Saturday, March 18, 2023

Nhà thờ ở Sài Gòn, nét độc đáo Tây phương trên nền văn hóa Á Đông

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (ảnh: le-tu-unsplash)

Đô thị Sài Gòn có bốn đặc trưng cơ bản là: Một đô thị sông nước, là đô thị trung tâm kinh tế, là đô thị theo kiểu phương Tây và đô thị đa dạng về văn hóa. Một trong vài điểm nhấn nổi bật của sự đa dạng văn hóa và đô thị phương Tây của Sài Gòn là các kiến trúc công trình Công giáo do người Pháp đưa vào từ nửa sau thế kỷ 19. Những tuyệt tác của một số công trình Công giáo ở Sài Gòn cho chúng ta sự hiểu biết giá trị nhiều mặt của di sản Công giáo, cũng là di sản lịch sử văn hóa của đô thị Sài Gòn.

Vài nét về lịch sử Công giáo ở Sài Gòn
Lịch sử hình thành giáo phận Sài Gòn gắn với dòng lịch sử Nam tiến thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn ở Đàng Trong. Công giáo Việt Nam được chính thức thành lập vào năm 1615 ở Đàng Trong và 1627 ở Đàng Ngoài. Năm 1740, Sài Gòn đã trở thành một giáo khu lớn với cái nôi là Chợ Quán. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, giáo dân miền Nam có điều kiện phát triển. Trước khi Đức cha Bá Đa Lộc đặc trụ sở giáo phận ở Thị Nghè thì Gia Định – Sài Gòn đã có nhiều nhà thờ cổ kính và họ đạo lâu đời như nhà thờ Chợ Quán, Bà Chiểu, Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Chánh, Chí Hòa, Cầu Kho, Thị Nghè…

Trước khi Pháp đánh Sài Gòn – Gia Định (1859), giáo phận Sài Gòn có chừng 23,000 giáo dân, ba thừa sai Pháp và 16 linh mục Việt. Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, nhiều nhà thờ đã được xây dựng như nhà thờ Chợ Quán, Thị Nghè, Tân Định, Cầu Kho, Hạnh Thông Tây… Sau Hòa ước Giáp Tuất, dưới thời Đức cha Dominique Lefèbvre (1810-1865) và Isidore Colombert (1838-1894), nhiều công trình Công giáo kiên cố, đồ sộ mọc lên khắp nơi. Qua nhiều lần trùng tu các công trình kiến trúc này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Tổng giáo phận Sài Gòn hiện có 21 giáo họ đã trên 100 năm thành lập: Chợ Quán – 1723; Chí Hòa – 1771; Thánh Gẫm (Gò Công – 1848); Xóm Chiếu – 1856; Chợ Đũi (Huyện Sĩ) và Thủ Thiêm – 1859; Tân Định – 1861; Cầu Kho và Bà Điểm – 1863; Phanxico (Cha Tam) – 1865; Chợ Cầu – 1869; Vĩnh Hội – 1875; Sài Gòn 1877; Thủ Đức – 1879; Tân Quy và Tắc Rỗi – 1880; Bình Chánh – 1884; Thị Nghè và Gò Vấp – 1888; Long Đại – 1990; và Hạnh Thông Tây – 1910.

Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn
Nhà thờ Đức Bà, số 1 Quảng trường Công xã Paris, quận 1 là nhà thờ Chính tòa của Tổng giáo phận Sài Gòn. Nhà thờ Đức Bà– một tuyệt tác kiến trúc Roma – Gothic nằm ngay trung tâm đô thị Sài Gòn.

Khi đang làm Giám mục Tây Đàng Trong, Đức cha Isidore Colombert mong muốn xây dựng một thánh đường lớn xứng với đô thị Sài Gòn. Sáng kiến này được Thống đốc Nam kỳ Guy Victor Auguste Duperré ủng hộ. Tháng Tám 1876, kiến trúc sư J. Bourard là người chiến thắng trong cuộc thi tuyển thiết kế và chọn nhà thầu xây dựng do Thống đốc Duperré tổ chức. Nghi lễ đặt viên đá đầu tiên được Giám mục giáo phận Tây Đàng Trong Isidore Colombert thực hiện vào ngày 7 Tháng Mười 1877.

