Wednesday, March 29, 2023

Nghịch tử

30/4/1975, cộng sản xâm chiếm miền Nam Việt Nam. Những tệ nạn xã hội lúc đó đều bị chính quyền mới quy chụp là “ tàn dư Mỹ Nguỵ”. Gần nửa thế kỷ trôi qua từ ngày “giải phóng miền Nam”, các tệ nạn không chỉ ở ngoài xã hội, mà còn len lỏi vào những mái gia đình. Trách nhiệm lúc này thuộc về ai? Và sẽ mang tên gọi là gì?

Tất cả câu chuyện dưới đây là có thật, rất thật, mà BC góp nhặt và ghi lại. Chắc chắn, những câu chuyện này không thể phản ảnh hết nỗi đau của người trong cuộc, mà chỉ là một khía cạnh nào thôi. Chừng ấy cũng đủ nhói lòng…

Câu chuyện thứ nhất
Khi ông vừa loay hoay đổ xong muỗng thuốc cho bà, thì vợ chồng thằng Sáu đến. Hà, vợ thằng Sáu đặt túi trái cây lên bàn, đon đả:

– Chúng con có mấy trái cam biếu ba má ăn lấy thảo.

Ông khoát tay:
– Đến thăm ba má là được rồi. Bày vẽ làm gì.

– Má sao rồi, ba?

Ông nắm bàn tay gầy trơ của bà:
– Má con yếu lắm.

Câu nói của ông như rơi vào khoảng không. Vợ chồng thằng Sáu cứ nháy nhó nhau, rồi nhìn ông.

Cảm nhận có điều bất thường, ông lên tiếng:
– Tụi con có chuyện gì mà đến trễ quá vậy?

Thằng Sáu ngập ngừng:
– Con được cơ quan đề cử đi Mỹ khảo sát thị trường. Nhưng con đi phỏng vấn thì bị từ chối…

– Sao họ lại từ chối con?

Hà chen vào:
– Dạ, họ cần tài sản thế chấp, để bảo đảm anh Sáu không trốn ở lại. Mà anh Sáu không có. Vậy nên họ không chịu.

Sáu đi thẳng vào vấn đề:
– Con muốn xin ba má sang tên nhà này cho con để đáp ứng yêu cầu của họ. Xong chuyện rồi con sẽ làm thủ tục hoàn trả nhà cho ba má liền.

– Để bữa nào má đỡ đỡ một chút, ba sẽ nói với má.

Hà khẩn khoản:
– Không đợi được đâu ba. Phải làm gấp mới được.

Sáu thuyết phục:
– Tụi con sẽ mướn xe 16 chỗ, rộng rãi đủ cho má nằm. Ba má chỉ cần có mặt ở Phòng Công chứng thôi, mọi việc dịch vụ người ta lo hết.

Ông buồn bã nhìn bà thiêm thiếp trên giường:
– Con cứ sắp đặt mọi việc đi. Ba má lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ con cái thôi.

Sáu hớn hở kéo tay vợ đứng lên:
– Vậy sáng mai con cho xe đón ba má đi. Giờ vợ chồng con về cho ba má nghỉ ngơi nghe.

Nước luôn đổ từ trên cao xuống. Lòng cha mẹ thương con như biển trời và không đòi hỏi sự báo đáp của con cái. Ông vẫn biết vậy. Nhưng ông không biết cái gật đầu của ông ngày ấy là một quyết định sai lầm, mà ông phải trả giá bằng những giọt nước mắt nuốt ngược vào lòng trong suốt quãng đời còn lại. Bệnh bà ngày càng trở nặng. Và như ngọn đèn dầu cạn kiệt, bà trút hơi thở cuối cùng. Trên chuyến đò đưa linh cữu bà về quê, ông lặng lẽ ngồi nhìn ảnh bà, rồi nhìn những giề lục bình dập dềnh trôi theo sóng nước. Mới ngày nào, cũng trên dòng sông này, ông đã gặp bà. Thời gian đã trôi quá nhanh. Bao nhiêu năm rồi. Để bây giờ trở lại đây, chỉ còn một mình ông bên áo quan bà. Ông vuốt ve bức ảnh bà bằng những ngón tay run rẩy. Trái tim già nua của ông quặn lên khi nghĩ đến ngày mai, trên con đò ngược dòng, ông sẽ cô độc về lại ngôi nhà hiu quạnh. Còn bà sẽ ở lại mãi mãi góc quê này.

