Saturday, September 12, 2020

 Cây Thầu Đâu 

Trần Thế Phong 


 Cây thầu đâu của nhà tôi, trước sân, gần cổng đi vào không biết trồng từ lúc nào.


Khi tôi lên mười tuổi thì thân cây to hơn một vòng tay ôm của người lớn, chiều cao trên mười lăm thước. Cây thầu đâu đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được..


Quê tôi Quảng Nam gọi là cây thầu đâu. Danh từ thầu đâu tôi không biết giải nghĩa như thế nào. Tôi có hỏi nhiều người nhưng không ai biết, người xưa gọi người nay gọi theo, thành ra chết tên luôn. Người miền Bắc gọi cây sầu đông, hay cây soan (hoa soan bên thềm cũ).


Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn có bốn câu thơ về hoa sầu đông:


Hoa sầu đông vương đầy vai đầy tóc

Áo mùa Thu bay chợt thức bơ vơ

Mình tôi về qua lối nhỏ hoang sơ

Hồn buồn đường Catinat chiều chủ nhật

 

Danh từ cây sầu đông dễ hiểu vì đến mùa thu lá chuyển màu vàng và mùa đông rụng hết lá, còn trơ trụi những cành nên gọi là sầu đông. Mùa đông của miền Trung, miền Bắc mưa sụt sùi ba bốn tháng, có lúc mưa liên tiếp hai ba ngày, trời mưa ngồi trong nhà nhìn ra cây thầu đâu rụng hết lá trơ cành buồn kinh khủng.


Danh từ cây soan cũng dễ hiểu vì trái hình bầu dục, vỏ bóng láng. Con gái có khuôn mặt trái soan là người con gái dễ thương.


Hoa thầu đâu màu tím nhạt, nụ nhò nhỏ xinh xinh, đến mùa trổ hoa tím rực cả cây, trông rất đẹp.


Lá nhỏ, xanh mướt, đến mùa thu chuyển màu vàng rực. Lá có công dụng trừ rận. Tôi thấy quanh xóm tôi, nhà nào giường ngủ có rận đến nhà tôi xin lá thầu đâu về lót dưới chiếu là rận không còn. Gà đẻ lót lá thầu đâu dưới ổ, rận cũng tiêu tùng. Có lẽ lá thầu đâu ủ lại rất nóng, người nhà quê chặt những buồng chuối vừa ươm ươm ủ với lá thầu đâu một đêm là chín vàng.


Gỗ không thuộc vào nhóm gỗ quý, có màu vàng sáng, có vân đẹp. Thường dùng đóng bàn, ghế, nhất là đóng gường ngủ vì không có rệp, rận..


Những ngày nghỉ hè, bọn trẻ chúng tôi thường tụ tập dưới bóng mát của cây thầu đâu, đánh đáo, u mọi, nhảy dây, hoặc ngồi hóng gió…


Những năm tôi lớn lên đi học xa hay đi vào quân đôi, mỗi lần về thăm nhà, cùng những thằng bạn thân quanh làng ngồi dưới gốc cây thầu đâu tâm sự, kể chuyện buồn vui.


Những buổi sớm mai, những buổi trưa hè, chim chóc tụ về nào là chim khách, chim chìa vôi, chim chào mào, chim chèo bẻo, chim hoạch hoạch… hót vang như chào đón bình minh nghe thật vui tai. Nhất là chim cu đất đậu trên ngọn cao cất tiếng gáy từng nhịp rộn ràng. Mỗi lần chim khách kêu trên cây thầu đâu buổi sáng là mẹ tôi nóí thế nào trưa nay nhà mình cũng có khách. Mẹ chuẩn bị đồ ăn để mời khách.


Đúng y chang, không có cậu, dì, dượng thì cũng có các chú, bác hay bạn bè của cha ở xa đến thăm..


*  *  *


Chiến tranh tràn đến quê tôi, những trận đánh ác liệt của quân đội Quốc Gia và Cộng Sản, những tràng ca nông từ tỉnh bắn lên yểm trợ, những ngôi nhà ngói, những bụi tre già. những cây xoài, cây mít quanh làng trốc gốc, đứt ngọn, gãy cành. Mẹ tôi và dân trong làng bỏ ruộng vườn nhà cửa xuống thành phố tìm cách sinh sống để tránh đạn bom. Cây thầu đầu và cổng ngói nhà tôi vẫn còn nguyên, không có một vết đạn, mỗi năm đều ra hoa tím cả một khoảng không gian rất đẹp.


