Phan.
Tôi ngồi coi phim chờ khô tóc để đi ngủ. Chuyện phim một đàng, nhưng nửa đêm thức giấc, tôi nghĩ đàng tôi. Phim “Heaven knows Mr. Allison” bắt đầu với một người Thủy quân Lục chiến Mỹ – thời Đệ nhị thế chiến (1944), anh ta trôi dạt trên một chiếc thuyền cao su ở vùng biển Nam Thái bình dương. Tới lúc anh sắp chết vì đói khát, thì hàng dừa xanh cao vút trên một hòn đảo ở vùng biển Nam Thái bình dương mới hiện ra ở chân trời. Người lính đương nhiên tìm lên đảo. Hòn đảo không phải là đảo hoang mà có dấu vết của sự sống, là ngôi Giáo đường cũ kỹ. Chỉ có một Ma Soeur trẻ sống nơi đây là Sister Angela. Thực ra có vị Linh mục nữa, nhưng ông đã chết trước đó không lâu,…
Hai người trẻ tương kính lẫn nhau để cùng sống sót. Nhưng máy bay oanh tạc của Nhật thả bom một trận dữ dội. Ngôi giáo đường cháy rụi. Họ chỉ còn một chỗ ở nhỏ nhoi của Sơ. Hai người cùng nhau kiếm sống cả ngày trong rừng, ngoài biển, tối về ngủ chung trong gian phòng nhỏ của Sơ còn lại sau trận oanh tạc tơi bời hoa lá. Tình cảm nảy nở trong anh lính trẻ đầy ý nhị, và trong lòng bà Sơ thì sự kính trọng tư cách, đạo đức của anh cũng dâng cao…
Cuộc sống khó khăn của hai người càng khó khăn hơn khi quân đội Nhật đổ bộ lên đảo. Họ lục soát, bới tung hoang đảo vì an ninh của họ. Vì thế Allison và Angela phải sống lẩn trốn trong một hang đá. Anh lính trở lại ngôi nhà thờ đã cháy rụi, tìm trong đổ nát, anh chỉ nhặt về hang đá một cây thánh giá bằng kim loại đã cháy xém, để Sơ có điểm tựa tinh thần mà đọc kinh. Việc của anh hằng ngày là lẻn vào trại lính Nhật để “mượn” đồ hộp về hang mà sống, và thăm dò tình hình…
Quân Nhật dựng trại, cất nhà Chỉ huy để đóng quân trên đảo. Nhưng không lâu, họ rút hết đi.
Hai người khốn khó được thừa hưởng gia tài do quân Nhật để lại. Họ có cuộc sống có mái che không dột đã mừng, có phòng riêng để ngủ. Nhưng anh lính thường ngủ vật dưới đất, càng gần Sơ càng tốt; vì anh lo cho an nguy, bất trắc của Sơ, lo sợ không biết lính Nhật trở lại lúc nào; vì họ ra đi mà không phá hủy những gì họ đã xây dựng nghĩa là sự trở lại rất cao…
Sơ hiểu được tấm lòng người lính trẻ nên càng quý trọng anh hơn.
