Con Trai Người Làm Thơ
Trần C. Trí
California, những ngày lập thu 2020
Anh C. thân yêu,
Như trong một lần trước, kỳ này anh lại đọc thư mình gởi cho anh trên một tờ báo. Mình lặp lại chuyện này vì những gì mình muốn kể cho anh nghe, một lần nữa, vượt quá phạm vi của một lá thư thông thường. Câu chuyện này, mình muốn kể cho anh nghe vì anh vừa là một nhà văn, vừa là một nhà giáo; và những gì mình mình sắp kể ra đây cũng có liên quan đến một người cầm bút và một người dạy học.
Nhân vật chính trong câu chuyện là một sinh viên người Cuba. Mình tạm gọi anh ta là Carlos nhé. Carlos là một trong những sinh viên lấy lớp ngôn ngữ học tiếng Tây Ban Nha do mình phụ trách trong khoá học mùa Thu 2020 này, tại một trường đại học của tiểu bang California. Đây là một lớp bậc cao học mà các sinh viên cần lấy trong chương trình Master’s của họ. Phần lớn các sinh viên trong lớp đã trở thành giáo viên, giảng dạy tiếng Tây Ban Nha ở một số trường trung học trong vùng. Một số khác được chọn làm phụ giáo (teaching associate) ngay trong khoa của trường để dạy các lớp tiếng Tây Ban Nha từ trình độ sơ cấp đến cao cấp ở bậc đại học. Carlos là một trong những phụ giáo đó. Tuy được gọi với chức vụ này, các phụ giáo đều trực tiếp giảng dạy các lớp ngoại ngữ của mình chứ không thật sự phụ giúp giáo sư nào cả. Trước khi đưa nhân vật Carlos vào tâm điểm của câu chuyện, mình xin nói qua toàn cảnh của trường lớp năm nay.
Niên khoá mới này, nơi mình đang giảng dạy, vẫn duy trì hình thức dạy và học từ xa vì tình hình COVID ở California, tuy không trở nên trầm trọng hơn, vẫn chưa hoàn toàn khả quan để thầy trò có thể trở lại với bảng đen (à không, bảng trắng thì đúng hơn!) và bàn ghế thân quen. Về phần mình, tuy đã phụ trách lớp này không biết bao nhiêu chục lần từ trước tới giờ, vẫn có tâm trạng hồi hộp cố hữu trước khi lớp bắt đầu. Anh C. nghĩ xem, mình không hồi hộp sao được khi biết sinh viên trong lớp đa số là người bản ngữ, nói tiếng Tây Ban Nha như gió (dĩ nhiên là lưu loát hơn ông thầy!), đã có bằng cử nhân văn chương Tây Ban Nha và, như đã nói ở trên, đang đồng thời dạy thứ tiếng này trong một lớp học nào đó.
Đã vậy, việc dạy và học đều thông qua Zoom, hệ thống teleconference thông dụng nhất đang được đa số các trường đại học, trung học và tiểu học sử dụng trên khắp nước Mỹ. Thầy trò chỉ thấy nhau qua computer. Mình là người thầy, tất nhiên là phải “xuất đầu lộ diện” trên màn ảnh khi giảng bài. Còn học trò của mình, ai thích thì bật video lên, ai không thích thì chỉ để tên trong khung hình của mình. Chắc anh C. cũng đoán được rằng người thích vẫn ít hơn người không thích!
Carlos là một trong những sinh viên hiếm hoi trong lớp mở hình của anh ta lên. Ngay từ buổi học đầu, anh ta đã làm cho mình chú ý vì những câu hỏi hay những lời bình phẩm ngộ nghĩnh của anh ta. Nghe các sinh viên nói tiếng Tây Ban Nha với nhiều giọng từ các nước châu mỹ La Tinh khác nhau vốn đã không phải là điều dễ dàng, nay phải nghe từ computer với âm độ của microphone thay đổi không đều, lại càng nhiều thách thức hơn đối với mình. Với Carlos, mình thấy khó hơn gấp bội, bởi vì anh ta nói giọng rất đặc trưng của miền Caribe. Khi nghe Carlos tự giới thiệu là người gốc Cuba, mình đã cười bảo anh ta:
“À, anh nói loại tiếng Tây Ban Nha của những vùng thường “nuốt” hết các âm “s” ở cuối vần hay cuối chữ đó phải không?”
