Quá Tam Ba Bận
Cũng có thể tôi “suy bụng ta ra bụng... mình” nên mới nói thế, nhưng trên có trời, dưới có đất giữa có... bà vợ thứ ba của tôi xin thề tôi đang nói hết sức thành thật. Thiên hạ khoan lên án tôi cổ suý cho cái thói đa thê, đa tình, đa... gì gì đó bởi vì chính tôi rất ghét sự ngoại tình. Thật sự thì dù cưới vợ ba lần nhưng tôi vẫn là một người đàn ông chung thủy có đóng dấu của ba bà vợ hẳn hoi. Người ngoại tình với tôi là một kẻ rất yếu đuối, vì sao? Họ không dám dứt bỏ sự chán nản bên cạnh bởi vì những quyền lợi và những sự ràng buộc quá lớn. Họ cũng không muốn dứt bỏ sự êm ái, vui vẻ mà họ đang hưởng bởi vì lòng tham cũng chẳng kém gì điều thứ nhất. Thế nên bốn nhân vật nổi bật trong truyện Kiều thi hào Nguyễn Du tôi phục nhất là Kim Trọng và khinh thường nhất là Thúc Sinh. Sở Khanh đối với tôi lại không đáng lên án vì đó là “nghề nghiệp” của anh ta, còn Từ Hải mang tiếng anh hùng hảo hán mà thiếu thông minh đến nỗi mang họa vì đàn bà thì cũng chẳng đáng khâm phục. Chính vì tư tưởng chung thủy đàng hoàng đó mà tôi phải lấy vợ... ba lần, thay vì ngoại tình... ba chục lần.
Người vợ đầu tiên của tôi là một cô bạn cùng lớp. Quê cô hình như ở một địa danh gì đó tên Chắc Là Bí Đao hay Chắc Cà Đao gì đó. Cha cô tập kết ra Bắc không hẹn ngày trở về, mẹ cô dắt con lên Sài Gòn lập nghiệp. Hồi đó cô học giỏi lại khá xinh đẹp nên lắm người theo đuổi. Hồi đó chả ai quan trọng chuyện ”sơ yếu lý lịch”, kỳ thị con cộng sản hay con quốc gia, hễ ai học giỏi có đạo đức thì được mọi người thương mến. Vậy thôi! Bằng chứng ba tôi là sĩ quan trong chế độ cũ, tôi theo đuổi cô mà chẳng nghĩ ngợi gì.
Trong mắt tôi, cô là người con gái đẹp, thông minh, xứng với tôi vì trong lớp tôi cũng là một nhân vật thuộc hạng “con nhà giàu, học giỏi, viết chữ đẹp”. Tôi lại có tài đàn hát nữa nên dễ dàng đánh bật các đối thủ khác để chiếm được trái tim người đẹp. Cuộc tình đang đến hồi du dương thì cô đột nhiên mất tích để đến sau 30/4/75, lúc đưa ba tôi ra phường đi trình diện học tập cải tạo tôi mới thất kinh nhìn thấy người yêu cũ ngày nào trở thành “đồng chí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân” với mái tóc thắt bím, áo trắng, quần đen, mặt mày đằng đằng sát khí. Thôi rồi còn chi đâu em ơi! Tôi than thầm tiếc cho một yểu điệu thục nữ trong tà áo trắng học trò tinh khôi ngày nào giờ, trở thành... bà la sát. Hú vía!
Thấy mặt tôi xanh mét như các đồng chí đồng rận của cô lúc bị sốt rét rừng, cô động lòng thương nhỏ nhẹ nói với cha con tôi là đừng lo chỉ đi học tập có 10 ngày rồi về thôi. Cô còn khuyên tôi cố gắng học tiếp chương trình đại học y khoa đang dang dở vì “nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đang cần những người như tôi. Cha con tôi trở về tâm hồn khá xúc động đậy trước thái độ tử tế của cô. Mẹ tôi an tâm chuẩn bị hành lý cho chồng đi học tập gì đó trong 10 ngày. Hai tuần sau chẳng thấy tăm hơi bố tôi đâu cả. Hai mẹ con hốt hoảng lên phường định chất vấn lũ ”đầy tớ nhân dân” láo toét thì thấy “quân ta” cũng đang đứng đầy ở đó để hỏi tin tức người nhà, ai cũng có vẻ tiều tụy, đầy nét lo âu, sợ hãi, chán chường.