Cơn bệnh ung thư của ông đã vào giai đoạn cuối. Bác sĩ chỉ cắt bỏ bàng quang mà không thực hiện tái tạo, vì sức khỏe ông không đủ chịu đựng thêm một phẫu thuật nào nữa. Ông đành phải mang hai túi nước tiểu được nối vào hai ống bên người.

Sáu không đậu phỏng vấn, cho dù đã được ông bà sang tên nhà và có tài sản thế chấp. Nhân viên đại sứ Mỹ rất sáng suốt. Họ đặt nghi vấn khi thấy ngày sang nhượng tài sản và ngày tái phỏng vấn rất sát sao. Hồ sơ của Sáu một lần nữa bị bác, vì nơi đây không chấp nhận sự gian dối. Nhưng nó không làm thủ tục hoàn trả nhà cho ông bà và ông cũng không còn tâm trí nào nhớ ra việc đó.

Rồi một ngày, Sáu đến nhà, ngang nhiên bảo:
– Ba lo kiếm chỗ nào dọn ra, trả lại nhà này cho con.

– Mày ăn nói với ba kiểu gì vậy hả? Chị Hai lớn tiếng mắng nó.

Sáu trợn mắt lớn tiếng không kém:
– Cả bà nữa, cũng dọn đi luôn với ổng. Giấy tờ nhà đứng tên tôi đó.

Ông giận run người, ly nước cầm trên tay rớt xuống nghe một tiếng “choang”:
– Con xin ba sang tên nhà giúp con đi phỏng vấn. Mà… mà bây giờ con nói nhà của con là… là sao?

Sáu đập bàn cái rầm:
– Nhà này mang tên tui là của tui. Ông có ngon thì kiện đi, xem ai thua cho biết.

Thằng con bỏ đi rồi mà ông vẫn còn ngồi thảng thốt.

“Ông có ngon thì kiện đi…”

“Nhà này mang tên tui là của tui…”

Những câu nói hằn học như những nhát búa bổ vào đầu ông. Ông nghe đầu mình nhức nhối như muốn vỡ tung ra. Ngước nhìn bức ảnh bà đặt ở đầu giường, ông rưng rưng hỏi:

– Chuyện gì đã xảy ra vậy bà? Là vợ chồng mình đã sai ở chỗ nào để ra nông nỗi này, hả bà?

Hình như bà đang lắc đầu buồn bã. Ừ, bà cũng có biết gì đâu. Ngày ra công chứng, bà ngồi thiêm thiếp trên xe lăn. Người của dịch vụ cầm lấy ngón tay bà ấn vào hộp mực, rồi lăn ngón tay bà lên giấy. Công việc của thằng con quan trọng hơn sức khỏe của mẹ nó. Nhưng ông bà không chấp nhất gì đâu, miễn là giúp được cho con.

Mà, cuối cùng sao lại thế này…

Trát toà án gửi đến. Ông quay cuồng trong những diễn biến dồn đập. Những người quen đã giúp ông tìm được một luật sư tốt. Thương cảm cho hoàn cảnh của ông, luật sư bào chữa miễn phí. Hàng xóm phường 4 quận 5 TP.HCM biết chuyện, xót xa viết bản kiến nghị cho ông kèm vào hồ sơ. Nhưng luật pháp dựa trên chứng hơn cung, nhất là khi bộ sậu thẩm phán đã được thằng Sáu lót tay kha khá. Vậy nên toà phán quyết ông thua trắng cũng là tất nhiên.

Luật sư đến bên ông an ủi:
– Thôi bác đừng buồn. Khi nhận vụ kiện này, cháu đã sớm biết trước là khó mà thắng được, khi bác không có gì trong tay, mà hệ thống toà án và luật pháp mình không vận hành theo cán cân công lý.

