Cây Đàn Guitar của Bạn tôi
Lê Tấn Dương
Cuối tháng Bảy năm 2015, nghe tin Kính bị bệnh nặng, nhân mấy ngày nghỉ cuối tuần, tôi từ Washington lấy vé tàu lửa Amtrack xuống Oregon thăm bạn. Portland đang giữa mùa Hè, tiết trời khá ấm áp. Buổi chiều, trước khi rời thành phố Hoa Hồng để về Beaverton, tôi đã gọi phone trước cho Phước để rủ bạn cùng đi thăm Kính. Đã nhiều năm qua đi, tôi chưa có dịp trở lại Beaverton kể từ lần đến viếng thăm sức khỏe Đại Tá Nguyễn Quốc Quỳnh, cựu Chỉ Huy Trưởng Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt (ĐH/CTCT) tại nhà anh chị K2 Nguyễn Thế Thăng ở Hillsboro.
Ngày ấy và bây giờ, thời gian không lâu nhưng đã có biết bao thay đổi trong sinh hoạt và đời sống của chúng ta. Chỉ cách có vài năm, thành phố Beaverton đã thay đổi khá nhiều khiến người quen cũng trở thành bở ngỡ vì lạ lẫm. Cũng chỉ cách vài năm sau lần hội ngộ ngày ấy, Đại Tá cựu Chỉ huy trưởng kính mến cũng đã ra đi vĩnh viễn vào năm 2014, để lại bao thương tiếc, ngậm ngùi cho anh em.
Thỉnh thoảng đọc trên Mail Group vài bản tin ngắn không vui từ nhiều Tiểu bang gởi về báo tin đồng môn nầy bị tai biến, bằng hữu kia bị ung thư. Vài tháng lại nghe tin tức một đồng môn ra đi vĩnh viễn. Tin Dương Xuân Kính bị ung thư cũng đã gây bất ngờ cho anh em vì với sức khỏe của Kính lâu nay, không ai nghĩ là Kính lại có thể vướng vào căn bệnh nan y. Nhưng đó là sự thật. Một sự thật rất buồn và đau khổ vì chính chúng ta phải trực diện với những cuộc hẹn không chờ đợi như vậy. Nhiều khi tôi tự hỏi lòng, cuộc sảy chân trong ván cờ lịch sử ngày ấy không lẽ đã chôn vùi cả một thế hệ tuổi trẻ hào hùng vào tuyệt lộ hay sao.! Không. Tôi không thể tin vào điều đó. Ít nhất là cho tới bây giờ.
Hơn bốn giờ chiều, trong cái nắng đã có chút dịu bớt của vùng Tây Bắc. Hay lái xe chở tôi về Aloha đón Phước đang chờ để cùng đến thăm Kính. Trước đó hơn nửa giờ, tôi đã gọi phone cho Kính để hỏi thăm sức khỏe và hẹn Kính sẽ đến thăm bạn. Đã mấy năm rồi, chưa gặp lại Dương Xuân Kính nên tôi rất muốn đến thăm. Theo tin tức từ gia đình và bạn hữu, khi phát hiện những cơn đau bất thường, gia đình đã đưa Kính vào Bệnh viện để các bác sĩ theo dõi bệnh trạng, tìm hiểu về nguyên nhân và triệu chứng. Sau khi có kết quả chụp quang tuyến, siêu âm, nội soi…Các bác sĩ đã hội chẩn và đi đến kết luận bạn Kính bị ung thư tụy tạng (Pancreas cancer).
Qua mấy phút nói chuyện trên phone, tôi muốn hiểu rõ hơn về sức khỏe của bạn mình. Giọng nói chững chạc, vui vẻ chen với giọng cười của Kính lúc nói chuyện qua phone làm tôi yên lòng. Tạ ơn Trời Phật, bạn Kính chắc không sao dù phải đang đánh vật với căn bệnh hiểm ác. Tôi nghĩ thầm trong lòng.
