Đêm Giao Thừa tôi mất Mẹ !!
".... Cuối cùng thì Tôi và Dưỡng Phụ tôi cũng đến Huế để tìm về cội nguồn của tôi ..."
..........Bên bếp củi cháy loe lét trong căn chòi tranh xiêu vẹo, trên chiếc chõng tre ọp ẹp, giọng Huế trầm trầm của người đàn ông Thương Phế Binh VNCH kể lại câu chuyện cho thằng cháu mà hai người đã thất lạc nhau hơn 18 năm mới tìm gặp lại.
Ông nói:
Ông Bà Ngoại mất sớm, chị là một nữ sinh giỏi của Đồng Khánh môn ngoại ngữ, chị được tuyển vào làm việc cho Mỹ tại Đà Nẵng và Mạ con đã gặp Ba mi, Ba mi là một Sĩ Quan Mỹ làm Tình Báo làm cho ngành Quân Xa Quân Dụng nghiên cứu thị sát chiến trường của Hoa Kỳ. Mạ con và Cậu rời Huế vào Đà Nẵng để sống, cậu vào Quân Đội nên đi đây đi đó theo đơn vị ít khi được về cùng bên chị.
Tết mọi năm thường thì Cậu không được về phép, nhưng chắc năm nớ có lệnh hai bên ngừng chiến ăn Tết nên Cậu tranh thủ chạy về nhà với Mạ con để ăn tết.
Sáng 30 Tết Cậu chở Mạ mi đi chợ Tết để mua hoa mua mọi thứ về để tối đón Ông Bà về ăn Tết.
Chợ hôm nớ rất nhộn nhịp và rất nhiều hiện tượng khác lạ không như mọi năm, nhưng Cậu nghĩ là vì mọi năm mình không về thường nên không khí Tết thay đổi mỗi năm.
Chiều nớ Cậu thì đem bộ lư đồng trên bàn thờ Ông Bà Ngoại xuống chùi, rồi lau dọn bàn thờ sạch sẽ đơm hoa qủa lên nhang đèn trên bàn thờ ….
Mạ con thì trong bếp nấu thức ăn để khuya cúng Giao Thừa và không bữa Giao Thừa nào mà thiếu món chè kê xứ Huế cả, Cậu tắm rửa cho mi xong thay bộ đồ mới, rồi cậu bồng mi xuống nhà khoe với Mạ mi:
Chị coi nì thằng Cu Ty (Tony) nó như cục bột trắng như mấy thằng Mỹ con.
Cậu còn nhớ Mạ con nói:
Cậu lo đi tắm rửa thay quần áo đi, chị dọn đồ lên bàn thờ mình chuẩn bị đón Giao thừa đó Cậu.
Ngoài kia lâu lâu vài tiếng nổ đì đùng của ai đó đốt pháo, thỉnh thoảng có một vài tiếng súng ca-bin bắn lẻ tẻ vài nơi trong thành phố.
Bàn thờ Ông Bà hương khói nghi ngút, Cậu dọn thức cúng lên bàn, Mạ con trong bộ Aó Dài gấm xanh đầu thượng khăn đóng rồng ràng.
Cậu nì, Chị có mua hai phong pháo kìa cậu mi đem ra trước treo chút nữa Giao thừa đốt xông nhà.
Khi Cậu đem hai phong pháo ra treo trước cửa thì thấy xa xa ở phía trước cổng những ánh sáng loè lên và vang lên những tiếng nổ vang rền nghe không như tiếng pháo. Cậu chạy vào trong nhà nói với Chị:
Chị ơi hình như có chuyện không ổn ở ngoài đầu cổng hình như họ giựt mìn?
Lúc đó có nhiều tràng súng bắn lên vang rền, những tràng súng AK 47 khô khan vang lên trong khu cư xá Sĩ Quan vợ con HOA KỲ
Từ xa cậu nhìn thấy mấy toán người họ chạy băng qua khu cổng, những ánh lửa lóe lên và nhàn tràng súng bắn xối xả vào khu nhà ở của những người nhân viên làm cho sở Mỹ.