Sự tình cờ thú vị là một hôm khi xúc gạo trong bao gạo dở dang, mà lính Nhật bỏ lại, để nấu cơm cho hai người, Sơ Angela tình cờ thấy trong bao gạo có một chai Saké cũng đã uống dở. Cổ chai cắm xuống đáy bao gạo…
Tôi coi phim để chờ khô tóc, vì ghét cái máy sấy tóc, nên ngủ ngồi trên sofa nhiều hơn coi. Nhưng mê hình ảnh thoáng qua với triết lý phương Đông! (Chưa biết người viết kịch bản phim, và Đạo diễn John Huston tính giở trò gì đây ?). Tôi chộp lấy cái triết lý sống đã thành văn hóa của người lính Nhật. Một người Nhật uống rượu Saké, thì như một người Việt uống rượu đế mà thôi, là loại rượu quốc hồn quốc túy của dân tộc. Người uống, ngoài việc thưởng thức rượu bình thường của một Tửu đạo; luôn thể hiện lòng trân quý tinh hoa dân tộc, nên chai rượu uống dở được cắm ngược trong bao gạo ăn dở, cho thấy Tửu tử này không chỉ là người sành điệu về rượu, mà còn là một người có tinh thần dân tộc rất cao. Bởi chai rượu (đã khui) này có để bao lâu thì chất nước rượu trong chai cũng luôn tẩm ướt cái nút chai, làm cho rượu không mất mùi, loãng men;
chai rượu ủ trong gạo thì giữ được nhiệt độ thấp cần thiết, và ổn định cho rượu …
Tóm lại là một tay sành về rượu, và giàu tinh thần trân quý đặc sản tinh hoa của dân tộc – là tinh thần dân tộc. Với người lính, họ chỉ biết nơi mình ra đi là quê nhà; nơi mình trở về là cát bụi bởi súng đạn vô tình. Vì đời lính chỉ có đi cho tới chết, không có trở lại. Ai đi lính mà về lại được là phép màu, nên nơi về sẽ chính là nơi đã ra đi, là quê nhà. Thế nên ý định của người lính Nhật khi cất chai rượu Saké một cách sành điệu, và trang trọng như thế chắc chắn không để anh ta trở về đây uống tiếp… Anh ta cất cho người đến sau. Tôi tin tưởng anh lính Nhật đã cất chai rượu uống dở cho người hữu duyên. Tôi nghĩ anh chỉ là một thường dân, rồi trở thành người lính khi đất nước có chiến tranh, anh bị động viên đi lính, nên việc hành xử của anh mang tính văn hóa dân tộc anh.
Đó là sự đúc kết triết lý sống nhiều đời thành văn hóa. Triết lý trong văn hóa không phải là kiến thức Bác học, cái lưỡi Chính khách, mà là hành xử của một người lính thường, một thường dân. Một người thường dân có thể nói lên văn hóa của dân tộc họ qua hành xử, ứng xử. Trong khi một Bác học chỉ biết cách khai thác và sử dụng tài nguyên của đất nước sao cho có lợi nhất về mọi mặt; một Chính khách chỉ biết bảo vệ quyền lợi của đất nước mình trên trường quốc tế bằng mọi giá với ba tấc lưỡi ...
Tôi bần thần với hình ảnh đẹp trong phim tới đi ngủ. Dù người viết kịch bản phim, và Đạo diễn giấu chai rượu Saké uống dở trong bao gạo ăn dở với mục đích khác !
Sơ Angela mở chai rượu ra ngửi thử, đưa cho anh lính, rồi hỏi: “Có phải là rượu Saké của người Nhật?”. Anh lính xác nhận: đúng !!! Xong, anh rót ra hai cái ca, mời Sơ nhẩm chẩu!
Sơ hớp tí rượu cho đủ lịch sự với người mời, chứ không uống. Còn anh lính thì chơi bứt luôn chai nước thánh của xứ Phù tang mặt trời mọc …
Thì ra người viết kịch bản phim, và Đạo diễn dùng chai rượu Saké để anh lính dùng rượu nói lời cầu hôn với Sơ ! Câu trả lời của Sơ buồn như nước Thánh quá đát, đại khái là:
“Tôi sẽ không bao giờ quên ông (anh), với lòng kính trọng của tôi. Nhưng trái tim tôi đã dâng hiến cho Chúa trọn cuộc đời này. Tôi xin lỗi…”
Rồi anh lính nói gì đó về đạo và đời, thì tôi cũng đã ngất ngư như anh nên không rõ, chỉ thấy Sơ bối rối, chạy ra ngoài nhà, trời đang mưa to, hòa vào nước mắt Ma Sơ nhạt nhòa, Sơ Angela chạy miết vô rừng… gục ngã trong mưa ....
Vừa lúc chiến hạm của quân Nhật ồ ạt trở lại đảo. Bộ binh đổ bộ lên đảo rất đông.
Anh lính quắc cần câu nên đi tìm được Sơ trong rừng thì trời đã sáng. Anh đưa Sơ về hang đá mà hai người đã lẩn trốn trước đây. Sơ nóng sốt mê man hết mấy ngày. Tỉnh dậy thấy mình được quấn trong nhiều lớp chăn đắp của quân Nhật, (do Allison mới đi trộm trong doanh trại quân Nhật về). Sơ nhìn váy áo của mình đang máng trên vách đá, để hong khô với ánh mắt buồn như đá ngây ngô… Nên anh lính giải thích: không thể để sơ mặc đồ ướt vì đã cảm lạnh.