Carlos vội cải chính:
“Không phải vậy đâu thầy. Đúng là nhiều nơi ở Cuba người ta có nuốt âm “s”, nhưng trong vùng tôi ở ai cũng phát âm nó tròn trịa lắm.”
Tuy vậy, khi Carlos tiếp tục nói, với đôi tai của người dạy ngôn ngữ học trên hai mươi năm, mình vẫn nghe được anh ta nuốt rất nhiều âm “s”. Mình nghĩ thầm: “Chắc anh ta bị chạm tự ái về địa phương ngữ nên không thừa nhận chuyện đó, hoặc cũng có thể tuy là người bản ngữ, nói năng lưu loát, lại không có được nhận xét khách quan về chính ngôn ngữ của mình. Điều này có thể xảy ra cho bất cứ ai chứ không riêng gì anh ta, kể cả anh C. và mình.”
Sau khi thầy trò làm quen với nhau qua màn ảnh Zoom, mình bắt đầu bài giảng đầu tiên, giới thiệu về hệ thống ngữ âm tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh (vì lớp này là lớp phân tích đối chiếu giữa hai thứ tiếng). Giảng được phần đầu, mình ngưng lại cho các sinh viên đặt câu hỏi. Khác với các lớp mình từng dạy qua Zoom ở bậc cao đẳng cộng đồng và bậc đại học, nơi sinh viên đa số khá thụ động, các sinh viên cao học trong lớp này nêu thắc mắc hay góp ý kiến hết sức sôi nổi khiến mình cảm thấy rất hứng thú. Giữa những câu hỏi và các ý kiến khác nhau, Carlos than thở:
“Trời đất, đây là lần đầu tiên tôi học một lớp ngôn ngữ học tiếng Tây Ban Nha, lại còn kèm thêm tiếng Anh nữa! Tôi thấy những gì thầy mới trình bày như là bằng một ngôn ngữ xa lạ nào đó. Tôi không ngờ tiếng mẹ đẻ của tôi lại mang những đặc điểm vô cùng thú vị như thầy vừa miêu tả.”
Mình để ý thấy cách nói và cách dùng chữ của Carlos có vẻ trội hơn các bạn cùng lớp. Anh ta sử dụng những cấu trúc cầu kỳ và chọn nhiều từ ngữ nghe rất văn hoa, trong khi nhiều sinh viên khác nói năng giản dị, chân phương hơn.
Buổi học đầu tiên hôm đó kết thúc khá mỹ mãn. Tâm trạng hồi hộp của mình tạm biến mất. Thay vào đó là một niềm hứng thú mới mẻ, nhờ vào sự tham gia hào hứng của sinh viên. Anh C. từng đi dạy chắc hiểu rõ điều này hơn ai cả. Chẳng có gì chán cho bằng đứng giảng bài trước một lớp học lặng lờ như một buổi cầu kinh. Tình trạng đó lại càng trầm trọng hơn với kiểu học từ xa qua Zoom như bây giờ. Nhưng may quá, lớp học vừa rồi của mình không phải là một trong những buổi cầu kinh đó.
Hôm sau, mình nhận được email của Carlos. Trong thư, anh ta cám ơn mình đã đem lại một buổi học thú vị, ít nhất là đối với anh ta. Carlos viết: “Tôi là một nhà thơ kiêm nhà văn. Chữ nghĩa tiếng Tây Ban Nha đối với tôi là một kho tàng vô tận, một phương tiện tuyệt vời giúp tôi dàn trải những suy nghĩ, những tâm trạng sâu kín nhất của mình trên mặt giấy. Trong buổi học vừa qua, thầy đã cho tôi thấy một khía cạnh khác, thật lạ lùng mà cũng thật quyến rũ, của tiếng mẹ đẻ của tôi. Tôi hy vọng qua lớp học này, thầy sẽ chỉ ra cho tôi thấy thêm nhiều nét đẹp của ngôn ngữ của Don Quijote này.”