Đường vào nhà Kính, cây cối phủ một màu xanh tỏa đầy bóng mát. Xanh hơn những lần tôi đến thăm gia đình Kính mười năm về trước. Tôi nói đùa với hai bạn mình. Cây đời vẫn mãi còn xanh thì kiếp nạn của bạn Kính chắc là chưa có vấn đề gì. Nghe nói Kính chỉ mới vào thuốc hóa trị đợt 2 mà đã thấy tình hình rất khả quan và bệnh có dấu hiệu thuyên giảm thấy rõ, nhất là khi biết tin Kính có một ái nữ là Bác sĩ chuyên khoa Ung thư và hiện đang làm việc tại một Trung tâm nghiên cứu và chẩn trị ung thư ở Portland.
Con đường Pintail Loop cây xanh bóng mát, căn nhà của Kính có thay đổi chút đỉnh qua thời gian, nhất là cây cối quanh nhà, nhưng tôi vẫn nhận ra dù hơn mười năm mới trở lại. Hơn mười năm về trước, tôi thường có dịp xuống Oregon chơi với các bạn đồng môn trong mùa Lễ Giáng Sinh. Đây cũng là dịp các anh chị em cựu Sinh Viên Sĩ Quan trường ĐH/CTCT đang định cư tại Salem, Portland, Beaverton Seattle, họp mặt hàng năm. Tôi vẫn còn nhớ cái Hội Quán xinh xắn mà Kính và các bạn từng thuê để anh chị em cùng gia đình có dịp họp mặt cuối năm. Hội quán ấm cúng như một gia đình thân quen. Ở đó tôi đã được gặp và vẫn không quên các niên trưởng Khóa1 như các anh Vũ Ngọc Hải, Nguyễn L. Tâm, Đào Mỹ…, và nhiều vị Sĩ quan cơ hữu, giảng huấn của Quân trường ngày xưa như Thầy Hoàng Minh Hòa giọng nói ngày nào sang sảng như chuông; Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý tức nhà văn Kim Thanh luôn mượt mà trong ngữ pháp; anh Nguyễn Ban, anh Phạm văn Lập, Hà Đình Bản…, cùng rất nhiều bạn đồng môn Khóa 2 đang sống và làm việc tại đó như Thăng, Đàm, Hồi, Phước, Cẩn, Ánh, Hay, An. Càng không thể quên bạn K2 Dương Xuân Kính, cựu Phối trí viên Trung Tâm Điều hợp & Tỵ Nạn Thành phố Portland.
Nhớ lại. Lần sinh hoạt nào cũng thế, Kính lại đem cây đàn thùng màu cánh gián sang trọng được bỏ cẩn thận trong chiếc hộp xinh xắn, mang đến Hội quán để niên trưởng K1 Tâm Nguyễn và tôi sử dụng trong các tiết mục văn nghệ cùng với các anh chị tham dự. Ngày ấy nay còn đâu và nhiều khi tôi tự hỏi ngày ấy nay còn không? Câu hỏi và ý nghĩ đó cứ lẩn quẩn trong tôi như một thứ kỷ niệm êm đềm không dễ gì quên được. Ngày ấy là thời gian của tuổi trung niên còn sung mãn. Bây giờ tuổi về chiều. Ôi, thật tiếc nhớ những ngày vui qua mau.
Năm giờ chiều, chúng tôi băng ngang thảm cỏ xanh trước nhà Kính. Mấy phiến đá xi măng lót làm lối đi đã khô ráo sau mấy tháng ẩm mưa. Tôi gõ cửa và không nghĩ người ra mở cửa đón các bạn đến thăm lại là Kính. Ấn tượng đầu tiên: Kinh ngạc và mừng vui. Kinh ngạc vì không ngờ Kính tươi cười ôm bọc thuốc của Bệnh viện với ba bốn ống chuyền đang gắn trong người ra đón anh em. Mừng vui vì thấy bạn mình tuy có ốm đi và xanh xao vì đang giai đoạn hóa trị nhưng vẫn nhanh nhẹn, nói cười vui vẻ, lạc quan. Tôi nghe loáng thoáng phòng sau có tiếng người nói chuyện nên nghĩ là nhà đang có khách hoặc vài người thân trong gia đình đến thăm.
