Sunday, September 27, 2020

Thăm nơi ở cuối cùng của Nam Phương hoàng hậu


Sau khi rời Việt Nam vào năm 1947, hoàng hậu Nam Phương đến Pháp và ngụ tại lâu đài Thorenc ở Cannes. Được một thời gian, bà chuyển về sống trong Domain de la Perche ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Limousin cách Paris chừng năm trăm cây số và đây cũng là nơi ở cuối đời của bà. 

Chúng tôi tìm đến nơi ở cuối cùng của Nam Phương hoàng hậu trong một ngày mưa. Dừng chân tại tòa thị chính Chabrignac, mọi người hy vọng sẽ tìm hiểu được chút thông tin về bà. Tiếc là lúc này đã hai giờ chiều ngày thứ Năm, văn phòng đóng cửa sớm nên chẳng gặp được ai. 

Đường dẫn vào nhà cựu hoàng hậu được người Pháp đặt tên “Bà Hoàng” 


Ngôi nhà bình yên này đã chứng kiến những năm cuối đời của bà hoàng Nam Phương

Lần theo bản đồ, rồi chúng tôi cũng tìm đến được lâu đài la Perche. Cổng mở toang, nhìn vào trong mãi không thấy một bóng người. Giật chuông nhiều lần không thấy ai ra, chúng tôi quyết định đi vào trong, mong mỏi sẽ gặp được ai đó. Không gặp được người, nhưng chúng tôi phát hiện thêm một cái cổng nữa, đây mới là cổng chính của lâu đài. Nơi ở cuối đời của bà Nam Phương khá bề thế, rộng rãi, tiếp giáp hai mặt tiền đường. Lâu đài có vẻ đang được sửa chữa nhưng hiện không có ai ở. Trước đó, trên con đường dẫn đến lâu đài, chúng tôi cũng phát hiện con đường dẫn vào Domain de la Perche có tên Rue de L’Impératrice, tạm dịch là đường Bà Hoàng, có lẽ người Pháp đã đặt tên này cho con đường để tưởng nhớ bà. Trước chúng tôi, cũng đã có một nhóm du khách người Việt viếng mộ bà… 

Cổng chính vào trang trại La Perche

 
Tác giả trước cổng trang trại 

Sau khi rũ bỏ lớp áo vàng son quyền quý, bà Nam Phương quay lại sống đúng nghĩa cuộc đời an lành, bình dị của một phụ nữ An Nam có học thức. Hằng ngày, bà dậy rất sớm, thường tự tay trang trí, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc cây cảnh. Khi có việc ra ngoài, cựu hoàng hậu thường tự tay lái chiếc xe hơi hiệu Dauphine, có thêm cô hầu gái hay người quản gia đi theo. 

Đối với bà, người quản gia này có một vị trí rất đặc biệt. Ông này luôn tháp tùng bà trong những chuyến tiếp khách, dự tiếp tân đối với các gia đình quyền quý ở trong vùng. Không ai có bằng chứng xác đáng nhưng dường như những người quen biết trong vùng đều cho rằng người quản gia này luôn yêu Nam Phương hoàng hậu. 

Ngày 16-9-1963, sau khi ra nắng bà Nam Phương bị cảm rồi sốt cao và đau họng. Bác sĩ tới thăm bệnh cho rằng bà chỉ bị viêm họng nhẹ, không ngờ tiếp theo đó bà bị khó thở. Ông quản gia và mấy cô giúp việc vội chạy đi tìm bác sĩ khác ở làng bên cách mươi cây số, nhưng vì bệnh viện ở xa, bác sĩ không tới kịp nên bà đã ra đi vào lúc 5 giờ chiều.

Đám tang của bà Nam Phương được cử hành theo nghi thức đạo Công giáo rất đơn giản, chỉ có các hoàng tử, công chúa và một số bạn bè thân thiết của gia đình. Tại địa phương có vị tỉnh trưởng và dân biểu nơi bà cư ngụ tới chia buồn và dự tang lễ.

Đặc biệt, công chúa Như Lý, con gái của vua Hàm Nghi, cũng đến dự tang lễ. Công chúa Như Lý ở gần nơi bà Nam Phương cư ngụ nhưng khi bà Nam Phương còn sống, bà Như Lý chưa bao giờ tới thăm. Chỉ khi cựu hoàng hậu tạ thế, công chúa mới tới dự đám tang. Riêng cựu hoàng Bảo Đại không có mặt trong đám tang của vợ.

Mộ phần của bà hoàng
Nam Phương hoàng hậu sinh ngày 14-11-1914, mất ngày 16-9-1963, hưởng dương 49 tuổi. 

Mộ của bà nằm trong một nghĩa trang nhỏ trên ngọn đồi cao nhất giữa ngôi làng rất đỗi yên bình. Thỉnh thoảng tiếng chuông ngân vang từ nhà thờ cổ đối diện như nhắc nhở một hoài niệm xưa…

Chabrignac Jul, 2017

Quốc Huy

No comments:

Blog Archive