Nhà báo, nhà thơ Ngọc Hoài Phương, đồng sáng lập tạp chí Hồn Việt, qua đời!
March 2, 2023
WESTMINSTER, California (NV) – Nhà báo, nhà thơ Ngọc Hoài Phương, đồng sáng lập tạp chí Hồn Việt, ấn phẩm báo chí tiếng Việt đầu tiên ở hải ngoại, vừa qua đời lúc 8 giờ sáng Thứ Ba, 28 Tháng Hai, tại nhà riêng ở Westminster, California.
Bà Lâm Ngọc Phương Dung, hiền thê của ông Phương, cho nhật báo Người Việt biết nhà báo tên thật là Nguyễn Ngọc Kiểm, sinh ngày 18 Tháng Mười, 1942 tại Bắc Ninh và ông “ra đi trong vòng tay thương yêu của vợ và con.”
Nhà báo, nhà thơ Ngọc Hoài Phương. (Hình: Facebook Lê Giang Trần)
Theo cố thi sĩ Du Tử Lê, trong bài viết “Ngọc Hoài Phương, tính chất nhà báo trong thi ca,” đăng trên nhật báo Người Việt ngày 3 Tháng Tư, 2015, ngay sau khi định cư tại miền Nam California năm 1975, nhà báo Ngọc Hoài Phương trở lại với sinh hoạt báo chí, như một cái nghiệp mà ông không thể bỏ được. Đó là thời gian ông cùng với cố ký giả Nguyễn Hoàng Đoan và một vài thân hữu nữa, dựng bảng Hồn Việt ở San Diego, trước khi di chuyển về vùng Los Angeles.
Sau đó, tờ báo được sang tên cho ông Đỗ Ngọc Tùng, nhưng nhà báo Ngọc Hoài Phương được ông Tùng yêu cầu ở lại để trông coi công việc điều hành.
Tới năm 1989, ông Phương chính thức trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Hồn Việt do ông Đỗ Ngọc Tùng trao lại.
Sau này, giữa lúc các tạp chí lần lượt phải đình bản thì Hồn Việt của ông Ngọc Hoài Phương, với sự tiếp tay tích cực của cố nhạc sĩ Việt Dzũng, vẫn hiện diện đều đặn mỗi tháng…
Có đôi lần, thi sĩ họ Lê hỏi ông Phương tại sao vẫn duy trì Hồn Việt, ông cho biết để lấy chỗ đăng tải sáng tác của những người mới viết hoặc những cây bút không có được sự quảng giao trong lãnh vực sinh hoạt văn nghệ, theo bài báo.
“Nếu tôi đóng cửa tờ Hồn Việt thì lấy chỗ đâu cho nhu cầu phổ biến sáng tác của những tác giả đó?” nhà báo Ngọc Hoài Phương nói với thi sĩ Du Tử Lê lúc đó.
Dù cố gắng với tâm nguyện đáng quý như vừa kể, cuối cùng, tạp chí Hồn Việt cũng phải đình bản năm 2014.
“Thời gian này, cũng là thời gian những người theo dõi sinh hoạt của nhà báo Ngọc Hoài Phương thấy ông làm thơ có phần nhiều hơn,” vẫn theo cố thi sĩ Du Tử Lê.
“Chỉ trong vòng ít năm, ông Phương đã cho xuất bản hai thi phẩm, ‘Cõi Tạm,’ ấn hành năm 1992, và ‘Vẫn Còn Cõi Tạm,’ ấn hành năm 1999. Cả hai thi phẩm như hai dấu ấn thi ca đậm nét, bất ngờ của Ngọc Hoài Phương, để lại trong lòng người đọc.”
Có một lần cố nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh hỏi: “Điều gì đã tạo cho anh cảm hứng để làm thơ? Tâm sự với chính mình, với mọi người, hay ghi lại những biến cố đáng ghi nhớ trong đời sống?
Nhà thơ Ngọc Hoài Phương đáp: “Tôi yêu thơ nhưng thơ không hẳn là một phần quan trọng trong đời sống. Thơ cũng không phải là một trò chơi tiêu khiển, vì muốn bày ra một trò chơi để tiêu khiển thì cần phải có sự sắp xếp, chuẩn bị, trong khi đó đối với tôi thơ có thể ‘bật ra’ bất cứ lúc nào. Như đang lái xe trên đường, tự nhiên nẩy ra vài câu thơ, nếu chịu khó ghi lại thì còn đó, nếu không thì cứ để cho ý tưởng bay đi và rồi quên luôn… Làm thơ đối với tôi là bồng bềnh như mây nổi, lúc nào hứng thì làm, không có chuyện ép buộc hay một cố gắng nào trong việc làm thơ.”
Được biết, trước năm 1975, ông Ngọc Hoài Phương từng làm và cộng tác với nhiều tờ báo tại Sài Gòn trong đó có tờ Thời Luận.
Những năm cuối đời, dù không còn làm báo, ông Ngọc Hoài Phương vẫn luôn có mặt tại rất nhiều sự kiện báo chí và văn nghệ vùng Little Saigon, với lối ăn mặc lúc nào cũng lịch thiệp và trang trọng. (Đ.D.)
R. I. P. Vô Cùng Thương Tiếc
No comments:
Post a Comment