Sau nửa giờ thăm Kính và chơi với bạn. Tôi nghĩ đã đủ và cũng để Kính nghỉ ngơi dù rằng Kính nói mình còn khỏe, muốn bạn bè lưu lại chút nữa cho vui. Tôi đảo mắt qua góc nhà, thấy có cây đàn Guitar, chắc đã cũ vì dáng dấp chiếc hộp đàn có vẻ phong sương theo năm tháng nhưng lại trông rất quen thuộc, được dựng sát bên cây đàn Dương cầm cỡ nhỏ. Tôi có một thói xấu, có thể nói là xấu bẩm sinh vì tật xấu theo tôi từ thời còn rất trẻ, thuở mới học đàn. Thói xấu của một gã chơi đồ cũ, cứ mỗi lần thấy cây đàn guitar nào cũ kỹ thì lại càng ưa dòm ngó, ưa để ý. Lần nầy cũng vậy, nhìn cây đàn cũ, tôi thấy thân quen như có chút kỷ niệm nào đó gắn liền với nó tự ngày xưa. Tánh tò mò cố hữu lại nổi dậy và giống như có ma lực nào dẫn dắt, tôi quay sang hỏi nhỏ Kính:
- Cây đàn guitar của mười mấy năm trước phải không Kính?
Kính nhìn tôi, lướt qua Hay, Phước rồi mĩm cười trả lời tôi:
- Đúng rồi. Cây đàn cũ từ năm xưa. Chắc các bạn vẫn còn nhớ nó. Hơn mười năm trước, nó từng là bạn của Dương mỗi mùa Giáng Sinh chúng mình họp mặt ở Hội quán đó mà.
Tôi thực cảm động về câu trả lời của Kính. Nó bình thường nhưng ẩn chứa biết bao kỷ niệm về tình bạn bè, nghĩa đồng môn. Không phải một người đang bệnh nào cũng có thể trả lời một điều “dễ mà khó” như thế. Phải có kỷ niệm và tình nghĩa bạn bè mới có thể nhớ những điều bé nhỏ tưởng đã nằm khuất sâu trong vùng ký ức.
Một chút yên lặng rồi Kính nói tiếp:
- Lâu nay bạn vẫn còn đàn hát như xưa không? Tôi có nghe bạn hát trong một Video Clip. Bài nhạc bạn viết và phổ từ một bài thơ dễ thương nói về mùa Xuân. Bài nhạc khá hay và lời thơ rất dễ thương.
Tôi ngạc nhiên và nghĩ thầm trong bụng. Ông nầy đang bịnh nặng mà không suy suyển trí nhớ chút nào. Hy vọng Kính sẽ mau chóng bình phục. Tôi thực sự cầu mong cho bạn mình được những điều may mắn trong lần chữa trị khó khăn như lần nầy. Rất nhanh, tôi nhìn Kính và trả lời câu hỏi của bạn:
- Thì cũng còn chơi chút chút cho vui vậy mà. Tụi mình, đứa nào cũng đã vào tuổi già cả rồi. Bài nhạc Kính vừa nói là do tôi viết từ bài thơ Mùa Xuân của nữ sĩ Trần Mộng Tú. Chị ấy ở thành phố Bellevue, Washington, cạnh một bờ hồ cùng tên, có chút quen biết qua những đêm thơ nhạc thính phòng ở thành phố Seattle và có email qua lại lúc tôi viết bài nhạc.
Lê Bá Hay ngồi bên cạnh, nhìn cây đàn rồi nhìn qua tôi. Bao nhiêu năm qua đi, giọng nói của Hay vẫn không một chút thay đổi. Vẫn giữ đúng âm điệu miền Nam chân chất, thiệt thà, đáng yêu không pha một chút sáo ngữ nào. Hay lên tiếng:
- Dương với Phước. Tao đề nghị như “dầy”. Trước khi từ giã Kính, sẵn có cây đờn guitar, tao đề nghị mầy hát một bài tặng riêng cho Kính như một kỷ niệm lần đến thăm bạn trước khi tụi mình “dề”.
