Monday, March 20, 2023

Chuyện Buồn Dâu Rể

Tôi đọc nhiều chuyện kể về sự cam chịu số phận hẩm hiu của các nàng dâu, sự ti tiện của các chàng rể và sự cay độc của những bà mẹ chồng trong thời phong kiến, tôi cảm thấy ray rứt… Khi được sống trong xã hội văn minh, kinh tế phát triển, tưởng rằng: dâu, rể không còn là vấn đề phải ray rứt ngậm ngùi! Thế nhưng có nhiều điều cười ra nước mắt – nói hoài vẫn còn chuyện để kể bà con nghe chơi!

Chắc nhiều người đã đọc chuyện “chàng rể tử tế” (!?) Ở đây, tôi chỉ vắn tắt: Một anh chàng người Mỹ đến hãng du lịch chuyên tổ chức các chuyến “Du lịch Vũ trụ” mua một vé. Ông giám đốc hãng du lịch hỏi: “Anh đã đọc kỹ các điều lệ về chuyến du lịch này chưa?” “Đọc kỹ rồi!” “Vậy anh có thấy một điều quan trọng là ngày đi thì có mà ngày về lại trái đất thì không?” “Biết rồi!” Là chỗ bạn bè thân tình, nên ông giám đốc hãng du lịch ái ngại nói: “Anh chị đang sống hạnh phúc cùng các cháu, bây giờ anh đi như vậy – sao đành?” Anh chàng mua vé trả lời: “Không phải mua cho tôi mà mua một vé cho bà già vợ.”

“Chàng rể tử tế” trên đây chỉ là một chuyện vui. Còn chuyện “Buồn Dâu Rể” mà tôi sắp kể là những chuyện buồn, có thật - đã xảy ra - cho thấy không phải chỉ ‘rể Mỹ’ mà bây giờ ‘rể Việt’ cũng có lắm nỗi đau đầu.

Ngày trước ông bà mình thường bảo: “Dâu là con, rể là khách” – Quan niệm ấy xưa rồi! Chuyện mẹ chồng không ‘mặn mà’ với nàng dâu và nàng dâu cũng chẳng ‘ưa’ bà mẹ chồng là chuyện dài muôn thuở.

Ở Mỹ người ta hay kháo nhau: “Ra ngoài này, con gái được việc hơn con trai.” Cái quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” – mong có con trai để “nối dõi tông đường” không còn là điều quan tâm của các bậc cha mẹ, nhưng vẫn vấn vương câu tục ngữ “trẻ cậy cha, già cậy con” nên đa số đã nương nhờ con gái khi già yếu. Nhưng có nhiều chuyện nghe rất mủi lòng…

Đầu đuôi một vài câu chuyện thế này: Công việc của con gái tôi bắt buộc phải có mặt ở sở 8 giờ một ngày, không thể chăm sóc chu đáo cho đứa con trai hai tuổi; lương bổng của nó ở mức thấp, không đủ khả năng gởi con vào nhà giữ trẻ, cũng không thuê nổi một bà giữ trẻ chuyên nghiệp - nghĩa là người có giấy phép “ giữ trẻ” hẳn hoi. Nó nghe nhiều đứa bạn chỉ lối: Trong cộng đồng Việt Nam có những bà tuổi ngoài sáu mươi, tuy không có bằng cấp giữ trẻ, nhưng chăm sóc trẻ thơ qua kinh nghiệm bản thân, nuôi trẻ theo lối của người Việt mình rất tốt và dễ chịu mà chỉ trả khoảng trên dưới ngàn ‘đô’, một tháng.

Thế là, nó đăng báo tìm người, chỉ mấy ngày sau có đến mấy bà gọi điện thoại xin việc. Con gái tôi lúng túng, hỏi tôi:

- Có nhiều người apply quá, bây giờ biết gọi ai đây bố?

- Thì cứ hẹn gặp tất cả rồi “xem tướng” bà nào được thì chọn.

Mắt con gái tôi sáng lên, nó nói:
- Cái vụ xem tướng thì chẳng ai hơn bố. Vậy con sẽ gọi hẹn giờ để bố xem tướng chọn một bà giữ thằng cu Tí.

