Friday, February 4, 2022

HẠNH PHÚC THIÊNG LIÊNG

(Kính dâng Hương Linh Từ Mẫu. Tặng người đồng tâm cảnh)

Tôi không bao giờ quên được mẹ tôi, một người Mẹ Việt Nam hiền lành, tận tụy và có một tấm lòng đầy tình nhân ái.

Dĩ nhiên là mẹ tôi thương tôi lắm và tôi có rất nhiều kỷ niệm với Người. Kỷ niệm nào cũng hạnh phúc, êm đềm, vì thế, cứ mỗi dịp tết hay ngày lễ, tôi lại rưng rưng nhớ mẹ. Mỗi lần nhớ mẹ, lòng tôi lại dâng tràn một niềm xót xa luyến tiếc.

Trong nỗi xót xa luyến tiếc đó, hình ảnh qúa khứ lại hiện về. Có những chuyện tôi nhớ rõ từng chút như chừng mới xảy ra hôm qua, lại có chuyện tôi chỉ nhớ từng đoạn một và mơ hồ như mộng ảo. Những mẩu chuyện của ký ức này không được xếp theo thứ tự thời gian mà được sắp xếp theo những ngăn trí nhớ đặc biệt của bộ não con người. Nói một cách khác, bất cứ lúc nào tôi nhìn thấy một hình ảnh nào đó có một vài điểm tương tự như những cảnh tôi đã sống qua với mẹ thì ngay lập tức, ký vãng hiện về. Rồi cứ thế, từ hình ảnh này tiếp theo hình ảnh khác, như người ta quay lại đoạn phim mặc dù đoạn phim ấy lộn xộn, không thứ tự, đầu đuôi và đã được xem đi xem lại nhiều lần.

Nhiều mùa xuân tiếp nối trôi qua trong tuổi ấu thơ và tôi còn nhớ rõ những mùa xuân rất thanh bình. Không kể những anh chị lớn đã có chồng có vợ và ở riêng, chúng tôi, ba chị em, lớn nhất là chị Tâm, kế là anh Phúc và tôi là út. Là út, lại thua anh Phúc tới bảy tuổi nên tôi được sự cưng chiều đặc biệt của mẹ tôi. Vì thế, từ quần áo đến quà bánh thứ gì phần của tôi cũng được nhiều hơn anh chị tôi một chút.

Năm nào cũng vậy, tết đến với tôi rất sớm. Ngay từ đầu tháng Chạp, mẹ đã lo chọn màu, mua vải để may áo tết cho chúng tôi. Chừng độ dăm ngày thì mẹ tôi may xong đống quần aó mới. Trong những ngày đó, có lẽ người háo hức nhất là tôi. Ngoài những lúc ở trường, tôi luôn luôn quanh quẩn bên cạnh mẹ để lấy giùm mẹ cuộn chỉ, nhặt những mảnh vải nhỏ cất làm của riêng để may áo búp bê, đưa cho mẹ cái kéo và chờ xỏ kim cho mẹ. Mỗi lần được mẹ nhờ, tôi cảm thấy rất vui và cho rằng vai trò của mình cũng quan trọng lắm.

Chừng đâu nửa buổi thì mẹ bảo tôi thử áo lần đầu. Cho đến bây giờ tôi còn nhớ cái cảm giác sung sướng khi thử áo. Chỉ cần ướm nhẹ áo vào người là tôi đã vui ra mặt. Dù tay không dơ, tôi cũng vội chạy đi rửa rồi mới trịnh trọng luồn tay vào áo. Mẹ tôi xoay người tôi từ từ, ngắm trước, nhìn sau, nghiêng phải, nghiêng trái để tìm khuyết điểm. Xong, mẹ bảo tôi cởi áo ra. Người lại kiên nhẫn dò từng đường chỉ, nắn nót từng mũi kim. Tôi còn nhớ những lần thử áo cuối cùng, bao giờ cũng vậy, sau khi giúp tôi cài hạt nút chót, mẹ tôi bước lùi ra sau vài bước, chăm chú ngắm tôi từ đầu đến chân với đôi mắt chan chứa yêu thương và hãnh diện của một nhà điêu khắc trứ danh chiêm ngưỡng tác phẩm đắc ý nhất của mình. Sau đó, mẹ không quên cười âu yếm:

- Chao ơi, con gái tôi xinh qúa, lại diện bộ quần áo mới đẹp thế này thì sang nhất xóm!

