Ngày Tết Âm lịch ở Bhutan
Tết năm mới của dân Bhutan gọi là Losar. Họ đón Tết vào khoảng giữa tháng 2 và tháng 3 Dương lịch (ngày chính xác tùy theo Âm lịch). Ngày Tết này được đón mừng bằng các nghi thức tôn giáo, tiệc mừng, họp mặt gia đình, tạ ơn tổ tiên, Phật Trời…
Lễ hội Tết năm mới Losar tại Bhutan. Nguồn. worldkings.org
Ngày lễ mừng năm mới ở Bhutan có từ năm 1637, khi Shabdrung Ngawang Namgyal (1594-1651), người thống nhất Bhutan, hoàn tất ngôi đền nổi tiếng Punakha Dzong bằng một lễ khánh thành long trọng. Dân chúng Bhutan từ các miền thung lũng khác, mang lễ vật, thực phẩm trái cây khác nhau đến dâng lễ. Một truyền thống cho thấy sự phong phú về thực phẩm trong những bữa ăn của ngày Losar.
Cả tháng trời, trước ngày đón mừng lễ năm mới Losar, dân chúng đã lo chuẩn bị cho Tết. Họ lau chùi, dọn dẹp, sửa sang, trang hoàng nhà cửa, bàn thờ và làm những phẩm vật như bánh trái, dự trữ thịt tươi, ngũ cốc để cúng cho các đền thờ, gọi là “Lama Losar”. Những vật dụng, đồ dùng trong nhà đã cũ sẽ bị dẹp bỏ, thay thế bằng các món mới mua. Các đền thờ và tu viện được trang hoàng với, đèn, cờ phướn nhiều màu sắc thuần túy của Bhutan, các nghi lễ tôn giáo đặc biệt mừng năm mới sẽ được thực hiện tại tu viện.
Ngày bắt đầu của một năm dựa theo sự tính toán của khoa chiêm tinh trong giáo lý Lama Gongdü do Sanggyé Lingpa giảng dạy (1340-1396). Âm lịch của Bhutan cũng giống như Âm lịch của Tây Tạng, cả hai đều dựa trên lịch của Mông Cổ nhiều thế kỷ trước. Tại Bhutan, ngày Tết năm mới cũng được coi là ngày cúng dường Phật Trời vì người dân Bhutan mỗi năm đều cúng dường ngũ cốc cho Ðức Lạt Ma Zhabdrung Ngawang Namgyal ở Punakha.
Vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck và hoàng hậu. Nguồn. getty images
Vị đầu tỉnh Trongsa ở phía Ðông thung lũng; Paro, vị đầu tỉnh phía Tây; vị đầu tỉnh Darkar, thung lũng phía Nam, tất cả cùng đưa người dân trong khu vực đến cúng dường. Vì những tập tục này, nên người ta coi ngày Tết có ý nghĩa quan trọng như ngày đánh dấu chủ quyền và sự đoàn kết của Bhutan. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng không có bằng chứng rõ ràng về sự việc đã xảy ra. Nhiều người nói, trước khi Zhabdrung Ngawang Namgyal thống nhất Bhutan, dân chúng địa phương ở các vùng thung lũng Bhutan đã chào mừng ngày này như ngày Tết năm mới.
Ðầu tiên, ngày Tết năm mới được tổ chức ở khu vực phía Ðông, nơi họ gọi là Sharchokpé Losar, Tết năm mới của dân miền Ðông Bhutan. Dần dà, việc chào đón Tết năm mới theo chân những cư dân đi khắp nơi ở Bhutan, và mọi nơi hưởng ứng cho tới ngày hôm nay.
Những lá cờ ghi điều ước trong năm mới
Trong dịp năm mới Losar, dân Bhutan làm bánh bột nướng truyền thống hình ngôi sao, bông hoa, với những món quà đặc biệt được giấu trong tâm của chiếc bánh. Thí dụ như mảnh giấy ghi những lời chúc tụng, tiên đoán vận mạng, hoặc lời thơ, văn tốt đẹp cho năm mới; có khi là những chuyện vui cười. Khi lấy phần bánh, người nào nhận được những điều tốt, thì coi như gặp hên đầu năm; cũng có trò trêu chọc, quấy phá như giấu trái ớt trong bánh là dấu hiệu dành cho người ba hoa, miếng đường trắng là dấu hiệu cho người tốt hoặc miếng than đen, cho biết bạn là người xấu trong đời.
Người dân Bhutan mừng Tết năm mới qua 3 ngày chính (mồng 1, 2, 3 của tháng Giêng, như Tết của Việt Nam)
Vua tặng quà cho dân. Nguồn. worldkings.org
Mồng 1
Cúng và cầu nguyện lễ bái tại tu viện hoặc đền thờ địa phương. Buổi tối chủ nhà bày ra món súp truyền thống, với bánh bao nhỏ, có 9 món trong nhân thịt, để mang may mắn và thành đạt trong năm mới.
Mồng 2
Ngày này dành để cầu nguyện cho vua, được gọi là Gyalpo Losar; sau đó mọi người thăm thân nhân, bạn bè, chúc tụng họ những điều tốt đẹp và tham gia điệu múa mặt nạ cổ truyền, gọi là Aji Lhamu. Buổi tối họ đốt những cây đuốc quanh nhà để xua đi tà ma ám khí.