Tôi có hơi bất ngờ trước đề nghị đột ngột của Hay nên quay sang Hay nói:
- Bạn Kính đang bịnh, cần có thời gian tĩnh dưỡng. Thôi để lần khác, khi nào Kính hết bịnh, tao sẽ xuống tham gia vui chơi trong lần họp mặt như mười mấy năm trước và sẽ đàn hát với anh em cho vui. Lâu quá mình chưa xuống họp mặt với các anh chị dưới nầy nên cũng nhớ lắm. Nhớ nhất những mùa Giáng sinh ấm áp đã qua.
Kính vỗ tay nhẹ xuống bàn nói liền:
- Hay nó đề nghị rất hay, đúng như tên Hay của nó đó bạn. Cảm ơn bạn đã từ trên Washington xuống thăm tôi. Tôi muốn nghe lại giọng hát của bạn. Bạn hát một bài tặng mình trước khi các bạn về đi. Cây đàn cũ năm xưa bạn từng chơi vẫn còn đó. Chắc bạn phải sửa lại giây đàn vì lâu lắm rồi tôi chưa hề đụng tới.
Hay bước lại góc phòng, mở hộp, lấy cây đàn ra, phủi bụi rồi đưa sang tôi. Tôi cầm cây đàn mân mê như cầm chút kỷ niệm cũ thân yêu. Mọi cái đều có vẻ mong manh quá. Cây đàn xưa của bạn mà tôi vẫn thường ôm trong những mùa Giáng sinh họp mặt. Nhìn lớp bụi phủ mong manh trên mặt đàn màu nâu cánh gián rồi nhìn sang khuôn mặt của Kính. Làn da trắng đã có chút sậm màu qua mấy giai đoạn hóa trị. Tự dưng tôi có linh cảm xa xôi khi nhìn màu da và ánh mắt của Kính. Mọi cái có vẻ mơ hồ như sương khói mong manh. Tôi thở nhẹ, cố xóa tan những hình ảnh chập chờn trong đầu. Chỉnh lại dây đàn cho đúng xong tôi nói nhỏ với Kính.
- OK. Bây giờ Bạn muốn tôi hát bản gì đây. Nhạc của ai và dòng nhạc nào, tiền chiến hay tình yêu tuổi trẻ chúng mình qua chiến tranh.
Kính nhìn các bạn Phước, Hay rồi nhìn sang tôi nói:
- Bạn muốn bản gì thì hát bản ấy thôi. Gợi nhớ được chút kỷ niệm nào của anh em mình trong thời quân ngũ thì càng tốt. Sau khi tớ lành bệnh, sẽ tổ chức họp mặt anh em và mời bạn xuống chơi như lúc trước. Bạn phải xuống với anh em nhé.
Tôi vỗ nhẹ tay phải lên thùng đàn mát lạnh và nói vui với Kính:
- Điều đó thì nhất định rồi. Chỉ cần bạn lành bệnh và phục hồi được sức khỏe, tôi hứa sẽ xuống thăm bạn và vui chơi với các bằng hữu như thuở trước. Nhớ giữ cây đàn cũ để tôi vẫn còn dịp ôm nó trong những lần hội ngộ tới nhé.
Tôi bật cười khi nghe lại giọng nói quen thuộc của Kính. Cái tiếng “tớ” qua câu nói của Kính còn đậm đà giọng Bắc nghe thân tình và gần gũi làm sao. Tôi lướt ký ức rất nhanh qua khuôn mặt thân quen đã có phần xám đi của Kính. Tôi cố soi lại trí nhớ của mình. Bạn tôi sinh quán tận miền Bắc xa xôi nhưng tôi không nhớ chính xác ở đâu. Hà Thành hay Sơn Tây, Bắc Ninh hay Thái Bình. Trong cuốn kỷ yếu Khóa 2 cách đây mấy năm, không có hình của Kính nên đành chịu.
Tôi nói nhanh với Kính:
- Để tôi hát một nhạc phẩm nổi tiếng của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thơ của Quang Dũng, không chừng lại gợi nhớ chút kỷ niệm năm xưa của chúng mình. Bài “Đôi mắt người Sơn Tây” nhé.