Con Hai dìu ông ngồi xuống băng đá trước toà án nhân dân thành phố, chờ thằng Bảy gọi xe taxi đưa ông về. Gia đình thằng Sáu với vợ và hai con nó chạy xe gắn máy ngang qua chỗ ông, cười nói hân hoan rổn rảng, phớt lờ như không có sự tồn tại của ông. Ông nhìn trân trân về phía trước. Là con và cháu ông đó sao. Đứa con ông bà đã sinh và nuôi nấng đến khôn lớn, dạy cho nó nghề điện của ông, rồi dựng vợ gả chồng. Hai đứa cháu ngày nào đã quấn quýt bên ông bà, những lúc bệnh hoạn ba mẹ nó lại ẵm đến nhờ ông bà trông coi hộ. Chúng nó được nuôi dưỡng từ gia đình, nhưng lại được xã hội này dạy dỗ thành những con người không nguồn cội. Hình như đã xa lắm rồi cái thời “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy “.

Mây đen giăng kín cả bầu trời. Mưa bắt đầu rơi và nặng hạt dần. Gió thổi mạnh cuốn theo những chiếc lá úa lìa cành bay vờn lặng lẽ trong cuối chiều hiu hắt.

“Vì chủ nghĩa nhân đạo của đảng và nhà nước ta”, thẩm phán quyết định thằng con sẽ hỗ trợ ít tiền cho ông rời nhà, sau khi “trao trả” căn nhà mà ông đã mất công sức cả đời gầy dựng cho gia đình thân yêu của mình.

Căn nhà đó, chính tay ông và bà chọn từng mẫu gạch. Gạch lót sàn nhà có vân xanh trắng như mây. Gạch men ốp tường phòng tắm màu trắng xen kẽ vài viên hồng, vàng, xanh cho lũ con vui mắt. Căn nhà đó, để đủ tiền hoàn thiện, ông đã nhận thêm nhiều công trình, làm việc không biết ngơi nghỉ đến nỗi bị lao lực và ho ra máu. Căn nhà đó, cuối ngày làm việc trở về, ông đã nhìn đám con đùa vui chạy nhảy tung tăng từ phòng này sang phòng khác,mà quên cả mệt nhọc. Căn nhà đó, đêm cuối cùng trước khi rời đi, ông đã thức trắng, chong mắt soi từng góc cạnh, miết tay trên từng cánh cửa, chấn song. Ông chập chững bước thấp bước cao lên xuống từng bậc thang nghe lòng mình đau như bị cắt muôn ngàn mảnh vụn. Dù đèn tắt hết, trong bóng tối ông vẫn hình dung rõ khung cảnh, màu sắc, cấu trúc của từng phòng. Như kẻ mộng du, ông loanh quanh ngôi nhà mình suốt đêm và rã rời buông mình xuống giường khi bình minh ló dạng. Trái tim ông đập thình thịch, thình thịch trong lồng ngực. Lập cập, ông ngồi dậy, khoác áo lạnh, run run với tay cầm lấy di ảnh bà và cây gậy, lê từng bước chân nặng nề ra cửa, không một lần nhìn lại. Ông cố ghìm lòng không khóc mà mắt cứ nhòe đi.

Con Hai chạy theo nắm lấy tay ông. Hai cha con lủi thủi rời ngôi nhà thân yêu. Cuối cuộc đời, ông làm kẻ không nhà. Sau lưng họ, có tiếng thằng Sáu đóng sầm cửa lại.

*
Câu chuyện thứ hai
Bà sinh ra trong gia đình lao động. Nhà nghèo lắm, cái ăn cái mặc còn phải bôn ba, lấy đâu tiền mà ăn học như người ta. Rồi bà lập gia đình. Chồng bà cũng nghèo xơ nghèo xác. Đúng nghĩa “một mái nhà tranh, hai quả tim vàng”. Được cái hai vợ chông cần cù chịu khó, nên cũng tích cóp mua miếng đất ở ngoại thành cất nhà. Ngày đó, vùng ven đô còn hoang sơ lắm, nên đất đai cũng rẻ. Năm đứa con lần lượt ra đời, có chỗ ăn, chỗ trú mưa trú nắng, được đến trường học, không mù chữ như vợ chồng bà. Cuộc sống tuy không giàu có, nhưng với ông bà, đã là hạnh phúc lắm.

Con cái lần lượt lấy vợ lấy chồng ra riêng. Khi ông mất rồi, một mình bà lủi thủi trong căn nhà vắng. Không đứa nào lên tiếng đem mẹ về phụng dưỡng. Cũng không đứa nào để tâm coi mẹ già sống thế nào. Cũng hơi chạnh lòng một chút, nhưng quen tự lập từ nhỏ, bà không nhờ vả đứa nào. Bà ngăn phòng cho mướn, kiếm đồng ra đồng vào và để có người bầu bạn.