Lần này tôi chẳng thấy đồng chí “chủ tịt” người yêu cũ đâu, chỉ có một gã “phó chủ tịt” ốm đói ho hen, răng vẩu, mở miệng ra là sặc mùi thuốc lào. Tên “đầy tớ” rống lên trước bao nhiêu “nhân dân” đang đứng trước mặt:
– Đồng bào đừng có no cứ để đảng, nhà lước no! Những thành phần ngụy quân ngụy quyền phản động lày phải được đi tẩy lão một thời gian để chúng ló biết được tội ác của mình chống lại đảng và nhân dân. Sau đó chúng ló sẽ được khoan hồng trở về đoàn tụ gia đình.
Mọi người ngơ ngác, vì chả hiểu thằng cha này đang nói tiếng người hay tiếng... dã nhân nhưng cuối cùng cũng đành tiu nghỉu ra về vì chẳng làm được gì. Tối đó, “đồng chí người yêu cũ” đến thăm. Tôi giật mình nhìn quanh, mẹ tôi vừa nhác thấy đã bỏ lên lầu chẳng thèm nói câu nào.
– Huyền tìm tôi có việc gì không?
– Lâu rồi không gặp lại. Thắng khác nhiều quá! Bộ có người mới rồi sao?
Câu nói có vẻ hờn dỗi của cô làm tôi chạnh lòng nhớ lại những kỷ niệm êm ái xa xưa lúc tôi chở cô trên chiếc xe máy và cố ý đạp ga thật mạnh để em sợ áp sát vào tôi, cả hai đều có cảm giác đê mê lạ lẫm của tình yêu đầu của tuổi thanh xuân tràn đầy nhựa sống. Tôi mời cô vào nhà. Tối đó cúp điện, dưới ánh đèn dầu lờ mờ tôi thấy cô khác xưa nhiều lắm. Nét hồn nhiên, trong trắng ngây thơ dường như hoàn toàn biến mất, trước mặt tôi là một cô gái dày dặn, thoang thoảng mùi... sát thủ làm tôi hơi ớn ớn.
Tôi ngập ngừng:
– Từ hồi Huyền mất tích, tôi hỏi thăm khắp nơi nhưng chẳng có tin tức gì. Nghe nói Huyền... Huyền... vào bưng.
Cô nhìn tôi đăm đăm, tất cả con người cô chỉ còn lại cái nhìn này, không che giấu được một thuở yêu đương say đắm.
– Đúng vậy! Thế thì Thắng có ghét Huyền không?
Tôi thở dài tự nhiên một khoảng cách mênh mông hiện ra trước mắt tôi. Tương lai sẽ ra sao, tôi không biết nữa. Rồi một câu hỏi chợt bật ra mà tôi đã không kìm chế được:
– Bố của Thắng sẽ ra sao? Người ta có trả thù ông không?
Huyền trầm ngâm một lát rồi khẽ nói:
– Chuyện này.,, chuyện này... Huyền cũng không thể nói được gì. Bố của Thắng đã gây tội ác với nhân dân quá nhiều, giờ phải đến lúc phải đền tội thôi.
Tôi căm phẫn nhìn cô trừng trừng, kỷ niệm xưa, tình yêu cũ chợt biến sạch trong tôi như một cơn bão lớn cuốn đi cả cánh rừng xanh tốt.
– Có nghĩa là bố tôi bị đem đi…
Hiểu ý tôi, Huyền vội trấn an:
– Không! Nhưng những thành phần ngụy quân ngụy quyền này sẽ được đưa vào các trại cải tạo một thời gian. Đó là chính sách đứng đắn của đảng và nhà nước…
Tôi giơ tay, nghẹn giọng:– Đủ rồi!