- Bài ấy rất tuyệt. Đúng tâm trạng anh em tụi mình. Bạn hát đi. Kính nói.
Tôi vuốt nhẹ tay trên cần lục huyền cầm mà tưởng như có tiếng gió thổi trên đỉnh Ba Vì và tiếng sóng vỗ nhẹ bên bờ sông Đáy một thuở chinh yên. Rồi bảy năm trong lòng cuộc chiến, chúng tôi theo gió tràn về Lâm Viên có sương mù trắng xóa, theo sóng vỗ bờ trên duyên hải miền Nam. Trên sóng nước muôn trùng những dòng sông quê hương chảy cuồn cuộn về biển cả mênh mông. Trên rừng núi bạt ngàn, dấu tích tiền nhân một thuở mang gươm đi mở nước. Mỗi một nơi đi qua, đều có để lại máu xương những bạn bè thế hệ chúng tôi, một thời bỏ đèn sách, giảng đường, tạm xa người tình, ôm súng lên đường làm trai thời loạn để bảo vệ miền Nam thân yêu.
Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt Em. Ôi mắt em xưa có sầu cô quạnh.
Khi chớm Thu về. Khi chớm Thu về một sớm …mai
Đôi mắt người Sơn Tây. U uẩn chiều luân lạc.
Buồn viễn xứ khôn khuây. Buồn viễn xứ khôn khuây.
Em hãy cùng ta mơ. Mơ một ngày đất Mẹ
Ngày bóng dáng quê hương
Đường hoa khô ráo lệ.
Tôi từ chinh chiến đã ra đi
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Sông Đáy chậm buồn quanh Phủ Quốc.
Non nước u hoài. Non nước hao gầy ngày chia tay.
Em vì chinh chiến thiếu quê hương
Sài Sơn, Bương Cấn mãi u buồn.
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm.
Em có bao giờ… Em có bao giờ… Em thương nhớ…thương.
Đôi mắt người Sơn Tây. Đôi mắt người Sơn Tây. Buồn viễn xứ… khôn khuây…
Tôi dừng bài hát, vuốt nhẹ cần đàn để thấy trong ánh mắt các bạn tôi, ẩn hiện hình bóng quê nhà. Đôi mắt của Kính, đôi mắt của Hay, của Phước chất chứa hồn sông núi Việt Nam. Ôi ! Những ánh mắt buồn của người viễn xứ nhớ nước khôn nguôi.
Ngày ấy, chúng ta hy sinh xương máu để bảo vệ miền Nam với nỗi lòng kẻ sĩ thời đại như bao nhiêu ngưòi khác. Yêu miền Nam bằng cả trái tim tuổi trẻ. Nóng bỏng như lửa đời cuồng nhiệt và lãng mạn như những hiệp sĩ thuở xưa, tóc rối bời theo gió bụi chinh yên. Kiếm ẩn theo người diệt bạo trừ gian, diệt lũ hung tàn. Bảo vệ giang san, yêu thương đồng bào trong sứ mạng cư an tư nguy
Tôi bỏ cây đàn xinh xắn của Kính vào hộp và dựng vào chỗ cũ. Cả ba đứa bắt tay Kính, ôm nhẹ vai gầy của bạn và nói lời từ giã. Trở ra xe, ngoái nhìn lại vẫn thấy Kính còn đứng vẫy tay ở cửa. Đôi mắt của Kính như sâu thêm và ẩn chứa một điều gì rất lạ, nó ám ảnh tôi suốt chặng đường về. Chiếc xe rời nhà Kính, trở ngược đường Pintail Loop trong bóng nắng nghiêng nghiêng trên những hàng thông xanh cao vút hai bên đường. Khi xe đã chạy được một quãng xa, tôi nói với Phước và Hay:
- Theo tao, nếu sau lần hóa trị thứ tư, sức khỏe Kính vẫn chịu đựng được những tác động bởi side effects của liều hóa trị thì mặc dù có mất đi nhiều hồng huyết cầu, mọi việc cũng sẽ tốt hơn và Kính sẽ qua được căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng… nếu vẫn tiếp tục hóa trị đến lần thứ năm, thứ sáu thì tao rất sợ những rủi ro sau đó cho Kính. Không biết Kính còn đủ sức khỏe để qua được những cơn đau sau nhiều lần hóa trị không. Tội nghiệp cho Kính quá.