Là một sĩ quan trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến thì cậu đã biết chuyện gì xảy ra, nhưng trong thâm tâm cậu lúc bấy giờ không nghĩ là vc tấn công vì có lệnh hai bên ngừng bắn để ăn Tết mà, lúc ấy Cậu còn nghĩ là chắc lại có đảo chánh, nhưng đảo chánh thì tại sao lại ra tới ngoài miền Trung. Cậu chạy lên sân thượng để nhìn cho rõ phía cổng khu cư xá, hàng đàn vc tràn vào khu cư xá, những toà nhà ở gần cổng chúng quăng lựu đạn vô trước cho nổ rồi mới tràn vào giết sau …
Cậu từ trên sân thượng chạy xuống lao vào buồng, chỉ kịp khoác chiếc aó lính và nhét cây súng ngắn vào quần rồi chạy ra phía trước la lên:
Chị ơi mình bị vc đánh rồi tụi nó tràn vào rồi kià lẹ lên… Lúc đó một tay cậu bồng mi còn một tay cậu phải lôi Mạ mi ra cửa. Nhưng khi ra cửa thì biết là không chạy kịp được nữa rồi vì chúng đã đến nhà kế bên cạnh rồi …
Cậu lôi Mạ chạy trở ngược lại trong nhà đóng cửa, rút súng ra để tử chiến với chúng. Nhưng lúc đó Mạ lại bồng Cu Ty và đưa cho cậu và nói:
- Em bồng nó dấu nó lại trên máng xối ở sân thượng đi và đóng nắp cửa sắt ở sân thượng lại có gì xảy ra cũng đừng có xuống, bọn ni nó ác lắm, chúng nó mà thấy thằng Cu Ty Lai Mỹ là nó giết liền …
Cậu lại nói:
Chị đem nó lên giấu trên nớ đi để em tử chiến với chúng.
Nhưng Mạ lại không chiu Mạ nói:
Không được mô, em cứ nghe lời Chị đi, chị năn nỉ em mà, chị van em mà Long, lẹ đi em. Nếu tụi nó có vô nhà thấy chị là đàn bà con gái chắc cũng không răng mô.
Cậu bồng mi chạy lên sân thượng trước khi tới máng xối cậu lật cái cửa sắt và khoá chốt ở trên lại. Rồi Cậu đem mi tới máng xối bươi lá khô lên và nhét mi xuống nớ, nhưng hồi nhỏ như rứa mà mi cũng biết dơ mình không chịu trốn dưới nớ, mi cứ ngoi đầu mi lên và bò ra …
Khi lên trên sân thượng, chưa đầy năm phút thì bọn chúng đã ùa vào nhà, chúng la hét hỏi Mạ mi là:
- Con me mỹ kia chồng mày đâu? Em trai mày đâu? Con mày đâu?
Chúng như biết rõ ngọn ngành trong nhà mình, Cậu nghĩ là chúng có tụi nằm vùng trong khu cư xá Sĩ Quan này. Sau nhiều lần chúng la hét thì nghe tiếng Mạ mi la lên là:
Em trai tôi có về nhưng hồi nãy nó chở con tôi đi phố chơi rồi, hai cậu cháu nó không có ở nhà, chút nữa nó mới ….
Mạ con chưa nói hết câu thì loạt đạn AK vang lên nghe khô khốc đến rợn người...
Rồi chúng lại kéo nhau đi qua nhà khác. Cứ từng nhà từng nhà một, chúng vào giết tất cả những người đàn bà phụ nữ trẻ em mà trên tay họ không có một tấc sắt để tự vệ và không có khả năng chống trả.
Gần 10 phút sau những tiếng súng xa dần về cuối phố, Cậu mở nắp cửa ra và bồng cháu theo cầu thang xuống phòng khác..