Thế là mặt tôi nóng bừng lên và vội vùi đầu vào ngực mẹ. Tôi còn nhớ cái cảm giác vừa sung sướng, vừa e thẹn mỗi lần được mẹ khen là xinh và được diện quần áo mới. Mẹ tôi biết ý, người mỉm cười và ôm chặt tôi vào lòng. Tôi thấy trong mắt mẹ tôi long lanh một niềm hạnh phúc.

Sau việc may quần áo tết cho chúng tôi, mẹ bắt đầu chuẩn bị Tết cho gia đình. Mẹ chia việc cho U Duệ và chị Tâm lau chùi dọn dẹp nhà cửa, bàn ghế. Anh Mẹo đánh bóng lại chiếc bàn thờ và sơn lại nhà cửa. Anh Mẹo xưa là con của một người quen bên ngoại của bà nội tôi. Sau khi bố mẹ anh qua đời vì nạn đói năm 1945 thì anh trở thành một thành viên của gia đình chúng tôi. Anh trẻ và khoẻ nên những phần việc nặng nhọc trong nhà anh luôn luôn gánh vác. Anh Mẹo lớn hơn tôi đến mười mấy tuổi nhưng những lúc rảnh rỗi, anh hay chơi đùa với chúng tôi và cũng gọi bố mẹ tôi là bố mẹ vì thế, chúng tôi không thấy cách xa anh và xem anh như anh ruột.

Tết năm ấy, mẹ tôi bảo là anh Phúc đã lớn và giao cho anh bổn phận đánh bóng chiếc lư hương và cặp chân nến bằng đồng. Rồi mẹ đong gạo nếp, lựa đậu xanh, chọn lá dong và mua thịt để chuẩn bị gói bánh chưng. Cha tôi không giúp mẹ may áo tết nhưng người lại rất hăng say giúp mẹ gói bánh chưng.

Ngày gói bánh chưng thật là vui và bận rộn. Cả nhà, ai cũng xúm vào góp một tay. Chỉ có tôi bé nhất nhà nên không phải làm gì. Tuy vậy, tôi lại rất thích được dự phần vào việc của người lớn nên cứ quanh quẩn ở gần. Đôi khi vướng chân, bị chị và anh tôi la mắng. Mẹ tôi thấy thế tội nghiệp tôi, người xếp gọn lại đống lá dong vừa đủ một chỗ cho tôi ngồi bên cạnh và ôn tồn nói:

- Đừng mắng em thế. Tội nghiệp em. Thôi em lại đây với mẹ!

Tôi lết lại bên cạnh mẹ rồi nhìn anh chị tôi không nói gì nhưng mặt tôi lúc đó vênh lên vì được mẹ binh. Chắc là phải dễ ghét lắm nên chiều hôm đó tôi bị anh Phúc ký cho một cái thật đau và nói:

- Con gái vô tích sự. Chỉ được cái làm nũng là không ai bằng!

Bất thần bị một cái ký đầu đau điếng, tôi đã định khóc tướng lên rồi chạy đi mách mẹ. Chợt nhớ ra là mẹ tôi và chị Tâm đã đi sang hàng xóm chờ khui hụi. U Duệ và anh Mẹo đang hì hục rửa cái hồ nước mưa và bố tôi cũng không có nhà nên nếu khóc là có thể bị ăn thêm vài cú ký đầu nữa nên vội im ngay. Sau đó, lúc mẹ tôi về, tuổi thơ dễ quên, tôi cũng không mách lại với Người.

Tối hôm đó, cơm nước xong, gia đình tôi thức khuya luộc bánh. Anh Mẹo đi lấy thêm cho mẹ mấy nhánh cây to mà anh đã cưa từ cây ổi bị kiến đục sau nhà từ nhiều hôm trước. Mẹ tôi gầy bếp trong khi U Duệ xếp từng cái bánh vào nồi. Bếp được làm bằng những viên gạch kê chụm đầu lại với nhau thành hình ba ông đầu rau ở ngay giữa sân sau, cạnh hồ nước.