Tôi hơi khựng lại, vì cái vụ xem “tuớng số” của tôi thuộc loại “dzỏm”. Hồi nào đến giờ chỉ tán phét cho thêm vui câu chuyện. Bây giờ rơi vào thế kẹt, phải ậm ừ chấp nhận, nếu từ chối nó biết nhờ ai, nên tôi bảo:

- Cứ gọi mấy bả đến đây, mỗi bà bố “phỏng vấn” khoảng một gìờ, thế nào cũng tìm được một người vừa ý.

Nhớ lại thời trai trẻ, tôi thuộc loại xấu trai, không phải con nhà giàu, học hành cũng chẳng hơn ai, nhưng tôi có nhiều bạn gái hơn mấy thằng bạn cùng trang lứa. Chúng nó bảo tôi có số đào hoa. Nhưng chẳng có số đào hoa gì ráo mà nhờ lếu láo ba cái trò “tướng số”.

Bây giờ con gái tin tưởng giao công việc, nên cũng phải đành chấp nhận.

Hôm ấy nó hẹn gặp mấy người, vào những giờ khác nhau. Bà đầu tiên đến lúc 8:00 giờ sáng, đi cùng với đứa con gái. Trông họ có vẻ chất phác, hơi khép nép, tôi đoán họ ở Mỹ chưa lâu. Ở Mỹ người ta thường tránh hỏi tuổi tác (nhất là với phụ nữ) và lương bỗng, nhưng công việc của tôi hôm nay thì hai điều đó cần phải biết. Cái khó là làm sao để họ tự thổ lộ, chứ không thể hỏi như “thẩm cung”. Tôi từ tốn mở lời:

- Như chị biết đấy, đứa cháu ngoại của tôi hai tuổi, mẹ nó đi làm suốt ngày, lương bổng không cao, nhưng phải đi làm để có cái bảo hiểm sức khỏe, gởi nhà trẻ thì không đủ khả năng mà tìm một người trông coi cháu cũng không phải dễ vì còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Không biết trước đây chị có làm công việc này chưa?

- Thú thực với ông, tôi có chín đứa con nên việc chăm sóc trẻ nhỏ tôi có kinh nghiệm nhưng theo lối người Việt mình. Từ ngày qua bên này, tôi đã làm nhiều việc: lặt rau, phụ bếp, lau nhà … nhưng “đi giữ em” thì tôi chưa làm.

Khi nói tiếng “đi giữ em” bà có vẻ ngượng ngùng, cúi mặt cố giấu giọt nước mắt đang ứa ra…Những giọt lệ đó chứng tỏ bà đang buồn tủi cho thân phận của mình. Tôi biết bà ta mang “mặc cảm tôi tớ”, chưa hội nhập vào nếp sống mới, nên tôi cố lựa lời an ủi, giải thích những khác biệt giữa hai nền văn hóa:

- Bên này đàn bà và trẻ thơ được quý trọng hơn hết, chắc chị đã nghe người ta hay ví von: “Thứ nhất đàn bà, thứ hai con nít, thứ ba chó mèo, thứ tư là đàn ông.” Họ gọi người “giữ em” là “baby sitter”, là “người giữ trẻ” là tiếng rất thân thương chứ không có tính miệt thị như bên nhà thường nghĩ: bồng em, rửa chén, lau nhà là việc của con sen, con sến - chỉ dành những kẻ nghèo hèn, cùng khổ … Bên này “Baby sitter” là “Jobs thơm” cho những bà ở tuổi về hưu đó chị ạ!

Nãy giờ, đứa con gái im lặng, ngồi nghe, bây giờ mới lên tiếng:

- Hồi mới sang, có chỗ nhờ mẹ cháu chăm sóc mấy đứa nhỏ, mẹ cháu bảo: “Qua Mỹ mà đi ‘giữ em’, bà con bên nhà biết được, họ cười! Nên mẹ cháu đi làm phụ bếp - khổ thấy mồ! Làm từ 7giờ sáng đế 9 giờ tối mà có được bao nhiêu tiền đâu chú.”