Sơ cảm ơn anh đã chăm sóc cho Sơ mấy hôm mê man vì sốt, không biết gì hết…
Phim hay ở lời thoại lững lờ để tùy người xem phóng tác …
Hai người nghe tiếng máy bay ném bom, súng đại bác ngoài biển bắn vào đảo dữ dội… Anh lính dư biết là Thủy quân Lục chiến Mỹ tấn công Nhật, nên anh khuyên Sơ hãy rời khỏi hòn đảo nguy hiểm này…
Và rồi, cảnh cuối là Thủy quân Lục chiến Mỹ khiêng anh trên băng ca, treo chai nước biển, ra tàu chiến Mỹ. Lúc lính Mỹ giao chiến với quân Nhật trên đảo, anh đã lẻn vào doanh trại Nhật để phá hủy những khẩu súng đại bác có thể bắn ra tới tàu chiến Mỹ ngoài khơi, nên anh đã bị thương.
Sơ đi theo băng ca ra tận tàu. Nhưng Sơ đứng lại bờ biển một mình, tay ôm cây thánh giá cháy xém, tay cầm cái lược gỗ do anh lính làm và tặng Sơ… Sơ ở lại hoang đảo chứ không về đất liền với Allison. Sức mạnh của niềm tin là cái không thấy, nhưng khi hiện hữu thì vô song. Ngôn ngữ điện ảnh khác chữ viết chỗ đó!
Một phim hay, nhưng chỉ được đánh giá 3 sao (***). Thật khó hiểu cho thị hiếu điện ảnh bây giờ! Trong khi phim trên 3 sao thì toàn sex với súng …
Với tôi, đem lên giường ngủ hình ảnh chai rượu Saké cắm trong bao gạo. Tôi thích cách để lại hào hiệp, sành điệu, thích cái văn hóa để lại cho ai không quan trọng. Chỉ cần coi trọng người thừa hưởng thì tất họ sẽ biết trân trọng di sản; tiền nhân… Đơn giản là sau bốn ngàn năm văn hiến, người Việt vẫn Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm vào mùng Mười tháng Ba. Nhưng ngày sinh nhật đảng cộng sản Viện Nam thì người ta chửi om trên các phương tiện truyền thông là vậy!
Trở lại với văn hóa. Văn hóa phương Đông ẩn tàng ngay trong chuyện đời thường, người thường. Tôi so sánh với văn hóa đời thường của phương Tây qua sự nhớ tới một phim cao bồi tôi đã xem và thích.
Phim mở màn với ông già tóc bạc, đang chẻ củi trước sân nhà. Một ông cao bồi già khác, dừng ngựa, nói: “Thằng bạn mình đã bị bọn hèn hạ (đúng từ ông dùng là chó đẻ) giết. Tao đi trả thù cho nó đây! Mày có đi với tao không?”
Ông già chẻ củi không đi, nhưng cũng thôi chẻ củi. Ông ngồi nhìn bạn một mình một ngựa khuất bóng tà dương, rồi hồi tưởng lại thời oanh liệt của bộ ba; ngồi ngắm vết xăm trên bắp tay ông mà hai người bạn ông cũng có, ông nhớ lời thề sống chết có nhau của ba người từ khi “kết nghĩa giang hồ”! Sau đó, ông vô thức đi thắng yên ngựa. Vô nhà lấy mấy cây súng đã lâu không dùng…
Cảnh tôi thích nhất là ông lưỡng lự về việc đem theo cây súng săn thì không cần thiết, nhưng để lại nhà… thì… ông có về lại nhà nữa không?
Cây súng dài (shotgun) đã giắt vào hông ngựa; hai cây súng lục đã đeo hai bên hông ông cao bồi già. Ông cầm cây súng săn ngắm nghía. Bần thần ngồi xuống góc bàn gỗ thô sơ trong nhà… Ông hồi tưởng lại khi ông còn nhỏ, cha ông mua cây súng săn này về nhà, ông chỉ sờ tay lên cây súng đã sợ mà thích mê tơi. Rồi bao lần cha con đi săn nai, heo rừng, cá sấu với nhau. Ông nhớ đến mẹ, em gái, trong căn nhà yên vui của ông thuở nào… Rồi bọn thảo khấu qua làng, ông chưa đủ lớn đã phải nhặt súng ngắn, súng dài của những người đã chết trong làng để chống trả với bọn chúng.
