Solvang Village ở California, đã đến rồi cứ thèm đi tiếp
Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel
SOLVANG, California (NV) – Mỗi khi nghe lời bài hát “Trong Nắng Trong Gió,” nhạc dịch của nhạc sĩ Phạm Duy từ bản nhạc “Dans le solei et dans le vent,” một cậu bé học trò lại có dịp tưởng tượng ra hình ảnh một cánh cối xay đẹp đẽ của bên Âu Châu và đem lòng mơ ước đến các thành phố trời Âu.
Một con phố chính tại Solvang Village. (Hình: ATNT Tours & Travel)
“Nhẹ nhàng trong gió hòa với nắng tơ
Từng vòng cánh to chạy trong giấc mơ
Và còn quay mãi vòng cánh cối xay
Ngày nào những ai đẹp tình lứa đôi…”
Ca sĩ Thanh Lan ngày xưa đã từng khuấy động tâm tư các lứa tuổi học trò (trong đó có tôi) bằng những bài hát và âm điệu trữ tình nước Pháp như thế.
Khi lớn lên, tôi mới biết “vòng cánh cối xay (windmill)” là một sáng chế của các vùng đất phương trời Tây không những chỉ làm cho đẹp mắt mà còn cho phép con người sử dụng nguồn năng lượng gió thiên nhiên nhằm cải thiện đời sống của họ từ thế kỷ 13. Trải qua thời gian dài trôi nổi bám sát vào với sinh hoạt đời sống của các dân tộc địa phương, “vòng cánh cối xay” dần dần trở thành một biểu tượng trong tâm tư của người dân các xứ Âu Châu như Anh, Đức, Hòa Lan, Đan Mạch…
Niềm mơ tưởng “những cánh cối xay trời Âu” của thời thơ ấu chưa kịp đến thăm, nó đã được khung trời “Little Denmark” của Solvang Village thay thế trong một lần tôi đến thăm nơi đây. “Vòng cánh cối xay” cũng có ở Hoa Kỳ!
Nếu bạn có dịp đến California, lái xe từ thành phố San Diego (sát với biên giới Mexico) theo Freeway 5 đi lên phía Bắc, thế nào bạn cũng đi qua thành phố Carlsbad. Một “vòng cánh cối xay” khá lớn được dựng ở đây.
Nhưng “vòng cánh cối xay” này được thiết kế không phải để biến năng lượng gió dùng vào trong một kỹ nghệ nào cả mà “năng lượng gió” ở đây chỉ có mục đích cuốn hút tâm tư du khách vào đây nghỉ chân ở một quán bên đường trên con đường thiên lý.
Nói thêm một chút, Carlsbad cũng là một điểm đáng dừng chân cho những ai yêu thích mùa Xuân hoa nở, cánh đồng hoa tulip rực rỡ nở trên đồi cao vào các tháng mùa Xuân sẽ làm ngây ngất du khách (nhưng bây giờ với số lượng du khách đến thưởng ngoạn hoa càng lúc càng đông, người ta bắt đầu bán vé vào cửa!).
Tượng “Nàng Tiên Cá” (Little Mermaid) nho nhỏ tại Solvang. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nếu “vòng cánh cối xay” của Carlsbad làm bạn rung động với vẻ đẹp của nó một phần thì “vòng cánh cối xay” của làng Solvang sẽ làm bạn ngây ngất hơn đến hơn cả chục lần. Không biết diễn tả làm sao hết sự ngỡ ngàng của tôi khi lần đầu đặt chân đến ngôi làng Solvang!
Làng Solvang nằm cách Carlsbad khoảng hơn bốn giờ xe về phía Bắc và chỉ cách Los Angeles khoảng hơn 2.5 giờ xe. Đây là một ngôi làng của những người tha phương Đan Mạch, họ đến đây từ đầu thế kỷ 20. Họ xa quê hương và họ mang theo cả quê hương của họ từ mãi tận phương trời Bắc Âu sang đến California.
Người Ba Lan lìa bỏ quê hương để xa lánh chủ nghĩa phát xít và Cộng Sản vì đã cố ý tiêu diệt dân tộc họ. Người Do Thái rời quê cha đất tổ cả hai ngàn năm. Người Việt Nam hai lần lìa xa nơi chôn rau cắt rốn vì một chế độ Cộng Sản độc tài không tưởng mà ngày nay đã lỗi thời.
Nếu Chicago là quê hương thứ hai của người Ba Lan, New York là một quê hương thứ hai của người Do Thái, Orange County (California) là thủ đô của người Việt tị nạn Cộng Sản thì Solvang là một thành phố nhỏ của người Đan Mạch nằm ở Santa Barbara County. Người ta gọi Solvang là “Little Denmark” ở California.
Solvang nằm khoảng giữa thung lũng Santa Ynes của Santa Barbara County với con sông Santa Ynes chảy dọc và theo tuôn ra vùng biển Santa Barbara City.
Năm 1911 ba người Đan Mạch gồm hai mục sư và một vị giáo sư rời xa quê hương Bắc Âu đến thăm vùng thung lũng Santa Ynes. Có lẽ vùng thung lũng ở đây đã hớp hồn họ và từ đó một ngôi làng nhỏ ra đời ngay bên cạnh ngôi tu viện cổ kính Old mission Santa Ines.
Đây là ngôi tu viện thứ 19 (một trong số 21 tu viện Mission chạy dọc theo bờ biển California) đã được các vị tu sĩ dòng Fransiscan hoàn thành từ năm 1804. Người dân nơi đây đặt tên cho ngôi làng nhỏ đó là Solvang, có nghĩa là “cánh đồng nắng.” Kể từ đó ngôi làng “cánh đồng nắng” ngày một đông thêm dân Mỹ gốc Đan Mạch về đây sinh sống.