Đến ngày 11 Tháng Tư 1880, Đức cha Colombert cử hành thánh lễ làm phép và khánh thành nhà thờ. Tên gọi lúc đầu là Nhà thờ Nhà Nước vì tất cả kinh phí do nhà nước Pháp chu cấp, các vật liệu chính để xây dựng đều được vận chuyển từ Pháp sang. Năm 1884, nhà thờ này được gọi là Nhà thờ Sài Gòn. Công trình khi mới hoàn thành chỉ có hai tháp chuông vuông. Ngày 26 Tháng Mười Hai 1894, hai chóp tháp nhọn được đưa vào bên trên tháp chuông theo thiết kế của kiến trúc sư Fernand Gardes. Công việc hoàn thành vào ngày 28 Tháng Hai 1895.

Ở khuôn viên trước nhà thờ vào năm 1902, chính quyền Pháp đặt tượng đài Đức cha Bá Đa Lộc dẫn Hoàng tử Cảnh. Năm 1959, cha Phạm Văn Thiên cho tạc tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng đá cẩm thạch. Tượng do nhà điêu khắc G. Ciocchetti tạc ở Ý rồi đưa về Sài Gòn ngày 15 Tháng Hai 1959 đặt trên bệ cũ nơi đã dựng tượng Bá Đa Lộc trước đây ở phía trước nhà thờ. Vào ngày 13 Tháng Mười Một 1963, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII nâng nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn lên hàng Vương cung thánh đường với tên gọi Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đây là Vương cung thánh đường đầu tiên ở Việt Nam.

Nhà thờ Chợ Quán
Chợ Quán là họ đạo cổ xưa nhất nhưng ngôi nhà thờ Chợ Quán hiện tại (tọa lạc ở 120 Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5) không phải là nhà thờ cổ nhất Sài Gòn. Họ đạo Chợ Quán đã nhiều lần xây dựng mới, trùng tu nhà thờ trong suốt thế kỷ 18 và 19. Năm 1862 đến năm 1896, cha Toma Đoan cùng giáo dân tái xây dựng ngôi thánh đường với nhiều lần trùng tu và xây thêm, chính là nhà thờ hiện nay. Nguyên mẫu của nhà thờ Chợ Quán khi được khánh thành vào ngày 16 Tháng Hai 1896 không có phần chóp. Phần chóp tháp với bốn tháp nhỏ ở bốn góc và đỉnh tháp chuông là thánh giá được thêm vào bên trên tháp chuông vào năm 1926.
Nhà thờ Chợ Quán (Facebook Giáo xứ Chợ Quán)

Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Gothic cổ kính với mái vòm cong, nhiều cổng vòm cao được chống đỡ bằng các cột trụ lớn nhỏ, hoa văn trên các hàng cột to độc đáo. Nổi bật ở phần mặt tiền đứng là một tháp cao vút uy nghi. Tầng dưới cùng là cổng chính bước vào nhà thờ. Bên trên cổng chính có hình thánh giá, dòng chữ ghi năm khánh thành nhà thờ và một số họa tiết trang trí. Mặt trước các tầng tiếp theo có những ô cửa cuốn vòm và nhiều lam gió vừa để lấy ánh sáng vừa trang trí tôn lên nét đẹp mặt tiền. Ba tầng trên là tháp chuông gồm: Tầng kéo chuông, tầng đặt chuông và tầng mái trên cùng với năm quả chuông được đúc từ Pháp.