Huyền đứng dậy nhìn tôi một thoáng ái ngại:
– Nếu Thắng thật sự cần Huyền giúp đỡ thì cứ nói nhưng Thắng cũng phải thay đổi lập trường chính trị của mình đi!
Cô đi rồi, mẹ tôi lật đật xuống lầu hỏi tin, tôi kể lại, bà khóc nức nở:
– Làm sao bây giờ hả con? Mẹ biết tính bố con quật cường, ngang bướng lắm, chắc sẽ bị chúng nó…
Bà không nói tiếp được nữa, ngồi phịch xuống ghế khóc to hơn. Tôi an ủi mẹ mà cảm thấy lòng mình cũng đau như cắt.
– Mẹ đừng lo! Để con ráng xoay sở.
– Xoay sở cách nào hả con?
Tôi ấp úng:
– Con định nhờ... cô bạn học cũ của con bây giờ là chủ tịch phường can thiệp thử.
Mẹ tôi ngập ngừng hỏi:
– Nhưng mà... Việt Cộng có tin được không con? Chúng nó nói đưa bố đi có 10 ngày thì về thế mà bây giờ... biệt tích luôn.
– Nhưng cũng đành phải nhờ vả thôi mẹ ạ! Bây giờ mình còn đường nào đâu.
Tôi định nói: ngay cả cái nhà đang ở đây cũng không biết có giữ được không nhưng sợ mẹ buồn hơn nên đành im lặng. Tuy an ủi mẹ như thế nhưng tính tôi cũng chả khác gì bố tôi cho lắm, nghĩa là cũng tự ái ngất trời. Quỵ lụy đàn bà đối với cha con tôi là một cái nhục không biết rửa mấy sông cho hết. Nam nhi đầu gối có vàng ròng mà!
Chần chừ lần lữa cả tháng, mẹ tôi hối thúc mãi tôi đành vác mặt và cả cái đầu gối chẳng có tí vàng nào đến gặp “đồng chí chủ tịch người yêu cũ”. Tôi như một bị cáo đứng giữa ba bàn làm việc dàn ba phía, gã phó chủ tịch, gã thư ký phường ngồi hai bên làm tôi chẳng biết nói gì. Huyền cũng ”trở mặt” trắng trợn nói tôi phải cẩn thận với tụi phản động CIA Mỹ còn cài đặt tại đây (mặc dù tôi biết chắc chính cô ta cũng chẳng biết CIA đang ở đâu nữa). Tôi đứng im nghe cô giảng dạy về chính sách “diều tha quạ mổ” gì gì đó của nhà nước “chó ngáp phải ruồi” để cuối cùng bị đuổi thẳng cánh với câu nói:
– Thôi anh về đi! Trường hợp của bố anh sẽ được cứu xét tùy theo tội ác mà ông ta đã gây ra cho nhân dân.
Bố tôi, một bác sĩ quân y cả đời cứu người không phải chỉ cứu người quốc gia mà cứu cả những người cộng sản nữa trong chiến tranh, không biết ông sẽ được “cứu xét” thế nào đây? Tôi về nhà ấm ức mà chẳng biết làm sao chỉ biết cằn nhằn mẹ đổ thừa cho bà hối thúc làm tôi nhục nhã trước bàn dân thiên hạ mặc dù lúc đó chỉ có... ba người ở đó. Mẹ tôi buồn rầu bỏ vào phòng im lặng cả ngày, tôi hối hận vội chạy vào xin lỗi. Bà chỉ nhìn tôi dịu dàng nói:
– Mẹ hiểu tính con hệt như bố nhưng rồi con xem, cuộc đời từ nay sẽ khác, cả hai bố con sẽ khổ vì cái tính cao ngạo này.
Trên đời này tôi ghét nhất hạng thầy bói nhưng từ khi mẹ tiên đoán tương lai của cha con tôi thì tôi tin mẹ tôi mà làm “bà bói” là trúng phóc. Những ngày sau đó, tôi vừa đi học vừa đi đào kinh đắp đất. Mẹ tôi mở tiệm trà nước, làm bánh trái lặt vặt để bán. Bà khéo tay lại chăm chỉ, cách ăn nói hòa nhã nên “cửa tiệm” khá phát đạt. Ít lâu sau, Huyền lại đến thăm, lần này tôi nhất quyết không mời vào nhà.
