Friday, March 24, 2023

ĐÔNG DU HỌC!

Hồi cuối năm ngoái, kẻ này có dịp đi du lịch bên Âu Châu và đã có dịp viết ít bài 'phúc trình' cho quý vị đọc để thay đổi không khí, bớt bàn chuyện chính trị quá nặng nề, đọc mãi phát mệt.

Tuần này, kẻ này đang ở Tokyo, thủ đô Nhật. Nhân dịp cũng muốn có một bài 'phúc trình' cùng quý độc giả, cũng trong mục đích thay đổi không khí.

Tại sao lại là "đông du học"? "Đông" vì thật sự khi từ Mỹ đi Nhật là đi về phiá tây, nhưng là đi về cái chúng ta thường gọi là 'phương đông' dĩ nhiên; "du học" vì phải thành thật thú nhận đi Nhật bao giờ cũng là đi ... 'du học', chẳng những cho dân chậm tiến an-nam-mít ta, mà cũng cho dân cả thế giới luôn. Chỉ vì thật sự mà nói, nước Nhật và dân Nhật có cả triệu chuyện tân kỳ, mới lạ, văn minh, lịch lãm,... cho tất cả chúng ta học hỏi.

Đã có quá nhiều bài viết về cuộc sống bên Nhật, kẻ này sẽ không 'nhai lại' nữa, mà sẽ xin kể qua vài chuyện chính mắt thấy tai nghe, hơi lạ, ít khi thấy đăng trên diễn đàn của cộng đồng ta. Chỉ là vài câu chuyện đáng kể lại, chẳng theo thứ tự nào. Cũng chẳng có lý do gì đặc biệt.

Bây giờ, xin mời quý độc giả cùng kẻ này đi... du học.

Tokyo
Tokyo là thành phố lớn khủng khiếp, có trên dưới 40 triệu dân. Các thành phố lớn trên thế giới như New York, Paris,... thường có một trung tâm, tiếng Mỹ gọi là 'downtown'. Tokyo có ít nhất nửa tá 'downtown', đều là những trung tâm cực kỳ lớn, với những sắc thái độc đáo riêng của mỗi khu. Chẳng hạn như trung tâm Asakusa là trung tâm tôn giáo, có ngôi chùa lớn và đẹp nhất thủ đô; Shibuya là trung tâm thương mại sầm uất nổi tiếng; Shinjuku là nơi tập trung của giới trẻ,...

Tuy cực lớn và đông dân, Tokyo không bị nạn kẹt xe thường trực khắp nơi như ở Los Angeles hay bất cứ thành phố lớn nào của Mỹ. Vì Tokyo có hệ thống xe điện ngầm khổng lồ, vĩ đại và cực kỳ phức tạp. Mỗi 'nhà ga' dưới hầm của mỗi trung tâm là một rừng đường hầm đi ngang dọc và trên dưới hai ba tầng lầu của cả chục đường xe điện kết nối với nhau, và lúc nào cũng là một rừng người hấp tấp đi qua đi lại như chạy giặc. Rất rẻ nên hầu hết dân Tokyo chỉ di chuyển bằng xe điện nên đỡ bị nạn kẹt xe. Chẳng hạn đi từ trung tâm Shibuya qua trung tâm Shinjuku khoảng hơn 5km, đi taxi tốn khoảng 25 đô, đi xe điện tốn hơn MỘT đô và nhanh hơn nhiều.

Dân Nhật
Thế chiến thứ hai cho thấy hình ảnh mấy ông lính Nhật tàn ác dã man hơn dã thú, không một chút tình người. Bây giờ qua Nhật, hình ảnh của người Nhật hoàn toàn trái ngược hẳn. Kẻ này đi du lịch thế giới rất rất nhiều, đụng chạm với dân đủ loại chủng tộc, nhưng chưa bao giờ thấy có một giống dân lịch sự, hiếu khách như dân Nhật.