Tan khói súng chống côn đồ, thổ phỉ, ông nhặt cây súng săn này trên tay cha ông – đã chết. Ông tự tay đào huyệt chôn cất cha mẹ, và em gái mình.
Sau khi cắm ba cây thánh giá trên ba ngôi mộ của người thân. Ông thúc ngựa đi với cây súng săn này. Cuộc đời cao bồi của ông bắt đầu từ đó; từ vô danh tới tiếng tăm lẫy lừng, sau khi kết nghĩa anh em với hai người bạn – thành bộ ba trừ gian diệt bạo như phim Tàu. Cuộc đời vô định của ông chỉ có hai người bạn vào sanh ra tử, thì nay một người vừa bị bọn chó đẻ giết chết…
Ông già, tháo cây súng săn ra từng bộ phận, lau chùi cẩn thận. Vừa lau vừa nhớ người tình đẹp như mơ mà ông từng tập bắn cho nàng cũng bằng cây súng săn này… Nhưng thành thục thì nàng quay lưng theo kẻ giàu sang… (Đời cao bồi Mỹ y như kiếm khách phim Tàu; chỉ khác là cao bồi ăn một viên kẹo đồng là bái-bai –đi lãnh check; không như Kiếm khách ăn nhát tiểu nhân, tà đạo, nên phải phân trần chừng một tập phim mới chịu tắt thở ở phim trường để… đi ăn hủ tíu).
Ông già ráp súng lại như ráp từng mảng ký ức xưa cũ. Cuối cùng, ông máng cây súng nhiều kỷ niệm lên cột nhà một cách trang trọng, trân quý… Ông để lại cho người hữu duyên cây súng săn như anh lính Nhật để lại chai rượu Saké cho người đến sau. Văn hóa Đông Tây đâu đó có điểm tương đồng trong nhân văn.
Tôi nhớ ông dắt con bò, với hai con dê sang cho nhà hàng xóm. Người cao bồi già đi chuyến cuối trong tiếng guitar thùng thật buồn, một bài flamenco thường làm nhạc nền trong phim cao bồi nhưng tôi không biết tên bản nhạc.
Tôi nghĩ tới một tay mê súng nào đó của đời sau. Bỗng trời cho cây súng săn tuyệt đẹp và quý giá này lọt vào tay hắn. Tay cao bồi đời sau dù có chọc trời khuấy nước tới đâu – cũng có lúc tri ân tiền bối khi nhìn cây súng quý giá và tuyệt đẹp do hữu duyên mà hắn có được. Hắn cũng sẽ trang trọng để lại cho người hữu duyên của đời sau hắn …
Văn hóa Đông Tây gặp nhau ở cách cho hơn của cho. Hình ảnh chai rượu Saké chôn kỹ trong bao gạo của anh lính Nhật; hình ảnh ông cao bồi già máng cây súng lên cột nhà làm tôi liên tưởng tới những tay kiếm trong Kim Dung, cả đời nghiên cứu kiếm thuật tới thượng thừa, sở hữu thanh bảo kiếm vô song… nhưng không có truyền nhân thích hợp để truyền lại hết tinh hoa kiếm thuật, và bảo kiếm của mình nên đành chôn giấu nơi thâm sơn cùng cốc – đến hàng trăm, mấy trăm năm sau – cho người hữu duyên – có kiếm khiếu bẩm sinh, tư chất thích hợp, đạo đức hơn người… Hơn hết là duyên ngộ đưa lối chỉ đường đến chỗ thâm sơn mà thừa hưởng bí kíp và bảo kiếm…
Đông tây kim cổ đều giống nhau, là không ai muốn mất đi tinh hoa của mình sau đời người hạn hữu. Ý nguyện để lại cho đời sau di sản của mình như một nét nhân văn chung của nhân loại. Điều ấy khởi nguồn từ ý thức, nhưng qua nhiều đời trở thành thói quen trong tâm thức; và thói quen lặp lại nhiều lần thành phong tục; phong tục lặp lại nhiều đời thành văn hóa. Nhiều nền văn hóa cộng hưởng lâu dài thành văn minh nhân loại …
Trời đã về sáng, bỗng nhớ tới thằng bạn lạ lùng thuở nhỏ. Nó bắn ná như đặt hòn sỏi vào bất cứ điểm nào nó muốn. Đơn giản là nhà nó nghèo quá, gạo không đủ nấu cơm ăn thì làm gì có thịt, cá làm thức ăn. Nên ngoài giờ học, nó lang thang bờ sông, vạt rẫy… nó thấy con chim nào, thì coi như con chim đó sẽ nằm trên mâm cơm nhà nó. Trung bình một ngày nó bắn không dưới mười con chim, xỏ sâu đem về nhà cho bà ngoại nó chế biến thành thức ăn.