– Huyền có tin của bác trai.
Câu nói ngắn gọn này kéo cả hai mẹ con tôi sát lại gần cô. Khi biết bố tôi bị đẩy tuốt luốt ra tận miền Bắc xa xôi, mẹ tôi oà lên khóc còn tôi đứng chết lặng. Huyền nói nhỏ:
– Thắng bình tĩnh! Để Huyền nghĩ cách giúp cho.
Ít lâu sau, cô đến thăm vào buổi tối, bữa đó cũng vào ngày cúp điện hình như cô đến toàn vào những ngày cúp điện thì phải? Lần này, mẹ tôi thân hành mang trà bánh ra mời, còn tôi vội gỡ bỏ lớp vàng ròng trên đầu gối để tiếp cô. Huyền nói gần nói xa than thở bị gã phó chủ tịch phường rồi đến lão chủ tịch quận theo đuổi làm cô đau đầu quá. Cô kể lại những kỷ niệm của ngày xưa rồi nói bóng nói, nói gió: bố tôi có thể ra tù cải tạo nếu ông là người... có công với cách mạng. Trời đất! Bố tôi, người cùng anh em binh sĩ ở lại liều chết với tụi Việt Cộng đến giờ chót mà công cán gì với tụi nó? Tôi vốn thông minh nhưng tìm mãi trong gia phả ba đời nhà tôi cũng chẳng thấy có công gì với cách mạng. Ông bà nội ngoại tôi là địa chủ, cường hào, người bỏ của chạy vào Nam, người ở lại bị đấu tố đến chết. Ông cố tôi làm việc cho Pháp. Hiền lành nhất là mẹ tôi, cô giáo dạy sử trong một trường công lập.
– Nói thật với Huyền, nhà tôi toàn là người “có tội” với cách mạng giờ mới làm sao?
– Thì… Thắng tìm cho mẹ cô con dâu... có công với cách mạng là được rồi.
Ối giời ơi! Lần đầu tiên tôi mới biết “cọc tìm trâu” là như thế nào? Mặt cô nàng tỉnh bơ nhưng tôi biết má mình đang nóng bừng bừng vì... mắc cỡ giùm. Thấy tôi ngồi yên lâu quá, cô nàng hơi ngượng nên vội vàng cáo từ.
Thời gian sau mẹ tôi thu xếp đi thăm nuôi chồng, lúc về bà bỏ ăn khóc sưng cả mắt. Bà bảo với tôi:
– Bố con chắc chết mất! Trời ơi! Tụi Việt Cộng này nó ác quá!
Bà kể lể cho tôi nghe tình trạng thảm thương của bố tôi và các bạn tù ra sao làm tôi cũng rơi nước mắt. Bố tôi thảm thế nào thì đã rõ nhưng tôi sợ mẹ lo nghĩ quá hóa điên nên cuối cùng đành phải nói thật hết với mẹ ý định của Huyền. Mẹ nắm chặt lấy cánh tay tôi khẩn khoản:
– Con thấy sao? Thôi thì... cứu bố trước đã, được không con? Dù sao ngày xưa con cũng yêu nó mà.
Thế là tôi cưới vợ, vậy mà mãi đến cả năm sau bố tôi mới ra tù. Sợ bố về sẽ có chuyện với “đồng chí con dâu”, mẹ bàn với tôi về bên nhà vợ ở một thời gian để bà khuyên ông đã. Biết tính bố, tôi năn nỉ Huyền với lời hứa sẽ thuyết phục mẹ bán nhà mua cho hai vợ chồng một căn nhà nhỏ ra riêng. Tham lợi, cô vợ mới đồng ý ngay. Dù quả thật là lấy được người mình đã từng yêu và người đó cũng yêu mình nhưng đời sống vợ chồng tôi thật... kinh hoàng! Mỗi lần nói chuyện với nhau tôi toàn nghe cô nói về đảng và nhà nước, chính sách này, chế độ nọ. Cô thường đi họp hành, công tác. “Đồng chí đồng rận” của cô ta toàn là một lũ “đỉnh cao trí tuệ” của... con bò. (Ấy chết! Nói thế là còn xúc phạm con bò đấy!) Mỗi lần gần gũi, từ người cô cứ như tỏa ra... mùi sát khí làm tôi ghê ghê rờn rợn mất cả hứng thú. Cuối cùng, bố mẹ tôi bán nhà thật, bố gọi tôi về rồi nghiêm trang bảo:
– Bố mẹ có đường dây “đi”. Nếu bố mẹ có mệnh hệ gì con cứ lấy 30/4 làm ngày giỗ.