Trong cái rừng đường phố chằng chịt, rừng người chen chúc và rừng xe điện đó, du khách tất nhiên không lạc mới là lạ. Kẻ này bị lạc gần như mỗi lần thò đầu ra khỏi khách sạn.

Thế nhưng không có gì phải lo, vì dân Nhật cực kỳ hiếu khách và lịch sự. Mỗi lần đưa một địa chỉ hay tên một nơi nào mình muốn đi, gặp bất cứ anh chị Nhật nào đi ngang qua cũng có thể chặn lại hỏi. Thỉnh thoảng có người gấp chuyện gì đó, không thèm trả lời hay ngưng lại nghe câu hỏi, nhưng hầu hết đều lắng nghe, rồi trăm người như một, móc ngay điện thoại cầm tay, bấm bấm, rồi đưa cho coi bản đồ khu đó, rồi cố gắng chỉ dẫn mình. Nếu là nơi cách không xa lắm thì họ sẵn sàng đi trước dẫn đường mình tới nơi tới chốn. Ngày đầu tiên mới tới, đi xe điện từ phi trường tới nhà ga Shibuya, cách khách sạn khoảng 200m, kẻ này mù tịt, không biết đi lối nào, hỏi một bà trạc tuổi 50, bà ta coi địa chỉ khách sạn rồi ra dấu đi theo bà, và bà dẫn chúng tôi đi tới tận trước cửa khách sạn.

Chỗ nào cũng có thang máy cuốn -escalator- Và dân Nhật luôn luôn đứng hàng một phía trái của thang cuốn, nhường chỗ trống bên phải cho những người có chuyện gấp, muốn chạy cho nhanh. Hai vợ chồng đi cùng với nhau cũng không ngoại lệ, cũng người đứng trước, người đứng sau, không bao giờ đứng hàng ngang, chặn lối đi bên phải.

Kẻ này được nghe kể lại dân Nhật luôn luôn đi bên trái, vì lý do lịch sử là ngày xưa, dân Nhật dùng kiếm, đeo kiếm bên trái, rút ra bằng tay phải, nên đi bên trái để tay phải có thể rút kiếm ra đánh đối phương.

Đi tour, thì tất nhiên xe buýt rất sạch sẽ, khang trang. Tất cả mọi người đứng xếp hàng thứ tự, không bao giờ chen lấn lên xe. Mà điểm đặc biệt có một không hai của dân Nhật là khách xếp hàng trước, khi lên xe, tự động đi xuống tuốt hàng ghế cuối, để khách cuối cùng ngồi hàng đầu. Một chuyện mà dân ta chắc sẽ cho là... N.G.U. !!!

Đi tiệm ăn
Tiệm ăn ở các khu trung tâm, có thể nói có cả trăm, cả ngàn, lớn nhỏ, đủ kiểu. Phần lớn dân Nhật ăn trong các tiệm rất nhỏ, không có bàn riêng mà tất cả đều ngồi ở quầy như trong các bar bán rượu. Mỗi tiệm có chừng một chục ghế. Gặp tiệm ngon thì ngoài cửa tiệm, có vài người khách hàng kiên nhẫn đứng chờ, ôm điện thoại quẹt quẹt trong khi chờ.

Trong những tiệm có bàn riêng thì mỗi bàn đều có một cái 'computer', gọi là 'tablet', là thực đơn để khách ăn tự chọn, mỗi món đều có chụp hình trông rất hấp dẫn. Tha hồ bấm, bấm xong, máy sẽ liệt kê lại tất cả các món mình đã chọn, có ghi giá tiền đầy đủ. Mình bấm 'OK' là vài phút sau, có người phục dịch mang ra đầy đủ.

Tại những tiệm lớn hơn thì còn văn minh hơn nữa. Ngay cửa, có một người máy -robot- cúi rạp đầu chào, rồi dắt khách đến bàn trống, mỗi bàn có một robot đứng thường trục ngay bàn, với một 'tablet' trước ngực là thực đơn. Khách hàng chọn xong, có robot khác mang đồ ăn từ bếp tới tận bàn.