Chỉ ít phút sau, những ngọn lưả hồng thật đẹp và ấm thi nhau vươn lên ôm lấy đáy nồi. Cái lạnh bị đẩy ra xa, chúng tôi trải chiếu ngồi quây quần bên bếp lửa. Tôi không sao quên được cái cảm giác thú vị tuyệt vời của những đêm luộc bánh khuya. Mắt nhìn ngọn lửa chập chờn và vừa ăn khoai lang nướng vừa nghe mẹ kể truyện đời xưa, truyện lúc người còn bé. Mẹ tôi có duyên kể truyện nên truyện nào mẹ kể cũng hay ho hấp dẫn. Tôi thích nhất truyện ma. Sợ nhưng đòi mẹ kể. Nhiều khi câu truyện đến hồi gay cấn, hồi hộp, tôi sợ quá, cố thu người thật nhỏ, nép sát vào với mẹ hơn. Rồi tôi nằm gọn trong lòng mẹ lúc nào tôi cũng không hay. Mùi thơm thơm cay cay của khói, hơi ấm của lửa hoà lẫn hơi ấm của mẹ tôi làm tôi chìm vào giấc ngủ êm đềm. Sáng hôm sau, khi thức giấc, tôi thấy mình nằm trên giường, ấm áp trong chiếc mền bông đắp cao tận cổ. Cũng sáng hôm đó, tôi được ăn điểm tâm bằng cái bánh chưng nhỏ xíu mà mẹ tôi đã cẩn thận gói riêng cho tôi ngày hôm qua. Bánh thật thơm, nếp thật dẻo, đậu thật bùi và thịt thật béo. Ngon qúa. Trong đời tôi từ đó, không có cái bánh chưng nào ngon như thế được. Có lẽ, tôi đã cảm thấy bánh ngon đến thế vì trong vị bánh chưng tôi đã cảm được cả được khối tình yêu to lớn của mẹ tôi và sự đầm ấm của gia đình.

Mong mãi, tết cũng phải đến. Những tiếng pháo nổ lưa thưa của sáng Mồng Một Tết đánh thức tôi dậy sớm. Sau khi rửa mặt, đánh răng, tôi thay bộ quần áo mới còn nguyên nếp gấp, mặc thêm chiếc aó len và đi vào phòng tìm mẹ. Mẹ tôi chải đầu và cài lên tóc tôi một cánh nơ kim tuyến màu hồng. Tôi chạy vào phòng chị Tâm, chị đang đứng trước gương và tô nhẹ chút phấn hồng lên má. Tôi đến bên chị, nhìn mình trong gương với bộ quần áo mới, hai gò má tôi lại nóng ran.

Còn đang say sưa với một cảm giác rất mới trong một ngày rất mới của mùa Xuân, tiếng U Duệ gọi làm tôi nhẹ giật mình. Tôi bắt chước chị Tâm, mỉm cười với bóng mình trong gương rồi đi theo chị ra phòng khách.

Gia đình tôi có lệ là sáng mồng một tết chúng tôi gặp nhau ở phòng khách để cùng lễ tổ tiên. Sau đó, chúc tuổi cha mẹ rồi ăn sáng. Cha Mẹ tôi với nét mặt hân hoan nhưng trang trọng ngồi chờ chúng tôi ở bộ trường kỷ bằng gỗ đen bóng. Các cụ đều đã gọn gàng trong những bộ quần áo mà chỉ có những ngày tết hay đám tiệc tôi mới thấy được dùng. Chúng tôi theo chân cha mẹ đến trước bàn thờ tổ, đứng nghiêm chỉnh hai bên và đọc thầm theo từng lời cầu nguyện cũng như bắt cước cách bái lạy của hai người.

Trên bàn thờ, đèn nến sáng trưng, khói nhang nghi ngút. Bánh chưng, mứt, trái cây, hoa tươi, thức nào cũng đẹp mắt và tươm tất. Sự bày biện khéo léo của mẹ và U Duệ càng làm tăng thêm phần long trọng của ngày tết. Tôi cẩn thận từng cử động đến nỗi không dám cả thở mạnh để tôn trọng sự trang nghiêm của giây phút đầu năm thiêng liêng ấy.