Solvang không có nhiều con đường lớn. Mission Dr (cũng là highway 246 nối dài) là con đường chính của ngôi làng, con đường chỉ dài hơn 1.5 km bị con đường lớn Alisal Rd cắt ngang. Nơi đây có thể được xem như khu vực trung tâm chính của Solvang.
Nhà bảo tàng Hans Christian Andersen Museum. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nhà cửa, khách sạn, tiệm ăn, cửa hàng nếm thử rượu vang, bảo tàng, cửa hàng bán đồ lưu niệm, và một biểu tượng của Đan Mạch là “Nàng Tiên Cá – Little Mermaid” cũng được Solvang cho dựng ngay góc ngã tư Mission Dr và Alisal Rd. Solvang không có cửa biển nên tượng “Nàng Tiên Cá” chỉ ngồi trên một hòn non bộ ngóng chờ chàng thủy thủ năm xưa, mong chàng trở lại!
Đối diện bên kia “Nàng Tiên Cá” là nhà bảo tàng Hans Christian Andersen, văn sĩ cho ra đời cuốn tiểu thuyết “The Little Mermaid” nổi tiếng khắp thế giới. Con người từ xa xưa đã suy nghĩ và nảy sinh ra nhiều thứ chủ nghĩa để mong muốn thăng tiến đời sống nhân loại, nhưng những mâu thuẫn của chủ nghĩa lại là nguồn cội tàn sát con người thay vì giúp ích nhân loại.
Hans Christian Andersen là một nhà văn vượt qua chủ nghĩa, ông không những đem giấc mơ thần tiên “nàng tiên cá” đến với thế giới tuổi thơ mà ngay cả người lớn đôi khi cũng mơ về nàng tiên cá giữa biển cả đời sống của mình.
Đến Solvang, nếu bạn thích thú một cuốn sách tuổi thơ hoạt hình của Hans Christian Andersen và muốn mua cho con cháu làm kỷ niệm, bạn có thể ghé qua nhà bảo tàng vì ở đó cũng có bán sách của ông. Hoặc bạn đã đôi chút mỏi chân, bạn có thể ngồi thưởng thức một tách cà phê ngẫm nghĩ về “nàng tiên cá” với chính chủ nhân Hans Christian Andersen của nó. Nhiều du khách thưởng thức cà phê Solvang và khen hương vị cà phê ở đây đậm đà khá ngon!
Trong lúc dạo quanh phố thị, một sự bất ngờ nhưng vô cùng thích thú khi bạn khám phá ra rằng giữa lòng văn hóa ẩm thực Solvang có cả văn hóa ẩm thực “Phở Việt Nam” xen chân vào tìm chỗ đứng ở giữa “cánh đồng nắng” Cali.
Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng các “vòng cánh cối xay” nằm rải rác chung quanh các con phố lớn mới chính là điểm đặc biệt nhất của Solvang. Mỗi lần nhìn các vòng cánh cối xay, hình ảnh này khiến tôi cảm nhận được âm điệu “trong nắng trong gió” dường như vi vu quanh quẩn trong trí óc của mình.
Âm điệu vi vu đó như một năng lực vô hình đem tất cả quá khứ trải dài trong trí óc, nhớ đến tuổi học trò, nhớ đến bài hát với giọng hát Thanh Lan. Tuy không hiểu được bài hát bằng tiếng Pháp nhưng tôi vẫn biết “dans le solei et dans le vent” là “trong nắng trong gió!”
Solvang có tất cả năm “vòng cánh cối xay” nằm trong khu vực trung tâm, nhưng cũng giống như vòng cánh cối xay của vùng Carlbad, nó chỉ được thiết kế để làm đẹp cho ngôi làng. Bên trong ruột các vòng cối xay này là những phòng nếm thử rượu vang.
Một kiến trúc đặc thù của Đan Mạch tại Solvang. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nếu bạn thích thú và muốn thưởng thức thử mùi vị rượu vang của vùng thung lũng Santa Ynes, bạn có thể ghé vào bất cứ bất cứ vòng cánh cối xay nào để thưởng thức phong vị các loại rượu vang xem sao! Dĩ nhiên là bạn phải trả một chút tiền, $15 cho một lần nếm thử các loại vang mà tiệm đó có!
Một vòng lững thững dạo chơi quanh ngôi làng Solvang còn cho người du khách thưởng ngoạn một số nét kiến trúc về nhà cửa, hàng quán dựa theo lối bên Đan Mạch. Không gian trông khá là màu sắc nhưng lại cho người xem một sự dễ chịu trong lòng.
Chia tay với ngôi làng “cánh đồng nắng,” trước khi tầm mắt của mình khuất bóng các vòng cánh cối xay, một nỗi buồn nhè nhẹ dâng lên khi âm hưởng “trong nắng trong gió” lại vang vang lên giữa trí nhớ của mình:
“Tưởng rằng quay mãi, vòng cánh cối xay
Nào ngờ nắng lên, nào ngờ gió lên
Nào ngờ nắng gió còn vẫn thiết tha
Mà đành cối xay phải ngừng cánh quay…”
Cuộc sống tưởng chừng giống như vòng cánh cối xay là không bao giờ biết ngừng nghỉ bởi vì gió không bao giờ ngưng nghỉ. Thế nhưng khi “nắng lên – gió lên” như khi nghe tin người yêu đã hy sinh nơi chiến trận, chàng đã trở về với nắng gió Địa Cầu. Còn nắng-gió trong lòng nàng như còn mãi thiết tha với tình yêu nên “vòng cánh cối xay” trong tâm tư đành ngừng cánh quay mãi mãi! Một cuộc tình buồn dịu dàng như ngôi làng Solvang!
No comments:
Post a Comment