Tế lễ trong Tết Losar. Nguồn. worldkings.org
Mồng 3
Trong ngày cuối này, mọi người đi viếng tu viện, bái lạy để cầu xin vị thần hoàng địa phương phù hộ cho năm mới và cúng dường tu viện với thực phẩm, áo quần. Cuối cùng họ dựng cờ của tu viện, của Bhutan và đốt đống lá cây Bách như một thông tục truyền thống.
Khi đến Punakha, thủ đô cũ của Bhutan, bạn sẽ sững người ngạc nhiên trước Punakha Dzong – “Cung điện của hạnh phúc cực lạc”. Ðây là cung điện đẹp nhất ở Bhutan. Punakha Dzong nằm ngay ngã ba, giữa 2 con sông Mo Chhu và Pho Chhu, tượng trưng cho kiến trúc đặc biệt của Phật giáo, được xây dựng từ năm 1637. Lễ hội chính thức của Tết Âm lịch Losar luôn được tổ chức tại đây và được tiếp tục hàng năm sau. Lễ hội năm mới Punakha là lễ hội quan trọng nhất của ngày Tết Losar tại Bhutan.
Losar được đón mừng trong 15 ngày. 3 ngày đầu tiên là lễ hội Tết chính. Dân Bhutan thường đón mừng bằng bữa ăn sáng truyền thống, đúng ngay khi mặt trời mọc. Thực phẩm như bánh bột chiên, quít, gạo men chua (giống như cơm rượu), phô mai, các loại trà và đồ ngọt đều được dùng cho các bữa ăn. Mía và chuối xanh là loại thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe và cho biết một năm mới tốt đẹp sắp tới.
Vài nét về Vương quốc Bhutan
Tên chính thức của quốc gia nhỏ bé này là Vương quốc Bhutan, một nước không có biển, ở miền Đông Hy Mã Lạp Sơn. Bhutan chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa và Phật giáo Tây Tạng và nằm giữa Tây Tạng, Ấn Độ. Dân số Bhutan có hơn 750,000 người và có diện tích 38,394 cây số vuông. Bhutan là quốc gia quân chủ lập hiến, Phật giáo là tín ngưỡng của cả nước.
Núi Hy Mã Lạp Sơn nhô lên từ vùng đồng bằng phía Nam của Bhutan. Trong vùng núi Hy Mã Lạp Sơn của Bhutan, có đỉnh cao tới 7,000m, so với mực nước biển, Gangkhar Puensum là đỉnh núi cao nhất của Bhutan, cũng là nơi cao nhất thế giới. Đời sống thiên nhiên của Bhutan là điều đáng chú ý vì sự phong phú của nó, kể cả loài linh ngưu takin, đặc biệt ở vùng này. Thành phố lớn nhất ở Bhutan là Thimphu.
Cung điện hạnh phúc cực lạc. Nguồn. Punakha Dzong. Nguồn. worldkings.org
Rất đặc biệt, là dân Bhutan không sát sinh suốt thời gian vui Tết cho đến hết tháng, những tiệm bán thịt đều đóng của suốt thời gian đó. Hầu hết mọi người đã dự trữ thịt trước để dùng qua những ngày Tết năm mới.
Người dân Bhutan có niềm tin mạnh mẽ rằng nếu họ cảm thấy hạnh phúc trong ngày đầu năm mới thì những ngày còn lại của họ sẽ tràn đầy niềm vui. Chính vì vậy, họ ăn uống thoải mái nhất có thể vì điều đó làm cho họ hạnh phúc.
Trong dịp này, những gia đình cùng kéo nhau đi vui chơi, sinh hoạt ngoài trời như dã ngoại, đi bộ trên các đường núi. Trên khắp đất nước, mọi người, mọi nơi đều tiệc tùng nhảy múa và ca hát. Người ta chúc nhau “Tashi Delek”. Ðây là lời chào mừng của người địa phương và câu chúc một năm mới may mắn, phát tài, thịnh vượng. Ðặc biệt, phóng phi tiêu và bắn cung, được thi tài, biểu diễn trong những ngày Tết Losar. Bắn cung là môn thể thao quốc gia của Bhutan, gia đình nào cũng chơi.
Chơi bắn cung trong ngày Tết Losar. Nguồn. worldkings.org
Losar là thời điểm đặc biệt để dân Bhutan gặp gỡ, thắt chặt tình bạn, tình gia đình và lòng yêu mến mọi người trong cộng đồng, cũng là dịp chào mừng các lễ hội văn hóa truyền thống của Bhutan và hy vọng một cái Tết Âm lịch tốt lành.
Trong năm 2022, Tết Âm lịch Losar sẽ đúng vào ngày 29-1-2022 Dương lịch, và đây là năm con Cọp (như Việt Nam).
Bữa ăn truyền thống trong ngày Tết Losar. Nguồn. worldkings.org
Là một đất nước theo đạo Phật nên trong dịp năm mới, người dân cũng đến tu viện để cầu nguyện. Họ cũng ghi những lời nguyện ước lên những lá cờ treo ở khắp mọi nơi. Người dân Bhutan luôn có niềm tin lạc quan vào những dịp năm mới đến, với họ hai chữ muộn phiền không tồn tại trong cuộc sống.
Có thể thấy rằng, dịp Tết của người Bhutan đậm đà bản sắc dân tộc và niềm hạnh phúc tràn ngập ở khắp mọi nơi.
HĐV
(Nguồn.worldkings.org, Wikipedia)
Theo Helino-
No comments:
Post a Comment