Ông già Thương Phế Binh VNCH im lặng... Một sự im lặng đến kinh hồn… Và tôi thấy Cậu tôi gục người xuống, hai tay cậu ôm mặt nấc lên nghẹn ngào, chúng giết Mạ con mà cậu không làm gì được….
Trước bàn thờ Ông Bà khói hương còn nghi ngút, chén chè kê còn vương máu của Mạ con, hoa quả bàn thờ vung vấy máu tươi, những lỗ đạn AK bắn vỡ đầu vỡ ngực một người phụ nữ Việt Nam trong bồ đồ Quốc Phục Phụ Nữ ngay trong giờ phút giao thừa linh thiêng này.
Lúc đó phía ngoài đường tiếng bước chân chạy rầm rập và nhiều tiếng hét vang lên:
Giết hết! Lớn nhỏ giết hết không chừa một tên Mỹ Ngụy nào…
Cậu một tay bồng mi một tay với cây Colt 45 vưà thoát ra cửa nhà men theo mé tường chạy về phía cổng chính để chạy ra khu phố chính, từ căn nhà cuối để chạy ra cổng chưa tới 20 thước, nhưng khi còn cách cổng chưa đầy 15 bước chân thì bỗng nhiên ở đâu sau cánh cổng một toán vc xuất hiện, Cậu chỉ còn kịp đưa súng lên hướng vào chúng để bóp cò nhưng động tác bóp cò của cậu đã không thực hiện được, một luồng lửa sáng lóe lên từ hướng cổng bay về phía Cậu hất bổng Cậu văng lên không trung, và Cậu không còn biết gì nữa.
Ông già lại im lặng, lần này ông không nấc lên nữa, hình như nỗi đau và nỗi uất hận đã làm cho trái tim ông chai đá, ông rút gói thuốc rê trong túi, chiếc áo cũ kỹ rách nát của người Thương Phế Binh VNCH đã dãi nắng dầm mưa, lê cả tấm thân trên miếng vỏ xe chống hai tay để làm phương tiện di chuyển, đi mọi miền để kiếm miếng cơm đồng thời tìm được người cháu của mình…
Rồi sau đó sao nữa Cậu? Tôi hỏi.
Ông rít những hơi thuốc rê thật sâu vào phổi, im lặng một chặp lâu ông chập chạp trả lời.
- Khi Cậu tỉnh lại thì xung quanh mình có nhiều người bị thương. Cậu cố kêu một ông Bác Sĩ đứng gần đó để hỏi
- Cháu tôi đâu?
Ông Bác Sĩ trả lời:
Cháu nào? Ba hôm trước họ đưa anh vào đây chỉ có một mình anh thôi.
Lúc ấy Cậu cố ngồi dậy để bước xuống chạy về đi tìm cháu nhưng … Cậu lặng người rồi la to lên:
- Bác Sĩ, Bác Sĩ, tại sao? Tại sao tôi không ngồi dậy được…
Bác Sĩ đến gần và an ủi Cậu:
Xin lỗi ông, trước đây ba hôm ông được đưa vào đây với nửa phần thân dưới nhầy nhụa thịt xương, và chúng tôi đã cố gắng hết sức để cứu sống ông, nhưng phải cắt bỏ hai chân của ông…
Ngồi trên chiếc chõng tre ọp ẹp, ông rít phần thuốc còn lại rồi dùng hai ngón tay của mình bóp tắt lửa, rồi cậu lại dán cái tàn thuốc ấy vào dưới cái chõng.
Từ miền Đông đi ra miền Trung, mười mấy ngày lang thang tìm kiếm ở Quảng Ngãi rồi đến Đà Nẵng, từ khi biết mình có người Mẹ và người Cậu là dân xứ Huế, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu ước mơ, và rồi từ đây mới biết đích thật mình là đứa trẻ mồ côi. Tôi bước tới ôm chặt nửa thân người của Cậu, mùi mồ hôi, mùi nắng cháy, mùi máu thịt quyện chặt hai Cậu cháu trong tình máu mủ mặn nồng.