Rồi một ngày, đứa con gái lớn tên Hà bị vỡ nợ, dẫn chồng và 10 đứa con lúc nhúc, trở về xin bà cho tá túc. Ừ, thì con bà mà. Nó đã sa cơ lỡ vận, thì bà giúp thôi. Lòng nào đuổi nó ra đường. Ở được một thời gian, Hà ngỏ ý với bà:

– Má à, con định kiếm việc gì làm ăn, như là bỏ mối hàng chợ chẳng hạn, để có chút tiền nuôi tụi nhỏ.

Bà vừa đấm đấm tấm lưng còng vừa nói:
– Ừ, liệu mà kiếm cái gì làm đi con. Thấy vợ chồng bây chẳng có công ăn việc làm gì, má cũng rầu lắm.

– Mà ngặt nỗi, muốn mua bán gì thì cũng phải có chút vốn. Hà ngập ngừng.

– Con nhờ má đứng tên thế chấp vay giùm con 50 triệu nghe má. Giúp con lần này nghe má.

Bà chép miệng. Nghĩ cũng tội. Không giúp nó vay thì tiền đâu nó có mà làm ăn nuôi con nuôi cái.

– Má là má vì đám cháu ngoại. Chớ như thằng chồng mày thì má bỏ mặc cho tụi bây chết đói. Ai đời đã nghèo mà chẳng chịu thương chịu khó chút nào hết.

Hà mừng rỡ:
– Vậy là má chịu rồi nghe má.

Hà đưa bà tới phòng công chứng làm thủ tục. Bà không biết chữ, và phòng công chứng cũng không đọc lại nội dung trước khi đưa cho bà ký. Tin con, bà vẫn đinh ninh là bà đang làm giấy thế chấp vay tiền cho nó. Nên khi lăn tay và đặt bút xuống ký tên, bà vô tình không biết mình đã chính thức trao hết tài sản cho con gái.

Kể từ đó, Hà thay đổi hoàn toàn thái độ. Những khi có gì trái ý, Hà mắng chửi bà thậm tệ. Thấy con gái ngày càng quá quắt, bà giận đòi đuổi nó ra khỏi nhà. Lúc ấy, Hà trắng trợn lật bài ngửa với mẹ:

– Nhà này sang tên tui rồi. Bà mới là người phải đi đó, bà già. Không tin hả? Bà cứ lên phường mà hỏi.

Tức mình, bà lớn tiếng:
– Được rồi. Để tao lên ủy ban, xong rồi về nói chuyện với mày.

Lúc ra đến ủy ban nhân dân Phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, bà mới ngã ngửa, hóa ra hôm nọ không phải bà ký tên vay nợ cho con, mà là ký tên chuyển nhượng nhà cho nó. Bà bủn rủn tay chân, một mực nói mình bị con lừa, chứ không hề có ý định đó. Nhưng giấy trắng mực đen rõ ràng, làm sao thay đổi được. Bà mang nỗi ấm ức trong lòng, rồi nghĩ đi nghĩ lại, dù sao nó cũng là con gái bà. Nhà mang tên con hay tên mẹ thì cũng vậy thôi. Có phải người ngoài đâu, cũng ruột rà máu mủ thôi mà.

Từng tuổi này, bà vẫn không hiểu. Mà, làm sao một người chất phác như bà bà hiểu được xã hội nhiễu nhương này, rằng cái gì của cha mẹ đều là của con cái; nhưng cái gì của con cái thì chưa chắc là của cha mẹ.

Mỗi lần bực mình, Hà đều mắng chửi và đuổi mẹ đi. Trong một lần tranh cãi với con, bà giận dỗi bỏ nhà đi mấy hôm. Bà tưởng rằng khi trở về, con gái sẽ hối hận mà bớt lời với mẹ, không dám hắt hủi mẹ nữa. Nhưng nào ngờ đâu, vừa thấy mặt bà, Hà đã chỉ tay đuổi thẳng:

– Đi luôn đi cho rảnh nợ. Còn vác mặt về đây làm gì nữa, hả!