Đặc biệt, tiệm ăn Nhật không bao giờ đòi 'boa'. Cái mà Mỹ gọi là tips, không có bên Nhật, chẳng phải chỉ trong tiệm ăn, mà bất cứ việc gì khác, bất cứ chuyện gì, mình cho tịps là người Nhật coi như mình nhục mạ họ. Việc họ làm là bổn phận, và khi thi hành cái bổn phận đó, họ đã được trả lương tương xứng, tips coi như của bố thí, xúc phạm họ.

Nhật có một loại tiệm ăn mà dân Việt bên đó gọi là 'sushi băng chuyển', Mỹ gọi là sushi conveyor belt, tức là khách hàng ngồi chung quanh một bàn tròn lớn, trên đó các đĩa món ăn được cho chạy lòng vòng, khách ăn cứ tự lấy cho mình. Mỗi đĩa có mầu khác nhâu tùy giá tiền. Khách ăn xong cứ chồng các đĩa lên bên cạnh mình. Ăn xong, có người phục dịch ra cầm cái máy nhỏ như máy xấy tóc của mấy bà, quẹt ngang qua chồng đĩa, là một giây đồng hồ sau, máy in ra giấy tính tiền, vì máy tính theo màu của các đĩa.

Tin báo cho biết một tiệm ăn này, có quay phim cả tiệm vì an ninh, cho thấy cảnh một khách hàng cầm đũa của mình gắp thử một miếng cá lên xem rồi bỏ lại. Thế là ngay sau đó, tiệm này tự ý đóng cửa, bỏ cái dàn 'băng chuyển' để thay thế bằng cách phục vụ khách hàng bình thường. Chủ tiệm giải thích cái 'băng chuyển' đó tiện cho khách hàng và tiệm, nhưng vấn đề vệ sinh không kiểm soát được, nên vì muốn bảo vệ sức khoẻ cho tất cả khách hàng, ông quyết bỏ phương thức 'băng chuyển'.

Câu chuyện nói lên đầy đủ tinh thần của dân Nhật.

Trả tiền
Tiền Nhật có nhiều bạc cắc, vẫn rất thông dụng. Trong túi ai cũng có cả lô bạc cắc, là chuyện bất tiện. Nên mỗi khi trả tiền, người ta thường cố moi móc bạc cắc ra trả trước.

Dân Nhật cũng vậy. Nhưng cái khác là trong các tiệm ở Nhật, có một cái máy đếm bạc cắc cho quý vị. Quý vị chỉ cần cầm một đống bạc cắc bỏ đại vào cái lỗ lớn, máy sẽ tự động đếm số bạc cắc bỏ vào, thiếu hay thừa so với số tiền phải trả, máy sẽ hiện lên cho biết. Thiếu thì bỏ thêm, thừa thì máy tự động nhả ra số tiền thừa lại cho bạn, tất cả trong vòng một hai giây đồng hồ, khỏi mất công đứng lần mò từng đồng mất cả năm bẩy phút, làm phiền người trả tiền sau bạn.

Dân Nhật kỵ nhất là trao tiền từ tay người này qua tay người khác. Họ luôn luôn đưa cái khay nhỏ ra để mình đặt tiền vào, và khi thối tiền, họ cũng luôn luôn đặt tiền trên cái khay đó đưa lại cho mình.

Đi taxi
Vì mang theo hành lý cồng kềnh, đi xe điện bất tiện nên kẻ này đã lấy taxi. Địa chỉ khó tìm vì ngõ ngách đường phố Nhật khá nhỏ và lòng vòng, rắc rối. Xe taxi đi lòng vòng tìm địa chỉ trong khi kim đồng hồ tính tiền nhẩy tưng tưng. Nhưng quý vị khỏi lo. Khi taxi tới nơi, bác tài bấm nút ở đồng hồ tính tiền, số tiền hiện lên phải trả giảm gần một phần ba. Kẻ này thắc mắc, hỏi lại, thì bác tài giải thích anh ta trừ số tiền đi lòng vòng tìm địa chỉ, và máy này tự động tính lại số tiền phải trả trong khoảng cách từ khi lên xe tới khi tới đúng địa chỉ.

