Kiều Lão Đà Lạt
Xin gửi đến những qúy vị nào còn có lòng tưởng nhớ đến thành phố sương mù! Đọc đế nhớ Đà Lạt.
… Bên ni phố vắng, ôi lòng ngoại ô… (*)
Lang thang ở Đà Lạt, tôi có cái thú đoán xem người nói chuyện với mình có phải là dân gốc Đà Lạt không. “Gốc” ở đây hiểu là nếu không sinh ra thì ít ra cũng lớn lên và ở đấy cỡ bốn hay năm chục năm. Với trò chơi này, tôi là kẻ “độc cô cầu bại”, ít nhất là cho đến lúc này, khi tôi vừa trở thành cư dân “đờ-mi” Đà Lạt cuối năm ngoái, theo cái kiểu vui ở buồn đi, đi chán lại về.
Đà Lạt không xa lạ gì với tôi. Trước 75, tôi đã từng lông bông trên đó, chỉ là chuyện đàn đúm vui chơi thôi chứ chủ yếu vẫn ăn học ở Sài Gòn. Đà Lạt thuở ấy thế nào? Hãy nghe người Đà Lạt ly hương nói về Đà Lạt để họ xả stress:
… Những con dốc với hàng mai anh đào, hay cúc quỳ, những mái nhà kiểu Pháp, những giọng nói nhỏ nhẹ, những quán café ngồi để ngắm chứ không để người khác ngắm… Khi còn bé, Đà Lạt với tôi là cái gì đó mờ mờ, huyền bí và… lạnh. Rồi năm năm sau, Đà Lạt trong tôi lại mang một dáng dấp rõ ràng hơn. Và yêu lắm… Có những buổi chiều ngồi đọc sách bên bờ hồ, tự dưng chợt hỏi, liệu năm mươi hay một trăm năm nữa, Đà Lạt sẽ thay đổi như thế nào…
Và người Đà Lạt nói về tính cách của họ thế này: … Hòa nhã, thân thiện, hiếu khách, nhỏ nhẹ, hiền hậu, lãng mạn… Nghe thấy đã! Tự than (thở) thì được, còn tự khen như thế cũng hơi kỳ. Ngượng! Nhưng mà riêng tôi, với cái nhìn đầy cảm tính và thiên vị, tôi thấy họ nói thế cũng chẳng có gì… trật.
Tháng mười hai năm đó, trời lạnh. Tôi trọ ở một khách sạn gần hồ Xuân Hương. Không ngủ được, tôi thả bộ dọc bờ hồ. Bên ngoài trời lạnh và gió nhiều hơn tôi tưởng. Đã lỡ đi được gần cây số, chẳng lẽ quay về… Có ai đó nhóm lửa ở ven hồ, gần nhà máy nước, đầu đường Đinh Tiên Hoàng. Tôi ghé vào sưởi ké. Đó là xe bán gỏi khô bò, dân địa phương gọi là xắp xắp. “Quán lưu động” này chỉ có ghế mà không bàn. Tôi gọi một dĩa khô bò và nửa xị rượu, và là người khách duy nhất đêm đó.
Càng về khuya, càng lạnh, người bán chụm thêm củi… Một cô gái khoác áo lông, từ bên kia đường băng qua, ngồi vào sưởi. Nhìn kiểu cách son phấn, tôi đoán cô là gái ăn sương. Ế độ rụng rời! Khách ăn còn không có, huống gì khách mua hoa. Cô quay sang tôi bắt chuyện nhát gừng. Tôi mời cô ly rượu. Tôi biết cô chẳng hy vọng gì ở thằng bụi bặm như tôi, ngồi lề đường, uống rượu đế (12.000 đồng/xị), nhắm khô bò (5.000 đồng/dĩa), tổng cộng cỡ 0,5 USD, thứ người đó làm gì có tiền mà đi… “tâm sự”.
Ảnh: Pixabay
Trong cái không khí ế độ, vắng người, lạnh lẽo và buồn như chấu cắn thế này, người ta dễ huỵch toẹt với nhau nhiều thứ. Dưới đây là trích mẩu đối thoại giữa tôi và cô gái:
-Anh là dân Đà Lạt?