Lễ tổ xong, chúng tôi trở lại phòng khách. Lần lượt theo thứ tự, lớn trước, nhỏ sau, chúng tôi chúc những lời đẹp cho cha mẹ. Anh Mẹo, Chị Tâm và anh Phúc nói trôi chảy không trở ngại gì. Nhưng đến lượt tôi, vốn tính nhút nhát, hay mắc cở nên nói câu nào cũng vấp. U Duệ dạy tôi từng tiếng một thế mà tôi lập lại vẫn sai làm cả nhà cười ồ lên. Mắc cở và tự giận mình, tôi mếu máo khóc. Mẹ tôi tội nghiệp ôm tôi vào lòng và nói cho tôi đỡ thẹn:

- Thôi được rồi. Năm mới đừng khóc. Con gái ngoan của mẹ ra đây mẹ mừng tuổi cho nào!

Rồi mẹ lấy ra xấp phong bì màu đỏ trong đó có những đồng tiền mới lì xì cho chúng tôi. Cha mẹ chúc chúng tôi học hành tấn tới, khoẻ mạnh và ngoan ngoãn. Riêng U Duệ nuôi tôi từ bé nên tết nào U cũng mừng tuổi tôi bằng đồng tiền mới nhất U có được.

Ăn sáng và chờ người khách đầu tiên đến xông nhà xong, tôi được chạy đi chơi với bạn bè cùng xóm. Anh Mẹo, anh Phúc và chị Tâm thì phải chia phiên nhau ở nhà pha trà và đem bánh mứt ra đãi khách.

Niềm vui của ngày Tết phút chốc làm tôi quên đi cái tính nhút nhát cố hữu của mình. Lòng tràn đầy sung sướng, tôi bắt đầu cuộc du xuân. Tôi đến nhà Mai, một trong bốn đứa bạn thân. Rồi cùng với Mai đến Phương. Từ Phương, chúng tôi đến Kim. Cuối cùng, bốn đứa chúng tôi hoan hỉ gặp nhau nói cười rôm rả. Chúng tôi bốn đứa thân nhau vô cùng. Học chung một lớp. Ở cùng một xóm. Có quà gì cũng để dành chia nhau và chưa bao giờ chúng tôi giận nhau lâu được nửa ngày.

Sau khi khoe nhau quần áo mới và tiền mừng tuổi, chúng tôi cẩn thận đếm lại xem đứa nào có nhiều hơn và rủ nhau ra đầu ngõ, nơi có một khoảng đất trống và cũng là giao điểm của mấy con ngõ gần trường mẫu giáo Măng Non.

Ngày thường, khoảng đất trống này vẫn là chỗ tụ tập của hàng quà sáng, quà trưa, quà tối, đặc biệt, lúc nào cũng có hàng bánh kẹo của cô Mận. Buổi trưa, có thêm xe kem, gánh bún riêu và hàng bánh rán. Ngày thường, trừ giờ học, nơi này luôn ồn ào vì có mặt bọn trẻ xóm tôi. Hôm nay, sáng mồng Một Tết, tuy chỉ có hai hàng quà, Bà Long bánh cuốn và cô Mận thì người ta lại mở sòng nên ồn ào kinh khủng. Từ con ngõ của chúng tôi ra đó, ngày thường thì chả có gì ái ngại, thế mà hôm nay, chúng tôi phải nắm tay nhau dùng hết can đảm mới làm xong cuộc hành trình “nguy hiểm” này. Lũ chúng tôi đứa nào cũng nhát gan, sợ pháo. Biết rõ chúng tôi sợ pháo, thế mà Lộc, Hoàn và Kha, lũ con trai trong xóm, ngày thường thì rất tử tế với chúng tôi nhưng hôm nay không hiểu tại sao lại ác với bọn tôi như thế. Bọn này mồi pháo rồi liệng trên đường, ngay trước mặt chúng tôi làm chúng tôi sợ quá, la hét om sòm và tức đến rưng rưng nước mắt. Trong khi bốn đứa chúng tôi tức và sợ cuống lên thì bọn họ lại khoái chí, cười vang. Thú thật, ngày thường chúng tôi không ghét gì bọn con trai này, bởi tụi nó cũng hiền và đặc biệt, Kha, hay chỉ cho tôi những bài toán khó. Nhưng hôm nay, sau khi chúng tôi nhảy dựng lên vì pháo thì cái mặt bọn này đứa nào cũng không ưa nổi, nhất là lúc nghe những chuỗi cười thích chí giòn tan. Phương, dạn dĩ nhất trong bọn, phản pháo bằng cách la to:

- Lộc móm! Hoàn ròm! Kha lé!

Không ai bảo ai, ba đứa chúng tôi hoà theo. Chúng tôi la to lắm và tôi có cảm tưởng rằng tôi đã dùng tất cả hơi trong lồng ngực. Nghe la, bọn con trai ngưng tấn công và nét mặt có chút ngỡ ngàng, mắc cở vì những lời cay độc. Tôi thấy lòng chùng lại và tội nghiệp cho Lộc qúa. Lộc có móm đâu. Lộc chỉ bị gẫy cái răng cửa vì chơi đá bóng ở trường hồi năm ngoái. Còn gọi Kha là Kha lé thì thật là oan ơi ông điạ. Kha không lé. Kha chỉ có tật hay giả lé để ghẹo bọn chúng tôi mỗi khi gặp Kha ở hành lang hay ở sân trường. Hoàn thì thật sự có nhỏ con nhưng hiền và học giỏi. Nhưng dù sao, tôi cũng phải phục cái cú đòn miệng của Phương. Nhờ cú đòn tâm lý ấy mà bọn con trai mắc cở, không ném pháo nữa và chúng tôi đến được “vùng đất hứa” an toàn.

Vùng đất hứa thật ồn ào vui vẻ. Nơi đây đủ các trò chơi ngày tết. Nào ném vòng, nào chọi lon, nào xổ số... Tóm lại, trò chơi nào cũng hấp dẫn và đầy tính cách may rủi để dụ tiền con nít. Chúng tôi thích nhất là bàn bầu cua cá cọp. Tết, được phép vui chơi nên chúng tôi rủ nhau tấp vào đám bầu cua. Nơi đây, một đám trẻ con bu quanh một tờ giấy khổ lớn được trải ngay trên nền đất. Tờ giấy chia làm sáu ô, in hình trái bầu, con cua, con cá, con tôm, con gà và con nai. Nhìn những hình con vật màu sắc lỗng lẫy và linh động tôi không thấy có con cọp và thắc mắc trong lòng là không hiểu tại sao người ta lại gom cả con cọp vào rồi gọi là “cá cọp”?

Chủ sòng là một người đàn ông độ ngoài bốn mươi, hai tay ông cầm bộ chén dĩa có chứa ba con lúc lắc hình khối vuông, cũng in đủ các hình giống hệt như trên tờ giấy. Với một cử chỉ rất sành sỏi và nhanh nhẹn, tay ông lắc, miệng ông mời khách đặt tiền xuống ô hình. Chờ cho số tiền bồn bộn, ông mở cái chén ra. Số phận rủi, may của mỗi chúng tôi được định đoạt bởi ba con lúc lắc này. Nếu ai đặt tiền đúng vào hình con lúc lắc hiện ra trong chén thì người đó ăn. Tuy thế, người được thì ít, kẻ thua thì nhiều. Thằng con trai ông lớn hơn bọn tôi độ đôi ba tuổi, mau mắn phụ với cha thu nhặt tiền của kẻ bị thua để dọn chỗ cho ván mới. Chỉ trong chừng nửa tiếng, ba trong bốn đứa chúng tôi thua sạch cả tiền, trong số kẻ không may đó có tôi. Kim may mắn hơn tất cả, trong túi còn được sáu đồng. Tôi rời đám bầu cua mà trong lòng vừa buồn, vừa tiếc của và tự trách mình là "hư thân mất nết", không nghe lời mẹ mà đi... cờ bạc để bị thua tiền.