Nhà thờ Cha Tam
Vào ngày lễ thánh Phanxicô Xaviê 3 Tháng Mười Hai 1900, giám mục địa phận Sài Gòn Lucien Mossard đã đến làm phép đặt viên đá đầu tiên xây ngôi thánh đường dành cho người Hoa và Lễ Cung Hiến trọng thể vào ngày 10 Tháng Một 1902. Nhà thờ tọa lạc tại số 25 Học Lạc, phường 14, quận 5 ngày nay. Nhà thờ này cũng được gọi là nhà thờ người Hoa hay nhà thờ Chợ Lớn.
Nhà thờ Cha Tam (ảnh: Nguyễn Công Hiển)
Nhà thờ Cha Tam (ảnh: Nguyễn Công Hiển)

Mô hình nhà thờ do cha Huỳnh Tịnh Hướng vẽ và cũng là người phụ giúp cha Tam trông coi việc xây dựng. Riêng mặt tiền và lầu chuông thì do cha Pianet vẽ. Tháp nhà thờ treo bốn chuông trong đó có một chuông do đại phú hào Nam Kỳ là ông Huyện Sĩ dâng cúng.

Công trình xây cất theo nghệ thuật kiến trúc Gothic, trong nhà thờ còn trang trí những tấm hoành phi và các tấm liễn viết những chữ có ý nghĩa về đạo, văn hóa hay phong tục. Các tấm liễn là những câu đối khắc trên gỗ treo trên cột hay tường giống như ở đền miếu của người Hoa. Nhà thờ Cha Tam là một nhà thờ cổ có kiến trúc lạ bậc nhất Sài Gòn với phong cách Gothic kết hợp với những yếu tố văn hóa đặc trưng của người Hoa.

Nhà thờ Jeanne d’Arc
Nhà thờ khởi công xây năm 1922 do chính cha Huỳnh Tịnh Hướng thiết kế và khánh thành vào ngày 30 Tháng Năm 1928. Sau khi khánh thành, ngôi thánh đường mới (địa chỉ 116A, Hùng Vương, phường 9, quận 5) nằm tại địa thế rất đẹp, nơi ba con đường Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự và Nguyễn Chí Thanh (trước 1975 là đường Trần Hoàng Quân) đan chéo nhau chia thành sáu hướng đi, vì vậy mà nhà thờ còn có tên là nhà thờ Ngã Sáu với tên hiệu Thánh đường Jeanne d’Arc.
Nhà thờ Jeanne d’Arc (ảnh: Nguyên Hưng)

Nhà thờ được thiết kế theo kiến trúc Gothic. Tượng nữ thánh Jeanne d’Arc tay cầm cờ cao khoảng một mét, lúc đầu đặt trong cung thánh nhà thờ, đến thập niên 1980, bức tượng được đem ra đặt phía trên vòm cổng tiền sảnh. Bức tượng thánh Jeanne d’Arc này và tượng Đức Mẹ và Chúa Kitô Vua bằng cẩm thạch trắng của Ý do những người Pháp Ấn dâng cúng năm 1928.

Mặt đứng chính nổi bật với phần tháp chuông phía trước cao vút. Hai bên tháp chuông chính giữa còn có hai tháp phụ thấp và nhỏ hơn, phía trước tháp có các lam gió hình chữ nhật. Trên đỉnh của ba ngọn tháp có chóp mái vòm cong màu xanh tạo điểm nhấn khác lạ so với gam màu vàng của tổng thể nhà thờ. Đỉnh chóp của tháp chính là cây thánh giá, còn đỉnh chóp hai tháp phụ là tượng thiên thần truyền tin Micae đang cầm loa hướng về hai phía như đang loan thông điệp. Bên trong tháp chuông chính đặt năm quả chuông được đúc năm 1930, bên trên các quả chuông ngoài các hoa văn chạm khắc còn có tên những người đã hiến tặng.

Nhà thờ Tân Định
Nhà thờ tọa lạc tại số 289 Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3 với tên hiệu Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Họ đạo Tân Định được thành lập rất sớm – năm 1860. Đến năm 1864, người ta xây dựng ngôi thánh đường đầu tiên với tên gọi là Nhà thờ An Hòa. Ngôi nhà thờ xây xong vào ngày 17 Tháng Tư 1864 do Đức cha Dominique Lefèbvre khánh thành.