Đến ngày ba mươi tháng tư năm 1975, chế độ miền nam sụp đổ, mẹ tôi và những người dân làng trở về nhà cũ để sinh sống, Căn nhà ngói đỏ ba gian bị sập một gian mẹ sửa lại, và giữ lại ngôi nhà của ông bà để lại. Anh em tôi ở trong quân đội miền Nam nên bị tập trung đi ở tù. Mẹ tôi sống lủi thủi trong khu vườn rộng, trong căn nhà ngói quạnh hiu chờ đợi những đứa con trở về….


Sau 1975 hết bom đạn, những người dân bỏ làng xóm nhà cửa ruộng vườn đi lánh nạn trở về quê cũ làm ăn. Dù hết chiến tranh nhưng dân càng nghèo xác xơ vì tất cả đều vào hợp tác xã. Ruộng đất không còn, mẹ tôi trồng rau, nuôi heo, gà, buôn bán ở chợ Quán Rường để sống qua ngày. Hằng đêm mẹ thắp hương khấn vái tổ tiên Trời Phật phù hộ cho những đứa con đang ở tù mạnh khỏe và sớm trở về. Mẹ rất nhớ các con nhưng làm sao đi thăm nuôi được vì các con ở tù tận trong miền Nam hơn nữa tiền của đâu có mà đi thăm.


Năm 1979, tôi ra tù, vợ con sống trong nam nên phải về với vợ con. Tôi rất nhớ mẹ, nhưng làm sao về thăm mẹ vì bị một năm quản chế và tiền đâu mà đi đường. Hết quản chế, chị hai tôi gởi cho 30 đồng để mua vé tàu lửa về thăm mẹ. Tôi đi tàu nhanh mất ba ngày hai đêm mới đến nhà.


Trời tháng mười miền trung âm u buồn tẻ. Gần tám giờ tối, tôi bước vào sân nhà trời đã tối sầm, nhìn vào nhà đèn trên bàn thờ tỏa sáng, ba cây nhang vừa mới thắp. Mẹ ngồi trên ghế của bàn xoay cạnh bàn thờ ông bà. Mẹ đang têm trầu và nói chuyện một mình. Từ khi cha tôi qua đời, một mình côi cút, mẹ thường thức dậy nửa khuya thắp hương trên bàn thờ, ngồi một mình ăn trầu và nói chuyện với cha. Bây giờ tôi nhìn lại hình ảnh nầy, tôi đứng ngoài cửa lắng nghe:


- Thời cuộc thay đổi rồi ông ơi, hai đứa con mình đi ở tù cực khổ, ông phù hộ cho tụi nó mạnh khỏe và mau trở về. Phù hộ cho mấy đứa cháu nội mau ăn chóng lớn. Tôi cũng đã già rồi, biết làm răng mà đi thăm tụi nó, cầu mong Trời Phât phù hộ cho tôi mạnh khỏe, giử lại mảnh vườn, căn nhà nầy để thờ phượng ông bà, tổ tiên. Con nó về rồi hãy tính.


Nghe mẹ nói, tôi không cầm được nước mắt khóc òa, chạy vào ôm mẹ nói thật lớn:


- Con đã về đây mẹ ơi. Mẹ tôi bỏ miếng trầu đang ngoáy dở rơi xuống sàn nhà nói lớn, đứa mô về đó và ôm tôi. Hai mẹ con mừng mừng tủi tủi nước mắt chảy dầm dề.


Đêm hôm đó tôi ngủ với mẹ. Mấy mươi năm lưu lạc xa nhà, rồi lấy vợ sinh con.
 

Đêm nay mới nằm lại chiếc giường của mẹ ngủ từ ngày về làm dâu. Chiếc giường theo mẹ suốt cả cuộc đời. Ôm sau lưng mẹ, ngửi mùi mồ hôi thơm nồng mà hồi còn nhỏ thiếu mẹ nằm bên là con ngủ không được. Hai mẹ con nói chuyện suốt đêm.