Cái ná của nó dị lắm, cách chọn những hòn sỏi làm đạn của nó khác hết những đứa trẻ thích chơi bắn ná mà trong đó tôi cũng là một tay ham mê. Nhưng tôi vẫn cảm thấy sát khí từ cái ná của thằng bạn rờn rợn mà những cái ná chơi vui của bọn tôi không có cái sát khí ấy! Tôi làm ná hình chữ Y như mọi đứa, cán dài hơn bình thường cho đằm tay khi bắn, coi như kinh nghiệm cá nhân. Nhưng nó làm ná gần như hình chữ U – chỉ đơn giản để dễ giấu trong bụng. Tạo nên hai trường phái cho cả trường, cả xóm làm theo …
Nhiều năm sau gặp lại, khi đứa nào cũng đã trưởng thành. Ngồi uống cà phê với nhau, nhắc chuyện hồi nhỏ, tôi với nó thường thi tài bắn nhanh là chúng tôi ra đồng theo những người đi đào chuột đồng. Thường chuột làm hang ở gò.
Nên trước hết người đi đào chuột sẽ dùng sình (đất nhão) bịt hết những ngõ ngách hang chuột quanh gò, vì hang chuột nhiều ngõ ngách ăn thông với nhau. Người ta đặt hom ở những lối chính là những miệng hang lớn. Sau đó đốt rơm để xông khói vô hang chuột. Đàn chuột ngộp khói sẽ xông thí mạng ra ngoài. Con nào chui tọt vô hom thì yên phận khìa nước dừa đã rồi; con nào khéo né cạm bẫy, thì cũng khó thoát chết với mấy con chó tinh khôn, và lanh lợi, chúng bắt chuột giỏi hơn người.
Nhưng đâu có ai bịt hết được ngõ ngách của hang chuột, nên vẫn có những chú chuột tinh khôn thoát thân bằng đường bí đạo, mà chỉ con nào đào thì con đó biết! Những chú chuột tinh khôn này cũng có cách đối phó với chó săn là chúng nhanh chân lủi vô bụi rậm, là những bụi ô rô gai góc, thì chó không làm được gì chúng vì con chó to xác hơn con chuột bao nhiêu lần, làm sao chui nhanh, lủi lẹ được như chuột trong bụi rậm ???…
Và tôi với thằng bạn nhỏ này không tham gia bắt chuột, nhưng lăm lăm ná trên tay, hễ thấy con chuột nào thoát gò, trên đường bôn tẩu vào bụi rậm mà chó không thấy, hay không đuổi bắt kịp thì chúng tôi ra tay.
Đó là trò chơi thuở nhỏ, chúng tôi hơn thua nhau là bắn nhanh được mấy con chuột trong một lần ra đồng theo những người đi đào chuột. Đêm về trường (vì ngày xưa đi học, buổi tối phải ôm mền gối vô trường ngủ để coi chừng trộm cắp, gọi là đi trực trường. Không ngủ coi bàn ghế thì sáng ra, dân đã khiêng hết về nhà họ để làm củi nấu. Thời đói nghèo cả nước, biết trách ai?)
Những đêm đen như mực, thời tập tành hút thuốc lá… bạn bè cắm cái tàn thuốc lá còn cháy đỏ ngoài bờ rào kẽm gai xa xa cho tôi với nó lần lượt thi tài…
Hai kỳ phùng có thắng có thua từ mục tiêu di động tới mục tiêu cố định. Chúng tôi chơi thân với nhau từ lớp 8 tới lớp 12 chỉ vì cùng thích bắn ná.