Đọc xong thư, mình nghĩ thầm: “Lạy đấng cao xa! Hoá ra anh học trò này của mình là một nhà thơ, nhà văn! Chữ nghĩa Tây Ban Nha của anh ta chắc là không bờ không bến. Vậy mà mình dám múa rìu qua mắt thợ. Tuy vậy, theo như cái email này, chắc anh ta không đến nỗi thất vọng về mình. Nếu có thì anh ta đã không ưu ái gởi đến cho mình những dòng chữ tử tế như thế. Hẳn là anh ta cũng nghe giọng mình nói tiếng Tây Ban Nha, dù có cố gắng mấy đi nữa, cũng không làm sao tránh khỏi có cái gọi là giọng ngoại quốc lơ lớ trong đó.”
Mình lại nghĩ, sự đời cũng lắm nỗi éo le. Anh C. xem, một nhà thơ từ xứ Cuba lạc loài đến Mỹ, tình cờ gặp một nhà giáo, từ Việt Nam, cũng lạc loài đến chốn này, để thụ giáo thứ tiếng mà hằng ngày anh ta đùa giỡn với để dệt ra những vần thơ hoa mỹ, hay để viết nên những lời văn sâu xa, bóng bẩy. Đối với mình, từ giờ trở đi, mỗi lần lên lớp là như một lần ra trận. Anh C. hãy cùng mình hình dung ra những lúc mình giảng bài trước cái computer, có một người bên kia màn ảnh đang lắng nghe bằng đôi tai của một người làm văn chương, một kẻ sáng tạo, một người sành sỏi nói thứ tiếng mà mình đang phân tích từ góc độ khoa học. Tưởng tượng ra được như thế thật cũng thú vị, anh C. nhỉ?
Thế rồi một hôm mình nảy ra một ý. Số là lâu nay mình vẫn dịch ra tiếng Việt một số truyện ngắn và kịch của nhiều tác giả viết bằng tiếng Tây Ban Nha từ nhiều nước khác nhau, để gởi đăng trên nhiều tạp chí ở Mỹ, online có, trên giấy cũng có. Mình viết cho Carlos: “Tôi cũng thích văn chương lắm. Tôi vẫn thường dịch truyện từ tiếng Tây Ban Nha ra tiếng Việt để đăng báo. Nếu anh vui lòng, anh có thể để tôi dịch một truyện ngắn của anh để giới thiệu đến độc giả người Việt không?” Carlos trả lời thư mình viết, nói rằng rất hân hạnh được mình làm việc đó. Anh kèm theo email, không phải một, mà đến hai truyện ngắn.
Sáng hôm sau là Chủ nhật. Mặc dù còn bề bộn biết bao nhiều bài vở phải chuẩn bị cho tuần học tới, mình dẹp tất cả qua một bên để ngồi trước cái laptop, mải mê dịch truyện của Carlos. Mình phải làm gấp như vậy vì, ngoài nguồn cảm hứng đang dào dạt của mình, còn có vấn đề thời gian tính. Mỗi lần gởi bài đi, lâu lắm toà soạn mới chiếu cố đến mình vì bài vở đóng góp bao giờ cũng nhiều. Mình chỉ sợ khoá học sẽ qua mà truyện của Carlos chưa đăng kịp thì tiếc lắm.
Truyện mình chọn dịch có nhan đề là “Con Trai Người Thợ Rèn”. Đây là một truyện khá đặc biệt, thuộc thể loại hiện thực ảo (‘magical realism’). Mình đã từng dịch nhiều truyện loại này, nhưng truyện ngắn của Carlos vẫn làm mình ngạc nhiên. Mới đọc qua, truyện không có gì là “ảo” cả, kể về một người thợ rèn và người vợ trẻ. Sau một thời gian cầu xin thượng đế, hai vợ chồng đã có được một mụn con trai. Không may, khi đứa con hãy còn nhỏ, người vợ bị một đám lính của một lãnh chúa trong vùng hãm hiếp rồi giết chết, trớ trêu thay, bằng chính một con dao mà người thợ rèn đã làm ra. Điều đáng nói là nhân vật xưng tôi kể lại câu chuyện này thật đặc biệt, có một không hai: đó chính là thượng đế!