- Thế sao bây giờ chị lại xin giữ trẻ? Tôi hỏi:

- Dạ, nhà hàng đóng cửa!

Nước mắt lại ứa trên vành mi, bà cúi xuống, nói tiếp:
- Người ta mất việc chỗ này thì đi tìm chỗ khác, nhưng với tôi thì khó khăn quá ông ơi! Tiếng Anh, tiếng u không rành, đi xin mấy nhà hàng Mỹ, họ không nhận. Nhà hàng Việt thì không còn chỗ.

- Hồi nãy nghe chị nói có tới chín người con, sao chị không trông mấy đứa cháu nội ngoại, rồi con cái đóng góp nuôi chị có phải hơn đi làm ở bên ngoài không? Tôi gợi ý.

Bà ta tâm sự:
- “Chín đứa, nhưng chỉ có con này lấy chồng Việt kiều, theo chồng sang đây, mấy đứa kia còn ở bển. Tôi được vợ chồng nó bảo lãnh sang Mỹ được hơn vài năm nay. Cũng may mắn qua là kiếm được việc làm ở nhà hàng. Lương mỗi tháng bảy, tám trăm, dành dụm gởi về giúp mấy đứa con ở bển. Việt Nam bây giờ có “kẻ ăn không hết người lần không ra”… tội nghiệp lắm ông ơi! Mấy đứa con tôi ở dưới quê, nhà nước phát cho vài công ruộng, năm nào được mùa thì đủ ăn giáp hạt, còn không thì đói. Nếu chẳng may bị bệnh hoạn thì chịu chết. Cũng nhờ đồng “đô la” có giá, nên một tháng cho mỗi đứa vài ba chục, chúng nó đắp đổi qua ngày.

- “Ở đây, con này đi làm “neo” lúc đắt, lúc ế…Còn thằng chồng mang tiếng là “kỹ sư xây dựng”, nhưng việc làm lúc có, lúc không… Hồi về quê hỏi cuới con này, nó nói ở bên này nó làm “kỹ sư xây dựng”. Khi qua đây mới biết nó chuyên đi sửa chữa nhà cửa cho người ta - thu nhập bất thường, nên tôi phải phụ tụi nó đóng tiền nhà và chi tiêu lặt vặt.

- “Mấy tháng nay mất việc, tôi không phụ giúp gì được cho tụi nó, thằng rể sinh ra gắt gỏng - nó nghi con này dấu đút tiền bạc gởi về cho anh, cho em… lại thêm phải nuôi bà già báo cô ở trong nhà, nên vợ chồng chúng nó hay cãi lẩy nhau, thấy buồn quá ông ơi! - Xin ông cho tôi được giữ cháu bé và được ở lại với gia đình ông, tiền công thì ông tính bao nhiêu cũng được, miễn là tôi có nơi ăn ở để cho con này khỏi bị chồng nói nặng nói nhẹ - tội nghiệp nó!

- “Qua đây chỉ một mẹ, một con, cũng muốn sống gần gũi, nương tựa nhau, nhưng hoàn cảnh không được như ý. Thằng rể cứ nói xa nói gần: ‘Người già bên này, ai cũng xin vào dưỡng lão cho được an thân, sung sướng.’ Vài bà bạn của tôi qua truớc đã xin vào ở nhà già; tôi còn vài, ba năm nữa mới xin nhập quốc tịch, như vậy còn lâu mới xin được nhà già. Cho nên bây giờ, phải lo thân mình, cho con nó giữ được hạnh phúc gia đình.”

Bà vừa dứt câu, đứa con gái bật khóc! Với giọng đầy nước mắt, nó nói:

- Vậy mẹ sẽ bỏ con?

- Đời nào mẹ bỏ con được, nhưng mẹ không muốn con phải khổ tâm vì mẹ -mẹ mong con được hạnh phúc. Khi nào vợ chồng con vui vẻ, mẹ sẽ trở về… Con nên nhớ rằng: mẹ cũng chỉ sống với con năm mười năm nữa, rồi cũng theo ông bà nhưng con còn phải sống với chồng trong suốt quãng thời gian dài.

