Thursday, March 30, 2023

Liệu có vĩnh biệt tình nhau?


Hồi đi học, tôi “cúp cua” đi xem phim Doctor Zhivago. Trước đó tôi đã đọc bản dịch tiểu thuyết này với tựa đề “Vĩnh biệt tình em” (hình như là bản dịch của Nguyễn Hữu Hiệu).

Mấy ngày Tết vừa qua, nằm nhà xem lại bộ phim kinh điển này. Gọi là kinh điển vì phim phát hành cách nay đã gần 60 năm (năm 1965), hay cả về kịch bản, hình ảnh, diễn xuất, và âm nhạc, không thể tuyệt vời hơn được nữa.

Hai lần xem phim, tôi có hai cảm nhận khác nhau. Khoảng cách giữa hai lần xem cũng 50 năm. Khoảng cách của một đời người với bao cuộc bể dâu.

Lần đầu đọc truyện cũng như xem phim, tôi bị lôi kéo vào tình tiết éo le của hai nhân vật chính, Zhivago và Lara, còn bối cảnh xô đẩy đôi tình nhân này gắn kết và xa nhau, lúc ẩn lúc hiện, tôi không chú ý lắm, nói đúng hơn chỉ hiểu lờ mờ…

Câu chuyện xảy ra vào thế chiến thứ nhất, là liền sau đó là cuộc cách mạng tháng 10 ở Nga. Zhivago và Lara lần đầu gặp nhau ở Moscow trong tình huống không lấy gì vui vẻ lắm. Mẹ của Lara tự vẫn khi biết được nhân tình của bà, một luật sư có thế lực chính trị đã cưỡng hiếp Lara. Dr Zhivago có mặt để cứu bà. Lần đầu gặp mặt chỉ thoảng qua như thế.

Rồi chàng có vợ, nàng có chồng. Zhivago ra mặt trận như một bác sĩ quân y. Hai người gặp nhau ở chiến trường. Giữa khoảng khắc của cái sống và chết, cả hai thầm yêu nhau, nhưng đè nén, không tỏ ra lời. Cả hai đều có bổn phận riêng.

Chiến tranh kết thúc. Hai người chia tay. Liền sau đó cuộc cách mạng tháng 10 xảy ra. Zhivago trở về Moscow. Nơi đây, chàng không thể hội nhập được với bầu không khí cách mạng, bị phê phán là tiểu tư sản, thiếu tinh thần cách mạng. Chịu hết nổi, Zhivago đưa vợ con về vùng quê lánh nạn.

Tại vùng quê, Zhivago và Lara tình cờ gặp nhau ở một thư viện nhỏ. Lần gặp bất ngờ khiến lý trí của cả hai không kịp đối phó. Lò xo bị nén chặt, một khi đã bung ra, thì bung càng mãnh liệt Lara đưa Zhivago về căn nhà nhỏ của nàng, khởi đầu cho những khoảng khắc đẹp nhất của đôi tình nhân này.

Chỉ ít lâu sau, sự giằng co giữa bổn phận và tình yêu trong lòng Zhivago đã lên đỉnh điểm, chàng đến nhà Lara, quyết định nói lời chia tay. Lara vẫn bình tĩnh chấp nhận và chờ đợi. Trên đường về nhà, Zhivago bị quân cách mạng bắt và đẩy ra chiến trường.

Vài năm sau, Zhivago trốn thoát về lại vùng quê thì hay tin vợ con đã trở về Moscow, sau đó bị trục xuất ra nước ngoài vì là con nhà tư sản. Lara vẫn chờ đợi chàng. Đây là khoảng thời gian đẹp nhất của đôi tình nhân. Hương đồng cỏ nội dường như lãng quên số phận, đã làm tình yêu thăng hoa biến anh chàng bác sĩ trở thành thi sĩ. Họ sanh ra dường như để tìm nhau, để yêu nhau và để có nhau…, dù cho số phận đẩy đưa nghiệt ngã, và dù cho bổn phận có che khuất tình yêu đó. Đời người chỉ cần một lần biết yêu thật sự là đủ.

Rồi gã luật sư, nhân tình của mẹ Lara lại tìm đến. Hắn cho biết Lara đang bị truy nã vì chồng cũ của nàng là tên phản bội, phản cách mạng. Vì mạng sống của nàng, Zhivago đã khẩn khoản nàng đi trốn cùng với tên luật sư đó. Họ lại chia tay. Và lần này là chia tay vĩnh quyết, chỉ còn lại hình bóng. Vĩnh biệt tình em!

Zhivago trở về Moscow. Hai mươi năm trôi qua. Một lần ở ga xe lửa, Zhivago thoáng thấy bóng Lara dưới phố, chàng đuổi theo và chết vì đột quỵ ngay sau đó. Lara không hay biết gì. Vài ngày sau, định mệnh đã sắp đặt để Lara tình cờ trông thấy đám tang của Zhivago. Vĩnh biệt tình anh!

Mà liệu đôi tình nhân này có vĩnh biệt nhau được chăng?

Một người có trái tim nhân hậu như Dr.Zhivago phải chết. Nếu là Boris Parternak, tôi cũng để cho nhân vật Zhivago chết. Chỉ có cái chết mới xóa bỏ mọi ngăn cách. Họ sẽ tìm đến nhau như đã từng chờ đợi nhau.

Chỉ những ngày sau năm 75, khi đã nếm mùi Paven trong “Thép đã tôi thế đấy. Tôi nhớ lại những lần bị phê bình vì huýt sao bản nhạc ủy vàng, nhớ những người trong trại cải tạo, những người chết nơi biển cả, những vùng kinh tế mới,.. đọc lại quyển Bác sĩ Zhivago tôi mới thấm thía bối cảnh nghiệt ngã mà đôi tình nhân này trải qua.

Bộ phim tập trung khai thác vào mối tình vừa lãng mạn của Zhivago và Lara nên lược bỏ đi khá nhiều những tình tiết trong thời cách mạng tháng 10 Nga, nhưng cũng đủ để những ai đã từng đọc truyện, xem phim có thể hình dung lại được.

Bên dưới là đoạn phim được xem là hay nhất khi cả hai đang sống bên nhau những ngày êm đẹp nhất, và cũng kết thúc trong bi kịch nhất khi cả hai chia tay. Đôi mắt của cặp diễn viên Omar Sharif và Julie Christie đã nói lên tất cả. Lara ngoái đầu nhìn lại, xe ngựa khuất nẻo, Zhivago chạy lên lầu, đập kính cửa sổ để chỉ nhìn thấy đám bụi mờ. (Vtt)

Vũ Thế Thành




No comments:

Blog Archive