Kim thương bạn, đưa chúng tôi đến hàng cô Mận và bao mỗi đứa hai cục kẹo gừng. Tuổi thơ thật hồn nhiên và thật dễ quên. Vị ngọt ngọt, cay cay, thơm thơm của chiếc kẹo gừng đang tan dần trong miệng làm chúng tôi vui ngay được. Chúng tôi lại cười, lại nói và mùa xuân lại đẹp như mơ. Ăn xong hai cục kẹo, chúng tôi bảo nhau trở về nhà chờ khách đến để gom tiền mừng tuổi.

Xế trưa Mồng Một nào tôi cũng được đi chùa với mẹ, U Duệ và chị Tâm. Chỉ còn Ngoại nên sau khi đi chùa, chúng tôi đi mừng tuổi Ngoại. Mồng Hai, chúng tôi theo cha mẹ đi chúc tuổi các bậc chú, bác, cô, dì hai bên họ hàng và thày cô giáo. Đi đến đâu cũng được mời ăn uống. Thức ăn thì ê hề đủ loại mỹ vị cao lương mà ngày thường rất là hiếm hoi, ít ỏi. Nhưng ba ngày tết cũng là những ngày mà tôi lười ăn nhất vì chỉ cần nghĩ đến Tết là tôi đủ cảm thấy no.

Với người lớn, sau ngày Mồng Hai thì hương vị tết đã hơi nhàn nhạt, nhưng với bốn đứa chúng tôi thì tết còn được kéo dài tới mồng Năm. Mồng sáu tết chúng tôi trở lại trường nhưng vẫn chưa quên được tết. Chúng tôi mang tết theo và giờ ra chơi chúng tôi vẫn khoe với nhau về cái tết của mình, nào là quần áo đẹp, nào là tiền mừng tuổi, nào là được họ hàng chúc tụng thương yêu...

Nhưng những mùa xuân tuyệt vời như thế thật chẳng được nhiều. Tôi chưa hiểu gì về chiến tranh nhưng tôi thấy bố mẹ tôi lo lắng và nói chuyện với nhau rằng nhiều người đã nhìn thấy những toán quân vác cờ liềm búa đi về những làng quanh thành phố. Nhiều gia đình vội vàng dựng vợ gả chồng cho con. Sau khi anh Mẹo lấy chị Tần và ra riêng. Chị Tâm theo chồng, u Duệ về thăm quê và bị Việt Minh giữ lại không trở ra Hà Nội được thì gia đình tôi nhỏ lại và buồn hơn.

Rồi đất nước chia đôi. Rồi những cuộc di cư vĩ đại.

Tôi bắt đầu có những mùa xuân không áo mới, không tiền mừng tuổi và bụng thì đói meo, nghĩ đến mùi vị bánh chưng thơm mà khao khát. Mẹ tôi ngồi buồn đưa mắt xót xa nhìn chúng tôi rồi người từ từ đứng lên lấy mấy vắt cơm nắm cắt ra từng miếng cho chúng tôi chấm với muối vừng. Bố tôi ăn một chút để cầm lòng. Bố bảo mẹ ăn thì mẹ cười nói là không thấy đói và rồi khi bố tôi đi khỏi, mẹ nhường phần cơm ấy cho tôi.

Cũng như mọi gia đình vượt tuyến tìm tự do, Tết năm ấy, mỗi gia đình chúng tôi chia nhau một khoảng trên nền xi măng lạnh gía của một trường học bỏ trống. Tôi không có đồ chơi, thèm một con búp bê, mẹ tôi bèn cuộn tấm khăn vuông của người lại làm búp bê cho tôi ẵm đỡ.

Khi gia đình chúng tôi vào đến miền Nam và định cư yên nơi yên chốn thì những cái Tết tuy đầy đủ nhưng tôi không còn tìm thấy hương vị háo hức rộn ràng như những cái Tết thuở xưa.