-Không, tôi tha hương…
-Anh làm nghề gì?
-Ai mướn gì làm nấy. Còn cô?
-Làm cái nghề như anh thấy đó. Hôm nay thứ năm, chẳng bắt được khứa (**) nào…
-Không, tôi muốn hỏi, cô là dân Đà Lạt?
-Em gốc ở miền Trung, nhưng sống ở Đà Lạt từ nhỏ. Cho em xin điếu thuốc.
Tôi đẩy gói thuốc sang phía cô và bật quẹt. Ánh lửa lóe lên, tôi chợt thấy cô sang trọng như một mệnh phụ trong chiếc áo khoác lông màu trắng…
-Cô có con chưa?
-Có cháu ngoại rồi.
-Xin lỗi, cô bao nhiêu tuổi?
-Năm mươi ba (53).
—–
Vài phút im lặng trôi qua… Cô vẫn xoay mặt ra ngoài đường, phía bờ hồ. Tôi bối rối cực kỳ, nốc cạn nửa ly xây chừng để hoàn hồn…
-Trông cô trẻ hơn tuổi nhiều, tôi đoán chừng ba mươi mấy…
-Tại son phấn nhiều.. Sáng mai lại đây, anh sẽ thấy em khác…
-Sao không ở nhà trông cháu?
-Không thích nhờ vả con cái…
-Không còn nghề gì khác để làm sao?
-Không. Biết làm cái gì để sống bây giờ. May vá thì được bao nhiêu. Nhờ vào con cái thì em không thích. Không giúp được nó thì thôi, nhờ vả làm gì.
-Cô có thể bán thuốc lá, bán mồi nhậu ở đây này. Một ngày kiếm chừng năm chục (ngàn) thì đủ rồi.
-Nợ nhiều, kiếm bằng đó làm sao đủ. Trả góp ngày cũng cỡ trăm hai (chục ngàn) rồi.
-Cô tiêu xài gì mà mắc nợ nhiều?
-Tiền nhà, tiền ăn, tiền son phấn, tiền thuê quần áo “đi làm”… Cái áo lông này là em thuê. Thuê ngày nào trả ngày đó.
-Cô lớn tuổi rồi, làm sao giành khách nổi với tụi trẻ?
-Tụi nó đi giá cao, mình đi giá rẻ. Gặp mấy thằng xỉn, tụi nó cũng chẳng để ý lắm, miễn là rẻ.
-Mỗi lần đi như vậy được bao nhiêu?
-Em hét hai trăm (ngàn), tụi nó trả cỡ trăm rưỡi, trăm hai là đi được rồi. Kẹt quá, thì năm bảy chục cũng đi… Hên thì vài ba cữ một đêm. Không có tiền, sáng mai gặp mặt con mẹ chủ nợ khó chịu lắm.
Góc tối của một đô thị đầy ánh sáng là như thế. Đêm đó trời lạnh kinh khủng. Những cái khốn cùng của xã hội, chẳng có cái nào giống cái nào. Phải nhìn vào góc tối mới thấy bộ mặt thật của xã hội. Cô điếm già có thể móc túi khách làng chơi với nhiều thủ thuật, nhưng họ hành xử “chính danh” và ở tận cùng của xã hội rồi. Còn những thứ điếm khác được người đời tôn vinh, xun xoe, điếu đóm, nhưng họ có thừa khả năng làm tiêu tùng cả vài thế hệ như chơi. Nói nữa thêm buồn…
Hồi đó, ở đoạn bờ hồ này, chiều chiều có những xe xắp xắp sà tới bán. Khách ngồi ghế đá ven hồ, hoặc ăn đứng. Có lần tôi gặp một cô bé trạc ngoài hai mươi, mang theo cặp, đi xe đạp đến bán phụ mẹ. Gợi chuyện, cô gái nói: Cháu học ngành Viễn thông ở Đại học Đà Lạt. Giờ này đông khách nên đến phụ mẹ. Thùng khô bò đặt trên yên sau xe gắn máy hoặc xe đạp, xe công an đến thì ù té chạy.
