm sai cách
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 9 tháng 3, 2023
Nếu mục đích của nhà nước Việt Nam là thoát “Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt” của Hoa Kỳ do đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng, thì họ rõ ràng đã hố nặng khi ngăn cản không cho các nạn nhân của sự đàn áp tiếp xúc toán nhân quyền của Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm Tây Nguyên trong các ngày 20 – 24 tháng 2. Họ tiếp tục hố khi mượn danh của nhà truyền đạo Hoa Kỳ Franklin Graham để đánh bóng chính sách về tôn giáo.
Ngăn cản các cuộc tiếp xúc với các viên chức nhân quyền của Hoa Kỳ
Tổng cộng có 35 vụ công an và giới chức chính quyền địa phương ngăn cản các người thuộc 22 cộng đồng Tin Lành người Thượng và người Hmong để không thể tiếp xúc với các viên chức chuyên trách nhân quyền của Hoa Kỳ. Các hành vi ngăn cản này bao gồm cho công an canh gác 24/24 trước cửa nhà đề người trong nhà không đi đâu được, theo sát các cá nhân trong tầm ngắm kể cả khi họ đi làm rẫy hoặc đưa con đi học, bắt và giữ người suốt ngày trong đồn công an, và thậm chí chặn các viên chức Hoa Kỳ khi ngay trước cửa nhà của những người mà họ muốn đến thăm.
Hình 1 – “Quần chúng tự phát” ngăn cản các viên chức Hoa Kỳ tiếp xúc tín đồ Tin Lành ở Tây Nguyên (ảnh của MSFJ)
Các hành vi như vậy hoàn toàn thất thố vì:
1. Chúng tạo sự kiện để chính nạn nhân báo cáo hàng loạt vi phạm với quốc tế, bao gồm các định chế nhân quyền LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, các chính quyền trong Liên Minh Quốc Tề cho Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin, và các tổ chức nhân quyền quốc tế.
2. BPSOS đã hoàn tất bản báo cáo với đầy đủ thông tin về 35 hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo mới đây của chính quyền VIệt Nam. Chúng tôi đã gửi bản báo cáo này đến các định chế nhân quyền LHQ và đã đích thân trình bày về các vi phạm này với một số viên chức LHQ trong tuần này tại Geneva.
3. Các viên chức nhân quyền của Hoa Kỳ đến Tây Nguyên chỉ là để quan sát hiện tình tại chỗ, chứ họ đã nhận đầy đủ thông tin về những sự kiện xảy ra ở Tây Nguyên qua nhiều chục bản báo cáo do BPSOS chuyển đến. Những điều họ trải nghiệm và mục kích qua chuyến đi mang tính thuyết phục và chính họ đã trở thành các nhân chứng đáng tin cậy.
4. Các nạn nhân đã và sẽ tiếp tục tường trình trực tiếp với quốc tế các sự việc đã xảy ra trước, trong, và sau khi phái đoàn Hoa Kỳ đến Tây Nguyên. Ngày 23 tháng 2, khi các hành vi kể trên của chính quyền Việt Nam đang diễn ra ở Tây Nguyên, một số nạn nhân đã họp trực tuyến với 2 uỷ viên của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Trong tuần này, nhiều nạn nhân đã hoặc sẽ tiếp xúc trực tiếp qua điện thoại với các viên chức Hoa Kỳ đến Tây Nguyên vừa rồi.
Đầu năm nay, BPSOS khởi xướng cuộc họp bàn tròn định kỳ hàng tháng để các nạn nhân tường trình trong tư cách nhân chứng với các giới chức quốc tế về những vi phạm xảy ra ở Việt Nam. Tại cuộc họp bàn tròn tháng 1, các nhân chứng đã đối thoại trực tiếp với Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ, Ông Rashad Hussain.
Tại cuộc họp tháng 2, các nhân chứng đã tường trình với Uỷ Viên Fred Davie và Uỷ Viên Frank Wolf của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Nghĩa là bất kỳ vi phạm nào cũng sẽ được chính nạn nhân tường trình với quốc tế không quá 30 ngày sau.
Sử dụng nhà truyền đạo người Mỹ Franklin Graham làm bình phong
Trong 2 ngày 4 và 5 tháng 3, nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho nhà truyền đạo người Mỹ này tổ chức sự kiện Xuân Yêu Thương ở Sài Gòn với 14 nghìn người tham dự. Đổi lại, theo báo chí trong nước, ông ta hứa hẹn sẽ nói với chính quyền Hoa Kỳ là ở Việt Nam có tự do tôn giáo. Một số tín hữu của các hội thánh tư gia độc lập bị bách hại lo lắng rằng Ông Franklin Graham sẽ làm giảm sự quan tâm của Hoa Kỳ và quốc tế đến tình trạng đàn áp tôn giáo đang tràn lan ở Việt Nam.
Hình 2 -- Nhà truyền đạo Franklin Graham tại sự kiện Xuân Yêu Thương ở Sài Gòn (ảnh của Billy Graham Evangelist Association)
Thực ra, việc mượn danh của Ông Franklin Graham là sai lầm và sẽ phản tác dụng vì:
1. Ông Franklin Graham đã bị nhiều người quan tâm đến tự do tôn giáo, ngay cả nhiều giáo hội Tin Lành, ở Hoa Kỳ và trên thế giới chỉ trích do các phát biểu khích bác Hồi Giáo. Trong khi đó, đương kim Đại Sứ Lưu Động Rashad Hussain là người theo đạo Hồi.
2. Ông Franklin Graham đã bị phần lớn dư luận quốc tế lên án khi kêu gọi cầu nguyện cho Tổng Thống Vladimir Putin sau khi Nga xua quân xâm lăng Ucraina. Tại sự kiện ở Sàigòn, ông ta cũng cầu nguyện cho giới lãnh đạo Việt Nam. Điều này dễ làm cho dư luận quy kết giới lãnh đạo Việt Nam là cùng hội cùng thuyền với Putin.
3. Do bị tiếng tăm, Ông Graham đã không được mời tham dự, đừng nói là phát biểu, tại các sự kiện quan trọng như Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Quốc Tế hoăc Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế.
Thực ra, đây không là lần đầu tiên Ông Franklin Graham tổ chức sự kiện ở Việt Nam. Năm 2018, Ông ta đã được chính quyền Việ Nam tạo điều kiện để tổ chức sự kiện tương tự ở Hà Nội, với 30 nghìn tín hữu Tin Lành tham dự. Dù vậy, tháng 12 vừa qua Việt Nam vẫn bị Hoa Kỳ đưa vào “Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt”. Điều này cho thấy tiếng nói và hành động của ông ta không ảnh hưởng giới làm chính sách của Hoa Kỳ.
Ngược lại, tiếng nói của chính các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo có trọng lượng và mang tính thuyết phục. Đó là lý do BPSOS tạo nhiều cơ hội để các nạn nhân làm nhân chứng. Với sự kiện mới xảy ra ở Tây Nguyên, giờ đây có thêm nhiều viên chức Hoa Kỳ gia nhập hàng ngũ chứng nhân.
Làm sai cách, nhà nước Việt Nam đang tự phơi bày thêm nữa chính sách đàn áp tôn giáo của họ trước quốc tế.
No comments:
Post a Comment