Vào năm 1874 – 1876, cha Donatien Eveillard cho xây cất ngôi nhà thờ mới khang trang rộng rãi hơn. Đây là phần cốt lõi của nhà thờ Tân Định ngày nay. Từ Tháng Tư 1928 đến Tháng Mười Hai 1930, cha Nguyễn Bá Tòng cho xây tháp chuông. 

Đặc biệt, ngày 6 Tháng Một 1929, ông François Haasz và người vợ Việt Nam Anne Tống Thị Mực dâng tặng 50,000 quan cho việc trang trí cẩm thạch Ý bàn thờ và các bên mặt bàn thờ mà ngày nay được xếp hạng trong số các trang trí nổi bật nhất của nhà thờ ở Sài Gòn. 

Năm 1957, nhà thờ được tân trang và sửa chữa với màu hồng nổi bật, chính vì vậy mà nhà thờ còn được gọi là “Nhà thờ Hồng”.
Nhà thờ Tân Định (ảnh: jet-dela-cruz-unsplash)

Tháng Mười Hai 1976, để kỷ niệm 100 năm xây dựng, nhà thờ được sơn lại và chỉnh sửa, tu bổ một số hạng mục. Với màu hồng đặc trưng, tháp chuông cao vút của nhà thờ Tân Định luôn nổi bật trên nền trời xanh thẳm trông rất đẹp mắt. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic kết hợp Roman, pha chút Baroque ở những nét trang trí.

Nhà thờ Huyện Sĩ – Chợ Đũi
Nhà thờ Chợ Đũi tọa lạc tại số 1 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Giáo xứ được thành lập năm 1859. Ông bà Lê Phát Ðạt, tức Huyện Sỹ, ông ngoại Nam Phương hoàng hậu, đã hiến hơn một mẫu đất và 1/7 tài sản để xây cất nhà thờ. 

Cha Bouttier, một kiến trúc sư có tài đã thiết kế nhà thờ và khởi công xây dựng nhà thờ từ năm 1902 – 1905. 

Ông Huyện Sỹ qua đời năm 1900, vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài mất năm 1920, hai ông bà được đưa vào chôn ở gian trái sau cung thánh. Bên trong mộ phần, hai bức tượng toàn thân ông bà được điêu khắc nguyên khối bằng đá cẩm thạch rất tinh xảo đến từng chi tiết, sống động như hai ông bà đang nằm ngủ.
Nhà thờ Huyện Sĩ khoảng năm 1940-1950 (file photo)

Ban đầu nhà thờ có tên là Nhà thờ Chợ Đũi hay Nhà thờ Thánh Philip. Tuy vậy, dân gian vẫn gọi là Nhà thờ Huyện Sỹ như một cách nhớ ơn ông và dần trở thành tên chính thức của nhà thờ này. Tháp chuông chính cao 57 m kể cả chiều cao thánh giá và con gà trống Gaulois. Bên trong ngọn tháp có bốn quả chuông được đúc từ Pháp năm 1904. Kiến trúc nhà thờ theo phong cách Gothic, tường có nhiều cửa sổ vòm nhọn và được trang trí bằng kính màu được mua từ Ý. Trên vòm cửa chính có tượng Thánh Philip bổn mạng nhà thờ bằng đá cẩm thạch, đứng cầm cây thánh giá Phục sinh mà nhiều người rất dễ làm tưởng đó là tượng Chúa Giêsu Phục sinh.

Chủng Viện Thánh Giuse
Chủng viện Giuse Sài Gòn đã trải qua dòng lịch sử gần 160 năm (1863 – 2022). Vào năm 1862, Đức cha Dominique Lefèbvre được chính quyền cấp cho một khu đất ở Thị Nghè (nay là khu vực Bến Nghé, quận 1) để xây chủng viện. Việc xây dựng ngôi nhà đầu tiên của chủng viện kéo dài từ 1863 – 1866. Ngôi nhà đầu tiên này hiện là Nhà truyền thông Giáo Phận.