Tôi đã chứng kiến những cảnh bỏ của chạy lấy người như thế, bỏ lại sau lưng đĩa, đũa, ghế nhựa… Khách thương tình, đứng chờ họ quay lại, trả tiền, còn không thì coi như mất. Mà công an hình như cũng chẳng muốn bắt. Xe công an cứ thủng thỉnh đuổi. Phía trước báo động, người xe, người thúng chạy lẫn vào hẻm… Nhưng dạo này không còn thấy những xe xắp xắp bán dạo ở ven hồ nữa. Chắc công an làm gắt rồi.
Ảnh: Unsplash
Đà Lạt là thành phố trẻ, chỉ cỡ trăm năm. Dân định cư nơi đây chủ yếu đến từ miền Trung, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Họ được thuê mướn làm đường xá, xây cất… Rồi sau này người miền Bắc vào trồng rau, trồng hoa, rồi người Huế vào lập nghiệp. Đợt di cư 54 cũng kéo theo cả ngàn người đến Đà Lạt khẩn hoang lập ấp.
Người Đà Lạt đến từ mọi miền đất nước, mang theo văn hóa đặc thù, mà dễ thấy nhất là ẩm thực. Chẳng biết tôi có thiên vị hay không, nhưng ăn bún bò Huế, mì Quảng… ở Đà Lạt thấy ngon hơn ở Huế hay ở xứ Quảng nhiều. Cay xé họng, trào nước mắt vẫn thấy ngon.
Người Quảng, người Huế, người Bắc… sống ở Đà Lạt mất dần đi bản sắc vùng miền của riêng họ. Sự khẩn hoang mang họ đến gần nhau bất cần gốc gác, lại thêm nỗi nhớ quê. Rồi núi đồi, sông suối, khí hậu và sự yên bình của thiên nhiên đã biến họ thành người… Đà Lạt: Chất phác và hiếu khách, hiếu khách thiệt tình kiểu Nam Bộ, nhưng nhỏ nhẹ chứ không ồn ào.
Một buổi sáng chủ nhật, tôi ngồi uống cà phê ở góc đường Bà Triệu. Hai cụ già, bà dìu ông, chậm rãi vào quán. Ông mặc áo vest, đội mũ phớt, cầm tờ báo Pháp. Bà mặc áo dài, khoác áo len, tay cầm sách kinh, áng chừng họ vừa đi lễ nhà thờ Con Gà về. Ông trông ra dáng công chức thời Tây. Bà quý phái, trang điểm nhẹ. Bà gọi cà phê sữa cho ông và tách trà nóng cho mình, rồi lặng lẽ lấy thuốc từ vỉ:
Ông uống thuốc đi – Chưa uống! Ông già cạu cọ, mắt vẫn không rời tờ báo. Lát sau, bà lại đẩy ly nước về phía ông, nhẹ nhàng: Ông uống đi, tới giờ uống thuốc rồi – Không uống! – mắt vẫn dán vào tờ báo. Bà nhìn quanh quẩn đâu đó, lát sau, lại đưa thuốc sát tay ông: Ông uống đi, kẻo tối lại ho sù sụ. Lần này ông cầm mấy viên thuốc, cho vội vào miệng như trả nợ đời, làu bàu: Đã bảo chưa uống lúc này mà cứ uống, cứ uống… Bà yên lặng rót thêm trà cho ông, mắt và miệng ra chiều mãn nguyện.
Nhìn hai “con khỉ già” làm… nũng, thấy đất trời Đà Lạt bỗng nhiên giao hòa, tiền muôn bạc tỷ hóa thành tiền âm phủ, thế giới phẳng hay cong cũng trở thành vô nghĩa. Ai đó đến Đà Lạt mưu đồ khanh tướng, nhưng người Đà Lạt (gốc) hình như không có máu làm quan, và họ cũng chẳng muốn làm quan. Họ thích đời yên phận với đất trời cây cỏ.