Tôi kể hết những nhọc nhằn khổ cực, đói khát trong tù cho mẹ nghe. Mẹ biết hết rồi, mẹ biết Cộng Sản còn rành hơn tôi. Từ ngày Việt Minh cướp chính quyền năm 1945, những năm kháng chiến, những năm cải cách ruộng đất, đấu tố bà Sang ở xã Kỳ Nghĩa, những năm thối tô nhà không còn một hột lúa. Mẹ thấy, mẹ nghe, mẹ là nạn nhân và cha kể cho mẹ nghe đường lối của Cộng Sản nên mẹ không lạ gì. Thời cuộc đổi thay nên phải chấp nhận sống qua ngày.


Những ngày tôi ở bên mẹ thật là hạnh phúc. Buổi sáng tôi giúp me hái những trái đu đủ, những trái cà chua chín, cắt vạt rau húng rửa sạch bó từng bó, phụ mẹ đổ những vò giá mà tới kỳ bán được (mẹ tôi có nghề đổ giá vò rất kinh nghiệm, cọng giá to, đều đặn trắng tinh trông rất đẹp, ít người làm được công việc nầy). Chuẩn bị sẵn sàng để hai giờ chiều mẹ gánh ra chợ bán. Buổi chiều ở nhà một mình giúp mẹ tưới cây trầu, những hàng cà chua, rau cải, giàn bí, giàn bầu… Rồi ngồi ngoài hiên đợi mẹ đi chợ về. Mẹ về thường mua cho tôi cái bánh tráng, miếng kẹo đậu phụng... như hồi lên năm lên ba… Mẹ đi chợ về, đôi gióng, đòn gánh, thúng, mủng để vào góc nhà là vào bếp nấu cơm.


Mẹ biết tôi thích ăn cá nhám kho với chuối cây, cá ngạnh nấu canh với trái chuối chát, cá rô chiên dòn… Hai mẹ con ăn cơm tối bên ngọn đèn dầu hỏa hắt hiu. Mẹ kể đủ thứ chuyện cho tôi nghe. Chuyện cha đi coi mắt mẹ hồi mẹ mới có mười sáu tuổi, chuyện về làm dâu nhà bà nội khó khăn. Cha là con một đi dạy học xa nhà, mẹ quán xuyến hết công việc gia đình và đồng áng, còn chăm lo cho ông bà nội từ chén cơm bát nước. Đời mẹ cũng thật cực khổ, gian nan. Mẹ nhớ đâu kể đó, chuyện đời xưa, đời nay, chuyện bà con nội ngoại, hàng xóm láng giềng, ngày giỗ kỵ ông bà…


Một buổi tối hai mẹ con ngồi ăn cơm. Mẹ để đôi đủa xuống mâm cơm có vẻ rất quan trọng, mẹ nói:


- Mẹ nghĩ kỹ rồi, trước nhà mình còn lại cây thầu đâu đã lâu đời và to lớn, mẹ nghĩ nếu một ngày mẹ trăm tuổi già sẽ cưa cây thầu đâu, đoạn sát gốc đóng được một bộ áo quan, còn phần trên bán lấy tiền chi phí để lo ma chay. Nhưng mẹ thấy còn khỏe mạnh nên mẹ tính bán cây thầu đâu lấy tiền mua thực phẩm, hai mẹ con mình đi thăm nuôi thằng em con. Lâu quá mẹ không gặp nó mẹ nhớ quá. Con đã về rồi mẹ bớt phần lo. Thằng út còn đang ở tù đói khát khổ cực mẹ nhớ thương quá.


Tôi nghe mẹ nói mà nước mắt chảy dài trên hai gò má, nhìn mẹ cũng rưng rưng nước mắt. Tôi hỏi lại mẹ:


- Thời bây giờ ai cũng đói meo, không có gạo để ăn tiền đâu mà mua gỗ đóng bàn ghế, bán cho ai bây giờ hở mẹ.

 

Mẹ nói:

 

- Mấy ông cán bộ đi tập kết về làm lớn có tiền, ông chủ tịch xã đòi mua hoài mà mẹ không bán.


Tôi nghe mẹ đề nghị cũng có lý, tôi cũng cần thăm người em vì anh em lâu ngày không gặp nhau thấy nhớ. Còn mẹ thì càng ngày càng già yếu cũng cần thăm con một lần, tuổi già nhớ thương sức khỏe mau suy giảm. Tôi nói với mẹ:


- Mẹ tính vậy cũng phải, bán được cây thầu đâu hai mẹ con mình đi thăm em một chuyến. Sau nầy em về, con và em làm ăn dành dụm mua cho mẹ chiếc áo quan khác, mẹ đừng lo.