Tôi nhìn bố thật lâu rồi kiên quyết nói:
– Cho con đi! Con cũng muốn chết chung với bố mẹ. Đời sống này con không thể chịu đựng được nữa rồi
– Nhưng ông bà nội chỉ có mình con là cháu đích tôn.
– Nếu cô ta có con thì con cũng có thể suy nghĩ lại. Đằng này, không biết nhà ai... vô phúc.
Cuối cùng, tôi viết cho Huyền một lá thư dài với tờ đơn ly dị ký sẵn rồi lặng lẽ ra đi, chấm dứt cuộc hôn nhân đầu đầy cay đắng tủi nhục.
Chuyến đi may mắn trót lọt, chắc ông bà phù hộ cho nhà tôi không tuyệt tự. Đến đảo, tôi bắt buộc phải lấy vợ... lần hai. Lần này thì tôi là người ra ơn. Người vợ thứ hai nhan sắc trung bình. Chồng cô là lính Việt Nam Cộng Hoà, mất tích trong những ngày loạn lạc cuối cùng. Bố mẹ chồng chết sớm, bố mẹ đẻ cũng bị pháo kích Việt Cộng chết. Cô về ở với anh trai, chị dâu nhưng hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt quá nên cuối cùng cô đành phải đi theo một người bà con xa về vùng biển tìm cách mưu sinh bằng nghề bán cá. Tình cờ, cô phát hiện ra một chuyến vượt biên, sợ bị lộ, họ đành cho cô đi theo. Đến đảo, tứ cố vô thân lại hiền lành chất phác chẳng biết làm gì, ngày nào cô cũng ra ngồi trước lều nhìn ra biển và khóc. Mẹ tôi thương cảm, hỏi han ra mới hay chồng cô xưa cũng là lính dưới quyền bố tôi. Bố mẹ tôi thấy tội nghiệp bèn khuyên tôi cưới cô... làm phúc. Chuyện này thì cả nhà tôi đều giống nhau, khẳng khái với kẻ thù nhưng lại động lòng trắc ẩn với người khốn khổ. Cô tuy ít học không xinh đẹp nhưng hiền lành chân chất nên tôi cũng thương. Tôi đồng ý lấy để cô có cơ hội ra đi đến xứ sở tự do làm lại cuộc đời.
Qua Mỹ, cô chẳng biết nương tựa vào đâu nên đành lẽo đẽo theo gia đình tôi. Bản tính chăm chỉ chịu khó, nhẫn nhịn nên cô được lòng cả nhà, năm dài tháng tận, chúng tôi cũng thành vợ chồng thật sự. Dù sau đó có một đứa con với nhau, không hiểu sao tôi cũng chẳng thể yêu được cô. Trong tôi luôn có điều gì đó bất như ý, có lẽ vì cô quá hiền lành đến mức khù khờ, “tháng tám cũng ư, tháng tư cũng gật”. Hình như ngoài chuyện làm cá và... kho cá ra, cô chẳng còn biết chuyện gì khác nữa.
Tôi học tiếp ra trường thành một bác sĩ nhưng không cứu được bố mình. Ông đã mất vì căn bệnh ung thư có lẽ trong thời gian đi tù cải tạo, ông đã suy nhược quá từ thể xác đến tinh thần. Bố mất, cả nhà như con thuyền giữa biển bị gãy mất cột buồm chính. Năm sau, cô vợ chất phác của tôi ngập ngừng nói với tôi rằng đã có tin tức người chồng cũ, cũng vượt biên, hiện đang ở bên đảo.