Tôi có hơi mắc cở khi nói ra điều nầy vì đó không phải là kiến thức chuyên môn của mình. Ngay chính các bác sĩ tài danh cũng còn nhiều khi vấp ngã trong chẩn đoán và trị liệu cho bệnh nhân. Mình là ai, một kẻ bình thường mà cũng bày đặt lên tiếng nói liều. Không không, mình không là gì cả. Chẳng qua vì đọc tin tức qua sách báo và nhất là vì thương bạn mà nói liều đó thôi. Xin các bạn thông cảm cho.
Tôi buông chùng câu nói nửa vời theo tiếng thở nhẹ như một lời thương tiếc cho chính mình. Tôi nói lo sợ cho Kính vì đã có đến mấy người quen lẫn bạn hữu đã ra đi sau thời gian điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị. Trong chừng mực nào đó, hóa trị là phương thức tối ưu trong y khoa hiện thời để chữa trị ung thư. Nhưng vấn đề là sức khỏe của chúng ta liệu có còn đầy đủ để bảo vệ và đối kháng, vừa chống đỡ bệnh ung thư, vừa sản sinh hồng huyết cầu nuôi dưỡng cơ thể. Nói khác đi là nuôi dưỡng được sự sống của chính mình hay không?
Ngày hôm sau, Phước chở hai vợ chồng tôi ra ga Amtrack ở Portland để chúng tôi về lại Washington. Suốt mấy giờ ngồi xe lửa, lòng tôi nặng trĩu mỗi khi nhớ đến ánh mắt tiễn đưa của Kính chiều hôm trước. Không hiểu tại sao và biết diễn tả thế nào nhỉ? Ánh mắt đó của Kính xa xôi, không buồn, không vui nhưng có cái gì không trọn vẹn. Rất tiếc ngày đến thăm bạn, chúng tôi đã không gặp được chị Kim Đăng, phu nhân của Kính. Chị cũng là người quen biết với chúng tôi từ những ngày xưa cũ khi còn là những SVSQ của Quân trường ĐH/CTCT Đà Lạt. Thuở ấy, thỉnh thoảng có những buổi tối không nhằm phiên canh gác hệ thống phòng thủ, cũng không ra ngoài kích đêm, chúng tôi, vài đứa thường chơi chung nhóm với nhau, lại rủ nhau ra Câu lạc bộ SVSQ ngay đầu cổng Quân trường để uống cà phê, nghe nhạc, thở khói thuốc quyện tròn vào sương đêm Đà Lạt. Lúc ấy, chị Kim Đăng đang là tiểu thư và là tiểu chủ nhân của Câu lạc bộ SVSQ.
Tôi nhớ ngày ấy, gia đình chị Kim Đăng đang thầu Câu Lạc Bộ SVSQ và chị là ái nữ của chủ nhân Câu Lạc Bộ. Cái không gian ấm áp, nhỏ bé của CLB với mùi cà phê ngọt ngào gợi hình ảnh “khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa. Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ” như hai câu thơ trích dẫn đầy lãng mạn của Quang Dũng năm xưa. Thời kỳ nhà thơ bỏ thành đi kháng chiến, đã ru chúng tôi vào mộng mị tuổi xuân làm trai thời loạn. Mơ làm người Quang Trung như tựa đề một cuốn sách nào đó xuất bản tự năm xưa thì mình không thể và cũng không dám. Nhưng mơ hình ảnh kẻ chinh phu qua văn học đầy thi vị và lãng mạn thì luôn nằm trong niềm mơ ước. Tuổi trẻ đầy khát vọng và mộng mơ của chúng tôi được ru bằng lời thơ mượt mà Chinh Phụ ngâm của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm: Ở đó có “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Và ở đó có hình ảnh thiết tha của người vợ đợi chồng chinh chiến phương xa. Ở đó có hình ảnh người ở lại đứng bên song cửa nhớ người ra đi. Hào hùng, lãng mạn nhưng bi tráng vô cùng.