Sáng hôm sau, tôi thấy mẹ đội nón ra đi, khoảng một tiếng đồng hồ trở về, mẹ rất vui nói với tôi:


- Mẹ bán được cây thầu đâu rồi, bán cho ông chủ tịch xã, ba ngàn đồng, đặt cọc một nửa đủ tiền hai mẹ con đi thăm em.


Tôi cũng vui theo mẹ. Một tuần lễ chuẩn bị, mẹ mua nào thịt heo dầm nước mắm, gà luộc ướp muối, cá thu chiên, đường, bánh tráng, cám ran ngào đường, khoai chà, khoái chín, một ổ gà vừa đẻ được mười trứng mẹ cũng lấy đem theo. Tôi cũng giúp mẹ làm những công việc phụ. Trước khi đi mẹ nấu một mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Mời gia đình chị hai và hai người anh con bà cô đến tham dự. Một bữa tiệc đạm bạc nhưng rất vui. Sau những năm chiến tranh bom đạn tơi bời, xa nhau tứ tán, bây giờ gặp lại ai cũng mạnh khỏe, nhờ tổ tiên ông bà phù hộ.


Trước khi đi tôi căn dặn mẹ:


- Vào gặp em, mẹ không được khóc, không được nói chuyện buồn, không được nói dân ở ngoài khổ cực, không có gạo mà ăn. Phải nói nhờ cách mạng đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào thống nhất đất nước, dân được tự do sung sướng, ấm no…


- Đời mẹ ăn cục nói hòn, chưa biết nói dối, có sao nói vậy, giàu nói giàu, nghèo nói nghèo, nói láo thẹn với lương tâm. Té ra cách mạng vô giải phóng miền Nam bắt dân phải nói dối. Mẹ con lâu ngày gặp nhau nhớ thường khóc cũng không cho. Cách mạng rứa hả con.


Mẹ hỏi lại mà tôi không biết làm sao trả lời. Tôi cũng ở tù mới ra, tôi biết nội quy thăm nuôi, gia đình phải nói những gì, tù nhân phải nói cái gì. Tôi nói với mẹ cho qua chuyện:


- Mẹ không nói như vậy là không cho mẹ con mình gặp em, không cho nhận quà, lại còn bị phạt làm kiểm điểm, khổ cho em. Lần sau cũng không được thăm nuôi.


- Thôi mẹ sẽ nói như con dặn. Rồi mẹ nói lầm bậm: Đời bây giờ sao giả dối quá.

 …

Sáng sớm thứ bảy hai mẹ con gồng gánh những thực phẩm mẹ lụi cụi chuẩn bị một tuần lễ, đón tàu lửa từng chặng, vào đến ga Tuy Hòa bảy giờ tối. Hai mẹ con ngủ lại ga Tuy Hòa, trời lạnh giá, đắp miếng áo mưa bằng vải nhựa, hai mẹ con thao thức không ngủ được, vì sợ ăn cắp hết thực phẩm thăm nuôi, và nôn nóng gặp em.


Bảy giờ sáng hôm sau chủ nhật, hai mẹ con quá giang xe chở củi lên đến trại Xuân Phước là mười giờ. Trên đường đi dặn mẹ nhớ những gì con đã nói lúc còn ở nhà.


Làm xong những thủ tục thăm nuôi. Ngồi đợi khoảng ba mươi phút, em tôi từ trong trại bước ra. Mẹ tôi không nhận ra con. Trước đây mập, cao, to, bây giờ ốm khẳng khiu như cây tre khô. Tay xách bị bao cát, đi xiêu vẹo từng bước, như xác không hồn. Mẹ nhìn con mừng tủi mà không giám khóc. Mẹ nói:


- Thấy con mạnh khỏe mẹ mừng quá, cố gắng học tập tốt, lao động tốt, cách mạng khoan hồng cho con về sớm sum họp gia đình. Mẹ ở ngoài được bà con làng xóm, cách mạng giúp đở con yên tâm. Xóm làng mình giờ vui lắm, ai cũng có công ăn việc làm. Biết mẹ đi thăm con, mấy anh công an xã, chủ tịch xã gởi lời thăm con. Mấy ông anh con đi tập kết về người nào cũng khỏe mạnh và làm lớn trong chính quyền cách mạng (không ngờ mẹ tôi nói thêm câu nầy để cho ông công an canh gác ngồi bên nghe tưởng gia đình cách mạng dễ giải hơn).