– Con có còn thương chồng cũ nữa không? – Mẹ tôi hỏi.
– Dạ có! Con thương ảnh lắm, chắc con không bao giờ quên được ảnh.
Cô thật thà đến mức tội nghiệp làm tôi cũng cảm động thay vì ghen tuông bực tức. Thủ tục ly dị được tiến hành nhanh chóng, tôi giúp cô làm giấy tờ đám cưới bảo lãnh anh chồng bên đảo. Mẹ tôi ngỏ ý xin cô để lại thằng cháu nội đích tôn cho bà nuôi, cô gạt nước mắt đồng ý vì hiểu rằng đứa con này được sinh ra để trả ơn cho gia đình tôi một cách xứng đáng. Cuộc hôn nhân thứ hai chấm dứt nhẹ nhàng, tôi không vui mà cũng chẳng buồn bởi vì đôi lúc tự hỏi lòng tôi biết chắc mình chưa từng yêu người đàn bà này và ngược lại. Cả hai lấy nhau vì lòng thương hại, vì ơn nghĩa mà thôi. Đời sống chung lại quá khập khiễng về trình độ, tư tưởng, nếu cố níu kéo cũng chẳng hạnh phúc. Tuy vậy, tôi vẫn chung thủy làm tròn bổn phận, dù tôi thừa sức ngoại tình mà vợ tôi cũng chẳng dám nói gì. Thiên hạ bình phẩm lời ra tiếng vào, kẻ khen người chê thân phận hai đời vợ của mình, tôi cũng mặc kệ, lương tâm tôi thanh thản, thế là đủ!
Tuy chưa đến tuổi trung niên nhưng tôi đã bắt đầu cảm thấy chán ngán chuyện tình yêu, chuyện hôn nhân gia đình với tôi hình như chẳng có ý nghĩa gì cả. Mẹ tôi cũng chẳng nỡ nhắc nhở vì hai lần hôn nhân vừa qua, tôi toàn theo ý bố mẹ mà làm nên lần này, bà để yên cho tôi tự định đoạt lấy duyên phận của mình.
Từ ngày bố tôi qua đời, mẹ tôi trở nên một tín đồ Phật giáo thuần thành, bà hay nghe kinh, nghe pháp, đi chùa. Tự nhiên, tôi giật mình nghĩ lại mình phải chăng cũng “vô thần” như tụi Việt Cộng? Đến lượt thằng con vào gia đình Phật tử rồi về nhà nheo nhéo kể cho bố nghe nghe lịch sử Đức Phật rồi hết lời khen ngợi cô Diệu Hoa nào đó dễ thương thế này, thế nọ.
– Cô Diệu Hoa là sư cô hả? – Tôi tò mò hỏi nó.
Mẹ tôi phì cười thay cháu nội trả lời:
– Cô Diệu Hoa là huynh trưởng gia đình Phật tử của chùa. Cô chỉ là Phật tử tại gia thôi. Tên thật của cô hình như là Tuyến Hoa thì phải?
– Bà nội ơi! Tên cô là Tuyết Hoa.
Thằng cháu vội sửa lại, bà nội mắng yêu:
– Ừ! Thì bà nói sai, gớm! Thằng bé này để ý quá đi mất!
Cuộc trò chuyện của hai bà cháu làm sự tò mò của tôi càng lên cao độ. Tôi hỏi thằng con:
– Bé Huy nè! Bố có được vào gia đình Phật tử với con không?
– Để con hỏi cô Diệu Hoa “của con” đã.
Thằng bé nói với vẻ đầy quan trọng, mẹ tôi quay mặt đi tủm tỉm cười. Từ đó, tôi siêng năng đến chùa vào cuối tuần, nhờ thằng con... mai mối, tôi làm quen được với nàng. Tôi không thể diễn tả được cảm xúc của mình lúc đó vì trước tôi, nàng vừa dễ thương, xinh xắn như người tình đầu tiên, vừa thông minh nhẹ nhàng như mẹ tôi, vừa hiền lành thật thà như người vợ thứ hai. Nàng có cảm tình với tôi ngay lần đầu tiên gặp gỡ vì tôi đã nói về lịch sử xuất gia của Đức Phật (từ thằng con dậy lại!) và hết lời ca tụng Ngài.
