Vị thị trưởng làm nên sắc vóc Đà Lạt
Trong mười vị thị trưởng Đà Lạt giai đoạn 1950 - 1975, thì ông Trần Văn Phước (làm thị trưởng từ 1955 đến 1963) đã để lại nhiều dấu ấn trong xây dựng giá trị đô thị.
Theo hồ sơ của Nha Cảnh sát Sài Gòn vào năm 1964, ông Trần Văn Phước sinh ngày 23.8.1918 tại Takeo (Campuchia), con của ông Trần Văn Phát và bà Trương Thị Mẫn; ngụ tại số 10 đường Châu Văn Tiếp, Chợ Lớn.
Nhiều điểm về quá trình trưởng thành, học vấn của ông Phước còn là một khoảng mờ cần thời gian để xác định rõ thêm. Chỉ biết, khi chính quyền Đệ nhất Cộng hòa mong muốn triển khai chính sách biến Đà Lạt thành một thành phố trí thức, văn hóa, một đặc khu giáo dục, ông Phước được đặt vào ghế thị trưởng là một giải pháp lý tưởng.
Có thể kể đến việc sắp xếp lại khu trung tâm thành phố. Kể từ năm 1958, đánh dấu bằng việc khởi xướng quy hoạch khu phố thương mại một tầng lầu ở trung tâm và xây dựng chợ Mới, ông Phước thuyết phục Tổng thống Diệm, sau đó, mời được những nhà thầu lớn, những kiến trúc sư có tài của miền Nam (Nguyễn Duy Đức, Ngô Viết Thụ) tham gia thực hiện.
Đầu năm 1958, trong điều kiện ngân quỹ Đà Lạt eo hẹp, chính thị trưởng Trần Văn Phước đứng ra ký một khế ước với ông Hà Văn Vượng, Bộ trưởng Bộ Tài chánh, thỏa thuận cho thành phố Đà Lạt vay 30 triệu đồng (tiền Việt Nam Cộng hòa) của quỹ Hưu bổng Văn giai Việt Nam để xây chợ Mới. Khoản 30 triệu đồng này được đưa vào ngân sách đặc biệt của đô thị Đà Lạt để dùng cho việc xây dựng công trình. Với sự tán thành cao, Tổng thống Ngô Đình Diệm có đề nghị, nếu ngân quỹ ấy thiếu thì có thể vay thêm quỹ hưu bổng để hoàn thiện.
Trong buổi đấu thầu diễn ra lúc 10 giờ ngày 4.7.1958 tại Tòa Đô chánh Đà Lạt, do thị trưởng Trần Văn Phước làm chủ tọa với sự cố vấn của kỹ sư Phạm Minh Cảnh và Trần Công Thuận, có sự tham gia của ba nhà thầu Nguyễn Đình Quát, Nguyễn Linh Chiểu và công ty của cánh Tôn Thất Hường, Nguyễn Văn Bửu. Bằng những nguyên tắc công minh, đặt lợi ích thành phố Đà Lạt lên cao nhất, ông Phước đã chọn nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu với mức giá thầu công trình chợ Mới là 30.326.000 đồng (dù nhóm thầu của ông Hường, Bửu có sự hậu thuẫn mạnh của ông Ngô Đình Cẩn, em trai Tổng thống!). Cũng chính vì điều này mà suốt quá trình xây dựng ngôi chợ, ông Phước đã chịu sự giám sát khá hà khắc, thậm chí đã bị tư thù, vu khống lúc thất thế về sau.
Những khoản chi vượt dự trù khi thực tế công trình có phát sinh, như những hạng mục bổ sung của KTS. Ngô Viết Thụ vào công trình chợ Mới, ông Phước lại phải đứng ra thuyết phục Phủ Tổng thống, ký khế ước vay thêm (khoản vay 5 triệu đồng vào năm 1959). Điều quan trọng nhất, đợt chỉnh trang năm 1959 đã không làm xáo trộn sinh kế, đời sống của người dân trong khu vực dự án.
Không chỉ qua việc xây chợ, có thể thấy trong thời ông Phước làm thị trưởng, hàng loạt dự án lớn do ông duyệt hoặc đứng ra lo liệu tài chính. Có thể kể đến việc ông vận động cho phát hành tờ xổ số kiến thiết để giải quyết phần nào chi phí của xây dựng Viện Đại học Đà Lạt.
Ngoài ra, ông Trần Văn Phước cũng đã chủ động ra công văn 10677-HC/2B ngày 4.10.1960 gợi ý với Phủ Tổng thống và Nguyên Tử Lực Cuộc về việc Đà Lạt sẵn sàng bán miếng đất 21,15ha với giá tượng trưng là 1 đồng bạc. Để rồi sau này, trên mảnh đất ấy, mọc lên Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, đưa Đà Lạt trở thành đô thị có vị thế như một đô thị quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu nguyên tử, phụng sự hòa bình.
Trong các bản hồ sơ đất và nhà bà Trần Lệ Xuân tại Đà Lạt, thị trưởng Trần Văn Phước nhiều lần đặt bút khán duyệt. Tuy nhiên, dù bằng rất nhiều con đường vòng để người đàn bà có quyền lực và có một tình yêu đặc biệt với Đà Lạt có thể sở hữu nhiều bất động sản, thì ông Phước vẫn là người kỹ tính và theo những nguyên tắc hành chính khắt khe, không để xảy ra tình trạng lạm quyền.