Hôm tình cờ gặp lại nhau sau nhiều năm xa vắng, nhắc chuyện xưa nghe chơi, tôi kể cho nó về cái ná của mình:
“Năm tao đang học năm thứ hai, gia đình thu xếp cho tao đi vượt biên. Chiều cuối cùng ở nhà, tao thu xếp hành trang bái biệt quê hương bằng cách đốt hết thơ từ của mình; cho mấy đứa cháu vài món là quà lưu niệm của tao… chỉ còn cái ná. Tao cầm ra bờ sông, bắn bậy bạ một hồi. Có thằng nhỏ đi móc bịch nylon; nó bỏ móc, bị đeo trên lưng… rút ná trong lưng quần ra – y như tao với mày thuở nhỏ… nó lần theo con chim chảo, bự như con bồ câu nhỏ. Tao nhớ tới mày ngay, vì tao với mày chưa bao giờ bắn được con chim chảo bự như vậy! Hồi con chảo đậu trên đọt dừa, thằng nhỏ giương ná. Thấy cái ná của nó không đủ sức gãi ngứa con chảo kếch xù, nên tao ra tay cho thằng nhỏ có thịt ăn.
Thằng nhóc lanh dễ sợ, con chảo vừa rớt tới đất là nó đã có mặt. Nó cầm con chảo trên tay như tờ vé số trúng. Tao vui bụng vì nó nói: “cảm ơn anh”, chứ không gân cổ cãi là nó thấy con chim trước, tao không được bắn giành… Tao thấy như duyên phận của cái ná không được đi vượt biên, tao bỏ ý định đem theo cái ná ra biển. Tao cho thằng nhóc cả tuổi nhỏ của mình…
Còn mày?”
Nó cười không hở răng như khi còn đi học, nói: “Chưa bao giờ cái ná rời khỏi tao!”
Nó mở xắc cốt, (túi đeo của cán bộ) trong đó có cây súng ngắn và cái ná. Nó kể tôi nghe:
“… Xong Trung học, tao đi Kampuchia bốn năm, về làm việc cho huyện ủy tới giờ. Chưa bao giờ trong mình tao không có cái ná…”
“Rồi cũng tới một hôm nào đó! Mày treo cái ná lên cành cây cho đứa nhỏ may mắn?”
“Tao chưa nghĩ tới chuyện đó! Chỉ thỉnh thoảng, tao giương ná… có nhớ tới mày. Không ngờ hôm nay gặp!”
Không biết bây giờ thằng bạn nhỏ của tôi đã chịu giã từ tuổi nhỏ chưa? Và nó chọn cách để lại “bảo ná” của nó như thế nào vì cả trường, không đứa nào có cái ná sát khí hơn nó; còn cái ná của tôi chỉ bóng hơn, đẹp hơn, nên thuộc về thằng nhỏ móc bịch nylon biết nói: cám ơn !!!…
Những hành xử cảm tính, bản năng cứ diễn ra tuần tự trong đời sống để quên đi. Nhưng khi nghĩ lại xuất xứ của hành vi “để lại” thì từ Đông sang Tây đều giống nhau sự chọn lọc phẩm chất, lòng đam mê, sở thích, tình cảm gởi gấm, sự hy vọng… tất cả chung vào sự trao lại mà người trao chỉ cố làm sao cho đẹp nhất với kỷ niệm; người nhận cũng cố gắng xứng đáng mãi với sự được gởi gấm di sản của đời trước…
Từ phim ảnh ra đời thời, từ kỷ niệm tới hiện thực; từ vô thức tới ý thức… từ Đông sang Tây, lý tính, phán xét có khác nhau trong đời sống. Nhưng tình cảm con người vẫn coi trọng cách cho hơn của cho đối với người nhận. Với người cho vẫn tìm cách hay, đẹp nào có thể để lại di sản của mình cho đời sau. Sự đồng cảm của thế hệ cách biệt, phải chăng là nguồn gốc của mọi thăng hoa tạo nên văn minh?
No comments:
Post a Comment