Khi tôi tham gia chương trình văn nghệ Vu Lan ở chùa, tôi ôm đàn cho nàng hát bài “Bông hồng cài áo”, rồi bài “Lòng mẹ” thì tôi chợt nhận ra mình đã yêu nàng mất rồi. Khi tôi học đến tứ diệu đế rồi bát chánh đạo thì bao nhiêu những chánh niệm, chánh tư duy tôi dồn hết... vào nàng.
Qua mẹ, tôi biết nàng vẫn là một bông hoa trắng như tuyết: nàng đi diện bán chính thức, vì học rất giỏi nên qua Mỹ không lâu đã tốt nghiệp đại học hạng xuất sắc, sau đó bảo lãnh cho bố và hai em rồi đi làm lo cho cả gia đình ổn định. Mẹ mất sớm, sợ bố buồn, nàng thường xuyên đưa ông đi chùa. Từ đó, nàng cũng ảnh hưởng và tích cực tham gia mọi Phật sự, thành lập gia đình Phật tử. Mùa Vu Lan thứ hai tham gia chương trình văn nghệ thì tôi biết nàng cũng có cảm tình sâu đậm với mình qua ánh mắt, cử chỉ ân cần mỗi khi nàng đem đồ ăn thức uống đến cho. Tôi thuộc lòng chú đại bi chỉ vì một mục đích: cầu nguyện cho con lấy được nàng. Đến bây giờ thì tôi dám khẳng định: chú đại bi linh lắm nếu ai chịu thành tâm trì tụng.
Mẹ tôi vui một, con tôi vui mười thì tôi vui... vô tận. Nàng đáng yêu, nhân từ nhưng không nhu nhược. Nàng thông minh, giỏi giang nhưng không độc đoán kiêu ngạo. Nàng chân thật, biết lắng nghe nhưng không nịnh bợ, a dua. Đức Phật dạy rằng có năm loại vợ tốt, một trong năm đó là vợ như bạn. Và tôi đã tìm thấy được một người bạn tri âm tri kỷ tuyệt vời của riêng mình. Cảm động nhất là nàng nói với tôi không muốn có con để dồn hết tình thương cho bé Huy vì nó thiếu mẹ từ lúc còn thơ. Nàng còn khuyên tôi bỏ qua mọi chuyện cũ cho Huyền vì dù sao cô cũng có công giúp đỡ bố tôi trong lúc nguy nan. Nàng đề nghị làm một chuyến du lịch đến tiểu bang nơi mẹ ruột bé Huy đang sinh sống với gia đình để mẹ con gặp nhau một lần. Tôi tán thành. Đời sống gia đình của tôi hạnh phúc êm ấm không thể nào tưởng tượng được.
Lần mới nhất về Việt Nam cùng nàng, tình cờ gặp lại Huyền, tôi sửng sốt: cô thiếu nữ yêu kiều ngày nào trở thành một người đàn bà phục phịch, núc ních. Dù khá giả giàu có nhưng thẩm mỹ viện cũng chẳng làm gì được cho gương mặt cô ta đẹp hơn. Nghe nói cô ta cũng qua một đời chồng nữa (sau tôi) rồi lại ly dị và bây giờ đang sống với người chồng thứ ba trẻ hơn cô ta tận mười mấy tuổi. Nhưng đó là chuyện bình thường ở xã hội Việt Nam hiện tại, những tên đảng viên có chức có quyền thì tham dâm vô độ, vợ các gã này cũng hăng hái đi ăn chả ăn nem như Huyền. Con cái những kẻ này cũng ăn chơi sa đọa không kém. Không ngờ đảng và nhà nước lại đào tạo ra những tên đầy tớ thoái hóa đến như thế. “Cha già” dân tộc Hồ Chí Minh nếu có sống lại chắc cũng sẽ nói rằng: “Con hơn cha là nhà vô phúc đấy!”
Ngọc Thanh Thi
No comments:
Post a Comment