Tôi có một người quen ở Đà Lạt làm viên chức ngân hàng, bon chen kém cỏi, xin về hưu non, sửa chữa điện tử lai rai và thỏa mãn với cái nghề xập xình này. Tuần trước đi karaoke với nhau, anh hát bài Biển nhớ, cũng đứng lên cầm micro biểu diễn như ca sĩ thứ thiệt. Anh hát dở ẹc, nhưng biểu cảm tha thiết như muốn chở cả biển lên rừng. Ban giám khảo điện tử cho anh một trăm điểm. Chắc máy karaoke này đọc được tâm trạng con người. Chị vợ ngồi cạnh cũng “máu” không kém, “chơi” bài Đêm nay ai đưa em về. Chẳng biết họ có ẩn ý gì với nhau qua lời ca tiếng nhạc hay không, nhưng sáng hôm sau, đi chợ Đà Lạt, thấy tay chị khoác tay anh, đầu nghiêng ngửa vào nhau, trông họ lẳng với nhau ra phết. Một cái lẳng đằm thắm hết sức… Đà Lạt.
Nghe nói, người ta định mời kiến trúc sư Pháp thiết kế lại Đà Lạt. Cũng nghe nói, người ta định lập một đô thị Đà Lạt khác trên con đường đi lên Suối Vàng. Ừ, một đô thị Đà Lạt tráng lệ nên thơ, mà thiếu “con-người-Đà-Lạt”, thì cái hồn của Đà Lạt sẽ ra sao? Những người con của Đà Lạt nay quy cố hương, không khỏi chạnh lòng vì những đổi thay: Nhà hàng, nhà cao tầng, các vạt đồi đã đốn cây xanh, trơ đất đỏ, sẵn sàng cho những dự án hoành tráng, xứng tầm với một thành phố du lịch, xứ sở ngàn hoa… Như có người nói: “Người ta cắt một mảnh Sài Gòn lên, đem dán vào Đà Lạt và bảo rằng Đà Lạt đang phát triển trong… quy hoạch”. Đà Lạt trở nên thực dụng hơn…
Thời gian Đà Lạt dường như nhanh hơn, nhịp sống cũng hối hả hơn. Những người muôn năm cũ đang nhẫn nhục né tránh nhịp sống thời đại. Mà dân Đà Lạt (gốc) ở đây chắc cũng chẳng còn được bao nhiêu… Thời cuộc đã phân tán họ đi khắp nơi rồi.
Cách đây ba năm, tôi đi chuyến xe đêm từ Sài Gòn, đến Đà Lạt khoảng bốn giờ sáng. Gõ cửa khách sạn giờ đó cũng hơi ngại, tôi ghé quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng. Quán chừng năm, bảy người, toàn là dân Đà Lạt (gốc), tôi đoán thế.
Ảnh: Pixabay
Bốn giờ sáng ở Đà Lạt là thời điểm hơi sớm để bắt đầu một ngày làm việc. Họ là những người bỏ mối hàng chợ, lấy mối vé số hoặc chạy xe ôm… Một anh mù bán vé số, trạc bốn mươi, bước vào quán cùng người bạn. Anh tìm chỗ ngồi dễ dàng, dường như quen thuộc với cách sắp xếp bàn ghế ở quán, rồi gọi ly cà phê sữa và hai điếu Con mèo, mời bạn bên cạnh một điếu. Anh mù bán vé số, nhưng lại chơi số… đề. Trông anh thoải mái, lạc quan khi bàn đề với bạn, mặc dù chiều qua anh không trúng. À, nếu chiều nay trúng đề anh sẽ mua những gì, những gì… Ước mơ giản dị quá! Anh chơi đề cũng nhỏ thôi (chừng mười, hai mươi ngàn đồng) và chỉ đánh hai số cuối. Tôi hỏi, Tại sao bán vé số mà lại chơi đề? Anh nói, Chơi đề trúng nhỏ nhưng dễ trúng hơn.
Cặp vợ chồng già, Kiều lão, cô bé sinh viên… là những nét chấm phá tạo ra bức tranh chung về con người Đà Lạt. Đâu đó có những khoảnh khắc yên bình chen lẫn với những đắng cay.
Trước 75, ngoại trừ các đại gia từ Sài Gòn đến Đà Lạt mua biệt thự để làm chỗ nghỉ mát, nói chung, cư dân Đà Lạt không giàu, nhưng họ sống thư thả, không bon chen, không hối hả theo đời cơm áo… Có lẽ anh mù bán vé số đó là tiêu biểu cho người Đà Lạt (gốc) chăng?