Giọng bà chân thật, nét mặt và ánh mắt của bà tỏ ra cam chịu để lộ sự đôn hậu, chất phác của một bà mẹ quê miền Nam. Chừng ấy đã đủ để tôi nhận bà, nhưng điều bà xin ở lại với gia đình con gái tôi thì không được vì nhà nó nhỏ, không có phòng trống cho bà. Tôi giải thích cho bà hiểu lý do không thể nhờ bà giữ thằng cháu ngoại.

Mẹ con bà ứa nước mắt, chào tôi, ra về…Tôi bâng khuâng nghĩ về tấm lòng của người mẹ - chỉ mong đám con mình được hạnh phúc, dù đời mình có gian khổ, nhọc nhằn vẫn cam chịu số phận hẩm hiu.

Tôi đứng lại trước cửa trông theo chiếc xe của họ chạy vào ngã rẽ thì thấy một bà đội nón lá, tất tả đi về hướng nhà tôi, dò tìm số nhà. Đến trước cửa, bà nói như reo:

- Đây rồi! Số 7306.

Nhìn tôi, bà nở nụ cười thân thiện, rồi hỏi:
- Thưa ông, tôi đọc báo thấy ở đây cần người giữ trẻ, phải không ạ?

- Đúng rồi! Mời bà vào.

Tôi mở cửa đưa bà vào phòng khách. Bà để chiếc nón lá cạnh bàn, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, mặc dù trong nhà đang mở máy lạnh, nhưng hình như không đủ mát cho bà. Bỗng dưng tôi thấy thương… Tôi vào trong mở tủ lạnh đem ra cho bà chai nước lọc. Tôi mở lời:

- Mời bà uống nước, rồi bàn chuyện sau. Nhà bà có gần đây không? Sao không nhờ con cháu chở đến, nắng nóng thế kia mà đi bộ?

- Ối giời! Nhờ chúng nó khó nắm (lắm) ông ơi! Mấy năm nay đi đâu tôi cũng neo nên (leo lên) xe bus cho tiện, khỏi phải phiền hà con cái.

Bà nói giọng Bắc, tôi đoán bà không là dân Hố Nai, cũng người Thái Bình, Nam Định.

Tôi hỏi: Bà qua đây lâu chưa, trông bà trẻ khỏe như vậy, sao không tìm việc gì làm, lại đi giữ trẻ vừa bận bịu mà không được bao nhiêu tiền?

Bà trả lời: “Cái nghiệp ông ơi!” - Đứa con trai bảo nãnh (lãnh) sang đây, núc đầu tôi cũng muốn kiếm việc nàm, không muốn ăn bám vào con, nhưng vợ chồng nó đi nàm, gởi hai đứa con ở nhà trẻ, tốn kém quá, chúng nó đề nghị: “Tụi con sẽ sắp xếp cho mẹ một căn phòng dưới nhà, mẹ trông hai đứa cháu nội, rồi nối xóm ai muốn gởi con, đem đến mẹ trông thêm, họ sẽ trả tiền thù nao (lao). Chỉ cần thêm vài đứa là mẹ kiếm tiền còn nhiều hơn đi nàm hãng xưởng.” -Thế nà tôi bắt đầu công việc giữ trẻ từ khi sang Mỹ đến bây giờ - vừa trông hai đứa cháu nội vừa nhận giữ vài đứa trẻ quanh xóm, cứ thế phát triển dần dần, có núc giữ đến năm sáu đứa nhỏ, trông như cái nhà trẻ, thu nhập cũng khá, đúng nà hơn đi nàm hãng xưởng. Nhưng khi hai đứa con chúng nó đến tuổi đi học thì không cần bà nội chăm sóc nữa - Vợ chồng nó nại bảo: “Mẹ nàm được bao nhiêu tiền chỉ gởi về Việt Nam mà nhà cửa lại chật chội, ồn ào.” Thế là chúng nó dẹp cái phòng giữ trẻ. Tôi không có quyền gì để ngăn cản - đành “thất nghiệp” và sống nệ (lệ) thuộc vào tụi nó. Nhưng được một thời gian, xem ra không ổn với con dâu ông ạ. Nó coi mình như một gánh nặng trong gia đình, còn mình cảm thấy như người ăn nhờ ở đậu.