Hai ba ngày lang thang ngoài đường, sống vất va vất vưởng như kẻ bụi đời. Giờ về nhà mình, bị chính con mình đối xử như thế, bà đau lòng và uất ức lắm. Cái giận làm bà mất khôn. Đợi mọi người ngủ trưa, bà ra cây xăng mua một bình xăng về, tưới lên xe máy, bật lửa đốt, rồi bỏ đi. Không được học hành tử tế, cả đời chỉ biết tần tảo, làm sao bà hiểu được hành động nông nổi đó là vi phạm luật pháp.

Bà đi bán vé số dạo để sinh sống, ăn bờ, ngủ bụi, như kẻ tứ cố vô thân. Đêm đến, bà tìm mái hiên nào đó làm chỗ trú. Những lúc mưa dầm, bà ngồi nép vào một góc, người ướt nhèm nhẹp, hai hàm răng chỉ còn trơ lợi, đánh vào nhau cầm cập.

May mà sau đó, có người biết hoàn cảnh của bà, thương hại cho bà che tấm bạt trước sân nhà họ làm nơi tạm trú và cho bà dùng chung nguồn nước. Trong “nhà” của bà chỉ chỏng chơ một cái võng, một túi ni lông treo đựng vài bộ quần áo cũ, một túi khác đựng nồi và chén đũa. Tất cả nhìn nhếch nhác đến thảm thương.

Dù căn nhà không bị thiệt hại nhiều vì đám cháy được kịp thời dập tắt, không lan sang hàng xóm, nhưng sự việc vẫn bị quy án và chuyển sang phòng cảnh sát truy nã tội phạm của công an thành phố. Tổ trinh sát đến nhà các người con khác để tìm bà, nhưng bà không ở với họ. Do hành tung của bà bất định, lại không có bà con thân thuộc, nên phải mất nhiều ngày họ mới lần đến nơi bà trú ẩn.

Hai trinh sát đến tiếp cận bà. Bà vui vẻ theo họ lên xe về đồn vì tin tưởng chính quyền sẽ làm sáng tỏ sự oan khuất của bà, không chút nghi ngờ gì. Nhưng đến nơi, bà mới biết mình là tội phạm bị truy nã. Bà gào khóc và lao vào đánh người trinh sát bằng đôi tay yếu ớt vì quá uất ức:

– Con tui nó cướp nhà tui, sao các chú không bắt, mà bắt tui? Sao mà ác nhơn sát đức quá vậy hả trời?

Phiên toà TP. HCM hôm đó, là một phiên toà đặc biệt. Vì nhìn thoáng qua, người ta chỉ thấy có bồi thẩm đoàn và công an. Hàng ghế thân nhân bỏ trống. Năm đứa con của bị cáo không đứa nào có mặt. Và bà già tên Nga đó, nhỏ thó, gầy trơ, gương mặt khắc khổ, ngồi lọt thỏm tội nghiệp trong chiếc ghế bị cáo. Lẻ loi giữa những người đại diện cho luật pháp, cầm cân công lý, bà thảng nghe tiếng được tiếng mất những lời phán quyết cho mình. Hội đồng xét xử nhận định:

– Bị cáo đã già yếu, hành vi đốt nhà cũng xuất phát từ lỗi của bị hại (là con gái của bà). Do bên bị hại đã bãi nại, nên sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt.

Toà tuyên xử bà hai năm tù, cho hưởng án treo, tội danh Huỷ hoại tài sản công dân.

Nghe toà tuyên án, bà lặng người đi một lúc. Từ hai hốc mắt già nua, dần dần tuôn chảy những dòng nước mắt xót xa. Luật pháp không đứng về phía bà. Bây giờ bà là tội phạm, không nhà cửa. Con gái bạc đãi, con trai không đoái hoài. Bà sẽ đi về đâu những ngày cuối cuộc đời này…

Chẳng ai biết bà lưu lạc nơi nào. Ai mà để ý một bà già lụm cụm bán vé số giữa biển người tấp nập. Nhiều lúc nép bên hiên nhà người ta trú cơn mưa tầm tã, bàn tay gầy nhăn nheo run rẩy vuốt khuôn mặt ướt đầm, không biết vì mưa hay vì nước mắt, bà chạnh lòng nghĩ đến những đứa con. Làm sao không thương không nhớ, khi bà đã rứt ruột sinh ra và chăm nuôi từng đứa, từ lúc chúng lọt lòng cho đến lúc lớn khôn. Còn 5 đứa nó, chẳng lẽ chúng không thương không nhớ bà sao, mà đành đoạn bỏ mặc bà bơ vơ giữa chợ đời lúc ngày tàn sức yếu. Hay chúng đã quên mất bà rồi, người mà chúng đã từng gọi hai tiếng: Má ơi!