Chàng từ đi vào nơi gió cát
Đêm trăng nầy nghỉ mắt nơi nao
Xưa nay chiến địa nhường bao
Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu…
(Trích Chinh Phụ ngâm)
Ngày ấy (1968) chị Kim Đăng là hoa khôi của Câu Lạc Bô/SVSQ và dĩ nhiên là của Quân Trường ĐH/CTCT nữa. Thời gian đó, Khóa 1 sắp ra trường, Khóa 2 của tôi vừa mới nhập học. Trong số gần 600 “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” ấy, có biết bao cây si đã trồng quanh CLB. Nhưng lọt vào mắt xanh và trái tim của cô chủ quán xinh đẹp ngày ấy chỉ duy nhất là Dương Xuân Kính bạn tôi. Thì ra ông bạn tôi đã biết thả thơ tình từ ngày tháng cũ. Tài thật. Về chi tiết nầy, quả thật tôi không còn nhớ một chút nào cả. Cũng may anh Kim Thanh Nguyễn Kim Quý đang ở Oregon, cựu Sĩ quan Văn hóa vụ, phụ trách giảng huấn tại Quân trường CTCT, bạn thân của Kính và cũng rất thân tình với anh em các khóa Nguyễn Trãi chúng tôi, còn lưu giữ mấy tờ báo cũ nên tôi mới đọc được mấy bài thơ của bạn. Bạn cũng lãng mạn, đa tình đâu có thua ai. Hèn nào chàng độc chiếm trái tim cô chủ quán từ ngày ấy.
Xuân ở bên này vắng ý thơ
Trong ta thao thức nỗi mong chờ
Vắng em xuân đến hoa không thắm
Thương mối tình xưa quá dại khờ.
(Trích Xuân Tưởng của Dương Xuân Kính)
Nói thiệt ông nghe. Ông tài hoa và khôn lanh hơn người chứ đâu có chút dại khờ nào như lời thơ ông viết. Ở cái xứ sương mù Đà Lạt đầy huyền hoặc, thơ mộng, câu chuyện tình nào cũng diễm lệ và mang nặng chất thơ, huống hồ là trong quân trường đầy những SVSQ hào hoa như trường ĐH/CTCT. Đúng không nào?
Thời gian sau đó, đầu năm 1970, CLB/SVSQ đổi chủ. Chủ nhân mới đã đưa 2 cô con gái rượu vào trông coi CLB. Đời sống SVSQ chúng tôi lại có thêm niềm vui mới. Anh em ra vào CLB nhộn nhịp hơn và Quân trường lại có thêm hai câu chuyện tình rất đẹp của 2 chị em ruột là hai tiểu thư chủ nhân CLB/SVSQ với 2 chàng SVSQ Khóa 2 cùng tên Thịnh. Lại cũng là khóa 2 của tôi nữa nhé. Như vậy thì tôi có lỡ nói SVSQ Trường /CTCT Đà Lạt lúc nào cũng hào hoa thì chắc cũng không có gì quá đáng phải không quý bạn. Cũng xin mạn phép nói thêm một chút về Quân trường Hiện dịch non trẻ nầy. Quân trường ngoài việc đào tạo các Sĩ quan CTCT nồng cốt cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (Đã đào tạo được 6 Khóa Sĩ quan Hiện dịch với trên dưới 1,000 SVSQ), còn là nơi tổ chức và huấn luyện các Khóa Sĩ Quan Căn Bản, Trung Cấp và Cao Cấp Chiến Tranh Chính Trị cho Sĩ quan từ cấp Úy đến cấp Đại Tá thuộc các Quân Binh chủng Quân Lực VNCH.
Xin trở lại câu chuyện đang kể về ông bạn K2 Dương Xuân Kính của chúng tôi.