Bà ứa nước mắt, nói tiếp: - “Tôi không có phúc, có phần nhờ con, nhờ cháu thì đi nhờ ơn bá tánh, chứ biết làm sao.”

Giọng bà trở nên nghẹn ngào: “Xin ông cho tôi ở nại (lại) nhà – ngoài việc trông cháu tôi sẽ nàm những việc trong nhà như người nội trợ, tôi không nề hà điều gì, miễn sao tôi có nơi ăn ở, không phải về ở chung với gia đình thằng con trai làm cho vợ chồng chúng nó bận tâm về việc nuôi dưỡng mẹ già, rồi cãi nẩy lẩy) nhau làm mất hạnh phúc gia đình chúng nó.

Nghe cách nói và nhìn đôi mắt mờ đục của bà với vẻ cam chịu cho số phận hẩm hiu, tôi liên tưởng đến những “u già” trong tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn: hẩm hiu, an phận đến xin nương náu trong gia đình thầy thông, ông phán để chăm sóc cậu ấm, cô chiêu cho đến mãn đời.

Lúc ấy, tôi xúc động… nhưng đành phải nói lời từ chối vì nhà con gái tôi chỉ có hai phòng, không thể cho bà ở lại được. Tôi giải thích cho bà hiểu điều đó.

Bà chào ra về. Nắng trưa gay gắt, nhiệt độ lên quá chín mươi độ F, bà tất tả ra trạm xe bus cách nhà tôi khoảng non cây số, vẻ mặt buồn hiu…

Nửa giờ sau một bà khác lại đến. Bà này đi xe Lexus, đeo kính đen đúng mode, trông phong lưu, lanh lợi và thể hiện phong cách của một người đã sống lâu ở Mỹ. Tôi mời bà vào phòng khách, chưa ngồi vào ghế bà đã mở lời:

- Tôi đến xin một chân giữ trẻ, nhưng điều đầu tiên là xin ở lại tại nhà chủ.

Tôi thấy bà này hơi “ngồ ngộ”: đến xin giữ trẻ, chưa nói gì đến công việc chính mà lại đòi xin ở lại nhà chủ trước tiên. Một ý nghĩ thoáng qua: bà này không “tửng”, thì vợ chồng cũng đang có vấn đề - chắc bà muốn bỏ nhà ra đi để khỏi trông thấy mặt thằng chồng “khốn nạn”, nên tôi chưa vội nêu chuyện nhà cửa chật hẹp để từ chối yêu cầu của bà mà muốn dò xem hoàn cảnh của bà ra sao. Tôi hỏi:

- Chắc chị đã về hưu, muốn đi giữ trẻ cho vui?

- Chẳng phải để cho vui mà có lý do đặc biệt.

Bà tiếp tục giải thích: -Tôi qua đây cũng lâu rồi, làm việc cho một văn phòng bác sĩ nhi đồng. Năm rồi ông bác sĩ già, về hưu, sang lại văn phòng cho người khác, tôi thất nghiệp! Vì không có bằng cấp chuyên môn, lại thêm tuổi đã cao, nên kiếm việc làm không dễ, chỉ còn việc “giữ trẻ” là thích hợp vì trong thời gian làm việc ở văn phòng bác sĩ nhi đồng, tôi có chút ít kinh nghiệm về cách thức chăm sóc trẻ con. Nhưng điều kiện tôi vừa thưa với ông là xin ở lại nhà chủ là có lý do – xin phép ông cho tôi dài dòng một chút: - Tôi vô phúc có thằng rể mang tật “thù dai” ông ạ.

Một lần nữa, tôi thấy bà này “ngồ ngộ”.
- Nó mang tật “thù dai” thì liên quan gì đến công việc của chị? Tôi hỏi.