Từ năm 1867 – 1871, cha Wibaux tiếp tục cho xây nhà nguyện chủng viện. Nhà nguyện được trang trí với họa tiết rất tinh xảo. Đến năm 1932, vì số lượng chủng sinh gia tăng nên Đức cha Dumortier cho cất thêm khu nhà mới hai lầu nay là khu D trong khuôn viên Chủng viện Giuse. Năm 1961, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình cho trùng tu và xây thêm những dãy nhà mới. Và năm 2012, Đức hồng y Phạm Minh Mẫn xây ngôi nhà mới dịp kỷ niệm 150 năm thành lập chủng viện.

Dòng Saint Paul de Chartres
Dòng Saint Paul de Chartres đặt chân đến Sài Gòn vào năm 1860. Đây là những nữ tu ngoại quốc đầu tiên có mặt ở Sài Gòn. Tháng Chín 1864, Mẹ bề trên Benjamin khởi công xây cất nhà giám tỉnh tại khu đất Đường Thành (Rue de la Citadelle – tức đường Cường Để trước 1975).
Nhà Dòng Saint Paul de Chartres (conggiaovietnam.net)

Đây là khu vực yên tĩnh, không khí thoáng mát với nhiều cây xanh. Ngày 18 Tháng Bảy 1864, Đức cha Lefèbvre chủ tọa khánh thành tu viện, đến Tháng Mười 1864 hoàn tất ngôi nhà nguyện khang trang với kiến trúc theo lối Tây Phương. Tên gọi ban đầu của tu viện là La Sainte Enfance (Thánh Hài Đồng). Đây là cơ sở Công giáo đầu tiên được xây dựng quy mô và to lớn. Công trình này càng đặc biệt khi người thiết kế và chỉ huy thi công là Nguyễn Trường Tộ. Tu viện giống lối kiến trúc của Ý có khuôn viên rộng lớn pha lẫn với nghệ thuật trang trí của người Việt. Năm 2009, toàn bộ tu viện được trùng tu lại.

***
Văn hóa đô thị có hệ thống biểu tượng riêng của nó. Biểu tượng đô thị góp phần làm nên sự phong phú và đa dạng của đời sống đô thị, làm nên sức hút và hồn của thành phố. Biểu tượng đô thị định hình theo thời gian sẽ tạo nên bản sắc đô thị, “cái hồn của đô thị”. Đánh mất đi cái hồn đô thị, đô thị chỉ là xác sống, trần trụi và vô cảm. 

Các công trình kiến trúc nhà thờ đều là những công trình có niên đại sớm, độc đáo và đặc biệt hòa hợp với cảnh quan thành phố Sài Gòn, với nét độc đáo, tinh tế của kiến trúc Roman, Gothic, Baroque… trong sự hòa hợp với văn hóa Á Đông, góp phần kiến tạo nên biểu tượng đô thị Sài Gòn.

Nguyễn Thị Hậu
5 tháng 3, 2023

TÀI LIỆU THAM KHẢO

-Bùi Văn Nho (1972), Những trang sử đẫm mồ hôi của họ đạo Cholon Vietnam, Saigon.

-Cao Thế Dung (2002), Việt Nam Công giáo sử tân biên 1553 – 2000, bộ ba quyển, Cơ sở Dân Chúa.

-Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (2010), Dấu ấn 350 năm Giáo hội Công giáo Việt Nam, NXB Phương Đông.

-Huỳnh Minh (1973), Gia Định xưa và nay, Saigon.

-Giáo xứ Chợ Quán (1996), Lịch sử họ đạo Chợ Quán 1723 – 1996, Lưu hành nội bộ.

-Nguyễn Hồng Dương (2003), Nhà thờ Công giáo Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội.

–Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn qua dòng thời gian 1880 – 2015, NXB Tôn giáo.

–150 năm Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn 1863 – 2013, NXB Tôn giáo.

No comments:

Blog Archive