Hai mẹ con lâu ngày không gặp, mẹ kể hết bà con hàng xóm láng giềng, người mất, người còn. Vì hoàn cảnh khó khăn con còn nhỏ dại, đường xá xa xôi, vợ con không đi thăm nuôi được đừng buồn lo.


Có lẽ nghe mẹ tôi nói có mấy anh đi tập kết về là gia đình cách mạng, người công an canh giữ tin tưởng nên không để ý theo dõi bỏ đi vào láng trại. Tôi thấy không ai canh giử, tôi nói với em tôi:


- Cứ lo giữ gìn sức khỏe, đừng nghe tụi nó nói học tập tốt, lao động tốt ráng làm để được về sớm. Tụi nó xét theo ngành nghề mà mình phục vụ trước năm 1975. Chiến tranh chính trị thì cũng gỡ trên 5, 6 cuốn lịch. Đừng nôn nóng, sức khỏe là trên hết. Cũng may nhà mình còn lại cây thầu đâu mẹ bán lấy tiền đi thăm em. Vợ con em ở Sài Gòn cũng mạnh khỏe không có gì lo lắng. Dù sao ở miền Nam cũng dễ thở hơn miền Trung mình. 


Tôi vừa nói xong thì người công an canh giữ trở ra báo hết giờ thăm nuôi. Tôi sang những thực phẩm thăm nuôi vào hai bao cát và một giỏ lác đem theo cho em mang vào trại. Những bước đi xiêu vẹo của một người tù chưa biết ngày về, tôi nhìn theo buồn đứt ruột. Mẹ nhìn theo đứa con trai út mà mẹ thương yêu, hai giòng nước mắt chảy dài trên hai gò má nhăn nheo. Khi đi được khoảng năm thước, mẹ nhìn theo con nói thật lớn:

 

- Nhớ học tập tốt, lao động tốt, cách mạng sẽ khoan hồng cho về sớm sum họp với gia đình nghe con.


Hai mẹ con ra khỏi cổng trại tôi nói với mẹ:

 

- Công nhận hôm nay mẹ “quán triệt” đường lối của “cách mạng” nhanh thật.


Mẹ cười méo xệch, hai giọt nước mắt còn đọng trên khóe mắt héo khô…

 

Hai mẹ con đón xe trở về đến nhà bảy giờ tối ngày hôm sau.

 

Tôi ở lại chơi với mẹ được một tháng rưỡi phải trở vào Sài Gòn, vì vợ con tôi đang nheo nhóc phải cần có tôi. Ở đời nước mắt cứ chảy xuống…


Trước ngày tôi đi, mẹ nấu một mân cơm cáo tổ tiên, ông bà cô bác. Hai mẹ con đang ngồi ăn, mẹ đứng dậy đi lại tủ thờ, mở cửa lấy ra một gói giấy có quấn dây thun thật kỹ. Mẹ mở ra ba bốn lớp giấy trong đó có một xấp tiền cuộn tròn. Mẹ nói:


- Từ ngày mẹ trở về lại nhà, Trời Phật cho mẹ mạnh khỏe, mẹ trồng rau, nuôi heo, nuôi gà, buôn bán giành dụm được một ngàn rưởi mẹ cho con đem vào nuôi cháu. Mẹ ở xa quá không giúp được gì cho con cho cháu. Mẹ cũng muốn lo cho con cho cháu nhưng thời cuộc đổi thay chẳng biết làm răng được.


Tôi khóc và tôi nói không ra lời:


- Con ra tù trở về là mừng rồi, con còn khỏe mạnh, sẽ cố gắng tìm việc làm nuôi mấy đứa nhỏ. Mẹ đừng lo. Mẹ giữ gìn sức khỏe, để giành tiền phòng thân khi ốm đau. Con thật bất hiếu, chưa lo gì cho mẹ được.


Mẹ nói rất cương quyết:


- Mẹ không cho con mà cho mấy đứa cháu nội của mẹ. Cầm lấy cho mẹ vui. Mẹ sẽ có lại một ngàn rưởi, ông chủ tịch xã đón cây thầu đâu trả cho mẹ.


Tôi chảy nước mắt suốt mấy ngày trên tàu lửa đi vào Sài Gòn.
 


Trần Thế Phong

Mùa Vu Lan 2020

No comments:

Blog Archive