Rồi mùa Xuân lại đến. Một cái tết lại về. Nhưng cái tết này không bình lặng êm đềm như những cái tết vừa qua, nó cũng chẳng rộn ràng háo hức như những cái tết ngày còn bé. Nó cũng không chỉ buồn vì thiếu hương vị tết như cái tết tản cư năm nào mà nó là một cái tết chắc chắn suốt quãng đời còn lại tôi không thể nào quên. Tết năm đó đối với tôi là một cái tết đau đớn khôn cùng. Tôi không thể khóc được cho đến lúc người ta đặt mẹ tôi vào chiếc áo quan. Đến lúc đó, tôi mới hiểu được thế nào là mất mát. Một phần linh hồn tôi đã nằm với mẹ trong chiếc quan tài. Tôi bàng hoàng và không muốn chấp nhận rằng giữa mẹ và tôi chỉ cách có một tấm gỗ và vài lần vải liệm nhưng xa cách muôn trùng. Tôi cũng không thể chấp nhận được rằng căn nhà trước đây tôi vẫn cho là vui vẻ đầm ấm thì từ nay, vắng bóng mẹ tôi, sẽ trở nên rất buồn bã, lạnh lùng. Những lúc tôi đi đâu về, mẹ tôi không còn ở đó để đón tôi bằng đôi mắt bao dung và nụ cười âu yếm. Mẹ tôi cũng không còn đó để mà an ủi khuyến khích tôi những khi tôi vấp ngã trong đời. Tôi cũng không còn được hưởng sự săn sóc, chở che, tha thứ như mẹ đã từng chở che tha thứ và săn sóc cho tôi. Những bữa cơm tẻ nhạt vì thiếu mẹ. Khi tôi đau ốm, sẽ chẳng còn ai lo lắng đem cho tôi từng viên thuốc, vắt cho tôi từng ly nước cam, ép tôi ăn từng muỗng cháo và lau cho tôi từng sợi tóc ướt đẵm mồ hôi.

Bao nhiêu năm tiếc thương âm thầm lặng lẽ trôi đi, nhưng hình ảnh mẹ và cái tết đau thương năm nào vẫn còn in rõ trong tôi từng chút. Ngày ấy, với hơn hai mươi tuổi đời, vừa nhận lớp dạy đầu tiên ở một trường tiểu học nhỏ bé miền ngoại ô Phú Thọ, tôi không còn thơ dại nữa nhưng thực sự tôi vẫn chưa đủ lớn khôn để mạnh dạn vào đời. Từ ngày vắng mẹ, tôi thấy một nỗi bơ vơ vô tận phủ ập lên cuộc đời mình. Mùa xuân cho dù vẫn đến nhưng không còn êm ái nữa và niềm hạnh phúc thì chẳng còn trọn vẹn như xưa.

Cuộc đời không trang bị những hành trang cần thiết cho tôi nhưng lại thẩy tôi vào một đấu trường đầy cam go, thử thách, lọc lừa, cạm bẫy, dối gian, bạc đen và đau khổ. Một đấu trường mà trọng tài lại hết sức bất công. Dù muốn hay không, tôi bắt buộc là một đấu thủ của đấu trường tàn nhẫn này. Trong sự đấu tranh để được sống còn đó, tôi đã thấy mình lớn vội. Tôi đã lớn cùng với sự nẩy mầm của những hạt giống yêu thương mà mẹ tôi đã ươm trong tâm hồn đa cảm của tôi từ tấm bé.