Nghẹn ngào trong dòng nước mắt Cậu nói:
Cậu xin lỗi con, cậu không bảo vệ được Mẹ con, Cậu không bảo vệ che chở cho con…
Đầu Cậu gục trên vai thằng Cháu khóc nức nở, dù đói khổ nhọc nhằn, dù phải lê lết đi bán từng tấm vé số mong tìm cháu mình, Cậu không bao giờ rơi lệ, không bao giờ khuất phục, nhưng khi tìm lại được đứa cháu sau 18 năm thì bao nhiêu nước mắt dồn nén đều tuôn trào.
Cậu lấy tay lau nước mắt cho cháu, cháu lau nước mắt Cậu hai Cậu cháu ôm chặt nhau trong vòng tay ruột thịt mặn mà.
Tôi rót thêm bát chè lá vối cho Cậu, và thắp thêm một nén nhang trên bàn thờ Mẹ tôi.
Cậu nhìn tôi thắp nhang rồi nói: Mạ con hôm nay biết Cậu Cháu mình đoàn tụ và con về thắp nén nhang cho Mạ con chắc Mạ con vui lắm.
Rồi Cậu tôi hỏi tôi:
Còn con thì răng? Con sống như thế nào? Mần răng mà tìm ra được Cậu?
Tôi im lặng rồi thở dài! Biết bắt đầu từ đâu? Từ khi ai đó luợm được một thằng bé bên người lính bị bắn bê bết máu rồi họ mang tôi bỏ vào Cô Nhi Viện. Từ Cô Nhi Viện này chuyển qua Cô Nhi Viện khác, rồi những ngày tháng mất Đà Nẵng mất miền Trung, một thằng bé 9 tuổi trên người có mỗi chiếc quần đùi chạy bộ theo đoàn di tản từ miền Trung vào Nam… 30 tháng Tư miền Nam sụp đổ, thân phận những đứa con mồ côi của “Đế Quốc Mỹ “ bị lùa vào trong những nhà tù tí hon mà họ dùng một cái tên hoa mỹ đó là : Trại Cải Huấn Thiếu Nhi.
Cái mà họ gọi là trại cải huấn thiếu nhi thực tế chỉ là một lò giết người đã giết dần giết mòn những đứa bé mang hai dòng máu Mỹ Việt như cháu của Cậu. Trong lịch sử loài người, kể cả tàn bạo như Đức Quốc xã hay bọn Khờ Me đỏ cũng không có loại nhà tù man rợ này, duy nhất chỉ có ở Việt Nam, tôi không biết phải kể từ đâu và kể cho đến bao giờ mới hết nỗi thống khổ của những đứa con mang hai dòng máu như tôi.
Đêm Giao Thừa con mất Mẹ, năm mươi năm sau cũng giờ phút Giao Thừa cách xa nửa vòng trái đất từ vùng đất Quê Cha này con nhớ Mẹ.
Cảm ơn Mẹ Việt Nam, cảm ơn đấng sinh thành đã cho con hình hài này, đã sinh ra con, đã hy sinh cả tính mạng Mẹ để cứu con.
Con trai của Mẹ giờ tóc đã muối tiêu, nhưng nợ nước thù nhà vẫn oằn trên vai con, và dù sống ở bất cứ một Quốc Gia nào hay đang làm bất cứ công việc gì, con vẫn luôn hướng về quê hương Việt Nam, và mong được đóng góp sức mình cho quê hương Việt Nam sớm thoát được gông cùm tàn bạo của loài khát máu. Trách nhiệm đó con phải gánh vác vì con là con trai của Mẹ Việt Nam.
Xin Mẹ hãy đón nhận lời cầu nguyện này của con ...
Con Trai của Mẹ Huy Đức
No comments:
Post a Comment