- Đầu đuôi là thế này: - Tôi chỉ có một mẹ, một con được ông bà già bão lãnh sang đây, mẹ con tôi ở với ông bà ngoại, tôi đi làm, con gái tôi được ông bà ngoại nuôi ăn học. Một hôm, con gái tôi dẫn về nhà một thằng bạn trai, nó giới thiệu là “boy friend”. Cái thằng vừa xấu trai, vừa lấc cấc: đến thì Hi! về thì Bye! Chẳng biết thưa gởi, lễ phép là gì…Ông bà ngoại nó ghét lắm và cả nhà đều không ưa, nên mọi người bàn ra, bảo nó đừng quan hệ với thằng đó nữa. Nhưng nào có được, chúng nó vẫn lén lút yêu nhau. Cho đến ngày hai đứa tốt nghiệp, chúng nó xin phép làm đám cưới, cả nhà phản đối. Chúng nó ra “tối hậu thư”: không làm đám cưới thì chúng nó ra tòa làm hôn thú, dẫn nhau đi Tiểu bang khác. Thế là gia đình chịu thua – làm lành với thằng rể - tổ chức cưới xin đàng hoàng.

Rồi chúng nó mua nhà, mời tôi về ở chung. Mấy năm đầu chẳng có gì xích mích, việc ai nấy lo – tôi đi làm, cuối tuần đi shopping hay đến nhà bạn bè vui chơi. Nhưng từ ngày tôi mất việc, ở nhà phụ giúp con gái việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa. Từ lúc ấy thằng rể mới dở hơi.

- Tiền bạc thì tôi không động đến của chúng một xu. Nhưng bực mình là nó coi mẹ con tôi như người hầu. Đi làm về nó ngồi xem TV, chờ cơm nước dọn ra, mời nó đến ăn, đôi khi nó chê ‘dở ẹc’, rồi ra Mc Donald mua cái hamburger vừa gặm vừa ôm cái computer; nhà cửa bừa bộn, nó chẳng bao giờ rớ tay. Tôi nhắc con gái: “Mày phải dạy bảo thằng chồng của mày: ăn nói lịch sự và phải lo công việc trong nhà, nó cứ như ông hoàng, còn mẹ con mình như người ở đợ - bên này cái kiểu chồng chúa, vợ tôi đâu có được – mày nấu cơm, nó phải rửa chén.” Con gái tôi binh chồng, bảo rằng: “Ở sở làm việc căng thẳng, về nhà để cho ảnh thoải mái một chút, mẹ bận tâm làm gì cho mệt. Tính ảnh thiệt thà – có sao nói vậy, không màu mè, mẹ chấp nhứt làm chi.”

Bà ta thở dài: Thế là hết thuốc chữa. Tôi có cảm tưởng nó làm vậy để ‘trả thù’ lúc trước đã chê bai nó, với lại tôi và thằng rể khắc tuổi ông à – Nó nói câu gì tôi nghe chẳng lọt tai mà tôi nói cái gì nó cũng cãi lại.

- Chị tuổi gì và nó tuổi gì mà khắc?

- Tôi tuổi mẹo, nó tuổi tý.

Tôi cười, giải thích: - Chị con mèo, nó con chuột thì khắc tinh nhau là phải rồi. Con mèo lúc nào cũng rình bắt con chuột xé xác. Thế mà nó chưa mua cho chị một vé “Du lịch vũ trụ” là may lắm rồi.

Bà ta cười ngất ngưởng: - Tôi đọc chuyện đó rồi, cho nên bây giờ phải tìm đường “chẩu” trước, chứ để tới lúc nó đưa vé du lịch mà mình không đi thì mất mặt bầu cua.

Bấy giờ, tôi mới trình bày cho bà ta biết là nhà của con gái tôi chỉ có hai phòng, không thể đáp ứng yêu cầu của bà.

Bà vui vẻ nói: - Không sao, tôi sẽ đi tìm chỗ khác, nếu không tìm ra chỗ giữ trẻ thì tìm chỗ “giữ già”.

Tôi cười, nói với bà: - Nếu điều kiện chị đưa ra không khó khăn quá, thì “Jobs giữ già” không thiếu.

Bà ra về, lòng tôi cứ bâng khuâng với nỗi buồn dâu rể…

LÊ ĐỨC LUẬN

No comments:

Blog Archive