Cõi đời càng hẹp hòi ích kỷ bao nhiêu thì tôi lại càng cảm thấy tình yêu của mẹ tôi bao dung và to lớn bấy nhiêu. Vì thế, nỗi nhớ thương mẹ của tôi càng thêm mãnh liệt. Có những lúc dọn dẹp quanh nhà, tôi đã đứng lại nhìn thật lâu vào tấm màn che cửa, nơi đó, có từng mũi chỉ mẹ tôi đã may và còn lưu lại. Rồi tôi bật khóc như một trẻ thơ. Khóc một cách ngon lành, không e ngại. Tôi khóc và cảm thấy không cần phải giấu giếm cái cảm xúc thiêng liêng đó của mình. Có những chiều chủ nhật rảnh rang, tôi thường mở cái rương quần áo của mẹ tôi mà tôi còn giữ. Tôi lấy hết các thứ trong đó ra rồi lại thứ tự xếp lại từng cái một. Những lần như thế, tôi thường úp mặt thật lâu vào đống quần áo của mẹ tôi để mong tìm lại một chút hơi hướng thân yêu ngày cũ. Tôi thấy rằng không một ai thương yêu tôi bằng mẹ tôi trên cõi đời này nên hình ảnh mẹ tôi đã ngự trị trên một vị trí cao nhất trong tình cảm và lòng tôn kính của tôi. Có lúc tôi ước ao mình bé lại để được ngủ vùi bình yên trong lòng mẹ như những đêm luộc bánh chưng. Có lúc tôi lại ước rằng phải chi mẹ tôi còn sống để tôi được săn sóc, hầu hạ mẹ, đem cho mẹ từng chén cơm, rót cho mẹ từng ly nước như mẹ đã lo cho tôi ngày còn bé để tôi được nhìn mẹ cười, mẹ nói và chia xẻ với mẹ những mẩu chuyện hàng ngày.

Từ khi đến xứ người, niềm đau mất nước và nỗi bơ vơ làm tôi càng thêm thương nhớ mẹ, nhất là những ngày lễ, tết. Nhìn hoạt cảnh rộn ràng hạnh phúc của những bà mẹ tay đẩy strollers hoặc dắt con đi phố và nhìn những nhóm thanh niên thiếu nữ Việt, Mỹ trẻ trung, vui tươi, xinh đẹp trong những bộ quần áo thời trang, lòng tôi nhớ mẹ ngậm ngùi và tiếc nuối những ngày còn mẹ. Tự nhiên, tôi thấy thèm được nói vài câu với họ. Và nếu được phép, tôi sẽ nói rằng: “Hỡi những người may mắn còn mẹ trên thế giới và nhất là những người bạn trẻ Việt Nam thân mến của tôi ơi, các bạn có biết rằng các bạn may mắn hơn tôi nhiều lắm không, vì các bạn còn có mẹ ? Vậy thì, các bạn đừng hà tiện gì một cử chỉ thân yêu, một lời nói ngọt ngào tôn kính. Các bạn hãy cầm tay mẹ và hôn lên đó, dù cho bàn tay này có thể đã già nua cằn cỗi và xấu xí với thời gian nhưng chính những bàn tay nhiệm màu thần tiên ấy trong bao năm qua đã nâng niu, săn sóc bạn từng chút một để giấc ngủ bạn được êm, áo bạn được ấm và miếng ăn của bạn được ngon. Cũng chính những bàn tay ấy đã có lúc âu yếm cầm tay bạn, dạy bạn viết những chữ A, B vụng dại đầu đời. Bạn hãy nhìn sâu vào đôi mắt mẹ, đôi mắt lúc nào cũng nhìn bạn bằng tất cả niềm hãnh diện, thương yêu và kỳ vọng. Rồi bạn tha thiết nói với mẹ rằng 

Mẹ ơi, con biết rằng trên cõi đời này mẹ là người thương con nhiều nhất. Trong đôi mắt và tư tưởng mẹ, lúc nào con cũng tuyệt vời, hoàn hảo nhất, và mẹ có biết không, mẹ chính là người mẹ tốt nhất trên đời và mẹ cũng là người mà con hằng yêu qúy nhất! “

Bạn ơi, bạn hãy nói với mẹ thế đi, rồi bạn sẽ thấy rằng bạn vừa tặng mẹ một món quà vô giá. Một món qùa mà trong suốt cuộc đời làm mẹ, người mẹ nào cũng ước mong nhận được tự con mình.

Hãy nói với mẹ thế và khi bạn thấy niềm xúc động tràn lên đôi mắt mẹ thì cũng là lúc lòng bạn tràn lên một niềm hạnh phúc vô biên. Một thứ hạnh phúc mà dù giàu có đến bao nhiêu bạn cũng không thể mua được bằng tiền. “ĐÓ LÀ HẠNH PHÚC THIÊNG LIÊNG CỦA TÌNH MẪU TỬ VÀ CHỈ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC TRONG TÌNH MẪU TỬ MÀ THÔI!”

Ngô Minh Hằng

No comments:

Blog Archive