*
Câu chuyện thứ ba
Ai cũng muốn cuối đời được con cháu yêu thương chăm sóc, nhưng cụ Ngà thì không may mắn như vậy. Cụ có 6 người con (3 người bị bệnh mất). Phước là thằng con thứ của cụ. Hắn quen thói lười biếng, chỉ thích ăn chơi, nhậu nhẹt, nên khi mẹ bị tai biến, hắn liền thừa cơ giành quyền chăm sóc cụ, với điều kiện là chị em hắn phải trả tiền công cho hắn. Cha đã mất, chỉ còn mỗi mình mẹ. Chị em Phước phải đi làm ăn xa. Chẳng lẽ để mặc người mẹ già bệnh hoạn? Họ đành chấp nhận đòi hỏi của hắn, và chi trả 4 triệu đồng mỗi tháng để hắn nuôi dưỡng mẹ.

Trước đây, khi cụ Ngà còn đi lại được thì vợ chồng hắn chỉ nấu cơm cho cụ ăn hằng ngày. Nhưng gần một năm rồi, cụ bị liệt, nằm một chỗ cần có người lo việc vệ sinh cá nhân, thì Phước thường xuyên đánh đập, mắng chửi mẹ. Thỉnh thoảng 2 người con của cụ về thăm, thấy những vết bầm trên người cụ, hỏi lý do, Phước đều trả lời do cụ bị té. Để yên cửa yên nhà, cụ cũng đành xuôi theo lời Phước.

Chiều nay, Phước đi ăn đám giỗ trong xóm. Hắn nhậu đến quắt cần câu, rồi loạng choạng lên xe phóng về nhà. Đường đất gập ghềnh, mấy lần hắn xuýt đâm xuống mương. Phúc mười đời, cuối cùng hắn cũng về đến nhà an toàn. Thấy hắn chân nam đá chân chiêu bước vô, cụ Ngà đã rúm ró người. Trời ơi, nó lại say rượu. Dù nhận tiền cấp dưỡng của chị em đều đều, nhưng hắn vẫn thường xuyên coi mẹ là gánh nặng và đánh chửi cụ, nhất là những lúc uống rượu say.

Thật may, lần này Phước quá xỉn nên không lè nhè chửi bới, kiếm cớ này, viện cớ nọ mà đánh đập mẹ như mọi lần. Hắn buông người xuống giường, nằm vắt vẻo và ngủ liền một mạch. Tiếng ngáy hắn vang rền rỉ trong ngôi nhà vắng lặng. Trời mờ mờ tối. Hiền, vợ Phước ngoài vườn bước vào. Tay ôm rổ rau mồng tơi vừa hái, tay kia chị với bật đèn. Một mùi hôi thối ập lên mũi chị. Chị la lớn:

– Má lại làm bậy nữa rồi. Sao mà khổ quá vậy trời.

Chị quăng rổ rau, kéo cụ ngồi dậy. Bà cụ nhỏ bé, gầy nhom, nhưng vì không cử động được, nên chị loay hoay vật vã với cụ một cách khó khăn. Quay sang chồng, chị hét lên:

– Ông làm ơn dậy phụ tui một tay đi. Ăn với nhậu suốt ngày. Tui mắc nợ nhà này mấy kiếp mà.

Tiếng la hét cằn nhằn của vợ đánh thức Phước. Hắn càu nhàu bật dậy, lôi mẹ xềnh xệch vào nhà tắm. Vừa lôi, hắn vừa chửi không tiếc lời:

– Đồ ăn hại. Đồ khốn nạn. Muốn ngủ một chút mà cũng không yên. Bà muốn chết tui cho bà chết nè.