Một buổi chiều xẩm tối ở góc đường Phan Bội Châu-Bùi Thị Xuân, tôi nói bâng quơ với chị bán bắp nướng, khi đứng chờ lấy bắp: Đà Lạt chỉ còn con đường Đinh Tiên Hoàng dẫn đến trường Đại học là còn nét cũ. Chị nói như thì thầm: Còn chứ, có một con đường còn sót lại, ngay trước mặt đó. Anh vào xem đi, không khéo mai mốt lại không còn nữa.
Con đường dốc hẹp càng đi sâu, càng âm u, yên lặng, chỉ có tiếng gió thổi qua hàng cây. Một bên vách cao, lá và những cây to, một bên là vực, rải rác vài căn nhà nhỏ. Nhón chân lên, có thể thấy bên kia là ánh đèn của khu du lịch Bùi Thị Xuân, ồn ào, chèo kéo khách… Sự tương phản chỉ cách nhau chưa đầy trăm mét.
Đà Lạt buồn hiu, con đường sót lại buồn hiu, người muôn năm cũ buồn hiu… Tất cả mờ dần sau những đợt festival hoành tráng. Tôi muốn trích đoạn một bài thơ của Cung Trầm Tưởng được Phạm Duy phù phép thành bản nhạc Bên ni bên nớ để kết thúc bài viết tạp này. Mà liệu có kết thúc được chăng? Biết bao nỗi niềm còn chất chứa…
Kiều lão Đà Lạt chỉ là một trong những ngã rẽ buồn bã, còn biết bao ngã rẽ khác nữa. Nói mấy cho vừa…
Thôi, hãy cứ thì thầm theo đoạn nhạc…
… Bên tê thành phố tráng lệ
Giai nhân nằm khoe lõa thể
Bên ni phố vắng, ôi lòng ngoại ô…
Ảnh: Unsplash
Báo chí gần đây nói nhiều về Dinh Thị trưởng Đà Lạt, theo quy hoạch, sẽ được “di dời” để xây khu trung tâm thương mại cao tầng, nhà hàng khách sạn… gì đó. Dinh Thị Trưởng nằm trên ngọn đồi gọi là Đồi Dinh, từ đây có thể nhìn bao quát thành phố Đà Lạt. Dinh hiện còn khá nguyên vẹn, dù gần như là hoang phế, cổng bảo vệ ngoài dinh cũng bỏ hoang. Tên bảng cũ kỹ của Dinh hiện nay ghi là Trung tâm trưng bày kỷ vật người Đà Lạt gì gì đấy.
Dinh Thị trưởng Đà Lạt nằm ở cuối đường Lý Tự Trọng (trước 75 là đường Cộng Hòa). Con đường này khởi đầu từ góc Bùi Thị Xuân-Phan Bội Châu, dài chưa đầy cây số. Bây giờ, một nửa đường, hai bên đã là nhà hàng, khách sạn mini… Người ta đang “nỗ lực” bê tông hóa con đường này. Cuối đường, Dinh Thị Trưởng cũng sắp sửa không còn để biến Đà Lạt thành… Little Paris.
Con đường có Dinh Thị trưởng chính là… “con đường sót lại” mà tôi kể trong bài. Bây giờ Đà Lạt đã thay đổi nhiều, chỉ mới vài năm mà thay đổi nhiều quá. Xe gỏi xắp xắp không còn chỗ trú thân, con đường sót lại đã dập dìu khách sạn, quán ăn… Số phận một thành phố yên bình sắp kết thúc. Con đường sót lại đã không còn sót lại nữa. Đà Lạt đang mất dần, mất đất, mất cả con người… Kiều lão trôi dạt đi đâu? Tối qua đi lại con đường sót lại thấy ngậm ngùi. Mượn câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan để thở dài, Tạo hóa gây chi cuộc hí trường!
Vũ Thế Thành
10 tháng 2, 2022
(*) Bên ni bên nớ – Phạm Duy
(**) Khứa (tiếng lóng): Khách
No comments:
Post a Comment