Truyện dịch xong, mình gởi đăng và kèm theo một chút lai lịch đặc biệt của tác giả và mối quan hệ của anh với dịch giả cho ban biên tập xem (tất nhiên là chi tiết này không xuất hiện trên báo). Có lẽ lấy làm thích thú về chi tiết đó, cũng như với nội dung khá lạ của câu chuyện, ban biên tập cho đăng ngay truyện ngắn này. Mình rất vui và chuyển ngay cho Carlos xem. Anh ta cũng vui không kém, tuy không hiểu những dòng chữ bằng tiếng Việt mô tê như thế nào. Carlos khoe với mình rằng đã cho một số bạn người Việt xem truyện, như một cách giới thiệu trực tiếp về tác phẩm của mình.
Sau khi truyện được đăng, cả Carlos và mình đều bận rộn nên mình cũng không có dịp trao đổi ý kiến với anh ta về ý nghĩa câu chuyện mà mà anh ta đã sáng tác. Tuy nhiên, những ngày sau đó, mình vẫn suy nghĩ nhiều về câu chuyện bi thảm này. Truyện tuy ngắn mà chuyển tải thật nhiều thông điệp. Đó là cuộc sống của những người bình thường, với những ước vọng bình thường, sống dưới áp bức của giai cấp cầm quyền và gặp phải những hoàn cảnh đau thương. Bên cạnh đó, câu chuyện như còn nêu lên nghi vấn muôn đời của nhân loại: Thượng đế có hiện hữu hay không? Và nếu có thì thật đáng buồn khi ngài phải thúc thủ trước những thảm kịch của nhân loại mà chính ngài đã tạo dựng ra.
Lúc dịch trong truyện ngắn đó, mình có yêu cầu Carlos gởi cho mình một tấm hình chân dung và một đoạn tiểu sử để mình kèm vào bài gởi đi. Carlos sốt sắng gởi cho mình ngay. Đọc những dòng tiểu sử của anh ta, mình thấy thán phục quá. Hoá ra Carlos là hội viên của hội những nhà làm nghệ thuật của Cuba và đã từng đoạt nhiều giải thưởng về thi ca. Anh ta có khoe với tôi rằng không bao lâu nữa, anh hy vọng sẽ có cuốn truyện dài đầu tiên xuất bản. Anh C. đã từng có sách xuất bản, chắc anh hiểu cảm xúc của một người cầm bút như thế nào khi thấy tác phẩm đầu tiên của mình ra mắt độc giả.
Thế là thầy trò, dù đôi bên cùng rất bận, vẫn thỉnh thoảng gởi email cho nhau. Càng ngày, Carlos càng thố lộ nhiều tâm sự với mình. Mỗi bức email của anh ta, mình thấy như là một bài thơ nho nhỏ, chất chứa tài hoa và tâm tình của một người nghệ sĩ. Như mọi lần, Carlos vẫn dùng nhiều từ ngữ văn hoa mà chỉ thường tìm thấy trong văn chương, thi phú, chứ ít khi nghe ở ngoài đời thực. Vốn liếng ngữ vựng của mình trong tiếng Tây Ban Nha, ngược lại, nằm ở một lãnh vực khác, rất máy móc và khô khan, chỉ có một điều giống với chữ nghĩa của Carlos là chúng cũng chẳng bao giờ được dùng trong cuộc sống hằng ngày.
Carlos cho biết, anh ta đang phải đánh vật với nhiều công việc đa đoan, buổi sáng làm thầy giáo, buổi chiều làm học trò. Anh còn nói thêm là phải “lo toan cho hai gia đình cùng một lúc”. Mình đoán đó là gia đình của anh còn ở Cuba và gia đình ở Cali. Mình cũng tò mò muốn biết gia cảnh của anh ta ra sao, cũng như về duyên cớ nào anh ta đã qua được Mỹ, nhưng không tiện hỏi. Một người thầy không nên tỏ ra quá hiếu kỳ như thế.
Tuy nhiên, mình vẫn được biết thêm đôi chút về Carlos. Anh ta cho biết, qua một email ngắn, rằng vì lớp học có nội dung phức tạp quá, anh ta có nhờ vợ cùng ngồi nghe bài giảng với anh. Anh giới thiệu cô vợ có mẹ là người Mễ Tây Cơ và cha gốc Peru. Anh còn khoe là cô rất thông minh, bén nhạy, hy vọng có thể giúp anh về mặt ngôn ngữ học của tiếng Tây Ban Nha.