Ở xứ 'đỉnh cao của trí tuệ loài người' của ta, tài xế taxi thông minh hơn nhiều. Cố tình chở khách đi lòng vòng càng xa càng lâu càng tốt vì kiếm được càng nhiều tiền.

Đồ ăn Nhật
Dân Nhật nổi tiếng là dân lịch lãm, biết sống, có đầu óc nghệ thuật ít ai bằng, nhưng về 'tinh thần' ăn uống thì xin lỗi, phải nói ngay, đồ ăn Nhật tệ nhất thế giới, cho dù hình chụp lúc nào cũng có vẻ hấp dẫn nhất, cũng như cho dù có vẻ tinh khiết, ít độc nhất. Ngoại trừ cái món cá sống gọi là sushi nổi tiếng cả thế giới, còn các món ăn khác, chẳng món nào hợp khẩu vị dân thế giới ngoài dân Nhật. Món mì ramen nổi tiếng, thua rất xa mì Tầu hay Việt. Còn thua mì gói MAMA!

Dân Việt tại Nhật
Nước Nhật đất ít, dân đông nên rất khó vào Nhật sinh sống. Nhưng trái lại Nhật luôn luôn mở rộng cửa đón sinh viên ngoài nước vào học.

Ở Nhật gần như không có dân Việt sống. Dân tị nạn có một số nhỏ được Nhật đón nhận, ngoài ra không có bao nhiêu. Tuy nhiên sinh viên Việt đang học ở Nhật rất nhiều, nghe nói vài chục ngàn. Rất nhiều người học rất giỏi, trong những trường rát khó xin vào, chưa kể trước khi được nhận, phải học cả năm tiếng Nhật trước.

Đám sinh viên này, theo ý riêng kẻ này đang bị mang tiếng oan rất lớn. Một vài thành phần, khó tránh được khi có cả mấy chục ngàn sinh viên, có những hành vi bất hảo, như trộm cắp, lừa đảo. Một số người Việt trong cộng đồng tị nạn Việt tại Mỹ luôn luôn có phản ứng phóng đại những tin xấu này rồi nhục mạ tất cả dân Việt và sinh viên Việt sống tại Nhật, vì quan điểm gọi là 'chống cộng', thù ghét tất cả những gì dính líu xa gần tới VC, mà vô hình chung đã nhục mạ dân cả nước VN ta.

Công tâm mà nói, dân Việt ta không thần thánh hay ma quỷ hơn các dân tộc nào khác, cho dù sống dưới chế độ chính trị nào, luôn luôn có người tốt, kẻ xấu, không thể vì một vài người xấu rồi vơ đũa cả nắm nhục mạ tất cả. Có thể một số không nhỏ là loại con ông cháu cha đám quan chức vô học, nhà quê, bần cùng VC, nay gặp thời sâu bọ lên làm người, có con du học rồi theo thói quen làm bậy, nhưng vẫn không thể vì một nhúm nhỏ làm bậy mà nhục mạ tất cả. Không thể đồng hoá dân cả nước Việt với đám lâu la VC. Chính kẻ này quen biết được hai sinh viên Việt đang du học tại Nhật, một từ Vĩnh Long, một từ Bắc Ninh. Cả hai đều hết sức lễ phép, lương thiện, hiếu khách tình nguyện làm hướng dẫn viên kiêm thông dịch viên, dắt chúng tôi đi thăm viếng Tokyo.

-----------------
Chuyện dài về Nhật, kể hoài không bao giờ hết, chỉ dám xin kể lại vài chuyện để.... biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.

Vũ Linh
Tokyo - 25/3/2023

No comments:

Blog Archive