Ông Phước, tuy là người gốc gác Takeo, lớn lên tại Sài Gòn nhưng khi nhận vị trí đứng đầu một đô thị cao nguyên có một lịch sử đặc thù mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp, đã nhanh chóng tạo ra những thay đổi có tính hài hòa. Chính ông đã khuyến khích Hạt Thủy lâm có những cuộc vận động Mùa trồng cây trong thành phố Đà Lạt từ tháng 7 đến tháng 11. Chương trình này được cư dân Đà Lạt hưởng ứng, đem lại mỹ quan đặc thù cho thành phố.
Thành công trong vai trò quản lý thành phố ở một khúc quanh lịch sử quan trọng, định hình giá trị mới cho một đô thị, nên cái tên thị trưởng Trần Văn Phước có thể nói, xếp hàng đầu ở miền Nam bấy giờ, dù ông là người kín kẽ - rất khó tìm thấy hình ảnh của ông trong các sự kiện lớn.
Một thị trưởng giành được sự tin tưởng của tổng thống như vậy rất khó tránh khỏi những đố kỵ, tư thù của các cánh chính trị đối lập.
Sau đảo chánh (1963), ông Phước bị truất quyền thị trưởng Đà Lạt. Tiếp theo, ông bị cánh chính trị mới nổi Trần Ngọc Huyến và Ngô Như Bích tố cáo “kinh tài cho anh em họ Ngô trong dự án xây cất chợ Mới và làm mật vụ tay sai đắc lực, ăn hối lộ, hối mại quyền thế”. Ông Phước bị Nha An ninh Sài Gòn bắt nhốt điều tra. Cảnh sát Sài Gòn lập một bộ hồ sơ hàng trăm trang, trong đó có nhiều biên bản khai cung của vị cựu thị trưởng Đà Lạt và phía nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu để xác định thực hư. Ngoài ra, việc thanh tra tài sản trong ngân hàng của vợ chồng ông Phước cũng được truy cứu.
Ông Phước, trong một biên bản viết tay với ngôn từ sắc sảo và cay đắng, đã tự bảo vệ mình: “Tôi đã chánh thức vào ngạch cai trị một cách thiên quan bạch nhựt, đã từ lâu, trước khi họ Ngô nắm chánh quyền. Tôi đã không có nịnh mà được, cướp mà có, biến cố mà nên. Tôi là cán bộ hành chánh thuần túy chớ không phải chánh trị gia, gặp thời xách hành lý kỳ lên, hết thời xách hành lý xuống”.
Tài sản trước 1955 của ông Phước mà Tổng Nha Cảnh sát Sài Gòn xác định gồm một nhà lầu luôn đất, diện tích 102 thước vuông ở số 10 Châu Văn Tiếp, Chợ Lớn do vợ là bà Nguyễn Thị Quới đứng tên (nhà này có một phần vốn do cha mẹ vợ ông Phước góp vào), tài sản sau 1955 chỉ có chiếc xe Peugeot mua tháng 6.1964 với giá 100 nghìn đồng. Vợ chồng ông Phước không có tài sản đáng kể trong ngân hàng (chỉ có 18.608 đồng, 40 hào gửi trong Ty Ngân khố Đà Lạt và 6.880 đồng tại Việt Nam Ngân hàng). Tài sản ở Đà Lạt, thì ông Phước không có gì. Vợ chồng ông chỉ có thuê một miếng đất 5.590 thước vuông trên đường Thống Nhất với giá 16 hào/thước vuông từ đất công sản vào tháng 8.1963; với ý định xây nhà, chưa kịp xây thì xảy ra đảo chánh.
Tổng Nha An ninh quân đội Sài Gòn đã trả tự do cho ông Phước vào ngày 8.4.1964 vì “không tìm thấy dấu hiệu kinh tài hay phạm tội ác dưới thời chế độ cũ”.
Như vậy, rời ghế thị trưởng Đà Lạt sau sóng gió đảo chánh tháng 11.1963, vợ chồng ông Phước bị tấn công danh dự, nhưng họ đã vượt qua bằng minh chứng về sự liêm chính.
Chỉ với tám năm ngồi ghế thị trưởng, những công trình lớn tạo nên dáng vóc cho một đô thị, với sự tôn trọng tuyệt đối di sản quá khứ, tài nguyên thiên nhiên, ông Phước là vị thị trưởng có công nhất trong các đời thị trưởng Đà Lạt từ 1950-1975.
Một điều đáng nói nữa, ông xây dựng thành phố trí thức nhưng không quên những cư dân khốn khó trong thành phố. Bà Nguyễn Thị Quới được dân Đà Lạt cựu trào biết đến là một phu nhân thị trưởng của người nghèo. Chính bà Quới, với danh nghĩa Phong trào Nữ liên đới đã tổ chức căn-tin cho học sinh (mỗi suất ăn chỉ 5 đồng) tại Lữ quán Thanh niên và Lao động. Nhiều học sinh nghèo trọ học đến những người nhập cư lao động nghèo đã thường xuyên lui tới, nhờ vậy mà sống qua những ngày khó khăn, để theo đuổi chuyện học hành, lập nghiệp ở thành phố cao nguyên.
Hình dưới: Ông Trần Văn Phước (giữa) trong một cuộc họp mặt với các chưởng ấn Viện Đại học Đà Lạt
No comments:
Post a Comment