Mình trả lời, bảo rất vui khi biết bây giờ Carlos đã có “phụ tá” trong lớp học. Mình còn viết, nửa đùa nửa thật: “Vui cũng có, mà lo cũng có. Bây giờ tôi tự hỏi tôi là ai mà dám giảng bài về tiếng Tây Ban Nha cho hai người bản ngữ như anh chị? Hy vọng tôi sẽ không phụ lòng anh chị nhé.”
Vì bây giờ đã biết Carlos có gia đình, mình mới hỏi hai người đã có con cái gì chưa. Để công bình cho cả hai bên, mình cũng cho anh ta biết rằng vợ chồng mình có hai con, một trai, một gái. Mình viết thêm, khá văn hoa (có lẽ do lây cái tài văn chương của Carlos): “Con cái là nguyên do mang lại những giờ phút vui vẻ cho chúng tôi, mà cũng là kết quả của những giờ phút thao thức không ngủ vào ban đêm.”
Trong buổi học vừa rồi, phía bên Carlos dường như có nhiều trục trặc kỹ thuật, hay về chuyện gì khác cũng nên. Âm thanh micro của anh ta không đều, lúc to, lúc nhỏ, làm giọng Cuba của anh vốn đã khó nghe đối với mình lại càng khó nghe hơn. Có lúc màn ảnh của anh hoàn toàn biến mất, rồi một lúc sau anh mới trở lại. Gần cuối giờ học, trong nhiều tiếng lao xao của sinh viên trong lớp, tôi nghe giọng Carlos phân trần, xin lỗi tôi vì anh không được khoẻ và gặp trục trặc về internet nên có lúc bị gián đoạn. Mình chỉ cười và nói không sao.
Sau buổi học hôm đó, mình lại nhận liên tiếp hai cái email của Carlos. Mình chưa kịp trả lời cái trước thì đã nhận cái sau. Anh ta cám ơn mình đã chia xẻ chuyện gia đình với anh, đồng thời than thở là đang bị chứng đau lưng tái phát (Carlos chưa đến 40 tuổi) và mới nhận tin không vui từ quê nhà. Anh ta viết: “Tôi cũng có một đứa con trai đã 15 tuổi. Thật ra, đó là con của người chị tôi. Tôi nhận nuôi cháu đã từ lâu vì mẹ cháu bệnh hoạn triền miên, không thể lo cho chính bản thân chứ đừng nói đến lo cho con cái. Khi bỏ cháu sang đây, tôi đau lòng khôn tả. Tôi vừa nhận tin chị tôi đang trở bệnh nặng bên quê nhà. Tôi khổ tâm quá mà thấy bất lực, không làm gì trong lúc này được cả.”
Carlos còn viết thêm: “Tôi phải xin lỗi thầy vì tôi học hành trong lớp chưa tới nơi tới chốn. Chính tôi mới là người đang phụ lòng thầy. Qua cách thầy giảng bài và thảo luận với chúng tôi trong lớp, tôi cảm được tất cả những đam mê và hứng thú mà thầy đem hết vào môn học thầy dạy. Tôi không dám viện cớ này cớ nọ về gia đình hay công việc để biện minh cho những thiếu sót của mình. Tôi chỉ xin hứa với thầy là tôi sẽ cố gắng nhiều hơn, cho thầy và cho cả chính tôi. À, còn về chuyện con cái thầy hỏi thăm, vợ chồng tôi cũng đang mong có một cháu bé càng sớm càng hay.”
Trong đời đi dạy của mình, cũng lắm khi mình có những mối quan hệ đặc biệt với một vài sinh viên, vượt quá giới hạn bài vở, trường lóp, khi thầy trò cùng san sẻ tâm sự, vui buồn trong cuộc sống cá nhân. Đối với những sinh viên đó, mình có một ngăn riêng trong tim để giữ lại những hình ảnh khó phai nhoà về các em. Lần này, mình lại thấy những xúc cảm đó đối với Carlos. Đọc xong email mới nhất của anh ta, mình bồi hồi ngồi thừ ra một lúc. Hoá ra đằng sau mỗi con người là cả một thế giới muôn màu, vui có, buồn có, mà nhiều khi dường như buồn lại còn nhiều hơn vui. Nghĩ như vậy, mình chợt nhớ đến hai câu thơ mình viết đã lâu lắm rồi, khi còn ở Việt Nam, lúc chỉ là một thanh niên mới lớn đã sớm biết buồn: “Mỗi người là mỗi cơn đau, mỗi người là mỗi cơn sầu thiết tha.” Nghe “sến” quá, nhưng chắc cũng có phần đúng, phải không anh C.?