Về lại nhà ở Washington. Mấy ngày sau, tôi vẫn còn ám ảnh đôi mắt lạ kỳ và sâu thẳm của Kính. Đôi mắt lúc đầu có chút reo vui khi gặp bạn bè nhưng lại ẩn chứa niềm ly biệt xa xôi muôn trùng. Tôi quặn lòng mà không dám thổ lộ với ai vì sợ xui cho bạn mình. Về lại Olympia, ngoài nổi ám ảnh về người bạn, tôi còn mang theo hình ảnh cây đàn thùng màu cánh gián của Kính và câu nói đây tình cảm của bạn: “Cây đàn cũ năm xưa, nó từng là bạn của Dương mỗi muà Giáng Sinh họp mặt ở Hội quán đó mà”. Cây đàn sau bao nhiêu năm tháng, âm sắc vẫn còn như xưa. Dáng dấp vẫn không tàn tạ. Còn bạn, còn tôi, còn bạn bè chúng ta, nhận biết được mọi điều trong cuộc sống nhưng sao phải chịu nhiều biến đổi đau thương từ số phận.
Chỉ hơn một tháng sau ngày gặp Kính. Tôi được các bạn cùng khóa ở Oregon báo hung tin về sự ra đi vĩnh viễn của Kính. Tôi không ngạc nhiên lắm trước tin buồn nhưng lòng thì quặn đau vô cùng. Nổi ám ảnh từ đôi mắt rất lạ của Kính lại đến. Hình ảnh cây đàn thân yêu bị quên lãng từ năm xưa lại hiện về. Cây đàn thời gian trước có lẽ đã buồn vì thiếu hơi chủ nhân của nó, giờ lại càng thêm cô đơn. Tôi lại liên tưởng đến cuộc đời đầy muộn phiền của chúng ta trên miền đất trích. Rồi tất cả sẽ đi về đâu, hay sẽ như cây đàn bị bỏ quên vì chủ nhân của nó đã không còn.
Nhớ Kính nhưng tôi không dám về dự Tang lễ của bạn. Đành nói nhỏ trong lòng một lời tạ lỗi với bằng hữu mà thôi. Nếu tôi về, chỉ nhìn được hình hài bất động của bạn trong cổ áo quan lạnh lùng tại nhà quàng thì nỗi nhớ bằng hữu sẽ càng sâu thêm. Những kỷ niệm nhỏ nhoi ngày tháng cũ sẽ càng lớn hơn và chỉ làm xót xa thêm ánh mắt vốn đã rất u buồn của thân nhân bạn trong giờ phút tiễn đưa lần cuối. Đôi mắt của bạn đã khép kín vĩnh viễn từ đây. Vậy thì còn ai cho tôi mượn lại cây đàn yêu dấu năm xưa để hát khúc biệt ly. Ai sẽ cho phép tôi ôm nó vào lòng để hát cho bạn nghe lần cuối bài ca tôi không muốn hát bao giờ.
“Anh nằm xuống, sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời nầy. Đã bay cao trong vòm trời nầy. Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai…Không có ai…” (TCS).
Kính ơi !
Bài hát cũ vẫn còn trong nỗi nhớ nhưng đã không còn người nghe. Cây đàn màu cánh gián năm xưa vẫn còn đâu đó trong góc nhà đã vắng bóng chủ nhân. Rồi ai sẽ nâng niu cây đàn với khúc nhạc năm xưa. Gã hát rong cho vui đời vẫn còn đây, nhưng người bạn thân mến thì đã ra đi. Ra đi vĩnh viễn. Nếu như mình được phép có lời ước chúc cho bạn thì nói như người xưa. Mong bạn được trở về nơi bạn đã ra đi. Bạn được gặp lại, tìm lại những gì bạn đã mất. Thôi ngủ yên đi Kính. Cầu xin cho Bạn an nghỉ đời đời trong cõi bình yên, không còn tranh chấp và hận thù.
(Tưởng nhớ K2 Dương Xuân Kính - Portland)
Người viết: K2 Lê Tấn Dương
Tháng Chín, 2015
No comments:
Post a Comment