Ánh mắt cụ Ngà nhìn hắn van vỉ, như muốn nói, Con ơi má nào muốn vậy đâu. Nếu má khỏe mạnh, má sẽ không làm phiền con đâu. Tha cho má đi, Phước ơi ! Má lạy con mà, Phước ơi !

Thằng con bất hiếu có sá gì ánh mắt của bà mẹ tội nghiệp đó. Hắn giội nước liên tục lên đầu, lên người mẹ. Ngộp thở, cụ Ngà quơ quơ tay, cố chống đỡ một cách vô vọng. Hắn banh miệng, định đổ nước vào cho mẹ súc miệng. Nhưng cái lạnh làm cụ Ngà run lẩy bẩy, hàm cứng lại. Bực mình, hắn tát mẹ tới tấp:

– Lì hả? Bà dám lì lợm hả?

Cơn giận lẫn hơi men bốc lên. Hắn bóp miệng, thọc mạnh cây đũa vào họng mẹ. Máu từ miệng cụ trào ra. Hiền hoảng hốt giữ tay chồng lại:

– Máu chảy kìa. Ông thôi đi.

Gã chồng không những không dừng lại, mà còn quay sang đánh vợ một cách vũ phu:

– Dám cản tao hả. Cho mày cản nè.

Hiền giằng khỏi tay chồng, bỏ chạy ra ngoài.

Phước bực tức chửi theo:
– Khôn hồn thì xéo luôn đi. Để tao mà bắt được là mày chết với tao.

Nhìn thấy cụ Ngà nằm sóng soài trên vũng máu dưới sàn nhà ẩm ướt, hắn khom người, nắm đầu mẹ đập vào tường một cách không thương tiếc. Sẵn chân, hắn đá vào bộ ngực còm cõi của mẹ, hằn học:

– Nguồn cơn gì ở cái nhà này đều do bà hết. Đồ chết tiệt. Chết đi cho rảnh nợ.

Chẳng màng đem mẹ lên giường nằm. Cũng chẳng màng xem mẹ thế nào, hắn bỏ lên nhà, thản nhiên ngồi uống trà, ăn miếng bánh cho giã rượu.

Mà, bây giờ cụ Ngà có cần gì đâu chứ. Cảm giác đau đớn vì những cú đánh đấm dã man, cảm giác nhói buốt tét da tét thịt khi chiếc đũa thọc sâu vào cổ họng, cảm giác nứt toang đầu loang lỗ máu, đã mãi mãi dừng lại cùng một tiếng “hực” như tiếng nấc cuối cùng của cuộc đời người mẹ bất hạnh. Trong mơ hồ, cụ nghe tiếng thầm thì nghèn nghẹn của ông bên tai: “Bà ơi, bà đau lắm phải không?” Cụ muốn nói với ông, rằng mình đau lắm. Đau vạn lần trong tim. Cái đau này vẫn còn mãi dù hồn cụ đã lìa khỏi xác. Cái đau còn đeo dai dẳng, quyện trong tiếng gió ru hời khắc khoải khôn nguôi.

Ông Trần Tiến Đạt, Chánh văn phòng công an tỉnh Đồng Nai cho biết:

“Sau khi nắm bắt được thông tin sự việc, cơ quan công an huyện Nhơn Trạch đã xuống bảo vệ hiện trường, đồng thời khám nghiệm tử thi. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, nạn nhân có nhiều thương tích ở người do bị đánh đập, dẫn đến bầm tím. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của cụ Ngà là xuất huyết não, do bị đánh khá mạnh ở trên đầu. Dựa vào kết quả khám nghiệm tử thi và lời khai của các nhân chứng, công an đã có đủ chứng cớ bắt con trai của cụ Ngà, là đối tượng Lê văn Phước”.

Lời kết:
2015, lần đầu tiên BC và con về lại VN, sau bao nhiêu năm xa xứ. Mọi việc thay đổi đến ngỡ ngàng. Trên đường trở lại Mỹ, con gái đã nói với BC: 

Cảm ơn mẹ đã không chọn sống ở VN, mà đưa chúng con sang Mỹ”. 

Vâng, BC cũng xin cảm ơn đất nước Mỹ đã chấp nhận, cưu mang gia đình BC và những người Việt lưu vong, để chúng tôi có được cuộc đời tự do và hạnh phúc.

– Biển Cát

No comments:

Blog Archive