Cũng là một người cha, mình có thể phần nào cảm được tâm tình của Carlos khi phải xa con của anh như thế nào, tất nhiên là không thấu hết được những trăn trở của riêng anh, vì chỉ có ở trong cuộc mới biết được nỗi buồn đó sâu xa đến ngần nào. Rồi mình lại tưởng tượng đến nỗi buồn nhớ cha của cậu bé con Carlos ở quê nhà, một nỗi buồn vừa hồn nhiên, vừa tội nghiệp, cũng bất lực như người cha không thể nào một sớm một chiều bay về với cậu để an ủi nhau trong những lúc khó khăn này.
Thốt nhiên, mình thấy rõ ràng rằng có một mối liên hệ giữa câu chuyện “Con Trai Người Thợ Rèn” và cha con Carlos. Không biết anh ta có gởi gấm tâm sự của mình vào câu chuyện đó hay không. Người nghệ sĩ thường nhìn những sự kiện trong đời sống của mình bằng cặp mắt rất khác thiên hạ. Họ “nghệ thuật hoá” các tình tiết hay tâm trạng của chính mình trong cuộc sống, biến chúng thành những tác phẩm đầy sáng tạo. Qua đó, họ làm thăng hoa cái đẹp hay hạnh phúc, nhưng nhiều lúc cũng bi thảm hoá những nghịch cảnh, những nỗi buồn. Bằng chữ nghĩa, nhà thơ, nhà văn thêm cường độ, nồng độ vào thực trạng, tạo nên một chiều thứ tư cho những hoàn cảnh tự chúng đã vốn là ba chiều, vốn đã hết sức sống động. Cũng như trong hội hoạ, các bức tranh bao giờ cũng mang màu sắc thật nóng, thật lạnh, hay thật nổi trội, đối nghịch hẳn với màu sắc bình dị trong cuộc sống thường ngày, nhưng đồng thời cũng thật hiệu quả vì chúng giúp lột tả tất cả những gì con người không thể đạt tới bằng cách biểu hiện qua những phương tiện tầm thường.
Trong truyện ngắn “Con Trai Người Thợ Rèn”, Carlos đóng vai thượng đế để kể lại một câu chuyện thương tâm, mà đoạn kết là cảnh hẩm hiu của người cha gà trống nuôi con. Mình nghĩ, chắc đến một lúc nào đó, anh nhà thơ-nhà văn-thầy giáo-sinh viên-người cha này sẽ ngồi xuống viết một câu chuyện khác. Trong đó, mình tưởng tượng, Carlos sẽ kể chuyện qua nhãn quan của cậu bé có người mẹ bệnh hoạn, phải sống xa người cha nuôi mà cậu hằng thương yêu. Một ngày của cậu ở ngôi làng nhỏ ở Cuba ra sao? Tuổi vừa lớn của cậu, với hoàn cảnh gia đình, với những sinh hoạt hằng ngày như thế nào? Cậu mơ ước những gì? Nỗi buồn của cậu khắc khoải đến đâu? Cậu muốn nhắn nhủ điều gì với tất cả những cậu bé cùng tuổi may mắn có đầy đủ cha mẹ vui vẻ, khoẻ mạnh?
Anh C. thân yêu, mình muốn kết thúc lá thư/câu chuyện của mình lần này bằng những câu hỏi như vậy. Câu hỏi thì bao giờ cũng nhiều hơn câu trả lời. Câu hỏi làm chúng ta còn chút gì tò mò, háo hức để sống. Tưởng tượng một thế giới chỉ toàn là những câu trả lời, chắc sẽ nhàm chán lắm. Mình còn rất nhiều câu hỏi dành cho Carlos, nhưng mình sẽ không hỏi anh ta đâu. Mình muốn giữ một chút háo hức trong đời sống. Còn anh C. của mình nghĩ như thế nào?
Thân chúc anh C. và gia đình luôn an vui trong những ngày tháng đầy âu lo này.
Người bạn xa thăm thẳm của anh.
Trần C. Trí
No comments:
Post a Comment